Love is hard to get into, but even harder to get out of.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 120
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 87: Độc Quyền Có Lợi Cho Ai?
ộc quyền kinh doanh là hành vi độc chiếm thị trường. Nó rất giống với việc đá bóng một mình một sân. Vinh quang rất ít, nhưng muốn thắng bao nhiêu bàn cũng được. Điều đáng nói là với cách đá bóng như vậy trong kinh doanh, đối tượng bị “làm bàn” vô tận là tất cả khách hàng. Nghĩa là ít trừ một ai trong số chúng ta.
Trước hết, Nhà nước là đối tượng bị “làm bàn” nhiều nhất. Với tư cách là khách hàng lớn nhất của rất nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, Nhà nước đang chịu thiệt thòi lớn nhất do tình trạng độc quyền gây ra. Cứ nghĩ mà xem, nếu giá xi măng cung cấp cho các công trình xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách đắt hơn 25% so với giá của các nước trong khu vực và trong năm nay Nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ bản lên tới trên 28 ngàn tỷ đồng thì thiệt hại Nhà nước phải gánh chịu là bao nhiêu tỷ đồng? Không khéo số tiền này sẽ đủ để xây cất hàng chục ngàn ngôi nhà tình nghĩa. Thế nhưng, xi măng không phải là thứ duy nhất Nhà nước phải mua. Nhà nước còn là khách hàng siêu lớn của điện, nước, xăng dầu v.v. và v.v. Ngoài ra, khách hàng này còn mua vô số các loại hành hóa, dịch vụ khác mà giá của chúng đã bị đội lên một cách không đáng có bởi các đầu vào độc quyền.
Đối tượng thứ hai bị “làm bàn” là các doanh nghiệp. Với giá các đầu vào thường xuyên bị đội lên bởi hành vi độc quyền, giá thành hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp cũng vì thế mà bị đội lên tương ứng. Tuy nhiên, toàn bộ rủi ro nằm ở chỗ: thị trường chưa chắc đã chấp nhận điều này. Như vậy, các doanh nghiệp chỉ còn một lối thoát duy nhất là nhanh chóng tìm cách tiết kiệm và nâng cao năng suất tương ứng để bù đắp cho sự đắt đỏ của độc quyền. Những doanh nghiệp không làm được điều này sẽ nhanh chóng bị đẩy vào tình trạng phá sản. Và đây có thể là những cái chết rất oan khiên, những nạn nhân không đáng có của độc quyền. Nạn nhân tiếp theo rất dễ đoán ra là khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Đối tượng bị “làm bàn” thứ ba là những người tiêu dùng bình thường. Trong lúc, tuyệt đại đa số những người này được trả lương theo thị trường lao động của Việt Nam, thì những loại hàng hóa, dịch vụ nằm ngoài sự điều tiết của thị trường là những rủi ro không thể tiên liệu trước. Mức sống, cũng như thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tăng giá độc quyền mà không có nguồn bù đắp.
Thế thì ai được lợi bởi độc quyền kinh doanh? Tất nhiên, những doanh nghiệp đang giữ vị thế độc quyền. Điều dễ hiểu là: một anh thợ cắt tóc không thể ra giá trên trời vì khách hàng sẽ lập tức từ bỏ anh ta để đến với một anh thợ cắt tóc khác đòi giá rẻ hơn. Chị bán hột vịt, cô bán đậu phộng... đều phải tuân theo quy luật nghiệt ngã này. Tất cả các chủ thể kinh doanh đều chỉ có một sự lựa chọn duy nhất trong một thị trường cạnh tranh là phấn đấu nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chính điều này làm cho kinh tế liên tục phát triển và cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ chịu hơn. Các doanh nghiệp chiếm giữ độc quyền thì lại không phải chịu sức ép phải cải tiến và nâng cao hiệu quả không ngừng. Tệ hơn nữa, họ có thể đưa toàn bộ sự yếu kém, thua lỗ, cũng như nhu cầu tái đầu tư của mình vào giá cả. Bằng cách này, vô hình trung tất cả chúng ta đều trở thành những người bù lỗ hoặc những người mua cổ phần không được hưởng cổ tức.
Tuy nhiên, suy cho cùng độc quyền chỉ có lợi cho một số người đang nắm quyền kinh doanh hiện nay, chứ về lâu về dài chưa hẳn đã có lợi cho các doanh nghiệp độc quyền. Với quá trình hội nhập đang diễn ra nhanh chóng, không biết Nhà nước còn bảo hộ cho các doanh nghiệp này được bao lâu nữa? Và trong cuộc cạnh tranh toàn cầu không tránh khỏi, những doanh nghiệp “cớm nắng” này sẽ tồn tại ra sao?
Những Nghịch Lý Của Thời Gian Những Nghịch Lý Của Thời Gian - Nguyễn Sĩ Dũng Những Nghịch Lý Của Thời Gian