Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Chương 97
K
hi Nekhliudov ra tới ga thì tất cả đám tù đã ngồi trong những toa xe có cửa sổ chấn song sắt. Trên sân ga, có vài người đi tiễn, nhưng họ không được lại gần các toa xe. Đám lính áp giải từ lúc nầy đặc biệt bận rộn. Trên quãng đường từ nhà lao đến ga, ngoài hai người đàn ông mà Nekhliudov đã chứng kiến, còn có ba tù nhân nữa bị cảm nắng chết. Một người trong bọn họ đã được đưa vào đồn cảnh sát gần nhất như hai người tù trước, còn những người kia đã chết ngay ở ngoài ga(1). Bọn lính áp giải không hề bận tâm đến việc năm người tù dưới sự áp giải của họ đáng lẽ ra có thể sống được mà lại chết. Điều đó họ không lo; họ chỉ lo làm sao thi hành cho thật chu đáo, những quy định của pháp luật trong những trường hợp như vậy: giao người chết, giấy tờ và đồ đặc của họ đến chỗ có trách nhiệm, và gạch họ tên họ trong danh sách những tù nhân giải đi Nizni Novgorod những công việc đó làm rất chật vật nhất là vào những hôm trời nắng thế nầy.
Họ đang bấn vào những thủ tục ấy nên chừng nào công việc chưa xong thì họ không thể nào để cho Nekhliudov và những người khác tới gần các toa xe được.
Nhưng Nekhliudov đã cho tiền một tên hạ sĩ quan áp giải nên được lại gần ngay; tên nầy để cho chàng đi qua, nhưng yêu cầu nói chuyện thật nhanh nhanh rồi đi, đừng để cho viên sĩ quan phụ trách trông thấy.
Có tất cả mười tám xe, trừ một toa chở các nhà đương sự không kể, còn thì toa nào cũng chật ních những tù nhân. Đi dọc theo các cửa sổ toa xe, Nekhliudov lắng tai nghe: chỗ nào cũng chỉ thấy tiếng xích sắt, tiếng xô đẩy, ồn ào, xen lẫn những tiếng thô tục không tưởng tượng được tịnh không thấy ở đâu cỏ lấy một lời nói về những người bạn cùng đi đã gục chết ở dọc đường như ý chàng mong đợi. Trái lại, câu chuyện chỉ xoay quanh những vấn đề hành lý, nước uống và chọn chỗ ngồi. Ngó qua cửa sổ một toa, Nekhliudov trông thấy ở lối đi giữa toa có hai người lính đang tháo cùm cho tù. Những người nầy chìa tay ra: một người lính lấy chìa khoá mở khoá, gỡ cùm ra. Còn người kia thu lại số cùm.
Sau khi lướt qua hết mấy toa đàn ông, Nekhliudov đến đám toa đàn bà. Chàng nghe thấy ở trong toa thứ hai có tiếng rền rĩ đều đều, tiếp theo là một tiếng kêu rên: "Ối, ối, ối trời đất ơi!"
Nekhliudov không dừng lại, đi luôn và theo chỉ dẫn của một người lính, chàng lại gần toa thứ ba. Vừa mới đến bên cạnh một chiếc cửa sổ, chàng đã thấy một luồng hơi nóng nồng nặc mùi mồ hôi, từ trong xông ra, và nghe rõ thấy tiếng đàn bà léo nhéo. Trên chiếc ghế dài, ngồi chật những tù nhân mặc áo choàng với áo lót ngắn, mặt mày đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, họ đang chuyện trò ầm ĩ.
Gương mặt Nekhliudov tiến lại gần chấn song khiến họ chú ý. Những người ngồi gần nhất bèn im lặng, xô đẩy nhau lại phía chàng. Maxlova bận áo trắng, đầu để trần, ngồi ở phía cửa sổ đối diện bên kia. Cạnh nàng cô thiếu nữ trắng trẻo và tươi cười Fedoxia. Nhận ra Nekhliudov, cô ta lấy khuỷu tay hích Maxlova và chỉ cho nàng thấy.
Katiusa vội vã đứng dậy, choàng chiếc khăn lên mái tóc đen và vừa mỉm cười vừa bước lại gần cửa sổ, tay nắm lấy chấn song, mặt hớn hở ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi.
- Nóng ghê quá? - Nàng tươi cười sung sướng nói.
- Cô đã nhận được các thứ chưa?
- Đã, cảm ơn ông.
- Cô có cần gì nữa không? - Nekhliudov hỏi, chàng cảm thấy cái hơi hầm hập từ trong toa xe bốc ra nóng như hơi lửa.
- Tôi không cần gì nữa, xin cảm ơn ông.
- Giá mà được uống nước nhỉ? - Fedoxia nói.
- Ờ phải, giá được uống nước, - Maxlova nhắc lại.
- Thế người ta không cho các cô nước uống à.
- Họ có mang đến, nhưng uống hết cả rồi.
- Tôi sẽ hỏi xin người lính cho. Từ đây cho tới Nizni Novgorod, tôi sẽ không được gặp các cô nữa đâu.
- Vậy ông cũng đến đấy à? - Maxlova hỏi, làm như không biết việc đó, mắt nhìn chàng, vẻ sung sướng.
- Tôi đi chuyến tàu sau.
Maxlova không trả lời, chỉ sau đó một lát mới bật tiếng thở dài.
- Thưa ngài, có thật là có mười hai tù nhân bị hành hạ chết dọc đường không ạ? - Một bà lão vẻ người xấu xí hỏi, giọng nói thô kệch quê mùa. Đó là bà Korableva.
- Tôi không thấy nói là mười hai. Tôi trông thấy có hai. - Nekhliudov nói.
- Người ta bảo có mười hai người bị chết. Thế mà chúng nó không bị trừng trị gì cả, phải không? Ôi, lũ ác quỷ!
- Thế phụ nữ không ai bị ốm đau gì chứ? - Nekhliudov hỏi.
- Đàn bà chúng tôi vững hơn ạ, - một nữ tù nhân, người nhỏ nhắn, vừa cười vừa nói. - Chỉ có mỗi một chị nảy ra ý kiến muốn ở cữ thôi. Ông nghe chị ta kêu đấy? - Vừa nói thêm, người ấy vừa chỉ sang toa bên cạnh, từ đấy văng vẳng đưa ra những lời rên rỉ.
- Ông hỏi chúng tôi cần gì ư? - Maxlova vừa nói vừa cố nén một nụ cười vui vẻ, - Thế liệu có cách nào để người đàn bà đau đẻ ấy được phép ở lại không? Hay ông nói cho một lời với các nhà chức trách…
- Được tôi sẽ nói.
Còn việc nầy nữa, chị Fedoxia đây muốn gặp anh Taratx, chồng chị ấy có được không ạ? - Nàng vừa nói thêm vừa đưa mắt về phía Fedoxia. - Anh ta cùng đi với ông phải không?
- Thưa ngài, có lệnh cấm không ai được nói chuyện với tù nhân - Một viên hạ sĩ quan lại gần nói. Hắn không phải là tên đã ăn tiền để cho Nekhliudov lại gần tàu.
Chàng lui ra và tìm viên trưởng đoàn để nói hộ cho Taratx và người đàn bà đang giở dạ đẻ, nhưng mãi chẳng tìm thấy và hỏi thăm cũng không có tên lính nào trả lời.
Tất cả họ đang bấn lên: một số bận giải một người tù đàn ông đi đâu đó, mấy tên khác mải chạy đi mua thức ăn và xếp lại đồ đạc của chúng lên các toa xe, còn một số nữa thì mắc giúp đỡ một mụ đi cùng với tên sĩ quan, cho nên chúng có trả lời chàng cũng là miễn cưỡng.
Mãi sau hồi chuông hiệu(2) thứ hai cho tàu chạy, Nekhliudov mới trông thấy tên sĩ quan.
Hắn đang lấy cánh tay ngắn ngủi chùi bộ ria mép trùm kín cả mồm, và đang nhún vai quở mắng viên thượng sĩ về chuyện gì đó.
- Ông muốn cái gì? - Hắn hỏi Nekhliudov.
- Ở trong toa xe có một người đàn bà đang giở dạ đẻ. Tôi nghĩ nên…
- Ừ thì cứ để nó đẻ đi? Sau đó sẽ hay, - tên sĩ quan vừa nói vừa vung mạnh hai cánh tay ngắn ngủn, bước lên toa xe của hắn.
Đúng lúc đó thì viên xa trưởng đi qua, tay cầm còi.
Hồi chuông hiệu cuối cùng vang lên, tiếp theo là một tiếng còi. Trên sân ga, trong đám những người đi tiễn, và trong toa đàn bà, vang lên tiếng khóc lóc rền rĩ.
Nekhliudov đứng với Taratx trên sân ga nhìn những toa tầu có cửa sổ chấn song sắt với những chiếc đầu cạo trọc của tù khổ sai, nối tiếp nhau diễn ra trước mắt.
Rồi toa thứ nhất chở phụ nữ chuyển tới. Chàng nhìn thấy rõ những mái đầu tựa vào cửa sổ, người thì quấn tóc người bịt khăn vuông; rồi đến toa thứ hai, từ đó vẫn vọng ra những tiếng rên ri của người đàn bà đang giở dạ đẻ; cuối cùng đến toa trong đó có Maxlova.
Nàng đứng ở cửa sổ cùng với nhiều người khác và nhìn Nekhliudov, nàng mỉm cười chua xót.
Chú thích:
(1) Đầu năm 1880 ở Moskva có năm tù nhân chết vì cảm nắng một ngày trong chuyến đi từ nhà lao Butieki đến ga xe lửa Nizni Novgorod (Chú thích của tác giả).
(2) Hồi ấy ở nước Nga, tại ga đầu, thường thường 15 hay 20 phút trước khi tàu chạy có hồi chuông thứ nhất; trước 10 phút có hồi chuông thứ hai; ngay trước khi tàu chạy có hồi chuông thứ ba. Ở các ga trung tâm thì khoảng cách giữa hai lần chuông báo có ngắn hơn ít nhiều. (Theo bản dịch Hoa văn)