Số lần đọc/download: 4260 / 112
Cập nhật: 2015-05-07 08:47:14 +0700
Chương 39 - Khử Độc
Á
nh mắt Tư Dao đọng lại trên cây liễu khô ngẳng bên ngoài cửa sổ. Gần đây nhiệt độ ngoài trời giảm mạnh, cây liễu ấy đã sớm xác xơ từ những ngày đầu mùa đông, lúc này trông nó lại càng run rẩy, hắt hiu. Nhưng thật bất ngờ, hôm qua có một chú chim đến đậu trên cây liễu đến nửa giờ đồng hồ, đã đem lại cho cái khung cửa sổ này một chút sức sống.
Liệu hôm nay nó có đến nữa không?
Sinh mệnh héo tàn của mình có thể bay đến với chú chim có thể đem lại hi vọng và sức sống đó không?
Hiện thực đã bộc lộ cho cô nhìn rõ khía cạnh tàn khốc của nó, cô sẽ thoát khỏi “Đau thương đến chết”.
Điều đáng buồn hơn là, khi sắp phải ra đi, cô không có gì hết.
Cha mẹ đã ra đi trước mình, điều ấy không hẳn là rất đáng buồn; người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh mới là đau xót cùng cực. Các bạn thân thiết bao năm, dù ít hay nhiều cũng đã vì cô mà phải ra đi; tình yêu cô đã từng nâng niu thì tan nát, Lâm Nhuận đối với cô như một người yêu, một người thân, nhưng những biến cố đã xảy ra khiến cô cảm thấy bất ổn, cô cần có thời gian để nguôi ngoai.
“Dao Dao!”. Một giọng nói thân quen vang lên. Diêu Tố Vân đã đứng trước cửa buồng bệnh nhân.
Tư Dao có phần ngạc nhiên lo sẽ làm liên lụy đến bạn. Cô và Tố Vân đã lâu ngày không liên lạc với nhau. Sao Tố Vân lại tìm đến đây được?
“Các vị cùng thuê nhà của cậu đã cho biết, nên mình đến thăm cậu.”. Tố Vân đặt một túi quà lên trên mặt tủ nhỏ kê ở đầu giường, rồi ngồi xuống bên cô. “Mình muốn biết sức khỏe cậu thế nào”.
“Vẫn rất ổn. Mình mắc một chứng bệnh chưa xác định rõ, nghe nói những người từng mắc phải nó đều có tiên lượng khả quan”. Tư Dao không muốn làm cho bạn phải lo lắng, và cũng không muốn tiếp nhận sự thương hại.
“Nghe nói hiện giờ cậu không thể chịu nổi những xáo trộn mạnh về tâm trạng, đúng không?”
“Ấy là nói vậy thôi! Mình vốn đâu phải người hơi một tý là giật mình nhớn nhác? Họ nói thế, không thật đáng tin đâu. Này, cậu định đem đến cho mình một tin vui gì đặc biệt chăng? Mình đã sẵn lòng đón nhận, cậu nói đi?”. Tư Dao nhận thấy mình vẫn rất hiếu kỳ như trước. Chắc cũng là dấu hiệu của sức sống ngoan cường!
Tố Vân quan sát kỹ Tư Dao: “Cậu không vấn đề gì thật chứ?”
“Mình đâu có mềm yếu như vậy! Nào, cứ hù dọa mình xem sao?”
Tố Vân gật đầu, ngoảnh ra phía cửa gọi: “Xin mời vào!”.
Một người đàn ông dáng tầm thước bước vào. Tư Dao chưa từng biết ông ta nhưng cô cũng hơi kinh ngạc: ông ta rất giống một thổ dân trên hòn đảo nào đó ở Thái Bình Dương! Mái tóc không chải, bù xù như đám rễ tre, râu ria lấp kín mồm, che gần hết khuôn mặt. Quần áo thì như lâu ngày không thay, và rách bươm. Tuy nhiên trông vẫn có vẻ hiền hoà tử tế.
“Ông là…”
“Cô Tư Dao! Chúng ta đã từng gặp nhau qua điện thoại…”
Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng Tư Dao vẫn kinh ngạc bật dậy khỏi giường, quên cả mình đang truyền dịch, người cô vẫn đang vướng các dây nhợ.
Cô đã nhận ra giọng nói này. Đây là ông Cố Trân – nhà phong tục học đã mất tích bấy lâu.
Tố Vân vội đỡ Tư Dao trở về giường. Người y tá nhìn qua cửa kính thấy thế vội chạy vào hỏi han và cũng rất ngạc nhiên nhìn ông Cố Trân.
Tư Dao vội nói: “Hai vị này đều là bạn vào thăm tôi”.
“Bác sĩ Tạ Tốn đã nhiều lần dặn dò không được để cô ấy bị xúc động…”
“Không sao đâu, tôi không hề xúc động gì cả”. Tư Dao nói ngay.
Người y tá lại nhìn Cố Trân, rồi mới đi ra. Tư Dao nói: “Tạ ơn trời đất, bác Trân vẫn ổn cả!”
Ông Trân thở dài: “Cô xem, tôi đã thành ra nhếch nhác thế này, chưa thể nói là tốt đẹp gì. Tôi nghe nói cô đã đến thị trấn Hoa Tây để tìm tôi, rõ thật là khổ!”
“Không ạ! Lẽ nào tôi không nên làm như thế?”
“Tôi đã trốn khỏi núi Vũ Di, rồi về thẳng đây tìm cô, nghĩ rằng những điều tôi đã trải qua và phát hiện được sẽ giúp cô giải toả một số nghi hoặc”.
“Tôi có nghe một cậu thanh niên ở Thôn quái dị kể rằng, bác đã bị dân thôn hành hạ rất kinh khủng, tôi nghĩ đến mà phát sợ”.
“Tôi đang định kể với cô chuyện đó. Tôi nói ngắn gọn nhé, tôi chuyên nghiên cứu phong tục học và có tính tò mò rất mạnh. Sau khi nghe các vị kể về Tân Thường Cốc kỳ dị, về hang quan tài, về chuyện hãi hùng phơi thây ngoài đồng, về Thôn quái dị… tôi không nén được nữa, quyết định phải đi Hoa Tây một phen. Trước đó, tôi đã vào hang quan tài treo”.
“Thế thì không hay rồi! Những người vào đó đều đã lần lượt qua đời, chỉ còn sót mình tôi. Tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Lẽ ra hồi đầu tôi không nên truyền bức E-mail đó cho bác”.
“Tôi không nghĩ nhiều đến thế đâu, bởi vì câu chuyện nghe quá huyền bí, tôi không tin tà ma gì hết. Nào ngờ lúc tôi đi ra rồi đến thôn quái dị, tôi mới thấy hối hận vì mình đã vào cái thôn ấy!”
“Tôi đến nơi lúc nhá nhem tối. Tôi vào thôn, cảm thấy ở đây có một bầu không khí hết sức kỳ dị. Thật thế, nếu hai cô nhìn thấy… một cái thôn không lớn, đang có khoảng một trăm người đủ các lứa tuổi đi trên đường, họ đều mặc áo mưa với cái mũ nhòn nhọn đội trên đầu – mà lúc đó trời không hề mưa! Hình như trong thôn xảy ra việc gì đó hết sức đáng sợ. Người nào cũng lo lắng nghiêm sắc mặt, bước đi vội vã không nói một lời, lầm lũi đi ra khỏi thôn về một địa điểm mới ở trong núi. Hình như dân thôn đều từ bỏ cái chốn yên tĩnh, đã đủ để cách biệt thế giới này để chạy đến một chốn còn cách biệt thế giới hơn nữa. Điều kỳ cục là ngay cả những đứa trẻ đi trong đoàn người cũng câm như thóc.
“Có vẻ như hàng ngũ đang nghiêm chỉnh của họ đã bị sự có mặt của tôi làm cho đứt đoạn. Đang đi ra khỏi thôn, họ bèn lục tục quay lại. Tôi đang kinh ngạc hãi hùng, liền bị họ vây kín. Cả bầy người mặc áo mưa xám xịt. Tôi vốn nghĩ mình đã đi khắp bốn phương, học rộng biết nhiều… nhưng lúc đó thấy phát hoảng, bèn kêu lên “Tôi là nhà phong tục học, chỉ ngẫu nhiên đi qua đây thôi!”. Một người trung niên bước ra, có lẽ là “ông trùm” của thôn, nhìn tôi chằm chằm và hỏi: “Tôi không cần biết ông là nhà gỉ nhà gì, chỉ muốn hỏi ông có vào hang quan tài treo – có ba cỗ quan tài, hai to một nhỏ - hay không?” Tôi nhớ Tư Dao đã dặn, nên cứ một mực phủ nhận. Nào ngờ ông ta lại nói: “Những ai đã vào hang quan tài, họ đều công nhận cả; tiếc rằng ông lại hèn nhát cãi phăng!” Tôi lớn tiếng phản bác cái logic của ông ta nhưng không ăn thua. Ông ta nói: “Tôi sẽ cho ông biết một thứ logic tốt hơn: đã đến đây rồi thì ông là khách của chúng tôi, khách chiều ý chủ, cho nên ông phải theo chúng tôi vào núi.”
“Tôi hết sức tò mò muốn biết rốt cuộc họ định làm gì, đi đâu nhưng lúc này nỗi sợ hãi đã lấn át, tôi chỉ mong thoát khỏi đám người ấy. Tôi đành trả lời quấy quả là tôi đồng ý đi cùng. Đám người bèn giãn ra, tôi bị kẹp vào giữa rồi tôi đi theo họ. Tôi hỏi mấy người bên cạnh, trong thôn đã xảy ra chuyện gì, nhưng không ai trả lời.
“Đi vào một con đường núi, tôi cố để ý các dấu vết dọc đường, các chỗ rẽ ngoặt, chỗ lèn dốc… đồng thời giả vờ đau chân, tôi dần tụt xuống cuối đoàn người, thế rồi rình được cơ hội tôi quay đầu bỏ chạy. Tôi vốn quanh năm đi thăm thú các địa phương nên có “đôi chân thép” thứ thiệt; mọi ngày dù không xuống địa phương nhưng tôi vẫn là dân đam mê Ma-ra-tông, nên tôi rất tin mình sẽ bỏ xa đám dân thôn ấy. Họ tuy mạnh khỏe, quen đi bộ nhưng chưa chắc đã đuổi kịp một vận động viên nghiệp dư giàu kinh nghiệm và thường xuyên luyện tập nghiêm chỉnh như tôi.
“Tôi cắm đầu chạy. Tiếng chân bước, tiếng hô phía sau dần im ắng. Tôi không dám chủ qua, vẫn ra sức chạy – chạy một lèo đến thôn Quái dị vắng tanh vắng ngắt, rồi lại chạy một hơi đến Thị Trấn Hoa Tây đã là nửa đêm, cả thị trấn đều đang trong giấc ngủ. Tôi nhìn xung quanh không một bóng người, bèn lấy di động ra, thấy vẫn có sóng, tôi bèn gọi cho cô. Tôi không muốn làm phiền cô nhưng vì lúc đó tôi cảm nhận rằng đám người kia sẽ không dễ gì buông tha cho tôi, lỡ tôi gặp bất trắc gì thì cô có thể báo công an.
“Nào ngờ, khi tôi đang nói thì một bàn tay từ phía sau bịt mồm tôi rồi giật luôn di động. Những người mặc áo mưa đã đuổi kịp, trói nghiến tôi lại, ném xuống đất. Tôi có thể thấy rõ ánh mắt căm tức và tàn bạo của họ. “Ông trùm” tuổi trung niên nói khẽ: “Rời chúng tôi, ông chỉ có chết!”. Tôi nghĩ, thế là hết, họ sẽ giết mình.
“Tôi nằm trên mặt đất, bọn họ thì đứng im không nhúc nhích, sau đó từ từ lùi lại, bước đi. Tôi dần dần thấy người ngứa ngáy như bị loài sâu bọ gì đó đang bò khắp người. Các cô khó mà tưởng tượng nổi tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu thế nào. Lúc đó tôi nghĩ nếu bị đày xuống địa ngục thì cũng chỉ khổ đến thế này là cùng. Nhưng tiếp đó còn kinh khủng hơn: bị ngứa đã đành, tôi còn thấy toàn thân như bị kim châm, chứng tỏ đúng là đã có đàn bọ trên người, chúng đang cắn tôi. Khốn đốn hơn nữa là tôi cảm thấy máu của mình hình như đang bị rút mất, thì ra là lũ bọ đang hút máu! Tôi luôn coi mình là người can trường, thế mà lúc đó cũng phải kêu lên nhưng tôi lập tức bị nhét khăn mặt vào mồm. Giờ đây nhớ lại cái cảm giác bức bối đau khổ ấy, tôi lại sởn gai ốc”.
Tư Dao cũng rùng mình, cô nói: “Sau đó tôi đã đến thị trấn Hoa Tây tìm bác, rồi lại báo công an nữa. Có một cậu bé nhìn thấy cảnh bác bị hành hạ, đã kể lại với tôi. Tôi ngỡ là bác đã bị sát hại”.
Ông Cố Trân kêu lên “Ôi chao…”, ông cảm ơn, rồi lại kể tiếp: “Lúc đó tôi thấy mình sống thế này thì còn khổ hơn chết, chỉ mong có ai đó đấm cho tôi ngất xỉu thì tốt. Nhưng rồi, bị khốn khổ như thế rất lâu, tôi đã chết ngất thật. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình bị nhốt trong một căn buồng. Kể cũng lạ, căn buồng toàn làm bằng sắt: cửa sắt, cửa sổ chấn song sắt, tường sắt, giường sắt…”
Tư Dao khẽ kêu lên: “Nhà bằng sắt… tôi đã nhìn thấy ở phía dưới hang Thập Tịch”.
Ông Trân gật đầu: “Đúng là nó bằng sắt, nhưng sau này tôi biết nó ở rất xa hang Thập Tịch. Chắc là trong núi không chỉ có một căn nhà bằng sắt. Lúc đó tôi bị trói chặt, có người vào bón cơm và cho uống nước nhưng không hề nói với tôi một câu. Cứ thế liền mấy ngày, tôi gần như sắp phát điên. Bị nhốt, không thể thoát thân, cảm giác này cũng khốn đốn chẳng kém bị bọ đốt!”
Tư Dao gai người, cô thấy những cảnh ngộ mà ông Trân trải qua lại đụng chạm đến một cảm giác nào đó từ nơi sâu thẳm trong đáy lòng cô… nỗi sợ hãi đối với không gian khép kín! Tại sao mình lại mắc chứng sợ hãi không gian khép kín? Tại sao mình cứ có cảm giác như đã từng nhìn thấy Tân Thường Cốc và căn nhà bằng sắt ở đâu rồi?
Ông Trân nói tiếp: “Rồi một đêm… thực ra là đêm hôm kia, tôi thấy nhức nhối đến cùng cực. Tôi đang ngủ chập chờn thì choàng tỉnh dậy vì những luồng hơi nóng kinh người. Tôi ngồi lên, nhìn thấy ngoài cửa sổ rực đỏ, căn nhà sắt bị nung trong biển lửa ngùn ngụt!”
Chuyện này sao lại trùng hợp… giấc mơ ấy của mình… đây chính là tái hiện cơn ác mộng ấy! Tư Dao ngây người, lòng như sóng cuộn, hình như cô là người đang ở trong ngôi nhà bằng sắt đó, đang bị những làn khí nóng bỏng đó hành xác.
Tất cả là thực hay ảo?
“Lúc đó tôi nghĩ thế là mình đi đời rồi. Bọn họ vẫn muốn giết mình, sao cái đêm hôm đó không để mình chết luôn cho sướng, lại bắt mình phải chịu đau khổ thế này? Và tôi thấy mình cực ghét phải chết như thế này: chỉ ít phút nữa, căn nhà sẽ hết ô-xy, chết ngạt; hoặc là lửa nung nóng căn nhà, mình ở trên giường hay dưới đất thì cũng bị nướng chết! Tôi vừa ức vừa tuyệt vọng, tôi sắp phát điên, tôi lớn tiếng chửi mắng, nguyền rủa trời đất, nguyền rủa đám thôn dân quái dị kia.
“Căn nhà sắt mỗi lúc một nóng, không khí cũng loãng dần, toàn thân tôi đẫm mồ hôi, tôi sắp héo khô gục xuống đến nơi. Khi tôi mím miệng chuẩn bị chấp nhận cái chết thì một điều hết sức bất ngờ xảy ra: trận mưa rào cực to, trút nước liền hai giờ, đã dập tắt đám cháy ghê gớm kia.
“Sắp chết rồi lại thoát, tôi bàng hoàng nghĩ nhưng không rõ sẽ còn những thử thách gì đang chờ đợi tôi? Cánh cửa sắt bỗng bật mở, người đàn ông có vẻ là “ông trùm” của dân thôn bước vào cởi trói cho tôi, rồi nói: “Ông hãy tạ ơn ông trời, và cảm ơn cả chúng tôi nữa, kể từ nay ông lại là một người sạch sẽ. Hãy đi về. Không được kể với bất cứ ai về những chuyện ông đã trải qua, cấm ông không được viết sách về chúng tôi. Nếu không, ông sẽ phải hối hận đấy!” Tôi lấy làm lạ bèn hỏi: “Sao ông biết tôi viết sách?” Người đó nói: “Ông là Cố Trân – nhà phong tục học nổi tiếng của tỉnh này, đúng không? Vì tiền, máy di động, giấy tờ của ông đây… Chúng tôi không muốn bị quấy nhiễu, nhưng không có nghĩa là chúng tôi mù tịt mọi chuyện ở bên ngoài” Tôi đang định hỏi, tìm hiểu về Thôn quái dị, thì người đó lại nói: “Ông không sợ tôi đổi ý à?” Nghe nói thế, tôi lập tức nhận các thứ của mình rồi bước ra. Ra khỏi cửa, tôi vẫn không nén được phải hỏi một câu: “Tôi có gì mà không sạch sẽ? Không sạch sẽ thì sao?” Người đó lạnh lùng trả lời tôi bằng bốn chữ: “Đau thương đến chết!”.
Nói xong, ông Trân chăm chú nhìn Tư Dao. Cô như đang “nhập thiền”, vẫn đang suy ngẫm về những cảnh ngộ ly kỳ mà ông Trân đã trải qua. Sau một hồi lâu cô mới hỏi: “Bác vừa trải qua những nỗi gian nan, cũng đã trở về an toàn, chưa kịp ổn định mọi việc bác đã đến Giang Kinh kể cho tôi biết mọi chuyện, thực hết sức cảm ơn bác Trân”.
“Sau khi ra khỏi núi, tôi đã gọi điện cho cô ngay. Bạn cô nói cô đang nằm viện, tôi bèn liên lạc với cô Tố Vân, thế là tìm đến đây. Mục đích của tôi là mong cô suy nghĩ kỹ xem, biết đâu sẽ có được gợi mở gì chăng…”
“Gợi mở? Chẳng lẽ ý bác là…”
“Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ ngợi, dân Thôn quái dị bắt tôi chịu những cực hình, lại nói là để tôi được “sạch sẽ”, liệu có phải họ giúp tôi trừ bỏ những thứ “không sạch sẽ” mà tôi bị dính ở hang quan tài không? Nói thế thì không có vẻ khoa học gì cả, nhưng còn có thể có cách giải thích nào khác?”. Vẻ mặt ông Trân rất nghiêm túc.
Nghe nói thế Tố Vân cũng ngớ ra, cô không nén được hỏi luôn: “Chẳng lẽ lại là dùng các con bọ ấy để chữa bệnh cho bác?”.
“Trong quá trình khảo sát phong tục dân gian, tôi đã ghi chép được những cách chữa bệnh lạ lùng trong dân, có cả cách dùng đỉa hoặc sâu độc để hút các chất độc ở các vùng trên cơ thể người bệnh. Rất có thể, cho các con bọ hút máu tôi, là một cách giải độc cũng nên”.
“Nếu thế tức là dân ở Thôn quái dị cho rằng bác bị nhiễm độc ở hang Thập Tịch, nên họ đã dùng sâu bọ hút bỏ chất độc cho bác?” Tố Vân hỏi.
“Đúng. Làm thế thì tôi đã được “sạch sẽ”, sau đó họ đốt lửa quanh ngôi nhà bằng sắt, liệu đó có phải là cách “khử độc bằng nhiệt độ cao” không? Còn về trận “cập thời vũ” (1) đó – tôi nhớ rằng Tư Dao đã từng nhắc đến ông già mặc áo mưa có thể dự báo chính xác thời tiết – thì có thể là dân ở Thôn quái dị cũng giỏi dự báo thời tiết? Họ đợi ngần ấy hôm, là để chờ một trận mưa; vì tôi nhớ rằng những ngày bị nhốt trong căn nhà bằng sắt thì trời không hề mưa một giọt, mãi cho đến cái đêm cuối cùng ấy…”
Tư Dao gật đầu nói “có lý”. Cô càng thêm cảm kích trước sự nhiệt tình của ông Cố Trân nhưng cô nghĩ thầm, suy đoán của ông quá ư hão huyền; nếu làm như đề nghị của ông Trân thì sẽ giải thích với các bác sĩ ra sao? Chẳng lẽ lại đến núi Vũ Di tìm những người dân ở Thôn quái dị để họ “xử lý” mình như ông Trân – cho bọ hút máu, rồi nhốt vào nhà bằng sắt… Mình vốn đã mắc chứng sợ hãi không gian khép kín!
Tại sao mình lại mắc chứng đó? Tại sao mình lại có cảm giác đã nhìn thấy Tân Thường Cốc?
Cô nghĩ đến bác sĩ Du Thư Lượng.
Chú thích
(1) Cập thời vũ: mưa kịp thời (nghĩa đen); biệt hiệu của Tống Giang – Cập thời vũ Tống Công Minh trong truyện Thủy hử: chỉ người chu đáo, biết giúp người rất đúng lúc (nghĩa bóng).