A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 120
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 95: Năm Nhà Hay Mấy Nhà
ể giúp đỡ cho nhà nông tại sao không tập hợp các loại nhà khác lại? Đó là ý tưởng nằm đằng sau những cố gắng kết hợp nhà nông với nhà quản lý, nhà khoa học và sau đó là với nhà ngân hàng và nhà doanh nghiệp. Mô hình năm nhà bắt đầu được nói tới như một cách làm hay. Tuy nhiên, công bằng mà nói, sau những lần được các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ, các nhà nói trên vẫn đang chủ yếu ai ở nhà người ấy. Có thể, do nhu cầu thực tế ở một số nơi các nhà này đã được kết hợp lại với nhau. Nhưng trong đa số các trường hợp, sự cấy ghép nhân tạo đã không tạo ra được một mô hình cộng sinh lành mạnh.
Trước hết, mối quan hệ được xây dựng trên sự hào hiệp là rất tốt đẹp, nhưng mối quan hệ được xây dựng trên lợi ích mới thật sự lâu bền. Giúp cho nhà nông thì hào hiệp, nhưng không lâu bền. Làm ăn với nhà nông thì không hào hiệp bằng nhưng lâu bền hơn. Trong bốn nhà kia ai có thể làm ăn được với nhà nông?
Nhà quản lý, có lẽ, là nhà có ít cơ hội nhất. Tuy nhiên, nhà quản lý phải phục vụ nhà nông theo một cơ chế khác. Đó là chế độ trách nhiệm. Mọi nhà quản lý thì đều ăn lương từ tiền thuế. Mà thuế là tiền của dân. Phục vụ những người đóng thuế để nuôi mình, trong đó có nông dân là lý do tồn tại của công quyền và của nhà quản lý. Tuy nhiên, toàn bộ rủi ro nằm ở chỗ: không phải nhà quản lý nào cũng thấy được bản chất giản dị đó của mối quan hệ với dân. Vì vậy, để nhà quản lý gắn bó chặt chẽ với nhà nông, điều quan trọng là phải xác lập được chế độ trách nhiệm của nhà này trước dân, hoặc chí ít là trước cơ quan đại diện cho dân.
Nhà khoa học có cơ hội làm ăn với nhà nông, nhưng không có sức ép lớn phải làm ăn với nhà nông (ngoại trừ sức ép của lương tâm). Lý do rất đơn giản: Nhà nông thì phải tự nuôi mình; nhà khoa học thì được Nhà nước nuôi là chính. Ít nhất thì thu nhập của các nhà này không phụ thuộc gì nhiều lắm vào việc có hợp tác được với nhà nông hay không. Nếu Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học bằng cách như thế nào đó để nhà nông có được tiếng nói của mình thì sự gắn bó giữa hai nhà sẽ được xác lập dễ dàng hơn. Ngược lại, đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo sáng kiến của nhà quản lý, thậm chí của nhà khoa học, thì kết quả không khéo chỉ làm vừa lòng các hội đồng nghiệm thu, chứ chưa chắc đã vừa lòng các nhà nông.
Xét về bản chất, nhà khoa học chỉ có thể hợp tác với nhà nông bằng cách chuyển giao tri thức và công nghệ. Đây là những thứ mà không phải nhà nông nào cũng sẵn sàng mua và có điều kiện để mua. Không mua thì có thể cho không. Nhưng cho không thì không phải là làm ăn với nhau và không thể lâu dài. Ngoài ra, các nhà khoa học sẽ cho không được bao lâu? Suy cho cùng, nếu sự cho không xảy ra thì đó là sự cho không từ ngân sách của Nhà nước được chuyển đi lòng vòng mà thôi. Vì nhà khoa học vẫn cần phải sống và phải có kinh phí để tiếp tục nghiên cứu. Như vậy, giữa nhà khoa học và nhà nông cần phải có một sự kết nối trung
gian nào đó hơn là mối quan hệ trực tiếp. Phải chăng đó chính là nhà kinh doanh.
Nhà ngân hàng và nhà kinh doanh đều có thể làm ăn với nhà nông. Việc phân chia giữa nhà ngân hàng với nhà kinh doanh chỉ là tương đối. Có nhà ngân hàng nào lại không phải là một nhà kinh doanh? Nhà ngân hàng cung cấp vốn cho nhà nông vì có thể thu lãi từ hoạt động này. Nhà kinh doanh cũng tìm thấy ở nhà nông những cơ hội làm ăn. Và đây chính là động lực thúc đẩy hợp tác và xây dựng mối quan hệ lâu dài. Thực chất, khi các nhà kinh doanh nhận biết cơ hội làm ăn với nhà nông, thì họ sẽ tìm mọi cách để huy động vốn, tri thức, công nghệ, năng lực tiếp thị... nếu sự huy động này là cần thiết. Như vậy, với sự điều phối của nhà kinh doanh nhiều nhà các loại sẽ được huy động vào cuộc. Thật vậy, nếu công cuộc làm ăn đòi hỏi phải phối hợp cả nhà kiến trúc, nhà thiết kế, nhà tiếp thị nữa thì tại sao lại chỉ năm nhà?!
Như vậy, phối hợp quá nhiều nhà thì chưa chắc đã bằng tạo điều kiện cho một nhà. Đó là nhà kinh doanh. Tuy nhiên, để nhà kinh doanh vào cuộc, nhà nông cũng sẽ phải học cách làm ăn hiện đại và tôn trọng chữ tín. Nếu đã ký hợp đồng mà nhà nông vẫn hành xử theo cách giá thấp thì bàn giao sản phẩm, giá cao thì bán ra thị trường, mọi nhà kinh doanh sẽ nhìn thấy trong việc làm ăn này rủi ro nhiều hơn là cơ hội. Mối quan hệ làm ăn như vậy là không thể lâu dài.
Những Nghịch Lý Của Thời Gian Những Nghịch Lý Của Thời Gian - Nguyễn Sĩ Dũng Những Nghịch Lý Của Thời Gian