Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 101: Những Kỷ Niệm Buổi Đầu Đời
T
ết càng gần, nét Tết càng rõ trên mặt mọi người. Lòng mong Tết của người tù cũng như trẻ con mong Tết để được mừng tuổi. Để được mặc quần áo mới và để được chơi bời thỏa thích với bạn bè. Cả một năm lao động khổ sai, đói rét, cùng khổ, chìm đắm trong kiếp đời nhục nhằn lầm than. Tết đến, không những được nghỉ vài ngày, mà còn được ăn bánh chưng, được ăn thịt, được ăn cơm không độn nữa. Những thứ ưu việt cao quý nhất của loài người mà cả một năm không có. Thử hỏi ai mà không mong, không vui sao được?
Sáng hôm nay là 28 tháng chạp rồi. Mới sáng sớm, mọi người còn đang ríu rít chia sắn sáng thì tên Thái y tá kiêm phụ trách nhà tiếp tế của trại đã đến buống số 2. Tay y cầm mấy miếng giấy rơm mầu lá vàng khô. Ngay còn khi ở ngoài sân, lúc y vừa ở buồng số 1 ra. Nhiều con mắt, tuy chẳng ai bảo ai, thế mà đều quay lại nhìn y với ánh mắt đợi chờ, nghe ngóng cho tới khi y bước vào buồng số 2 thì nhiều người đã chạy xô vào, chằm chặp nhìn những tờ giấy vàng ở tay y, mặt hóng lên niềm hy vọng.
Cái tâm trạng này thật cũng đáng buồn cười. Những người có gia đình, thân nhân tiếp tế hồi hộp, nghe ngóng, đợi chờ đã đành. Cả đến những người chả có thân nhân, hoặc đã lâu năm không ai tiếp tế cũng thập thò, nhấp nhổm, dâng lên niềm mơ ước hy vọng như mây chiều trong gió lộng. Thậm chí ngay cả tôi. Tôi đã biết rõ, chẳng có ai là thân nhân tiếp tế cho tôi cả. Suốt đời tù, chả viết thư cho ai, mà cũng chả có ai viết thư cho tôi. Vậy mà cũng thấy lòng động đậy, xốn xang nhìn về tên Thái.
Cái tâm trạng của những người cùng khổ, nó kỳ dị như một người nghèo chả bao giờ có tiền mua xổ số cả, mà lại mong trúng số độc đắc. Mộng ước những chuyện tự nhiên ở trên trời rơi xuống hoàn toàn không tưởng; không hề có một cơ sở thực tế nào. Vậy mà lòng vẫn cứ mong, vẫn cứ ước mơ.
Cuối cùng tên Thái đã đọc tên 5 người của buồng số 2. Những người này xin phép cán bộ toán ở nhà để ra gặp thân nhân, nhận đồ tiếp tế:
- Nguyễn Tứ Hải, toán 3.
- Nguyễn Khải, toán 2 (bị đi kỷ luật hơn 10 ngày trước, chưa được tha).
- Lù Chằn Páng, toán 2.
- Lồ Cao Dưu, Lồ Cao Chính, toán 3.
Bao nhiêu con mắt nhìn về những người vừa được gọi tên. Họ thấy những người này, hôm nay khác hẳn với mọi ngày. Quan trọng hơn, giá trị hơn, Họ đã bước lên một giai cấp khác. Giai cấp có tiền, có thể trong cái xã hội nhà tù nhỏ bé này. Trong khi ấy thì mặt những người vừa được gọi tên đang đờ đẫn với bao nhiêu những nỗi niềm nguồn cơn về gia đình và cuộc đời; xốn xang chuẩn bị tinh thần để gặp gia đình và người thân.
Tôi quay lại nhìn anh Đồng ngồi ngay cạnh tôi. Mặt anh buồn rười rượi, đôi mắt áng lên mầu nâu xám như lắng đọng, chất chứa một nỗi sầu xa vắng. Tôi khẽ đặt một tay lên vai anh:
- Xin lỗi, hàng năm anh có nhận được tiếp tế của gia đình không?
Câu hỏi như khơi dậy, cho nỗi buồn thầm kín của anh chảy dài. Những vết hằn trên trán của anh càng nhăn nhúm lại, như trong lòng anh đang bị quặn thắt, xót xa. Anh nói như chia sẻ bầu tâm sự:
- Tôi chỉ còn một bà mẹ già, năm nay đã gần 70 tuổi. Năm năm trước, mẹ tôi đã mò mẫm, lặn lội lên đây thăm tôi một lần. Khi về, phần vì tuổi già, phần vì lam sơn chướng khí của miền đèo heo hút gió này đã quật bà cụ một trận ốm tơi bời hơn hai tháng. Từ đấy, mẹ tôi bị liệt một chân, phải đi nạng. Lá thư năm ngoái mẹ tôi gởi lên đã làm tôi nhiều đêm không ngủ. Hình ảnh của một người mẹ già sống lam lũ, thiếu thốn, cô đơn, heo hút trong căn nhà tranh xiêu vẹo phía cuối làng hoang vắng vẫn đêm đêm hướng về người con trai trong ngục tù biền biệt xa vời, cứ giằng xé, gậm nhấm hồn tôi. Nỗi đau, nỗi hận tôi đã kìm hãm, đè chặt trong tim; vậy mà nhiều lần vẫn ứ ra theo giòng nước mắt trong những đêm dài không ngủ.
Hai mẹ con côi, tôi là đứa con trai duy nhất của người. Bố tôi đã bị giết ngay từ 1955, đợt đầu của cuộc cải cách ruộng đất ở quê tôi. Hiện nay, mẹ tôi sống lần hồi rau cháo, hàng ngày quét dọn vệ sinh cho một hợp tác xã thủ công ở địa phương.
Ngồi nghe anh thổ lộ, tôi cũng thấy lòng se lại trước cảnh tình thương đau của anh. Tôi chợt muốn biết sơ qua về tội lỗi của anh, vì thế đợi anh ngừng tôi mới hỏi:
- Thế anh tội gì và án hay tập trung?
Anh ngửng lên nhìn tôi như đắn đo một lúc rồi ngập ngừng:
- Tội vượt tuyến, án tôi chung thân.
Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, nên đầy thắc mắc:
- Vượt tuyến gì mà lại án chung thân?
Mặt hơi nhăn lại, mắt anh quắc sáng nhìn về phía chiếc cửa sổ phía đối diện như còn chất chứa một nỗi u uất tràn ắp trong lòng:
- Tôi và một người bạn nữa, bị vây bắt ở biên giới Lào và Việt thuộc Nghệ An. Trong thế cùng chúng tôi đã chống trả quyết liệt để thoát thân. Chúng tôi đã giết chết một tên bộ đội biên phòng. Cuối cùng người bạn của tôi bị bắn chết ngay tại chỗ và họ đã bắt được tôi. Chúng đã đánh tôi một trận đòn thù tưởng không thể sống được. Vết thương ở đầu làm tôi mê man gục xuống. Chúng tưởng tôi đã chết rồi. Mãi 3 tháng sau vết thương tôi mới tạm lành.
Nói đến đây, anh cúi đầu xuống, giơ một tay vạch tóc phía trên gáy cho tôi nhìn một vết sẹo gồ ghề, ngòng ngoèo, chỗ trắng, chỗ còn tím xậm dài đến 5 phân. Chẳng hiểu vì nỗi xúc động bừng dậy hay vì cái đau ẩn uất của tâm hồn; mặt anh tái hẳn lại. Anh đứng dậy ra khỏi buồng.
Còn nhiều điều nữa tôi muốn hỏi về anh, nhưng thấy thái độ của anh như vậy. Tôi chậm chạp tiến lại chỗ chiếc điếu cày, hút một điếu cho hồn vấn vít chảy vào khói mây với những bồng bềnh ngổn ngang, ngược xuôi của những kiếp người.
Ra lán thủ công lao động được một lúc, khi tôi ra chỗ nhà cầu để đi tiểu, thì anh Đồng từ dưới toán mộc cũng ra theo. Tôi có cảm tưởng như anh đã để ý chờ tôi từ sớm. Vừa đi tiểu anh vừa nhìn tôi dáng băn khoăn rồi nói như dặn dò:
- Hầu như tất cả đồng phạm ở đây không ai biết rõ về sự việc của tôi. Nhưng tôi đã thổ lộ với anh, chỉ vì tôi tin chắc, anh là người có ý thức, có tâm hồn, không làm thiệt hại gì đến tôi về sau.
Khẽ đặt tay lên vai Đồng, tôi nói giọng thân tình khắng khít:
- Cám ơn anh, chắc rằng lòng tin tưởng của anh không sai đâu.
Buổi trưa, toán và trại đang ồn ào, rối rít chia cơm canh ở sân thì một tốp đến gần chục người buổi sáng đi gặp thân nhân và nhận quà tiếp tế, từ ngoài cổng trại đi vào, làm mọi người đều ngoái lại nhìn ra. Phía bên ngoài cổng trại. Tên cán bộ Cẩn trực trại và tên Tân trật tự đang lúi húi vuốt, nắn từng anh, và những gói quà tiếp tế trước khi cho vào trại. Mỗi người, tay xách chiếc túi vải con, mặt anh nào cũng rầu rầu. Có anh mắt hãy còn đỏ hoe, hẳn vừa trải qua những giây phút xúc động não lòng. Tôi chợt thấy anh Đồng đứng trong một góc khuất phía cuối hội trường. Mặt anh đờ đẫn chảy dài, cũng đang nhìn ra phía cổng. Tôi bước lên, tiến lên chỗ anh đứng. Gần 1 phút đứng bên anh, nhưng anh vẫn bần thần như xuất hồn, để rồi anh phải bàng hoàng giật mình khi thấy tôi đứng ngay bên cạnh. Để lấp cái ngỡ ngàng, ngượng ngập của anh, đưa hiệu mắt nhìn ra đám người đang xách những gói đồ tiếp tế tôi hỏi:
- Hàng năm, mới gặp gia đình nhận quà tiếp tế một lần, sao chỉ có một túi con vậy?
Anh quay lại, giọng rời rạc,heo hút:
- Anh tính đã 14 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa rồi. Gia đình nào cũng kiệt quệ, phải chạy ăn từng ngày. Những năm đầu, do tình thương yêu máu mủ nồng nàn, gắn bó giữa người thân yêu ruột thịt. Còn vài tháng hay 1 năm tiếp tế một lần. Sau dần dần, nhiều gia đình đành bỏ luôn. Nhất là người thân lại phải chuyển lên núi rừng xa xôi như thế này nữa. Vả lại, khi kinh tế gia đình khánh kiệt dần thì tình nghĩa cũng tàn rụi theo. Mặc dù anh nhìn thấy đấy, những đồ tiếp tế quanh quẩn chung chung thường là một ký đường cát, hoặc đường phên, ít muối vừng, ít bánh mì khô hoặc mấy con cá hay tôm khô. Một hai cái bánh chưng, đôi gói thuốc lá hay thuốc lào. Tất cả chừng 4 – 5 ký là nhiều.
Buổi chiều khi toán đi làm về, anh Nguyễn Huy Lân, buồng trưởng đứng ở giữa nhà, tay cầm một tờ giấy nói to:
- Như thường lệ hàng năm.Các anh em quân, cán tập kết hãy ghi tên vào danh sách này để chiều nay tôi nộp cán bộ giáo dục.
Trong khi anh Phạm Tấn Tích đến nhận tờ giấy từ tay anh Lân; tôi hỏi Phan Thanh Vân đang ngồi bên cạnh:
- Tại sao làm danh sách quân, cán tập kết để làm gì?
Vân vừa lục đục lấy túi bát đĩa ở trên kệ vừa thủng thẳng trả lời:
- Những anh cán bộ hay bộ đội tập kết từ trong Nam ra Bắc năm 1954 theo hội nghị Genève. Bây giờ bị bắt vì nhiều tội khác nhau như: xét lại, hủ hóa, ương ngạnh, chống đối hay phản tuyên truyền v.v…Cứ cuối năm, gần Tết thì được mời riêng ra, để cán bộ nói chuyện.
Tôi chưa hiểu trọn ý của Vân nói, nên cũng cầm rổ, đĩa ra ngoài sân theo Vân để lấy cơm và hỏi tiếp:
- Mục đích, gọi họ ra như vậy để làm gì? Và có được ăn uống gì không?
Vân quay lại cười và nói nhẹ như thì thầm:
- Chỉ được uống nước trà và hút thuốc lá. Của đâu mà ăn!
Mục đích để động viên tinh thần, làm khỏa lấp nỗi nhớ nhà của họ mà thôi. Tuy vậy, hàng năm họ được đặc biệt thêm mỗi người một chiếc bánh chưng của trại.
Thấy nói đến bánh chưng của trại. Hơi thắc mắc nên tôi hỏi tiếp:
- Bánh chưng của trại là tiêu chuẩn chung của phạm nhân sao lại phát thêm cho họ? Sao không là bánh chưng của ban giám thị?
Vân kéo tôi lùi xa chỗ đám chia cơm, lấm lét nói nhỏ:
- Năm ngoái đã có 2 người đi cùm chỉ vì thắc mắc về bánh chưng của quân, cán như Bình.
Rồi Vân dặn dò:
- Đừng đem ý kiến này nói với ai, nhớ đấy!
Tôi hiểu rằng Vân đã thân tình với tôi hơn, nên lại hỏi tiếp:
- Quân cán ở trại này có đông không?
Vân hơi cau mày như để nhẩm tính:
- Buồng mình 8 người, toàn phân trại E này khoảng 22 – 23 người.
Cơm đã chia xong, nên tôi trở về phía mâm cơm. Sáng hôm sau, trời rét lạnh, hanh khô. Ánh nắng dịu ngọt làm vàng ửng những ngọn nứa già, cao lêu nghêu phía cuối hội trường. Góc phương trời phía Nam, vài vạt mây trắng hồng nằm gác dài trên rừng nứa xa xa. Đất trời như muốn báo cho nhân thế, nàng Xuân sắp về. Toàn trại vừa ồn ào, nhộn nhịp ngoài sân chia sắn sáng xong. Đây đó, rải rác chỗ từng tụm, chỗ dăm ba người đang ngồi nhai vội vàng mấy đoạn sắn luộc để kịp giờ đi lao động của một ngày. Tôi ngồi ghế phía đầu chiếc ghế dài bên cạnh anh Đồng ở hội trường. Vừa nhai sắn, mắt tôi dõi nhìn hai con chim sẻ đang đứng dựa vào nhau, trên nóc nhà số một, cheo chéo phía trước mặt. Thỉnh thoảng chúng quay lại nhìn nhau, chí chóe chuyện trò. Nắng sớm, làm cho cánh và đầu chúng sáng hồng lên trên mầu trời xanh nhạt. Nhiều lúc cả 2 con, cánh chúng đều vung lên như giận dữ. Chúng lùi xa nhau ra, rồi lại tiến sát gần vào nhau, cùng nhìn xuống đám tù đang ngồi nhai sắn ở dưới sân.
Chẳng hiểu chúng là vợ chồng hay đang còn trong thời kỳ yêu nhau của buổi ban đầu? Nhưng tôi cứ nghĩ chúng chỉ là đôi bạn rủ nhau đi chơi sớm, nhân một ngày đẹp trời. Vì vậy dòng liên tưởng của tôi, đã đẩy tôi trở về một quãng đời ấu thơ rất xa xưa ở quê nhà. Khi ấy tôi khoảng độ 7 – 8 tuổi. Tôi có 2 người bạn rất thân cũng xấp xỉ tuổi tôi. Nhà chúng tôi rất gần nhau, và cùng ở phố huyện. Một cậu tên là Kim, bố mẹ nó mở hàng bán thịt chó duy nhất ở phố huyện, chỉ cách nhà tôi một cái chợ làng. Tôi nhớ nó nhiều nhất, vì mỗi lần đến bên, người nó toát ra một cái mùi khăn khẳn của thịt chó thui.
Một cậu nữa có cái tên rất là đặc biệt: Chũm Đế. Để mỗi khi tôi với Kim tức tên gọi là “Chũm Chọe” nó là con một ông Lý Cựu ở trong làng. Thế giới đối với chúng tôi lúc đó là phố huyện và xã hội, cuộc đời là chỉ gồm có 3 chúng tôi. Ngoài ra chúng tôi không hoặc chưa biết một chuyện gì khác của cuộc đời rộng lớn đầy phức tạp này.
Ôi thôi, khung cảnh ấy và giai đoạn tuổi đời này, chứng tôi có rất nhiều kỷ niệm không quên. Nhưng lúc này tôi chỉ nhớ nhất đến một việc khi nhìn đôi chim sẻ trên nóc nhà.
Một chuyện thật ngây thơ đến độ buồn cười. Chẳng hiểu do từ đâu và bắt đầu có từ bao giờ, để trở thành một quy định thế này giữa 3 chúng tôi: mỗi khi vì lý do nào đó tôi và Kim giận Chũm, không muốn chới với Chũm nữa. Sáng sớm, chúng tôi ra đống đá của lục lộ đang làm đường. Mỗi đứa lấy hai hòn đá bằng nắm tay, đến ngồi trước ngõ nhà thằng Chũm. Cứ đập hai hòn đá vào nhau: cạch cạch… hàng giờ. Như vậy là báo cho Chũm, chúng tôi không chơi với nó nữa. Vậy nếu có gặp nhau thì đừng hỏi han gì cả, chúng tôi sẽ không trả lời đâu.
Có khi một người lại giận cả hai người. Buổi sáng đến gõ đá trước nhà hai người. Nếu ngày sau còn giận tiếp thì lại đến đập đá nữa. Bởi vì nếu buổi sáng không đến đập đá, có nghĩa là đã hết giận rồi. Đôi khi cả 3 người đều giận nhau. Trường hợp này phải đi đập đá lung tung.
Một lần tôi không nhớ rõ là chuyện gì mà cả Kim lẫn Chũm đều giận tôi. Mỗi sáng dậy tôi đã nghe tiếng cành cạch phía ngoài đường. Trong nhà nhìn ra, cả Kim và Chũm đang ngồi đập đá liên hồi. Lòng tôi vừa buồn vừa tức. Buồn tức cả ngày, đêm đi ngủ hay cả lúc ăn cơm cũng hãy còn buồn.
Sáng hôm sau, tôi chờ mãi không thấy chúng nó đến đập đá nữa. Như vậy chúng nó đã hết giận tôi rồi. Nhưng tức vì chúng nó đã làm tôi buồn mất mấy ngày, nên tôi lại lấy đá đến nhà chúng để đập v.v…