Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 114: Nhân Chi Sơ…tính Bản Thiện
T
ối nay, sau khi điểm xong, buồng 2 rôm rả hẳn lên. Trước khi vào buổi sinh hoạt tổ thường lệ, anh buồng trưởng Nguyễn Huy Lân tuyên bố:
- Thể hiện lòng ưu ái, chiếu cố của ban giám thị, trại thông báo bán mía cho trại viên. Mỗi kg mía giá 1 hào, các toán làm danh sách thu tiền. Chiều mai, tự giác của mỗi toán sẽ ra trại ngoài xe mía về.
Chỉ mấy câu tuyên bố của anh Lân mà làm cho buồng 2 sôi động ồn ào như ong vỡ tổ. Người ta trèo lên, trèo xuống giữa sàn trên và sàn dưới. Người ta chạy Đông, chạy Tây để mượn tiền nhau và để ghi tên mua mía. Chất ngọt ở trong tù là một thứ vưu vật của cuộc đời. Theo anh em thì đã hơn 10 tháng nay rồi, nay trại mới lại bán mía.
Những người có tiền mua mía xốn xang, hân hoan sôi nổi bao nhiêu, thì càng khoét sâu nỗi niềm lẻ loi, âm thầm lạc lõng của những người không có tiền bấy nhiêu. Đây là một dịp như ngàn năm một thuở, nên hầu như ai ai tùy theo ít hay nhiều đều có ghi tên và số tiền mua mía. Không có tiền thì vay mượn, tôi để ý cả các anh em biệt kích như các cậu Châu, cậu Sáng cũng rối rít ghi tên. Tôi hiểu rằng họ là những người đã ở trại này lâu rồi nên ít nhiều có tiền năng suất trong khi lao động. Dù cho họ không có năng suất chăng nữa, trong cách giao tế, họ xoay sở cũng có chỗ mượn vay được. Hoặc họ là loại tù tập trung, mỗi tháng họ đã có một đồng. Theo quy chế của các trại giam trên toàn miền Bắc ở giai đoạn ấy. Tiêu chuẩn cho một người tù có án là 12 đồng một tháng. Loại tập trung cải tạo 3 năm thì tiêu chuẩn là 13 đồng một tháng, loại này, cứ 3 năm thì được phát một cái màn cá nhân, tù án thì không có. Như vậy, tiêu chuẩn chung cho một người tù mỗi tháng là 12 đồng, do đấy, những ai bị tập trung cải tạo, mỗi tháng được lĩnh một đồng để giải quyết trong sinh hoạt.
Chỉ có tôi, một phần vì mới lên trại, chưa có điều kiện quan hệ thâm tình với ai. Nhưng cái chính là do cái quan điểm, cái mặc cảm sai lầm là không thể mở miệng để vay mượn ai của tôi (vì vay rồi thì lấy đâu mà trả). Bởi vậy, tôi đã tự khoanh cho tôi một cái vòng, thiếu hòa đồng để trở thành đến lủi thủi âm thầm một mình. Chính vì cái quan điểm vẩn vơ này mà ngay những điếu thuốc lào nó cũng đã hành tôi biết bao nhiêu, trong những đêm buồn ít ngủ. Tuy tôi hút không nhiều, mỗi ngày chỉ 3 – 4 điếu là cùng. Ban đêm, mỗi khi giật mình dậy đi đái, nhưng khi đái xong, trở lại trong mùng thì không thể ngủ được nữa vì thèm một điếu thuốc lào. Không ngủ được thì ngồi ở trong màn…chờ. Nhìn hết sàn trên rồi sàn dưới, chờ cho tới khi có một ai đó báo cáo dậy đái. Lại phải xem họ là ai, họ có hút thuốc lào hay không? Họ có quen mình hay không, hay có phải là người dễ dãi, thông cảm với mình không?
Chưa có hút thì ngồi sầu mong đợi, nếu gặp được người thông cảm cho hút xong điếu thuốc rồi: say thì vẫn say, nhưng lại có một nỗi sầu khác càng sầu hơn nữa. Nỗi sầu tủi của người không tiền cứ gậm nhấm, rỉa mó cõi lòng của mình chìm mãi vào đêm thâu. Ôi, biết bao thấp thỏm, nhục buồn do điếu thuốc lào chỉ vì tôi chưa tìm được cách nào để kiếm được tiền.
Cũng đã nhiều lần phẫn uất, tôi định từ bỏ nó, nhưng rồi nhìn khắp 4 phương, cuộc đời của mình có còn cái gì vui đâu. Chỉ còn có điếu thuốc lào, là người bạn thủy chung để mình gửi gấm những tâm tư, những nỗi niềm thầm kín riêng của mình. Tóm lại, vì tôi không có tài xoay sở, lại không muốn mở miệng vay mượn ai, dù tôi hiểu nếu tôi vay thì sẽ được. Cho nên, tất yếu là phải nhận lấy những nỗi niềm đang nhận.
Chuyện mua mía chưa hết, rồi cho tới ngày mía được phân phối về từng toán. Người ta ồn ào, í ới gọi nhau chia chác. Chia xong, người ta hì hục, hớn hở khuân mía về chỗ mỗi người để cất, để dành, rồi lại ríu rít quây quần ngồi nhai mía.
Trong khi mọi người hân hoan, mải mê tận hưởng cái vưu vật của đời thì lại là cái nạn đối với tôi. Do cái bản tính rởm của mình, tôi không thể ngồi nhìn mọi người thưởng thức cái ăn. Nếu tôi lì mặt ngồi đó, thì sẽ có người thấy ái ngại mà mời tôi ăn. Từ chối không ăn thì tỏ ra kênh kiệu mà còn làm cho người ăn mất tự nhiên, nếu cứ ngồi đấy. Tôi hiểu rằng đây là của quý, của hiếm, là thịt, là máu của họ; cho nên tôi sẽ còn khổ tâm biết bao nhiêu khi phải nhận cái mà họ mời mình gượng ép. Bởi thế, nó sẽ nhẹ nhàng cho tôi biết bao, nếu họ ăn vào những giờ trưa, hay những ngày Chủ Nhật. Tôi chỉ cần ra khỏi buồng tránh chỗ họ ăn là được. Tuy rằng, ở trong trại chẳng còn tránh chỗ họ ăn là được. Tuy rằng, ở trong trại chẳng còn một chỗ nào để tôi ngồi được thoải mái, yên thân. Hội trường, hè trước, hồi sau, đâu đâu cũng có nhóm hoặc từng cá nhân ngồi nhai mía. Vậy chỉ còn một chỗ duy nhất, yên tĩnh nhất, tuy phải cái mùi hơi thối là trong nhà cầu của trại. Tôi đành ra đấy ngồi; thà để mũi chịu đựng cái mùi phân (phân tù không thối mấy) còn hơn mang cái nỗi nặng nề ở trong lòng. Nhưng nếu họ ăn vào những buổi tối thì thật là buồn ơi là buồn! Trời lạnh còn đỡ, trời nóng tôi vẫn phải nằm đắp chăn chùm kín đầu. Nghĩa là, cứ sau khi sinh hoạt tổ, toán xong, thấy họ rục rịch lôi mía ra chuẩn bị ăn là tôi phải sắp xếp đi nằm.
Có lần Phan Thanh Vân cứ đập vào chăn bắt tôi ngồi dậy ăn mía với anh, nhưng tôi đã cảm ơn, nói trong người đang khó chịu. Đã từ chối một người thì phải từ chối hết. Nằm đấy mà lòng có yên đâu, tai vẫn nghe họ nhai mía rồn rột ấy.
Tôi cũng hiểu rằng, trong trại hàng mấy trăm con người, chẳng phải duy nhất có một mình tôi là không có cách nào có tiền. Tuy số này rất ít, mỗi toán chỉ một hay hai người. Những người này được coi là kém về mọi mặt. ở cái thành phần vơ vét, nhặt nhạnh. Họ đi vơ, đi gom những bã mía, vỏ mía để ngày hôm sau đem ra lán hay ra đồng dùng ống nứa tươi nấu kỹ lại, cô đọng may ra còn ít chút ngòn ngọt. Ngọn mía thì đều bị chặt ngay từ lúc thu hoạch, để dành trồng cho vụ mía năm tới. Mặt khác, phải hiểu là cái máy nghiền (hàm răng) của mỗi người tù đói khổ thì bã mía cũng xác xơ, không còn gì; ngay ruồi nhặng cũng đừng hòng kiếm chác. Thông thường, mỗi đợt trại bán mía như vậy. Trại ăn lai rai hàng tháng trời mới hết, dù trung bình mỗi người mua từ 5 kg tới 10 kg, tức khoảng từ 2 cây đến 5 cây mía.
Chính vì những dồn nén của hoàn cảnh sống trong tù như thế, nên tôi đã nhờ Nguyễn Huy Lân toán trưởng xin với cán bộ toán cho tôi sang học mộc. Không ngờ, sự đề nghị sang học mộc của tôi lại được ông Kích, cán bộ toán đánh giá là tiến bộ. Bởi vì với cái nhìn của mọi người vể tổ vernie là một chỗ lao động tương đối nhàn hạ. Phải là người được chiếu cố, hoặc có ít nhiều khả năng mới được làm ở đấy.
Tuy công việc vẽ hay đánh vernie không có năng suất nhưng là một công việc “hoa lá cành” nghệ thuật. Nhiều người có quan điểm “vạn sự bất như nhàn”, nhưng với tôi, như đã trình bầy ở trên, tôi phải tìm một cách sống phù hợp với tôi. Còn một điều nữa cũng góp phần thúc hối tôi quyết định học nghề mộc; Thường thường cứ 10 ngày hay một tuần lễ, có một chiếc xe vận tải ọp ẹp từ trại chính vào lấy sản phẩm như giường bàn, tủ ghế. Lúc đó, cán bộ và toán trưởng không bao giờ lấy người thợ chính đi khênh vác mà cứ nhằm những anh tép riu, nhừng nhỡ, không nghề, không nghiệp bắt đi khênh, chuyển hàng ra xe đậu bên ngoài cổng lán thủ công. Bị những tên cán bộ hoặc toán trưởng quát tháo chỉ tay sai phải khênh cái này, vác cái kia làm cho cõi lòng tôi càng tím thẫm lại hơn. Vả lại, dù mới lên trại hơn 3 tháng cũng đủ cho tôi thấy: sống ở trong bất cứ một tập thể nào, nhất là ở trong nhà tù càng đầy rẫy những người chung quanh muốn trèo, muốn đạp mình xuống để họ vươn lên. Bởi vậy, để khỏi bị đè đầu, chèn ép: một là anh phải tìm mọi cách để vươn lên ở cái thế lãnh đạo, chỉ huy như trật tự, toán trưởng, tổ trưởng. Hai là anh đi làm chó tố cáo anh em để có thể của cán bộ, không ai dám đè mình.
Nếu cả 2 thứ trên, không phải là mục tiêu hành xử của anh thì chỉ còn có một con đường duy nhất: anh phải có một cái nghề vững, một tay nghề mà ít người làm được như anh. Như vậy mới có thể khả trợ tránh được những đè ép của đời tù. Tôi nhớ lại một sự việc, cho đến bây giờ vẫn chưa mờ nhạt được trong lòng tôi:
Chừng khoảng nửa tháng, sau vụ trại bán mía cho tù. Vào một buổi chiều Chủ Nhật, tôi loay hoay quét dọn, làm vệ sinh ở chỗ tôi nằm. Phan Thanh Vân đang tắm giặt ở dưới giếng. Khi tôi kéo cái bọc quần áo cũ của tôi trên cái kệ phía trên đầu sàn. Một cái túi con vải nâu, bé tí bằng bàn tay đứa trẻ lên 3, đột nhiên rơi xuống sàn. Tôi vội vàng nhặt lấy mở ra, choáng hồn, bên trong có 4 tờ giấy bạc một đồng, tiền của trại. Trời! Ai có nhiều tiền thế! Những 4 đồng có phải ít đâu. Tôi đoán chắc là của Phan Thanh Vân, nhưng sao lại sang chỗ tôi? Có thể Vân đã vô tình để vương sang chăng? Tôi liếc nhìn Lù Chằn Páng và bác Chánh già ở cách đấy mấy chiếu, đang ngồi khâu vá. Chẳng ai để ý đến tôi cả. Tim đập hơi khác thường, tôi đấu tranh giằng co giữa 2 vấn đề: chốc nữa hỏi Vân xem có mất tiền hay không? Hoặc cầm chiếc túi giơ cao, rao to ở trong buồng: ai có chiếc túi nay, hãy nói bên trong có gì, nếu đúng, tôi sẽ trả. Hay cứ im đi, cất kỹ nếu có ai kêu mất thì mình sẽ đưa ra. Tôi ngồi thừ ra một lúc, một ý tưởng lờ mờ, lởn vởn lẻn vào trong óc: nếu mình có 4 đồng này sẽ ưu tiên cho 2 cái cần thiết là thuốc lào và xà phòng. Cả một năm, mình sẽ ung dung không phải lo đến 2 thứ đó nữa.
