Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 89: Tình Người Trong Mớ Bòng Bong
T
ôi đang mơ màng đi dần vào giấc ngủ muộn rã rời, mỏi mệt thì đột nhiên có tiếng ai đó vang lên trong đêm:
- Báo cáo ông cán bộ, tôi xin đi tiểu!
Tiếng báo cáo giật giọng như gọi mọi người thức dậy của một người ở sàn trên, làm tôi giật mình mở choàng mắt. Vài tiếng ho húng hắng, xen lẫn tiếng trở mình, rồi tất cả lại chìm vào im lặng.
Cứ như vậy cho đến sáng, thỉnh thoảng đây đó, sàn trên hoặc sàn dưới lại dội lên tiếng báo cáo thì làm sao tôi ngủ được. Nhìn những người khác, tôi thấy họ vẫn ngủ đều. Có thể họ đã quen hàng đêm từ lâu như vậy rồi.
Vì không ngủ được nên tôi cũng mót đi giải. Tôi cứ nằm rụt rè đắn đo mãi, trong cái lần đầu phải báo cáo cái rắc rối này. Cho đến khi tưởng không còn có thể rụt rè nữa thì may quá vừa lúc đó có một anh ở sàn bên báo cáo; tôi cũng ngồi dậy báo cáo và theo họ vào nhà cầu.
Nhà cầu là một gian hẹp phía cuối buồng, chỉ rộng chừng một mét. Một đầu là một bệ xi măng nhỏ, chỉ có một chỗ cho người đi đại tiện. Một đầu là một cái giá gỗ ba tầng úp đầy những nón lá và áo tơi. Ngay phía giữa, sát dưới nền đất có cái máng bằng xi măng để cho gần một trăm người trong buống đi tiểu tiện. Vì vậy khi tôi bước vào, một mùi khai nồng nặc xông lên làm cho mắt cay xè. Tôi vừa đi tiểu, vừa nghênh ngó nhìn chiếc đèn dầu hỏa con con treo sát vách tường chiếu ánh sáng lờ mờ, không rõ. Một anh vào trước đã đi tiểu xong, quay lại: tôi hơi tò mò vì anh cũng chỉ một mắt như Phan Thanh Vân, tuy rằng anh còn quá trẻ. Anh mỉm cười gật đầu chào tôi rồi hơi ngập ngừng dè dặt:
- Anh ở trong Nam ra ạ?
Nghe giọng nói hơi ngang, không rõ âm tiếng Việt nên tôi mỉm cười gật đầu. Anh sôi nổi:
- Em cũng là biệt kích ở trong Nam ra.
Tôi mở to mắt nhìn anh. Anh tiếp:
- Toán em bảy người, hiện nay ở đây có năm người.
- Ủa, thế tên cậu là gì?
Tôi hơi ngạc nhiên hỏi.
- Em là Shè Khửu Sáng.
Tôi hơi đắn đo:
- Thế Sáng là người dân tộc à?
Anh đã mở cửa đi ra, còn ngoái lại nói khẽ:
- Em là người Nhắng, quốc tịch Việt.
Khi trở về chỗ nằm mãi, vẫn không ngủ được, tôi nằm nghe tiếng đêm thâu với bao nhiêu nỗi khắc khoải cho ngày mai của cuộc đời. Bên cạnh tôi, Vân vẫn ngáy đều đều, ngay từ mười giờ tối.
Tôi đang chập chờn chìm dần vào cơn ngủ khuya thì một hồi kẻng rền rĩ, xé tan cái tĩnh mịch, âm u của núi ngàn làm tôi choàng tức dậy. Có tiếng loa “nói thầm” cũng bắt đầu lí nhí dạo điệu nhạc khởi đầu bài tập thể dục buổi sáng.
Căn buồng tôi như sôi lên tiếng lục sục gấp chăn, gấp màn. Tôi đã ngồi dậy nhưng vẫn còn ngơ ngác trong giấc ngủ nửa vời. Vân đang gấp chăn màn bên cạnh, quay lại giục giã:
- Kẻng báo thức rồi, gập chăn màn theo qui định trật tự nội vụ. Tranh thủ đi đái rồi vào ngồi điểm số. Cán bộ vào điểm bây giờ.
Thấy tôi cứ lúng túng mãi với màn, với chăn, Vân cầm lấy giũ tung ra rồi vừa gấp vừa nói:
- Bình phải nhớ màn gấp như thế này và chăn gấp như thế này!
Chỉ hai phút, Vân đã gấp xong gọn ghẽ. Màn bên trong, chăn bên ngoài thành một hình hộp chữ nhật; phải vuốt, nắn cho vuông thành, sắc cạnh. Chưa xong, sau đó Vân nghiêng đầu xuống sát sàn, ngắm, ra hiệu tay cho hộp chăn của người nào còn thụt vào, nhô ra. Cuối cùng, sao cho thành một hàng thẳng tắp: cách vách đúng một gang tay (20 phân). Vân vừa làm, vừa như căn dặn, giải thích:
- Mỗi sàn có một người chịu trách nhiệm trật tự nội vụ. Khi cán bộ điểm buồng xong, ban thi đua sẽ đi khám: chấm từng buồng trong nếp sống văn hóa mới, lấy điểm bình bầu của toán mỗi tháng, mỗi quý (tam cá nguyệt) và cuối năm.
Trong buồng, mọi người đã ngồi xếp hàng thứ tự, ngay ngắn từng đôi một ở sàn dưới. Vì buổi ban đầu còn nhiều lớ ngớ, chậm chạp nên tôi chưa kịp đi giải thì cửa đã loạch xoạch mở rồi. Trời mùa Đông, lại ở miền rừng núi nên bên ngoài vẫn mờ mờ chưa sáng hẳn. Tên Cẩn đã bước vào cửa buồng, đột nhiên y nghiêm trang đứng lại một vài giây liếc toàn buồng. Sau đó, tay y xách chiếc đèn bão, bước những bước dài theo lối đi giữa nhà điểm phạm; mỗi bước chân của y là một đôi. Tên Tân cầm chùm chìa khóa rủng rẻng, thập thò phía bên ngoài cửa. Nhiều buổi thấy tên Cẩn đứng lại một vài giây ở cửa trước khi điểm, tôi không hiểu thì sau này đã hiểu: khi cán bộ bước vào buồng điểm, toàn buồng mọi người đều ngồi xếp chân bằng tròn. Thứ tự, anh sàn dưới ngồi trong, anh sàn trên ngồi phía ngoài thành từng đôi một. Hai tay để trên hai đầu gối, ngực ưỡn, đầu thẳng, người ngồi sau trông thẳng gáy người ngồi trước sao cho thẳng hàng ngang, hàng dọc, toàn buồng không một ai còn động đậy. Nếu ai đó đầu còn ngúc ngắc, hay còn xê dịch cho thẳng hàng thì cán bộ quay ngoắt trở ra ngay, đi điểm buồng khác.
Lúc đó thì buồng này thật khốn khổ. Thường thường cán bộ đi điểm hết các buồng rồi về phòng thi đua trật tự, cộng số phạm toàn trại thiếu, đủ. Giải quyết những việc đột xuất xẩy ra trong đêm có khi 15 hoặc 20 phút. Buồng đó vẫn cứ phải ngồi yên, chờ cho cán bộ trở lại điểm. Lúc này thì ai cũng nhớn nhác, vắt chân lên cổ mà chạy lo mọi việc. Ai cũng bị trễ, vì những giờ giấc từ lúc kẻng báo thức cho đến lúc kẻng tập họp đi làm, kẻng xuất trại đều đã được ban giám thị nghiên cứu tính sát nên ai cũng phải khẩn trương mới kịp.
Trong buồng, chỉ còn trút hết sự buồn giận vào anh nào đã không ngồi ngay ngắn để cả buồng bị phạt. Chưa hết, anh đó còn bị cả buồng sinh hoạt phê bình, sỉ vả trong tuần. Không những cá nhân anh đó mất điểm thi đua, mà cả toán, cả buồng đều bị giảm điểm thi đua. Chính vì thế cho nên ai cũng phải giữ nghiêm ngặt.
Trở lại chỗ tên Cẩn đang điểm. Khi tên Cẩn đi vòng ra tới cửa, một tay tên Tân đưa tập sổ điểm cho tên Cẩn, tay kia y nhận chiếc đèn bão do tên Cẩn đưa. Lúc tên Cẩn hý hoáy ký sổ đã điểm đủ người của buồng II là lúc tên Tân xách chiếc đèn bão và chùm chìa khóa vội vàng rảo bước, chạy sang mở tiếp cửa buồng bên cạnh. Như vậy, điểm cả ba buồng cũng chỉ hết 6 – 7 phút là cùng.
Khi tên Cẩn ra khỏi cửa buồng cũng là lúc tù túa ra sân như kiến động tổ. Người cầm bát, người cầm rỗ, người xách gầu. Anh nào đến phiên trực của mâm thì hộc tốc chạy xuống bếp lĩnh sáng về chia cho các anh em trong mâm. Thật là ồn ào, ngoài sân, trong nhà, người chạy đi, người chạy lại í ới gọi ngoài sân, chỗ thì chia ở góc hè. Đã được anh Lân nhắc khi nãy là lấy sắn sáng ở mâm anh Đồng, vì vậy tôi theo Toàn lại một góc sân đặt rổ để lấy sắn.
Tuy vừa qua một đêm ít ngủ, chật chội ngột ngạt trong buồng, ra đến ngoài được thở hít bầu không khí trong lành của buổi ban mai; nhưng mùi sắn luộc nồng lên, tỏa ngát khắp sân đã cuốn hút hết cả tâm hồn tôi. Nhìn những củ sắn to nhỏ, trắng mát mắt xếp dầy một chiếc soong nhôm của mỗi mâm, nước chân răng tôi đã ướt dầm chỉ vì bụng tôi đã lép kẹp ngay từ tối hôm qua. Hơn nữa, từ lâu rồi cả ở trong Nam cho tới khi ra Bắc, cũng như dưới Hỏa Lò tôi chưa được ăn sắn luộc. Trong khi chờ mâm cân, chia sắn, tôi theo Toàn, vì Toàn có cái gầu gỗ con, chạy xuống phía giếng nước trước nhà bếp; cách buồng II chừng 50 - 60 mét. Chiếc giếng thật rộng, đường kính đến 3 – 4 mét. Bờ giếng được xây cao hơn mặt đất khoảng 40 - 50 phân. Giếng thật sâu, nhưng về mùa Đông nước nhiều nên chỉ cho gầu xuống 4 – 5 mét là tới rồi. Còn chiếc khăn mặt bằng miếng vài xoọc sé từ chiếc áo tù cũ ở dưới Hỏa Lò, tôi tranh thủ dùng nước để lau qua cái mặt. Nước lạnh buốt làm những ngón tay tôi cứng ra và đỏ lên.
Trời đã sáng dần, về hướng Đông, chìm sâu phía rừng già đã hồng đỏ lên một góc. Chắc hẳn mặt trời mùa Đông dậy muộn, sắp mò lên nhìn cảnh vật. Tôi vừa lau mặt, vừa nhìn mấy bụi chuối cạnh giếng. Lẫn vào đám lá xanh có một bắp chuối con đã thò ra đỏ chót. Tôi đưa mắt nhìn quanh những tấm liếp bằng nứa đan dầy vây quanh giếng, lòng nghĩ ngợi mông lung: nước buốt và lạnh thế này thì tắm làm sao? Nhưng Toàn đã ra khỏi giếng, quay lại giục tôi về ăn sắn kẻo sắp đến giờ tập họp đi làm.
Trở về đến chỗ mâm chia sắn, thì chỉ còn cái rổ của tôi và chiếc rá rách của Toàn để chơ vơ giữa nền sân. Phần của tôi cũng như của Toàn mỗi người, lớn thì 2 đoạn, nhỏ thì 3 đoạn sắn gồm chừng 2 lạng. Cầm rổ sắn, tôi theo Toàn vào mé hè của hội trường ngồi ăn. Tuy củ sắn có vài chỗ chạy máu đen xì hơi đắng, nhưng những chỗ còn tốt thì thật là tuyệt cú mèo; vừa bở, vừa ngọt lại vừa thơm. Miệng nhai, nhưng hồn tôi lặng lờ chảy ngược về những ngày xưa, lâu lắm rồi. Khi tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng mẹ tôi đi chợ về mua cho mỗi đứa một đoạn sắn luộc. Mấy anh em chúng tôi bẻ ra từng miếng nhỏ, rủ nhau mang chiếu ra mải góc bờ ao dưới bóng của cây mơ già. Mỗi lần, mỗi đứa chỉ được lấy ra một miếng để ăn. Thành ra nó vừa thòm thèm, vừa ngon, ngon hơn cơm, ngon như một món quà. Tôi lại nhớ đến một lần ở dưới Hỏa Lò ngoài trại chung. Một buổi chiều, mụ Hoa và cô Vân ríu rít, hí hửng đã đem 2 cái bánh mì để đổi lấy 2 củ sắn mà một anh tù từ một trại trung ương phải về xử lại đem theo.
Đối với người ít khi được ăn sắn luộc thì nó như một món quà lạ miệng, ngon ơi là ngon! Mới chỉ vài phút, suất sắn của tôi đã sạch trơn. Trong khi tôi liếc Toàn và một số người khác thì họ vẩn còn ngồi nhai chậm chạp.
Tôi đang tính cầm rổ đứng dậy để vào buồng thì một bóng người cầm một chiếc đĩa nhôm đựng một suất sắn tiến lại phía tôi và Toàn đang ngồi. Anh chừng 35 – 40 tuổi mà tôi đã biết anh cũng ở buồng số II với tôi. Anh mặc bộ quần áo nâu, tuy cũ nhưng không có miếng vá nào; khác biệt với đại đa số tù, thường mặc là loại vải mầu xám xậm mà trại phát. Đặc biệt anh có đôi mắt lươn. Khi anh nhìn, tôi cứ tưởng như anh đang lim rim mơ màng. Cầm đĩa sắn, anh hơi ngập ngừng nhìn tôi:
- Anh thích ăn sắn lắm hả? Anh có ăn được nữa không?
Trời, sao lại hỏi lạ lùng như vậy. Tôi muốn nói là tôi còn thích hơn ăn cơm nữa ấy chứ! Nhưng tôi cũng hơi ngượng và chưa hiểu hết ý của anh nên cũng ngập ngừng, chậm rãi:
- Nhưng đó là phần của anh!
Anh nhìn tôi vẫn đôi mắt lim rim, rồi đặt ngay đĩa sắn vào cái rổ của tôi, nói kiểu coi pha cuộc đời:
- Tôi không ăn, anh thích thì cứ ăn. Tôi đã ăn sắn quá nhiều rồi!
Giọng anh nằng nặng của miền Nghệ An. Anh nói rồi bỏ đĩa sắn đấy đi luôn vào buồng. Tôi đang đắn đo thì Toàn đã nói nhỏ:
- Anh cứ ăn đi, Lê Sơn đấy! Anh ta vẫn không thích ăn sắn.
