Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 88: Giải Pháp Nào Cho Vấn Đề Giá Thuốc?
G
iá thuốc chữa bệnh, đúng hơn, sự bất hợp lý của nó đang là nỗi lo của người dân, đặc biệt là dân nghèo. Nỗi lo này lại đang được nhân lên bởi một quyết định hành chính gây ra tác động ngược. Đòi hỏi về việc niêm yết giá của Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính đã không làm cho giá thuốc giảm xuống, mà ngược lại - tăng lên. Người Nga gọi những cố gắng như vậy là “sự tận tình của gấu” (Theo truyện ngụ ngôn của Crưlốp, một con gấu đứng canh cho ông chủ của mình ngủ đã dùng cả một tảng đá lớn để đánh chết con ruồi đậu trên trán chủ).
Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn hơn là một loạt các giải pháp hành chính lại đang được cân nhắc để tiếp tục đưa ra. Và toàn bộ rủi ro nằm ở chỗ: chúng ta vẫn không có được câu trả lời chắc chắn là thị trường thuốc sẽ phản ứng như thế nào đối với “sự tận tình” tiếp theo này.
Trong thị trường thuốc, cũng giống như mọi loại thị trường khác, giá cả do quy luật cung cầu xác định. Điều quan trọng là làm rõ nguyên nhân tại sao quy luật này lại đang vận hành như vậy và tìm cách khắc phục. Hình thành một thị trường thuốc phát triển lành mạnh phản ánh đúng quy luật cung cầu, có lẽ, là quyết sách cơ bản và lâu dài hơn.
Trước hết, thử tìm hiểu về cung. Thuốc là một trong những thứ mà chúng ta phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Thậm chí có đến trên dưới 80% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Như vậy, chính sách quan trọng nhất liên quan đến cung là phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ việc sản xuất thuốc và các loại thuốc mà trong nước chưa sản xuất được. Phải làm thế nào để các giao dịch diễn ra nhanh chóng nhất và các chi phí thủ tục giảm đến mức thấp nhất. Điều này sẽ góp phần hạ giá thành của thuốc và người dân sẽ được nhờ.
Nhiệm vụ quan trọng khác liên quan đến cung là chống độc quyền. Việc các công ty dược ở nước ngoài giành được độc quyền (tương đối) do đã đầu tư rất lớn vào nghiên cứu và phát triển thường là vấn đề nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chúng ta. Tập trung công sức để tranh luận và phê phán loại độc quyền này chưa chắc đã là việc làm có ích. Tuy nhiên, điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được là loại bỏ sự độc quyền trong nước. Công việc này nên bắt đầu bằng cách xóa bỏ chính sách chỉ dành đặc quyền xuất nhập khẩu cho một số công ty dược con cưng.
Liên quan đến cầu, cầu về thuốc có hai đặc điểm quan trọng là:
1. Tính không thể trì hoãn;
2. Khả năng điều chỉnh cầu không cao.
Nếu bạn muốn mua một chiếc áo màu tím hoa sim để ăn diện, nhưng trên thị trường chưa có, thì nhu cầu này có thể trì hoãn đến khi bạn tìm được chiếc áo vừa ý. Tuy nhiên, nếu bạn cần tiêm kháng sinh để chữa viêm phổi, thì nhu cầu này là không thể trì hoãn. Sự không thể trì hoãn thường hạn chế khả năng mặc cả của người mua. Và một số người kinh doanh thuốc thiếu lương tâm đã lợi dụng điều này để tăng giá. Giải pháp quan trọng nhất ở đây là một chính sách thông tin hữu hiệu về thuốc và giá thuốc. Hiện nay, thông tin về giá cả nhiều mặt hàng trong nước đã được các báo đăng tải thường xuyên. Để phục vụ người nghèo, các báo cần quan tâm đưa tin nhiều hơn về giá thuốc. Trung tâm thông tin của Bộ Y tế cần cập nhật thông tin về giá cả các loại thuốc hàng ngày trên Internet thông qua một website chuyên về vấn đề này. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cần nghĩ đến việc thuê các báo đăng tin về giá những loại thuốc thông dụng nhất.
Khả năng điều chỉnh cầu về thuốc là rất hạn chế và phụ thuộc phần nhiều vào bác sĩ kê toa (và vào dược sĩ bán thuốc khi người dân tự mua thuốc chữa bệnh). Xin nêu một ví dụ để phân tích, nếu bạn muốn ăn xoài nhưng ngoài chợ không thấy bán, bạn có thể điều chỉnh cầu bằng cách mua bưởi về chén. Thế nhưng, người bệnh lại khó có thể tự mình làm điều tương tự đối với thuốc. Nếu các loại thuốc sản xuất trong nước có cùng tác dụng không được nhận biết, thì việc điều chỉnh cầu sẽ rất khó xảy ra. Cho nên cầu đối với một số loại thuốc sẽ rất thấp và đối với một số khác lại rất cao. Hậu quả mà chúng ta thường thấy là thuốc trong nước giá rất bèo, thuốc nhập khẩu giá rất cao. Điều quan trọng ở đây là một chiến dịch truyền thông về tính tương đương của những loại thuốc thông dụng nhất và về việc người bệnh cần chủ động hỏi các bác sĩ, dược sĩ về các loại thuốc có thể thay thế. Trách nhiệm của các bác sĩ, dược sĩ là cung cấp đầy đủ những thông tin này.
Cuối cùng, cải tiến và phổ cập dịch vụ bảo hiểm y tế có lẽ là biện pháp quan trọng nhất để giải quyết vấn đề khám, chữa bệnh cho mọi người dân, đặc biệt là cho những người nghèo. Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế càng nhiều thì khả năng chia sẻ rủi ro càng cao. Khi việc khám chữa bệnh và việc cung cấp thuốc đều do một cơ sở y tế đảm nhiệm và thanh toán trực tiếp với Quỹ bảo hiểm y tế thì vấn đề giá thuốc sẽ được giải quyết cơ bản hơn.