Ôi, 4 đồng, số tiền lớn quá! Tôi thấy bấn hết cả người lên, vội vàng quét dọn sơ sơ rồi tôi chạy hộc tốc xuống giếng. Thực ra lúc tôi chạy xuống giếng, cũng không biết để làm gì nữa chứ? Có lẽ để nhìn mặt Phan Thanh Vân xem sao, thế thôi! Tôi có cảm tưởng là chỉ cần nhìn mặt Vân là tôi đã biết được ngay tiền đó là của Vân hay không.
Gặp Vân, thấy anh đang lom khom kéo chiếc gầu tôn nước dội xối xả vào người. Tự nhiên tôi thấy vui hẳn lên. Tôi ca ngợi Vân chịu lạnh tốt, vì trời vẫn còn lành lạnh của những trận Heo May cuối mùa. Tôi cười nói huyên thuyên với Vân một lúc, rồi tôi lại chạy về buồng, lấy chăn ra đắp, nằm suy tính cho dứt khoát. Anh chàng Vân, nếu tinh ý, sẽ thấy ngạc nhiên tại sao hôm nay tôi lại vui thế; và Vân sẽ phải tự hỏi, tôi xuống dưới giếng để làm gì chứ? Chả lẽ, trời lạnh như vậy tôi chạy hộc tốc xuống giếng chỉ để nói vài câu bâng quơ với Vân rồi lại chạy về ư? Nhưng nỗi niềm ở trong lòng mỗi người, bên ngoài ai mà biết được! Và mỗi người là một cuộc đời riêng, ai để ý làm gì? Cho tới lúc Vân đã phơi quần áo xong, về chỗ. Lúc Vân lục đục ngay bên cạnh tôi, thì tôi đã quyết định dứt khoát:tôi sẽ cất kỹ cái túi, im bặt. Nếu Vân hay bất cứ ai trong buồng kêu mất cái túi thì tôi sẽ lấy ra trả, nói rằng thấy rơi ở phia đầu giường.
Mặc cho Vân vẫn cứ hì hục bên cạnh, tôi nằm lan man suy nghĩ hết hướng nọ ngả kia. Từng mảnh đời to nhỏ ngược xuôi, có lúc lững lờ, lảng vảng, có lúc vùn vụt chạy qua óc tôi. Tư tưởng diễn tiến của một con người cũng thật phức tạp, kỳ lạ. Mới nửa giờ trước còn định cầm cái túi rao to lên để trả cho người mất, thế mà giờ đã thay đổi khác rồi, đã thấy mình có một phần quyền lợi trong cái tiền 4 đồng, thực tế là của người khác. Tôi nhớ vào khoảng năm 1958 ở thành đô đầy hương sắc và tình người:
Vào một buổi tối, tôi và đứa em trai 15 tuổi đèo xe đạp nhau đi xem xi nê ở rạp Nam Quang trên đường Lê Văn Duyệt. Chúng tôi xem suất cuối, từ 9 giờ đển 11 giờ đêm. Hôm ấy chiếu phim gì cho tới nay tôi không còn nhớ rõ, nhưng một sự việc trong buổi ấy vẫn hằn lên trong lòng tôi không thể phai mờ.
Trong rạp, khi phim vừa hết, đèn bật sáng. Mọi người đều lũ lượt theo nhau ra phía cửa rạp để về nhà cho sớm. Tôi và thằng em đứng lên sau cùng, chúng tôi đều nhìn thấy ở hàng ghế phía trên, một chiếc ví da dầy cộm đang nằm phơi mình trên một chiếc ghế. Nhìn quanh, suốt mấy hàng ghế đó chả còn ai. Tôi nghiêng cúi người sang cầm lấy chiếc ví, mắt ngơ ngác nhìn theo những giòng người đang chen chúc nhau ra về.
Tôi chờ, tôi tưởng như sẽ có một người hốt hoảng trở lại hàng ghế để tìm chiếc ví của mình. Vì thế, tôi vẫn cầm nguyên chiếc ví ở tay chẳng dám mở ra để biết cái gì bên trong. Mãi cho tới lúc người ta đã ra hết, tôi ra hiệu cho thằng em cũng ra ngoài cửa, trước con mắt chằm chằm của nó đang nhìn vào chiếc ví.
Khi ra đến ngoài, cửa rạp đã lưa thưa, vãn hẳn bóng người. Trời đã vào khuya, 11 giờ 30 đêm rồi! Một tay tôi vẫn cầm chiếc ví, một tay dắt chiếc xe đạp. Tôi còn bấn loạn tâm hồn chưa biết quyết định ra sao trước một việc bất ngờ thế này. Thằng em trai cứ líu ríu theo tôi, nó vẫn tin và làm theo những quyết định của tôi. Dùng dằng, do dự một lúc, tôi quyết định phải mở chiếc ví ra xem bên trong có cái gì? Tôi đưa chiếc xe đạp cho người em dắt, dẫn lại dưới một cột đèn sáng, tôi mở chiếc ví. Lần đầu tiên trong cuộc đời hai anh em tôi nhìn thấy dollars Mỹ. Có khoảng 10 tờ giấy 10 dollars, hơn một chục dollars loại giấy một đồng, và một tờ giấy dollar 50 đồng. Ngăn bên kia, hơn 20 tờ giấy một trăm tiền của Việt Nam Cộng Hòa. Còn nhiều giấy tờ nữa, đút đầy trong các ngăn của chiếc ví mà tôi không dám và không muốn lục lọi kỹ. Tôi vẫn có cảm tưởng là không được xục xạo chuyện riêng tư của người khác. Tôi nhìn thấy một tấm thẻ tên Võ Văn Ba số nhà 50B đường Lê Văn Duyệt, Gia Định.
Lúc này, tim tôi càng xốn xang đập mạnh hơn. Trời lại càng khuya, đường phố đã vắng hẳn bóng người. Tôi có ý định, hay đem vào gửi người coi rạp xi nê để cái ông Ba này sẽ trở lại hỏi, tìm chiếc ví. Nhưng khi 2 anh em tôi trở lại trước cửa rạp thì họ đã đóng chặt hết các cửa rồi, im ắng, chả còn ai ở đấy. Đầu tôi chợt lóe lên một ý tưởng, tại sao không mang đến trình, nộp cho bót cảnh sát? Nghĩ thế, tôi bàn với thằng em, rồi dẫn xe đạp xuống đường, háo hức đèo nhau về bót cảnh sát quận nhất.
Đường khuya, phố vắng, phần vì lo về nhà quá khuya sẽ bị bố mẹ la rầy, phần vì thấy lòng hân hoan vui thích cứ tưởng như chúng tôi đang làm một chuyện tốt, một chuyện được nhiều người khác khen ngợi là đã làm đẹp cho cuộc đời. Vì vậy, tôi càng gò lưng miệt mài chiếc xe phóng như bay trong đêm khuya.
Đến đồn cảnh sát, đã 12 giờ rưỡi khuya, vắng lặng, chả thấy ai ở bàn trực. Hai anh em tôi trở ra, trở vào thập thò một lúc mới thấy một ông cảnh sát ở trong buồng đi ra. Thoáng thấy chúng tôi, ông ta quát lớn:
- Mấy cậu kia đi đâu?
Tôi vào, đặt chiếc ví lên bàn và trình bầy lý do đã nhặt được nó. Cuối cùng, tôi nhờ cảnh sát trả lại chiếc ví cho người chủ của nó. Ông ta cầm ngay lấy chiếc ví, mắt ông ta chuyển ngay từ mầu vàng, cái mầu của hách dịch, lạnh lùng sang cái mầu xanh lam êm dịu nhìn chúng tôi. Rồi tới khi ông ta mở chiếc ví thì mắt ông ta như lồi thêm ra, mồm há hốc. Tay ông ta run rẩy lôi những tờ dollars ra để xuống bàn, mắt ông ta lại ra vẻ lấm lét nhìn chúng tôi. Tay ông ta chỉ hàng ghế dọc theo phía tường trước bàn, miệng ông ta nói trong nỗi xúc động tràn ứ:
- Các cậu hãy ngồi xuống đó cho khỏi mỏi chân.
Cũng là lúc một ông cảnh sát nữa từ ở phía trong đi ra. Hai ông vừa đếm tiền, vừa xem xét các giấy tờ. Thỉnh thoảng các ông lại liếc về phía chúng tôi. Chừng 10 phút sau, các ông nói nhỏ với nhau một lúc rồi cùng tiến lại phía chúng tôi. Ông cảnh sát ra lần sau, đặt một tay lên vai tôi nói rất nhỏ nhẻ, êm dịu:
- Các các cậu vẫn còn là học sinh phải không? Các cậu đã làm một việc đáng khen, bây giờ, các cậu có thể về nhà nghỉ, kẻo khuya rồi. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm mang chiếc ví lại trả lại cho người chủ, và chúng tôi thay mặt người chủ chiếc ví cảm ơn các cậu.
Hai ông cảnh sát rất vồn vã, tiễn hẳn chúng tôi ra đến cửa, còn đừng nhìn theo chúng tôi đạp xe đi xa rồi mới quay vào.
Về đến nhà, đã 2 giờ khuya, tuy mệt nhọc, nhưng lòng chúng tôi thênh thang như mở hội. Tôi vẫn nhìn thấy cuộc đời toàn gấm hoa rồi mơ màng chìm dần vào giấc ngủ muộn của tuổi đôi mươi.
Mấy hôm sau, tôi đem chuyện nhặt được chiếc ví khoe với mấy người bạn. Họ đều nêu lên vấn đề là có thể các ông cảnh sát sẽ lấy hết tiền, rồi chỉ trả cho người chủ chiếc ví những giấy tờ mà thôi. Họ trách tôi, sao không để hẳn lại ngày hôm sau mang lại nhà trả cho ông Võ Văn Ba.
Tôi cũng thấy ý kiến của các bạn cũng có khá đúng, nhưng phần vì tôi không muốn mang chiếc ví lại nhà họ, để ra cái vẻ mặt một người làm ân đứng trước một người thọ ân. Phần khác, tôi vẫn cho rằng, tôi đã làm tròn, làm đẹp cái khâu trách nhiệm của mình rồi. Nghĩa là nhặt được của rơi đã đưa đến nộp cho cảnh sát. Vậy còn những khâu khác, nếu họ không làm tốt, làm đẹp thì thuộc về cuộc đời rồi, tôi làm sao mà lo hết?
Từ chuyện chiếc ví năm xưa, giòng tư tưởng của tôi lại chảy dài về một sự việc khác, 7 năm sau đó, ở Hỏa Lò Hà Nội: giai đoạn này tôi đang ở xà lim I (xà lim án chém). Xà lim lúc đó do ông Dư phụ trách. Một sự việc mà tôi vẫn thấy lòng bâng khuâng, buồn buồn mỗi khi nghĩ đến. Tôi nhớ vào một buổi, tôi cũng vào nhà tắm để đổ bô như thường lệ. Trong khi tay tôi vẫn khoắng bô tráng nước thì mắt tôi liếc đây đó, nhất là cái thùng đựng giẻ chùi (tôi đang tìm giẻ để khâu đồ chống muỗi). Tôi thoáng thấy ở mé bậu cửa có một miếng xà bông thơm, mầu xanh to bằng 2/3 hộp quẹt diêm. Phải nói là từ mấy năm rồi nằm ở xà lim, tôi ước mong có một miếng xà bông con như vậy, nhưng chưa bao giờ được. Tôi có cài bàn chải đánh răng, từ bao lâu chỉ đánh bằng nước lã. Tuy tôi không nhìn thấy, nhưng tin chắc là răng tôi bẩn lắm, sợ có thể bị sâu, hơn nữa hôi mồm. Tôi cần một miếng xà bông bất kể là loại gì, chả cần to lắm. Mỗi ngày tôi chỉ cần quệt có một tí cho có bọt rồi đánh răng cho nó sạch miệng.
Thế mà hôm nay, bất ngờ lại nhìn thấy, tôi suy đoán, có thể của một nữ cán bộ nào vào tắm rồi quên. Và cũng có thể là của một buồng nào đó họ để họ để quên không chừng. Tôi đã nhét vào cạp quẩn, rồi băn khoăn lại moi ra định để lại chỗ cũ. Nhưng sau không cưỡng nổi với lòng tham của tôi, vì một miếng xà bông này, tôi có thể dùng ít ra được một năm, trong khi không còn một cơ hội nào để tôi có cả. Vì vậy, tôi lại nhét trở lại cạp quần và mang về buồng.
Vào buồng, tôi đang hý hửng với một món đồ quý, ngẫu nhiên lại có, thì buồng số 14 báo cáo giọng Quảng Nam trọ trẹ:
- Béo céo cán bộ, buồng tôi để quên miếng xà bông trong nhà tắm!
Tôi vừa hồi hộp, vừa ngần ngừ lắng nghe. Tiếng báo cáo 2 – 3 lần mới thấy tên Dư vào mở cửa buồng:
- Để quên đâu vào mà lấy!
Tôi ngập ngừng, giằng co giữa muốn báo cáo trả, nửa không muốn trả. Cuối cùng giọng số 14 vừa từ nhà tắm đi ra vừa báo cáo:
- Béo céo, buồng nào đã lấy mất rồi!
- Miếng xà bông to không?
- Bằng bao diêm, bánh xà bông hoa nhài, vợ tôi mới gửi vào, tôi cắt đôi.
Tôi biết xà bông hoa nhài giá 4 hào, một bánh. Đây là ½ bánh, nhưng đã dùng nhiều lần rồi chỉ còn bằng 2/3 bao diêm thôi. Giọng tên Dư lại cất cao:
- Buồng nào lấy nhầm miếng xà bông của người ta, báo cáo trả lại cho người ta. Nếu không, tôi vào từng buồng khám thấy thì đừng trách.
Tôi đã lưỡng lự, định báo cáo trả, nhưng khi nghe y đe dọa sẽ khám các buồng thì tôi lại không muốn trả nữa. Để xem y có khám được không! Tôi cúi nghiêng xuống, sờ tay xuống mặt dưới của cái sàn xi măng. Vì là mặt dưới nên họ đổ xi măng hãy còn lỗ chỗ, sần sùi sỏi lẫn cát. Tôi lấy miếng xà bông ra, mò tay xuống ấn ngược lên, miếng xà bông dính chắc. Như vậy có trời mà tìm, trừ trường hợp có cái máy ngửi xà bông thì mới họa chăng. Tên Dư cũng chỉ phách lối, dọa như vậy, chứ cũng không đi khám buồng nào cả.
Tôi cứ nằm bồng bềnh, đầu óc cứ hết cuộn vào rồi lại mở ra. Từ chuyện cái ví năm xưa, đến miếng xà bông mới đây ở dưới Hỏa Lò và bây giờ là 4 đồng bạc. Nội dung của chiếc ví và 4 đồng bạc lúc này thật là giống nhau, nhưng đã thay đổi hẳn hồi kết cục chỉ vì nó cách nhau một thời gian 10 năm. 10 năm trước, tâm hồn của một người thanh niên hãy còn trong trắng, chở đầy chiếc thuyền đời toàn là nhung với lụa. Mười năm sau, cũng người thanh niên ấy, tâm hồn đã vẫn đục như nước lũ mùa Hè.
Như vậy, phải chăng do chính tôi đã làm cho tôi xấu dần theo tuổi đời, hay do xã hội, cuộc đời đã làm bẩn dần tâm hồn của một con người? “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, từ đấy suy ra, người càng già thì càng nhiều thói xấu, càng đục hay sao? Tôi không tin như vậy! Có thể con người ta sẽ xấu, sẽ đục đến một cái mức nào đó, đến một cái tuổi nào đó, rồi người ta lại phải tìm về cái đẹp, cái thiện và lọc dần cho tâm hồn trong lại. Cho nên mới có nhiều ông già, bà già rất phúc hậu đạo đức.
Hàng tuần lễ sau khi tôi vớ được 4 đồng, cũng chả thấy ai kêu mất tiền. Hơn một tuần rồi, phải thành khẩn mà nói rằng: lúc này dù có ai kêu mất tiền, chưa chắc tôi đã trả, vì tôi đã biết một anh ở toán 6 có một miếng xà bông to. Anh đã bằng lòng bán cho tôi với giá một đồng, hơn nữa, tôi đã dự trù cuối tháng nhờ mua mấy gói thuốc lào nữa rồi.
Tôi quan sát, nghe ngóng từng người chung quanh tôi. Tôi có thể đoán gần chắc 4 đồng bạc này là của Phan Thanh Vân, Vân có nhiều tiền nên để quên hoặc lại tưởng rơi ở nơi khác nên đã không kêu, không hỏi.