Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 120
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trí Thức Sẽ Làm Gì Vào Thời Có Hẳn Một Nghị Quyết Cho Mình?
V: Thưa ông Nguyễn Sĩ Dũng, chưa bao giờ trí thức lại được cả xã hội quan tâm như năm vừa qua. Ban Bí thư đã có rất nhiều cuộc làm việc lắng nghe tại các trung tâm trí thức để hình thành khởi thảo và sau đó Trung ương đã có Nghị quyết 7 về Trí thức. Ngay tại Nghị trường, vấn đề trí thức cũng được đặt ra trong phiên Thủ tướng trả lời chất vấn của Quốc hội. Và, như mọi người đều thấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói hằng ngày ông làm việc với bốn tiến sĩ, khi một đại biểu Quốc hội nêu vấn đề cần sử dụng trí thức. Xin cho biết ý kiến của ông?
NSD: Ý kiến của tôi là như vậy thì rất đáng phấn khởi. Đặc biệt là trong trường hợp cả bốn vị tiến sĩ nói trên đều là những trí thức thật sự. Tiến sĩ với trí thức giống nhau ở chỗ đều có kiến thức, nhưng khác nhau ở việc sử dụng kiến thức đó như thế nào. Tiến sĩ sử dụng kiến thức chủ yếu để giải quyết các vấn đề chuyên môn; trí thức sử dụng kiến thức chủ yếu để tác động lên nhận thức của xã hội. Trí thức vì vậy thường có chính kiến độc lập và tích cực biện luận cho chính kiến của mình.
Nếu bốn vị tiến sĩ giúp việc cho Thủ tướng đồng thời là những trí thức, thì thủ tướng sẽ có điều kiện để nghe cả những ý kiến độc lập, thậm chí cả những ý kiến mang tính phản biện. Mà như vậy thì rất tốt vì Thủ tướng sẽ có điều kiện và các góc nhìn khác nhau để cân nhắc các quyết sách của mình.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm là người ta có được kiến thức bằng rất nhiều cách. Đi học lấy bằng tiến sĩ chỉ là một trong những cách như vậy.
PV: Vâng, từ góc độ thực chứng luận, tôi còn quan sát thấy có người không phải là trí thức xuất thân, nhưng lại được rất nhiều trí thức thán phục và kính trọng, đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thưa ông, trong quá trình thảo luận để khởi thảo đề án về trí thức, có các ý kiến cho rằng nước ta không có tầng lớp trí thức, ông nghĩ sao?
NSD: Tôi nghĩ là hơi cực đoan. Nước nào cũng có tầng lớp trí thức của mình. Và nước ta cũng vậy. Vấn đề là vai trò của họ được chấp nhận đến đâu mà thôi. Ví dụ, việc phản biện phải được vua chấp nhận, mới thấy nổi lên nhân vật gián quan. Chúng ta sẽ gần như không thấy được tầng lớp này, nếu như vua chỉ thích nghe nịnh.
Trong quá khứ, nước Việt không thiếu những người biết dùng kiến thức của mình để can gián và kiến nghị với Vua. Cụ Lê Văn Duyệt với vấn đề nhập cư Minh - Thanh Hương ở Nam Bộ, cụ Nguyễn Trường Tộ với Tế cấp bát điều… chẳng hạn. Nhưng thường thì ý kiến đề xuất của trí thức không phải bao giờ cũng được vua nghe. Cách lựa chọn của phần lớn kẻ sĩ thời đó là treo ấn, từ quan, về nhà ở ẩn. Họ không xuất hiện tích cực trong đời sống công nữa, nhưng như vậy không có nghĩa là họ không tồn tại trong cuộc sống.
Riêng việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được trí thức thán phục, thì đó là điều rất dễ hiểu. Ông là một nhân cách lớn, một trí tuệ kiệt xuất. Ông là người quí trọng trí thức và chịu nghe trí thức nhất.
PV: Quan sát lịch sử sẽ thấy, vào thời kỳ “tĩnh” thuần phong kiến, thuần bao cấp thì ít nghe thấy tiếng nói của trí thức; nhưng khi đất nước “động” - canh tân để Âu hóa cuối thế kỷ XIX hay đổi mới để hội nhập hiện nay, ta lại nghe râm ran các trí thức lên tiếng? Và thật thú vị, các “điều trần” hay “tấu chương” của trí thức hôm nay thường xuất hiện trên báo chí, có sức lan tỏa khá sâu rộng. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta có được một giai tầng trí thức lớn mạnh?
NSD: Thì cũng có cái để hy vọng. Ít nhất đây là thời mà trí thức có hẳn một Nghị quyết TW 7 cho mình.
PV: Nhưng, thưa ông, Nghị quyết chưa kịp đi vào cuộc sống thì Dự án Công viên Văn Miếu – Bia tiến sĩ hiện đại đang có nguy cơ phản cảm trước vấn đề nghiêm túc và hệ trọng là trí thức?
NSD: Bia của các tiến sĩ là các công trình nghiên cứu, sáng tạo của họ. Nếu họ không để lại các phát kiến, các tư tưởng… thì các bia đá phỏng có giúp tôn vinh được gì?! Quá ham chuyện bia đá lắm khi chỉ nhận được bia miệng.
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng Dự án Công viên Văn Miếu -
Bia tiến sĩ dễ gây phản cảm, bởi vì chất lượng của nhiều tiến sĩ ở ta đang thật sự có vấn đề. Tôi đã từng được một anh bạn giới thiệu: “Xin giới thiệu đây là anh bạn của tôi. Mặc dù hắn ta là tiến sĩ, nhưng đầu óc thỉnh thoảng cũng biết động đậy”. Thói hư danh, việc mua bán bằng cấp tràn lan đã làm cho học vị tiến sĩ không còn là một danh hiệu đương nhiên được xã hội tôn trọng nữa.
PV: Chuyện xây bia rõ ràng là chưa phải lúc?
NSD: Sẽ chẳng bao giờ phải lúc, nếu những vị tiến sĩ tìm cách tự xây lấy bia cho mình. Hãy để cho hậu thế làm việc đó. Việc Đảng chấp nhận vai trò phản biện của trí thức chính là một thành tựu rất lớn. Nhưng anh có phản biện được hay không thì đó lại là một câu chuyện khác. Thế nên, còn phải cố gắng nhiều. Ngoài ra, có trí tuệ nhiều khi chưa đủ, người trí thức cần có cả đạo đức và bản lĩnh. Phản biện là một công việc khó khăn hơn tung hô, ca tụng rất nhiều.
PV: Vâng, có khá nhiều vấn đề cần phải được cân nhắc với góc nhìn phản biện. Thưa ông, tôi cảm thấy xã hội đang hình thành một tư duy: đã là thị trường thì có nghĩa là tư bản, là “phải nhẫn tâm” phải làm giàu bằng mọi giá. Mặc dù đằng sau cơ chế thị trường có gắn với định hướng Xã hội chủ nghĩa nhưng vế sau vừa thiếu nội dung, vừa bị xem nhẹ và thậm chí bị giễu cợt? Lại có cán bộ khi xem xét sự oan khuất thường nói thị trường là phải thế, trong khi thế giới phương Tây, như Bắc Âu chẳng hạn, có thể gọi là thị trường - chủ nghĩa xã hội?
NSD: Mọi sự cực đoan có vẻ đều không ổn. Phủ nhận thị trường đưa lại kết quả như thế nào thì rất nhiều người trong số chúng ta đều đã được kiểm nghiệm bằng chính sự cơ cực, túng thiếu của mình. Nhưng tuyệt đối hóa thị trường cũng hoàn toàn không ổn. Thị trường tạo ra động lực làm giàu, nhưng không tạo ra được công bằng xã hội. Mà thiếu công bằng xã hội lại không thể có một sự giàu có nào có thể an toàn và bền vững.
Chính vì vậy nhà nước có một vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết thị trường. Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là việc sử dụng động lực thị trường để phát triển kinh tế, nhưng cố gắng phân bổ lợi ích mà phát triển mang lại một cách công bằng. Và đây chính là việc quan trọng nhất mà Nhà nước phải làm.
Nhiều nước phương Tây, đặc biệt là các nước Bắc Âu đã làm được điều trên khá tốt, chính vì vậy họ đã đưa được rất nhiều ý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội vào cuộc sống.
Theo tôi, xã hội mà chúng ta hướng tới cần đảm bảo không chỉ tự do, mà còn sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người. Để việc bình đẳng về cơ hội có ý nghĩa thực tiễn, phải đặc biệt quan tâm tới y tế và giáo dục. Nhà nước phải làm sao cho không còn hoặc còn rất ít người đau yếu, thất học. Mọi người đều phải được ăn học như nhau để phát triển. Nếu không tạo điều kiện được cho tất cả mọi người dân được tiếp cận bình đẳng với y tế và giáo dục, chúng ta sẽ phải chấp nhận sự bất bình đẳng ngày càng rộng ra mà thôi. Điều này đi ngược lại với các giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản của chúng ta.
PV: Ở đây ta bắt gặp câu nói của một người Trung Quốc: “Chúng ta nói Chủ nghĩa xã hội mà lại làm cho đô thị thành châu Âu, nông thôn biến thành châu Phi”! Mới đang ở thời kỳ quá độ mà nông dân, nông thôn bị thua thiệt quá lớn so với đô thị? Luật Đất đai 1993 và
2003 cho nông dân 5 quyền, nhưng cần lấy đất làm sân golf, làm đô thị, người nông dân lập tức thành thất nghiệp và trị giá 5 quyền được quy gọn thành duy nhất 1 quyền ấy là nhận mấy chục ngàn đồng/m2, mà không có bất cứ quyền thỏa thuận nào?
NSD: Nói thị trường mà không nói quyền tự do tài sản là không thể. Với nông dân, 5 quyền liên quan đến quyền sử dụng đất, thực chất là các quyền tài sản. Chuyển nhượng hay không chuyển nhượng đất đai là một quyền được pháp luật bảo vệ. Điều này đòi hỏi việc thu hồi đất phải có cơ sở pháp lý và phải có sự thỏa thuận của người nông dân.
Nhưng đất đai do được quan niệm là một tài sản đặc biệt và được nhà nước thống nhất quản lý (thực chất điều này trong không ít trường hợp đang vô hiệu hóa các quyền cấu thành quyền sử dụng đất của người dân) nên hiện vẫn còn những bất cập. Vấn đề là cần phân biệt rất rõ việc thu hồi đất là vì mục đích công hay vì mục đích tư. Nếu là vì mục đích tư, như kinh doanh bất động sản, kinh doanh khu công nghiệp... thì giá đất dứt khoát phải theo giá thị trường. Giá thị trường ở đây là giá người bán chấp nhận bán, người mua chấp nhận mua. Không nên áp giá cho nông dân ở đây.
PV: Xin cầu chúc cho năm mới, ý kiến sáng suốt của ông sẽ được xem xét. Bây giờ xin chuyển sang vấn đề khả dĩ đỡ buồn hơn. Xin cho biết trong khủng hoảng và suy thoái, người nông dân không chỉ bị mất, mà cũng có cái họ được?
NSD: Người nông dân cũng sẽ khó tránh khỏi những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Nhưng họ sẽ ở vào tình thế ít khó khăn hơn các lực lượng xã hội khác. Lý do là vì các sản phẩm của họ đều là những mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu, nên người tiêu dùng (trong nước, cũng như ngoài nước) vẫn phải tiếp tục tiêu dùng, nghĩa là tiếp tục bỏ tiền ra mua. Mà như vậy, thì những người nông dân vẫn sẽ tiếp tục có thu nhập và vẫn có thể tiếp tục sản xuất. Tin hay không thì tùy, nhưng những người nông dân có khi lại là cứu cánh của rất nhiều doanh nghiệp. Vấn đề là các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt đúng nhu cầu, sở thích của những người nông dân, đồng thời cần có một chính sách giá cả phù hợp với túi tiền của họ. Đây là cơ hội thực tế giúp kinh tế của đất nước vượt qua suy thoái. Vấn đề là Việt Nam hay Trung Quốc sẽ bán được hàng cho nông dân ta? Không khéo, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhanh chân hơn trong việc khai thác thị trường nông thôn của nước ta.
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những cố gắng của mình trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Đã đến lúc cần có một chương trình toàn diện để phổ biến kiến thức cho nông dân. Chúng ta cần hướng tới việc người nông dân phải lao động bằng trí não
ngang với bằng chân tay. Và Nhà nước cần phải đầu tư nhiều nhất cho công việc này và việc học hành của con cháu những người nông dân.
Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra một bước chuyển về chất cho nông dân và nông thôn.
PV: Vâng, một bước chuyển quan trọng. Xin cảm ơn ông về buổi làm việc rất bổ ích ở chỗ nó xới lên nhiều vấn đề để những trí thức và bạn đọc quan tâm cùng nghĩ ngợi và góp phần giải quyết. Đó có lẽ cũng là cách ăn Tết của trí thức chăng? Xin chúc ông năm mới có nhiều phát kiến mới.
(Báo Nông thôn Việt Nam)
Những Nghịch Lý Của Thời Gian Những Nghịch Lý Của Thời Gian - Nguyễn Sĩ Dũng Những Nghịch Lý Của Thời Gian