One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 100: Nghệ Thuật Ăn “Hơi”
áng hôm nay trời mưa thật lớn, chẳng biết mưa từ lúc nào đó trong đêm. Trận mưa như tắm rửa, giặt giũ, kỳ cọ những cảnh vật vào cuối Đông để chuẩn bị đón nàng Xuân sắp về. Mưa ào ào dữ dội như có một giòng sông lớn ở trên trời, mở đập ngăn để cho nước đổ xuống trần gian.
Kẻng báo thức đã lâu rồi, mà tên trực trại vẫn chưa vào điểm buồng. Những khung cửa sổ, sàn trên cũng như sàn dưới, nhiều anh khoác chăn ngồi nhìn mưa rơi. Một giọng ngâm khàn khàn của ai đó ở sàn trên dội xuống:
Em thương ơi!
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi, em cứ đợi
Anh của em lại về…..
Tiếng ngâm rè rè, khô khan không hay mấy, mà cũng làm cho nhiều bộ mặt tần ngần, mắt đăm chiêu dõi mãi ra mưa gió mịt mờ. Nghĩ mình cóc có ai đợi cả, tôi quay sang Vân, đang phì phèo điếu thuốc buổi sáng ở môi:
- Có lẽ hôm nay nghỉ lao động?
Vân đưa hai ngón tay lên kẹp điếu thuốc vẫn ở trên miệng, hít một hơi thật dài. Đầu điếu thuốc lá cuộn, đỏ sáng lên. Vân vừa lấy điếu thuốc ra khỏi miệng, vừa nói trong làn khói hắt hiu, đang phả ra từng sợi ngoằn ngoèo lãng đãng:
- Mưa, bão. Trại nghỉ nhưng toán thủ công không bao giờ…..
Vân chưa nói hết câu, tôi còn đang tính toán, sắp xếp thời gian từng phút, vì hôm nay đến lượt tôi lấy sắn sáng, thì cửa đã lạch xạch và tiếng chùm chìa khóa rủng rẻng. Như tắt ngừng một cái máy, chỉ ba mười giây, âm thanh và mọi di động đều ngưng bặt. Khi cửa mở thì mọi người trong buồng đã ngồi ngay ngắn, thẳng hàng, im phăng phắc, như những tượng đá chùa Hương. “Hương Sơn đệ nhất động, hỏi rằng đây đó phải?”
Điểm xong, mặc mưa rơi, mặc gió thổi, áo tơi, áo lá, nhiều anh lao vào gió mưa, xuống bếp lấy sắn sáng về chia cho mâm mình. Hai buồng kia, cán bộ điểm xong, khóa cửa lại. Lúc ngồi nhai sắn ở hội trường, tôi hỏi anh Đồng mới hiểu: không đi lao động, thì không có ăn sáng. Gà không cục tác, thì gác mỏ. Nhưng “gác mỏ” mà đâu có được nằm yên, trong buồng lại phải đọc báo rồi sinh hoạt. Bởi vậy, với đại đa số người tù, mưa không đi lao động được, lại là một bất hạnh đối với họ. Sáng sáng, quen có mấy đoạn sắn vào dạ dầy, hôm nay đành nhịn teo, mà còn phải gò lưng ngồi sinh hoạt hay đọc báo nữa. Cho nên ai cũng muốn được đi làm, sướng hơn. Phải chọn giữa hai cái xấu, thì ai cũng sẽ chọn cái xấu ít.
Gần trưa thì mưa thưa hạt, rồi tạnh hẳn. Mặt trời lại vén bức màn mây xám xịt, thò mặt ra tươi cười chào mừng nhân thế. Núi rừng lại bừng sáng, lung linh. Hai con sáo to, mầu lông đen óng, hai chiếc mỏ đỏ như sơn Tầu. Chúng cứ khúc khích, nhún nhẩy trầm mình xuống vũng nước mưa ngoài chiếc sân con trước nhà vernie. Một con bọ ngựa mầu xanh lam, to như ngón tay cái, đứng nép dưới chiếc lá của cành muồng non phía chái hồi. Chiếc đầu hình tam giác tí hon, cứ nghiêng ngó nhìn cặp sáo đang vùng vẫy, nhởn nhơ trong hạnh phúc lứa đôi. Chẳng hiểu nó có chạnh lòng nghĩ đến cảnh đơn côi một chiếc của nó; hay nó cũng buông lơi tâm tư để hòa nhịp, hưởng ứng cái hạnh phúc của đời? Thân nó đứng không yên, cứ lắc lư như bà vãi lên đồng.
Tôi hơi bàng hoàng, khi thoáng nhìn thấy một bàn tay gầy nhăn nheo, đang từ phía sau gốc cây muồng cụt, thò ra chộp nghiến lấy chú bọ ngựa, làm rung rinh cành muồng còn đẫm nước. Ồ, bác Chánh, mắt bác vậy mà còn tinh gớm!
Hai con sáo bay vụt lên, đậu tít trên ngọn cây bằng lăng phía cổng khu thủ công. Chúng quay lại chí chóe nhìn bác Chánh đang mang con bọ ngựa về phía đống lửa đun nước, đang cháy hừng hực của toán. Chúng cứ chí chóe mãi, chẳng hiểu chúng trách oán ông Chánh đã phá bĩnh cuộc vui tắm mưa của chúng hay chúng mừng đã nhanh chân chạy thoát ông thần người?
Chỉ còn 5 ngày nữa là đã Tết. Sáng nay, nhân dịp mưa, anh Lân và Đinh Khắc Sản theo toán hai và ba ra lán, rồi được lệnh trở về họp ở trại.
Buổi chiều, anh Lân về phổ biến lại cho toàn buồng gồm cả toán hai và toán ba vì anh Lân là buồng trưởng, thi đua, trật tự, do ban giáo dục, cán bộ trực trại và cán bộ toán nhà bếp chủ tọa. Họp suốt gần ba tiếng đồng hồ, cuối cùng được công bố như sau:
1/ Trại viên sẽ chính thức được nghỉ hai ngày, mồng Một và mồng Hai. Ngày mồng Ba Tết, toàn trại sẽ ra quân, nỗ lực thi đua vượt mức kế hoạch vụ Đông Xuân, lấy thành tích chào mừng ngày thành lập Đảng Lao Động vinh quang 3 tháng 2.
2/ Năm nay, do sự cố gắng lao động sản xuất, hăng say với khí thế một người làm việc bằng hai của toàn thể trại viên, nên đã vượt kế hoạch ấn định của trại. Ban giám thị quyết định, cho trại viên ăn Tết 4 bữa chính, cơm không độn. Một bữa chiều Ba Mươi Tết, sáng, chiều mồng Một và bữa cuối cùng vào sáng mồng Hai. Từ chiếu mồng Hai mọi sự trở lại bình thường.
3/ Hiện nay trại ta có nuôi được hai con lợn, một con 40 kg, một con 25 kg, ban giám thị quyết định cho giết cả để phục vụ trong bốn bữa Tết. Như vậy, kể cả nhân để gói bánh chưng, bình quân mỗi đầu người được hưởng 2 lạng 1 thịt lợn hơi (tính cả xương xẩu, lông lá, phèo lòng và phân của lợn nữa). Mỗi trại viên được một bánh chưng 2 lạng rưỡi gạo (luộc chín sẽ thành hơn 4 lạng). Đặc biệt, trại chính phân phối cho trại ta 50 kg, vừa cải bắp vừa chou-fleur (súp lơ), một tạ khoai tây.
4/ Toán hai, chịu trách nhiệm trang trí và vẽ khẩu hiệu trong toàn trại, và làm một bộ quân cờ lớn cho toàn trại viên vui Xuân.
5/ Về bình bầu thi đua giữa các toán, có 4 toán được là xuất sắc đó là:
Toán 1 nhà bếp.
Toán lâm sản.
Toán 2 mộc, thủ công.
Toán 3 xẻ, thủ công.
Đây là do trại bình bầu, còn quyết định tối hậu do ban giám thị điều nghiên, duyệt xét sẽ công bố sau.
Khi anh Lân phát biểu xong, toàn buồng vỗ tay râm ran, đôm đốp như pháo. Mặt ai cũng tươi roi rói; già, trẻ ai cũng vỗ tay thật nhiệt tình. Thấy mọi người vỗ, thì tôi cũng vỗ hết khả năng, mặc dù tôi cũng chưa hiểu hết trọn vẹn ý nghĩa, đến nỗi vỗ xong, đau cả tay. Chờ cho Vân vỗ tay xong, tôi hỏi ngay:
- Buồng hôm nay vui thế?
Vân nói mà nỗi vui còn phè ra nét mặt:
- Gấp đôi năm ngoái, còn gì nữa mà không vui. Năm ngoái chỉ có hai bữa thôi, mà còn không có chou-fleur nữa.
Thấy bầu không khí trong buồng cứ vui như Tết, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: từ ngày tôi lên trại, hàng ngày mặt người nào cũng đăm đăm, mang nhiều u uất, nặng nề. Thế mà chỉ hai lạng thịt hơi, hãy còn trong hứa hẹn, đã làm tan biến cái màn u ám, đen tối, khổ đau; nhường chỗ cho những tiếng cười, tiếng nói thoải mái, không còn một chút ngập ngừng. Thế mới biết cái uy lực ghê gớm của vật chất, nếu biết dùng đúng chỗ và đúng lúc.
Hôm nay ngày 27 tháng củ mật (tháng Chạp), chỉ còn 3 ngày nữa là đã Tết rồi. Toán lâm sản chịu trách nhiệm lấy lá giong để gói bánh chưng, nên họ đã phân công 2 người vào rừng ngay từ sáng sớm hôm nay rồi. Ngoài ra, mỗi toán chọn lựa 2 người “đứng đắn” (có nghĩa là quá trình chưa bị những lem nhem, táy máy về ăn uống) xuống bếp gói bánh chưng và phụ với nhà bếp.
Mới có 2 ngày từ lúc tuyên bố – chưa có bánh chưng, chưa có thịt và chưa có cả Tết nữa, mà buổi tối ở các tổ, các toán sinh hoạt. Đã có nhiều người tố cáo, phát hiện anh này định bán bánh chưng với giá 2 đồng. Anh kia đã đặt tiền mua suất thịt ngày mồng 1, mồng 2 hoặc cả bốn bữa ăn của người khác rồi. Lung tung liên quan đến rất nhiều người. Để tối nay, các toán trưởng được lệnh của ban giám thị tuyên bố trước.
Nếu trong ngày Tết, cán bộ biết hay bắt được anh nào mua bán đổi chác dưới bất cứ hình thức nào về ăn uống sẽ bị tịch thu. Cả người bán lẫn người mua đều bị đi kỷ luật và không được ăn Tết.
Tôi hiểu rằng: có những người cả năm không có một hơi hướng về miếng thịt, cũng thèm lắm chứ. Nhất là những người dân tộc, hoặc những anh đã kém khả năng xoay sở, lại không có gia đình tiếp tế. Họ cũng thèm ăn lắm; nhưng có thể nhiều thứ khác trong cuộc sống đối với họ còn cần thiết hơn. Như xà phòng, thuốc lào, tem giấy viết thư v.v…chẳng hạn. Họ đành nhịn, họ chỉ cần có cái ăn sao cho không chết, nên họ mới bán cái thứ quý báu mà hằng năm mới có này.
Ngay như tôi, nếu không sợ bị anh em tố giác, tôi cũng sẽ đổi chiếc bánh chưng hay 1 suất thịt để lấy miếng xà phòng con. Mỗi lần tắm về mùa Đông, nước quá lạnh tôi chỉ cần xát một tí lên đầu gội, hoặc để cọ xát cái bàn chải đánh răng mỗi buổi sáng một tí cho có bọt. Như thế chỉ hy sinh một suất thịt mà có thể dùng được 5 – 6 tháng. Hoặc nếu đổi thuốc lào, một chiếc bánh chưng trị giá những 2 đồng. Thuốc lào, giá chính thức ngoài xã hội là hai hào một gói. Nhưng giá trong trại là 5 hào, thì cũng được 4 gói. Hút dè cũng được 2 tháng rưỡi hay 3 tháng.
Chiều tối cũng như nhiều những buổi chiều khác. Nếu làm nhanh công việc riêng như ăn uống, rửa ráy thì thường thường ai cũng có khoảng 15 hay 20 phút thong dong trước khi kẻng vào buồng. 15 hay 20 phút này, vào những hôm trời không mưa, hoặc không quá lạnh. Chỗ tụ tập đông nhất ở ngoài sân là phía đầu nhà hội trường. Nơi có những cây sào nứa làm dàn để phơi quần áo.
Họ ra đây một phần là để cho thoáng khí, trao đổi những câu chuyện rông rài lúc lao động sản xuất của một ngày. Phần khác, mà có lẽ là phần chính yếu, họ ra đấy để thưởng thức những món ăn ngon lành mà đời họ không còn có được. Mấy hôm đầu thì tôi còn lạ, còn ngơ ngác, chứ bây giờ quen rồi. Bởi vậy, sau khi rửa bát xong khi Toàn nhắc tôi:
- Chốc nữa ra “ăn hơi” chứ anh Bình?
Tôi đã vừa cười vừa gật đầu đồng ý ngay. Của trời cho trại E, tại sao không hưởng? Cho hồn ngây ngất, cho lòng đê mê! Khi tôi và Toàn ra tới nơi, thì đã có hơn một chục người rồi. Chỉ không có toán nhà bếp thôi, chứ toán nào cũng có. Chỗ thì 2 người đứng nói chuyện nhỏ to ra vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Nhưng rất nhiều người chỉ đứng một mình thẩn thơ trầm ngâm. Mắt họ lơ đãng nhìn những ngọn nứa đang ngắc ngư phía bên ngoài bờ rào trại như những triết gia đang bận tâm tìm một lối thoát cho thế nhân đồng loại. Lại có người ngồi ghệ trên viên gạch, hay hòn đá con. Họ cũng cúi đầu đăm chiêu như đang để hết tâm hồn trên một hướng đi cho mình và cho dân tộc.
Có gì đâu, chỉ vì phía bên kia hàng rào là nhà bếp của cơ quan. Cứ đến cái giờ chết tiệt này là họ xào, họ nấu, họ nướng đủ thứ. Mùi hành, tỏi, mùi mỡ, mùi cá chiên, mùi thịt nướng theo gió, nó rót vào trại E. Có những buổi chiều, mũi nhiều anh đã phải cong lên, mặt đần ra, mắt lờ đờ chỉ vì những cái hương vị chết người đó, ở phía bên nhà bếp cơ quan bay sang. Bởi thế, nhiều người ra đây để tranh thủ 15 hay 20 phút. Có khi hẹn hò như tôi với Toàn, có khi không, nhưng cùng một chí lớn nên đều tụ về một điểm này để ăn…hơi. Mà khoa học thực nghiệm đã cho tôi biết: cái gì ăn tưởng tượng thường lại đẹp hơn cái mình đã có trong tay. Mà nhớ nó cũng thật lâu.
Sau này dù đi trại nào, hay ở đâu, tôi vẫn nhớ nhiều về trại E hơn, chỉ vì cái món ăn “hơi” tuyệt cú mèo này.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen