Số lần đọc/download: 5284 / 206
Cập nhật: 2020-04-04 20:29:26 +0700
E6. The Disappearance Of Lady Frances Carfax 1911 (Quý Bà Mất Tích)
Đ
úng kiểu Thổ phải không? – Holmes bất chợt hỏi trong khi nhìn chằm chằm vào đôi giày bốt của tôi.
Tôi đang chống một cây gậy, và tôi nghĩ là nó đã thu hút ý nghĩ của anh ấy.
- Đồ Anh đó chứ! – Tôi hơi ngạc nhiên – Tôi mua nó ở tiệm Latimer, phố Oxford
Holmes mỉm cười, với một vẻ kiên nhẫn mệt mỏi.
- Ý tôi nói là cái nhà tắm hơi kiểu Thổ! Tại sao anh lại đến đó, vừa đắt vừa không thoải mái bằng nghỉ ngơi ở nhà.
- À, mấy hôm trước tôi cảm thấy hơi bị nhức mỏi. Tắm hơi kiểu Thổ, theo y học, sẽ là một cuộc vệ sinh toàn diện nhất. Mà Holmes này! Tôi không nghi ngờ gì về mối liên hệ logic giữa đôi giầy bốt với các nhà tắm Thổ, nhưng anh có thể nói rõ và chi tiết hơn được không?
- Bài học về suy luận anh cũng đã biết rồi mà – Holmes nói, với một chút giễu cợt trong ánh mắt – Tôi sẽ minh họa cho anh thấy rõ hơn nếu anh liên tưởng đến việc anh đi bằng chiếc xe ngựa nào lúc sáng nay.
- Tôi không thích anh minh họa. Anh có thể giải thích được không – Tôi bắt đầu cáu.
- Bravo, Watson! Một lời khuyên rất logic. Rồi, đầu tiên tôi biết được gì. Trước hết là chiếc xe ngựa. Anh có để ý là trên tay và vai áo choàng bên trái của anh có vệt nước bị bắn lên không? Nếu anh ngồi giữa chiếc xe ngựa thì sẽ không bị điều này! Rõ ràng là anh ngồi một bên! Và điều đó có nghĩa là có người ngồi cạnh anh.
- Điều đó hiển nhiên.
- Nhìn chung, không có điều gì vô lý.
- Nhưng còn đôi giầy ống và cái nhà tắm?
- Cũng dễ như ăn kẹo. Anh có thói quen đi giày theo một cách nhất định. Tuy nhiên tôi nhìn thấy cách buộc giày không giống với cách thường làm của anh. Anh đoán ra điều gì rồi chứ? Có người buộc giày cho anh. Chỉ có thể là thợ đóng giày hoặc chú nhóc phục vụ ở nhà tắm. Nhưng không thể là thợ đóng giày trong khi đôi giày anh gần như mới nguyên. Như vậy chỉ còn lại cái nhà tắm. Có điều gì vô lý không? Nhưng, cho tất cả cái đó, cái nhà tắm Thổ đã phục vụ một mục đích khác.
- Ý anh nói
- Anh nói là anh làm vậy vì anh cần một sự thay đổi. Cho phép tôi gợi ý rằng anh một ý nhé. Tại sao ở Lausanne làm thế, Watson thân mến? Những vé hạng nhất và những chi tiêu hoang phí?
- Sự sang trọng! Nhưng sao?
Holmes tựa lưng vào ghế và rút sổ tay ra.
- Một trong các hiểm nguy lớn trong xã hội là người đàn bà cô đơn đi du lịch. Bà phiêu bạt từ nơi này sang nơi khác, sống tại khách sạn hoặc tại các nhà trọ tư nhân. Bà giống như một chú gà con đi lạc giữa bầy chồn cáo. Khi bị nhốt rồi thì ít ai hay biết. Đó là trường hợp mà tôi nghi là đã xảy ra cho quý bà Frances Carfax.
- Đó là bà nào vậy? - Tôi hỏi.
- Quý bà Frances, là người duy nhất còn sống của gia đình cố hầu tước De Rufton. Bà được thừa kế nhiều của cải gồm đồ nữ trang Tây Ban Nha rất xưa bằng bạc hoặc bằng kim cương mài rất khéo. Những kim cương mà bà gắn bó đến nỗi không chịu gửi cho ngân hàng, trái lại bà mang theo mình đi khắp thế giới.
- Chuyện gì đã xảy đến cho bà vậy?
- À, chuyện gì ư. Bà còn sống hay đã chết. Đó là bài toán của chúng ta. Bà có những thói quen đều đặn. Từ 4 năm nay, cứ 15 ngày là viết thư cho bà Dobney, người quản gia già ở Camberwell. Chính bà Dobney đến gặp tôi. Gần 5 tuần rồi, chả có tin tức gì của bà ta cả. Bức thư cuối cùng được viết từ khách sạn National ở Lausanne. Hình như vị mệnh phụ kia rời khách sạn mà không để lại địa chỉ. Gia đình giàu có này đang rất lo lắng và những số tiền vô cùng lớn lao được đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta để làm sáng tỏ vấn đề.
- Bà Dobney có phải là nguồn tin tức độc nhất hay không. Quý bà Frances chắc chắn còn có những người nhận thư khác?
- Chỉ có một người nhận thư độc nhất, đó là ngân hàng. Các sổ chi phiếu của họ là những nhật ký gọn gàng. Ngân hàng của bà ấy là ngân hàng Sylvester. Tôi có kiểm tra lại tài khoản của bà. Cái chi phiếu áp chót bà ký để thanh toán ở Lausanne. Kể từ đấy, bà chỉ ký thêm một chi phiếu.
- Ký cho ai và ký từ đâu?
- Cho cô Marie Devine, nhưng không thấy ghi nơi ký. Tiền được ghi tại ngân hàng Credit Lyonnais ở Montpellier cách nay chưa tới ba tuần. Đó là một chi phiếu 50 bảng Anh..
- Marie Devine là ai?
- Người hầu của bà ta. Chúng ta hiện chưa biết tại sao cô ta được chi phiếu này? Tuy nhiên các sự tra cứu của anh chắc chắn sẽ làm sáng tỏ cái bí mật này.
- Sự tra cứu của tôi?
- Anh biết rằng, tôi chưa thể rời London khi mà lão già Abrahams vẫn còn sống trong kinh hoàng. Lại nữa, cơ quan Scotland Yard sẽ cảm thấy bị bỏ rơi nếu tôi đi vắng và sự vắng mặt của tôi sẽ làm cho giới sát nhân cựa quậy. Vậy là anh Watson, anh phải đi, và nếu cần hỏi ý kiến của tôi thì tôi sẵn sàng trả lời, dù ngày hay đêm. Tôi chỉ lấy giá rẻ là 2 penny cho một lời khuyên.
Hai ngày sau, tôi tới khách sạn National ở Lausanne. Nơi đây tôi được ông Moser đón tiếp nồng hậu. Vị giám đốc này cho tôi biết quý bà Frances ở tại khách sạn nhiều tuần lễ và được nhiều người ái mộ. Bà vẫn đẹp, có thể lúc còn trẻ, bà là một hoa khôi. Ông Moser không biết gì về số nữ trang của bà. Nhưng các nhân viên thì có để ý tới cái rương nặng trịch trong phòng của bà luôn được khóa kỹ. Cô hầu Marie Devine cũng được yêu mến như bà chủ. Cô ấy vừa hứa hôn với một nam bồi phòng tại khách sạn nên tôi xin địa chỉ của cô dễ dàng. Cô ngụ tại số 2 Rue de Trajan, tỉnh Montpellier của Pháp. Tôi ghi chép kỹ lưỡng và tự hào rằng dù cho Holmes có ở đây anh cũng không thu lượm tin tức nhiều hơn.
Còn một điểm vẫn mù mờ. Tôi không thu lượm được chi tiết nào giải thích sự ra đi đột ngột của bà mệnh phụ ở Lausanne, bà rất sung sướng. Mọi người tin rằng bà sẽ ở lại suốt mùa này trong căn hộ xa hoa, ngó ra hồ. Bà ra đi vào một ngày đẹp trời, không hề báo trước, bỏ hẳn một tuần lễ tiền khách sạn. Jules Vibart, vị hôn phu của cô hầu là người độc nhất đưa ra một giả thiết. Anh cho rằng sự ra đi đột ngột này có liên hệ với sự thăm viếng trước đó một hay hai ngày của một anh chàng to con, râu quai nón đen
- Một thằng mọi! Một thằng mọi thật sự - Jules Vibart nói với tôi. - Ông ta ở đâu đó trong thành phố. Người ta thấy y nói chuyện một cách say đắm với bà mệnh phụ trong một cuộc đi dạo trên hồ, rồi y có đến khách sạn. Bà ấy từ chối gặp y.
Đó là một người Anh, không ai biết tên. Ngay sau đó mệnh phụ dọn nhà. Vị hôn thê của Jules Vibart cũng chú ý đến mối tương quan giữa cuộc viếng thăm và sự dọn nhà. Jules Vibart không đưa ra được cái động cơ khiến Marie bỏ bà chủ. Nếu muốn biết, tôi phải đi Montpellier hỏi ngay cô ta.
Chương đầu các điều tra của tôi kết thúc như thế.
Tôi dành chương hai cho nơi mà quý bà Frances Carfax, sau khi rời Lausanne. Trong chiều hướng này, tôi vấp phải một bí ẩn. Nếu bà ta giấu lộ trình, tại sao hành lý được ghi rõ ràng là đi Baden? Và cả bà lẫn hành lý cũng đi tới cái thành phố nước khoáng này, theo một lộ trình rất ngoằn ngoèo. Tôi được biết điều này qua ông giám đốc công ty du lịch địa phương. Do đó tôi lên đường đi Baden sau khi gửi cho Holmes một bản tường trình. Tôi đã nhận một hồi âm ca ngợi đượm mùi hài hước.
Tại Baden, tôi tìm ra vết tích của bà không khó lắm. Bà ta ở khoảng 15 ngày tại Englischer Hof. Trong khi lưu ngụ tại đó, bà làm quen với ông bà tiến sĩ Shlessinger: đó là một gia đình truyền giáo từ Nam Mỹ về. Giống như nhiều người đàn bà cô đơn khác, người đàn bà này tìm quên nỗi buồn trong tôn giáo. Nhân cách của tiến sĩ, lòng mộ đạo và sự tận tụy của ông, cộng với việc ông đang tĩnh dưỡng sau một cơn bệnh mà ông vướng phải trong khi đi truyền đạo, tạo ra một cảm giác rất tốt đẹp nơi bà. Theo tường thuật của giám đốc khách sạn thì sáng nào ông cũng ngồi phơi nắng trên ghế dài ngoài hàng hiên mỗi bên một người đàn bà canh chừng.
Sau khi bình phục, ông cùng vợ lên đường đi London và quý bà Frances Carfax cũng rời khách sạn để đi theo họ. Chuyện đó xảy ra cách đây ba tuần và kể từ đó, ông giám đốc không có tin tức gì nữa. Về phần cô nữ hầu, cô đã ra đi vài ngày trước, khóc như cha chết và báo cho các nữ bồi phòng khác rằng cô rời bà chủ một cách vĩnh viễn. Trước khi cô đi, tiến sĩ Shlessinger đã thanh toán tiền lương cho toàn nhóm.
Đã kết luận, ông giám đốc còn tiết lộ rằng ông không phải là người duy nhất lo lắng cho số phận của quý bà Frances Carfax.
- Cách đây khoảng một tuần, có một người khác tới đây hỏi tôi những câu hỏi tương tự.
- Ông ấy có tiết lộ danh tánh không? - Tôi hỏi.
- Không. Nhưng tôi biết là người Anh, một người Anh hơi khác thường.
- Một thằng mọi, phải không? Tôi vừa nói vừa ra dấu theo cách thức của ông bạn nổi tiếng của tôi.
- Đúng thế. Đó là cái từ rất tương xứng với y. Ông hãy tưởng tượng một con người đồ sộ, râu ria xồm xoàm, da đồng. Đúng ra, y nên ngụ tại một quán trọ đồng quê hơn là tại một khách sạn danh tiếng. Một người cứng cáp và hung hãn. Một người mà tôi không bao giờ dám dậm chân.
Bí mật dần dà lộ rõ từng đường nét, y hệt một dáng đi từ từ thoát ra khỏi sương mù, một người đàn bà mộ đạo bị săn đuổi bởi một anh chàng ma quái và kiên gan. Bà ấy sợ y, bằng không thì bà đâu có trốn khỏi Lausanne. Y đã đuổi theo bà ta. Chóng chầy cũng đuổi kịp. Kịp rồi chưa? Có có phải là lý do khiến bà im bặt. Các người khổ ải tháp tùng bà có khả năng che chở bà khỏi sự hung bạo của thằng mọi thô lỗ? Ý đồ gớm ghiếc nào làm động lực cho cuộc săn lùng này? Đó là bài toán tôi phải giải đáp.
Tôi viết thư cho Holmes, thông báo sự nhanh chóng và nghiêm túc mà tôi đã vận dụng để đi vào cội rễ của nội vụ. Đáp lại tôi nhận được một lá thư bảo tôi mổ xẻ lỗ tai trái của tiến sĩ Shlessinger. Holmes có tật hay pha trò, đôi khi lố bịch, nên tôi không bận tâm với cái trò giễu cợt sai chỗ này. Nói cho đúng, khi tôi vừa đến Montpellier và đang đi tìm cô hầu Marie thì thư của Holmes đến nơi.
Tìm lại và khai thác cô này là không khó đối với tôi. Là một người tận tình, cô gái này chỉ rời chủ sau khi biết chắc rằng chủ không có gì nguy hiểm và cũng vì gần ngày lấy chồng. Cô tâm sự rằng chủ của cô có tỏ ra cáu kỉnh với cô lúc ở Baden. Có lần cô đã hỏi bà chủ xem có ngờ vực sự lương thiện của mình không. Chính sự việc này góp phần làm dễ dàng sự chia tay. Mệnh phụ Frances có cho cô 50 bảng Anh làm quà đám cưới
- Tôi nghi ngờ kẻ vô danh kia đã khiến bà chủ tôi bỏ Lausanne qua Baden. Chính tôi thấy y nắm cổ tay của bà chủ tôi một cách lộ liễu trong cuộc du ngoạn trên hồ. Y có vẻ hung hãn, dữ tợn.
Cô còn cho rằng vì sợ y mà mệnh phụ Frances phải tháp tùng theo vợ chồng tiến sĩ Shlessinger qua London. Không bao giờ bà tiết lộ tí gì với cô cả. Tuy nhiên qua nhiều dấu hiệu, cô hầu biết rằng bà chủ mình đang sống trong tình trạng sợ hãi. Nói tới đó, cô đột ngột đứng dậy, khuôn mặt bấn loạn vì ngạc nhiên và sợ hãi.
- Nhìn kìa! - Cô kêu lên - Thằng khốn đang đi săn mồi. Nó là người mà tôi vừa nói đến.
Qua cửa sổ của phòng khách nhỏ, tôi thấy một người cao lớn, râu đen ưỡn ra trước, chầm chậm đi xuôi theo đường phố, mắt nhìn các số nhà. Rõ ràng, y đang tìm cô hầu. Tôi nhảy bổ ra và kè y ngay.
- Ông là người Anh?
- Thí dụ là thế đi. - Y gầm gừ.
- Tôi có thể biết được quí danh?
- Không được?
Tôi cụt hứng, nhưng vẫn dõng dạc hỏi:
- Bà Frances Carfax hiện ở đâu?
Y trố mắt nhìn tôi, hỏi lại:
- Ông đã làm gì bà ấy? Tại sao ông săn đuổi bà ấy. Tôi yêu cầu được trả lời.
Anh ta gào thét lên vì giận dữ rồi vồ lấy tôi. Tôi đấm đá không tệ, nhưng y mình đồng da sắt, lại hung hăng như cọp. Y thộp cổ tôi và tôi sắp ngã thì một công dân Pháp râu ria lởm chởm trong đồng phục xanh, từ quán rượu chạy ra, tay cầm cây gậy ngắn, đập mạnh vào cánh tay trước của hung thủ. Y buông tôi ra, đứng im nhìn tôi trừng trừng và muốn vồ lấy tôi một lần nữa. Thình lình y cười chế nhạo, bỏ tôi lại và đi vào cái biệt thự tôi vừa chạy ra. Tôi quay lại, cám ơn người cứu mạng đứng cạnh tôi trên lề đường.
- Nào, Watson! - Người này nói - Anh quậy rối bời, làm ơn quay về London với tôi bằng chuyến tốc hành đêm nay.
Một giờ sau, Sherlock Holmes với trang phục thường nhật ngồi trong phòng khách sạn của tôi. Anh giải thích cho tôi sự có mặt bất ngờ và đúng lúc của anh. Anh rời London, hóa trang thành công nhân, ngồi trong quán rượu chờ tôi.
- Anh Watson, anh đã tiến hành một cuộc điều tra lớp lang một cách kỳ diệu. Tôi không thấy anh có một sơ hở nào cả. Tuy nhiên, tất cả hoạt động của anh có thể được tóm tắt như vầy: anh đã báo động tứ tung để chẳng kiếm ra được cái gì cả.
- Có thể anh đã hơn tôi? - Bị chạm tự ái, tôi đáp.
- Không phải “có thể” mà là “chắc chắn”. Đây là bá tước Philip Green, một đồng hương và hiện đang ngụ cùng một khách sạn với anh. Chính ở ông, tôi chờ đợi một khởi điểm cho một cuộc điều tra tốt hơn.
Trong một cái mâm nhỏ, một bản đồ được trình lên cho chúng tôi. Người mang mâm là nhân vật râu ria xồm xoàm mới đánh tôi ngoài đường. Ông này nhảy dựng lên khi thấy tôi.
- Nghĩa là sao, ông Holmes. Nhận được lời nhắn của ông, tôi tới đây ngay. Nội vụ có gì hên quan tới cái ông này?
- Tôi xin giới thiệu cùng ông, người bạn cố tri và cộng tác viên của tôi, bác sĩ Watson, đã tiếp tay với chúng ta trong vụ này.
Người lạ đưa bàn tay đồ sộ, sạm nắng và thốt ra vài lời xin lỗi.
- Tôi hy vọng đã không làm ông bị thương. Khi nghe ông cáo buộc tôi quấy phá bà ấy, tôi điên tiết, lúc đó tôi không tự chủ được. Thôi, điều trước tiên tôi muốn rõ là vì sao ông biết được sự dính líu của tôi.
- Tôi có tiếp xúc với bà nữ quản gia của mệnh phụ.
- Bà lão Susan Dobney đội cái mũ nhỏ? Tôi nhớ rõ lắm!
- Bà ấy nhớ ra ông trong những ngày xa xưa đầy thú vị, lúc ông chưa đi Nam Phi.
- À, vậy là ông hiểu câu chuyện của tôi. Tôi không còn phải che giấu ông điều gì. Tôi thề với ông, ông Holmes à, trên đời này chưa có người đàn ông nào thương một người đàn bà hơn mối tình tôi dành cho Frances. Lúc đó tôi là một thằng mọi con, tôi biết. Nhưng tôi không tệ hơn nhiều đứa cùng tuổi. Nhưng cô ấy có tâm trí thuần khiết như tuyết, nên khi cô biết vài tội lỗi của tôi lúc thiếu thời, cô không muốn nói chuyện với tôi nữa. Tuy vậy cô ấy thương tôi: đó là cái kỳ diệu? Cô thương tôi đủ để cô mãi mãi sống độc thân. Thời gian sau, khi tôi đã làm nên sự nghiệp tại Barbeton, tôi đi tìm lại cô ta và năn nỉ. Tôi được biết cô chưa lấy chồng. Tôi gặp cô ta tại Lausanne và cố gắng thuyết phục. Con tim cô ấy đã hơi xiêu lòng, nhưng ý chí của cô vẫn sắt đá. Khi tôi muốn gặp cô trở lại thì cô đã rời bỏ thành phố. Tôi tới Baden và biết được rằng cô hầu của cô ấy ở lại Montpellier này. Tôi thô bạo vì tôi sinh trưởng trong một môi trường thô bạo, nên khi nghe bác sĩ Watson hỏi tôi không tự kiềm chế được. Nhưng vui lòng cho tôi biết Frances đã ra sao rồi?
- Phải đoán mò thôi - Sherlock Holmes đáp - Về London, ông ngụ tại đâu, thưa ông Green?
- Tại khách sạn Langham.
- Vậy tôi đề nghị ông quay về London và hãy sẵn sàng đón nhận mọi tình huống. Tôi không dám nuôi những hy vọng hão huyền, nhưng ông nên vững tin rằng, tất cả những gì có thể làm được sẽ được làm cho bà mệnh phụ. Hiện giờ tôi không thể nói gì hơn. Watson chuẩn bị va-li đi. Tôi đã điện cho bà Hudson để sẵn đĩa nhỏ, đĩa lớn, chuẩn bị đón hai lữ khách đói khát sẽ về đến vào sáng mai, lúc 7 giờ 30.
Một điện tín chờ chúng tôi tại đường Baker. Sau khi đọc xong, Holmes trao cho tôi. Nó chỉ có mấy chứ:
“Bị răng cưa hay rách. Xuất xứ từ Baden”.
- Nội dung gì lạ vậy?
- Có lẽ anh còn nhớ câu hỏi của tôi về cái lỗ tai trái của nhà truyền giáo. Anh đâu có trả lời
- Tôi đã rời Baden, làm sao dò hỏi được?
- Đúng thôi. Chính vì lẽ đó mà tôi đặt câu hỏi với viên giám đốc khách sạn Englischer Hof và được trả lời như thế.
- Nó báo việc gì?
- Nó cho biết rằng chúng ta đang đương đầu với một anh chàng xảo quyệt và nguy hiểm. Tu sĩ, tiến sĩ Shlessinger, nhà truyền đạo tại Nam Mỹ, tên thật của hắn là Holy Peters, một trong các thằng ăn cướp táng tận lương tâm nhất mà đất Australia đã sinh ra... Biệt tài của hắn là dụ dỗ các cô, các bà cô đơn bằng... tín ngưỡng. Vợ của hắn là một người Anh tên Fraser. Bọn họ nồi nào úp vung nấy. Hắn có cái tai dị hình do bị cắn trong một cuộc ẩu đả vì rượu. Như vậy thì mệnh phụ đáng thương đã lọt vào tay cặp vợ chồng yêu quái này.
- Chết cũng là một giả thuyết!
- Nếu bà ấy chưa chết, thì chắc chắn bị nhốt kỹ đến nỗi không thể viết thư cho bà Dobney hoặc cho các bạn bè khác. Có thể bà ấy chả bao giờ đến London?
- Có thể bà ấy chỉ đi ngang qua thôi. Chúng hiểu rằng một người ngoại quốc như chúng khó bịp được cảnh sát Anh. Nhưng cũng có thể bọn này biết rõ rằng London là nơi tốt nhất để nhốt một ai đó! Bản năng của tôi bảo tôi rằng bà ấy ở London. Cho tới giờ này, vì chưa có phương cách để biết rõ địa điểm, chúng ta đành phải chờ. Đêm nay tôi sẽ đi một vòng và thông báo cho ông bạn Lestrade hay.
Nhưng cả cảnh sát lẫn nhóm của Holmes cũng không đủ sức làm sáng tỏ sự bí ẩn. Giữa mấy triệu người dân London thì việc kiếm ba người đó chẳng khác nào mò kim đáy biển. Thử nhắn tin trên báo: vô hiệu? Theo đuổi chẳng đi tới đâu. Canh chừng các sào huyệt của giới sát nhân: vô ích.
Nhưng một tuần sau, ánh sáng đã lóe lên. Một món nữ trang bằng bạc và một vài viên kim cương kiểu cổ ở Tây Ban Nha được đem đến cầm thế tại đường Westminster. Người đem cầm, theo người ta trình bày với chúng tôi, có dáng cao, to, cạo râu nhẵn nhụi, ra vẻ là nhà tu. Tên và địa chỉ y cho, chắc chắn là giả. Người ta không để ý đến cái lỗ tai, đại để thì sự mô tả tương ứng với các đặc điểm của Shlessinger.
Lúc 3 giờ, người bạn râu quai nón xồm xoàm ngụ tại khách sạn Langham lại tới thăm để lấy tin: đó là lần thứ ba trong một giờ sau khi có chỉ dẫn mới. Ông ta tiều tụy vì âu lo.
- Phải chi tôi được giao phó một nhiệm vụ gì đó? - Ông ta cứ than thở liên tục như thế.
Cuối cùng Holmes xoa dịu:
- Nó đã đi cầm nữ trang, chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ chộp được thôi?
- Điều đó có nghĩa là Frances chả có gì nguy hại, phải không.
Holmes nghiêm túc lắc đầu:
- Nếu chúng nhốt bà ấy từ hôm đó đến nay, thì đương nhiên chúng không thể thả bà ấy ra. Tàn đời chúng còn gì! Do đó chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận sự tệ hại nhất.
- Tôi có thể làm gì?
- Chúng quen mặt ông không?
- Không.
- Có thể nó sẽ lại ra hiệu cầm đồ. Trong trường hợp đó, chúng ta lại bắt đầu làm việc. Hơn nữa, tại hiệu cầm đồ cũ, người ta không tò mò, hỏi han gì, nên nếu nó thiếu tiền, nó sẽ quay lại đó. Tôi sẽ giới thiệu ông với hiệu này và họ sẽ để cho ông ở lại cửa hiệu của họ. Nếu con mồi dẫn xác đến, ông theo nó về nhà. Nhưng phải kín đáo và nhất là không được hung bạo. Tôi muốn ông lấy danh dự thề rằng sẽ không làm gì nếu chưa được phép của tôi.
Trong hai ngày, bá tước Philip Green (ông ta vốn là con của một vị đô đốc danh tiếng, người chỉ huy hạm đội biển Azof trong cuộc chiến Crimé) không mang tin tức gì về. Tối ngày thứ ba, ông chạy xồng xộc vào phòng khách của chúng tôi, mặt tái xanh, mọi bắp thịt trong cơ thể đồ sộ đều run rẩy.
- Có kết quả, có rồi.
Trong niềm phấn chấn, ông ấy nói năng không đầu đuôi. Holmes xoa dịu vài câu rồi mời ngồi vào ghế bành.
- Nào, vui lòng truyền đạt tin tức cho chúng tôi theo thứ tự hẳn hoi.
- Bà vợ đến, cách đây chưa đầy nửa giờ. Lần này là bà vợ, nhưng cái đồ đeo ở cổ đem đi cầm, lần này cũng giống cái trước. Bà ấy cao lớn, tái xanh, với đôi mắt láu lỉnh.
- Đúng là con mẹ ấy.
- Nó rời cửa hiệu, tôi đi theo. Nó ngược phố Kenstington, vào một cửa hiệu mai táng?
- Rồi sao nữa? - Holmes hỏi với tiếng nói run run.
- Con mụ ấy đang nói chuyện với người đàn bà ngồi sau bàn giấy thì tôi bước vào. “Muộn rồi đó”, tôi nghe con quỷ cái nói đại loại. như thế. Người đàn bà trong cửa hiệu năn nỉ: “Ông ấy sẽ về kịp. Chút nữa thôi ông ấy có xin thêm thời gian, bởi vì đây là cái kiểu rất đặc biệt”. Cả hai mụ đều ngừng nói và nhìn tôi. Tôi giả vờ hỏi giá cả này nọ rồi cáo từ.
- Tốt lắm, rồi sao nữa?
- Mụ ấy cũng đi, tôi ẩn nấp sau một cái cổng. Tôi nghĩ rằng mụ ta có ngờ vực nên mụ có nhìn quanh, rồi lên xe ngựa. May mắn là tôi cũng gọi được một cái xe để đuổi theo. Mụ ấy xuống tại số 3 quảng trường Poultney. Tôi núp vào một góc và nhìn kỹ căn nhà.
- Có thấy ai không?
- Cửa sổ không được thắp sáng, trừ một cái ở tầng dưới. Bức mành được kéo xuống, do đó tôi chả thấy gì bên trong. Tôi đứng đó, chưa biết phải làm gì thì một xe thùng có phủ mui ngừng lại; bên trong có hai người. Họ leo xuống, khiêng một cái hòm ra khỏi xe, leo lên bực thềm.
- Con mụ vợ mở cửa. Tôi đứng không xa lắm. Mụ thấy tôi và tôi tin rằng mụ ấy nhận ra tôi. Tôi thấy mụ ta giật mình rồi lật đật đóng cửa lại. Tôi nhớ lời đã hứa với ông, nên trở về báo cáo.
- Nhiệm vụ của ông hoàn thành mỹ mãn. - Holmes nói và nguệch ngoạc vài chữ trên một tờ giấy. - Chúng ta không thể làm gì nếu không có trát tòa. Ông phục vụ chính nghĩa của chúng ta bằng cách mang giấy này tới nhà cầm quyền và xin trát tòa. Sẽ có khó khăn đó! Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự bán nữ trang là cũng đủ bằng cớ, Lestrade sẽ lo chi tiết.
- Nhưng trong khi chờ đợi, chúng có thể giết cô ấy. Cái hòm nghĩa là thế nào? Mua cho ai? Nếu không phải là cho bà ấy?
- Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Ông bạn, chúng ta không để mất một giây phút nào. Hãy tin cậy nơi chúng tôi.
- Giờ đây, Watson à! - Holmes nói, sau khi người khách hàng của chúng tôi xuống cầu thang. - Ta vận dụng lực lượng chính qui. Phần chúng ta, như thường lệ là những người không chính qui, thi hành chương trình hành động riêng. Tình huống ngặt nghèo đến nỗi chúng ta phải sử dụng những biện pháp liều lĩnh. Đi mau đến quảng trường Poultney.
Trong lúc xe ngựa chạy nhanh dọc tòa nhà Quốc hội rồi vượt cầu Westminster, Holmes ôn lại sự nối tiếp của các sự kiện.
- Bọn cướp này lường gạt người đàn bà khốn khổ này, đưa về London sau khi thuyết phục bà ấy cho cô bồi phòng nghỉ việc. Nếu bà ấy có viết thư thì thư bị giữ lại. Qua trung gian của một đồng phạm, chúng mua một cái nhà có đồ đạc. Tới nơi, chúng cầm tù mệnh phụ và đoạt lấy nữ trang. Chúng đã bắt đầu bán và cho là an toàn vì tin rằng có ai mà để ý tới số phận của bà ấy! Nếu chúng thả bà ra, bà sẽ tố cáo chúng. Vậy là phải nhốt bà ấy. Vì không thể nào nhốt mãi mãi được, nên phải giết chết.
- Rõ ràng là vậy.
- Tuy nhiên, hãy lý luận hướng khác. Giờ đây chúng ta không khởi đầu từ người đàn bà mà từ cái hòm. Màn này chứng tỏ rằng, người đàn bà bất hạnh đã chết. Nó cho thấy một đám ma hợp lệ, có giấy phép chôn đàng hoàng. Trong trường hợp chúng đã giết mệnh phụ, chúng đã vùi xác đâu đó ngoài vườn. Đằng này tất cả đều hợp lệ, công khai. Tại sao? Chắc chắn là tại vì chúng đã làm bà ấy chết một cách có thể gạt pháp lý, có lẽ thuốc độc. Nhưng chúng không khờ dại để một y sĩ tới gần bà ta, trừ khi đó là một tòng phạm.
- Giả thuyết này khó tin lắm?
- Chúng làm giấy giả được không?
- Nguy hiểm cho chúng lắm. Không, tôi không tưởng tượng chuyện đó bao giờ. Dừng lại, bác xà ích! Đây là cửa hiệu mai táng, vì chúng ta vừa đi qua tiệm cầm đồ. Anh vào đi, Watson. Dáng dấp anh gây tin tưởng hơn. Hỏi xem mấy giờ ngày mai thì động quan.
Bà chủ nhà đáp mau mắn là 8 giờ ngày mai.
- Thấy không, Watson. Đâu có gì bí hiểm! Sáng như ban ngày! Họ không sợ gì cả. Tôi không thấy có giải pháp nào hay hơn là tấn công ngay. Anh có vũ khí không?
- Một cây gậy!
- Chả sao, chúng ta đủ sức mạnh mà. Kẻ có chính nghĩa mạnh gấp ba. - Holmes nói. - Chúng ta không thể chờ cảnh sát. Bác xà ích, cho chúng tôi xuống. Bây giờ chúng ta cũng thử thời vận như đã từng làm đôi lần trong quá khứ.
Anh giật chuông tại cửa ngôi nhà lớn tăm tối. Cửa mở liền. Một người đàn bà cao lớn và tái xanh xuất hiện dưới ánh sáng yếu ớt của hành lang.
- Các ông cần gì? - Mụ nói cộc lốc và nhìn kỹ chúng tôi trong bóng tối.
- Tôi muốn gặp tiến sĩ Shlessinger - Holmes đáp.
- Ở đây không có ai tên như vậy cả.
Mụ ấy đáp, định đóng cửa, nhưng Holmes đã lọt vào trong cái cửa hé mở.
- Tốt thôi. Vậy thì chúng tôi muốn nói chuyện với người đàn ông ngụ tại nhà này, dù y mang tên giả nào đi nữa. - Holmes nói một cách cương quyết.
Mụ ấy lưỡng lự rồi mở toang cửa
- Mời vào! Trên đời này, chồng tôi chả sợ ai cả.
Mụ ta ra đóng cửa lại và đưa chúng tôi vào một xa-lông nhỏ bên trái, mụ ta vặn thêm gas cho đèn sáng trước khi vào nhà trong.
- Chút nữa, ông ấy sẽ ra. - Mụ ta nói.
Chúng tôi vừa mới nhìn quanh cái căn phòng bụi bặm bị mối đục thì cửa mở, đưa vào một người đàn ông cao lớn, đầu sói, không râu. Khuôn mặt đồ sộ, hơi đỏ, má phệ và một vẻ nhân từ giả trá, ông ta nói giọng nhợt nhạt:
- Quí vị lầm rồi. Tôi tin chắc rằng người ta đã chỉ đường sai. Đề nghị quí vị xuống sân, chút nữa...
- Đủ rồi, chúng tôi không có thời gian - Holmes cắt ngang - Anh là Henry Peters, nguyên quán ở Adélaide, gần đây thì mang tên tiến sĩ Shlessinger, nguyên quán ở Baden và Nam Mỹ. Tôi chắc chắn về điều này như 1 với 1 là 2.
Peters nhảy dựng lên, nhìn cay độc vào mặt chúng tôi.
- Ông không là gì cả đối với tôi, ông Holmes à. Ông tới nhà tôi làm gì vậy?
- Tôi muốn biết ông đã làm gì mệnh phụ Frances Carfax, người rời Saden cùng với vợ chồng ông.
- Tôi cũng muốn được ông cho biết bà này hiện ở đâu - Peters vẫn lạnh lùng nói. - Bà nợ tôi 100 bảng và để trả nợ, bà để lại cho tôi hai món nữ trang mạo hóa mà con buôn không thèm nhìn. Bà ấy quyến luyến vợ tôi khi chúng tôi ở Baden... Đúng là lúc đó tôi mang tên khác. Bà ấy bám sát theo chúng tôi qua đây. Tôi đã thanh toán giùm tiền khách sạn và chi phí này nọ. Qua tới đây, bà ấy biến đâu mất? Và như tôi đã nói, bà để lại cho chúng tôi hai món nữ trang vô giá trị để trừ nợ. Nếu ông tìm ra bà ta, tôi cũng sẽ thưởng tiền cho ông.
- Tôi muốn kiếm bà ấy - Sherlock Holmes nói: - Và tôi sẽ lục nát căn nhà này cho tới khi tìm ra bà ấy mới thôi.
- Trát tòa đâu
Holmes đưa khẩu súng lục ra.
- Tạm dùng trát này trong khi chờ cái khác tốt hơn.
- Thế à? Ông chỉ là một thằng ăn trộm trèo tường.
- Nếu ông muốn! - Holmes trả lời một cách vui vẻ - Bạn đồng hành của tôi cũng là một kẻ cướp nguy hiểm. Và cả hai chúng tôi sẽ viếng thăm nhà ông.
Người đối thoại của chúng tôi mở cửa la to:
- Đi kiếm một cảnh sát, Annie.
Có tiếng chân đàn bà chạy ngoài hành lang. Cửa cổng mở ra rồi đóng lại.
- Thời gian có hạn - Holmes nói với tôi. - Này Peters, nếu ông ngăn cản, ông sẽ gặp những rắc rối lớn. Cái hòm đâu rồi?
- Hỏi làm gì?
- Có một xác chết trong đó! Tôi muốn xem cái xác đó.
- Không bao giờ, nếu không được sự đồng ý của tôi.
- Vậy thì khỏi cần xin phép.
Bằng một cử động nhanh nhẹn, Holmes đẩy Peters qua bên và đi vào hành lang. Một cửa đang hé mở, chúng tôi bước vào, đó là phòng ăn. Holmes vặn gas để tăng thêm ánh sáng rồi giở nắp hòm. Dưới đáy hòm có một hình dạng người hốc hác, ánh sáng chiếu rọi một khuôn mặt già cỗi nhăn nheo. Không một sự tàn ác nào, không một bệnh nào có thể biến mệnh phụ Frances ra nông nỗi này. Mặt của Holmes bộc lộ sự ngạc nhiên, nhưng đồng thời cũng chắc chắn có một sự nhẹ nhõm.
- Cám ơn Chúa! - Anh nói thầm - Đây là người khác!
- Rõ ràng là ông lại lầm lạc nữa rồi, ông Holmes. – Peters đi theo chân chúng tôi và nói lớn
- Người chết này là ai?
- Là vú già của nhà tôi, tên là Rose Spender. Chúng tôi đưa bà cụ từ trạm xá nhà dưỡng lão Brixton về. Chúng tôi có mời bác sĩ Horsom ở số 13 Firbank Villas... Ghi địa chỉ này cho kỹ, ông Holmes nhé! Bà cụ được chăm sóc tận tình đúng theo lòng bác ái của Chúa. Ba ngày sau, bà cụ chết. Giấy cho chôn ghi là do già cỗi, nhưng đó chỉ là ý kiến của bác sĩ. Còn ông, đương nhiên ông biết nhiều hơn. Chúng tôi giao cho công ty mai táng Stimson đường Kenmington. Tám giờ sáng mai thì làm lễ. Có cái gì mờ ám đâu, ông Holmes? Ông hố lớn rồi. Phải chi chụp hình được cái bản mặt đáng tức cười của ông khi giở nắp hòm? Ông tưởng ông sẽ gặp quý bà Frances Carfax, nhưng ngược lại, ông chỉ thấy bà lão 90 tuổi.
Dưới những mũi tên của đối thủ, Holmes giữ được khuôn mặt điềm đạm, nhưng sự co bóp của hai bàn tay biểu lộ sự bồn chồn:
- Tôi sẽ lục soát nhà ông - Holmes nói.
- A, ông tưởng... - Chủ nhà kêu to trong lúc có tiếng nới đàn bà và những bước đi nặng nề vang dội ở ngoài hành lang. - Để coi! Đi lối này, quý ông! Hai người này dùng vũ lực vào nhà tôi và tôi đuổi không chịu đi. Xin giúp tôi đuổi họ ra.
Một đội trưởng và một nhân viên cảnh sát đang đứng ở ngưỡng cửa.
Holmes đưa tấm thiệp của mình ra.
- Đây là tên và địa chỉ của tôi. Còn đây là bạn thân của tôi, bác sĩ Watson.
- Chúng tôi biết ông nhiều. Tuy nhiên, hai vị không thể nán lại đây, nếu không có trát tòa.
- Đương nhiên tôi biết điều đó.
- Bắt ông ấy đi - Peters la to.
- Chúng tôi biết rõ nhiệm vụ của chúng tôi - Viên đội trưởng uy nghiêm nói. - Ông Holmes, ông phải rời khỏi nơi đây!
- Vâng.
Giây lát sau, chúng tôi đã ra tới đường. Holmes đã lấy lại sự bình tĩnh, nhưng tôi thì sôi sục vì giận và nhục. Viên đội trưởng tháp tùng chúng tôi.
- Rất tiếc, thưa ông Holmes. Đó là luật.
- Đúng thôi, ông đội. Ông không thể làm khác.
- Tôi tin ông có lý do vững vàng khi vào đó. Tôi có thể giúp gì cho ông?
- Một người đàn bà mất tích, ông thượng sĩ à! Chúng tôi tin bà ấy ở trong nhà đó. Tôi đang chờ trát, không lâu lắm đâu.
- Tôi sẽ đứng canh, ông Holmes à. Nếu có gì mờ ám, tôi không bỏ qua đâu.
Mới 9 giờ, chúng tôi bắt đầu cuộc săn đuổi. Trước tiên, chúng tôi thuê xe đến viện dưỡng lão Brixton, và được biết vài ngày trước đây có hai nhà từ tâm đến xin một bà lão đần độn có thể trước kia là tôi tớ của họ và được cho phép chở bà đi. Cái chết của bà này không làm cho ai ngạc nhiên cả.
Kế đó, chúng tôi qua nhà của y sĩ ông ta đã được mời đến, đã chứng kiến bà lão chết vì già cỗi; sau đó ông có khám tử thi và ký phép cho chôn. Holmes nói:
- Tôi đảm bảo với quý anh rằng tất cả đều một trăm phần trăm hợp lệ; không có cái gì mờ ám cả. Trong nhà không có gì khả nghi. Duy có một điều lạ là họ không túng thiếu mà họ lại không dám thuê gia nhân?
Sau rốt chúng tôi đi tới Scotland Yard. Có những khó khăn về thủ tục xin trát tòa. Không thể xin được chữ ký của quan tòa trước ngày mai.
Cái ngày hôm đó kết thúc như vậy, trừ một chuyện này: Khoảng 12 giờ đêm, viên thượng sĩ báo cho biết rằng ông có thấy đằng sau cửa sổ của cái nhà đáng nghi ngờ ấy một ánh lửa lập lòe đi qua lại, nhưng không ai ra vào cả. Chúng tôi chỉ biết phải nhẫn nại
Sherlock Holmes quá cáu kỉnh và bực dọc. Tôi đi ngủ, mặc anh ta kéo thuốc liên tục. Cặp chân mày rậm của anh đã nối liền nhau thành một đường thẳng. Mấy ngón tay dài nhạy cảm của anh gõ nhẹ trên tay ghế bành. Anh đang tìm tất cả các giải pháp có thể cho các bí ẩn. Nhiều lần trong đêm, tôi nghe bước chân anh đi qua lại trong căn hộ. Cuối cùng sau khi tôi thức dậy, anh nhảy bổ vào phòng tôi.
- Mấy giờ thì động quan. Tám giờ phải không? Bây giờ là 7 giờ 20 rồi. Watson à! Tôi đã sử dụng ra sao cái óc tí xíu mà trời ban cho! Nhanh lên, nhanh lên! Một vấn đề sống chết, và cơ may để chết là một trăm trên một. Nếu ta tới muộn, tôi sẽ không tha thứ cho tôi về chuyện đó.
Năm phút sau, chúng tôi ngồi trong xe ngựa. Mặc dù tài xế đánh ngựa tới tấp, khi đi ngang đồng hồ Big Ben, cây kim chỉ 8 giờ kém 25 và đổ vang 8 giờ khi chúng tôi xuống xe ở Brixton. Tuy nhiên mọi người cũng đều đi trễ. Lúc 8 giờ 10 xe tang còn đậu trước cổng nhà. Khi con ngựa sùi bọt mép của chúng tôi ngừng lại, ba người khiêng quan tài đã ra đến ngưỡng cửa. Holmes ào ào chạy tới trước mặt họ để cản đường.
- Lui lại. - Anh la lớn vào bọn đạo tì rồi đặt tay trên vai người gần nhất. - Đem quan tài trở vào nhà tức khắc?
- Ông muốn gì nữa? Tôi hỏi ông một lần nữa? Ông có trát tòa không? - Peters thét lên giận dữ.
- Trát trên đường đi tới đây, cái hòm này sẽ ở lại trong nhà cho tới khi có trát tòa tới.
Tiếng nói của Holmes đượm nồng quyền uy đến nỗi các đạo tì khựng lại. Peters lẩn trốn vào nhà. Họ tuân theo lệnh Holmes.
- Nhanh lên, Watson tuộc-nơ-vít đây - Holmes thét lên khi hòm được đặt trên bàn - Còn đây một cái tuộc-nơ-vít khác cho bạn. Thưởng một bảng nếu nắp được mở trong vòng một phút! Không ngập ngừng gì hết. Ra tay! Tốt! Một cái nữa! Một cái nữa. Cùng nhau kéo nó lên. Tốt. À, hay lắm.
Kết hợp sức mạnh, chúng tôi giở được nắp hòm. Từ trong bốc ra mùi thuốc mê nồng nặc. Một xác được trải dài, đầu bịt băng thấm nhựa thuốc phiện. Trong nhấp nháy, Holmes gỡ hết, để lộ một khuôn mặt cứng đơ của một người đàn bà đẹp, cỡ 40 tuổi. Anh lấy tay dựng đứng phần thân và duy trì nó ở thế ngồi.
- Bà ấy sống không, Watson. Còn tồn tại tia sinh lực nào không? Chúng ta đã đến quá trễ.
Trong nửa giờ, chúng tôi có cảm giác là trễ, do hiệu quả của thuốc mê hoặc do bị làm ngạt thở thật sự, mệnh phụ Frances có thể đã tới mức không còn hy vọng gì nữa. Cuối cùng nhờ hô hấp nhân tạo, chích ê-te và nhờ tất cả những gì mà khoa học có thể có. Một làn sương nhẹ trên kính và sự nhấp nháy của mi mắt báo cho chúng tôi biết rằng sự sống từ từ trở lại.
Một xe ngựa ngừng trước nhà. Holmes kéo sáo lên.
- Lestrade cầm trát tòa tới. - Holmes loan báo - Ông ấy sẽ kiếm bắt các con mồi đang lẩn trốn, và đây...
Những bước đi nặng nề ngoài hành lang.
- Và đây là một người có nhiều quyền hơn chúng ta, để chăm sóc mệnh phụ này. Kính chào ông Green. Tôi nghĩ rằng ta nên chở mệnh phụ đi nhà thương càng sớm càng tốt. Trong khi chờ đợi, bà lão vẫn có thể đi tiếp con đường tới nơi an nghỉ cuối cùng.
- Anh Watson, có lẽ anh nên ghi thêm câu chuyện này vào mớ hồ sơ của anh. Nó minh họa sự sơ sót tạm thời mà dù cái tâm trí quân bình nhất trên đời cũng mắc phải. Những sơ hở tương tự thường xảy ra cho mọi người. May mắn cho kẻ nhận ra kịp và kịp thời sửa chữa. Tôi có quyền kiêu hãnh về điều này. Đêm trước, tôi cứ thắc mắc rằng, đâu đó một chỉ dẫn, một câu nói lạ tai, một nhận xét kỳ dị đã đến với tôi nhưng tới đã gạt bỏ chúng. Rồi thình lình trong ánh sáng lờ mờ của buổi bình minh, các lời đó trở lại trong ký ức tôi. Đó là nhận xét của bà chủ cửa hàng mai táng, như Philip Green tường thuật lại.
“Bà ấy nói: - Ông ấy sẽ về đến ông ấy có xin thêm thời gian, bởi vì cái kiểu đặc biệt.”
Bà ấy nói về cái hòm, như vậy là kích thước vượt ra ngoài lệ thường. Tại sao? Thình lình tôi nhớ đến chiều sâu của nó và cái hình người bé nhỏ khô đét bên trong. Tại sao một cái hòm rộng mênh mông mà chỉ để chứa một cái xác tí tẹo, nếu không phải để chứa thêm một cái xác thứ hai? Hai xác sẽ được chôn với một giấy phép độc nhất. Rõ như ban ngày, thế mà đầu óc tôi rối mù?
Quả là một may mắn nhỏ nhoi nếu tìm ra bà ta trong tình trạng còn sống, nhưng cuối cùng quả có may thật. Theo tôi biết, mấy người đó không dám tự mình cầm dao cầm súng giết ai. Họ có thể chôn bà mệnh phụ mà không ai hay biết tí gì.
Anh Watson, anh có thể dựng lại quang cảnh một cách dễ dàng. Anh đã quan sát cái xó hãi hùng trên gác, nơi mà mệnh phụ bị nhốt lâu ngày? Họ cho bà ấy ngửi thuốc mê tối đó, đưa bà ấy xuống, cho thêm thuốc mê vào hòm để chắc chắn rằng bà không thể tỉnh lại, rồi vặn ốc cái nắp hòm. Mưu chước tinh vi thật? Một mưu chước mới mẻ trong lịch sử tội ác. Nếu cái nhà cựu truyền giáo này không bị Lestrade còng tay thì chắc chắn sau này ta sẽ nghe thêm những chiến tích kinh rợn hơn!