Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 95: Cái “Mánh”Của Tên Trực Trại
ôm nay hơi đặc biệt. Kẻng cấm rồi mà đây đó, từ những chiếc điếu cầy đủ kiểu cứ thi nhau ré lên liên hồi như những chú dế cồ và những nàng dế đang thi gọi nhau, hẹn hò trao đổi ân tình trong đêm khuya.
Buổi sáng, cho tới khi tôi theo toán ra ngoài lán làm việc rồi mà lòng vẫn băn khoăn không dứt về một sự việc sáng sớm hôm nay khi tên trực trại Cẩn vào buồng điểm tù. Điểm buồng xong, y dừng lại trước chỗ anh Phạm Tấn Tích đang ngồi, cất giọng Cao Bằng lây lứt:
- Hôm qua, anh Tích phát biểu hay và khá lắm!
Thoáng qua, nghe như một câu khen ngợi bình thường, nhưng đã làm cho cả buồng ngơ ngác, đờ đẫn, nhất là tôi. Óc tôi lướt nhanh, tổng hợp mọi hiện tượng và sự việc. Đêm qua, toán 2 sinh hoạt từ 6 giờ đển 9 giờ, kẻng cấm. Bên ngoài trời mưa bay dầy hạt, gió lộng lạnh thấu xương. Bao nhiêu câu hỏi cứ vấn vít, quẩn quanh trong đầu tôi:
- Chẳng lẽ y chịu lạnh, đứng rình nghe bên ngoài vách để theo dõi buổi sinh hoạt của toán?
- Hay có đường dây báo cáo nào của toán 2?
- Tại sao sáng sớm hôm nay vào điểm buồng, y cố ý nói cho toàn buồng nghe để làm gì?
- Tại sao y lại chỉ rình nghe của toán 2 mà không ở các toán khác nữa? Hay có sự trùng hợp lúc Tích phát biểu thì y mới đến?
- Thực ra, bất cứ buổi sinh hoạt của toán nào đều có ghi biên bản. Như vậy, ai phát biểu ra sao thì trong biên bản đã ghi rồi. Tại sao y còn vào rình nghe?
- Chỉ là một tên trực trại, tại sao y lại theo dõi về tư tưởng? Theo như anh Đồng, lúc cùng ngồi ăn sắn sáng nay với tôi thì tư tưởng thuộc về cán bộ giáo dục. Trực trại chỉ bao quát về nội quy. Trách nhiệm chính yếu của trực trại vẫn là nắm vững nhân số phạm toàn trại, từng buồng và từng toán.
Quá nhiều câu hỏi mà chưa có lời giải đáp thỏa. Trong lúc làm việc với Lê Sơn, tôi đã lựa lời, lựa lúc hỏi Sơn thì được biết thêm: hồi trước, ban đêm tên Cẩn thường hay vào trại đi bên ngoài các buồng để rình nghe như vậy.
Lấy điểm này, cọ sát với điểm kia, loại bỏ những vô lý hoặc những vô lý hoặc mâu thuẫn thì chỉ có thể như sau:
- Dù ở khía nào thì tên Cấn cũng là một tên cán bộ mẫn cán. Phục vụ và tin theo hết lòng cái chế độ mà y đang làm việc.
- Y chỉ muốn tỏ cái tài, cái uy riêng của y với tù.
Để thực hiện cái ý trên, thỉnh thoảng y bỏ công, bất ngờ vào rình, dò xét một vài sự việc. Rồi từ những sự việc y đã biết rõ, lấy đó làm ông “ba bị” để hù lát mọi người tù. Tưởng như làm cho mọi người tù đều nghĩ và tin rằng; y có nhiều tai mắt ở khắp nơi, khắp chỗ. Ai làm cái gì, nói gì y đều biết.
Nếu y tưởng như vậy là y lầm, mà y lầm thì cũng không có gì lạ. Bởi vì với mớ kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm đóng hẹp trong cái nhãn quan truyền thống giòng tộc của y; đối với bên ngoài, tưởng mình đang đứng ở vị thế cao nhất. Hơn nữa, trong lòng y lại đang dạt dào, say mê tin tưởng tự hào, đang phục vụ cho, hoặc y cũng là một nhân tố trong cái đảng “vĩ đại, uyên bác cao siêu nhất” của loài người.
Thực ra với chủ trương ấy, y cũng là một con “ngáo ộp” được với một số người kém hiểu biết hoặc lười suy nghĩ. Chứ không thể có tác dụng với những người như anh Phạm Tấn Tích chẳng hạn. Khi anh phát biểu có người ghi biên bản thì cá cái ban nghiên cứu của giám thị sẽ đều biết. Bởi thế, bất kể ai đứng rình nghe hay theo dõi thì có nhằm nhè gì với anh?
Buổi trưa, lúc ngồi ăn cơm ở hội trường, tôi dõi mắt nhìn theo một bác người cũng thật to lớn như Lê Văn Kinh. Tay bác xách một cái bị bằng vải sô cũ, một tay cầm chiếc gậy đang rờ rẫm, chậm chạp đi trên hè buồng số III gần bếp, hướng ra sân chính của trại. Đầu óc tôi còn đang dập dờn về một kiếp người đã mất cả đôi mắt rồi mà vẫn chưa yên, thì thấp thoáng thấy màu áo vàng ở sân A, một tên cán bộ tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Người y nhỏ con, da trắng trẻo, nếu không nói là có dáng dấp thư sinh, chừng tuổi 35. Y không đeo lon nên tôi không biết y ở cấp bực gì. Hai tay vắt chéo sau lưng, y chậm chạp thả bước nhàn du, lang thang trong trại. Thỉnh thoảng đầu y nghiêng ngó, nhìn phía này, phía kia hoặc gật gật mỗi khi gặp một anh tù lễ phép cúi đầu chào y. Thái độ y vừa lạnh lúng, vừa lơ đãng.
Tôi cứ cảm thấy y là một tên tạch tạch sè (tiểu tư sản) chứ không quê đặc một cục, như tên Chu Huy Cẩn. Tôi thấy cậu Toàn đang ngồi lúi húi vá chiếc áo choàng bằng dạ, máu cứt ngựa ở mãi trong góc nhà ăn. Hẳn chiếc áo đã được sinh ra từ thời Tây, vì đã đụp nhiều tầng. Lách qua mấy chiếc bàn tôi đến bên, ra ý cho Toàn nhìn về tên cán bộ hãy còn đang lững thững gần cụm nứa phía dưới nhà ăn:
- Này ông cán bộ kia là ai đấy?
Toàn nhìn ra rồi quay lại ra vẻ hơi quan trọng, thì thầm:
- Đấy là ông Đức, Thiếu úy, trưởng ban giáo dục trại này đó!
Tôi chỉ trả lời hai tiếng “thảo nào” rồi tôi mang chiếc rổ và cái đĩa nhôm đi vào buồng. Vừa đi tôi vừa nghĩ, làm sao mấy ngày tới, kiếm đâu được miếng vải khâu cái túi đựng bát, đĩa mới được. Ngay buổi chiều nay, một chiều thứ Bẩy không mưa rơi. Sau khi đi lao động ở lán về, anh Lân đã phổ biến cho toán, sáng mai Chủ Nhật toàn trại đi lao động xã hội chủ nghĩa. Mục đích là dọn dẹp, sắp xếp làm vệ sinh toàn trại để chuẩn bị ăn Tết.
Toán 2 là toán có tay nghề, nên được phân công sang sửa, làm hai luống hoa dài trước nhà số một và số hai. Buổi tối, mới điểm xong, anh Lân đã lại vẫy tay gọi tôi sang chỗ anh. Chẳng hiểu vì nguyên cớ nào, tôi cảm thấy anh Lân dành cho tôi một sự gần gũi, thân thiện như đã quen biết nhau từ lâu. Anh mở choàng chiếc chăn anh đang ngồi khoác ra để tôi cùng vào ngồi. Choàng chung một chiếc chăn ngồi nói chuyện cho ấm.
Phần do lòng thiện cảm mến người của anh; phần khác do những cái ngỡ ngàng của buổi ban đầu giữa một nơi còn nhiều cái tôi chưa biết; lại nhìn thấy bao nhiêu hiện tượng làm cho tôi chưa được yên lòng nên khi anh gọi, tôi vẫn đến với anh. Tôi nghĩ rằng, mình thân mật, thường chuyện trò với anh toán trưởng sẽ ít lo lắng cho những ngày sau. Vả lại, khi mới chuyển đến một môi trường mới, một vị trí mới trong cái mặt trận không dao, không súng này, không gì bằng hãy tìm một chỗ nấp tốt; một chỗ đứng tương đối an toàn, để quan sát, nghe ngóng đã chứ! Cho nên, dù có thân mật, chuyện trò với ai thì tôi vẫn chả hay chưa thổ lộ hoặc nói một điều gì ngược lại với xu hướng tiến bộ chung hiện nay.
Khi anh biết tôi chỉ là một học sinh trong Nam, chưa vợ con gì, anh càng trêu đùa và cứ gọi tôi bằng “mày” xưng “tao”. Lúc này tôi cũng đã biết nhiều anh em gọi lén anh là “Lân Lợn”, có lẽ vì con người sồ sề của anh. Ngay buổi tối đó, qua anh Lân, tôi được rõ thêm về lao động xã hội chủ nghĩa. Cứ một Chủ Nhật đi làm, thì một Chủ Nhật được nghỉ. Như vậy mỗi tháng có 4 tuần thì 2 tuần phải mất đi buổi sáng Chủ Nhật.
Một tuần lễ có 7 ngày, thì đi lạo động 6 ngày rưỡi. Lao động thì cực nhọc như trâu, bò. Dù bất cứ ở ngoài đồng, trong rừng hay trong lán đều phải dốc hết sức mình ra làm việc. Quấn áo dơ dáy, mủn rách phải đụp vá, giặt giũ, còn tắm rửa. Với bao nhiêu việc khác nữa cho một cá nhân mà chỉ có nửa ngày. Con người bị coi như một cái máy. Bắt máy chạy liên tục mà chỉ đổ rất ít dầu, lại chỉ là dầu cặn, dầu thô như lời anh Khải đã phát biểu.
Đêm hôm ấy, lòng tôi cứ ngổn ngang với bao nhiêu khắc khoải cho cảnh đời trước mặt, nhất là lại nghe tin anh Khâm nào đó mà tôi chưa hề biết mặt, mắc bệnh lao của toán 2 đã chết ngay, trong đêm. Thế là toán 2 cũng chưa kịp cử người thăm hỏi, như đề nghị của bác Chánh trong buổi sinh hoạt tối hôm qua.
Mấy đêm nay, đêm nào giấc ngủ cũng không yên, tôi cứ trằn trọc thấp thỏm mệt mỏi rã rời cả thể xác, lẫn tinh thần; tôi chìm đắm vào cơn ngủ muộn xen lẫn những tiếng thở dài.
Sáng hôm nay, tôi đã mở mắt rồi mà chưa thấy kẻng báo thức. Liếc nhìn đây đó trong buồng, vẫn màn mắc vây kín mít. Không chịu được mãi nỗi băn khoăn trong lòng, tôi cố liếc nhìn qua khe hở của tấm vách liếp. Bên ngoài, trời đã hơi mờ mờ sáng, rõ ràng đã muộn hơn mọi khi. Tôi nghiêng người nhìn qua màn Vân. Thấy dáng Vân vẫn nằm dài, không biết thức hay ngủ. Tôi còn đang nhấp nhổm chưa yên thì hình như Vân cũng đã đoán được nỗi bần thần của tôi. Khi thấy tôi cứ xoay trở lục đục, Vân nhỏ nhẻ như tiếng gió:
- Cứ ngủ nữa đi. Chủ Nhật, sáu giờ ba mươi mới kẻng báo thức.
À ra thế! Bụng tôi nghĩ vậy, rồi tôi mơ màng để hồn lãng đãng cho thân xác bập bềnh chìm nổi trong giấc ngủ tiếp mập mờ. Hồn tôi đang lơ lửng với gió mây thì tiếng kẻng đã khua vang núi đồi. Những chiếc máy người lại bắt đầu khơi động cho công việc một ngày.
Qua những lúc chuyện trò ngắn ngủi với Vân, mãi đến hôm nay, tôi mới biết Vân không hút thuốc lào. Mặc dù những năm trước đây, anh đã hút khi mới bị bắt vào. Bây giờ anh đang cố xoay sở, móc nối với những anh tự giác của toán rua, để mua được những lá thuốc khô (một loại thuốc lá, khác với cây thuốc lào) do chính họ tranh thủ ngoài giờ, trồng được trong khu vực của toán họ. Vì không có công sức và thời gian chăm bón, nên mỗi anh chỉ trồng được vài chục cây. Do đó, khi các anh lén lút đưa thuốc được vào trong trại, thì bán hơi đắt. Chỉ những ai có nhiều tiền mới hút được.
Như vậy, tôi đã hiểu về giờ giấc ngày Chủ Nhật lao động xã hội chủ nghĩa. Bảy giờ ba mươi mới kẻng tập họp để tám giờ thì bắt tay vào lao động, đến mười hai giờ trưa mới nghỉ. Những điều ấy tôi chưa hỏi anh Lân tối hôm qua.
Khoảng bảy giờ, anh Lân, Vân và tôi ngồi nhai sắn sáng, trên chiếc chiếu con trải trên hè nhà, ngay cạnh cửa ra vào. Trời sáng nay không một vẩn mây, tuy thỉnh thoảng những đợt gió mùa Đông Bắc vẫn ào ào, luồn cái rét ngọt vào cơ thể mọi người. Nhưng ai cũng cảm thấy dể chịu hơn là có thêm mưa. Bởi vậy, trên hè, tuy bằng đất nện, nhưng khô ráo sạch sẽ nên cũng lố nhố nhiều người. Cả toán ba lẫn toán hai đang ngồi ngồm ngoàm những củ sắn để chờ giờ đi lao động.
Từ dưới sân chính phía nhà bếp, thoáng thấy bóng tên trực trại đi lên. Khi tới ngang buồng hai, y ngoặt vào, bước lên hè, làm nhiều người râm ran lên tiếng:
- Chào cán bộ ạ!
Y bước vào trong buồng một mình, nên anh Lân buồng trưởng phải đứng lên vào theo. Bên ngoài này, tôi và hẳn còn nhiều người đều nghĩ, y lại sắp đem ai đi cùm, nên những chiếc mồm đang nhai sắn đều ngập ngừng, lắng nghe chờ đợi.
Một lúc sau, từ trong buồng y trở ra tới cửa, tôi và Vân vẫn cúi đầu chậm chạp, ngoạm nốt suất sắn sáng đang ăn dở. Thoáng bóng một bàn chân dép râu với chiếc ống quần mầu vàng, vừa để lên bậu cửa buồng, chếch ngay phía sau lưng tôi. Như vậy, y đang đứng nhìn Vân và tôi. Một giây sau, y cất tiếng hỏi đột ngột:
- Anh Bình, đêm qua anh nói mơ hay nói thật? Anh nói gì anh còn nhớ không?
Tôi quay lại, vì hơi bất ngờ nên làm tôi cũng hơi ngỡ ngàng. Tuy thế, chợt nhớ tới sự việc của y với anh Phạm Tấn Tích sáng hôm qua, nên tôi đã bình thản hỏi lại y:
- Thưa ông tôi đã nói mơ gì ạ?
Một vài giây, y ngập ngừng, trong khi có nhiều bộ mặt chung quanh, kể cả anh Lân đang lo lắng nhìn tôi. Hơi sừng sộ, y lớn tiếng:
- Anh thường nghĩ về cái gì, thì anh nói cái đó!
Hơi nhếch mép nhưng không cười, tôi trả lời:
- Nếu vậy, hẳn rằng tôi lại nói về cái ăn rồi. Vì suốt ngày, lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến cái ăn mà thôi.
Hơi nặng chân, y bước hẳn ra ngoài, xuống sân. Ngoay ngoảy đi về hướng nhà bếp, hẳn rằng trong lòng y đang mang một nỗi hậm hực. Tôi nghĩ thầm: thật là may, câu trả lời của y đã mở cho tôi một lối thoát để trả lời. Bởi vì, tuy từ nhỏ tới giờ tôi chưa hề bao giờ nghe thấy ai bảo tôi ngủ nói mơ, dù rằng tôi thường nằm chung đụng với nhiều người khi còn ở trại sinh Phú Thọ cũng như trong tù hiện nay. Song le ai dám chắc chắn, khẳng định hiện nay và sau này mình không bao giờ nói mơ, nói sảng? Chứ còn ngủ mơ thì ai mà chả. Nếu không thì làm sao lại vẫn có câu ca dao lơ lẳng: “đố ai nằm ngủ không mơ…”
Y đã đi rồi, cũng chẳng một ai hỏi han tôi về sự việc này, kể cả anh Lân và Vân ngồi ngay cạnh tôi. Đưa mắt nhìn lên mấy tảng mây trắng đang lững lờ bay, tôi nói một câu trống không:
- Hôm nay trời rét ngọt!
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen