If you only read the books that everyone else is reading, you can only think what everyone else is thinking.

Haruki Murakami, Norwegian Wood

 
 
 
 
 
Tác giả: Lev Tolstoy
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Vu Van Quyen
Upload bìa: khoa tran
Số chương: 130
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 92
òn các cháu thế nào, chị - Nekhliudov hỏi chị sau khi đã nguôi nguôi.
Chàng được chị cho biết hiện chúng ở nhà bà nội chúng. Rất sung sướng vì cuộc tranh luận giữa hai người đã kết thúc, chị chàng bắt đầu kể cho biết các cháu thích chơi cái trò du lịch, giống như ngày xưa chàng vẫn chơi với hai con búp bê: một con làm anh Ả-rập đen thui, còn một con chàng gọi là cô bé người Pháp.
- Chị còn nhớ những chuyện ấy cơ mà? - Nekhliudov mỉm cười nói và cậu cứ hình dung là chúng nó lại chơi y hệt cậu ngày trước.
Câu chuyện nặng nề chấm dứt. Natasa lúc nầy bình tĩnh hơn, nhưng muốn tránh nói trước mặt chồng những chuyện mà chỉ có hai chị em nàng hiểu và để mở đầu câu chuyện chung, nàng bèn lái sang nói về những tin tức từ Petersburg mới đưa đến, về nỗi đau đớn của bà Kamenxkaia đã mất đứa con trai độc nhất, bị giết trong cuộc đấu súng.
Ignati Nikiforovich tỏ ra không tán thành một trật tự xã hội không liệt tội giết người khi đấu súng vào loại tội hình sự.
Ý kiến đó bị Nekhliudov phản đối và cuộc tranh luận lại nổ ra về ngay đề tài ấy; trong cuộc tranh luận nầy, cái gì người ta cũng chỉ nói nửa chừng; hai đối thủ không nói hết ý nghĩ của mình, họ giữ vững ý kiến chống đối nhau.
Ignati Nikiforovich cảm thấy Nekhliudov chê trách mình, khinh bỉ tất cả hành động của mình, và muốn chứng minh cho chàng biết những lời chê trách đó là sai lầm. Còn Nekhliudov không những vẫn giận người anh rể đã can thiệp vào công việc ruộng đất của mình (trong thâm tâm, chàng vẫn cảm thấy rằng anh rể và chị gái, cùng mấy đứa cháu, với tư cách là người thừa kế chàng, có cái quyền đó), mà chàng còn hết sức bực tức về con người thiển cận, dương dương tự đắc và điềm nhiên coi là hợp lý và hợp pháp một việc mà giờ đây chàng đã thấy rõ ràng là ngu xuẩn và tội lỗi. Cái tính tự đắc "ta đây" ấy làm cho Nekhliudov tức giận.
- Thế liệu toà án sẽ làm gì? Nekhliudov hỏi.
- Sẽ kết án khổ sai một trong hai anh đấu súng đó, như một tên sát nhân thường.
Nekhliudov cảm thấy hai bàn tay lạnh đi chàng nóng mắt, hỏi tiếp:
- Thế thì được tích sự gì?
- Thế là công lý.
- Cứ làm như công lý là mục tiêu hoạt động của toà án không bằng. - Nekhliudov nói.
- Không phải thế thì còn gì nữa?
- Là bảo vệ quyền lợi của giai cấp. Theo ý kiến tôi, toà án chỉ là một công cụ cai trị dùng để duy trì trật tự hiện hành có lợi cho giai cấp chúng ta mà thôi.
- Đấy là một quan điểm hoàn toàn mới, - Ignati Nikiforovich cười nhạt, trả lời. - Thông thường, toà án có mục đích hơi khác một chút.
- Đó là về lý thuyết, chứ không phải trong thực tế như tôi đã thấy. Mục đích duy nhất của toà án là duy trì xã hội ở tình trạng hiện tại. Để làm điều đó, toà án truy nã và bắt tội cả những người có trình độ ở trên mức chung và muốn nâng trình độ ấy lên những người bị gọi là chính trị phạm - lẫn những kẻ ở dưới trình độ chung của xã hội mà người ta vẫn gọi là những "điển hình phạm tội".
- Điều thứ nhất, tôi không thể đồng ý rằng những tội nhân gọi là chính trị phạm ấy đã bị xử tội vì họ ở trên trình độ trung bình. Phần lớn chúng đều là cặn bã của xã hội, cũng sa đoạ - tuy rằng có khác đôi chút chẳng kém những tên "điển hình phạm tội" mà ông coi là ở dưới trình độ trung bình.
- Thế mà tôi biết trong số đó có những người có trình độ cao hơn cả những quan toà xử họ tội đấy; chẳng hạn tất cả những tín đồ tông phái đều là những người đạo đức kiên nghị…
Nhưng Ignati Nikiforovich với thói quen chẳng để ai ngắt lời mình, không hề chú ý nghe Nekhliudov nói, thái độ đó làm Nekhliudov rất giận hắn cùng nói một lúc với chàng.
- Tôi cũng không thể nào thừa nhận được mục đích của toà án lại là duy trì trật tự xã hội hiện hành. Toà án có những mục tiêu riêng của nó: hoặc là cải tạo…
- Cải tạo tốt đấy cải tạo trong nhà lao, - Nekhliudov chêm vào.
- … hoặc là trừ khử, - Ignati Nikiforovich ngang nhiên nói tiếp, - những kẻ sa đoạ, chẳng khác gì thú vật, chúng đe doạ sự tồn tại của xã hội.
- Sự thực thì toà án có làm theo hai cách đó đâu. Xã hội không có cách gì để làm như vậy.
- Thế là thế nào? Tôi không hiểu, - Ignati Nikiforovich gượng cười, hỏi.
- Tôi muốn nói rằng thực tế chỉ có hai hình phạt hợp lý những hình phạt nầy đã dùng từ thời xưa là nhục hình và tử hình. Nhưng nhờ phong tục thay đổi, ngày một ôn hoà dần lên nên hai hình phạt đó càng ngày càng ít dùng đến.
- Đó mới là cái mới đấy; và ở ông nói ra nữa thì thật là lạ!
- Phải, bắt một người phải chịu đau đớn để về sau người ấy đừng tái phạm cái điều vì phạm nó mà người ấy phải đau đớn nữa, cái đó là hợp lý; và chặt đầu một kẻ nguy hại cho xã hội cũng thật là hợp lý. Cả hai hình phạt đó đều có nghĩa hợp lý. Còn bỏ tù một người hư hỏng vì vô công rồi nghề, vì tập nhiễm theo gương xấu, đặt hắn vào hoàn cảnh được cung cấp ăn mặc và bắt buộc phải sống vô công rồi nghề, chung đụng với những kẻ hư hỏng sa đoạ nhất, như vậy là nghĩa lý gì? Hoặc chở họ đi - tiền phí tổn do Nhà nước chịu, mỗi người đến hơn năm trăm rúp từ tỉnh Tula đến tỉnh Irkusk, hoặc từ tỉnh Kursk đến…
- Thế mà thiên hạ sợ những chuyến đi do Nhà nước trả tiền đó, và nếu không có những chuyến đi đó, không có những nhà tù thì ông với tôi, chúng mình sẽ không ngồi ở đây được, như chúng ta đang ngồi bây giờ đây.
- Nhà tù không thể đảm bảo cho ta được yên ổn vô sự đâu bởi vì không thể giam cầm được vĩnh viễn những người bị bắt, có ngày họ sẽ được thả ra. Trái lại bắt giam họ là dồn họ tới chỗ xấu xa truỵ lạc nhất, nghĩa là càng làm tăng thêm sự nguy hiểm.
- Ông muốn nói chế độ lao tù cần phải được cái thiện chứ gì?
- Nó không thể cải thiện được. Cải thiện nhà tù tốn nhiều tiền hơn là số tiền chi phí hiện nay cho nền quốc dân giáo dục, và chỉ thêm một gánh nặng với nhân dân.
- Những khuyết điểm của chế độ lao tù quyết không thể nào chứng minh rằng toà án là vô hiệu được, - Ignati Nikiforovich tiếp tục, không nghe em vợ nói.
- Không thể bổ cứu được những khuyết điểm ấy đâu? - Nekhliudov cất cao giọng trả lời.
- Nhưng, như thế thì làm thế nào? Giết chết họ ư? Hay là, như một chính khách đã đề nghị, đem khoét mắt họ đi? - Ignati Nikiforovich hỏi với một nụ cười thắng thế.
- Đúng, làm thế thì tàn nhẫn đấy, nhưng còn có công hiệu. Những biện pháp hiện nay đang dùng thì tàn nhẫn, nhưng đã không có công hiệu lại còn ngu xuẩn, đến nỗi không hiểu sao những người thông minh nhanh trí lại có thể tham gia vào một việc ngu xuẩn và tàn nhẫn như việc làm ở toà đại hình kia được.
- Thế mà tôi tham gia vào đấy, - Ignati Nikiforovich nói, mặt tái đi.
- Đấy là việc của ông. Còn tôi, tôi không thể nào hiểu được điều đó.
- Tôi nghĩ có nhiều điều ông không thể hiểu được, - Ignati Nikiforovich nói, giọng run lên.
- Tại một phiên toà, tôi đã thấy một viên phó chưởng lý cố gắng hết sức mình làm cho một thằng bé con tội nghiệp bị kết án; mà đối với tất cả mọi con người không bị hư hỏng, thằng bé ấy chỉ có thể gợi lòng thương mà thôi. Tôi đã biết một tay chưởng lý khác, trong khi hỏi cung một tín đồ tông phái, đã cho rằng đọc kinh Phúc âm là một hành động phạm vào luật hình. Thì ra tất cả mọi hoạt động của các toà án đều chỉ là những trò ngu xuẩn và tàn nhẫn như vậy cả thôi.
- Nếu tôi nghĩ như vậy thì tôi không làm việc nữa? - Ignati Nikiforovich vừa nói vừa đứng dậy.
Nekhliudov để ý thấy một ánh sáng là lạ dưới mắt kính người anh rể.
"Nước mắt chăng?" - chàng tự hỏi.
Những giọt nước mắt thật, những giọt nước mắt của một người bị xúc phạm. Ignati Nikiforovich lại gần cửa sổ rút khăn mùi xoa và vừa hắng giọng vừa lau kính, sau nhấc kính ra lau mắt. Rồi quay lại chiếc đi-văng châm một điếu xì gà hút, y không nói nữa.
Nekhliudov cảm thấy buồn và xấu hổ vì đã làm mếch lòng người anh rể và chị mình tới mức ấy, nhất là, ngày mai đã ra đi, chàng biết mình chẳng còn dịp nào gặp lại hai người nữa. Chàng ngượng ngùng cáo từ ra về.
"Điều mình nói rất có thể là đúng. Ít ra thì anh ta cũng không thể cãi lại được mình. Nhưng lẽ ra mình không nên nói ra với anh ta như thế. Sự thay đổi trong con người mình hẳn còn hời hợt cho nên mình đã tệ, đi đến xúc phạm anh ta như vậy và làm cho chị Natasa tội nghiệp của mình đau lòng".
Chàng nghĩ thế.
Phục Sinh Phục Sinh - Lev Tolstoy Phục Sinh