Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 109: Xu Thế Ly Nông
“T
râu ơi, ta bảo trâu này Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta Cấy cày là nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công”.
Người nông dân, con trâu, cái cày và đồng ruộng đã gắn bó ngàn đời với nhau. Ngàn đời đã trôi qua và ngàn đời lại đang đến. Nếu không có chuyện một số nông dân, đặc biệt ở Đồng bằng Bắc bộ, bắt đầu trả ruộng đất lại cho chính quyền thì ngàn năm sau chắc gì đã khác với ngàn năm trước?!
Người nông dân đang từ chối “nghiệp nông gia” bởi vì ruộng đất không mang lại cho họ nguồn thu nhập cần thiết. Họ từ chối không hẳn vì sự nặng nhọc, mà chủ yếu vì sự thua thiệt. Những mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún đã vắt kiệt mồ hôi và sức lực của họ. Thế nhưng, giới hạn của mồ hôi, cũng là giới hạn của sự giàu có. (Và phải chăng đó cũng là giới hạn của những cải cách nhắm vào việc giải phóng năng lực cơ bắp của con người?) Cái sự cuốc bẫm, cày sâu không sớm thì muộn cũng sẽ bị máy móc và công nghệ đánh bại. Mức thu nhập ngày càng vượt trội của người dân thành phố đang mách bảo cho chúng ta điều này. Và nó mách bảo cả cho những người nông dân nữa. Tuy nhiên, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất lao
động lại khó có thể thực hiện được vì sự manh mún của các mảnh ruộng, cũng như vì quy chế pháp lý phức tạp của chúng.
Dám nói không với “nghiệp nông gia” là những người nông dân không chỉ dũng cảm, mà còn thông minh. Điều dễ hiểu là nếu không tìm được sự lựa chọn khá hơn thì chắc chắn không ai dám từ bỏ ruộng đất. Thực ra, từ lâu nhiều người nông dân đã ly nông bằng một cách làm ít gây sự chú ý hơn: họ thuê những nông dân khác làm ruộng thay cho mình. Còn họ, những người biết tính toán và có đầu óc, đã sử dụng thời gian và sức lực vào những công chuyện làm ăn có lợi hơn. Đó là làm nghề thủ công truyền thống, xây dựng, buôn bán, làm thuê trong các thành phố lớn… Nói chung, cũng đều là những công việc cực nhọc, nhưng mang lại thu nhập khá hơn.
Ly nông là một xu thế tất yếu của quá trình công nghiệp hóa. Vấn đề chỉ là chúng ta sẽ nhận thức và cư xử với nó như thế nào mà thôi. Và cái sự như thế nào này thì thật ra vẫn còn chưa rõ lắm. Điều rõ hơn là: chính sách hộ khẩu chặt chẽ, hệ thống quy hoạch các khu công nghiệp thiếu nơi ăn, chốn ở cho những người công nhân (mà thực chất là nông dân) chỉ đang làm cho quá trình ly nông nói trên trở nên đau đớn và khó khăn hơn.
Trong bất cứ trường hợp nào, việc nông dân trả lại ruộng đất là cơ hội chưa từng có để chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một chính sách mạch lạc và thiết thực để giúp cho những người nông nói trên là rất cần thiết. Thiếu một chính sách như vậy, không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể vượt qua được sự quẩn quanh và nỗi buồn tê tái của tình cảnh: “Ông lão dong trâu đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày”?