For friends... do but look upon good Books: they are true friends, that will neither flatter nor dissemble.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 110: Khách Yêu Hoa
ôm nay là Chủ Nhật, một Chủ Nhật không phải đi lao động xã hội chủ nghĩa vinh quang. Nhưng không đi lao động thì không có ăn sáng. Quen mỗi buổi sáng có mấy mẩu sắn nhét vào dạ dầy, hôm nay phải nhịn teo nên ai cũng bải hoải, rã rời. Hầu hết mọi người, sau khi chờ cán bộ vào điểm số xong, đều nằm trở lại, để ngâm dấm với cái bao tử rỗng. Cho nên lâu lâu có một Chủ Nhật được nghỉ lao động thì vui thật; nhưng cái bụng lại bị lép kẹp thì chẳng còn vui mấy.
Tôi cũng nằm rán cho hồn bồng bềnh một lúc. Chợt nhớ hôm nay sẽ gặp Lê Văn Kinh để biết sơ lược về vụ án người nhái ở sông Gianh, tôi bò nhổm dậy, xuống giếng rửa mặt.
Ánh nắng sớm, đã nhuộm vàng mấy ngọn nứa phía cuối sân. Nền trời xanh thẳm, cao ngất. Chéo phía tây, những lớp mây trắng đục hình vảy cá, xếp đều đặn trông như một cái tổ ong khổng lồ. Phía trên của lớp mây ửng lên, vàng chóe như viền của những chong đèn cù trong ngày hội. Cây rừng yên ả không một làn gió, vài chiếc lá nứa mỏng dính, nhè nhẹ ngút ngắc, đong đưa càng nói lên cái êm ả của một buổi sớm trong rừng già.
Ngoài sân, trong hội trường, đây đó cũng có vài bóng người. Hẳn cũng như tôi, muốn gửi hồn vào thiên nhiên vắng lặng của buổi sớm mai trong ngục tù. Những mầu sắc rực rỡ tươi rói dưới nắng Xuân của mấy bông bách hợp đã kéo tôi lại bên luống hoa trước ngôi nhà số I. Một cây thược dược ngay ở đầu luống chỉ chừng tuổi mười sáu, có một chiếc nụ còn buộc kín, trên đầu hơi loe, thò ra một giải con con mầu tím xậm băng trinh. Bên cạnh là một đóa hoa đến thì nở rộ, vươn cao. Những cánh hoa nhung mượt, tím ngắt, hơ hớ, e ấp còn ngậm mấy giọt sương đêm, dáng dấp như một cô tiểu thư đài các, trâm anh đang đứng cạnh mấy nàng thôn nữ cúc vàng đại đóa phía bên trong.
Một con bướm cánh vàng hoe, thân và đầu đen thẫm, lả lơi rời bông hoa bách hợp kép để sà đến cô nàng thược dược đang lắc lư đợi chờ. Cái mùi thanh thanh ngòn ngọt của thế phiệt trâm anh quyện chặt vào cái mùi nồng nồng, ngầy ngậy của mộc mạc thôn dã phả dài vào ánh nắng Xuân. Hồn tôi ngất ngây, quên cả thực tại đến nỗi, đã rỉ ra mấy câu thơ cóc nhẩy:
Muôn hồng ngàn tía, sắc hoa tươi,
Nhún nhẩy, đong đưa mỉm miệng cười.
Tôi còn đang thả hồn chìm lắng vào một trời sắc hương thì một giọng nói đanh và ấm cất lên ngay phía sau lưng đã làm tôi tỉnh hẳn một giấc mộng ngày:
- Trong mấy luống hoa này, anh thích loại hoa nào nhất?
Tôi quay lại, hơi điếng hồn! Tôi không thể ngờ vì đó là Hoàng Thanh, ông ta mỉm cười với tôi. Mắt tôi còn kịp thấy nhiều người ở những cửa buồng, và ở phía xa xa đang nhìn về phía tôi và Hoàng Thanh. Ngay đầu luống hoa nhà số II, từ nãy có 2 -3 người đứng cũng đã lủi đi mất.
Sau một giây bàng hoàng lúc đầu, vì tôi không thể nghĩ Hoàng Thanh lại vào trại ngay buổi sáng sớm ngày Chủ Nhật như thế này. Tôi lại liên tưởng đến cái ngày ông ta thả cùm tôi hơn nửa tháng trước, vì vậy tôi cũng mỉm cười, gật đầu chào ông ta. Hoàng Thanh, nhìn như không cần chú ý vào nét ngỡ ngàng của tôi, ông ta hất hàm vào luống hoa và nhắc lại câu hỏi khi nãy.
