Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 105: Tiếng Khèn Đêm Trừ Tịch Và Nỗi Sầu Tết Mậu Thân
ằm một lúc, tôi chợt nhớ đến toán Boone. Mấy ngày trước có lúc tôi chuyện trò với anh Lân, có lúc với anh Thú hoặc Đinh Sơn. Tôi đã cảm thấy trong nội bộ của toán biệt kích này có những điều khúc mắc. Hầu như ai cũng tránh né không muốn nhắc lại sự việc đã qua của toán họ.
Tôi biết hiện nay ở trại này toán của họ có 5 người. Riêng Phạm Công Thành được ở dưới toán nhà bếp. Ngay trong buồng này có 4 người là Nguyễn Văn Bắc, Đinh Văn Sơn, Nguyễn Văn Thú và Nguyễn Huy Lân. Qua cái nhìn của tôi, trong một số ngày qua thì anh Thú tương đối chân thành và cởi mở. Anh vẫn kiên định, duy trì lập trường chống Cộng, nên dễ tâm sự hơn.
Ngoài ra còn Lê Văn Kinh người nhái nữa. Vụ án ở sông Gianh tôi đã loáng thoáng nghe từ trước. Lại còn câu chuyện bỏ dở của Vân nữa. Tôi đã có ý định lợi dụng trong dịp Tết này, sẽ tìm biết những điều cơ bản về mấy vụ này. Nghĩ thế, tôi bò bật dậy trèo lên chỗ anh Thú.
Còn đang chuyện trò với anh Thú thì bỗng có ánh đèn bão lấp loáng ngoài sân. Rồi có tiếng lạch cạch, chìa khóa mở cửa buồng. Buồng lại ồn ào, náo nhiệt lên. Nguyễn Thạc, toán trưởng nhà bếp gọi Nguyễn Huy Lân và Đinh Khắc Sản ra nhận bánh chưng cho toán 2 và 3. Bên ngoài cửa, tên Tân trật tự cầm chiếc đèn bão, đang đứng cạnh tên Cẩn cán bộ trực trại. Một thùng nước sôi còn khói nghi ngút được đặt ngay giữa nhà.
Sau khi cửa đã đóng, nhiều người tíu tít, ca, gô, cốc chạy đi, chạy lại lấy nước pha trà. Thật là nhộn nhịp, tưng bừng, cứ vui như ngày…Tết. Mùi bánh, mùi lá còn nóng hổi nồng nồng, ngan ngát của nàng Xuân, ai ngửi thấy mắt cũng sáng lên long lanh. Có 6 món để tượng trưng cho ngày Tết của dân tộc, chúng tôi đã có đến 3, lại là 3 món quan trọng nhất, chính yếu nhất thì hỏi rằng ai mà không vui sao được? Này nhé:
Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh.
Còn ba cái món pháo nổ, nêu cao với câu đối thì có nhằm nhò gì với chúng tôi trong tình thế này? Chưa hết, còn nữa, sau khi gọi tên từng người để phát bánh chưng xong, anh Lân ra đứng giữa nhà cao giọng:
- Toàn buồng yên lặng, chú ý: một tin giật gân mới nhận được!
Đâu đó đều im bặt. Mọi người đều hướng về anh Lân đợi chờ. Nguyễn Huy Lân nói sôi nổi như tràn ứ, nét hưng phấn:
- Một ân huệ của ban giám thị, toán nhà bếp nâng cao tinh thần phục vụ trại viên. Đặc biệt sáng ngày mai, trại sẽ có cháo…lòng…
Tiếng hò, tiếng vỗ tay, tiếng đập sàn, tưởng đến rung rinh cả căn buồng ra. Ôi, sao lại có nhiều cái vui thế này? Kiếp con người như lúc này, thật đáng sống biết bao!
Đã hơn 10 giờ khuya. Mọi người ăn nhiều hơn và uống nước cũng nhiều hơn nên cũng phải ra vào nhà cầu nhiều lần hơn. Không hiểu tại sao, khi mở cửa vào nhà cầu, tôi tưởng như nghẹt thở, mắt cay xè, không mở ra được. Anh nào cũng bịt mũi, nín thở đi tiểu vội vàng rồi chạy ra. Thì ra cái mùi như “acid” đó là do hành nén. Thật cũng lạ kỳ! Ăn nhiều hành nén nước giải lại có cái mùi ghê gớm như thế! Nhưng lòng của con người còn lạ kỳ hơn nữa. Vừa mới xốn xang, hồn bay bổng ngất ngây, vui như cỡi…ngựa, thế mà về chỗ nằm đắp chăn một lúc. Tâm tư đã tơ vò nặng trĩu. Cuộc đời, gia đình, đất nước nổi trôi, tấm thân tù tội, ngổn ngang lớp lớp đã dần dần len vào cuốn chặt hồn tôi.
Đêm càng về khuya, càng vắng lặng. Thỉnh thoảng một vài tiếng hú, rống dội lên dài lê thê của những con vượn, xen lẫn tiếng rúc của cú rừng ăn đêm, từ trong rừng sâu vọng về, càng khắc khoải não nề cho người tù nằm nghe.
Gió rừng đêm nay cũng thật lớn. Gió luồn qua những kẽ hở của vách nứa, gió lách qua những tấm phên tre của mái nhà, đẩy những cái lạnh cuối Đông vào trong buồng. Tiếng khàn khàn, đùng đục, vi vu của những lỗ kèo, lỗ đòn tay nữa, trên mái nhà với tiếng xào xạc, ray rứt của lá rừng. Nằm càng nghe, lòng càng co thắt.
Đột nhiên một âm thanh lạ hoắc, te te, rè rè như tiếng nai con gọi mẹ, xa xôi lơ lửng lẫn vào trong gió. Một tiếng nữa, trong hơn, ro ro…róc rách như đứa bé trai đứng tồ vào chiếc lu sành ở chái hồi. Lại một tiếng nữa, cất lên gầm ghì, tỉ tê, ẽo ợt như tiếng mèo gào ráng đêm trên mái nhà. Hồn tôi lập lờ chơi vơi cuốn lượn theo những âm thanh lạ như thực, như mơ, bập bềnh trong sương khói. Chợt, Vân nằm bên cạnh đập mạnh vào người tôi:
- Buồn quá Bình ơi! Dậy nghe mấy người dân tộc thổi khèn.
Như choàng tỉnh một cơn mộng ngày, tôi tung chăn ngồi bật dậy. Trong bóng tối, sáng lờ mờ, phía góc sàn dưới, gần nhà cầu, một đám người dân tộc, đến gần hai chục người ngồi quây quần bên nhau, yên lặng đăm chiêu. Có bốn, năm người đang tấu lên những khúc nhạc buồn dân tộc, gọi hồn quê hương trong rừng thẳm. Thì ra những âm thanh lạ mà tôi cứ tưởng trong mơ, lại là có thật ở ngay trong buồng. Từ những năm tháng cũ trong tuổi ấu thơ, tôi đã đọc những trang sách, tả về tiếng khèn man dại của người dân tộc thiểu số: Mường, Thổ, Mèo, Mán, Thái v.v… trong rừng già hẻo lánh, nơi biên cương như: Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Cạn đầy lam sơn chướng khí, huyền bí của vùng Việt Bắc. Bây giờ tiếng khèn ấy đang nỉ non tấu lên ngay ở đây, trong buồng này giữa đêm Trừ Tịch.
Lòng tò mò, đã giục tôi tiến lại gần đám người dân tộc. Thấy tôi đến, Lầu Phá Tra và Sín Dẫu đang ngồi ngay đầu sàn, đã dịch ra một chỗ cho tôi ngồi. Nhìn sang sàn bên, Vân cũng đang lúi húi tìm thế ngồi với mấy người dân tộc khác. Trong bóng mờ của khói trà, khói thuốc lào; những ánh mắt, những khuôn mặt, quen thuộc, ẩn hiện thấp thoáng: Lý A Chén, Lồ Cao Diu, Lồ Cao Chính, Quách Mơi, Lù Chằn Páng, có cả nhóm của Hùng, Nông Quốc Hải. Nhìn kỹ, tôi hơi ngạc nhiên, lại có cả Thạch Rươn biệt kích, gốc Campuchia, nhà ở Trà Vinh; A Peng, Vàng A Páo biệt kích, người Lào. Người thì ngồi cúi gằm như để hồn tìm về một thế giới riêng tư, người thì cặp mắt lờ đờ nhìn vào bóng tối đăm đăm như gởi gấm tâm tư về nơi núi ngàn.
Họ im lặng buông lơi tâm tư để mặc cho tiếng khèn ve vuốt, nắn xoa hồn họ. Tôi cũng chăm chú nhìn vào những chiếc khèn, mà 4, 5 người đang hất lên, hạ xuống theo hơi thở nén lúc đầy, lúc vơi cho âm thanh trầm bổng lúc dài, lúc ngắn.
Những tiếng khèn, nhiều kiểu khác nhau, đều ghép bằng những ống nứa con con, cắt ra từ những cánh nứa nhỏ. Mỗi ống dài, cái thì 10 phân, cái thì 15 phân. Họ khéo léo ghép với nhau thành nhiều kiểu: kiểu khèn 1 ống, 2 ống, cứ cái đến 6, 7 ống, trông như những cái lỗ của tổ con tò vò. Hồn tôi cũng bị chìm sâu, cuốn hút vào tiếng khèn man dại. Nhiều lúc 3, 4 tiếng khèn cùng rú lên như những hồn oan, lạc lõng trong đêm rừng. Có lúc nghe như những lời gào thét, rên xiết não nề của những kiếp người tủi cực, mò mẫm trong tăm tối. Tôi ngồi âm thầm, cúi mặt hàng giờ.
Hẳn lúc này cũng đã Giao Thừa. Giọng một con chó rừng hú dài trong rừng sâu, như ngoáy vào đêm khuya, đệm vào những tiếng khèn ai oán. Ruột tôi như co lại, vặn vò, ép nặn cho rỉ dần ra từng giọt, cái sầu thiên thu của nhân thế. Một nỗi buồn lai láng, mênh mông ập vào, làm tâm hồn tôi rã rượi. Tôi không thể nào ngồi dậy được nữa, nhìn sang Vân thì anh cũng đã về chỗ nằm từ lúc nào.
Về tới sàn mình, tôi nằm lịm đi, để mặc cho thân xác chìm nghỉm vào nỗi sầu tràng giang của đời. Những tiếng khèn vẫn tỉ tê, rả rích dẫn dần tôi vào giấc ngủ nặng nề, nhiều ngắc ngoải.
Những tiếng lịch kịch ngay bên cạnh, làm tôi choàng tỉnh dậy. Trời đã sáng rõ. Hôm nay không có kẻng báo thức. Tôi ngạc nhiên, thấy nhiều người đổ xô ra những cửa sổ phía trước nhà, để nhìn ra sân. Qua một kẽ chấn song tôi nhìn ra, tên Cẩn trực trại, tay cầm chìa khóa đang đứng trên hè hội trường một mình. Tôi đang lạ lùng sao y chưa đi mở cửa, điểm sổ các buồng, thì y đã quay hướng về 3 buồng, cao giọng dõng dạc từng tiếng:
- Các trại viên ở trong buồng im lặng, chú ý! Các anh hãy phấn khởi nghe tin đột xuất vui mừng cho cả nước: “theo đài phát thanh của chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam. Đúng không giờ đêm vừa qua (31/01/1968), quân và dân toàn miền Nam, từ Bến Hải đến mũi Cà Mâu, đã đồng loạt nổi dậy, tấn công Mỹ, Ngụy ở khắp các thành phố và thị xã. Chúng ta đã làm chủ được nhiều tình, nhiều thành phố. Ngay tại Sài Gòn, nơi hang ổ cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền, quân và dân ta đang tiêu diệt từng ổ đề kháng lẻ tẻ của chúng.
Tên Cẩn vừa dứt lời, trong các buồng, bắt đầu có những tiếng vỗ tay lác đác, rời rạc. Sau dần dần om lên như pháo rang, tưởng như các căn nhà cũng bị rung rinh lên. Ngay trong buồng 2, anh này ngơ ngác nhìn anh kia vỗ tay, rồi cũng vỗ theo. Tôi bàng hoàng, trong lòng đang đau như cắt, nhưng thấy mọi người vỗ tay; cả Vân nữa, đã bắt đầu hai tay đập mạnh vào nhau đôm đốp, nên tôi cũng phải vỗ như mọi người.
Hầu như ai cũng tự hiểu rằng, dù trong tim, trong lòng anh ra sao không cần biết, nhưng trước sự việc này, nếu anh không vỗ tay như mọi người, thì hậu họa không thể tránh khỏi, vì đây là vấn đề tư tưởng.
Cũng những tiếng vỗ tay ấy, của cùng những con người ấy, mà ngay lúc buổi đêm rồi, nó làm bừng bừng mối hân hoan, niềm hạnh phúc buông lơi, bay lượn với hồn Xuân, nhưng lúc này, chúng như trăm ngàn cái kim, cắm sâu vào trái tim tôi và chắc chắn cũng vào nhiều những trái tim khác trong căn buồng này. Vỗ tay mắt ai cũng trắng dã ra. Người nào cũng phờ phạc, rũ rượi như những chiếc lá vàng khô trong mưa gió. Tin như sét đánh, làm tôi bủn rủn, rụng rời.
Chẳng hiểu những người lãnh đạo, có trách nhiệm ở miền Nam có hiểu được những mưu mô, nham hiểm của cộng sản hay không? Hay các ngài đang bận rộn tổ chức những buổi tiệc linh đình, những buổi dạ vũ quay cuồng, phè phỡn đón Xuân, lơ là tay súng để rồi mà khóc than cho thân phận, cho gia đình, ôm hận, không phải một đời mà ngàn đời?
Ngay từ trong đêm tôi cứ tưởng rằng, sáng hôm nay tôi sẽ đón một nàng Xuân hiền hòa, đôn hậu, sắc nước hương trời, nhưng nàng Xuân hôm nay ủ rũ, rách rưới, tả tơi. Vả lại, tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào để nhòm ngó đến nàng nữa. Tôi chán chường cả cháo, cả cơm, cả thi đấu cờ và cả không muốn dự cái lễ bắt buộc chúc Tết đầu năm, của ban giám thị ở hội trường. Tôi chỉ muốn nằm im lìm một chỗ, để nghe tim mình ê chề, rỉ máu. Nhưng vì những tên chó săn, nhất là tên Cẩn thường xuyên ra vào từng buồng xục xạo, ngó ngấp, cho nên ai cũng thế, trừ những đã ốm bịnh từ hôm qua, hôm nay dù có ốm thật, thì cũng phải cố gượng mà cười, mà vui. Ai nằm, dù chỉ nhớ nhà, hoặc tỏ vẻ buồn phiền chuyện riêng tư của đời mình, đều có danh sách lên ban giáo dục. Về điểm này, chúng đã có nhiều kinh nghiệm về những diễn tiến tư tưởng tất yếu của từng loại người. Nghĩa là tùy theo từng người khác nhau để chúng quy kết mức độ tư tưởng mà xử lý khác nhau.
Ngay từ lúc 8 giờ, chúng đã cho người mắc một chiếc loa to, trên chòi gác phía cổng, để hướng vào trong trại. Chiếc loa chắc bắt nối từ một chiếc radio ngoài phòng của ban giám thị. Nó bắt đầu ra rả nói về tình hình chiến sự ở miền Nam. Nào là chúng đã làm chủ tình hình ở Huế, cũng như nhiều nơi khác chính quyền cách mạng đã thiết lập những guồng máy hành chính, cũng như quân sự ở từng địa phương để duy trì an ninh cho dân chúng. Mặt khác, chúng cũng đang ráo riết truy lùng những phần tử có nợ máu với nhân dân v.v… Chúng đang chiến thắng. Chúng hiểu những tin tức này sẽ làm ruỗng lòng, làm tan nát niềm tin của những tên tù phản động này.
Thực sự, lòng tôi cũng bối rối, hoang mang không ít. Tuy có một điều tôi vẫn còn khúc mắc, trong mối hy vọng lờ mờ. Trong miền Nam lúc này, quân đội Mỹ và đồng minh còn đến 4, 5 trăm ngàn người, cộng sản Việt Nam có thể bắt, hoặc tiêu diệt được hết sao? Mà đã không thể tiêu diệt hết được, thì đâu có thể chúng nuốt trọn miền Nam nhanh chóng như vậy? Chính vì một điểm mơ hồ để bấu víu niềm tin này đã giúp tôi gắng gượng được phần nào, cho bộ mặt và thái độ không quá bi quan, rã rượi.
Tôi lại tiếp tục đi tham gia đấu cờ. Tình hình đang nóng, lạnh chưa ngã ngũ, lòng ai cũng bối rối, chưa ai dám tâm sự bàn tán với ai sợ mang di họa. Mọi người chỉ giao tế bình thường trong sinh hoạt. Không một ai dám nhắc đến, hay gợi đến cái nóng bỏng của miền Nam, dù ai cũng đang đầy ắp, lắng lo tơ vò trong lòng mình. Thường chỉ nhìn nhau bằng những ánh mắt dè dặt, dọ dẫm trong đám mây buồn.
Trong khi đang ngồi đấu cờ với anh Hiệp của toán 4 nông nghiệp, tôi chợt nhớ đến một hình ảnh lúc sáng của tên Cẩn. Cũng khoảng lúc 8 giờ, anh em tù đang chia cháo lòng ở sân, ngoài cổng mấy anh tù thợ điện, đang mắc chiếc loa, thì tên Cẩn từ ngoài cổng đi vào. Hôm nay, khác hẳn mọi khi, y đeo kềnh kềnh bên hông một chiêc radio transistor của Nhật. Dáng đi khệnh khạng khác thường, ngực y hơi ưỡn ra. Cái mặt y mới buồn cười, một bên má hơi hóp, nên nó méo hẳn đi. Cái môi trên của y mới lạ nữa, hàng ngày nó đã vẫu ra rồi, hôm nay nó lại cong, loe ra như một cái phễu. Khoan thai, y thong thả bước, nhàn du như một chủ nhân ông trước đám nô lệ. Mắt y giương giương lên nhìn mọi người.
Một đám tù ùa đi theo trầm trồ, xum xoe (loại người này, lúc nào và ở đâu cũng không thiếu) nhìn chiếc radio mà có lẽ lần đầu tiên họ mới nhìn thấy trong cuộc đời. Một anh có vẻ hiểu biết, cất tiếng hỏi:
- Thưa cán bộ, cái đài này của nước nào mà đẹp thế ạ?
Tên Cẩn đã trèo lên hè nhà số I. Y quay lại, dưới ánh nắng sớm, mặt thộn ra một lúc nghĩ ngợi, rồi như đã nhớ ra một điều gì rất khó:
- À, cái này ma…ze…gia pan đấy! (made in Japan).
Bây giờ ngồi đánh cờ với anh Hiệp, nhớ đến, tự nhiên tôi bật cười thành tiếng. Anh Hiệp đang gặp nước cờ bí, lại tưởng tôi cười anh, nên cau mặt lại nhìn tôi. Vừa cười, vừa lắc đầu, tôi nghĩ bụng, làm sao mà thanh minh để anh hiểu được. Ngày hôm nay, từ sáng tới chiều tôi đã đấu ba ván cờ. May mắn thế nào, tôi lại thắng cả ba. Sáng mai, mùng hai tôi phải chuẩn bị vào vòng bán kết. Chiếc loa ở cổng trại cứ léo nhéo suốt ngày. Lòng tôi cũng đầy mâu thuẫn: thực sự, tôi chả muốn nghe tiếng đài chó chết ấy làm gì. Càng nghe nó, tôi càng tím thẫm sượng sùng, cúi đầu. Nhưng nếu không nghe thì lại không biết gì, dù chỉ là khái niệm những diễn biến nóng hổi của miền Nam thân yêu lúc này, nên đành lòng ngồi nghe nó rỉa ráy, châm chọc tim gan của mình.
Sáng mồng hai, tôi đấu vối bác Hiểu già toán 3, tôi lại thắng để đứng đầu bảng B. Bảng A, người duy nhất còn lại chính là bác Lẫm Hà Nội. Như vậy, không còn tránh đi đâu được, chiều nay tôi phải đương đầu với bác một trận chung kết để tranh giải nhất và nhì ở bàn cớ lớn ngoài sân.
Phần vì tinh thần của tôi không được tập trung, phần khác tôi vẫn kiêng nể cái “uy” hai năm vô địch trại của bác, nên trong tâm cũng gờn gợn, băn khoăn. Nghĩ lại, những năm tháng ở trại học sinh Pavie Lamothe, Phú Thọ, miền Nam. Thời gian này có Lê Quang Huyến cũng ở buồng 4 với chúng tôi. Nó có bộ óc thông minh đặc biệt, nhất là về toán. Sau khi nó tốt nghiệp tú tài toàn phần ban B xong, để chuẩn bị cho năm tới thì toán đại cương (math general), nó đặt mua những sách báo chuyên đề về toán ở hải ngoại, có những bài toán hóc búa để giải. Cờ tướng là món chơi sở thích của nó, vì cờ cũng có liên quan đến cái óc tính toán. Ngoài những sách báo dạy về cờ, nó còn sưu tầm những ván cờ nổi tiếng của những tay cờ vô địch Bắc, Trung, Nam. Nó cũng đặt mua tờ tuần báo duy nhất về cờ tướng của người Tầu bên Chợ Lớn. Ngoài ra những trận cờ nổi danh của kỳ vương Lý Chí Hải ở Hồng Kông sang đấu tại Sài Gòn nó cũng không bỏ sót. Thảng hoặc, tôi cũng xem sách báo và đấu cờ với nó, vì vậy tôi cùng có phần nào tin vào khả năng của mình.
Khi được biết tôi đúng đầu bảng B, nhiều anh em quen biết đều ngạc nhiên, vì chả khi nào tôi nói chuyện về cờ tướng cả, cũng như ghé lại nhìn những bàn cờ họ đang đấu chơi với nhau vào những ngày Chủ Nhật.
Tôi không ngờ, trận chung kết cờ chiều nay thật đông khán giả tham dự. Có cả tên Cẩn trực trại và mấy tên cán bộ, bộ đội vũ trang cũng vào xem. Anh em đứng vây kín cả một bàn cờ rộng mỗi bề hàng chục mét ở giữa sân. Khi rút thăm để được tiện nghi dành quyền đi trước, tôi nhìn bác Lẫm mãi. Bác phải ngoài 60, tóc đã điểm sương. Mặt bác rất hiền, phải nói là phúc hậu nữa là khác. Mới nhìn thấy bác mà tôi đã đem lòng nể kính ngay, vì vậy tôi vội nhã nhặn nói:
- Từ lâu, cháu vẫn trọng kính những người có tuổi, Bởi thế, bác cho cháu được giữ đạo lý đó, xin mời bác đi trước, không phải rút thăm nữa.
Hơi ngần ngừ, nhìn tôi một lúc, rồi bác gật đầu đồng ý. Không nói một lời, mặt bác tươi lên như cười, thong thả bước vào bàn cờ. Ngay nước đầu, bác đẩy con tốt biên: 1 tiến 1.
Tôi hiểu đây là một người thận trọng trầm tĩnh, vừa nhã nhặn, vừa không coi thường đối thủ. Mục đích chỉ để thăm dò, bắt mạch đối phương. Tôi cũng hiểu rằng cờ tướng là một môn tranh hơn thua không những bằng thế, bằng mưu, mà còn bằng tâm lý nữa. Có những đối thủ cáo già, họ đi những bước đầu hơi hớ hênh, hoặc ngập ngừng. Họ chỉ trỏ, tính toán nước này, nước kia tỏ rằng không có chủ định, để đối thủ tưởng lầm rằng là một tay cờ bình thường, mà chết. Ngược lại, cũng có người ngay từ đầu, đi những nước rất lạ, cách đặt quân vững chải, tỏ ra đầy tự tin; mục đích gây hoang mang cho đối thủ, chứ thực ra họ chả có gì sâu sắc cả. Thậm chí họ còn đánh “võ miệng”, nào là đã từng đấu với nhân vật này, hạ nhân vật kia để hù về mặt tâm lý nữa.
Một mái đầu xanh với một mái đầu bạc đăm chiêu tính toán để hạ nhau. Như trên tôi đã trình bày, phần vì tôi vẫn nể cái “uy” của bác (tâm lý chủ bại thì ít khi thắng), phần khác, tôi chưa hề đấu bàn cờ rộng thế này bao giờ. Nhìn nó bao quát, lạc hẳn đi, làm giảm hẳn trí có tính toán của tôi. Hơn nữa, những tác động ồn ào, bàn tán của người xem cũng làm loãng những trù liệu của tôi đối với đối thủ. Tuy vậy, tôi cũng tạo dựng, lựa nhiều nghi binh để được vào một vài thế có lợi cho tôi, cho nên hơn một giờ sau, bàn cờ đã nghiêng hẳn về phía tôi.
Tôi còn đủ bộ xe pháo mã, trong khi bác Lẫm kém tôi một con mã, mà còn ở thế bị tấn công. Hai đấu thủ cờ, xấp xỉ tài năng, một chín, một mười. Bên nào đã hơn quân rồi mà còn được ở thế tấn công, thì hầu như bàn cờ đã được định đoạt.
Mặt bác Lẫm lúc này, đỏ gay, thỉnh thoảng bác phải dùng chiếc khăn đỏ đang quấn ở cổ để lau trán, lau mặt. Mặt tôi cũng nóng bừng, nhất là lúc này nhiều người xô đến gần cổ vũ, góp ý (thói đời, người ta chỉ phù thịnh thôi). Ngay tên Cẩn đã nhìn tôi, nói to như động viên khích lệ:
- Không ngờ Bình lại cao cờ thế, nhiều mưu lắm!
Mãi đặt hết tâm hồn vào những thế hơn thua của cuộc cờ, tôi đã quên béng đi, hay không hề nghĩ đến một điều to lớn khác. Đến lúc này, nghe tên Cẩn nói, tôi mới thót nghĩ ra. Tôi chợt hiểu, tôi còn nông nổi hiếu thắng lắm! Còn non lắm mà lại cứ tưởng mình đã già dặn rồi. Tất cả những ý nghĩ luẩn quẩn trên đã tác động vào tâm trí tính toán thế cờ của tôi. Tôi còn một nhược điểm nữa rất to lớn. Mặc dù lúc đầu nhiều việc thường thận trọng, trầm tĩnh tính toán, nhưng khi gần đến thắng lợi, đến thành công lại rơi vào cái hố chủ quan. Mà đáng lẽ ra, chỉ được phép vui mừng, lỏng tay súng khi đã tiêu diệt hết kẻ thù. Phải vẫn thận trọng, cảnh giác, dè dặt tới lúc bàn cờ kết thúc. Chính vì những nhược điểm trên, cuối cùng, tôi đã rơi vào những cái thế bị động, mở đường máu thoát thân của bác Lẫm.
Kết lại, đánh cờ là đấu trí, dù ở khâu nào, lý do nào tôi cũng đã thua trí của bác Lẫm. Tôi thua bác thực sự, không hề ân hận, áy náy vì tôi còn quá nhiều nhược điểm. Nhưng rất nhiều người, kể cả những tên cán bộ lại cứ cho là tôi có ý nhường bác Lẫm. Thậm chí, cho đến chiều muộn, khi ban tổ chức phát giải thưởng, bác lẫm còn vỗ vai tôi:
- Cậu đã nhường tôi.
- Chính cháu không hề nghĩ lại được vào chung kết. Cháu tưởng, cháu sẽ bị loại ngay từ những vòng đầu. Chứ đấu được với bác như thế, cháu đã thấy may mắn và khá rồi đấy!
Tôi chân thành nói với bác Lẫm như vậy.
Về bóng bàn của Phan Thanh Vân, anh cũng chỉ ở giải nhì, còn Đinh Sơn chiếm giải nhất, cả hai đều là đấu thủ miền Nam.
Về sau này, thật không ngờ, ván cờ ấy tôi bị thua bác Lẫm, nhưng tôi lại được một cái khác to lớn hơn, ý nghĩa và tình người hơn. Sau đấy, bác Lẫm lại mến tôi đặc biệt. Một buổi trưa tôi đang ngồi ở hội trường, bác mang cho tôi một lưỡi dao cạo “Gillettte” còn mới, bác nói:
- Cậu phải thường xuyên cạo râu cằm đi, mà chỉ để râu trên mới đẹp.
Lưỡi dao cạo ở trong tù rất hiếm, nên vô cùng giá trị. Tôi bẻ đôi, cất kỹ dùng đến 8 năm sau mới mất (cùn thì mài). Cứ thỉnh thoảng bác lại dấu đút cho: khi thì củ sắn, củ khoai nướng, khi nắm rau luộc. Vì bác ở toán rau, nên được ra ngoài đồng làm việc.
Những năm sau, mỗi khi nghĩ đến trận cờ năm ấy, tôi vẫn thấy vui. Khi ấy, nếu có đủ lực thắng bác Lẫm thì cũng nên thua vì kết quả lại còn được nhiều cái hơn, huống chi tôi lại thua thực. Như vậy, trong cuộc sống, nhiều khi không tính mà lại làm đúng.
Chiều ngày mồng 4 Tết, khi toán chúng tôi đi lao động về thì chiếc loa to ở cổng trại đã được tháo đi rồi. Lý do là chỉ ráp nối cho trại viên nghe đài ngày Tết mà thôi. Thực ra thì không phải vậy. Qua một số nguồn tin rỉ tai từ một vài người có thân nhân lên tiếp tế sau Tết, loáng thoáng cho biết vụ Tết Mậu Thân, không phải Việt cộng hoàn toàn chiến thắng như đài, báo của cộng sản tuyên truyền. Nghe đâu, quân của chúng bị vây ở Sài Gòn và nhiều nơi khác, bị bắt và bị chết nhiều lắm v.v… Nguồn tin này, đối với tôi thì có thể tin được. Bời vì nó gần như một quy luật: khi nào chúng nó chiến thắng thì chúng bắt tù phải nghe đài, phải đọc báo, đêm ngày, nó ra rả sủa vào tai. Còn khi nào chúng thua, tin tức bất lợi cho chúng thì đài bị hư, báo bị tắc đường, xe không đến trại được v.v…
Có một điều làm day dứt lòng tôi mãi nhiều năm. Ngay chiều tối, khi các buồng đã điểm xong, khóa cửa rồi, tên trực trại Cẩn và tên Tân trật tự, lại xách đèn bão đến buồng 2. Tên Cẩn đọc tên 4 người toán 2, ra lán thủ công để đóng một cỗ quan tài, đột xuất. Hơn một giờ sau, khi 4 người trở về buồng thì mọi người mới biết: bác Lê Tài Chương trong nhà kỷ luật đã chết rồi. Nghe tin mà tôi điếng người, ngẩn ngơ. Mới vào kỷ luật có khoảng 10 ngày, sao mà đã chết? Dù bác có yếu, nhưng sao có thể chết nhanh như vậy? Ôi, một kiếp người vô nghĩa đã trở về với cát bụi hư không.
Chẳng hiểu bác chết vì tự tử hay vì sao, mà sau đó tôi không hề nghe một ai bàn tán gì đến cả. Ngay tên Tân trật tự, hàng ngày y đưa cơm trong nhà kỷ luật; bác Lê Tài Chương lại là chủ tịch đảng của nhóm y, đồng vụ với y, nhưng sự việc vẫn kín bưng như hũ nút, chẳng một ai biết rõ.
Trước đây, đã nhiều lần tôi định đến với bác để tìm hiểu và học hỏi thêm, Ai ngờ đâu, một kiếp người lại giản dị, dễ dàng ra đi nhanh như thế!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen