Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 94: Một Buổi Sinh Hoạt Cuối Tuần
H
ôm nay khi cán bộ trực trại vào điểm xong, sau khi cửa đóng, anh Lân cất cao giọng nói với toán hai:
- Mười lăm phút, các anh toán hai hút thuốc, đi giải rồi ta vào sinh hoạt toán.
Không thấy tiếng đài léo nhéo như hôm qua. Tôi hỏi Vân thì được biết, hôm nay thứ Sáu, không có đài, để cho các toán, các buồng sinh hoạt hàng tuần. Vân móc túi mời tôi điếu thuốc cuộn, rồi nhẹ nhàng nói:
- Tôi nghe Bình được vào làm ở tổ vernie, may đấy. Công việc mộc nặng lắm!
Ngưng một lúc, đốt điếu thuốc, Vân lại hỏi:
- Thế nào, cảm tưởng Bình ra sao sau một ngày đi lao động?
Nhiều ý tôi định nói, nhưng tôi trả lời lập lờ, sau khi mồi xong điếu thuốc Vân đưa:
- Mình là tù thì chỉ biết cố gắng.
Nói rồi, tôi hỏi tiếp Vân, giọng hơi thắc mắc:
- Này, sao tôi thấy sau lưng nhiều người có số tù. Nhiều anh lại chỉ có chữ “cải tạo”?
Vân cũng nhìn tôi như cái nhìn của anh Đồng, khi tôi hỏi về hai người bị phạt đứng ở cổng trại lúc chiều, rồi chậm rãi nói nhỏ:
- Điều này chẳng ai hiểu được. Tập trung hay người ta thường gọi là “tắc bọp” thì không có án đã đành. Nhưng nhiều người có án cũng không có số. Như tôi đây chẳng hạn.
Vân nói đến đây thì anh Lân ngồi ở sàn phía trước, ngay cạnh cửa ra vào, vẫy tay ra ý muốn gọi tôi sang. Vừa đến nơi, Lân kéo tay tôi ngồi xuống cạnh, rồi ghé tai tôi nói nhỏ:
- Tao đề nghị, và nói mãi với cán bộ để mày về tổ vernie đấy!
Thấy cử chỉ của anh tỏ ra đầy thiện cảm, qua ánh mắt của anh cũng không thấy gì phải dè dặt, tôi cũng thân mật:
- Trong Nam anh ở đâu? Gia đình ấy!
- Vợ con tao ở Nghĩa Hòa, Ông Tạ, Sài Gòn. Thế còn mày?
Anh vồn vả hỏi lại tôi. Mừng ra mặt, tôi cũng niềm nở:
- Cũng ở gần anh, cuối đường Bắc Hải, Lê Văn Duyệt, và cũng Ông Tạ.
Anh rối rít đập vào tay tôi:
- Thế à, thế sao tao không trông thấy mày bao giờ?
Tôi thấy buồn cười, rồi cũng trả lời anh:
- Thế mà tôi lại…cũng không trông thấy anh bao giờ.
Anh cười như nắc nẻ thành tiếng. Tôi cảm thấy anh cũng không có gì sâu, hiểm. Người anh, tuy da vẫn còn tai tái như mọi người tù khác, nhưng anh vẫn mập so với nhiều người. Tôi đang nghĩ ngợi về anh, thì anh lại đập vào tay tôi như thúc giục:
- Thôi về sinh hoạt đã, mai nói chuyện tiếp.
Nói dứt, anh đứng lên, đi ra giữa nhà cất tiếng dõng dạc:
- Anh em toán hai ở sàn trên xuống hết dưới này. Toán hai ngồi gọn tập trung sinh hoạt ở phía đầu này. Còn toán ba sinh hoạt ở sàn trên, phía đầu kia để không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Anh vừa nói, tay anh vừa khoắng ra hai phía của căn nhà.
Trong buồng rầm rập, người trèo lên, người trèo xuống. Một vài tiếng í ới lớn tiếng của toán ba nhắc một người vào nhà xí, lấy chiếc đèn trong đó ra để sinh hoạt. Một anh toán hai trèo lên sàn trên với, tháo chiếc đèn bão đang treo giữa nhà xuống. Chỉ hai phút sau, căn buồng lại trở về im lặng. Trong góc phía sàn dưới, toán hai gồm năm mươi người quây quần, tụm lại một đám thành một vòng tròn. Ngay ở giữa, để một khoảng trống hơn một mét vuông. Lù lù ở một mé khoảng trống, đặt ngay trước mặt Phan Thanh Vân được Lân chỉ định làm thư ký ghi biên bản buổi sinh hoạt là một chiếc rương bằng gỗ, quét mực tím đã phai màu. Trên mặt rương, một góc là chiếc đèn bão, chính giữa là mấy tờ giấy trắng. Cái bút và lọ mực cũng mầu tím. Anh Nguyễn Huy Lân, toán trưởng chủ trì cuộc họp đang ngồi cạnh Phan Thanh Vân. Tôi ngồi trong một góc phía sau, cạnh Bùi Tâm Đồng với cậu Châu.
Ánh sáng của chiếc đèn bão hắt ra, làm cho những khuôn mặt ngồi xa phía sau thành đen thẫm. Lấp loáng những đốm mắt trắng đục lờ đờ, đăm chiêu đều nhìn vào chiếc đèn. Thoang thoảng một vài tiếng thì thào, rì rầm trong yên lặng. Nguyễn Huy Lân hơi dướn người lên, mắt lướt nhẹ một vòng qua các khuôn mặt, khèn khẹc vài tiếng, gãi cục đờm thuốc lào trong cuống họng. Anh cất tiếng, giọng vẫn còn rè:
- Lệnh và chỉ thị của ông cán bộ toán cho chúng ta sinh hoạt hôm nay nhấn mạnh. Toán ta phải đào sâu, cọ kỹ, mổ xẻ cụ thể về vấn đề tư tưởng. Toán chúng ta đã có truyền thống lao động hăng say, ít vi phạm nội quy của trại, triệt để áp dụng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nghiêm chỉnh bốn tiêu chuẩn cải tạo, sản xuất thường vượt mức kế hoạch. Vậy mà chưa năm nào khi bình bầu, toán ta được là toán xuất sắc. Như vậy là vì sao? Chính là vì vấn đề tư tưởng. Chúng ta phải thừa nhận rằng thành phần của toán chúng ta thật phức tạp. Nhiều cặn bã, mầu sắc, khuynh hướng được buộc chặt, gói kín. Nhưng thỉnh thoảng vẫn lấp ló ra trong lời nói hay hành động.
Chúng ta đều biết, hiện nay trong nhà kỷ luật có 6 người của toàn trại mà riêng toán ta đã chiếm 3 người. Tóm lại, chúng ta không thể phủ nhận là toán ta rất nặng về khâu tư tưởng. Bởi vậy, tôi đề nghị các anh hãy thành khẩn, tự nguyện trình bầy những khúc mắc trong lòng mình cho mọi người cùng đóng góp qua lại lẫn nhau, xây dựng giúp cho nhau cùng tiến bộ.
Anh Lân đã ngừng lời, cục hầu ở cổ anh cứ động đậy nhô lên, thụt xuống; chẳng hiểu vì muốn lấy hơi hay nuốt nước bọt? Láo liêng con mắt, anh nhìn khắp một lượt, đợi chờ.
Một phút, rồi hai phút, vẫn im lặng, nặng nề; nghe rõ cả một anh đang gãi bụng sồn sột. Một số cái đầu hơi cúi thấp xuống như muốn tráng ánh đèn. Bầu không khí đã bắt đầu hơi ngột ngạt, mặt tôi cũng dần dần nóng lên. Có lẽ anh Lân cũng thấy cái tắc nghẽn của sự im lặng, vì vậy anh lại rổn rang cất tiếng để tháo nút:
- Bây giờ trước hết từng tổ lần lượt phát biểu trình bầy những vướng mắc và những sự việc chính của tổ mình trong tuần qua.
Anh Lân vừa dứt lời thì đã có hai người giơ tay xin phát biểu. Cả hai anh tôi đều chưa biết tên, anh Lân chỉ một anh có cái đầu nhọn hoắt, cái môi dưới thưỡn ra như môi cá ngão, anh nói sôi nổi như cổ vũ:
- Hoan nghênh anh Dũng tổ 4. Xin mời anh phát biểu!
Anh có cái tên Dũng, lấy tay hất mạnh mái tóc đang phủ xuống mặt như đuôi con gà trống lên; mắt đăm đăm nhìn ngọn đèn:
- Tổ tôi gồm có 9 người, hiện nay chúng tôi nhận thi công 10 chiếc giường đôi của toán. Nói chung về khía lao động thì mọi người đều nổ lực làm đều tay. Còn về tư tưởng của mỗi người thì tôi không thể biết được. Tuy vậy, chỉ có anh Lù Chằn Păng, trong giờ lao động, anh hay lén lút làm đồ tư. Cụ thể tôi đã đưa một chiếc hộp con anh đã làm bằng gỗ Mỡ, báo cáo với cán bộ toán. Mặt khác, những buổi trưa hay chiều, anh Páng thường lẩn ra phía sau hội trường để liên lạc, quan hệ thì thầm to nhỏ với nhiều người dân tộc khác. Hiện tượng này, trong tổ chúng tôi đã nhiều lần giúp đỡ, nhưng anh vẫn cứ chứng nào tật ấy. Chưa hết, chiều Chủ Nhật vừa qua, anh Páng đã đem 4 con tem thư để đổi lấy con chuột nướng của anh Thiềng tự giác toán 6.
Thấy y phát biểu cứ giật đùng đùng như người ta đánh trống ngũ liên; tôi hỏi nhỏ cậu Châu ngồi bên cạnh. Tôi đã biết Châu là một trong nhóm 4 người mà Shè Khửu Sáng đã nói với tôi:
- Này em, Dũng, y tội gì?
Châu ghé sát vào tai tôi thì thào:
- Thằng này tiến bộ lắm! Nó thuộc đảng phái trong nhóm của Phạm Huy Tân. Nó là Lê Khắc Dũng, anh em vẫn gọi nó là Dũng Khoằm. Anh có nhìn thấy cái mũi của nó khoằm xuống như mỏ con vẹt không?
Trong khi Châu đang thì thầm với tôi thì anh Lân đã hướng về anh thứ hai, đã giơ tay lúc nãy:
- Bây giờ xin mời anh Đinh Sơn, tổ kỹ thuật phát biểu.
Nghe anh Lân gọi là Đinh Sơn, tôi cứ chằm chặp nhìn anh ta mãi. Óc tôi đang lục tìm những cái tên trong toán Boone biệt kích đã ra đầu hàng. Phải rồi Đinh Sơn, Lân, Thú, Công Thành v.v… Hôm qua tôi đã nhìn thấy anh này nhiều lần ngoài lán mộc. Dáng anh cao cao, nhưng cái lưng lại hơi cong về phía trước. Tóc anh cắt ngắn ngủn, đôi mắt to và sâu, làn lông mày thật thưa. Nét mặt luôn đăm chiêu, chưa thấy lúc nào anh ta cười.
Trong khi tôi đang thả hồn nghĩ ngợi về anh và toán Boone thì anh đang chậm rãi, nhỏ nhẻ phát biểu:
- Tổ chúng tôi chỉ có 3 người, thường sản xuất mặt hàng làm kỹ, riêng cho cán bộ và ban giám thị nên không có định mức. Tuy vậy, trong phong trào thi đua một người làm việc bằng hai để góp phần chống Mỹ cứu nước, tổ chúng tôi luôn luôn cố gắng thao tác tay nghề thành thực; nâng cao kỹ thuật để đạt hiệu suất cao. Hàng ngày chúng tôi thường động viên, giúp đỡ nhau trong ý thức tập thể vươn lên; triệt để hưởng ứng phong trào thi đua chung của trại.
Tuy lời phát biểu không có gì đặc biệt, nhưng anh nói từ tốn, trầm trầm thể hiện sự điềm đạm, sống nhiều về nội tâm. Tôi đang nhìn chiếc lưng dài, cũng hơi cong cong của Phan Thanh Vân đang ngồi khòm xuống ghi biên bản thì anh Lân lại hướng về một anh nhắc nhở:
- Còn tổ 3 của anh Phạm Tấn Tích nữa. Tổ vernie của anh Quý phát biểu đi chứ!
Một anh chắc là Tích, tuy còn trẻ nhưng dáng lùn tịt. Từ sớm, anh vẫn ngồi im lặng nhìn xuống khoảng chiếu trước mặt. Chiếc cằm của anh lẹm ngắn cũn cỡn; hàm răng trên lại hơi hô, nên nhìn thoáng, cứ tưởng như anh không có cằm. Anh ngẩng lên nhìn về phía chiếc đèn; cũng khọt khẹc gại giọng rồi anh nói ẽo ợt, giọng đặc Bến Tre:
- Tổ chúng tôi gồm 10 người, hiện đang nhận đóng 5 chiếc tủ áo hai ngăn của trại. Trong ý thức thi đua thực hiện tốt 4 tiêu chuẩn cải tạo, chúng tôi luôn nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, nâng cao tay nghề, nỗ lực lao động sản xuất để đạt năng suất cao. Về nội quy, tổ chúng tôi không vi phạm. Tuy vậy, tôi xin đề bạt một ý kiến trong thực tế mà chúng ta lại không ai nói đến.
Nói đến đây, anh Tích ngừng lại, a hèm mấy cái. Chắc bị vướng mấy tảng đờm trong cuống họng, vừa như anh cố ý để cho mọi người sốt ruột rồi mới nói tiếp:
- Trong phong trào thi đua một người làm việc bằng hai góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước với nhân dân. Hầu hết chúng ta ai ai cũng ra sức cải tạo, lao động không tiếc thân mình. Nhưng thực tế trong những buổi lao động, mọi người hùng hục hăng say thao tác chỉ được một giờ đầu, rồi sau đó rã rời uể oải dần. Tay cưa, tay đục, tay bào; thậm chí anh nào cũng hoa mày chóng mặt. Trong khí thế cả nước, quân cũng như dân đang dốc toàn lực cho sản xuất và chiến đấu, chúng ta không được quyền đòi hỏi ăn nhiều. Chúng ta chỉ xin ăn tạm đủ để có sức mà lao động sản xuất. Hơn nữa trong vụ giáp hạt của trại ta vừa qua: gạo chúng ta không có đã đành, nhưng sắn cũng không đủ, nhất là rau. Phương ngôn của dân tộc ta vẫn có câu: cơm không có rau, như đau không có thuốc. Chúng ta thiếu rau trầm trọng. Ăn muối rang nhiều bữa, nhiều người trong toán đã đi ngoài ra máu, trong đó có tôi. Toán chúng ta lại chỉ quanh quẩn làm trong lán thủ công…..
Anh Tích phát biểu đến đây, chừng như mệt ngừng lại để lấy hơi. Mọi người đều dướn người nhìn về phía anh. Da mặt ai hình như cũng được giãn ra, nên hơi sáng lên. Anh Tích lại tiếp tục:
- Tôi được biết toán rau đang thu hoạch toàn bộ 5 sào cải bắp cho cơ quan. Tuy những lá già được thu hoạch về phân phối một phần cho trại ta, một phần cho chăn nuôi của cơ quan. Nhưng anh em toán rau cho biết, vẫn còn nhiều rơi rớt, lãng phí. Do đấy, tôi đề nghị anh toán trưởng hãy mạnh dạn đề bạt với cán bộ toán quan hệ với ông Toàn cán bộ toán 5 cho anh Chén nhặt nhạnh và xin một ít lá cải bắp già về luộc cải thiện cho toán.
Đến đây thì mọi người nhao nhao lên tán đồng, ủng hộ ý kiến của anh Tích. Ngay cả tôi, mới vào có mấy ngày, cũng sót ruột như bào vì bữa cơm chỉ có sắn mà không có rau. Trong toán vẫn còn râm ran, ồn ào cả lên. Anh Lân phải cao giọng hai lần:
- Các anh trật tự, im lặng để sinh hoạt tiếp.
Rồi anh qua sang Phan Thanh Vân:
- Bây giờ đến tổ anh Vân cho ý kiến.
Từ đầu Vân vẫn cắm cúi ghi chép. Bỏ bút, anh hơi ưỡn người, chắc cho đỡ mỏi. Vì anh ngồi sát chiếc đèn, tôi nhìn rõ cái mắt chột phía trái của anh. Nó hoắm sâu vào như cái lỗ đáo, một vệt nước ướt vàng nhờn nhợt đang rỉ ra. Một cái sẹo dài ngòng ngèo, có một miếng thịt gồ lên ở dưới má. Mấy nốt sần sùi gần ngang miệng càng làm cho bộ mặt hơi to của anh thêm dữ tợn. Bù lại, anh có giọng nói nhỏ nhẻ và ấm cúng với chiếc miệng lúc nào cũng như cười, đã làm giảm hẳn cái nét dữ trên khuôn mặt. Một mắt anh liên láo nhìn mọi người một lúc, rồi cất giọng nói từ từ, thong thả:
- Tổ chúng tôi gồm 10 người. Chúng tôi đang nhận kế hoạch thi công 50 cái giường cá nhân. Sau nhiều lần bàn cãi, trao đổi, tổ chúng tôi đã cùng nhau hạ quyết tâm sẽ vượt mức ấn định 3 ngày, để lấy thành tích chào mừng quân và dân ta đã hạ 2000 máy bay của giặc Mỹ xâm lược. Nhưng hiện nay, chúng tôi hơi gặp khó khăn: anh Khải bị đi kỷ luật sáng hôm nay, do đấy, hẳn rằng chúng tôi sẽ không thể thực hiện được mức đã giao kết. Ngoài ra, sáng hôm nay có sự hiểu lầm để đến chỗ tranh chấp nhau về gỗ lạt với tổ anh Tích. Tôi thấy rằng tổ anh Tích đã sai. Những tấm ván đó, chúng tôi đã mất công lục lọi, bới tìm từ trong đống gỗ của lán chọn ra. Như thế, những tấm ván mà anh Lân toán trưởng phân cho tổ anh Tích là những tấm ván khác. Hoặc, chính anh Lân đã chưa biết những tấm ván ấy là của chúng tôi đã chọn ra nên đã phân bổ cho tổ anh Tích.
Sau khi Vân phát biểu xong, đến Quý Cụt tổ vernie của tôi cũng phát biểu, nhưng không có gì mới. Đến đây, anh Lân lại nhìn khắp lượt cả toán rồi dè dặt thăm dò:
- Sau khi chúng ta đã nghe các tổ đã lần lượt trình bầy, bây giờ xin anh em trong toán phát biểu.
Anh Lân chưa dứt lời đã có 3 – 4 cánh tay giơ xin có ý kiến. Trong 4 người này thì tôi đã biết 2 là Lù Chằn Páng và bác Đặng Minh Chánh. Anh Lân chỉ bác Chánh nói trước. Với giọng miền Nam khàn khàn, nhưng bác nói thật to và mạch lạc:
- Tôi phản đối ý kiến của anh Lân toán trưởng khi nãy, cho là toán hai khâu tư tưởng quá nặng nề. Tư tưởng là trừu tượng! Bản thân của tư tưởng thì không ai nhìn thấy nên không thể ai đánh giá được là xấu hay tốt. Vậy chỉ có thể đánh giá được khi nó thể hiện ra lời nói, cử chỉ hay việc làm. Bởi tư tưởng là thống soái, là bộ tổng tư lệnh chỉ huy mọi việc làm, cử chỉ cũng như lời nói của một người. Toán 2 chúng ta như các tổ đã trình bầy, hầu hết là hăng say, tích cực lao động. Lao động có hiệu suất cao, vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, làm lợi cho công quỹ của trại. Thực hiện nghiêm chỉnh 12 điều nếp sống văn hóa mới, 10 điều nội quy và 4 tiêu chuẩn cải tạo. Như thế, nếu bảo tư tưởng không tốt, tư tưởng nặng nề thì làm sao đạt được những thành tích tốt đẹp như vậy? Làm sao mà hầu hết những công trình chính, những việc trọng yếu trong trại gần như đều do toán 2 thi công, thực hiện? Do đấy, những anh em bị đi kỷ luật là những cái riêng biệt cá nhân của mỗi người. Không thể nào chỉ nhìn vào vài cá nhân này mà đánh giá cả toán 2. Phần nữa, hiện nay anh Khâm của toán ta bị bệnh lao, đang nằm ở bệnh xá. Hôm qua tôi được biết, do thời tiết quá lạnh và do thiếu… à bệnh tình của anh khá nặng nên hai ngày nay anh đã lịm đi, ngay nước cháo cũng không ăn được nữa. Có thể đêm nay, hoặc ngày mai sẽ từ giã chúng ta. Tôi đề nghị, ngày mai nếu anh còn sống, toán ta cứ lấy hai người đại diện. Tuy chúng ta cũng chẳng có gì để giúp mình, nhưng gọi là nghĩa tình cùng một tầu ngựa, thăm hỏi, an ủi nhau bằng một vài lời cho ấm lòng kẻ ra đi.
Ông già nói hùng hồn, nói phòi cả bọt mép ra. Cứ mỗi lần, ông nhấn mạnh, tay của ông lại vẩy ra một cái, như có con sâu róm đậu vào tay; như phụt ra được một ấm ức đã ủ nên từ lâu. Anh Lân lại chỉ tiếp một anh khi nãy đã giơ tay xin phát biểu. Anh này người thật to lớn khác thường, còn cao hơn cả Phan Thanh Vân. Anh là người cao, to nhất toán, có khi nhất trại. Cũng cái đầu cắt cao như Đinh Sơn, anh có làn da bánh mật. Những ngón tay của anh to như những quả chuối tiêu xanh luộc rồi, vừa dài, vừa xam xám. Nhưng anh lại có một bộ mặt nhìn thật hiền. Tò mò tôi lại ghé sang Châu thì được biết anh là Lê Văn Kinh, người nhái bị bắt trong vụ nổ, phá một chiếc tầu trên sông Gianh năm 1962. Khi phát biểu, tôi mới biết anh là người miền Nam. Anh nói giật giọng không đầu, không gẫy gọn, sáng tỏ ý. Chứng tỏ rằng anh không phải là người quen ăn nói, tranh cãi trước đám đông. Nội dung anh phát biểu cũng chẳng có gì khác lạ; không ngoài mấy vấn đề sinh hoạt, lao động trong tổ, trong toán. Nghe anh phát biểu, tôi có cảm tưởng anh chỉ muốn chúng tỏ là một người cải tạo tiến bộ, có tinh thần đóng góp với tổ, với toán mà thôi.
Lần này thì anh Lân chỉ tiếp đến Lù Chằn Páng. Anh này, da trắng trẻo như con gái. Người tầm thước, hay mặc chiếc áo bóng xanh mầu da trời, nhiều chỗ bạc phếch với nhiều miếng vá loang lỗ. Tuy tiếng Việt nói không rõ lắm về âm sắc; chỉ thô kệch, mộc mạc, nhưng mặt anh đỏ lên trong khi phát biểu. Những lời nói của anh như được xì ra từ một nỗi căm tức, uất ức trong lòng:
- Tôi xin có ý kiến với anh em là anh Dũng tổ trưởng của tôi không có tốt. Anh ta cậy mình là tổ trưởng, áp chế tôi không biết ăn nói, là người dân tộc. Từ lâu, tôi có một miếng xà phòng của gia đình tiếp tế. Anh muốn xin một nửa, tôi không cho. Tôi để dành, để thỉnh thoảng gội đầu. Rồi anh ta ghét tôi. Anh ta giữ nội quy cũng không có tốt. Hôm nọ, buổi trưa, tôi thấy anh ta vào phòng trật tự của anh Tân cùng vụ với anh, giấu đem về buồng củ sắn nướng. Tôi nằm gần, thấy anh bỏ màn, lén lút lấy ra ăn. Anh Dũng không có cải tạo tốt đâu!
Một vài tiếng cười rúc rích khi nghe anh Páng phát biểu. Tôi cũng thấy rung rung trong bụng, không phải vì nội dung lời phát biểu của anh, nhưng là cử chỉ, thái độ tức bực, phẫn nộ của anh. Tuy ai cũng cảm thấy là anh đã nói thật.
Còn một người có ý kiến nữa là anh Lương Yên. Người quét dọn vỏ bào, làm vệ sinh ngoài lán thủ công của toán. Tuy anh chỉ khoảng 45 – 46 tuổi nhưng mồm anh chỉ còn cái răng, nên má hóp vào thành móm sều. Anh đề nghị mọi người trong toán khi lao động ở ngoài lán thủ công hãy tiết kiệm nước uống. Các cán bộ vũ trang, từ nay chỉ dẫn anh vào giếng trại lấy nước có một lần vào tiết lao động sáng. Bởi vậy, chỉ có một gánh nước nên buổi sáng một thùng và chiều một thùng, thay vì hai gánh sáng, chiều như trước đây.
Vì không có đài, nên cũng chả biết lúc này là mấy giờ. Nhìn qua khe cửa sổ ra bên ngoài, trời đen kịt một mầu. Tuy ngồi trong buồng, cạnh bao nhiêu người mà tôi vẫn lạnh run. Nhiều người đã ra chiều mỏi mệt, ít nhất cũng gần 3 tiếng đồng hồ rồi. Tư tưởng tôi đang bồng bềnh băn khoăn, vấn vít vào những tình huống của cảnh đời mới thì tiếng anh Lân dội lên:
- Cuối cùng xin anh Bình phát biểu cảm tưởng sau một ngày đi lao động.
Không hề nghĩ là anh Lân muốn tôi phát biểu hôm nay, vì tôi đã biết gì đâu? Bất ngờ nên hơi khớp, tuy vậy sau một giây lấy lại tinh thần tôi chậm chạp nói:
- Thưa các anh, sau một ngày theo các anh đi lao động ở lán. Nó cũng là ngày đầu tiên đi lao động trong cuộc đời cải tạo của tôi. Rồi tối nay lại được dự một buổi sinh hoạt chung với toán. Cảm tưởng của tôi thì nhiều, nhưng cảm tưởng nào cũng còn nhiều ngỡ ngàng chưa rõ, chưa chính xác. Có một điều đã rõ nhất là tôi được an lòng hơn so với khi chưa nhập trại.
Anh Lân thấy tôi ngừng lời, anh quay sang phía Vân:
- Đề nghị anh thư ký đọc lại biên bản cho toàn toán nghe như thường lệ.
Phan Thanh Vân đọc lại biên bản chưa xong, tuy đã gần hết thì kẻng cấm đã gióng giả từng tiếng một, lanh lảnh vang lên như khua đập vào óc. Trong buồng lại ồn ào như tan hát. Chỗ thì chen chúc nhau vào nhà cầu, chỗ thì túm hụm chung quanh những chiếc điếu cầy, trong khi Vân và Lân đang vội vàng ký vào những tờ biên bản.