We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 109: Thầy Pháp Và Âm Binh
rong những câu chuyện anh Bách kể cho tôi nghe, có một chuyện làm cho lòng tôi cũng thấy hơi hơi thích thú nên không thể quên được. Nhưng để ý nghĩa của câu chuyện đó thêm sáng tỏ, tôi phải trình bầy một vài sự việc có liên quan:
Ai cũng biết miền Bắc Việt Nam, hầu như đến 7 – 8 phần mười đất đai là núi và rừng, lưu cữu từ hàng bao nhiêu ngàn năm, nơi hợp lưu chất chứa, tích tụ và xuất phát của giòng giống Bách Việt. Ngày nay còn lại những nhánh, chỉ, riêng biệt bao gồm hàng 5 chục tộc như Mường, Mán, Mèo, Xạ Phang, Thái, Nùng v.v…mà mỗi tộc lại tin tưởng thờ cúng một số thần thánh, một số ma quỷ trong nơi rừng sâu hoang dã, hẻo lánh, đầy huyền bí man dại, cách biệt hẳn với thế giới văn minh của loài người; những âm binh, thiên tướng, ma trành, ma xó, thày mo, thày pháp, thư, ếm v.v… Còn nữa, nào là long mạch, quy mạch, mồ mả, thầy tướng, thầy số, thầy đồng, các cô, các cậu, tạo nên hàng ngàn, hàng chục ngàn những câu chuyện ma quái, thần thánh ở các địa phương cứ như thật, tưởng như ai cũng trông thấy hết, mà ai cũng hơn một lần nghe người khác kể lại.
Những sự việc đó, cứ thông truyền từ đời nay qua đời khác, từ thế hệ này thế hệ kia. Nó lan tràn chui sâu, luồn lách vào từng đường gân, thớ thịt trong tim, óc của mọi người. Thậm chí cho tới bây giờ, những thứ ma quỷ đó vẫn còn ngự trị ở trong lòng nhiều người, chưa biết đến đời nào mới hết? Lòng tin tưởng ấy đã gắn liền vào xương, vào thịt của họ. Đến nỗi tôi nghĩ rằng, đối với nhiều người thà họ bị giết chết, chứ không thể diệt được lòng tin của họ vào những điều dị đoan, mê tín. Điển hình, tôi xin tường thuật lại 2 câu chuyện thực tế đã xẩy ra trong một khoảng đời ấu thơ của tôi tại quê tôi.
Câu chuyện thứ nhất:
Nhà tôi ở ngay cạnh con đường chính của huyện. Ban ngày có nhiều người đi chợ qua lại. Vì không có điện nên cũng như nhiều những vùng quê khác, ban đêm thì tối đen như mực, dành cho thế giới huyền bí, ma quái, ghê gớm, không ai biết được. Cách nhà tôi khoảng hơn nửa cây số, có một cây đa thật to, gốc rễ chằng chịt chiếm hẳn một khoảng đất rộng. Nó to đến người ta đã làm ở trong gốc của nó một cái miếu lớn mà người ta có thể ra vào được. Trong miếu này và chung quanh gốc đa, người ta chất, người ta treo la liệt những ông bình vôi đủ kiểu, đủ loại. Cây đa có rất nhiều cành, nhiều ngọn um tùm, che rợp bóng hàng mẫu đất. Người ta nói cây đa này đã có từ hàng trăm năm, và ngọn của nó soi bóng sang mãi bên Tầu, vì Tầu nó để của và ếm thầy, bùa ngải để giữ của, giữ vàng. Cây đa này gọi là cây đa Hòa Lạc, vì nó nằm trên quãng đường huyện của làng Hòa Lạc.
Tôi đã được nghe hàng trăm câu truyện rùng rợn, kinh hoàng, dựng tóc gáy về cây đa này. Để rồi suốt thời gian ấu thơ của tôi, cây đa Hoà Lạc và cái đền hoang của bà chúa Đông Ngàn cũng gần đấy, đã làm tôi nhiều đêm không dám đi đái; trùm chăn kín đầu không dám cả thở mạnh, da gà nổi lên khắp tứ chi.
Một lần, một sự việc đã ghi hằn vào bộ óc non dại của tôi. Hôm ấy, huyện tôi có một đám rước lớn lắm. Đường làng, đường phố chỗ nào cũng đầy ắp những người. Trẻ con người lớn, ai cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Cờ, quạt, trống, kèn ầm vang cả xóm, ngõ. Hình như đó là ngày nào đám của các ông thần, bà chúa ở trong huyện, mỗi năm chỉ có một lần.
Tuy tôi ở thôn công giáo, nhưng trẻ con chúng tôi rủ nhau đi theo xem đám rước suốt ngày; hơn nữa, tôi cũng có nhiều thằng bạn ở những thôn bên lương. Đám rước thật dài, cứ một đoạn lại có một chiếc kiệu. Những chiếc kiệu sơn son, thiếp vàng nhiều kiểu, nhiều loại thật lộng lẫy uy nghi. Mỗi chiếc kiệu thường có 8 người thanh niên khỏe mạnh, mặc đồng phục khiêng, vác trên vai.
Lũ trẻ con chúng tôi thích và chú ý nhất một người mặc quần áo đỏ chóe, đội mũ cánh chuồn. Ông ta chừng 4 chục tuổi, dáng cao lêu nghêu. Ông ta bước từng bước dõng dạc, từ tốn giữa đám rước. Giữa má ông ta có một cái lình rất to, xuyên suốt từ má này má kia. Chiếc lình bằng đồng, trông như cái đại đao của Quan Vân Trường thu nhỏ, dài chừng 1 mét. Phía chuôi nhọn hoắt, to bằng ngón tay, chọc xuyên thủng qua 2 má. Một người mặc quần áo xanh, 2 tay 2 chiếc khăn đỏ, đỡ ngang một đầu lình. Ông này cũng trang nghiêm đi song song với ông áo đỏ. Một người nữa, 2 tay kính cẩn giương cao một chiếc lọng xanh áo to tướng, che trên đầu cho ông áo đỏ xuyên lình. Phía sau, có nhiều các bà mặc áo xanh, áo đỏ, tay lần hạt, miệng niệm kinh. Người ta nói rằng, ông áo đỏ đang thăng đồng, thánh đã nhập.
Chúng tôi mở to mắt, lạ lùng nhìn chằm chằm vào 2 miếng bìa mầu vàng, hình tròn to bằng quả ổi, dán vào 2 bên má, chỗ chiếc lình xuyên qua. Rõ ràng, không hề máu chảy. Như vậy, 2 cái lỗ ở má của ông xuyên lình phải to để cái lình xuyên qua chứ!
Quá trưa một tí, tự nhiên đám rước chùn ứ lại, rần rật, xôn xao cả lên. Chiếc kiệu của bà chúa Đông Ngàn và chiếc kiệu của ông thần Thành Hoàng của làng Tuần Lễ xoay ngang ra, chồm lên phía trước, rồi giật lại phía sau, cuối cùng xông bừa xuống ruộng, chạy vung cả nước lên. Hai chiếc kiệu cứ như say rượu, điên đảo ở giữa cánh đồng, lúa đã gặt rồi. Trên đường hầu hết đám rước, già, trẻ, lớn, bé đều quỳ mọp xuống đất, mặt đều hướng ra hai chiếc kiệu, lạy như tế sao, miệng khấn vái, cầu, kêu inh ỏi. Chúng tôi lúc đó cũng xanh cả mắt, sợ quá cũng phải quỳ xuống theo mọi người. Người ta bảo, ông thần, bà chúa đang tức giận dân làng.
Câu chuyện thứ hai:
Tôi nhớ rõ, lúc ấy khoảng năm 1947, tôi đã lên 9. Quê tôi vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh.
Vào một buổi đó, tôi cùng mấy đứa bạn trốn học theo người ta sang một xã bên cạnh, xem một trận thư hùng của hai con gà chọi nổi tiếng trong khu vực. Thật không may cho tôi, trong khi tôi đang hớn hở vỗ tay hoan hô một “pha” gay cấn của hai con gà thì bố tôi đi với bác tôi, chợt ghé vào nhìn thấy. Điếng hồn, tôi bỏ đám gà chọi, lủi lẹ; cho đến chiều hôm ấy tôi cũng không dám về nhà. Tôi hiểu rằng, chắc chắn tôi sẽ bị một trận đòn nên thân. Đợi mãi lúc trời đã cập quạng, tôi mới dám mò về phía hồi sau của nhà tôi.
Không ngờ, hôm đó nhà tôi lại có giỗ (tôi chưa biết giỗ ai). Trong nhà, họ hàng, chú bác đến đọc kinh râm ran đầy nhà. Phía sau nhà tôi có một bụi hóp rất rậm dọc theo chiều dài của ngôi nhà. Bụi hóp này là ranh giới giữa nhà tôi và nhà bên cạnh. Một mình tôi cứ lủi thủi, tuy bụng vừa đói vừa sợ bị đòn nhưng vẫn tò mò theo dõi một đàn kiến nghệ đang chuyền đất lên làm tổ ở một cành hóp. Bất chợt, tôi nhìn thấy xác một con rắn to nằm dài, ghếch lên những cành hóp ở giữa bụi. Cái xác rắn dài đến 1 mét rưỡi, hãy con ướt nguyên. Chứng tỏ con rắn vừa mới lột xong. Khoái quá, nhẹ tay, khéo léo lần mò lấy được xác rắn, không hề rách một tí nào. Lòng hí hửng, tay mân mê cái xác rắn. Tôi chợt nghĩ đến bố tôi, có lần, nói chuyện với khách, ông đã ca ngợi xác rắn làm thuốc chữa được rất nhiều thứ bệnh. Vừa có ý nghĩ để cho bố ngạc nhiên, vừa nghĩ có thể thấy xác rắn to và mới lột như vậy bố sẽ vui; may ra sẽ giảm hay tha cho trận đòn không chừng.
Nghĩ xong, tôi mò đến gian buồng của bố tôi. Qua cửa sổ hé mở, nhìn vào, giường bố tôi nằm ngay sát cửa sổ, đã bỏ màn. Trong màn trống trơn, chắc bố tôi cùng họ hàng đang đọc kinh ở gian nhà khách. Tôi thò tay vào, khẽ kéo màn, đã dập dưới chiếu, cuốn tròn cái xác rắn, luồn đưa vào trong màn, rồi lại dập lại như cũ.
Khi đọc kinh xong, mùi xôi chè nồng lên, xông ra càng làm cho bụng tôi cồn cào. Chắc hẳn trong nhà đang chuẩn bị ăn. Không chịu được, tôi thập thò về phía nhà bếp, gặp ngay bà ngoại. Biết tôi đói, bà giúi cho tôi một nắm xôi và bảo: “hôm nay là ngày giỗ ông nội mày, cứ về bố mày không đánh đâu. Có gì tao xin cho!” Tin bà, nên tôi đã theo bà tôi vào trong nhà, ăn uống với đám trẻ con.
Bố tôi không thích ăn đồ ngọt và nếp, nên kiếu khách vào buồng nằm nghỉ. Bỗng từ trong buồng, bố tôi chạy giổ ra hớt hải kêu tướng: “rắn, rắn!” Vừa kêu, bố tôi vừa vội vàng ra lấy cái đèn to ở giữa nhà cùng một số đàn ông, xô vào trong buồng. Trong khi, bên ngoài trẻ con và đàn bà nhớn nhác, quýnh, dúm người lại. Dưới ánh đèn sáng trưng, trước mắt mọi người, bố tôi lôi từ trong màn ra một cái xác rắn to và dài thuỗn, hãy còn ướt. Để giữ muỗi, chân màn bố tôi đều dập chặt dưới chăn và chiếu, cửa màn đóng kín; mới một giờ trước đấy bố tôi ở trong màn ra gian nhà khách để đọc kinh. Vậy con rắn chui vào lối nào để lột? Và khi lột rồi thì con rắn cũng ra lối nào? Khắp chung quanh màn, chiếu vẫn còn dập y nguyên. Một sự lạ trước mắt mà không ai có thể hiểu được, không ai lý giải được. Trong đám khách họ hàng đọc kinh hôm ấy lại có một ông trùm và một ông thầy của nhà xứ.
Lại có một sự việc trùng hợp khá hòa nhịp nữa: bố tôi là một người có võ nghệ mà trong huyện có nhiều người biết. Gần một năm trời, do sự lôi kéo, phỉnh phờ của Việt Minh, bố tôi đã đi huấn luyện võ thuật cho du kích ở nhiều xã trong huyện. Điều này, các Cha và phía bên Công Giáo ở địa phương lúc ấy không thể chấp nhận được. Coi việc làm đó như là một hành động bỏ Chúa, phản giáo để đi theo lũ vô thần, quỷ dữ. Nhưng chẳng hiểu sao, do nguyên nhân nào, hơn một tháng trước, bố tôi bổng dưng từ bỏ không đi dậy võ cho du kích nữa. Chính vì thêm cái lắt léo này, cho nên ngay buổi tối hôm ấy, câu chuyện nghiễm nhiên trở thành một huyền thoại như sau: “hôm nay là ngày giỗ bố (ông nội tôi) hiển linh. Bố tôi đã bỏ đạo theo lũ vô thần nên tượng trưng là con rắn. Con rắn đã lột xác để trở về với Thiên Chúa ngay lành, tẩy trừ, gột rửa tội lỗi.”
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, nhưng phép lạ thì còn đồn xa hơn nữa. Một đồn mười, mười đồn trăm, những ngày sau đó rất nhiều người đến xem tại chỗ sự lạ. Cái xác rắn bố tôi đã để trong một cái hộp kính, đặt ngay tại gian nhà giữa nhà khách, cạnh buồng của bố tôi. Bất cứ ai đến cũng được xem tỉ mĩ xác rắn, và vào tận giường bố tôi để quan sát. Có nhiều những ông già, bà cả ở những huyện xa cũng mò đến nơi để được nhìn tận mắt. Thậm chí ngay Cha Xứ cũng xuống xem, rồi rao giảng sự việc ở nhà thờ nữa. Câu chuyện chỉ tự nhiên được thêm một chi tiết: cái xác rắn dài thõng thượt ngay chính giữa chỗ bố tôi nằm, trong khi thực tế thì tôi đã cuộn lại.
Chỉ có tôi, thời gian ấy, đã vô cùng ngạc nhiên; ngạc nhiên đến độ sợ hãi vì câu chuyện đã trở thành nghiêm trọng quá nên tôi không còn dám nói với một ai. Lúc đầu, mục đích chỉ muốn làm quà cho bố tôi để nhẹ trận đòn. Sau thấy diễn tiến của sự việc được nhiều người chú ý thì chỉ thấy mừng vì ông bố đã quên béng buổi trốn học đi xem chọi gà của tôi. Chứ đâu tôi có ngờ, câu chuyện càng ngày, càng mở rộng ra khắp huyện như vậy.
Rồi thời gian trôi đi, năm 1950, tôi ra Hà Nội; rồi vào Nam cho tới khi lại trở ra Bắc và cho tới bây giò. Do những đẩy xô, lôi kéo của cuộc đời, tôi chưa có dịp nào để trình bầy lại sự thật của sự việc này cho những người của muôn năm cũ ấy. Ngày nay, bố tôi, mẹ tôi đã mất và cả ai còn, ai mất của những ngày ấy. Hẳn rằng, cho tới khi họ nhắm mắt lìa đời, lòng họ vẫn sắt đá tin rằng con rắn sau khi lột xong đã biến mất là một sự lạ hiển nhiên, trông thấy, nên họ vẫn tin, như tin có mặt trời vậy.
Thế mà, theo anh Bách, vào cuối năm 1956, sau khi cộng sản tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày 10/1/01954 theo những thời gian đã ấn định của hội nghị đình chiến Genève. Hơn một năm trời cộng sản không hề đá động gì đến các tín ngưỡng của người dân, vì chúng còn bận lo nhiều chuyện khác lớn hơn, khi mới tiếp quản. Lúc này chúng đã nắm chắc mọi vấn đề chính rồi; cũng là lúc chúng đã theo dõi, moi móc, tìm tòi nắm chắc, xếp loại được mọi thành phần của người dân trong tay chúng. Bấy giờ chúng mới mở một chiến dịch rầm rộ đánh phá những cái mà chúng cho là dị đoan, mê tín v.v…trong quần chúng.
Chúng phát động một chiến dịch dài ngày trên khắp miền Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, nhất là những nơi hẻo lánh, hoang dã giữa rừng sâu.
Như trên đã trình bầy, chúng đã chọn, đã lọc ra những loại điển hình đầu sỏ của từng địa phương, từng bản làng.. Những thầy mo, thầy pháp tổ sư nổi danh nhất, đã dạy, đã đào tạo ra bao nhiêu học trò trở thành pháp sư làm ăn ở các địa phương khác. Những loại tổ pháp sư phải có dưới tay hàng chục ngàn âm binh, thiên tướng, khét tiếng linh thiêng, uy quyền như thần, như thánh. Từ thời Pháp thuộc, thời Bảo Đại, quan châu, quan phủ, không một ai dám động đến các thầy, sợ các thầy thư, các thầy ếm âm binh về phá gia cang v.v…Tùy theo từng tỉnh, huyện miền suôi, hay châu, phủ miền ngược. cộng sản chọn những nhân vật nổi tiếng nhất, điển hình nhất, xin mời tất cả các vị về thủ đô Hà Nội, gồm trên dưới 100 người. Những tay tổ nhất về các lãnh vực huyền bí đều không thiếu mặt. Thậm chí, ngay cả các dụng cụ đồ nghề như kiếm, đao, thương, xuyên lình, hình nhân các loại âm binh; cả các loại sách vở tướng số, bùa ngải v.v…đều được đem đi theo với các thầy về Hà Nội.
cộng sản để ngay các thầy tại phòng thông tin cũ (trước 1954) gần đền bà Kiệu, trông chéo ra cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm. Bên ngoài có công an vũ trang canh phòng cẩn mật. Hàng ngày có các cán bộ đến giảng dậy về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người phải ra sức nhiệt tình giúp chính phủ gột rửa được những tệ đoan, mê tín trong óc đám quần chúng ít học, ít hiểu biết. Nếu anh nào chị nào (ông già râu bạc, bà già móm mém khi bị bắt, cộng sản đều gọi là anh chị) thành khẩn, ăn năn, tự phơi bầy những mánh khóe bịp bợm, thủ đoạn, tâm lý v.v… từ đời này truyền qua đời khác, reo rắc những thần, thánh, ma quái bịp bợm mọi người ra sao, nhà nước sẽ cứu xét tha cho về, làm lại cuộc đời lương thiện với vợ con, bản làng. Ngược lại, anh chi nào ngoan cố, cứ khư khư giữ, giấu cái món bí truyền ấy thì cứ ở đấy mà suy nghĩ.
Thôi thì các cụ, đại đa số đã già lão, yếu đau, trước đây, một bước đều có kẻ hầu, người hạ, một cái giơ tay lắm kẻ nâng đỡ, bây giờ, bị giam ở đây, một mình khổ cực, trăm bề thiếu thốn sao chịu cho nổi. Hơn nữa, ai cũng thấy bây giờ đã đổi đời rồi, không còn thể bịp thiên hạ mà sống được nữa, không gì bằng, hãy thành khẩn thú thật hết mọi mánh khóe, thủ đoạn bịp bợm trước đây của mình.
Đến đây, có một chi tiết không thể không nói được, đó là khi nhà cầm quyền cộng sản đã nhốt các vị ấy rồi, ngoài những bài học tập, những lời giáo dục ra họ có tuyên bố: nếu ai trong các anh chị cần lấy bất cứ thứ gì ở nhà nơi địa phương, về dụng cụ, về chất liệu để hành nghề, họ sẽ đến lấy cho. Nghĩa là, sẵn sàng tạo giúp cho anh chị nào muốn sai âm binh, thiên tướng, hoặc độn thổ, thăng thiên ra ngoài được thì nhà nước sẽ tha cho. Còn ai không làm được, thì chịu khó ở đấy mà ra sức học tập.
Có lẽ, các quý vị tổ sư chẳng nỡ sai âm binh hại cộng sản. Các thầy địa lý, chẳng bỏ xóa long mạch của những tên lãnh tụ Hồ, Đồng, Khu, Giáp. Các ông thần, bà chúa chẳng thèm nói chuyện với cộng sản, cho nên các bậc tổ sư, từ đầu bao nhiêu người, thì cuối vẫn còn bấy nhiêu người. Chỉ trừ thiếu đi khi các vị không thể chịu được những cay đắng, lầm than trong ngục tù phải chui về lòng đất thì không kể.
Gần 2 tháng trời, chúng lựa chọn, lọc lõi những bài kiểm điểm, tự thú nói lên sự việc một cách điển hình. Chúng chọn 10 người điển hình nhất, tổ chức một cuộc mít tinh lớn, mời đồng bào các nơi về dự. Mười người điển hình này, lần lượt ra trình bầy mọi mánh khóe, thủ đoạn lừa bịp người khác về các mặt: thầy pháp, lên đồng, đánh đồng cốt, xuyên lình cổ, má; các loại ma xó, ma trành, bủa ngải, thư, ếm…..trong gần 1 tuần lễ trước quần chúng nhân dân.
Sau đó, chúng cho đại đa số các thầy về địa phương quản chế giáo dục tiếp. Ngược lại, còn một số ít, khoảng hơn hai chục người ngoan cố, tìm cách xuyên tạc, che dấu mà cộng sản cho là không thể giáo dục được. Thì bị chúng cho đi vào ấp để những người này có điều kiện luyện tiếp âm binh cho thành cao thủ. Riêng phân trại E này có 6 người, mấy năm trước chết mất 2, bây giờ còn 4 người là Quách Cẩm, 72 tuổi ở toán 4. Quác Mơi, 56 tuổi ở toán xẻ. Lồ Phá Chi, 70 tuổi ở toán 5 (toán rau). Đèo Sín Kha, 58 tuổi ở toán 6 nông nghiệp.
Theo anh Bách, trước đây, đôi khi anh em trong trại thường hay hỏi đùa các cụ: “sao các cụ không sai âm binh nó rỡ hàng rào trại, hoặc bóp cổ hết lũ giám thị, để chúng mình về với vợ con?” Thì các cụ chỉ móm mém cười buồn mà không trả lời. Hiện nay, có thể vì gần cuối đời rồi mà còn bị búa đời phang cho túi bụi, kết hợp với những tủi nhục, đắng cay của cảnh tù đầy đã làm cho cụ nào cũng đờ đẫn, lù khù. Riêng Quách Mơi còn tương đối minh mẫn. Họ Quách đối với dân tộc Mường là một trong 4 họ danh giá, thế phiệt nhất. Quách Mơi nổi tiếng trong trại là người duy nhất thích ăn thạch sùng (mối) sống. Nếu ai bắt được con mối còn sống, có thể đổi được ít thuốc lào với Quách Mơi. Nhiều người khi bắt được con mối, cũng muốn nướng ăn, nhưng lại muốn cho Quách Mơi để được nhìn cách Quách Mơi nuốt con mối. Anh Bách nói, Quách Mơi không phải là nuốt mối, mà ông ta đặt con mối chui đầu vào miệng, rồi bóp mạnh cái đuôi con mối, tự con mối chạy chui xuống dạ dầy của ông ta.
Nghe anh Bách nói đến đây, tôi nôn nóng hỏi ngay:
- Thế, có biết Quách Mơi nuốt thạch sùng sống để làm gì không? Hay chỉ vỉ thiếu chất protéin?
Một lúc lâu, mới nghe anh Bách trả lời:
- Cũng đã có rất nhiều anh em hỏi, nhưng chưa bao giờ Quách Mơi nói lý do. Vì vậy có người đoán, có lẽ âm binh hay ma trành, ma xó trong bụng của Quách Mơi cần ăn thạch sùng sống, hay Quách Mơi đang luyện một món “bí kíp” mới, ai mà biết được.
Đến dây, cũng chưa phải là câu chuyện anh Bách kể làm tôi thích thú, nên ghi mãi trong lòng. Cái chuyện làm tôi thích thú, chỉ vì con mối, tức con thạch sùng của Quách Mơi lại có liên quan đến một câu chuyện buồn cười trong một đoạn đời ấu thơ của tôi.
Ngày xưa xa lắm (cứ nói ngày xưa cho nó có vẻ truyện cổ tích) khi ấy tôi độ 5 – 6 tuổi, nhà bố mẹ tôi thì ở dưới phố huyện. Còn nhà bà nội tôi thì ở mãi trên nhà quê xa lắm, cách nhà bố mẹ tôi đến 6 -7 cây số. Chả biết ông nội tôi chết từ khi nào, tôi chỉ thấy một mình bà tôi sống ở một căn nhà 3 gian, chung quanh có vườn, trồng nhiều cây cối.
Cái làng của bà nội tôi thật là nhà quê. Hầu hết dân làng đi chân đất, đàn bà mặc váy mà sau này người ta gọi đùa là quần một ống. Ngay bà tôi cũng chỉ có một đôi guốc đẽo bằng gốc một cây tre già; nó cong cong và cao lênh khênh. Bà tôi chỉ dùng để rửa chăn trước khi đi ngủ. Có lẽ bà tôi ở một mình buồn, nên ngay từ khi tôi được 3 -4 tuổi, bà tôi đã bắt tôi về ở với bà. Bà tôi chiều tôi hết ý, nên có rất nhiều chuyện xẩy ra trong thời gian này, trong đó có một câu chuyện liên qua đến con thạch sùng.
Như tôi đã nói, tôi khoảng 5 – 6 tuổi, tuy suốt ngày mặc áo, nhưng vẫn cởi truồng. Tôi chỉ có 2 cái quần, một cái quần đùi và một cái quần dài. Tôi chỉ được mặc khi theo bà xuống dưới nhà bố mẹ tôi, hoặc vào những ngày giỗ, Tết. Chính vì tôi cứ ở truồng như vậy, nên la cà, chơi bời thế nào không biết, cứ lâu lâu chim lại bị sao đó, nó sưng, nó ngứa ghê lắm. Càng gãi, càng xoa nó lại càng sưng to, đỏ mọng lên. Mỗi lần tôi bị như thế, bà tôi thường bảo:
- Mày lại bị con “ma mò” nó cắn rồi!
Với đầu óc của tôi thời gian ấy, tôi tưởng tượng ra con “ma mò” nó ghê gớm lắm. Đêm đêm nó thò những cái vòi đỏ choét quấn chặt, rồi cắn tôi. Tôi chỉ biết khóc, năn nỉ bà tôi chữa cho.
Thế rồi bà tôi chuẩn bị chữa cho tôi. Cái khâu đầu tiên là bà tôi phải tìm, rình bắt cho được một con thạch sùng. Có khi bà tôi không tìm ra hay không bắt được, bà tôi phải sang nhà một ông trùm họ (công giáo) tên là Việt ở xóm bên cạnh, nhờ bắt giùm. Khi có con mối rồi, bà tôi vào buồng lấy một cái lọ sành vẫn đựng chừng 2 kg đậu đen để dành cho ngày Tết nấu xôi hay chè. Bà tôi đổ đậu ra một cái thúng con, lấy cái lọ không, rồi bỏ con mối vào trong. Theo bà tôi giải thích, chữa bệnh “ma mò” này chỉ được chữa vào buổi tối mới linh nghiệm. Chờ cho trời tối hẳn, một đống tro than rạ còn nóng hổi. Bà tôi lấy một đôi đũa cả, đút phía đầu nhọn của đôi đũa vào đống tro than nóng. Xong rồi, bà tô bắt tôi ngồi xổm, giơ chim ra. Một tay, bà tôi cằm cái lọ có con thạch sùng ở bên trong; một tay bà tôi dùng đôi đũa cả đã dúi, vùi trong tro nóng. Nhanh nhẹn, bà tôi cứ gắp, vuốt vào chim tôi từ trong ra ngoài, rồi bỏ vào cái lọ. Mỗi lần bà tôi gắp bỏ lọ, miệng bà tôi lại lẩm bẩm:
- Gắp “bống” bỏ lọ này!
Tôi chỉ thấy nóng rát. Nhưng rất kỳ lạ, chỉ “bỏ lọ” chừng vài lần là đỡ ngứa hẳn đi. Nghỉ khoảng một giờ sau, lại gắp bỏ lọ một đợt nữa là khỏi. Khi xong việc, thường thường trời đã tối mịt. Bà tôi còn phải ôm cái lọ, lần mò ra tận ngoài cổng để đổ “ma mò” đi. Theo bà tôi, con thạch sùng nó thích ăn “ma mò” lắm.
Sau này tôi lớn lên, đôi khi nhớ đến việc gắp “bống” bỏ lọ này, tôi thầm nghĩ: đây là một sự mê tín dị rất kỳ khôi! Có thể là do những con mò gà (một loại rận, mát của gà) do tôi lê la, nghịch ngợm, chơi bời; chim thì da non, lũ mát gà này chui vào cắn. Bà tôi dùng đũa cả nóng vuốt, các chú mát dúm người lại rời ra, hay bị chết nóng nên tôi đã khỏi. Chứ chả phải con thạch sùng thích ăn “ma mò”.
Đây mới là đoạn tôi thích thú và nhớ mãi những ngày kỷ luật này với anh Bách: tôi cứ tưởng câu chuyện “ma mò” chỉ có riêng tôi bị, và cũng chỉ ở riêng vùng quê tôi mới có mà thôi. Không ngờ, anh Bách sau khi nghe tôi kể lại, cũng nói: khi anh còn nhỏ ở vùng Bắc Ninh, quê anh. Anh cũng bị “ma mò” và cũng chữa tương tự như vậy. Chỉ có hơi khác, anh Bách là do mẹ anh ta chữa, và bà gắp lại bỏ vào một cái túi vải, cũng có con thạch sùng bên trong, và cũng phải đưa ra ngoài ngõ đổ.
Tôi và anh Bách thật không ngờ có một câu truyện cứ tưởng chỉ riêng mình có, hóa ra lại giống nhau. Tuy chân đang đau buốt rã rời, và bụng đói cào cấu, thế mà anh Bách và tôi đã có thể còn cười thành tiếng được, khi cùng tưởng tượng lại cái cảnh bị gắp “bống” bỏ lọ và bỏ túi ngày ấy.
Một điều thật bất ngờ đối với tôi. Khoảng 1 giờ trưa ngày thứ Năm, kể từ ngày tôi phải vào nhà kỷ luật, đột nhiên cửa nhà kỷ luật loạch xoạch chiếc khóa rồi mở toang. Bây giờ chưa phải là giờ cơm, kẻng xuất trại 1 giờ vừa xong. Bởi vậy tôi vội chuẩn bị tinh thần để đón nhận cái bất ngờ, có thể đến với mình. Thoáng bóng tên Cẩn trực trại và tên Thái y tá. Tên Cẩn, mặt rất lạnh lùng, tiến đến trước cái cùm chân của tôi. Y ưỡn người, đứng nghiêm nói nhát gừng:
- Lệnh của ban giám thị, tôi tuyên bố tha cùm anh.
Trong khi tên Cẩn quầy quả trở ra bên ngoài cửa để rút chốt cùm, tôi bàng hoàng ngẩn hẳn người ra. So với những tội của những người đã đi kỷ luật, tôi đinh ninh, chuyến này ít ra cũng nửa tháng hay một tháng. Tên Thái, phụ tôi nhấc cái nửa cùm phía trên, để tôi rút chân ra. Mới chỉ là ngày thứ ba mà tôi đã đứng lên không được. Thái đã đỡ tôi ra hè ngồi đến 5 phút để xoa nắn bắp chân và đôi bàn chân, tôi mới cố gượng đứng lên được. Trong khi tên Cẩn đang khóa cửa nhà kỷ luật, tôi vịn tay tên Thái, quay lại phía trong nói to:
- Tạm biệt anh Bách, giữ gìn sức khỏe nhé!
Tên Cẩn đưa mắt lườm tôi, nhưng tôi lờ đi. Tôi đường hoàng vì nội quy của trại không có điều khoản nào cấm 2 người trao đổi tình người những lúc này. Chính vì thái độ mạnh dạn, không sợ tên Cẩn của tôi, nên tên Thái cũng tỏ vẻ muốn làm thân với tôi. Cụ thể, khi y dẫn tôi đển trước nhà số 3, tên Cẩn đang đi phía trước, tên Thái ghé vào tai tôi thì thào:
- Ông Cẩn định cùm anh lâu, nhưng Hoàng Thanh đã ra lệnh thả anh.
Về đến buồng, tôi vẫn nghĩ mãi, tại sao tên Thái lại có thể biết được tình tiết như vậy? Còn Hoàng Thanh? Dù tôi mới chỉ gặp y một lần, nhưng tôi cũng đã hiểu, y không phải là loại người thấp kém. Với con mắt tinh tế của y, tôi tin rằng y đã nhìn được tôi không phải là loại người mua bằng uy quyền và lợi lộc. Nếu mục đích y dùng ân huệ thả cùm này để mua tôi thì y đã có tài làm cho tôi nhìn sai lệch về y. Vậy y tha cùm tôi nằm trên ý đồ nào? Thời gian sẽ cho phép tôi hiểu rõ.
Việc tôi được tha cùm sớm như vậy, cũng làm cho anh em trong trại bàn tán không ít. Tên trật tự Tân và tên Thái y tá thấy rằng, sơn của chúng không ăn được mặt tôi nên chúng cũng không làm gì quá đáng để tôi phải khó xử cả. Cụ thể mấy lần, khi toán 2 về cổng trại, tên Tân khám nắn từng người. Lục soát những đồ nội quy cấm không được mang vào trại. Ba bốn cái đóm nứa trong người y cũng lôi ra. Bởi vì theo quy định, mỗi phạm nhân, mỗi ngày chỉ được đưa vào trại 1 cái đóm để hút thuốc lào đêm mà thôi. Nhưng khi y khám đến tôi, cả một bó đóm gần một chục cái, tôi dắt trong lưng áo. Y sờ thấy, y chỉ nhìn tôi một cái như ý nói: “tôi thấy rồi” mà không lấy bó đóm ra. Như vậy tôi cũng phải biết điều, không nên căng quá với y nữa.
Do tôi được thả cùm sớm, một số anh em chưa hoặc ít tiếp xúc với tôi, họ đều nhìn tôi bằng ánh mắt dè dặt, nghi ngờ. Ngược lại, những người mà tôi đã qua lại tiếp xúc nhiều, đã hiểu tôi, họ lại càng quý mến tôi hơn như Lê Sơn, Quý Cụt, Vân, Thú, nhóm Nông Quốc Hải, bác Lẫm v.v…
Một việc đã làm tôi rất xúc động. Tôi rất ngại ngần, giằng co không muốn viết ra nhưng suốt đời không thể quên được. Một buổi trưa, hơn một tuần lễ sau khi tôi được tha cùm. Lầu Phá Tra và Lồ Cao Chính, hai anh là người dân tộc, có thể họ đã theo dõi, để ý tôi từ trước mà tôi không biết. Họ kéo tay tôi, ra hiệu đi theo họ về phía sau của ngôi nhà số 3. Chỗ này có một bụi nứa che một góc khuất tương đối kín đáo với mọi hướng. Hai anh chẳng nói năng gì, vẻ mặt đầy xúc động, thành khẩn. Mỗi anh cầm một tay của tôi, cùng cuối xuống hôn rồi đặt tay tôi lên đầu của họ. Lầu Phá Tra nói chưa sõi tiếng kinh:
- Anh Bình, chúng tôi thích anh lắm! Sau này anh ở đâu, lúc nào anh gọi, chúng tôi sẽ đi theo anh suốt đời.
Thật bất ngờ, nên tôi bàng hoàng xúc động, không nói lên lời. Tôi đâu được xứng đáng để họ đặt lòng tin yêu như vậy? Dù vậy tôi cũng thân thiết cầm bàn tay họ và nhìn họ với mầu mắt của những người cùng đi một hướng. Tôi hiểu lòng họ thật chất phác, đầy ắp thủy chung, nhưng để phòng hờ tôi vẫn dặn họ không được nói sự việc này với những người khác. Những ngày tới, tôi sẽ nói chuyện tiếp với họ.
Khi về buồng cũng như đêm hôm ấy, tôi vẫn suy nghĩ về họ nhiều. Những người này, tôi chưa hề chuyện trò hay quan hệ nhiều với họ. Học chỉ nhìn tôi qua con người và những hành động, sinh hoạt hàng ngày, mà họ tin tôi như vậy. Tiền bạc, uy quyền có thể mua được nghĩa tình này đâu. Tuy sau đấy tôi còn nhiều vấn đề với các anh, nhưng việc làm này của các anh đã làm lòng tôi khắc khoải không thôi. Những nỗi niềm vơi đầy tràn ứa bao nét hổ lòng.
Trưa hôm qua, lại có điều kiện nói chuyện lâu với Vân ở hội trường. Vân tỏ ra rất tán đồng việc tôi đánh tên Tân. Theo Vân, nó sẽ bớt hống hách, áp bức những người tù kém tài, yếu thế. Vân cho tôi xem hơn một chục tấm ảnh gia đình của bà chị tên là Phan Thị Hồng Ngọc hay Diễm Ngọc ở Pháp gửi cho. Nhìn những tấm hình, dù chỉ là một góc cạnh của một gia đình, nhưng cũng ánh lên những cảnh đời tưng bừng, tươi sáng đầy sắc hương của tự do và tình người.
Qua những tấm hình này, tôi đã là người xưa của phương trời tự do bên ấy mà vẫn còn thấy man mác, bâng khuâng thì hỏi rằng những người mà suốt đời chưa hề nhìn thấy một chiếc ô tô, chưa nhìn thấy một chiếc cravate, họ sẽ suy nghĩ thế nào? Bởi thế, ngay khi Vân được nhận ảnh, ông Toán chánh giám thị đã căn dặn anh, không được cho nhiều người xem. Vân còn nói, thỉnh thoảng bà chị vẫn gửi cho mỗi lần 5 -6 trăm francs đến thẳng bộ công an. Nhưng do điều kiện ở trong tù, mỗi tháng chỉ cho tiêu vài chục francs. Vài chục này đổi ra tiền Việt cũng hơn một chục bạc chứ ít ỏi gì, cho nên hiện nay trong trại Vân là tay tư bản kếch xù nhất. Một tháng hoặc đôi ba tháng, trại thông báo bán bánh sắn và thuốc lào. Bánh làm bằng bột sắn, ở giữa có tí mật trộn với khoai lang làm nhân; bánh nướng rồi, mỗi chiếc cân nặng 1 lạng, giá mỗi chiếc 2 hào. Nhiều người chả bao giờ có tiền mua đã đành. Những người có tiền cũng chỉ mua 1 cái, 2 cái, cao nhất 5 cái là cùng, thế mà Vân mua cả 2 -3 chục cái. Đôi khi Vân thích ai, gọi vào cho họ một cái.
Phải nói trong trại E, Vân có một điều kiện riêng biệt duy nhất. Vân được như vậy, một phần do những điều kiện chủ quan. Phần khách quan hỗ trợ, theo Vân là ông Toán, thiếu tá giám thị trưởng của trại trung ương số I, ông ta cũng chột một mắt như Vân, trong chiến tranh 9 năm chống Pháp. Tuy khác nhau ở hai trận tuyến đối đầu, nhưng lại giống nhau ở chỗ cùng chột một mắt; nên ông ta có nhiều thiện cảm với Vân. Vả lại, Vân chỉ là một phi công đơn thuần, nên ông ta cũng không phải e ngại bị gán ghép là lệch lạc tư tưởng.
Một điều rất đặc biệt, có thể do nhiều ngày tâm sự, đổi trao nên Vân đã hiểu tôi. Hôm nay bất ngờ Vân cho tôi biết một việc tương đối nghiêm sâu. Hơn một tuần trước ngày tôi đến trại, Vân đã được cán bộ giáo dục gọi lên báo cho biết: mươi ngày nữa, sẽ có một người tù đến trại, tên này tư tưởng rất phức tạp, lại có kiến thức. Vân có trách nhiệm chuyện trò, tâm sự để tìm hiểu tư tưởng của tên tù đó là tôi. Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên, mà tôi đã được sắp xếp từ trước cho nằm cạnh Vân.
Nghe Vân chân thành thổ lộ, tôi đã mở mắt to chăm chăm nhìn Vân. Đây là một vấn đề thật rộng, thật nhiều nghĩa. Đành rằng, ngay từ ngày đầu tôi đến trại, thấy nằm canh Phan Thanh Vân, kết hợp với những điều tôi đã biết về Vân ở dưới Hỏa Lò. Tôi đã hiểu, nằm cạnh Phan Thanh Vân là có vấn đề. Nhưng quan điểm của tôi đã có từ trước, như một phương châm xử thế, một hành trang luôn luôn mang theo mình trên đường đi tới. Đó là, đường của mình đang tiến bước có ưu thế hơn hẳn kẻ thù là nhân bản, tự do và thắm đượm tình người. Mình đã có cái ưu thế thực tế tuyệt đối này, tôi lại tự tin ở khả năng biết vận dụng, phát huy cái tinh túy, cái bản chất của thực tế đó. Bởi vậy, đối với người bị hỏa mù, lệch lạc tư tưởng làm tay sai, làm lợi cho kẻ thù. Hoặc ngay với chính kẻ thù đi nữa, mà tôi phải hay được tiếp xúc, tôi tin tưởng mãnh liệt là họ sẽ phải ngả theo sự thật. Chỉ vì cứ riêng sự thật không thôi, bản thân nó đã có lôi cuốn, thuyết phục đáng kể rồi. Nếu biết vận dụng nó chính xác về thời gian, không gian và điều kiện thì không một ai cưỡng nổi. Sau này có nhiều chuyện thực tế minh chứng.
Không phải đơn giản để Vân nói thực với tôi. Điều chắc chắn Vân đã phải hiểu rằng, tôi đã hiểu điều kiện và cái thế của Vân, phải tỏ ra, phải đóng cái vai là người cải tạo tiến bộ. Tôi cũng hiểu nữa rằng, trong cái giai đoạn tối tăm, đầy lừa lọc, phản trắc ở trong tù lúc này; đối với hầu hết mọi người, Vân vẫn khăng khăng đứng ở vị trí của một người thích cộng sản. Vân không cần băn khoăn, họ sẽ nhìn về Vân như thế nào.
Chỉ gần 2 tháng trời tôi đến trại, tôi sống chân thành. Sự chân thành toát ra từ một sức mạnh tiềm ẩn trong ý chí; đủ uy lực làm tan hết những ngại ngần, dè dặt, băn khoăn trong lòng Vân. Vân cũng hiểu rằng, nếu tôi báo cáo với cộng sản là Vân đã thú thực với tôi là được cán bộ giao cho nhiệm vụ theo dõi tư tưởng của tôi, thì Vân sẽ thiệt hại như thế nào, khi Vân vẫn còn nằm trong bàn tay của chúng. Vậy chỉ cần còn một chút băn khoăn thôi, thì Vân cũng không dại gì nói thật điều đó với tôi. Hơn nữa, Vân lại không phải là một người không tinh tế.
Tóm lại, qua sự việc này, tôi cũng biết rõ thêm là cộng sản đã đánh giá tư tưởng của tôi còn phức tạp. Nghĩa là chúng chưa thể kết luận tư tưởng của tôi ở hướng này hay ở hướng kia, sau hơn 6 năm tôi đã nằm trong tay chúng.
Vân cũng hỏi ý kiến tôi, vì lúc này Vân đang lo lắng, không hiểu cộng sản có thả Vân ra đúng hạn kỳ, của tòa án hay không? Vân đã nhìn thấy hầu hết những tù nhân hiện nay đang ở trong trại: án tập trung 3 năm gọi là “án dây chun” thì không kể, ngay những người có án 5 năm, 7 hay 10 năm mà tòa án cộng sản đã xử công khai đàng hoàng, hết án lại bị chuyển sang lệnh tập trung cải tạo. Và những người bị tập trung cải tạo 3 năm, đã ở thành 2 lệnh, 2 lệnh. Thậm chí, nhiều người đã ở đến 4 lệnh rồi như anh Hàm, anh Hiển (tu sĩ), Phùng Văn Tại, Thành Xuân Yên (phản tuyên truyền) đang ở ngay toán 2, vẫn chưa được nói động gì đến, là tù nữa hay tha cả. Nghĩa là những người này tù từ khi bắt đầu có chính sách tập trung cải tạo. Đã nhiều lần trước, cứ gần đến ngày hết hạn 3 năm, có anh nào dũng cảm, dám hỏi cán bộ là hết hạn tập trung rồi, sao tôi chưa được về? Thì luôn luôn được cán bộ trả lời với nội dung: chính sách cải tạo của đảng và nhà nước là cải tạo một người có tư tưởng xấu, tư tưởng phản động, trụy lạc, bóc lột trở thành người tốt. Vậy anh đã tốt chưa? Đến đây, ai cũng hiểu tư tưởng thì vô hình, làm sao để biết được xấu hay tốt. Vả lại, một con người mà bị bới, tìm thì ai mà chẳng có cái không tốt? Tóm lại, đây chỉ là một cái “chốt” để cộng sản muốn giam hay thả là tùy theo họ, chứ không phải do người tù cải tạo tốt hay xấu.
Vậy thắc mắc hay hỏi cán bộ, đều không giải quyết được mà còn bị quy thêm cho cái tội: “tư tưởng còn ngoan cố, không tin đảng, dám thắc mắc với đảng.” Bởi thế, bây giờ ai cũng ngậm miệng dù hết án hay hết hạn tập trung. Vân đã nhìn thấy hết như vậy, cho nên làm sao mà yên lòng được!
Dù sự hiểu biết của tôi về sự nham hiểm dã man, đầy thủ đoạn của cộng sản trong lĩnh vực giam giữ và trị người chưa nhiều, hãy còn nhiều hạn chế, nhưng riêng trong trường hợp của Vân, tôi đã nhìn thấy một cách vững vàng: “chúng sẽ phải thả Vân ra đúng với hạn kỳ của án xử. Tôi đưa ra những yếu tố cụ thể với Vân:
- Vụ án của Vân đã được viết lại và xuất bản thành sách, có nhiều công luận biết đến.
- Trong bức màn sắt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỗ của chủ nghĩa cộng sản độc tài, khát máu đàn áp, tiêu diệt những gì phi cộng sản; bên ngoài, không ai biết hoặc chỉ biết mơ hồ. Những chuyện của Vân có người chị ruột ở Pháp, cộng sản đã cho liên lạc gửi tiền, thư. Chúng nó đang rất cần dư luận ở Pháp để tuyên truyền bịp bợm với thế giới.
- Vân chỉ là một phi công đơn thuần, không hề được đào tạo về nghiệp vụ tình báo.
- Gia đình không có nợ máu, đối kháng với cộng sản.
Xét kỹ, tha Vân đúng kỳ hạn, chúng sẽ có lợi hơn nhiều lần là giữ Vân. Do đấy, có thể trong điều kiện chiến tranh như hiện nay, chúng sẽ không thả ai dù hết án, nhưng chúng sẽ thả Vân. Tất nhiên, trong hoàn cảnh đất nước chia đôi. Chả bao giờ chúng lại thả Vân về miền Nam hay sang Pháp, mà chúng sẽ đặt một hình thức giam lỏng, ở một địa phương nào đó. Vả lại, với điều kiện quản lý người dân ở miền Bắc lúc này, tha Vân thì cũng như đem từ cái lồng nhỏ, bỏ ra cái lồng lớn mà thôi.
Vân ngồi nghe tôi trình bầy những ý kiến như thế, mặt sáng dần rồi tươi hẳn lên. Niềm lắng lo đang nặng trĩu trong lòng Vân, hình như được vơi hẳn. Tôi hiểu rằng, thông thường “việc người thì sáng, còn việc mình thì quáng”. Chẳng phải là Vân không nhìn thấy và hiểu như vậy, nhưng đôi khi sự việc của chính mình, lại không nhìn ra; trong khi người ngoài nhìn vào thì lại rất rõ.
Tôi ngồi nhìn Vân đang chúm môi thả một làn khói thuốc xám xịt, nhỏ tý, ngòng ngoèo, tan loãng dần vào ánh nắng Xuân đã ngả chiều. Mắt Vân đang lơ đãng nhìn vươn ra phía bên ngoài hàng rào nứa về một phương trời xa xôi. Hẳn rằng Vân đang vấn vít thả hồn về những cảnh đời ngày mai khi được thả ra ngoài trại giam. Hình ảnh ấy của Vân cũng làm cho lòng tôi bâng khuâng, chạnh nhớ đến cái đời riêng của mình còn đương mò mẫm trong con đường tăm tối dài lê thê biết đâu là cùng. Một tiếng thở dài được nén chặt trong lồng ngực đang rỉ dần ra.
Hồn tôi còn đang thả vào cõi bồng bềnh ngược xuôi, mắt tôi chợt nhìn xuống một bàn chân của Vân. Một ngón út bị cụt sát đến bàn chân, kéo theo một cái sẹo dài ngòng ngoèo trên mu bàn chân. Tôi liên tưởng đến câu chuyện còn bỏ dở lần trước, do đấy tôi lôi hồn Vân về thực tại:
- Ồ, ngón chân út của Vân bị cụt từ hồi nào thế?
Tôi vừa hỏi, vừa chỉ vào bàn chân có cái ngón cụt. Vân qua lại tôi cười, môi dưới hơi dề xuống nên cái miệng méo hẳn đi:
- Bị cụt ngay hôm máy bay rớt!
Rồi như một nỗi niềm đã chìm lắng trong đáy lòng được khơi dậy, Vân sôi nổi hẳn lên:
- Bình có biết không? Suốt từ ngày máy bay bị bắn rớt cho tới nay đã gần 7 năm rồi, mà tôi vẫn còn lạ lùng về cái ngón chân cụt này. Tôi ngạc nhiên vì không thể suy đoán được tại sao nó bị cụt? Tôi nhớ lại, hôm đó họ khênh tôi về, đặt trên một cái sân gạch của hợp tác xã thì phải. Rồi có lẽ thấy tôi bị thương tứ tung, máu ra nhiều quá, nên họ cho cáng tôi lên ngay nhà thương của tỉnh. Lúc này tôi đã hơi tỉnh, sau khi được băng bó tạm thời. Tôi được biết cả một tròng mắt của tôi bị lồi ra nên họ đã cắt rồi. Mặt, tay, mình mẩy nhiều vết thương. Riêng về chân tôi, theo bác sĩ và y tá ở đó, họ cũng ngạc nhiên. Bởi vì khi khênh tôi đến bệnh xá tỉnh thì 2 chân tôi vẫn đi giầy, đến đấy, họ chỉ chú trọng chữa, xức thuốc, buộc băng những vết thuơng ở mặt và tay thôi. Cho tới khi họ tháo đôi giầy ra thì một chân của tôi be bét những máu và ngón chân út đã bị đứt rời ra. Cái lạ là đôi giầy vẫn còn nguyên. Chính tôi, khi tỉnh hẳn vẫn còn được họ cho xem đôi giầy, trước khi đưa về phòng lưu trữ tài liệu, chứng cớ để ra tòa xử sau này. Vân tóm tắt cho tôi biết sơ lược như sau:
Khi máy bay bị bắn rơi đã bị đứt ra làm đôi, nửa đầu bị cắm ngập xuống một thửa ruộng cói. Còn nửa dưới thì nằm chổng kềnh cũng trên một thửa ruộng cói khác ở cách đấy hơn 300 thước. Xác chết, người bị thuơng, vật dụng văng vãi, rải rác tứ tung trong một đường kính hơn một cây số. Những người chết không kể, ai còn sống sót cũng đều bị thuơng. Thiếu úy Khánh bị thuơng nặng nhất, vì vậy cho tới ngày ra tòa, Khánh vẫn không thể ra được. Bởi thế, phiên tòa xử chỉ có Vân, Đinh Văn Khoa và Phạm Văn Đăng mà thôi.
Lắng nghe Phan Thanh Vân kể sự việc của anh, tôi thấy rõ anh là phi công trưởng, còn trung úy Thích là phụ. Ngược lại, trong cuốn “C47” điệp vụ xâm nhập miền Bắc mà cộng sản đã xuất bản thì trung úy Thích là phi công chính, Vân là phi công phụ. Điều thắc mắc này, tôi đem ra hỏi thì Vân hơi cúi đầu, trả lời hơi chút ngập ngừng:
- Đằng nào anh Thích cũng chết rồi. Tôi nghĩ khai như vậy, tôi sẽ nhẹ tội hơn.
Nghe Vân trả lời như vậy, tôi chưa thể thỏa mãn nên hỏi tiếp:
- Ồ, làm sao được! Chấp pháp hỏi cung có phải tay mơ đâu, còn các anh Khoa, Đăng nữa. Chúng là mộc hay sao mà chúng lại không biết khai thác những mâu thuẫn, riêng biệt từng người?
Vân nói nhỏ hẳn lại, khi thoáng thấy bóng một anh toán 5 đi qua:
- Thực ra vấn đề chính hay phụ không quan trọng lắm; vả lại, khi bàn giao nhiệm vụ này chỉ có anh Yên, anh Khánh, anh Thích và tôi. Anh Yên, anh Thích đã chết, anh Khánh lại còn không nói được nữa nên tôi mới qua mặt chúng được một chuyện nhỏ đó chứ tôi thừa nhận, chấp pháp họ tra hỏi, khai thác, không thể hoặc rất khó dấu diếm gì được họ.
Ngồi nghe Vân nói đến đây, tôi chợt nhớ lại Đinh Như Khoa, điệp viên bị kết án 15 năm. Đầu năm 1962, một buổi ra Cấp để phơi nắng với Hoàng Công An, tôi mở radio bắt đài miền Bắc nên đã nghe được buổi xử, vì vậy tôi hỏi Vân:
- Còn anh Đinh Như Khoa, hiện giờ Vân có biết ở trại giam nào không? Anh Đăng nữa?
Nghe tôi hỏi thế, Vân lắc đầu quầy quậy trả lời:
- Riêng về Đinh Như Khoa, sau ngày xử tôi không hề biết ở đâu. Trường hợp Phạm Văn Đăng, thợ máy bị kết án nhẹ nhất là 5 năm. Hai năm trước, một buổi tôi được gặp một ông cán bộ của bộ, từ Hà Nội lên đây để hỏi lại tôi một số việc. Để thăm dò về ngày hết án của tôi, tôi có hỏi về Đăng thì được biết: hơn 3 năm sau kể từ buổi xử án, Đăng vì quá yếu sức nên bị bệnh và đã chết rồi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen