Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Van Quyen
Upload bìa: khoa tran
Số chương: 130
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 98
òn hai tiếng nữa thì chuyến tàu hành khách có Nekhliudov sẽ khởi hành. Thoạt tiên, chàng định tranh thủ trong thời gian đó đi gặp chị gái, nhưng sau những ấn tượng buổi sáng, chàng cảm thấy bị kích động và mệt mỏi quá đến nỗi khi ngồi xuống chiếc ghế tràng kỷ nhỏ trong quán ăn hành khách hạng nhất, chàng bỗng thấy buồn ngủ quá, liền xoay người sang một bên và ngủ thiếp ngay đi, má tì vào lòng bàn tay.
Một anh hầu bàn quần áo tề chỉnh, đeo huy hiệu, ở tay vắt một chiếc khăn ăn, đánh thức Nekhliudov dậy.
- Thưa ngài, có phải ngài là công tước Nekhliudov không? Có một bà tìm ngài.
Nekhliudov bừng tỉnh dậy và dụi mắt; nhớ lại xem mình đang ở đâu, và những sự việc xảy ra sáng nay.
Trong ký ức chàng diễn ra đoàn tù nhân: những xác chết, những toa xe với những chiếc cửa sổ chấn song sắt và những người đàn bà bị nhốt ở trong; một người đau đẻ không có ai giúp đỡ, còn một người nữa thì mỉm cười chua chát với chàng, từ phía sau hàng chấn song sắt.
Nhưng thực tế trước mắt chàng lại là một cảnh tượng khác hẳn: một cái bàn đầy những chai, những bình, những đài cắm nến, những bộ đồ ăn và xung quanh là những anh hầu bàn đi lại nhanh nhẹn; ở cuối phòng, trước một cái tủ quẩy đầy những đĩa hoa quả và chai lọ là người bán hàng và lưng những hành khách đứng đợi.
Khi Nekhliudov đã ngồi dậy và dần dần tỉnh lại, chàng nhận thấy tất cả những người có mặt ở đấy đang tò mò theo dõi một cái gì xảy ra và thấy một toán người đang kiệu một bà ngồi trong một chiếc ghế bành, đầu trùm một tấm khăn "voan" mỏng. Người đầy tớ kiệu đi trước, nhìn mặt. Nekhliudov thấy có vẻ quen quen. Người kiệu đi sau là một anh gác cửa đội mũ lưỡi trai có băng dải vàng, cũng quen mặt. Theo sau kiệu là chị hầu phòng tóc uốn xoăn, mình bận chiếc tạp dề xinh xinh, tay mang một cái gói nhỏ, một vật gì tròn tròn để trong một cái bao da và mấy chiếc dù. Sau đến công tước Korsagin môi dày, cổ béo núc ních, bộ ngực ưỡn ra, đầu đội mũ lưỡi trai kiểu du lịch. Và cuối cùng đến cô Mitxi và người anh họ cô tên là Misa, cùng nhà ngoại giao Oxten, cổ cò hương, lộ hầu, lúc nào cũng vui tính mà Nekhliudov quen biết. Anh ta vừa đi vừa nói một câu chuyện gì nghiêm trang nhưng rõ ràng vẫn vừa bông lơn với cô Mitxi luôn mỉm cười. Sau rốt là lão bác sĩ, vừa đi vừa hút lấy hút để một điếu thuốc lá.
Gia đình Korsagin rời ấp của họ ở vùng ngoại ô Moskva để đến ấp người chị ruột bà Công tước, trên con đường đi Nizni. Đám những người kiệu ghế, chị hầu phòng và lão bác sĩ đi vào trong phòng đợi của phụ nữ; thấy họ vào tất cả mọi người ở đấy tỏ vẻ chú ý và kính nể. Còn lão công tước vừa ngồi vào bàn là gọi ngay hầu bàn, sai lấy cho mình một cái gì đó. Mitxi và Oxten cũng dừng lại ở phòng quán ăn; họ đang sắp sửa ngồi xuống thì thấy từ ngoài cửa đi vào một người quen, họ liền ra đón. Người đó là Natalia Ivanovna, có Agrafena Petrovna đi theo.
Natalia vừa đi vào vừa nhìn xung quanh. Hầu như cùng một lúc, nàng nhìn thấy cả Mitxi và cậu em trai. Thoạt tiên, nàng lại gần người thiếu nữ, đồng thời gật đầu làm hiệu với em. Ôm hôn Mitxi xong, nàng liền nói với Nekhliudov:
- Gớm, mãi bây giờ chị mới tìm thấy cậu.
Nekhliudov đứng dậy chào Mitxi, Misa và Oxten và chuyện trò với họ vài câu. Mitxi kể cho chàng nghe chuyện vì ngôi nhà ở nông thôn bị cháy, nên gia đình nàng phải dọn đến ở nhà bà dì. Nhân câu chuyện ấy, Oxten kể một câu chuyện cháy nhà ngộ nghĩnh, Nekhliudov không nghe hắn kể, quay sang phía chị, nói:
- Chị đến, em mừng quá!
- Chị đã đến từ lâu, có cả bà Agrafena Petrovna cùng đi. Nàng vừa nói vừa chỉ về phía bà Petrovna; bà nầy đầu đội mũ, mình mặc áo đi mưa, vẻ dịu dàng, trân trọng, e lệ từ xa chào vọng lại, không muốn lại gần để khỏi phiền chàng. - Bà ấy và chị, cả hai tìm cậu khắp nơi.
- Thế mà em thì lại ngủ chợp đi ở đây. Chị đến, thật em mừng quá! - Chàng nhắc lại. - Em đã bắt đầu viết cho chị một bức thư.
- Thế à? Nàng nói, vẻ sợ hãi. - Về vấn đề gì thế cậu?
Thấy hai chị em Nekhliudov sắp bắt đầu nói với nhau về chuyện riêng. Mitxi và mấy người bạn trai của cô liền đi ra chỗ khác. Nekhliudov cùng với chị ngồi xuống bên cửa sổ, trên một cái ghế tràng kỷ bọc nhung, trên ghế, ngay bên cạnh, có một tấm mền đi đường, một chiếc hộp giấy và đồ đạc của một người nào đó.
Chiều hôm qua, sau khi từ biệt anh chị, em đã định trở lại xin lỗi, nhưng em không biết anh ấy sẽ cho là thế nào; em đã hơi quá lời với anh, điều đó làm em ân hận mãi.
- Chị biết lắm, chị tin là cậu chẳng muốn… Cậu cũng biết rõ…
Nước mắt rưng rưng, nàng đặt tay vào tay em. Câu nói của nàng tuy không rõ, nhưng Nekhliudov cũng hiểu và rất cảm động về ý nghĩa của nó. Ý nàng muốn nói là tuy nàng hết lòng yêu chồng, nhưng tình nghĩa chị em, nàng vẫn coi là quan trọng và quý giá, và mỗi điều xích mích giữa chồng và em đều làm cho nàng hết sức đau lòng.
- Cảm ơn chị, cảm ơn chị… Ôi! Giá chị được mục kích những cảnh tượng mà em đã trông thấy trong ngày hôm nay, - chàng nói vì bỗng nhớ đến người tù bị chết thứ hai.
- Hai người tù đã bị giết chết!
- Bị giết chết thế nào hả cậu?
- Vâng, bị giết chết! Người ta dẫn họ đi đang lúc trời nóng bức thế nầy, nên hai người đã bị cảm nắng mà chết.
- Không thể thế được! Thế nào, ngày hôm nay à? Vừa mới đây thôi à?
- Đúng, vừa mới đây thôi. Em đã trông thấy xác họ.
- Nhưng tại sao mà người ta lại giết họ? Ai đã giết? - Natalia Ivanovna nói.
- Những người đã bắt họ phải đi đã giết họ chứ ai - Nekhliudov bực tức trả lời, chàng cảm thấy nàng nhìn nhận việc nầy y như chồng vậy.
- Ôi lạy Chúa tôi? Bà Agrafena Petrovna đã đứng lại gần, kêu lên.
- Phải, chúng ta đã không biết một tí gì về người ta đã hành hạ những người bất hạnh ấy, thế mà, chúng ta có nhiệm vụ phải biết những cái đó! - Nekhliudov vừa nói thêm vừa nhìn lão công tước Korsagin ngồi trước một đĩa hoa quả, cổ buộc một cái khăn; và cùng lúc đó, ngẩng đầu lên lão nhìn thấy Nekhliudov.
- Nekhliudov! - Lão gọi to. Anh có muốn uống một chút gì giải nhiệt không? Đi đường xa mà uống một chút thì tốt lắm.
Nekhliudov từ chối và quay mặt đi.
- Nhưng cậu định làm gì bây giờ? - Natalia Ivanovna hỏi tiếp.
- Làm cái gì em có thể làm được. Hiện nay em cũng chưa biết là cái gì, nhưng em cảm thấy cần phải làm một cái gì đấy. Và em sẽ làm việc gì em có thể làm được.
- Phải, phải, chị hiểu. Nhưng với họ? - Nàng mỉm cười đồng thời đưa mắt về phía gia đình Korsagin. - Có thật mọi việc đã chấm dứt rồi không?
- Dứt hẳn rồi, em nghĩ cả hai bên đều không có gì để luyến tiếc.
- Thật là đáng tiếc. Chị tiếc lắm. Chị rất mến cô ta. Thôi, hãy cứ cho là như vậy, nhưng vì lẽ gì cậu lại muốn tự trói buộc mình lại? Cậu đi làm gì? - Nàng rụt rè hỏi thêm.
- Em đi vì đó là bổn phận của em, - Nekhliudov nói, giọng trang nghiêm và lạnh nhạt như muốn chấm dứt câu chuyện.
Nhưng chàng lại hối hận ngay về sự lạnh nhạt của mình. "Tại sao ta không nói với chị ta tất cả những điều ta nghĩ? Và để cho cả Agrafena Petrovna nghe nữa?"
Chàng vừa tự nhủ vừa nhìn bà hầu phòng già nua. Sự có mặt của bà Agrafena Petrovna càng thôi thúc hơn nữa chàng nói ra điều quyết tâm của mình với người chị ruột.
- Chị muốn nói đến việc em định cưới Katiusa phải không? Chị thấy đấy, em đã quyết định lấy, nhưng cô ta dứt khoát khăng khăng một mực chối từ, - chàng nói, giọng run lên như mỗi lần nói tới điều đó. - Cô ta không muốn nhận sự hy sinh của em, mà muốn chính mình lại hy sinh; trong hoàn cảnh của cô ta hiện nay thì hy sinh như vậy là hy sinh rất lớn. Em không thể nào nhận sự hy sinh đó nếu nó chỉ là do xúc động nhất thời. Và bây giờ em đi theo cô ta; cô ta ở đâu em sẽ ở đấy và đem hết sức mình ra làm cho số phận cô ta bớt đau khổ.
Natalia không nói gì. Agrafena Petrovna lắc đầu và nhìn nàng, vẻ dò hỏi.
Giữa lúc đó, từ phòng đợi của phụ nữ, toán người lúc nãy lại đi ra. Vẫn Filip, anh đầy tớ điển trai, cùng người gác cửa, hai người kiệu bà công tước Korsagin. Thấy Nekhliudov, bà ta đỗ kiệu, vẫy chàng lại gần vừa chìa bàn tay ra vừa lo lắng chờ đợi một cái bắt tay quá mạnh.
- Thật kinh khủng? - Bà ta muốn nói về trời nóng nực. - Tôi không chịu nổi! Cái khí hậu nầy nó giết tôi mất?
Khi đã nói xong về những cái khủng khiếp của khí hậu nước Nga và mời Nekhliudov đến nhà chơi, bà ra hiệu cho hai người kiệu bà đi.
- Nhớ thế nào cũng lại đằng tôi chơi nhé! - Đi được một quãng rồi, bà ta còn ngoái cái gương mặt dài thưỡn lại nói với Nekhliudov.
Chàng ra sân ga. Đám người kiệu bà công tước rẽ về bên tay phải, đi về phía những toa hạng nhất. Nekhliudov cùng một người phu vác hành lý cho mình và Taratx lưng đeo tay nải, rẽ về bên tay trái.
- Đây là người bạn đường của em, - Nekhliudov chỉ vào Taratx, nói với chị, trước đây chàng đã có dịp nói với chị về anh chàng nầy.
- Sao kia? Cậu đi toa hạng ba à? - Natalia Ivanovna hỏi khi thấy Nekhliudov dừng lại trước một toa xe hạng ba, và người phu vác hành lý cùng với Taratx trèo lên xe.
- Vâng, đi thế nầy em thích hơn, em đi cùng với Taratx, - chàng nói. - À còn một việc nầy nữa, - chàng nói thêm. - Cho tới nay, ruộng đất ở Kuzminxkoie em chưa trao hẳn cho nông dân; như vậy, trường hợp em chết đi, các cháu sẽ là người thừa kế.
- Dmitri, cậu đừng nói thế!
- Nếu em có đem chỗ ruộng đất ấy cho đi, thì em chỉ có thể nói một điều là, tất cả chỗ tài sản còn lại sẽ về phần các cháu, vì không chắc gì em lấy vợ, mà nếu có lấy nữa thì cũng sẽ không có con. Cho nên…
- Dmitri, chị van cậu, đừng nói với chị như thế! - Natalia nói.
Tuy nhiên, Nekhliudov nhận thấy nghe chàng nói thế, nàng rất mừng.
Ở phía đầu đoàn tàu, cạnh đám toa hạng nhất chỉ còn mấy người vẫn đứng ngắm toa xe trong có bà công tước Korsagin.
Hầu hết các hành khách đã ngồi yên chỗ, chỉ còn một vài người đến chậm đang chạy vội, gót chân giẫm sầm sầm trên những tấm ván sàn sân ga; nhân viên hoả xa đóng cửa các toa xe lại, yêu cầu tất cả hành khách lên tàu và người ra tiễn đi về. Nekhliudov vào trong toa xe nóng bức và hôi hám, nhưng lập tức lại ra ngay ngoài sân cỏ, chỗ toa nối nhau.
Natalia Ivanovna, đầu đội chiếc mũ hợp thời trang, mình khoác áo choàng ngắn, cùng với bà Agrafena Petrovna đứng đối diện toa xe. Nàng hẳn đang cố tìm một câu chuyện gì để nói với em, nhưng không tìm ra.
Ngay cả cái câu "Viết thư nhé" nàng cũng không nói được nữa, vì từ xưa, hai chị em vẫn chế giễu cái câu cổ truyền người ta thường dùng khi chia tay đó.
Mấy lời ngắn ngủi trao đổi với nhau về những vấn đề tiền bạc và gia tài phút chốc đã phá tan mối tình chị em thật là âu yếm vẫn có từ trước giữa hai người; bây giờ đối với nhau họ cảm thấy hững hờ xa lạ. Cho nên Natalia Ivanovna mừng thầm khi đoàn tàu chuyển bánh, nàng chỉ gật gật đầu vẻ mặt buồn rầu, thương cảm: "Chúc cậu đi mạnh khỏe nhé, cậu Dmitri!".
Nhưng đoàn tàu vừa chuyển qua, nàng đã nghĩ ngay tới cách thuật lại thế nào với chồng câu chuyện vừa nói với em trai; vẻ mặt nàng lúc nầy nom nghiêm trang, tư lự.
Nekhliudov cũng vậy, dù rằng từ trước, đối với chị chàng chỉ có những tình cảm hết sức thân thiết và không giấu chị một điều gì, giờ đây, chàng cũng thấy bứt rứt nặng nề và mong muốn chóng đi xa chị. Chàng cảm thấy người chị Natalia thân thiết xưa kia, nay không còn nữa; chỉ còn có một nô tỳ của một anh chàng khả ố, da ngăm ngăm đen, người đầy lông lá, xa lạ đối với chàng. Chàng đã nhận thấy rõ ngay như thế khi trông thấy gương mặt bà chị tươi hẳn lên lúc nghe chàng bắt đầu nói về cái điều chồng nàng đang quan tâm, tức là về việc đem ruộng đất cho nông dân và việc thừa hưởng gia tài.
Và điều đó làm cho chàng rất buồn.
Phục Sinh Phục Sinh - Lev Tolstoy Phục Sinh