Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Chương 104
M
ặc dầu hoàn cảnh của tù chính trị cũng cực khổ, song, sau sáu năm sống cuộc đời truỵ lạc, xa hoa, uỷ mị ở thành phố và hai tháng sống với tù thường phạm, Katiusa cảm thấy giờ đây sống với tù chính trị rất là sung sướng. Mỗi ngày đi hai, ba chục cây số với mức ăn uống khá hơn, lại cứ sau hai ngày đi, nghỉ một ngày, làm cho nàng khỏe ra; sống gần gũi những người bạn mới, nàng tìm ra được nguồn sinh thú mà nàng chưa hề biết đến. Những con người kỳ diệu (nàng nói thế) như những người hiện nay đang cùng sống với nàng, chẳng những trước kia nàng chưa hề gặp mà ngay đến tưởng tượng thôi nàng cũng chưa hề tưởng tượng ra được.
"Thế mà khi tuyên án, mình lại khóc, - nàng nói. - Đáng lẽ ta phải cảm ơn Chúa suốt đời mới phải. Nhờ đó ta đã được biết những điều mà nếu sống trong hoàn cảnh khác, không bao giờ ta biết được".
Nàng hiểu rất dễ dàng những động cơ hành động của những con người đó; vốn xuất thân từ quẩn chúng, nàng hoàn toàn thông cảm với họ. Nàng hiểu là họ vì nhân dân mà chống lại giai cấp trên; và tuy bản thân họ cũng thuộc về giai cấp trên, nhưng họ đã hy sinh quyền lợi, hy sinh tự do, đời sống của họ cho nhân dân, điều đó đặc biệt làm cho nàng kính trọng và khâm phục họ.
Nàng khâm phục tất cả các bạn mới quen biết, nhưng đặc biệt nàng khâm phục Maria Paplovna, không những phục mà còn yêu Maria với một tình yêu đặc biệt, trân trọng và nồng nàn. Nàng rất ngạc nhiên là sao một cô gái đẹp, biết ba thứ tiếng, con gái một viên tướng giàu có lại có thể sống như một cô gái lao động bình thường, và đã đem cho người khác tất cả những gì mà anh cô - một người giàu có đã gửi cho cô; cô ta ăn mặc chẳng những giản dị mà còn nghèo nàn, không hề để ý đến bề ngoài. Maria không mảy may làm dáng, nét đặc sắc đó khiến Maxlova lấy làm lạ và vì thế lại thêm phần quý mến.
Maxlova thấy Maria cũng tự biết mình đẹp và cũng lấy điều đó làm thích. Nhưng thấy sắc đẹp của mình làm cho nam giới say mê, chẳng những nàng không thích mà còn lấy làm sợ nữa. Đối với tình yêu, nàng chán ghét và ghê sợ. Các bạn trai của nàng đều biết thế và nếu có ai yêu nàng thì họ cũng không dám biểu lộ ra và chỉ cư xử với nàng như với một người bạn trai khác. Nhưng theo lời nàng kể lại, đối với người lạ hay quấy rầy thì sức lực mạnh mẽ của nàng (mà nàng đặc biệt tự hào) đã cứu nàng.
Có lần nàng vừa cười vừa kể: có một anh chàng theo tôi ngoài phố, cứ bám nết không chịu rời. Tôi bèn tóm ngay lấy hắn và lay cho một trận, làm hắn phát hoảng và chuồn mất.
Nàng đi làm cách mạng - theo lời nàng thuật lại - vì tự thuở nhỏ, nàng đã ghét cuộc đời của những kẻ quyền quý và ưa thích cuộc sống của những người bình thường.
Nàng thường bị mắng là hay xuống chơi trong phòng các gia nhân ở, trong bếp hay trong chuồng bò, chứ không chịu ở phòng khách.
Nàng nói: "Nhưng tôi thấy gần gũi những người nấu bếp, đánh xe lại thú hơn, còn ngồi với các ông lớn bà lớn thì chán ngắt. Rồi đến khi hiểu biết, tôi thấy cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn xấu xa. Mẹ tôi đã mất, tôi chỉ còn cha, nhưng tôi không ưa, cho nên khi đến mười chín tuổi tôi bỏ nhà theo cô bạn vào làm thợ ở một công xưởng
Về sau, thôi việc ở xưởng, Maria về sống một dạo ở quê rồi mới lại trở về sống ở tỉnh; trong gian buồng nàng ở có máy in bí mật. Nàng bị bắt ở đấy và bị kết án khổ sai. Chính Maria không kể lại gì, nhưng Katiusa nghe người khác nói sở dĩ Maria bị kết án khổ sai vì khi nhà bị khám, từ trong bóng tối, có một phát súng nổ do một đồng chí cách mạng khác bắn, nhưng Maria đã nhận chính mình bắn.
Từ khi mới quen biết Maria Paplovna, Katiusa nhận thấy là bất kỳ ở đâu và bất cứ trong cảnh ngộ nào, Maria không bao giờ nghĩ đến mình, lúc nào cũng chỉ lo giúp đỡ người khác, trong công việc lớn lao cũng như trong công việc nhỏ nhặt hàng ngày. Một người bạn hiện nay của nàng là Novotvorov đã nói đùa là nàng chỉ thích chơi môn thể thao từ thiện. Quả đúng thế, nàng coi tất cả cái thú ở đời là ở chỗ tìm được cơ hội giúp đỡ người khác, như cái thú vui của người đi săn là tìm ra được muông thú để săn. Và môn thể thao nầy đã trở thành thói quen và sự nghiệp suốt đời của nàng. Nàng làm công việc đó một cách tự nhiên, khiến những người quen biết không những đã chẳng coi trọng sự giúp đỡ của nàng mà còn dòi hỏi nàng phải giúp họ.
Khi Maxlova mới đến ở chung nhóm, Maria thấy ghét và khinh. Katiusa cũng biết thế, nhưng sau, nàng cũng thấy Maria đã cố gắng kiềm chế mình và tỏ ra đặc biệt niềm nở và tử tế với nàng. Tình thân và lòng tốt của một con người khác thường như vậy đã khiến Maxlova cảm kích, nàng hết sức quý Maria Paplovna và tự nhiên cứ suy nghĩ theo quan điểm của bạn và bắt chước bạn tất cả mọi điều. Còn Maria Paplovna cũng cảm động về lòng yêu trung thực của Katiusa và dần dẩn cũng yêu mến nàng.
Cả hai người nầy còn hợp nhau ở chỗ cả hai đều ghét tình yêu xác thịt. Một người thì ghét vì bản thân đã chịu tất cả những nỗi cay đắng của nó, còn người kia tuy chưa nếm trải, nhưng coi nó như một cái gì không thể hiểu được và đồng thời, như một cái gì ghê tởm, xúc phạm đến phẩm giá con người.