Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chống “Lạm Phát” Văn Bản, Thủ Tục: Cân Đối Giữa Tự Do Và Điều Chỉnh
S
ố lượng văn bản quy phạm pháp luật đang ngày càng có xu hướng tăng lên. Thống kê theo cơ sở dữ liệu của Văn phòng Quốc hội, đến tháng 2-2009, tổng số văn bản quy phạm đã được ban hành vẫn còn hiệu lực thi hành là 19.095 văn bản. Số lượng bản công báo trong năm 2007 đã tăng gấp 20 lần so với năm 2000. Điều đáng nói là trong một số lĩnh vực pháp luật, số lượng văn bản được ban hành bị đánh giá là ở mức “lạm phát” vượt quá nhu cầu điều chỉnh và áp dụng pháp luật. Đơn cử, trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, một thống kê trong năm 2008 cho thấy có tới 134 văn bản với tổng cộng 3.471 trang giấy. Riêng về thủ tục hành chính (TTHC), Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết hiện có 6.500 TTHC từ cấp bộ, cơ quan ngang bộ đến cấp địa phương, trong đó còn nhiều quy định TTHC chồng chéo, rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhất là ở cấp địa phương. Những vấn đề nêu trên, đặt ra nhu cầu cấp bách về chống “lạm phát” văn bản pháp luật nói chung và kiểm soát TTHC nói riêng. Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) về vấn đề này.
PV: Ông từng nhận xét một cách hình ảnh rằng, nếu in số văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hiệu lực thi hành hiện nay trên giấy khổ A4, thì có thể rải được quãng đường từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống cần có luật pháp để điều chỉnh, nhưng đến mức “lạm phát” thì có vấn đề, thưa ông?
NSD: Chuyện rải giấy từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đúng nếu chúng ta kể đến cả khối lượng văn bản quy phạm pháp luật khổng lồ của các địa phương.
Trả lời câu hỏi “lạm phát” các văn bản pháp luật sẽ có vấn đề hay không, thì quả là có vấn đề. Cuộc sống như dòng sông, không phải mọi sự nắm dòng đều cần thiết và đều hợp với lẽ tự nhiên. Những gì không hợp với lẽ tự nhiên sẽ gây ra chuyện “tức nước, vỡ bờ”. Ở tầm triết lý, phải luôn luôn có sự cân đối giữa tự do và điều chỉnh. Lạm dụng sự điều chỉnh sẽ trói chặt con người và xã hội bởi muôn vàn các quy phạm pháp luật. Mà như vậy, thì cuộc sống sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Tất nhiên, tự do không có điều chỉnh cũng không phải là điều đương nhiên tốt. Việc tự do hóa các thiết chế tài chính đã đưa lại những hệ lụy như thế nào cho thế giới thì chúng ta cũng đều biết rõ. Tự do tuyệt đối có thể dẫn đến xung đột và tình trạng vô chính phủ.
Xác lập được sự cân đối giữa tự do và sự điều chỉnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là một sự cân đối động. Sẽ có những giai đoạn phát triển chúng ta cần nhiều tự do hơn. Và cũng sẽ có những giai đoạn phát triển chúng ta cần nhiều sự điều chỉnh hơn. Lý thuyết lập pháp sẽ giúp chúng ta xác lập sự cân đối nói trên.
Về căn bản, lý thuyết lập pháp dạy rằng muốn làm luật phải biết vấn đề đang được đặt ra trong cuộc sống là vấn đề gì? Vấn đề đó do những nguyên nhân nào gây ra? Có thể xử lý các nguyên nhân đó mà không cần đến pháp luật không? Nếu câu trả lời là bắt buộc phải cần đến pháp luật thì chi phí mà chính sách lập pháp sẽ gây ra là như thế nào? Lợi ích của việc xử lý vấn đề bằng pháp luật có lớn hơn chi phí phải bỏ ra không?...
