Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng Và “Thế Giới Ít Ràng Buộc”
L
àm thứ trưởng, tóc “muối” nhiều hơn “tiêu” nhưng ông lướt Ipad hết sức mượt mà. Trên bàn làm việc là bộ “đồ nghề” rất ICT; gồm một máy tính xách tay, một máy tính để bàn và hai điện thoại cầm tay. Con người Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vốn nhẹ nhàng, nho nhã nhưng những quan điểm về ICT của ông rộng rãi, cởi mở mà vẫn rõ ràng và sâu sắc. ICT với ông vừa là công việc vừa là sở thích…
Ông tự nhận mình không phải là dân ICT chuyên nghiệp (Ông thích dùng khái niệm công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communication Technologies = ICT) hơn là khái niệm công nghệ thông tin (lnformation Technology = IT); bởi ông quan niệm, thông tin không gắn với truyền thông thì chẳng khác gì hàng hóa tách rời thị trường). Nhưng ông cũng không phủ nhận những am hiểu của ông về ICT, về vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội, đất nước, nhất là trong hoạt động của Quốc hội. Tuy không trực tiếp bấm nút thông qua các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội, nhưng từ trong cánh gà của nghị trường, ông đã giúp cho các đại biểu thực hiện việc đó…
Quốc hội điện tử đã vào “guồng”
PV: Là người “cầm chịch” cho đề án Quốc hội điện tử từ khi còn là giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện và nghiên cứu khoa học của Quốc hội, ông có thể cho biết mức độ áp dụng của ICT vào Quốc hội hiện nay thế nào?
NSD: Việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong Quốc hội đã diễn ra hàng ngày. Các đại biểu có thể nhận công văn, tài liệu qua hộp thư điện tử cá nhân. Website của Quốc hội cũng là một kênh cung cấp các thông tin, văn kiện, tài liệu của kỳ họp quan trọng cho đại biểu và cử tri; đây cũng là kênh tiếp xúc quan trọng giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri.
Tuy nhiên, Quốc hội điện tử theo nghĩa Quốc hội và đại biểu liên hệ với cử tri dễ dàng qua Internet; đại biểu tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử qua website cá nhân như ở nhiều nước thì còn phải ở một quá trình nữa.
PV: Nếu có thể “xếp hạng” về mức độ tin học hóa của Quốc hội Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới, Quốc hội nước ta đứng ở vị trí nào thưa ông?
NSD: Quốc hội chúng ta đã có bước tiến trong áp dụng công nghệ thông tin và cùng tiến bước song song với trình độ ICT của nước ta và ICT ở nước ta đã có những bước tiến nhanh chóng trong những năm qua.
PV: Nhưng có vẻ như nhiều tiềm năng của ICT, các công
nghệ mới vẫn chưa thâm nhập được sâu và nhanh chóng trong hoạt động của Quốc hội?
NSD: Mọi thứ vẫn đang trong lộ trình hoàn thiện. Có người lập cả blog như đại biểu Dương Trung Quốc, nhưng cũng có đại biểu chỉ đơn giản dừng lại ở việc giao tiếp qua thư điện tử. Nhưng ngay kể cả khi đã có đại biểu điện tử rồi, liệu chúng ta đã có công dân điện tử để cùng giao tiếp chưa? Đông đảo các cử tri ở ta vẫn chưa thể có khả năng và điều kiện phản ánh thông tin, bày tỏ nguyện vọng qua mạng Internet. Đó là lý do khách quan chúng ta chưa thể áp dụng ngay các biện pháp công nghệ được; đặc biệt là ở một lĩnh vực đòi hỏi sự cẩn trọng như hoạt động của Quốc hội.
Ngoài ra, sự thận trọng trong việc áp dụng công nghệ cũng là cần thiết để tránh bị sập bẫy công nghệ. Đầu tư bằng tiền của dân nên chúng ta phải hết sức cân nhắc.
Còn định hướng đưa ICT vào hoạt động của Quốc hội đã rất rõ ràng. Quốc hội điện tử là một giải pháp hiệu năng và tiết kiệm. Một đại biểu đại diện cho 200 nghìn cử tri nên Internet là kênh dễ dàng để đại biểu đến được với cử tri, tạo nền tảng cho cái gọi là “chính quyền cho mỗi người dân”
Dùng Internet để “thăm dò” công dân điện tử
PV: Thông thường thì sau khi bầu xong đại biểu khóa Quốc hội mới, Văn phòng Quốc hội lại tổ chức phổ cập tin học cho đại biểu. Quốc hội khóa XIII sắp tới có phải tổ chức những lớp học bắt đầu cả từ việc sử dụng email như trước nữa hay không thưa ông?
NSD: Chúng tôi vẫn sẽ phát phiếu đăng ký cho các đại biểu. Nếu ai có nhu cầu thì học; nếu ai thấy không cần thiết nữa thì thôi. Với các đại biểu, việc quan trọng nhất là khả năng tham vấn quyết định chính sách lập pháp, các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát các quan chức hành pháp chứ không phải là trình độ ICT. Tuy nhiên, do yêu cầu của công việc, dù muốn hay không, ICT là công cụ quan trọng, các đại biểu bắt buộc sẽ phải tự trang bị, nâng cấp trình độ ICT của mình.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, một khi cán bộ, lãnh đạo không truy cập Internet, vào các blog, Facebook thì khó có thể hiểu công dân, đặc biệt là cử tri trẻ đang muốn gì. Ông nghĩ gì về cách đánh giá này?
NSD: Có rất nhiều ý nghĩa ở sự đánh giá này. Phần lớn giới trẻ đang sử dụng môi trường Internet để liên lạc, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Tất nhiên, đây sẽ là một kênh rất quan trọng để người lãnh đạo tìm hiểu về suy nghĩ, nhu cầu của lớp trẻ hiện nay để có những cơ chế, chính sách phù hợp.
Nhưng ngoài những suy nghĩ, những hoài vọng, giới trẻ
còn bộc lộ trong Internet những suy nghĩ, hành động có phần lệch lạc, sai lầm. Nếu không vào Internet để nắm bắt những hiện tượng này, chúng ta cũng khó có giải pháp phù hợp để giúp đỡ, giải cứu cho các công dân trẻ.
Thế giới ít ràng buộc
PV: Ông từng nói rằng, thanh niên Việt Nam muốn trở thành công dân toàn cầu ngoài ngoại ngữ phải có “giấy thông hành” về ICT. Vậy cá nhân ông có quan tâm, có hứng thú với các thiết bị công nghệ?
NSD: Có chứ! Cầm cái Ipad trên tay không khác nào chúng ta đang có một cái thư viện di động đó là một điều kỳ diệu. ICT đã làm thay đổi thế giới.
PV: Khi vào Internet, ông thường làm gì? Ông có muốn lập blog hay Facebook không?
NSD: Tôi chỉ là công chức, không phải là đại biểu Quốc hội nên cũng chưa có nhu cầu về lập blog để đối thoại với cử tri; một phần cũng vì tôi không có thời gian cho việc đó. Nhưng các con tôi đều có blog, nếu tôi có một blog, thêm một kênh để liên lạc với con cái cũng là điều tốt. Còn khi vào mạng, tôi thường đọc các báo điện tử và tìm các thông tin, tài liệu cho công việc.
PV: Hiện có hai loại quan niệm đối với Internet; một là kiểm soát chặt chẽ việc truy cập; hai là để người ta “bơi” rồi tự khẳng định trong môi trường đó. Nếu dạy bảo con cái trong việc tiếp cận Internet, ông sẽ chỉ bảo thế nào?
NSD: Tất nhiên là không kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt. Việc tiếp cận nguồn thông tin trên Internet là một điều cần khuyến khích. Nhưng dù sao, phải xác định, Internet là thế giới ảo, là sự bổ sung cho cuộc sống hàng ngày.
Tôi với anh ngồi đây, chúng ta mang trên vai 1001 ràng buộc. Vì sao anh gọi tôi là anh; tôi nhiều tuổi hơn nữa, anh sẽ gọi tôi là chú; rồi các cử chỉ, hành động, đi lại đều có sự ràng buộc. Những ràng buộc này có từ hàng ngàn năm nay mà nhiều khi chúng ta không thể hình dung ra được. Còn Internet là một thế giới khác, ít ràng buộc, ít phải chịu trách nhiệm. Một cu cậu có thể tán tỉnh một phụ nữ bằng tuổi chị, tuổi mẹ mình trên mạng cũng không cảm thấy khó khăn. Trong thế giới đó, mọi thứ đều rất ít ràng buộc, không phải chịu trách nhiệm nên chúng ta thường đơn giản hóa mọi sự việc. Vì vậy, chìm đắm vào Internet để rồi quên những gì đang diễn ra là không nên.
Điện thoại – tùy cơ ứng biến
PV: Ông có thường chứng kiến trong các phiên họp tổ ở Quốc hội (phiên họp ở hội trường bị “phá” sóng), nhiều đại biểu vẫn nghe và gọi điện không?
NSD: Chiếc điện thoại ngày nay là vật không thể thiếu, người ta có thể bổ sung cho nó hàng trăm tính năng, hàng nghìn giá trị gia tăng và có thể kiếm sống thoải mái trên nó. Nhưng đó cũng là nguyên nhân làm cho việc ứng xử với điện thoại trở nên vô cùng khó.
Ở một số nước, khi vào cuộc họp, họ tắt máy điện thoại di động hoàn toàn. Còn ở ta có nhiều cách ứng xử với điện thoại khác nhau, có người tắt hoàn toàn, có người vẫn mở bình thường, lại có người tắt chuông, để ở chế độ rung.
PV: Vậy, ông đối xử với chiếc điện thoại của mình thế nào, nhất là trong các cuộc họp?
NSD: Vào họp tôi vẫn mở máy nhưng tắt chuông. Nếu lãnh đạo, cấp trên gọi thì tôi sẽ “lén” ra ngoài để nghe máy. Đây là những cuộc gọi chỉ đạo, cần lấy các thông tin quan trọng để triển khai công việc, không thể không nghe. Nếu gặp số máy của người quen, tôi sẽ dập cuộc gọi đó và có thể nhắn một cái tin “tôi đang họp, sẽ gọi lại sau”. Còn nếu gặp số máy lạ tôi sẽ dập máy ngay.
Còn những khi không họp, trong giờ nghỉ hay giờ hành chính ở phòng làm việc, bất cứ cuộc gọi nào, số máy lạ hay quen, tôi cũng đều nghe máy.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hồ Sỹ Lực (thực hiện)