Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 90: Ict: Vấn Đề Nhận Thức
C
ác công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communication Technologies = ICT) đang thật sự làm biến đổi thế giới và đưa lại sự phát triển vượt bậc cho nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta vẫn đang đối mặt với ICT giống như Alibaba đứng trước kho báu. Điểm khác nhau là Alibaba thì có được câu thần chú “Vừng ơi, hãy mở ra!” còn chúng ta thì vẫn đang cố gắng tìm kiếm một câu thần chú như vậy.
Trước hết, chúng ta chỉ quen nói tới công nghệ thông tin (IT) hoặc tin học, trong lúc đó các nước phát triển lại chủ yếu nói về ICT. Thông tin không gắn với truyền thông thì chẳng khác gì hàng hóa không gắn với việc lưu thông, phân phối trên thị trường. Vì vậy, ICT chứ không phải chỉ IT mới là những thứ có thể tạo ra một nền tảng, một hệ chuẩn mới cho phát triển.
Hai là, ICT là để thông tin và truyền thông, chứ không phải để làm điều ngược lại. Nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội khép kín và cát cứ thông tin, thì chớ nên làm bạn với ICT! ICT
Ba là, ICT có thể tạo ra động lực cho sự phát triển vì các tính năng ưu việt của chúng. Các tính năng này tồn tại khách quan. Chúng ta chỉ có thể tận dụng các tính năng này phục vụ cho các mục tiêu phát triển, chứ không thể bắt chúng phải thay đổi theo ý muốn chủ quan của mình.
Rất tiếc, câu thần chú để mở kho báu ICT lại không thể nghe lỏm từ một lão phù thủy nào đó, nó nằm ngay trong nhận thức của chúng ta. Vậy thì, nội dung của nhận thức về ICT bao gồm những vấn đề gì?
Bốn là, nếu các tính năng của ICT là không thể thay đổi, thì cách tổ chức công việc của chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được. Và “Trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời”: Muốn tận dụng tối đa các tính năng ưu việt của ICT, chúng ta cần phải thay đổi cách thức tổ chức đời sống xã hội và cách thức điều hành công việc của mình cho phù hợp.
Bước tiếp theo của nhận thức sẽ dẫn chúng ta đến với các tính năng ưu việt của ICT. Dưới đây xin được liệt kê tám tính năng ưu việt chủ yếu của ICT:
1. ICT có khả năng lan tỏa rộng khắp và đa năng. Có thể áp dụng ICT cho rất nhiều hoạt động của con người từ nhu cầu cá nhân, đến việc kinh doanh và công việc của nhà nước.
2. ICT là nhân tố cơ bản để xây dựng các mạng và cho phép những người kết mạng hưởng lợi ngày càng tăng khi việc sử dụng mạng ngày càng được mở rộng.
3. ICT thúc đẩy việc phổ biến thông tin và tri thức bằng cách tách nội dung ra khỏi vị trí địa lý của chúng. Dòng chảy của thông tin vượt qua mọi sự ngăn cách địa lý, cho phép những cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa hội nhập với mạng toàn cầu và làm cho thông tin, tri thức, văn hóa tiếp cận được về lý thuyết đối với mọi cá nhân.
4. Bản chất “số”(digital) và “thực tế ảo” (virtual) của nhiều sản phẩm và dịch vụ ICT cho phép có được mức chi phí gần như bằng 0. Việc nhân bản nội dung sẽ gần như là miễn phí bất kể dung lượng lớn bao nhiêu; chi phí phân phối và truyền thông cũng gần như bằng không. Kết quả là ICT có thể cắt giảm đến tối thiểu chi phí giao dịch.
5. Khả năng lưu trữ, gọi ra, sắp xếp, lọc, phân phối và chia sẻ thông tin liên tục của ICT có thể dẫn tới những lợi ích to lớn trong hoạt động quản lý, cũng như trong việc sản xuất, phân phối và chiếm lĩnh thị trường. ICT có thể sắp xếp các công đoạn của quy trình công việc, của sản xuất và cung ứng và làm cho quy trình ban hành quyết định, quy trình kinh doanh và giao dịch nhanh chóng và hiệu quả hơn.
6. Do tính hiệu quả được nâng cao và chi phí được giảm thiểu, ICT là động lực thúc đẩy cho việc sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, cũng như các kênh cung ứng mới cho các ngành công nghiệp truyền thống, cũng như các loại hình kinh doanh sáng tạo, các ngành công nghiệp mới. Ngoài ra, trong nền kinh tế mới, các tài sản vô hình, đặc biệt là tư bản trí tuệ đang ngày càng là nguồn giá trị cơ bản. Với nền kinh tế này, đầu tư ban đầu chỉ bằng một phần rất nhỏ so với đầu tư trong nền kinh tế dựa vào tài sản hữu hình. Hệ quả tiếp theo là các rào cản sẽ được cắt giảm đối với việc tham gia kinh doanh, đồng thời cạnh tranh sẽ được tăng cường.
7. ICT hỗ trợ việc cắt giảm các khâu trung gian, chúng cho phép người dân tiếp cận trực tiếp được với các cơ quan chức năng; khách hàng nhận được sản phẩm và dịch vụ trực tiếp từ nhà cung ứng gốc. Đây không chỉ là nhân tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà còn tạo ra cái gọi là “thị trường cho mỗi khách hàng”, “chính quyền cho mỗi người dân”, nghĩa là các tiềm năng của ICT được khai thác để đáp ứng nhu cầu và sở thích của các công dân, khách hàng trên cơ sở từng cá nhân một.
8. ICT mang tính toàn cầu. Bằng cách tạo ra và mở rộng các mạng, ICT có thể vượt qua mọi sự ngăn cách về văn hóa và địa lý tạo cơ hội cho mọi cá nhân và cộng đồng, bất luận họ sống ở nơi đâu trên Trái đất, trở thành một phần hữu cơ của mạng kinh tế toàn cầu. Đây đồng thời là một thách thức đối với hệ thống chính sách, pháp luật và cấu trúc quan hệ giữa các quốc gia hiện nay.
Các tính năng này của ICT đối với chúng ta chẳng khác gì nguồn lợi hải sản vô tận trong lòng đại dương. Đại dương hứa hẹn rất nhiều điều, nhưng cũng rất dễ dàng thất hứa. Mỗi cách tiếp cận ICT trong việc hoạch định chính sách phát triển đều có những ưu điểm và những nhược điểm nhất định. Dưới đây là một vài cách tiếp cận mà chúng ta có thể tham khảo:
Một là, phát triển ICT nhằm mục đích xuất khẩu (như mục tiêu xuất khẩu 500 triệu USD phần mềm của nước ta chẳng hạn). Cách tiếp cận này có thể mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể, như sự tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những thành tựu như vậy không đương nhiên dẫn tới sự phát triển chung cho cả xã hội. Với các trung tâm công nghệ cao và những siêu sa lộ thông tin, đường cày của những người nông dân sẽ chẳng bớt nhọc nhằn hơn được chút nào. Ví dụ cụ thể về việc phát triển ICT định hướng xuất khẩu là trường hợp của Costa Rica và Đài Loan.
Hai là, phát triển năng lực sản xuất các sản phẩm ICT trong nước. Cách làm này có thể đáp ứng nhu cầu nội địa, củng cố các mối quan hệ kinh tế trong nước. Tuy nhiên, không sớm thì muộn, nó sẽ hạn chế khả năng tiếp nhận công nghệ mới và làm giảm ưu thế cạnh tranh của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu. Trong ICT không thể có vinh quang cho cả đời người. Sản phẩm mới liên tục xuất hiện trên thế giới và nền sản xuất trong nước, trong đa số các trường hợp, không đuổi theo kịp. Ví dụ cụ thể về việc sản xuất các sản phẩm ICT trong nước là trường hợp của Braxin, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Ba là, sử dụng ICT như động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Cách tiếp cận này lại có thể chia được ra thành hai loại:
1. Sử dụng ICT để tái định vị nền kinh tế quốc dân nhằm bảo đảm ưu thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, Malaysia, Tobago.
2. Sử dụng ICT để theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Ví dụ, Nam Phi, Estonia.
Cách tiếp cận cuối cùng (3.2.) có vẻ phù hợp nhất đối với đất nước ta. Tuy nhiên, đây là cách khó nhất. Vì rằng mọi chuyện không chỉ nằm ở ICT, mà ở khả năng sử dụng chúng như “đôi đũa thần” để tạo nên sự biến đổi kỳ diệu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo cách tiếp cận này, có năm loại công việc cần làm:
1. Xây dựng cơ sở hạ tầng ICT;
2. Phát triển nhân lực.
3. Xây dựng hệ thống chính sách phù hợp;
4. Tạo động lực kinh doanh;
5. Bảo đảm nội dung thông tin và các ứng dụng thiết thực1. Trên đây là những phần cấu thành của khái niệm khung về phương pháp tiếp cận ICT như một nhân tố để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Cuối cùng, nhận thức là thứ không thấy và không sờ được. Thế nhưng mọi công trình vĩ đại của loài người đều được xây dựng trước hết trên nền tảng của nhận thức. Xã hội thông tin cũng phải được xây dựng trên nền tảng này.
1 Báo cáo “Creating a Development Dynamic” năm 2001 của Accenture, Markle Foundation và UNDP.