Trong lòng tôi thực sự cũng hơi chờn, vì dù sao thì y cũng là một tên hung thần ác ôn. Tôi định tìm một thế rút lui để tránh vạ là hơn, nhưng nhìn mặt y lúc này rõ ràng cởi mở, không có mùi sát khí. Tôi tự nghĩ, thì mình cứ nói chuyện đàng hoàng đã sao. Nghĩ thế, tôi ung dung trả lời:
- Thưa ông, mặc dù mấy bông hồng và vạn thiên kim đẹp thật, nhưng tôi vẫn thích thược dược hơn. Cái đẹp của nó có vẻ khép kín, khiêm tốn.
Mắt Hoàng Thanh sáng lên long lanh, đầu y gật gật, nét vui lộ hẳn ra mặt:
- Riêng về điểm này, sao anh lại giống tôi thế!
Rồi như ý tưởng của y được khơi dậy, y vồn vã kể lại cái ngày y được cử đi học ở bên Trung Quốc. Vì thích hoa, ngày Chủ Nhật, y đã đạp xe đạp hơn 20 cây số để thăm một cái trại hoa khổng lồ ở ngoại ô Bắc Kinh. Y kể, tả lại bao nhiêu loại hoa hiếm quý; rồi những buổi, y đi thăm những vườn hoa ở Ngọc Hà, Hà Nội v.v… Khi có kẻ “đồng thanh tương ứng” đã làm cho tôi say sưa cũng kể và tả lại những vườn hoa trác tuyệt của Đà Lạt mộng mơ mà tôi đã có dịp đến thăm khi mới di cư vào Nam.
Từ những chuyện chuyên đề về hoa, khi đề cập tới cái cao quý của bông sen, tôi liên tưởng tới những bộ hoa tứ bình. Hoàng Thanh thấy tôi nói về tứ bình, y chặn lại hỏi ngay:
- Anh có hiểu nhiều về những bức họa của Việt Nam và Trung Quốc không?
Tôi hơi chột dạ, vẻ ngượng ngập lúng túng lộ ra:
- Thưa ông, về lãnh vực hội họa thì tôi chả biết gì cả. Tôi chỉ thấy một bức tranh đẹp thì thích ngắm nghía chứ tôi chả hiểu xuất xứ, nội dung của nó. Tôi chỉ biết mấy bộ tứ bình, vì hồi tôi còn ở trong Nam, tôi có một người bạn vong niên làm sơn mài. Anh đã chỉ cho tôi biết mấy bộ như: Cúc, Trúc, Lan, Mai và một bộ nữa là: Liên, Áp, Lộc, Tùng, Mai Điểu, Trúc Tước.
Y quay lại hỏi tôi như khảo bài:
- Thế, anh có biết những bộ đó thuộc về thời nào không?
Thật mình đã dốt, lại cứ muốn tỏ ra ta hiểu biết nên đã thò đuôi ra cho y nắm:
- Thưa ông tôi không biết!
Hoàng Thanh coi như cái kém cỏi của tôi là đương nhiên, dù tôi đã 30 tuổi đời nhưng đã có 6 năm nằm trong ngục tối. Bởi vậy, y nói như giải thích:
- Hai bộ đó thuộc đời Đường!
Rồi một phần vì đang say sưa trong câu chuyện, phần khác, cũng muốn khoe cái hiểu biết của mình, y niềm nở hỏi tôi:
- Anh có bao giờ nghe nói về “bát cảnh danh họa” của Trung Quốc chưa?
Phần vì cũng hơi tò mò, phần nữa cũng muốn “đắc nhân tâm” làm cho y vui lòng nên tôi lắc đầu, mắt mở to háo hức chờ đón. Hình như tôi đã gãi đúng chỗ ngứa của y. Y quay lại dựa hẳn vào chiếc hàng rào nứa của luống hoa. Rồi như y chuẩn bị để tôi có thể tiếp nhận hết được những ý nghĩa tinh túy của những bức họa, y nói:
- Như anh đã biết đấy, trong cuộc đời cái gì vui thì thường hay nông cạn, không có chiều sâu, người ta dễ quên đi. Bởi vậy, những tác phẩm bất hủ của loài người thường có nội dung buồn. Nỗi buồn nó mới gậm nhấm lòng người da diết. Sau mỗi khi y nói tên một bức họa, y lại vừa như giải thích vừa như bình phẩm như sau:
1/ Tiêu Tương dạ vũ.
Đêm khuya mà mưa dầm trên sông Tiêu Tương thì thật buồn.
2/ Yên tự vãn chung.
Tiếng chuông thu không trong một ngôi chùa vắng thì buồn ơi là buồn.
3/ Giang Thiên mộ tuyết.
Một nấm mộ hoang, tuyết phủ bên một giòng sông tịch mịch.
4/ Ngư thôn tịch chiếu.
Một xóm chài lưới đầu ghềnh phản chiếu ánh chiều tà vắng lặng.
5/ Sơn thị tình lam.
Một cái chợ trên miền sơn cước; chiều tàn, dăm chiếc lều xiêu vẹo, vài bóng người trên sườn đồi.
6/ Viễn phố quy phàm.
Một cánh buồm trôi về bến xa vời giữa cảnh trời nước mênh mông.
7/ Bình sa lạc nhạn.
Trên bãi biển chiều vắng lặn, một cánh nhạn lẻ loi lạc đàn.
8/ Động Đình Thu nguyệt.
Trăng thu trên hồ Động Đình. Tĩnh lặng chỉ có tiếng cú kêu lẫn vào tiếng gió ngàn.
Theo Hoàng Thanh, cũng vào lần đi học ở Trung Quốc 1957, y đã gặp một họa sĩ già đang bị nhà nước Trung Quốc quản chế ở Quế Sơn đã cho y biết. Bây giờ đã là năm 1968. Như vậy đã 11 năm, mà y còn nhớ rành rọt như nhớ một bài học thuộc lòng.
Tôi và Hoàng Thanh đứng cạnh luống hoa trước ngôi nhà số I cứ miên man chuyện trò cho tới khi kẻng bom ở cổng rổn vang lên, báo hiệu giờ lấy cơm trưa. Cả y và tôi đều choàng tỉnh, không ngờ thời gian lại đi mau như vậy. Lúc đầu còn nói chuyện hoa, sau ra chuyện họa, mà họa thật. Ngay từ buổi chiều hôm ấy, rất nhiều anh em trong trại đã nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng, khinh khỉnh. Cả Lê Sơn, Quý Cụt, Nguyễn Huy Lân v.v… họ cũng có thái độ lạnh lùng với tôi. Tôi thật buồn, làm thế nào để thanh minh được? May, chỉ có bác Lẫm và Vân mới thông cảm với tôi. Mấy ngày sau, bác Lẫm đã gặp riêng tôi, hỏi vẻ buồn trách:
- Sao Bình lại chuyện trò vui vẻ với Hoàng Thanh như bạn vè thân thiết thế? Bình có biết rằng nó đã giết chết bao nhiêu người của chúng ta rồi không?
Tôi cũng buồn, trả lời bác Lẫm, đây là một chuyện hoàn toàn vô tình. Hơn nữa, theo sự suy nghĩ và quan điểm của tôi lúc ấy: dù có phải giết nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể lịch sự với nhau. Điều đó chỉ chứng tỏ lòng mình, lập trường của mình đã được tôi luyện vững chắc rồi. Tuy thái độ lịch sự, lời nói mềm mỏng nhưng nó có thép ở trong. Tuy thế, tôi cũng đã thấy khuyết điểm của tôi. Tôi nhìn nhận, đó là bài học cho tôi.
Theo quan điểm của đại đa số anh em tù giai đoạn ấy là không bao giờ được cười cợt, đùa bỡn với kẻ thù. Thái độ phải nghiêm chỉnh, lạnh lùng khi phải tiếp xúc với cán bộ. Tôi là người ít nhiều có nghiệp vụ để hoạt động chính trị. Tôi hiểu rằng, đôi khi để đạt được mục đích tối hậu, có nhiều khi phải để quần chúng hiểu lầm mình. Nhưng phương cách ấy, ở đây, lúc này không thích hợp. Tuy vậy, sự thật trước hay sau bao giờ cũng chỉ có một. Bởi vậy, những ngày sau đó, anh em cũng đã dần dần hiểu ra nên đã trở lại bình thường, chỉ có riêng tôi vẫn phải suy nghĩ về Hoàng Thanh. Tôi vẫn chưa trả lời được vì sao, y đã tha cùm cho tôi, và vì sao y có vẻ có thiện cảm với tôi? Suy nghĩ hướng nào cũng có mâu thuẫn, chỉ có thể tạm chấp nhận cái lý, tình cảm riêng tư đặc biệt của mỗi người, mà nhiều khi chính người đó cũng không lý giải được. Mặc dù cùng gặp một lúc, chưa hề tiếp chuyện nhưng tôi lại ưa người này, mà lại không ưa những người kia, làm sao mà giải lý? Cũng có thể là một con cáo già cao tay nên đã làm mờ cái nhìn của tôi, đã không thể nhìn rõ được y chăng? Thời gian và sự việc tôi sẽ làm sáng tỏ.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen