My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 107: Toán Boone Biệt Kích
ôm nay đã 15 tháng Giêng 1968. Thấm thoát tôi đến trại E này đã hơn một tháng rồi. Thời tiết ấm dần, đôi ngày, dăm ba trận mưa Xuân phun bụi nước khắp núi rừng. Cây cối bắt đầu đâm hoa, nẩy lộc. Đồi núi chuyển dần từ mầu xanh xậm thành mầu con gái hơ hớ với trời Xuân. Tuy thỉnh thoảng vẫn còn một vài anh chàng gió mùa Đông Bắc lì lợm, vẫn thập thò mò về lả lướt với nàng Xuân mới lớn, nhưng cũng chỉ dăm thì, mười họa mà thôi.
Hôm qua, Phan Thanh Vân được cán bộ dẫn giải ra trại chính để gặp ông Toán, thiếu tá giám thị trưởng trại trung ương số I, về thì thầm cho tôi biết toàn trại sắp sửa vào đợt học tập chính trị vài ngày. Chuyện đó còn xa, tôi biết vậy, lòng tôi còn đang bận rộn với toán Boone biệt kích của Nguyễn Huy Lân.
Ngay khi tôi còn ở dưới Hỏa Lò Hà Nội, toán biệt kích này đã gây ra rất nhiều dư luận bàn tán khác nhau, nên sự ngộ nhận cũng không ít. Đây là một toán biệt kích điển hình đối với dư luận miền Bắc. Toàn toán đã không chiến đấu, mà đã ra hàng ngay. Nhà cầm quyền miền Bắc mời các phóng viên ngoại quốc cũng như đại biểu các tỉnh, các cơ quan toàn miền Bắc về dự phiên tòa kéo dài ròng rã 3 ngày ở Hà Nội. Kết cuộc phiên tòa, chúng đã trang trọng tuyên bố tha bổng toàn bộ toán Boone biệt kích. Chúng mở một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ qua báo chí và đài phát thanh. Chúng huênh hoang về độ lượng khoan hồng của đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa, dạt dào thương yêu những đứa con lạc mẹ, nay đã biết ăn năn quay về với cha mẹ. Chúng vừa được về mặt chính trị đối với trong nước cũng như ngoài nước, mà chúng còn dùng sự kiện đó để phỉnh phờ, dụ dỗ những toán biệt kích khác ra sau.
Tôi lợi dụng mọi điều kiện có thể để gặp gỡ, tiếp xúc với từng người của nhóm biệt kích này. Sau nhiều buổi tôi gặp Nguyễn Huy Lân, Nguyễn Văn Thú, Đinh Văn Sơn và Nguyễn Văn Bắc để chuyện trò tìm hiểu, tôi thấy rõ một điều là tất cả nhóm này đều không muốn nhắc lại những chuyện đã qua của toán họ, chắc hẳn họ đều mang một tâm trạng chung khá nặng nề:
- Thấy hổ lòng với anh em đồng phạm, vì họ đã ra hàng.
- Được tha bổng, nhưng thực tế vẫn tù như những người tù khác.
Tuy rằng hiện nay ở trong trại, nhìn bề ngoài, nói chung họ đều là những người cải tạo tiến bộ; trừ có Nguyễn Văn Thú là lao động cải tạo ở cái thế cầm chừng bắt buộc. Anh phải giữ ở cái mức bình thường như nhiều người khác để tránh sự hạ mức ăn, bị trù dập, hay phải đi kỷ luật.
Đinh Văn Sơn – tổ trưởng kỹ thuật.
Nguyễn Huy Lân – buồng trưởng, kiêm toán trưởng toán 2.
Nguyễn Văn Bắc – tổ trưởng tổ 4 của toán 2 (mới được cán bộ chỉ định thay Lê Khắc Dũng. Dũng đã vi phạm nội quy, Lù Chần Páng đã tố giác trong một buổi sinh hoạt toán trước đây).
Phạm Công Thành – toán phó toán nhà bếp (ai được ở toán nhà bếp đã là một đặc ân, hoặc cải tạo tiến bộ rồi).
Chính vì lý do trên, tôi đã phải vận dụng khả năng nghề nghiệp một cách hơi vất vả mới có một số nét khái niệm về toán Boone này. Trước đây, khi tôi còn ở buồng số 5 trại chung, với đám tù thiếu niên dưới Hỏa Lò, tôi cứ tưởng toán Boone này chỉ có 5 người là:
Nguyễn Huy Lân – toán trưởng.
Đinh Văn Sơn – toán phó.
Nguyễn Văn Thú – toán viên.
Phạm Công Thành – toán viên.
Trần Mạnh Hùng – toán viên.
Nhưng bây giờ thôi hiểu thực tế, toán Boone có những 9 người.
Từ năm 1963, trại huấn luyện biệt kích Long Thành được điều khiển, do những huấn luyện viên Mỹ và Việt lẫn lộn. Trong thời gian huấn luyện, Đinh Văn Sơn và Nguyễn Huy Lân là 2 toán trưởng của hai toán khác nhau. Do những xáo trộn của cuộc binh biến 1-11-1963 lật đổ ông Ngô Đình Diệm, nhiều người biệt kích đã đào ngũ trốn khỏi Long Thành. Toán của Lân và của Sơn cũng có một số người bỏ trốn. Rồi do những yêu cầu của những công tác trong mặt trận tình báo tung người ra Bắc hoạt động nên đã sát nhập 2 toán vào làm một, lấy tên là toán Boone. Ban chỉ huy của trại Long Thành đã sắp xếp như sau:
Nguyễn Huy Lân – toán trưởng (bao quát toàn bộ)
Đinh Văn Sơn – toán phó (đặc trách tình báo)
Nguyễn Văn Bắc – toán phó (đặc trách phá hoại)
Hồng Tôn Khải – truyền tin số I (chính)
Vũ Gia Thoa – truyền tin xố II (phụ)
Nguyễn Văn Thú – toán viên
Trần Mạnh Hùng – toán viên (liên đội 31 biệt kích)
Ngọc – toán viên
Phạm Công Thành – toán viên, đồng thời là người dẫn đường.
Công Thành, sinh quán ở Nghệ An, vượt tuyến vào Nam năm 1961. Anh ta là thổ công vùng biên giới Lào + Việt, Nghệ An, vì vậy tổ chức đưa anh vào toán Boone để dẫn đường. Bởi vì địa bàn hoạt động của toán Boone bao gồm những khu vực Bản Hang, Nông Hét, Mường Xén, Con Cuông, thuộc biên giới Lào, Việt Nghệ An. Khoảng tháng 6 năm 1964, lúc 1 giờ của một đêm cuối tháng không trăng sao, toán Boone xuất phát bằng một chiếc C47, sơn đen. Sau hơn một giờ bay trong đêm tối, chiếc máy bay đã lao tới mục tiêu. Toàn toán đã được lệnh nhẩy dù xuống một bãi đáp gần bản Hang, sát biên giới Lào, Việt, trong một khu rừng già của dẫy Trường Sơn.
Địa điểm tập kết là Con Cuông gần sông Lam (tên khác là sông Cả). Con sông này bắt nguồn từ Lào chảy sang Việt Nam xuôi vể của biển là Bến Thủy, gần thành phố Vinh, Nghệ An. Nhiệm vụ của toán:
- Chấm tọa độ.
- Theo dõi sự di chuyển xe cộ, bộ đội trên quốc lộ 6 và 7.
- Rải truyền đơn gây hoang mang cho địch, khích lệ, hỗ trợ sự nổi dậy của dân chúng.
- Lập chiến khu, làm đầu cầu cho những toán kế tiếp ra sau.
- Bí mật bắt mối với nhân dân trong địa bàn hoạt động.
Chính vì do sự sắp xếp, sát nhập 2 toán biệt kích này làm một, đã gây ra nhiều mâu thuẫn giữa người của 2 toán. Hơn nữa, người của 2 nhóm này cũng lẫn lộn dân sự và quân sự nữa. Nguyễn Huy Lân là một thượng sĩ trong quân đội, trong khi Đinh Văn Sơn lại là dân sự. Ngoài ra Sơn coi Lân là người thiếu kiến thức, không đủ khả năng lãnh đạo toán, cho nên Sơn và nhóm của Sơn không phục, không chịu nghe lệnh của Lân. Điều này, không biết những người có trách nhiệm tung toán Boone vào đất địch có biết hay không? Tôi nghĩ rằng, thà họ nhận là không biết thì còn ít lỗi lầm hơn.
Nói về chiếc C47. Khoảng hơn 2 giờ đêm thì tới mục tiêu, trời vẫn tối đen như mực. Phần vì tinh thần, tư tưởng của toán Boone chưa được trang bị đủ mức yêu cầu, phần khác chưa đủ kinh nghiệm hoạt động trong đất địch. Bởi vậy, ngay từ khi xuống dù đã thất lạc hỗn độn, mỗi người mỗi nơi. Đến khi trời sáng, mãi tới gần trưa mới tập họp lại được thì toán chỉ còn 7 người. Thiếu mất 2 người là Hồng Tôn Khải, truyền tin số I và Ngọc là toán viên. Mọi người chia nhau ra các hướng để đi tìm. Mãi gần về chiều mới thấy dù của anh Ngọc gác lên một cành cây đổ, ở cạnh một bờ suối, nhưng không thấy người. Lục lọi, xem xét kỹ cũng không thấy dấu vết gì tỏ là anh Ngọc bị thuơng, hay bị thú rừng ăn thịt. Rồi mãi tới gần tối mới tìm thấy dù và xác của anh Khải, thịt, xương be bét dưới một thung lũng đầy mây rừng. Toàn nhóm đã xác định, dù của anh Khải không mở, như một cục thịt từ ở trên trời rớt xuống nên cơ thể mới bị nát bấy như vậy.
Đến đây, toàn toán ai nấy đều hoang mang lo sợ vì anh Khải là truyền tin chính, một cột trụ để liên lạc với Sài Gòn thì đã chết rồi. Vũ Gia Thoa, truyền tin số 2, lúng túng, không đủ chuyên môn để sử dụng máy liên lạc với Sài Gòn. Như thế, coi như toán đã bị đứt liên lạc ngay từ đầu với trung ương. Tình trạng, bất lợi hỗn độn như vậy càng khoét sâu nỗi hoang mang, giao động trong lòng mỗi người. Lúc này, không còn ai bảo ai nghe được nữa, mỗi người mỗi ý kiến. Cuối cùng, Nguyễn Huy Lân động viên những người còn lại cứ quyết định di chuyển tìm đường về địa điểm tập kết ở Con Cuông.
Khi trong lòng mỗi người đã rối bời, lo lắng thì lòng tin vào mục tiêu đi tới cũng mất dần. Do chân chùn, lòng nản, tinh thần rã rời ngại khó, ngại khổ nên di chuyển rất chậm chạp. Cho tới khi đã hết lương thực mà mục tiêu vẫn còn ở đâu chưa thấy. Tinh thần càng khủng hoảng, sa sút, người này đổ lỗi cho người kia, thậm chí cãi nhau, chửi nhau hỗn độn không khác chi cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Theo anh Nguyễn Văn Thú, tới ngày thứ 11 hay 12, kể từ lúc toán nhẩy xuống bãi đáp thì bị lộ và bị bao vây. Khi có tiếng loa của đội quân bao vây, chõ vào rừng kêu gọi toán ra đầu hàng, thì trong nhóm càng lộn xộn. Người đồng ý ra hàng, người không, để cuối cùng Trần Mạnh Hùng dùng súng uy hiếp toàn toán phải đầu hàng để sống. Phạm Công Thành đã cởi ngay chiếc áo maillot trắng đưa cho Vũ Gia Thoa, buộc vào đầu một cành cây, giơ lên đi trước tiến ra ngoài, tỏ dấu toàn thể toán xin đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, đoàn bộ đội bao vây đã trói gô từng người rồi giải về nhà giam Thanh Chương, trực thuộc quân khu 4. Chúng giam riêng mỗi người mỗi buồng để truy cung, khai thác từng ngày.
Sau hơn 4 tháng cung kẹo, khai báo, chúng chuyển toán Boone về Hà Nội và đưa ra tòa xử công khai như đã trình bày ở trên. Đặc biệt là, khi tòa vừa tuyên bố tha bổng toàn thể nhóm Boone biệt kích, thì Vũ Gia Thoa được một người họ hàng cao cấp trong chính quyền của cộng sản bảo lãnh. Và cũng từ đấy, không ai còn biết tin tức gì về Vũ Gia Thoa nữa. Khi xử xong, chúng chuyển toán Boone về trại giam Yên Thọ hơn một năm, rồi lại chuyển về Phố Lu, trại trung ương số I ở Lào Cai này từ năm 1966.
Do toán Boone đầy rẫy những mâu thuẫn nội bộ từ ở trong Nam cũng như khi ra Bắc, bởi vậy, chúng thường giam riêng, và chế dộ đãi ngộ cho mỗi người cũng khác nhau. Hiện nay, (1968), Trần Mạnh Hùng được hưởng chế độ 18 đồng (tiêu chuẩn chung cho một tù nhân ở các trại giam miền Bắc là 12 đồng). Hùng lại được làm toán trưởng toán nhà bếp ở trại Phong Quang, trại trung ương số II ở Yên Bái. Phạm Công Thành vì có công đã cởi chiếc áo maillot trắng làm cờ hàng, nên khi đến trại E này, được cho làm toán phó, toán nhà bếp. Từ hôm tôi đến phân trại E này đã hơn một tháng, tôi cũng chưa nhìn thấy Phạm Công Thành. Cái chính, chỉ vì qua dư luận của anh em trong trại, tên Thành nhà bếp rất tiến bộ và đểu cáng. Đôi khi những anh em được nghỉ một ngày bệnh ở trên toán, xuống bếp xin tí nước sôi để pha trà hay thích uống nước uống nóng, y đã quát tháo, chửi bới quầy quậy đuổi người ta về. Thậm chí nhiều lần y đã ném ca, đập gô anh em, do đấy tôi cũng ghét luôn chả muốn tìm gặp y để làm gì.
Tôi để ý, tên Thành cũng không quan hệ đi lại với những người cùng toán Boone của y ở trên các buồng.
Trong khi chuyện trò, tôi có hỏi anh Thú:
- Tại sao tòa đã tuyên bố trắng án, tha bổng nhưng vẫn đưa vào trại tù, các anh không phản đối hay thắc mắc à?
Mắt anh Thú long lanh, quắc sáng, miệng cười gằn như mếu, trả lời:
- Ở Yên Thọ, tôi đã bị cùm hơn 2 tháng gần chết vì dám chắc mắc hỏi ban giám thị trại về chuyện này. Khi đến trại này, hai năm trước, Bắc cũng tâm sự, thắc mắc với một đồng phạm, rồi bị họ tố, Bắc cũng bị đi cùm gần 1 tháng phải bò ra, cho nên…
Thú nói đến đây thì không nói nữa, anh lái sang chuyện khác. Tôi cũng đã tự hiểu nên cũng chả bao giờ đề cập đến chuyện ấy nữa.
Sáng hôm nay Chủ Nhật, một buổi sáng Chủ Nhật không phải đi lao động xã hội chủ nghĩa. Tối qua, tôi có hẹn với Lê Văn Kinh, hôm nay ra hội trường nói chuyện. Mục đích tôi muốn biết sơ lược nội vụ câu chuyện của anh trong vụ sông Gianh. Trong khi chờ Kinh còn đang đi tắm giặt ở giếng tôi ngồi ở hội trường nói chuyện với anh Hiển. Vũ Mạnh Hiển, một chủng sinh (đại chủng viện công giáo) bị bắt tập trung cải tạo chỉ vì cái tội: chủng viện đã được nhà nước giải tán, chính phủ khuyên mọi người trở về lấy vợ, lập gia đình, anh Hiển lại không chịu lấy vợ, cứ quyết một lòng hiến dâng đời mình, trọn vẹn đức tin nơi Chúa. Anh mới được thả kỷ luật dạo Tết, người anh bây giờ hãy còn gầy nhom và xanh tái.
Ngồi nói chuyện với anh, mắt tôi đang lơ đãng nhìn một con nhện đen, có những bộ chân dài ngoẵng đầy lông, đang chăng tơ làm tổ trên ngọn những cây nứa khô của hàng rào trại. Con nhện đang loay hoay trèo lên, trèo xuống nhiều lần. Nhìn vị thế của cái tổ mới nó đang làm, tôi hiểu rằng nó phải chăng 4 sợi tơ ở 4 điểm chính làm cái khung thì mới làm được cái tổ. Nhưng nó mới chăng được 3 điểm, còn một điểm nữa mãi chéo ở đầu một ngọn nứa hơi cong. Thấy dáng điệu có lúc ngần ngừ, có lúc tất bật của nó, tôi nghĩ rằng nó đang điên đầu, tính toán làm sao để mắc được đường tơ lên ngọn cây nứa cong ấy. Ồ, tôi đã lầm, nó đang chờ, đang đợi một làn gió quẩn ngược chiều. Nó trèo lên mãi một ngọn nứa cao, đít nó dụi, dính một mối tơ vào đấy, rồi nó buông thõng người cho rơi sâu trở xuống đến hơn một mét. Khi nó theo dây tơ leo lên về chỗ cũ, có một sơi tơ mỏng manh, lấp lánh dưới ánh nắng sớm, theo gió đong đưa, hất nhẹ đến cái điểm thứ 4 ấy. Sợi tơ chạm vào ngọn nứa cong là dính liền. Thế là con nhện, nhanh nhẹn theo sợi tơ leo sang ngọn nứa cong. Nó từ từ kéo căng sợi to. Vậy là nó đã đạt được 4 điểm tựa chính của cái mạng lưới mới để săn con mồi.
Lòng tôi đang rộn lên một nguồn vui nhè nhẹ như chia xẻ với sự thành công của con nhện, thì chợt có tiếng bình bịch của chân người chạy phía hiên sau hội trường. A, tên Tân, trật tự, mắt y đang trợn lên như mắt con lợn nhúng nước sôi. Một tay y vẫn cầm chiếc gậy, như mỗi khi y đi tua một mình trong trại; một tay y đang giằng co một chiếc rổ con, có mấy ngọn rau tầu bay với bác Thẩm Tố Lân, người gốc Tầu. Bác Lân 2 tay đang kéo cái rổ lại, miệng nói tiếng Việt chưa sõi lắm, giọng như năn nỉ:
- Anh à, tôi sót cái luột quá! Mấy hôm nay tôi có cái bụng táo bón, không ti cầu tược. Tôi bòn tược mấy cái lau dại này tể chốc nữa ăn với cơm.
Tôi nhìn thoáng thấy trong chiếc rổ con có một nắm rau, những ngọn rau tầu bay con con và mấy ngọn rau rệu. Trong trại, khắp nơi không có một chỗ nào có những ngọn rau dại mọc được mà còn lại. Bởi vì có một ngọn nào mới nhú, không người này thì người khác đã vặt ngay rồi. Thậm chí, họ móc họ đào lần lấy hết cả gốc, rễ của nó rồi còn đâu. Tôi chợt nhớ đến mấy cây rau tầu bay phía sau lán vernie, và một bụi rau rệu mọc dưới cái rãnh cạnh nhà cầu ngoài lán mộc. Mấy cây rau tầu bay này cũng vậy, cứ đâm ra được một vài ngọn con thì đã có người vặt rồi. Cả bụi rau rệu cũng thế, hễ ngọn nào mới thò ra được một vài lá cũng đã cụt luôn. Chính tôi mấy lần mò ra định kiếm mấy ngọn cho đỡ sót ruột, vì bữa cơm toàn ăn với muối rang, vậy mà đều hụt vì người khác đã hái rồi.
Tên Tân đang dư dứ cái gậy vào đầu bác Lân, rồi y giật cái rổ rau, ném mạnh xuống đất. Y lấy chân đạp bẹp cái rổ, rồi di di, di lại cho mấy ngọn rau nát bét:
- Nội quy cấm ăn rau sống, anh còn chống đối tôi hả?
Nhiều người ngồi trong hội trường lúc ấy, ai cũng lộ vẻ căm phẫn với việc làm của tên Tân. Nhưng họ vẫn ngồi yên, có lẽ họ đều nghĩ trong cảnh này hãy chịu nhẫn nhục để sống yên thân. Họ đều hiểu rằng đằng sau tên Tân còn có một con ngáo ộp là ban giám thị và những tên cán bộ, cho nên họ chỉ ngồi nhìn ra. Tôi cũng hiểu như vậy, nhưng có lẽ một phần vì lòng khinh ghét có sẵn với tên Tân từ dưới Hỏa Lò, phần khác do bản tính hãy còn hơi liều bất tử nên tôi đã đứng dậy, tiến đến và quắc mắc nhìn tên Tân, dù rằng lời nói của tôi còn mềm mỏng:
- Người ta sai thì anh phải từ tốn nhắc nhở người ta chứ! Anh có hành động tàn ác không còn tính người như vậy à?
Ngay từ lúc thấy tôi tiến đến, y đã hơi chờn. Chắc hẳn y vẫn chưa quên được ở buồng số 4 xà lim II, Hỏa Lò. Một lần, y có những thái độ bẩn thỉu, khi y lấy cơm từ ngoài chõng vào cho tôi, tôi đã đập nhau với y ở trong buồng. Lúc ấy tôi bị cùm một chân mà y còn không dám tiến lại gần, y phải dùng cái chăn bông dầy của y, từ ở một góc xa tầm tay của tôi, để quật nhau với tôi. Nhưng lúc này trong trại, y đầy uy quyền, không ai dám cãi lại với y cả. Phần khác, trước mặt nhiều người y không thể chịu ở cái thế nhún nhường thua kém, vì vậy, y chỉ cái gậy vào mặt tôi nạt nộ:
- Mày cấu kết với nhau để chống đối hả?
Thực sự trong lòng tôi tuy căm tức và khinh ghét nó lắm. Tôi đã có chủ trương, một buổi nào đó thuận tiện tôi sẽ xả cái khinh đó ra với nó, nhưng chưa phải hôm nay. Khốn, lòng tôi đã nóng lên rồi. Tuy vậy, tôi cố kìm lại, tôi chỉ hất mạnh cái gậy của y ra:
- Hãy ngậm cái miệng của mày lại!
Nói rồi, tôi đi về chỗ, nhưng y như một con hổ nhẩy theo, giơ cao chiếc gậy vụt vào cổ tôi. Tôi lạng người, hụp xuống tránh chiếc gậy, cũng là lúc tôi gắn cái gót chân vào ngực y. Y hự lên một cái, khựng lại rồi như điên rồ, y quật tôi túi bụi, miệng lải nhải văng tục:
- Địt mẹ mày, gián điệp, biệt kích, vét đĩa này!
Tôi không còn kiểm soát được tôi nữa, tôi chẳng còn nghĩ đến lợi hay hại nên cứ đấm đá thả dàn. Sau một hồi quần thảo, chẳng hiểu tôi vung vẩy tay thế nào không biết, đấm trúng vào mặt y một cú làm chồn cả tay tôi lại. Mũi y có máu chảy ra, vậy mà y vẫn còn hung hăng, cầm cái gậy choi choi đâm tôi. Lựa thế, tôi bắt được cánh tay cầm gậy của nó. Tôi đưa vào một thế khóa, định bẻ gẫy cánh tay của nó. Nó gào lên thảm thiết, nhiều anh em trong trại đã chạy đến. Lê Sơn chen đẩy mấy người, tiến lại, để tay lên vai tôi:
- Thôi, anh Bình!
Tôi biết rằng, tôi chỉ cần gồng mạnh lên một chút là cánh tay nó sẽ bị bẻ giặt gẫy. Mồm nó vẫn kêu như bò rống. Tôi hiểu nếu bỏ tay nó ra bây giờ, đang hung máu, nó sẽ làm phiền tôi nữa. Tôi còn đang lưỡng lự thì tên Cẩn trực trại và mấy tên công an vũ trang từ cổng trại chạy vào. Tên Cẩn xông đến quát:
- Anh Bình, buông tay ra ngay!
Tên Tân mặt xám lại, nhăn như khỉ ngửi phải mùi mắm tôm. Tay trái y đỡ cánh tay phải, người y khòng xuống, văn vẹo. Tên Cẩn mặt tím bầm, chỉ tay vào tôi:
- Anh dám đánh trật tự phải không? Anh muốn làm loạn à?
Rồi y quắc mắt, nói như ra lệnh:
- Về ôm chăn chiếu đi kỷ luật, rồi sẽ giải quyết!
Khi tôi quay về buồng để lấy chăn chiếu, còn nghe mấy người đứng ở đó nhao nhao lên, có cả tiếng của Lê Sơn:
- Báo cáo ông Cẩn, anh Tân đã đánh anh Bình trước, anh Bình phải tự vệ.
Dù như vậy, tôi vẫn phải vào nhà kỷ luật.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen