Số lần đọc/download: 17690 / 182
Cập nhật: 2015-05-24 22:28:22 +0700
Phần 7 - Chương 1 - Cao Áp Và Nước Lũ
Sáng 8-5-1963, nhân cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm, nhiều biểu ngữ được giương lên chống đối chính phủ. Ngay tại Từ Đàm, chỗ tập trung hành lễ, các biểu ngữ ấy được nhà sư tên Trí Quang đọc lớn qua máy phóng thanh và giải thích một cách xuyên tạc đường lối của Việt Nam Cộng hòa. Nhiều đại diện chính quyền có mặt nhưng vẫn bình tĩnh và nhờ đó, cuộc lễ được cử hành đến kết thúc, không có việc gì đáng tiếc xảy ra. Tối lại, theo dự kiến của chương trình đã phân phát rộng rãi và đã phát thanh thì phải có cuộc múa hoa tại chùa Từ Đàm nhưng không biết vì lẽ gì, chương trình đó bị Ban tổ chức lễ Phật đản hủy bỏ. Vài trăm người kéo xuống Đài vô tuyến Huế để nghe phát thanh, nhưng buổi phát thanh này bãi bỏ vì Ban giám đốc Đài vô tuyến Huế cho rằng nếu phát cuốn băng ghi âm cuộc tập họp buổi sáng ở chùa Từ Đàm thì có phương hại đến an ninh quốc gia. Một cuộc cãi vã xảy ra giữa ông Giám đốc Đài vô tuyến Huế với một số người háo thắng. Ngay lúc đó, nhà sư Trí Quang và ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên đến, tiếp theo là ông Phó tỉnh trưởng nội an và Ban an ninh nhằm dàn xếp ổn thỏa sự tranh chấp. Trong khi các vị này đang nói chuyện trước cổng Đài vô tuyến thì ông Phó tỉnh trưởng bị liệng cục đá làm móp chiếc nón sắt nhà binh của ông. Ông Phó tỉnh trưởng ra lệnh xịt nước giải tán đám đông song vô hiệu. Để bảo đảm an toàn cho Đài vô tuyến và cho các quan chức cùng nhà sư Trí Quang, ông Phó tỉnh trưởng ra lệnh ném lựu đạn cay nhằm giải tán đám đông, bấy giờ bị những phần tử Cộng sản xúi giục đang hò hết những khẩu hiệu bôi lọ chế độ tự do của Việt Nam Cộng hòa và xúc phạm cả đến vị lãnh tụ anh minh của dân tộc Ngô Tổng thống. Bỗng hai tiếng nổ lớn phát ra, rõ ràng là do bọn Cộng sản thực hiện, làm nhiều người chết và bị thương. Hai lỗ thủng dưới dưới đất do tiếng nổ đào xới là bằng chứng mà các chuyên viên đều kết luận đó là loại plaxtic MK chỉ Cộng sản mới có chứ quân đội quốc gia chưa từng sử dụng bao giờ. Còn tin đồn rằng Ban an ninh đã cho xe thiết giáp, tăng cán người, đó là sự vu khống bỉ ổi mà tác giả không ai khác là Cộng sản và các phần tử bất mãn, tay sai của thực dân và phong kiến. Xe tăng hay xe bọc thép không thể nào leo lên cổng Đài vô tuyến Huế vì đài nằm trên ngọn đồi cao, phai vượt qua nhiều bậc tam cấp.
Cơ quan an ninh chính phủ đang ráo riết truy tầm thủ phạm và chắc chắn trong một ngày không xa, sẽ đem bọn người ấy ra trước pháp luật để bắt chúng phải đền tội.
Sài Gòn ngày 10 tháng 5 năm 1963
Bộ trưởng Bộ nội vụ VNCH
BÙI VĂN LƯƠNG
Báo cáo tuyệt mật của Chi cục Trung ương tình báo Mỹ:
1. 13 giờ ngày 6-5-1963 tức theo lịch Trung Quốc là 13-4, viên Tỉnh trưởng Thừa Thiên đến chùa Từ Đàm ở cố đô Huế gặp nhà sư Trí Quang, chuyển mật lệnh của Ngô Đình Cẩn, em ruột của tổng thống Diệm và là người đầy quyền lực ở phần phía Bắc của Việt Nam Cộng hòa. Ông Cẩn ra lệnh cho những người theo đạo Phật không được treo cờ Phật nhân lễ Phật đản lần thứ 2.507. (Theo nghi thức Phật giáo ngày này tương ứng với ngày Noel). Viên tỉnh trưởng Thừa Thiên yêu cầu nhà sư Trí Quang ký vào một thông cáo nhân danh Phật giáo về vấn đề nói trên. Nhà sư Trí Quang đề nghị viên tỉnh trưởng giải thích lý do của yêu cầu đó. Viên tỉnh trưởng trả lời rằng chính mình cũng không rõ nhưng vẫn kiên quyết yêu cầu nhà sư thực hiện. Nhà sư Trí Quang cho rằng ông không đủ thẩm quyền ra một thông cáo như vậy.
2. 20 giờ 30 ngày 6-5, tỉnh trưởng Thừa Thiên chuyển công điện của tổng thống Ngô Đình Diệm cho nhà sư Trí Quang. Công điện mang số 9.159 gởi từ Sài Gòn vào hồi 15 giờ ngày 6-5 và nhận được ở Huế cùng ngày vào 16 giờ. Toàn văn bức điện mà bản sao của Tỉnh trưởng Thừa Thiên mang số 40/TT/HC/PT kèm chữ ký của Tỉnh trưởng:
“Đổng lý văn phòng Phủ Tổng thống điện quí ông Tỉnh trưởng. Văn phòng Phủ Tổng thống trân trọng chuyển đến quí ông chỉ thị sau đây của Tổng thống:
Ra chỉ thị cho các cơ quan phụng sự bất kỳ tôn giáo nào, trên các cơ sở phụng tự (nhà thờ, chùa chiền v.v…) chỉ treo cờ quốc gia mà thôi. Chính phủ đã hỏi các tổ chức tôn giáo, họ đều đồng ý là công dân trong một nước chỉ treo cờ quốc gia. Sự treo cờ ảnh phía trong thì tùy nghi (thường thì treo ảnh, có dán ảnh như bức vải lá cờ, ở các nước dẫu phía trong nơi phụng tự người ta cũng treo cờ quốc gia). Lúc trước vì tránh treo cờ đỏ sao vàng Việt Minh hay cờ tam tài của Pháp thì có những tôn giáo treo cờ hiệu tôn giáo. Nay nước nhà đã độc lập nên chỉ treo cờ quốc gia, các tư gia cũng vậy. Nay chỉ thị”.
3. Trong đêm hôm đó, từ 21 giờ đến gần sáng, Phật giáo họp tại chùa Từ Đàm do Tổng hội chủ Thích Tịnh Khiết, một cao tăng được các nhà sư và Phật tử trọng vọng như lãnh tự tinh thần tối cao, chủ tọa.
Người thuyết trình là nhà sư Trí Quang. Tổng hội chủ muốn đi đến một giải pháp ôn hòa nhưng nhiều thành viên tham dự hội nghị không đồng ý. Một số chủ trương Phật giáo tuyên bố không tổ chức lễ Phật đản năm nay để phản đối. Số khác, đông hơn, quyết định phản kích quyết liệt. Nhà sư Trí Quang được phân công thảo bức điện khẩn gởi Phật giáo thế giới: Cờ Phật giáo đã bị cấm treo ở các chùa Phật ngay trong ngày Phật đản quốc tế. Yêu cầu can thiệp với chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Cũng nhà sư này thảo bức điện gởi Ngô Đình Diệm: “Phật giáo rất xúc động về công điện 9.159 cấm treo cờ Phật trong ngày lễ Phật đản quốc tế. Chúng tôi không tin rằng quyết định đó có xuất phát từ ý kiến của Tổng thống. Thỉnh cầu Tổng thống ra lịnh điều tra và thu hồi công lịnh nói trên. Trân trọng”.
Một bức điện khác, đúng hơn là một thông tư gửi các tập đoàn Phật giáo Việt Nam: Cờ Phật giáo bị triệt hạ bởi công điện của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Các tập đoàn sẵn sàng chờ lệnh.
Cả ba bức điện đều mang tên Tổng hội chủ Thích Tịnh Khiết.
4. Nhà cầm quyền ở Huế quyết định không chuyển ba bức điện nói trên và vào 9 giờ sáng ngày 7-5, tỉnh trưởng Thừa Thiên mời nhà sư Trí Quang và một số nhà sư khác đến tư dinh của Ngô Đình Cẩn để gặp Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương và tỉnh trưởng Thừa Thiên. Cuộc trao đổi nhanh chóng thu kết quả. Bộ trưởng Nội vụ sẽ bay về Sài Gòn yêu cầu Tổng thống thu hồi quyết định 9.159. Tại đây, Ngô Đình Cẩn đã nói một câu hay nhất trong đời ông: “Tôi xin đoan chắc rằng, một trò Ơn chết làm chết cả một chính phủ, huống chi cờ của một tôn giáo lớn bị hạ ngang ngược như thế”.
5. 14 giờ ngày 7-5-1963, hàng nghìn người theo đạo Phật đến chùa Từ Đàm là nơi coi như tổng hành dinh của Phật giáo miền Trung báo tin toàn bộ cờ Phật bị triệt hạ bởi những đoàn cảnh sát hung hăng, chẳng những triệt hạ mà còn xé nát vứt xuống đường, đánh đập, dọa dẫm tín đồ. Những chiếc đèn lồng có dấu hiệu hoa sen cũng chung số phận với như cờ Phật giáo. Vào 17 giờ, tại chùa Từ Đàm người ta đã có thể kết luận rằng chiến dịch khủng bố Phật giáo không chỉ ở Huế mà khắp Trung phần, thậm chí rộng hơn nữa. Tại hai con đường chính của thành phố Huế là Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu, tình trạng không thể nào mô tả khác hơn là chế độ của Tống thổng Diệm hay ít nhất cũng là chính quyền Thừa Thiên đã sử dung vũ lực kể cả súng, để hạ những ngọn cờ Phật.
6. Từ 18 giờ trở đi, chùa Từ Đàm bị bao vây bằng bộ binh, quanh cảnh và thiết giáp. Bốn chiếc xe bọc thép vượt sườn đồi, húc đổ cổng tường nhà chùa. Nhưng quân lực chỉ làm đến mức đó.
7. Tất cả trở nên bi đát thật sự và vô phương cứu chữa từ 6 giờ sáng 8-5, địa điểm bùng nổ lại không phải là ngôi chùa mà trước cổng Đài phát thanh Huế. Lấy cớ bảo vệ Đài phát thanh, Phó tỉnh trưởng nội an Thừa Thiên, thiếu tá Đặng Sỹ đã ra lệnh ném lựu đạn cay, bắn súng và sử dụng luôn chất nổ. Có tất cả 44 người chết tại trận, tới 33 người bị thương. Đây là một sự kiện nghiêm trọng chưa từng có.
Ghi chú của Helen Fanfani, phóng viên tờ Financial Affairs:
Toàn văn cái gọi là “báo cáo tối mật” của Chi cục tình báo Mỹ lại được in ronéo, dịch ra nhiều thứ tiếng và tôi gửi về cho ban biên tập có thể đã chậm so với các hãng thông tấn khác.
Thông cáo của Tổng nha Thông tin:
Về việc lộn xộn nhỏ xảy ra tại Huế đã bị nhiều hãng thông tấn nước ngoài xuyên tạc. Tổng nha Thông tin được phép trình bày sự thật: Vì một hiểu lầm đáng tiếc nhân viên công lực và một số tín đồ Phật giáo có va chạm nhỏ. Lợi dụng tình hình, Việt Cộng tung lựu đạn làm chết 7 người và bị thương 6 người. Phương tiện duy nhất mà cơ quan an ninh sử dụng để vãn hồi trật tự và ngăn ngừa Cộng sản chỉ là vòi xịt nước, loại thường, vòi cỡ 2 phân không có khả năng gây thương tích cho bất kỳ người nào. Hiện nay, tình hình đã yên tĩnh. Dân chúng rất phẫn uất về việc Việt Cộng lợi dụng lễ Phật đản để tàn sát, quấy rồi và chia rẽ đồng bào với chính phủ.
Sài Gòn ngày 9 tháng 5 năm 1963
Tổng giám đốc Tổng nha Thông tin
PHAN VĂN TẠO
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa nói chuyện với đồng bào ở Huế:
“Đồng bào ở Huế,
Sau một thời gian để cho các gia đình thiêng liêng và các cán bộ công cũng như tư, tự nhận định đường lối chính nghĩa về những điều kiện thiết yếu cho sự bảo vệ chính nghĩa chung cũng như chính nghĩa riêng của mình, nhất là trong giai đoạn sống còn này của dân tộc, mà tự giải quyết lấy những sự hiểu lầm về vấn đề treo quốc kỳ và những sự thi hành lệch lạc đường lối quốc gia do một số cán bộ công cũng như cán bộ tư.
Tôi rất buồn khi nhận thấy đồng bào và nhất là cán bộ công, tư hãy còn chưa đủ thấm nhuần đường lối của dân tộc, nên tôi kêu gọi đồng bào hãy tự động nhận thức nhiệm vụ bảo vệ lấy an ninh công cộng triệt để tuân hành kỷ luật quốc gia, học tập chính chắn mọi vấn đề trên lâp trường lương tri và chính nghĩa quốc gia, để tôi giải quyết vấn đề cho đúng với đường lối đấu tranh của dân tộc”.
Cuộc họp báo của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu
(Ghi chép của phóng viên Helen Fanfani, báo Mỹ Financial Affairs).
Sáng nay, 10-5, vào 8 giờ, giờ địa phương tại dinh Độc Lập, cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu mở cuộc họp báo, dĩ nhiên quanh tình hình sôi động mấy hôm nay liên quan đến “vụ Phật giáo”. Tôi đặt vụ Phật giáo trong ngoặc kép bởi vì như những gì sẽ chứng minh dưới đây, trong các câu hỏi và câu trả lời của cuộc họp báo cho phép người ta liên tưởng đến một phạm vi chính trị rộng lớn hơn nhiều lần sự bất đồng về các nghi thức tôn giáo trong khuôn khổ luật lệ hiện hành ở Việt Nam Cộng hòa.
Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Sài Gòn mà các nhà báo Việt Nam và ngoại quốc đến dự cuộc họp báo đông đúc nhất mà cũng háo hức nhất, một số không ít từ Mỹ, Pháp, Tây Đức, Nhật, Úc, Hongkong, Bangkok vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhứt đã chạy một mạch vào dinh Độc Lập. Ông Ngô Đình Nhu mặt áo complet màu tro, đầu chải rẽ, thắt cà vạt xanh sậm, bề ngoài thật tươi tỉnh hiếm có đối với người luôn luôn trầm tư. Ông muốn tạo cảm giác cho các nhà báo là chế độ vẫn nắm chắc tình thế. Tổng giám đốc thông tin Phan Văn Tạo, ít tiếng tăm, lặng lẽ ngồi cạnh cố vấn và thủ vai người đệm đàn - không phải một người đệm đàn sành nghề nghiệp.
Không nghi thức, không đọc thông báo trước, cố vấn Ngô Đình Nhu đi ngay vào thực chất của cuộc gặp mắt giới báo chí:
Tình hình một tuần lễ này đã được các bạn theo dõi chăm chú, tôi nghĩ như vậy – ông nói, mắt ngó thẳng chúng tôi đầy tự tin. Các luồng thông tin không nhất thiết phù hợp nhau. Tôi không cho điều đó là không bình thường. Tuy nhiên, hôm nay, tôi muốn cùng các bạn nhìn sự việc với đôi mắt khách quan. Chúng ta là những người trong trận tuyến tự do. Cơ sở đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng cùng nhau thông cảm. Tôi đề nghị các bạn nêu câu hỏi và tôi sẽ trả lời và trả lời ngay từng câu hỏi. Tôi muốn cuộc họp báo không bị bất kỳ một gò bó nào. Chúng ta có thể gọi hôm nay là buổi trao đổi, cùng thỏa đáng. Xin mời…
Ông Nhu châm lửa vào điếu thuốc và tôi lưu ý, chiếc gạc tàn pha lê lớn sạch bóng đã đầy tàn thuốc lá sau cuộc họp báo: ông Nhu hút có lẽ đến 40 điếu trong vòng 2 giờ…
PHÓNG VIÊN ASAHI: Theo thông báo chính thức, sự việc bùng nổ ở Huế vào ngày 8-5. Song, chính tôi có mặt ở Huế, sự việc bắt đầu từ 24 giờ ngày 2-5, nghĩa là khi giới Phật giáo sửa soạn lễ Phật đản thường lệ của họ. Cuộc đàn áp diễn ra khi đám đông dân - hôm đó là ngày chủ nhật và trước lễ Phật đản đúng một tuần – bị cảnh sát chận không cho vượt cầu Nguyễn Hoàng. Các nguồn tin của chính phủ cho biết - tất nhiên mãi về sau này mới cho biết – số dân lối 300 và có 54 người bị thương, không ai bị thương nặng, tất cả đã về nhà, không ai bị bắt… Con số dân, với chính ống kính của tôi ghi nhận, nhiều hơn nguồn tin của chính phủ hơn 10 lần, con số bị thương hơn 5 lần, bị thương nặng như bị cảnh sát bẻ gãy tay, đánh gãy chân gồm 16 người và ít nhất 6 người đã chết ngay tại chỗ, hoặc khi đến bệnh viện. Tôi không rõ số chết, khi về nhà. Còn số bị giam, như dư luận, chính là con số của 6 ni cô và 10 nhà sư… Tôi xin nêu lên ba câu hỏi:
Một: Lệnh cấm treo cờ phải chăng đã được dự kiến trước? Hay nó là kết quả của sự việc ngày 2-5?
Hai: Vì sao nhà cầm quyền Huế hành động như vậy?
Ba: Vì sao chính phủ Trung ương không thi hành một biện pháp nào trừng phạt các lực lượng vô cớ đàn áp đám đông và chỉ có biện pháp tiếp sau tức là lệnh số 9.159 ngày 6-5?
NHU: Không hề có lệnh cấm treo cờ Phật giáo. Chỉ có lệnh, như mọi quốc gia khác, nơi công cộng không một lá cờ nào được thay quốc kỳ như Dụ số 10 của Tổng thống quy định. Công chức Thừa Thiên hành động không có ý kiến của Trung ương. Ta hiểu Huế ở gần vĩ tuyến 17, nhà cầm quyền tại đây e ngại sự đột nhập của Cộng sản, điều không phải là viễn vông. Tuy vậy, họ đều bị kỷ luật, do qua nhiệt tình và không đủ khôn khéo, cũng không loại trừ một ít ai đó bị giật dây.
ASAHI: Cho phép tôi hỏi thêm ba câu: Một, tại sao Dụ số 10 không áp dụng với đạo Thiên Chúa? Chính ống kính của tôi ghi nhiều cuộc rước lớn theo nghi thức đạo Thiên Chúa tại Huế nhân Noel, cách lễ Phật đản chưa được 5 tháng. Đó là chưa kể cuộc rước lễ từ La Vang về Huế, lễ rước Trà Kiệu? Hai, theo chúng tôi biết, thiếu tá Đặng Sỹ bị bãi chức sau lễ Phật đản chứ không phải sau ngày 2-5. Ba, có thể xem ý kiến của ông Ngô Đình Cẩn là Trung ương không?
NHU: Tổng giám mục địa phận Sài Gòn đã ra thông báo: chỉ treo cờ đạo bên trong các nhà thờ, tu viện…
ASAHI: Xin lỗi, đó là thông báo mới đây thôi và cũng ở địa phận Sài Gòn thôi…
NHU: Nhưng, ông thấy đấy, chúng tôi không kỳ thị tôn giáo. Chúng tôi thi hành kỷ luật nhiều sĩ quan cảnh sát Huế ngay ngày 3-5. Tất nhiên, xin ông hiểu, không phải bất kỳ kỷ luật nội bộ nào của chúng tôi đều công bố cả. Có lẽ mọi chính phủ đều làm như vậy, nhất là với ngành nội chính. Còn câu hỏi thứ ba của ông, tôi nhắc lại, đại biểu của chính phủ tại Trung nguyên Trung phần của Việt Nam Cộng hòa hiện nay là ông Nguyễn Xuân Khương.
ASAHI: Ông cố vấn vẫn chưa trả lời về sự việc tại cầu Nguyễn Hoàng.
NHU: Tất cả đang được cứu xét và ai phạm tội sẽ bị nghiêm trị…
LE FIGARO: Trong các thông cáo, chính phủ Việt Nam nhắc nhiều lần rằng Việt Cộng chủ mưu xúi giục tín đồ đạo Phật biểu tình và cũng chính Việt Cộng ném chất nổ MK… Nhưng, nhiều người tận mắt trong thấy chính lực lượng an ninh làm việc đó…
NHU: Ông không biết rằng bộ sắc phục an ninh không phải là vật mà Việt Cộng khó tìm?
LE FIGARO: Nhưng người ta biết cả mặt người cho nổ chất nổ… Và, đó là khối TNT rất thông dụng trong quân lực Việt Nam Cộng hòa.
NHU: Cũng như thế, Việt Cộng tìm TNT và các loại vũ khí của quân lực Việt Nam Cộng hòa không phải là điều mới xảy ra…
LE FIGARO: Thế tại sao phải đổi TNT qua MK?
NHU: Một sơ sót kỹ thuật, chúng tôi đã khiển trách bộ phận thông tin.
LE FIGARO: Thông báo của Tổng nha Thông tin nhắc, ngoài Cộng sản, còn tay sai thực và phong nhúng vào vụ Huế. Dư luận Pháp muốn hiểu rõ hai danh từ “thực” và “phong” nhằm ám chỉ ai?
NHU: Tôi nói về “phong” trước. Huế là cố đô. Các thế lực bảo hoàng vẫn còn đông. Còn “thực”, ông muốn hiểu như thế nào, tùy ông, một nhà báo Pháp!
LE FIGARO: Tôi sẽ rất hân hạnh thông báo câu trả lời của ông cố vấn với dư luận Pháp trong số báo Figaro số mai. Cảm ơn ông cố vấn!
ĐẠI DIỆN TRUNG ƯƠNG XÃ ĐÀI BẮC TẠI HỒNG KÔNG: Ông cố vấn giải thích như thế nào việc Phật giáo là một tôn giáo dễ dàng nghe Cộng sản vô thần?
NHU: Hồng Kông gồm các nhà doanh nghiệp lớn vẫn có người theo Trung Cộng kia mà!
TRUNG ƯƠNG XÃ: Nhưng đây là dân chúng, những bức ảnh cho thấy dân chúng khá đông…
NHU: Ông quên dân chúng dự Phật đản. Họ tụ họp vì lý do đó…
ĐẠI DIỆN UPI: Nếu bạn đồng nghiệp của tôi, ông Raymind Wang, không hỏi tiếp ông cố vấn, tôi xin phép từ câu trả lời của ông cố vấn mà đặt một câu hỏi: Dân chúng tụ họp đông đảo vì lý do tôn giáo thế thì việc gì lực lượng an ninh của chính phủ phải dùng vòi rồng và hơi cay?
NHU: Liệu rằng cảnh sát ở nước Mỹ có cách nào phân biệt được trong đám đông, ai là dân thường đi hành hương hay làm một việc gì đó, đi dạ hội chẳng hạn với một người Cộng sản? Vòi rồng và lựu đạn cay càng không có khả năng phân biệt những thứ mà chính con người còn chưa phân biệt nỗi!
UPI: Một câu trả lời có tính triết lý. Rất tiếc chúng ta đang nói chuyện chính trị. Vì một ít người mà đi đến sự thô bạo với số đông, dư luận phương Tây khó đồng tình với chính phủ của Tổng thống Diệm.
NHU: Trong trường hợp này, thưa ông Roger Spekinsk, có vẻ hãng thông tấn UPI hoặc chính xác hơn, cá nhân ông, là một đồng minh đáng tin cậy của Việt Cộng!
ĐẠI DIỆN WASHINGTON POST: Nhân danh Nghiệp đoàn các phóng viên nước ngoài ở Sài Gòn mà tôi là thư ký, tôi phản đối cách nói của ông cố vấn.
NHU: Các ông có thể phản đối mặc dù trong thâm tâm tôi muốn các ông đồng tình. Tuy nhiên vấn đề là sự thật.
FANFANI: Tôi xin phép được hỏi một câu…
NHU: À! Financial Affairs đây rồi. Xin mời…
FANFANI: Tôi sẽ hỏi một câu rất hiền lành: Từ câu trả lời của ông cố vấn cho bạn đồng nghiệp Washington Post, người ta có quyền lật ngược nội dung: những cuộc đàn áp đẫm máu liên tục diễn ra ở Huế phải chẳng là đồng minh đáng tin cậy của Cộng sản?
NHU: Cô Helen thân mến, chúng ta nên nghiêm chỉnh.
FANFANI: Tôi không thấy trong câu nói của tôi có một chút khôi hài nào… Ông cố vấn muốn hôm nay không phải là một cuộc họp báo mà một cuộc trao đổi. Vậy thì, ông có cho rằng nhà sư Trí Quang đại diện cho một xu hương chính trị nào đó không?
NHU: Tôi không thích võ đoán. Tuy nhiên, với những bằng chứng xác thực, tôi có thể giới thiệu hai đặc điểm của ông Trí Quang: Một là, quê của ông ở phía Bắc vĩ tuyến 17, từng học đạo với một nhà sư nay đang ở Hà Nội. Hai là, ông Trí Quang có nhiều bạn bè thuộc đảng Đại Việt…
FANFANI: Ông cố vấn lại bắt đầu rơi vào cái chỗ mà ông vừa kết án, tức là ông nói chuyện tiếu lâm. Quê của gia đình ông cố vấn – nghĩa là có Tổng thống Diệm – cũng ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Điều đó hình như không hề cắt nghĩa bất kỳ một khía cạnh nào của sự cố ở Huế và của cá nhân nhà sư Trí Quang. Còn về đảng Đại Việt, cũng tiếu lâm nốt khi ông cố vấn hàm ý chỉ ra rằng giữa Cộng sản và đảng Đại Việt có mối quan hệ thân ái thông qua môi giới của nhà sư Trí Quang.
NHU: Cô nhà báo đi quá xa giới hạn của cuộc trao đổi giữa chúng ta rồi. Cô có quyền suy luận song không phải ở đây…
FANFANI: Cảm ơn ông cố vấn đã làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc mà chúng tôi rất quan tâm…
ĐẠI DIỆN BÁO JEO (1): Thưa ông cố vấn, độc giả tiếng Pháp ở Việt Nam rất cần một minh định: Những người Pháp dính dáng như thế nào đối với vụ lộn xộn vừa rồi?
NHU: Trước hết, ông Hubert thân mến, ở Việt Nam không có ai trong cộng đồng cái gọi là Francophone (2), càng không có ai Francophile (3), nếu có – và với hơn 100 năm kể từ khi pháo thuyền Pháp bắn những quả đại bác vào Cửa Hàn, tức Đà Nẵng hiện nay để rồi sau đó chiếm cứ đất nước chúng tôi, ở Việt Nam hiện nay có một cộng đồng tên của nó là Francophobe (4)! Tuy nhiên, đó là chuyện dĩ vãng, dù dĩ vãng chưa phải đã xa xôi lắm. Hiện nay, năm 1963, tháng 5, tôi có thể nói rằng tôi không thấy một yếu tố nào để nói về một dính líu như vậy, dính líu theo cái nghĩa người Pháp tại Việt Nam, người Việt vẫn còn giữ mối quan hệ dưới một dạng nhất định với người Pháp, chính phủ Pháp – những lực lượng đó liên can đến vụ Huế.
PHÓNG VIÊN BBC: Còn sự dính líu của người Hoa, nói rộng hơn của Trung Cộng?
NHU: Câu trả lời của tôi tương tự như câu trả lời vừa rồi.
ĐẠI DIỆN HÃNG THÔNG TẤN TANJUNG: Ông cố vấn có tin rằng sự kiện ngày 8-5 ở Huế sẽ không phát triển thêm về mức độ cũng như về phạm vi?
NHU: Trước hết, tôi xin cảm ơn đại diện của hãng thông tấn Nam Tư, một nhà báo Cộng sản duy nhất nước ngoài và là nhà báo Cộng sản không ngụy trang. Triển vọng của tình hình không phải là việc dễ đoán hay quyết đoán bởi tình hình không chỉ tùy thuộc ở chính phủ. Tuy nhiên mọi người Việt Nam trở lại khung cảnh mà Việt Nam Cộng hòa đang sống. Chúng tôi đang chiến đấu, một cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù của chúng tôi ở trong và ngoài nước, những kẻ thù địch với thế giới tự do.
Và luôn cả những người trong thế giới tự do mà vì những lợi ích thiển cận, những suy nghĩ thiếu tầm chiến lược đang thọc tay vào cục diện đất nước chúng tôi. Tôi tha thiết mong các bạn nhà báo có mặt hôm nay, với lương tâm nghề nghiệp và với cái nhìn sáng suốt, góp sức với nước cộng hòa non trẻ chúng tôi đang bị xâm lược và dừng ngay chiến dịch có tính chất quốc tế bôi nhọ Việt Nam Cộng hòa, việc làm không lường nổi hậu quả tai hại. Việt Nam Cộng hòa là tiền đồn của thế giới tự do. Chúng tôi không chỉ đổ máu cho riêng mình… Tôi nhấn mạnh rằng ở Việt Nam Cộng hòa không có vấn đề kỳ thị tôn giáo, không có vấn đề áp bức đạo Phật cũng như không có đàn áp dân chủ. Trái lại, dân chủ ở Việt Nam Cộng hòa phần nào quá trớn là khác. Nhưng tôi cũng cảnh cáo những người đội lốt đạo Phật rằng, vì lợi ích tối thượng của Tổ quốc, chúng tôi sẽ không mềm yếu.
PHÓNG VIÊN NEWSWEEK: Thưa ông cố vấn, lời kêu gọi bạn hữu quốc tế của ông vừa rồi có nhằm nước Mỹ không?
NHU: Thưa bà Catherine Barbara, bà là một nhà báo kỳ cựu, thay mặt cho một tờ báo có uy tín ở Mỹ, lại sống nhiều năm ở Sài Gòn, bà có thể hơn ai hết biết rằng Việt Nam Cộng hòa coi nước Mỹ là một đồng minh lớn, một đồng minh trụ cột. Sự nghiệp độc lập tự do của Việt Nam Cộng hòa không tách khỏi mối liên minh huynh đệ ấy… Chúng tôi rất vui mừng trước chính sách liên tục của nước Mỹ ở châu Á và ở Việt Nam Cộng hòa hiện nay Tổng thống Kennedy đang thực hiện. Tuy nhiên, trong dư luận Mỹ, kể cả trong quốc hội, có một bộ phận nhỏ thôi, đang nhìn thực trạng Việt Nam Cộng hòa với cặp mắt ngờ vực, đôi khi độc ác…
NEWSWEEK: Tin đồn khá rộng rãi ở Mỹ và ở Sài Gòn về vai trò của đại sứ Frederich Nolting – vai trò thiên vị, che đỡ cho chính phủ ông Diệm. Ông cố vấn đánh giá tin đồn đó như thế ào?
NHU: Đại sứ Nolting là một người bạn quý của Việt Nam Cộng hòa, là một người giàu kiến thức và thấu đáo điều kiện của đất nước chúng tôi. Dĩ nhiên, không phải không có những cự ly trong nhận thức những sự việc nào đó giữa đại sứ và chúng tôi. Điều mà tôi nhấn mạnh là Ngài Nolting không bao giờ lầm lẫn giữa vai trò một toàn quyền hoặc thái thú xa xưa. Chắc chắn rằng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các đồn đãi mà bà Catherine nhắc tới…
Cuộc họp báo chấm dứt vào 10 giờ. Cố vấn Ngô Đình Nhu có vẻ sửa soạn trước khá kỹ cho cuộc “đụng độ” và ông biểu lộ sự mãn nguyện sau đó; ông đi bắt tay khắp các ký giả, chụp hình chung với họ thậm chí quàng vai tôi khá âu yếm và đùa với Victor, chồng tôi: “Khi Helen ngã vào tôi, ông nhớ chỉnh ống kính cho thật “nét” nhé!”. Tuy nhiên tôi cảm ơn ông “đã làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc”, nghĩa là tôi cảm thấy hết sức rõ sự rối rắm trong các câu trả lời của ông Nhu, một nhà hùng biện mà không ai không phục. Ông Nhu tươi tỉnh bề ngoài, cố giữ tự chủ trong khi toàn bộ tư tưởng của ông thiếu xuyên suốt. Ông không thể giải thích nỗi vụ Huế - một vụ chủ mưu ở phía chính phủ. Nói theo thuật ngữ quân sự, chính phủ Sài Gòn “ngự phòng từ xa” và họ sợ Phật giáo là ngòi pháo. Dẫu sao, Huế vẫn là một thị trấn bé nhỏ, biệt lập. Ông Nhu hiểu như vậy. Và, ông thành công hay thất bại tùy thuộc vào ở một điểm thôi: ông khoanh vùng vụ Huế ở Huế hay ngược lại… Dẫu sao, với các tín hiệu tháng 5 này tại Việt Nam Cộng hòa, phóng viên báo chí, truyền hình khắp thế giới sửa soạn visa vào Sài Gòn chắc không phải là quá sớm…
Văn thư của Văn phòng cố vấn Ngô Đình Nhu gởi Việt tấn xã:
“Ông cố vấn chỉ thị: cứ cho các phóng viên nước ngoài phát tin về buổi họp báo của ông cố vấn, không cắt xén, hạn chế. Tuy nhiên, chú ý cho phát ưu tiên bài tường thuật của hãng Reuter và đài BBC, nhất là của đài BBC vì nội dung rất có lợi cho ta”.
Báo cáo mật của bác sĩ Trần Kim Tuyến gửi Ngô Đình Nhu:
“Tôi đã thực hiện đúng chỉ thị của ông cố vấn: Chỉ cho phái viên Viễn Đông của BBC, cho phóng viên Manila Time và cho Hambourg Zeitung đưa tin như ý của ông cố vấn. Họ hứa sẽ liên tục có bài và tin. Đang vận động Đài truyền hình Bỉ phỏng vấn ông cố vấn. Đài Pháp và Mỹ từ chối. Riêng Paris Match sẵn sàng ra một số đặc biệt, hủy bỏ các ảnh đã săn ở Huế nhưng giá quá cao, chờ quyết định của ông cố vấn. Đã điều đình với Victor mua các ảnh, nhưng chưa có hiệu quả. Sẽ dùng biện pháp Hải quan khi Victor rời Sài Gòn sang Hồng Kông sáng mai…”
Thông cáo của Tòa đại biểu chính phủ ở Trung nguyên Trung phần:
Bộ trưởng Bộ nội vụ quyết định bổ nhiệm thiếu tá Lê Quang Hiển, nguyên Giám đốc Cảnh sát quốc gia miền Nam Trung nguyên Trung phần làm Giám đốc cảnh sát quốc gia miền Bắc Trung nguyên Trung phần thay trung tá Trần Văn Thương chuyển hoàn về Bộ nội vụ.
Điện đàm giữa Fishell và Bộ trưởng Phủ tổng thống Nguyễn Đình Thuần:
THUẦN: Thưa giáo sư, ông có ý kiến gì về quyết định đối với thiếu tá Đặng Sỹ. Chúng tôi đã thảo xong lệnh…
FISHELL: Ông Bộ trưởng có thể cho biết nội dung của lệnh đó không?
THUẦN: Thưa được. Xét trách nhiệm trực tiếp của thiếu tá trong vụ lộn xộn ở Huế, quyết định bãi chức Phó tỉnh trưởng nội an, cách hàm thiếu tá, đương sự phải trình diện ở Tổng nha Cảnh sát quốc gia chịu sự thẩm vấn và bị tạm giữ theo chế độ sĩ quan chờ cứu xét…
FISHELL: Tôi nghĩ rằng cách chức Phó tỉnh trưởng là đủ. Tạm thời để thiếu tá Đặng Sỹ thôi giữ chức Phó tỉnh trưởng nội an… Lời văn như vậy có lẽ thỏa đáng. Các biện pháp khác không cần thiết và không công bằng.
THUẦN: Thưa giáo sư, tôi sẽ báo lại với ông Nhu ý kiến của giáo sư.
FISHELL: Không phải ý riêng của tôi. Chào ông Bộ trưởng.
Thượng tọa Trí Quang bay vào Sài Gòn. Tin riêng của báo Sài Gòn Mới:
Theo nguồn tin đặc biệt của bổn báo, thượng tọa Trí Quang từ Huế đã bay vào Sài Gòn, ngày 12-5 đang ngụ tại một ngôi chùa ở đô thành.
Nhân đây, Sài Gòn Mới xin hiến bạn đọc cấp bậc các giáo phẩm Phật giáo mà từ trước tới nay chúng ta chưa biết…
Lệnh đặc biệt của Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia gửi Cảnh sát đô thành và các tỉnh:
Theo dõi di chuyển của các nhà sư từ Huế vào phía Nam. Tìm mọi cách khéo léo nhưng kiên quyết giữ họ tại Huế. Cảnh sát sân bay Phú Bài, đường bộ và xe lửa phải chấp hành triệt để lệnh này.
NGUYỄN VĂN Y
Phúc trình của Tổng giám đốc Thông tin:
Kính gởi ông cố vấn chính trị Phủ tổng thống.
Tuân lệnh của ông cố vấn, chúng tôi đã triệu tập một số nhà báo của các tờ “Cách mạng quốc gia”, “Ngôn luận”, “Tự do” đến Nha tổng giám đốc phổ biến đường lối của chính phủ về việc đưa tin tức ở Huế: Giảm bớt lượng tin, bỏ hẳn việc trưng bằng cớ về Việt Cộng ném lựu đạn và đặt chất nổ, giữ giọng thật hòa dịu với Phật tử và các nhà sư theo tinh thần thông điệp của Tổng thống… Nhưng, một số ký giả vẫn viết bài theo chiều hướng cũ, đặc biệt ký giả Tô Văn và một số trong danh sách thân Đại Việt. Chúng tôi được biết linh mục Raymond De Jaegher, Chủ tịch Hiệp hội Thái Bình Dương tự do họp riêng với số ký giả này và hình như trả thù lao khá cao bằng đôla để họ viết các bài bài xích Phật giáo, những bài đó đăng rải rác trên tờ Buổi Sáng của Mai Lan Quế là em ruột của thiếu tướng Mai Hữu Xuân và một vài tờ Việt ngữ. Tờ Đông Phương tiếng Hoa, chịu sự bảo trợ về tài chính của linh mục Raymond De Jaegher cũng dịch đăng. Dĩ nhiên, tờ “Free Pacific” đăng các bài đó bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
Trong trường hợp này, Tổng nha Thông tin không thể can thiệp được. Xin kính trình để ông cố vấn tường và cho chỉ thị.
PHAN VĂN TẠO
Phúc trình của Tổng nha Cảnh sát:
Đài phát thanh Hà Nội và đài Việt Cộng cho tới nay chưa đăng tin hoặc bình luận gì về vụ ở Huế. Đài Moscou, phần tiếng Việt, nhắc lại một tin của Pháp tấn xã, không bình luận. Trái lại, đài Bắc Kinh cả phần tiếng Việt và các tiếng Hoa phát cho Đông Nam Á đưa nhiều tin, kèm bình luận gay gắt.
Thông báo chiến sự hàng tuần của Bộ Tổng tham mưu:
Từ 2 đến 9 tháng 5, toàn chiến trường lắng dịu một cách bất thường trừ trận Tân Bình (Quảng Tín). Chung quanh Huế, không có một dấu hiệu tập trung nào của Việt Cộng.
Tin vắn của báo “Cách mạng Quốc gia”
Sau một thời gian nghiên cứu ở Học viện chỉ huy cao cấp tại Fort Bragg, Hoa Kỳ và nghiên cứ tình hình chống du kích Huk ở Phi Luật Tân, du kích Mã Lai, đại tá Nguyễn Thành Luân đã về đến Sài Gòn hôm qua, 14-5. Cùng về với đại tá có phu nhân cũng tốt nghiệp Học viện nghiên cứu cảnh sát Mỹ. Đại tá Đặng Văn Quang, chỉ huy trưởng, Tham mưu biệt bộ Phủ tổng thống, ông Đổng lý văn phòng Phủ tổng thống, đại tá Phó tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia, trung tá James Casey đại diện cho Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ và ông Trần Trung Dung với tư cách gia đình Tổng thống đã ra sân bay đón đại tá Nguyễn Thành Luân và phu nhân.
Thông cáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam:
Lễ cầu siêu cho các nạn nhân ở Huế trong vụ Phật đản sẽ được tổ chức khắp các chùa trong toàn quốc vào một ngày thống nhất, sẽ thông báo sau.
THÍCH TÂM CHÂU
(Thừa lệnh Tổng hội chủ)
Đại diện của tổ chức Phật giáo Thế giới gửi Tổng Thống Ngô Đình Diệm:
Rất xúc động và rất tiếc về sự việc bi thảm ở Huế ngày 8-5. Mong chính phủ Việt Nam Cộng hòa có biện pháp trấn an và bảo đảm quyền hành đạo của đạo Phật.
Chú thích
(1) Journal d’ Extrême Orient: Nhật báo Viễn Đông (báo tiếng Pháp, xuất bản ở Sài Gòn)
(2) Francophone: nói tiếng Pháp
(3) Francophile: thân Pháp
(4) Francophobe: chống Pháp.