Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Suy Nghĩ Trước Thềm Đại Lễ 1000 Năm Thăng Long - Hà Nội
P
V: Còn chưa đến 1000 ngày nữa, Thăng Long - Hà Nội sẽ tròn 1000 năm tuổi. Giáo sư Lê Văn Lan đã khẩn khoản đề nghị “cáo lỗi với mai sau”, rà soát lại tất cả các mục tiêu đã đặt ra cho dịp đại lễ này, để chỉ tập trung vào những dự án quan trọng nhất, khả thi nhất, tránh tình cảnh Hà Nội 2010 là một đại công trường. Còn anh có bi quan thế không?
NSD: Nếu việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chỉ dựa vào các công trình dự kiến sẽ được xây dựng thì bi quan thật, nhưng nếu dựa vào những thứ mà Hà Nội đang có thì mọi chuyện, có lẽ, sẽ sáng sủa hơn. Ngoài ra, 1000 năm Thăng Long chỉ có thể được kỷ niệm tốt nhất trong lòng mỗi người dân Hà Nội, rộng hơn là mỗi người dân Việt Nam. Khó có thể có cách kỷ niệm nào tốt đẹp hơn, sâu sắc hơn là việc đời sống người dân Hà Nội được cải thiện. Ánh mắt rạng ngời, nụ cười hạnh phúc của người Hà Nội chính là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sang trọng nhất, quí giá nhất. Mà điều này thì chỉ có thể xảy ra nếu những vấn đề cấp bách của Hà Nội sớm được giải quyết.
PV: Khi nói đến những vấn đề cấp bách của Hà Nội, chắc anh đang nhìn từ góc độ một người dân, chứ không phải góc nhìn của nhà quản lý? Đó sẽ là những vấn đề gì?
NSD: Nhà quản lý sẽ có ý nghĩa gì, nếu như góc nhìn của họ không thấy được những vấn đề mà người dân đang phải đối mặt? Ngoài ra, nếu đường tắc thì đâu chỉ có tắc đối với dân, mà còn đối với cả quan nữa. Vấn đề cấp bách đầu tiên phải nói đến là nạn ách tắc giao thông. Chúng ta sẽ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thế nào nếu đường chẳng đủ mà đi? Giải quyết nạn ách tắc giao thông vì vậy nên được coi là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long quan trọng nhất. Mà như vậy thì cần phải đầu tư kịp thời tiền bạc và tri thức để giải quyết vấn đề này. Giao thông về cơ bản là bài toán kỹ thuật. Thiếu kiến thức chuyên gia, thiếu đầu tư tài chính chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề. Nhân đây, cấm đoán không phải bao giờ cũng là một lời giải. Chưa nói tới việc nó còn có thể làm cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mất vui với rất nhiều người. Ví dụ như những người không còn cơ hội bán hàng rong để kiếm sống nữa chẳng hạn.
Vấn đề thứ 2 là nạn ô nhiễm môi trường. 1000 năm trước môi trường của Thăng Long đã từng rất trong lành. 1000 năm sau, môi trường đó đã bị chúng ta hủy hoại nghiêm trọng. Sông Tô Lịch đã biến mất. Nước Hồ Tây đã tanh nồng. Không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm gấp nhiều lần cho phép. Xét về mặt môi trường, đây chắc chắn không phải là thứ Thăng Long mà Lý Thái Tổ đã để lại cho chúng ta, nhưng lại rất có thể lại là thứ Thăng Long mà chúng ta sẽ để lại cho con cháu. Mà như vậy thì 1000 năm nữa mọi việc sẽ ra sao? Cải thiện môi trường vì vậy cũng cần phải được coi là công trình quan trọng thứ hai để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Ngoài ra, nếu bớt được những khoản chi tiêu không thật cần thiết cho việc tổ chức lễ hội để giải quyết những vấn đề dân sinh nóng bỏng mà những người dân nghèo, dân nhập cư đang phải đối mặt cũng rất có ý nghĩa. Sự long trọng của lễ hội và sự khốn khó của người dân thật khó có thể đi liền với nhau.
Xử lý được những vấn đề nói trên, hay chí ít, có được những giải pháp đúng đắn, khả thi để giải quyết chúng trong một tương lai không quá xa sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn hơn cho lễ kỷ niệm 1000 năm.
PV: Sẽ có người phản biện, nếu chỉ giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách để là nơi sống xứng đáng thì Hà Nội sẽ như bất cứ thành phố nào khác. Đâu là những giá trị riêng của Thăng Long ngàn năm qua, của Hà Nội ngàn năm tới?
NSD: Đâu là giá trị riêng của Thăng Long, của Hà Nội thì chúng ta còn có điều kiện để bàn, nhưng kẹt xe, ô nhiễm, bất bình đẳng xã hội chắc chắn không phải là những giá trị như vậy. Hơn thế nữa, một môi trường sống tốt đẹp là nền tảng không thể thiếu để bảo tồn và phát huy những giá trị riêng của Thăng Long.
Trở lại với những giá trị riêng của Thăng Long, chúng trước hết được lưu giữ trong lối sống phong nhã, quý phái của người
Hà Nội. Hãy nghe người Hà Nội nói, hãy nhìn vào phong thái của người Hà Nội, hãy chiêm ngưỡng cách thức người Hà Nội cư xử với nhau… Có biết bao nhiêu là lễ nghĩa, là sự thanh tao và bề dày văn hóa ở trong đó! Đó là những giá trị riêng của Thăng Long hàng ngàn năm qua và… hy vọng là của Hà Nội hàng ngàn năm tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thấy những người Hà Nội gốc đang ngày một ít dần. Rủi ro là cách sống pha tạp, hãnh tiến, xô bồ của dân tứ xứ đang có xu hướng lấn át cách sống hào hoa của người Hà Nội. Mà như vậy thì hồn văn hóa của đất Thăng Long sẽ không còn.
Ngoài ra, những giá trị riêng khác của Thăng Long là phố cổ Hà Nội, là Hồ Hoàn Kiếm, là di tích Hoàng thành Thăng Long… Những giá trị này thấy được, sờ mó được, nhưng cũng khó bảo vệ như những thuần phong, mỹ tục của người Hà thành vậy.
Bảo tồn lối sống thanh lịch của người Hà Nội, những di sản văn hóa của Hà Nội cũng chính là công trình quan trọng không kém để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong công việc này, thiếu sự tham gia của người dân, chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, sự tham gia nói chung của người dân là không thể thiếu để lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thật sự trở thành lễ hội.
PV: Người dân tham gia? Theo cách nào, anh có thể nói rõ hơn?
NSD: Đừng bao cấp. Hãy bảo đảm sự dự phần của người dân trong việc tổ chức lễ hội. Hãy phát huy “xã hội dân sự” để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từng người dân, từng nhóm cộng đồng sẽ có những sáng kiến của mình để kỷ niệm ngày đại lễ. Hội sưu tầm đồ cổ có thể triển lãm hiện vật của Thăng Long cổ chẳng hạn. Hội chơi hoa có thể triển lãm hoa. Hội những người chơi tranh sẽ triển lãm tranh về Hà Nội... Rồi các làng, các cụm dân cư sẽ có những điệu múa hát cổ để mang ra “khoe sắc”. Nhà nước chỉ cần tạo điều kiện cho họ được phát huy sáng kiến của mình. Đừng bắt người dân phải xin phép, phải thưa bẩm quá nhiều. 1000 năm Thăng Long là ngày hội của toàn dân Hà Nội, hãy để cho tất cả mọi người có cơ hội tham gia sáng tạo ra ngày hội đó, chứ không chỉ chiêm ngưỡng ngày hội đó.
PV: Nếu đẩy cờ sang tay dân, vai trò của nhà nước khi đó sẽ như thế nào? Còn chưa đến 1000 ngày, phải bắt đầu ngay để không cập rập?
NSD: Đây không hẳn là việc “đẩy cờ”, Nhà nước có việc của Nhà nước, người dân có việc của người dân. Việc của Nhà nước hiện nay là kêu gọi, thôi thúc người dân tham gia vào việc tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Điều này giúp Nhà nước không chỉ là bảo đảm sự dự phần của người dân, mà còn hiểu biết về việc hàng triệu người dân đang thực sự mong đợi điều gì từ ngày đại lễ.
Chúng ta có rất nhiều tổ chức xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội sinh viên, Hội chơi cây cảnh… Tại sao các tổ chức này lại không thể có sáng kiến của mình liên quan đến ngày đại lễ?
Vấn đề là Nhà nước cần lập ra một cơ quan đầu mối để thu thập và xử lý các sáng kiến, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức xã hội và người dân có thể thực hiện được các sáng kiến của mình.
Nhà nước còn có thể giúp đỡ về tài chính, địa điểm và bảo đảm an ninh, trật tự…
PV: Thăng Long là kinh đô, Hà Nội là thủ đô. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là niềm tự hào, là trách nhiệm riêng của Hà Nội?
NSD: Của Hà Nội là chính, nhưng không chỉ riêng Hà Nội. Thăng Long là của cả nước, là cái nôi của người Việt. Từ đây người Việt tỏa đi khắp nơi, xây dựng nên nước Việt Nam hiện tại. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Mạch nguồn của Thăng Long là dòng rất hay, mọi tỉnh thành đều có thể tham gia. Hãy tạo điều kiện cho các tỉnh tham gia và thi thố tài năng của mình.
Vậy thì, chúng ta không nên chỉ có một ngày kỷ niệm. Lễ hội nên kéo dài ít nhất một tuần, ngày 10/10/2010 sẽ là đỉnh điểm. Xã hội dân sự với sự tham gia của mọi tỉnh thành sẽ làm nên một 1000 năm Thăng Long đáng là dấu ấn, khi các vấn đề của Hà Nội có lối ra, như tôi đã nhấn mạnh lúc đầu.
PV: Xin cảm ơn những tâm huyết dành cho Hà Nội của anh.
Khánh Linh (thực hiện)