Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 108: Tư Duy Mở
M
ột nhà triết lý đã nói rất hay như sau: “Tư duy giống như một chiếc dù, nó chỉ vận hành khi nó mở”. Một chiếc dù không mở chỉ là một gói vải rơi từ trên cao xuống. Một tư duy không mở chỉ là một vệ binh của những giáo điều.
Tính chất đầu tiên của một tư duy mở là khả năng nhìn nhận sự vật dưới nhiều góc độ. Cuộc sống luôn luôn biến đổi không ngừng. Trong quá trình này, một phần của cái cũ được bảo tồn và một phần của cái mới được sản sinh. Cái cũ và cái mới là hai phạm trù gắn bó với nhau và tồn tại bên nhau. Không có cái cũ thì chẳng có cái mới và ngược lại. Các nhà triết học gọi mối tương quan này là sự thống nhất của các mặt đối lập. Tuy nhiên, ở đời người lớn tuổi thường dễ chấp nhận cái cũ hơn vì nó là thứ đã được họ nhận thức và chiêm nghiệm. Lớp thanh niên lại dễ chấp nhận cái mới hơn vì họ thích hướng về phía trước và ít bị cái cũ níu kéo. Thế nhưng, không thấy được cái mới thì không thấy được tương lai. Ngược lại, không thấy được cái cũ, thì không thấy được nguồn cội của tương lai đó. Vì vậy, một tư duy mở phải phản ánh được cả góc nhìn của những người lớn tuổi, cũng như của những người trẻ tuổi.
Tính chất thứ hai của một tư duy mở là tính phản biện. Phản biện không phải là phủ nhận, phản biện là khả năng lật ngược vấn đề để thấy hết mặt trái của nó. Mọi sự vật ở đời, cũng như mọi tấm huy chương, đều có hai mặt. Thật phiến diện, nếu chúng ta chỉ nhìn thấy được một mặt của chúng. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy được lợi ích của biển mà không thấy được rủi ro của biển; nếu chúng ta chỉ nhìn thấy được cơ hội của hội nhập mà không nhìn thấy được thách thức của một nhập, thì cách hành xử của chúng ta sẽ thiếu sót biết chừng nào! Với tư duy phản biện, mặt trái của các chính sách bao giờ cũng sẽ được nhận biết và được cân nhắc, nhờ đó mà hiệu quả của chính sách bao giờ cũng được nâng cao, tác động phụ (tiêu cực) của chính sách bao giờ cũng được giảm thiểu.
Tính chất thứ ba của tư duy mở là tính uyển chuyển. Chân lý là cụ thể - cụ thể thời gian và trong một điều kiện không gian nhất định. Khả năng đối chiếu một chân lý vào những điều kiện không gian và thời gian cụ thể để phán xét về chân lý đó chính là tính uyển chuyển của tư duy. Nếu cuộc sống đã thay đổi, mà sự phản ánh cuộc sống của ngày hôm qua vẫn còn ngự trị trong tư duy, thì chúng ta chỉ sống được với quá khứ mà thôi.
Có ai đó trong các nhà hiền triết đã từng nói: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”. Điều cần bổ sung thêm ở đây là: “Tôi tư duy như thế nào thì tôi tồn tại như thế ấy”.