Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
“Người Tài Không Thiếu, Chỉ Sợ Thiếu Chỗ”
L
à người có quyền “làm nhân sự” trong khuôn viên của mình, nhưng cũng đã từng là đối tượng được vài ba tổ chức Quốc tế
uy tín “săn” với mức lương rất cao, anh sẽ “ứng xử” thế nào trong vị trí của mình?” Đó là nội dung của cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.
“Người giỏi cũng như vợ đẹp, ai mà chẳng muốn” PV: Quan niệm của anh thế nào là một người giỏi?
NSD: Người giỏi là người làm một việc tốt hơn những người khác. Nghĩa là không có những người giỏi chung chung.
PV: Nếu là người giỏi nhưng “ngang ngang”, thích nói trái, thích phản biện và anh là nạn nhân?
NSD: Có lẽ, tôi không sẵn sàng tỏ tình với một người như vậy. Tuy nhiên, công việc thì không phải là chuyện tình tự. Một lời phản biện có lý lẽ sẽ ngọt ngào hơn một lời tâng bốc mà bạn thừa biết rằng bạn không xứng đáng.
PV: Anh đã “săn” được người giỏi nào về chưa?
NSD: Làm gì đến mức phải “săn”. Người giỏi thì đâu có hiếm, biên chế mới là cái hiếm hơn rất nhiều.
PV: Là Giám đốc Trung tâm thông tin Văn phòng Quốc hội, anh có quyền làm nhân sự trong chức trách của mình không?
NSD: Nói không sẽ là không phải, nhưng chắc sẽ dễ hơn nói có. Nhân sự trong các cơ quan nhà nước được bổ nhiệm theo một quy trình. Giám đốc là một mắt xích quan trọng trong quy trình đó. Tuy nhiên, một mắt xích thì không phải là một quy trình.
PV: Có bao giờ anh rơi vào trường hợp mong muốn có người giỏi
để làm việc nhưng lại phải sử dụng người không giỏi?
NSD: Người giỏi cũng giống như vợ đẹp ai mà chẳng muốn! Tuy nhiên, muốn chọn vợ đẹp thì cũng phải biết mình hấp dẫn đến đâu và quyền được lựa chọn cũng đâu phải là nhiều. Tốt hơn hết là nên vừa lòng với bà vợ mà mình đang có.
PV: Nhưng lẽ ra anh có quyền nhận và sa thải nhân viên cơ mà?
NSD: “Lẽ ra...” mà bạn nói chỉ là một sự suy luận. Trong các cơ quan nhà nước, việc nhận người cũng như đuổi người đều phải tuân theo các quy định của pháp luật. Các quy định này chặt chẽ đến mức có thể làm hạ hỏa mọi sự nóng đầu. Suy cho cùng, bao giờ bạn vẫn phải cân đối giữa hiệu quả và chi phí. Sự cân đối này thường không có lợi cho những việc làm nói trên.
PV: Khi có ai “gửi” người vào cơ quan, anh phản ứng thế nào?
NSD: Tôi để hạn mức biên chế của cơ quan phản ứng là chính.
PV: Anh có quan niệm những người đào tạo ở nước ngoài về là giỏi giang hơn? Trong khi tuyển chọn, anh có “để ý” những người có bằng cấp “dính chữ Tây” như mình?
NSD: Như đã nói ở trên, tôi không cho rằng có một thứ giỏi chung chung. Những người học ở nước ngoài về chưa chắc đã đẩy được công việc qua một loạt các quan hệ phức tạp và những luật lệ bất thành văn của hệ thống. Nhưng họ lại rất hữu ích cho hợp tác quốc tế và các hoạt động liên quan đến quá trình hội nhập.
“Tôi đã đôi lần được “săn”
PV: Anh đã bao nhiêu lần bị săn?
NSD: Không nhiều đến mức mất ăn, mất ngủ, nhưng cũng có đôi lần.
PV: Vậy, anh ngồi yên ở “khuôn viên” này bao nhiêu năm vì lẽ gì?
NSD: Không phải người nào cũng sẵn sàng bỏ một bà vợ yêu
để lấy một bà vợ giàu. Tôi cũng vậy.
PV: Nếu hiện tại anh lại được “săn” với giá rất cao thì anh hành
động như thế nào?
NSD: Tôi sẽ hành động như đã nói ở trên.
PV: Vì không thể rời bỏ vị trí mà nhiều người mơ ước, hay là đã
đến lúc không còn muốn thay đổi?
NSD: Giám đốc Trung tâm thông tin là một công việc hơn là ân huệ. Việc đánh đổi nó vì tiền với việc rời bỏ nó là hai điều khác nhau. Tôi chỉ khẳng định là sẽ không đánh đổi nó vì tiền mà thôi.
PV: Và anh đã cư xử thế nào trong vị trí của mình để không bị
“đông cứng” chất xám?
NSD: Tôi cứ làm công việc hàng ngày thì đầu óc đã luôn “cựa quậy” rồi. Điều đáng băn khoăn hơn là tình trạng tứ chi không thật phát triển, chứ không phải là điều ngược lại.
PV: Anh cho là mình đóng góp ở điểm nào nhiều nhất trong vị trí hiện tại?
NSD: Tôi cố gắng đưa những hiểu biết của mình về công tác thông tin hiện đại để phục vụ Quốc hội.
PV: Lương của anh hiện nay? Anh thu nhập thêm bằng nguồn nào? Tại sao anh đủ kiên nhẫn chấp nhận mức lương hiện tại?
NSD: Lương của tôi có hệ số 4,19 gì đó cộng thêm phụ cấp trách nhiệm 0,8 là gần 5,0. Cứ nhân lên với mức lương cơ bản là ra ngay trên 1 triệu đồng. Tôi có thể kiếm thêm bằng cách viết báo, tham gia các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, phiên dịch, thỉnh thoảng làm tư vấn... Tôi thấy không có gì phải phàn nàn, mặc dầu vẫn cho rằng lương nhiều hơn thì hợp lý hơn.
PV: Rất nhiều người có năng lực ở Việt Nam luôn tự dằn vặt về việc mình không được “bóc lột chất xám” như mình muốn. Theo anh thì làm sao để giải tỏa điều đó?
NSD: Thiết nghĩ cũng không nên dằn vặt quá nhiều. Năng lực thể hiện trước hết ở khả năng làm cho chất xám của mình trở nên hữu dụng và cần thiết. Hiện nay, cái thị trường cần chưa chắc chúng ta đã có; cái chúng ta đang có chưa chắc thị trường đã cần. Tôi cho rằng thị trường bao giờ cũng có lý hơn.
Lương Thị Bích Ngọc (VietNamNet)