PV: Một vấn đề khác là số lượng văn bản pháp quy tăng cao đang khiến cho việc tiếp cận, tra cứu và áp dụng các văn bản này trở nên khó khăn hơn?
NSD: Có thể tiếp cận không khó khăn, nhưng tra cứu và áp dụng thì rất khó khăn. Đặc biệt là trong trường hợp công tác pháp điển hóa chưa được triển khai thường xuyên như ở nước ta. Đây cũng là lý do giải thích tại sao một vị quan tòa đã nói rất chân thành với Quốc hội rằng với hệ thống pháp luật dân sự như hiện nay thì xử thế nào cũng được. Vấn đề là chúng ta có nhất thiết cần phải có một hệ thống pháp luật để xử thế nào cũng được hay không?
Theo tôi, chúng ta không cần một hệ thống pháp luật như vậy. Chẳng thà xét xử theo công lý và lẽ phải, thì vẫn hơn là xử thế nào cũng được.
PV: Ngoài lý thuyết lập pháp, còn có công cụ nào khác để giải quyết từ gốc vấn đề “lạm phát” luật, thưa ông?
NSD: Công cụ thì nhiều, nhưng chúng phụ thuộc rất lớn vào truyền thống và văn hóa chính trị của từng nước. Ví dụ, cách thức tổ chức quyền lực để các quyền có thể cân bằng và chế ước lẫn nhau chẳng hạn. Hạ viện có thể thông qua dự luật, nhưng thượng viện có thể bác. Hạ viện, thượng viện có thể thông qua dự luật, nhưng tổng thống có thể phủ quyết. Hạ viện, thượng viện thông qua dự luật; tổng thống phê chuẩn dự luật, nhưng tòa án có thể hủy bỏ dự luật bằng cách phán quyết rằng dự luật vi hiến. Một cách thức tổ chức quyền lực như vậy sẽ hạn chế được sự lạm dụng điều chỉnh. Ở bang Wasington (Hoa Kỳ), có thời kỳ một Thống đốc người gốc Hoa từng đã phủ quyết tới gần 90% tất cả các dự luật được nghị viên bang thông qua.
Thứ hai, trong luật của nhiều nước thường có điều khoản “mặt trời lặn” quy định về thời hạn chấm dứt hiệu lực của các quy phạm. Ví dụ Luật yêu nước của Mỹ chỉ một năm là hết hiệu lực, trong thời gian đó cơ quan công quyền có thể giám sát thư từ, email… của người dân vì an ninh quốc gia, nhưng hết thời hạn thi hành thì phải chấm dứt việc đó. Muốn gia hạn hiệu lực lại phải trình quốc hội thông qua.
Ngoại trừ những điều luật quy định về các quyền cơ bản của con người, còn lại các điều luật can thiệp vào đời sống của người dân đều phải có thời hiệu nhất định. Rõ ràng, điều khoản “mặt trời lặn” có thể giúp loại ra rất nhiều những văn bản luật không còn phù hợp với cuộc sống. Công việc của các nhà soạn thảo là dự tính thời gian sống của luật và chuẩn bị sẵn sàng cho những quy định mới phù hợp hơn.
Ngoài ra, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng là một công cụ rất quan trọng. Hoạt động này được sinh ra là để Quốc hội nhận biết kịp thời các chính sách lập pháp có còn phát huy tác dụng tích cực nữa hay không, hay là đã đến lúc phải hủy bỏ hoặc sửa đổi chúng.
PV: Hiện nay các chính quyền cấp tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản điều chỉnh cuộc sống của người dân, mà không ít trong số đó đi ngược lại quy định từ Trung ương? Ví dụ, mới đây Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” quy định cấm chở gia súc, gia cầm vào nội thành của Hà Nội.
NSD: Về nguyên tắc, văn bản do địa phương ban hành thì không được trái với quy định của Trung ương. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phân biệt thế nào là trái, quả không dễ dàng. Ở đây, thiếu một phán quyết của tòa án, nhiều khi không có cơ sở để khẳng định một văn bản có trái hay không. Rủi ro là hệ thống tòa án ở ta có thể chưa sẵn sàng cho việc ban hành kịp thời những phán quyết như vậy.
Trong điều kiện hiện nay, việc tham vấn người dân trước khi ban hành văn bản sẽ có ý nghĩa thực tiễn nhiều hơn. Tuy nhiên, đây phải là một sự tham vấn thật sự, chứ không chỉ là sự hợp thức hóa ý chí của lãnh đạo địa phương.
PV: Để cải cách thủ tục hành chính với 6.500 thủ tục đã được thống kê, ông nghĩ sao?
NSD: Thứ nhất, có thể sử dụng một biện pháp mạnh, tuyên bố đến thời gian cụ thể nào đó, ví dụ 30-10-2009, tất cả TTHC đều hết hiệu lực ngoại trừ những thủ tục mà cơ quan ban hành chứng minh được với Thủ tướng là cần thiết. Nếu không chứng minh được thì thủ tục đó đương nhiên hết hiệu lực. Cách làm này chắc chắn sẽ làm giảm được rất nhiều các loại TTHC hiện nay. Tất nhiên để làm được việc này cần có một hội đồng thẩm định có chuyên môn, trong hội đồng này nhất thiết phải có sự tham gia của người dân, nhất là đại diện của những người đang bị sự điều chỉnh của mỗi loại TTHC nào đó.
Thứ hai, về lâu dài, việc ban hành các TTHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân chứ không phải từ nhu cầu quản lý dễ hơn của cơ quan công quyền. Nghĩa là xây dựng TTHC là để người dân thực thi các quyền của mình tốt hơn. Ví dụ, người dân đương nhiên được xây nhà nếu sau một tuần không có ý kiến của cơ quan quản lý. Thủ tục ở đây chỉ là dấu bưu điện hoặc giấy biên nhận của văn thư để xác định từ lúc gửi đơn đã đủ thời hạn 7 ngày. Nếu cơ quan quản lý không đồng ý cho phép xây dựng, thì phải phản ứng trong thời hạn 7 ngày đó và phải nêu được lý do hợp pháp vì sao không đồng ý. Thủ tục cũng không nên dừng lại ở đây mà cần quy định rõ trong trường hợp cơ quan quản lý từ chối thì người dân sẽ bảo vệ quyền của mình như thế nào, nếu kiện ra tòa thì thủ tục tiếp theo ra sao. Mặt khác, thủ tục cũng phải công bằng cho cả người dân lẫn cơ quan công quyền.
PV: Chúng ta có thể xây dựng một hệ thống TTHC tốt, nhưng bộ máy để vận hành thủ tục đó cũng rất quan trọng. Thủ tục tốt nhưng người dân gặp phải một công chức nào đó hay nhũng nhiễu thì cũng rất phiền hà?
NSD: Ở bất cứ đâu, “phần mềm” để vận hành tốt hệ thống công quyền phải là sự liêm chính, là tinh thần phục vụ người dân của các quan chức. Pháp luật không thể giải quyết hết những vấn đề thuộc về đạo đức, do vậy việc giáo dục đạo đức cho công chức là một phần không thể thiếu. Điều này đã được nói đến từ thời Khổng Tử. Cần xác lập được một nền công vụ liêm chính, công tâm, vì đạo đức mới là quy phạm điều chỉnh con người 24 giờ mỗi ngày. Pháp luật là đòi hỏi tối thiểu của đạo đức, tuân thủ pháp luật là yêu cầu tối thiểu của đạo đức, do vậy nếu chỉ tính đến pháp luật thì chúng ta chỉ được cái tối thiểu.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Võ Văn Thành (thực hiện)
(Báo Tuổi trẻ Cuối tuần)