Tôi đang muốn hỏi “vậy anh ta ăn bằng cái gì” thì thoáng thấy tên cán bộ trực trại và tên Tân từ phía nhà trật tự bên cạnh nhà bếp, rảo bước đi lên, rồi vào buồng số II của chúng tôi. Mọi người ở sân, kể cả tôi và Toàn đều ngạc nhiên nhìn theo với những đôi mắt dè dặt, lấm lét. Mới mấy phút, tôi chưa kịp hỏi Toàn thì đã thấy một anh chừng 25 – 26 tuổi, da trắng trẻo, nét mặt đăm đăm ôm chăn và chiếc chiếu từ trong buồng đi ra. Tên Cẩn theo sát phía sau, rủng rẻng lắc chùm chìa khóa. Tôi chợt nhớ ra anh bạn này, người đã phát biểu “xin cảm ơn đảng cho soong cơm đầy” bữa chiều, lúc chia cơm hôm qua.
Tôi đã dõi nhìn theo bóng chiếc áo vàng của tên cán bộ Cẩn và túm chăn chiếu đi trước y, về phía cuối nhà số III; chỗ có một căn nhà nhỏ làm thụt vào gần phía hàng rào cấm của trại. Tên Tân nhận chùm chìa khóa từ tay tên Cẩn chạy lên trước, đến căn nhà đó mở cửa. Tôi quay lại nhìn Toàn như hỏi han, thì Toàn chỉ khẽ nói:
- Nhà kỷ luật!
Tôi còn định hỏi Toàn tiếp là anh ta tên gì và bị bắt vào tù vì tội gì v.v… Nhưng tôi thoáng cảm thấy một vấn đề: tại sao, từ tối hôm qua, đến sáng hôm nay, ai đã báo cáo cho cán bộ đã vào đưa anh ta đi cùm? Giòng liên tưởng của óc tôi cứ trôi mãi: vì sao mà nhiều người chỉ lấm lét nhìn tôi mà không ai dám đến trò chuyện? Vì sao bên ngoài thì máy bay Mỹ bắn phá như thế. Trong Nam thì trận chiến đang khốc liệt, thế mà từ hôm qua đến nay không có một ai, kể cả Nguyễn Huy Lân, Phan Thanh Vân; không hể một ai tò mò nhắc đến? Hầu như mọi người chỉ nói chuyện sinh hoạt, ăn, ngủ và lao động?
Bao nhiêu vấn đề, trong cái không khí ngột ngạt, đầy đe dọa này. Trong cái mớ bòng bong câm lặng nhiều hố tối, rồi đây tôi sẽ phải tìm hiểu. Mới có hơn một ngày mà ngay cả tôi cũng đâm ra dè dặt với cả mọi người. Bao nhiêu những hiểu biết, bao nhiêu những cái tai nghe, mắt thấy. Mỗi người đang buộc chặt, câm nín, đè ép lại trong lòng. Còn một điều nữa càng làm cho tôi phải dè dặt, thận trọng. Buổi tối hôm qua, lúc tôi đang nói chuyện với anh Lân và Vân; ở mãi góc sàn trên phía đối diện, có một cậu còn rất trẻ, bộ mặt rất hiền lành. Tôi bắt gặp nhiều lần ánh mắt của cậu ta nhìn tôi: nửa như tò mò, nửa như thiện cảm. Sáng nay, trong lúc mọi người đang chạy ra, chạy vào lúc điểm xong, cậu ta đã đi sát vào người tôi nói nhỏ:
- Anh hãy coi chừng thằng Toàn!
Nói rồi, cậu ta đi luôn, để tôi cứ thỉnh thoảng phải để ý theo dõi cậu ta. Dù tôi chưa hề biết gì về cậu ta, ngay cả tên và tuổi.
Mải nghĩ suy về cảnh đời tù, tôi cảm thấy cả sân và hội trường đã thưa vắng hẳn người. Tôi nhìn lại Toàn thì cậu ta cũng đã đi từ lúc nào. Vội vàng, tôi mang chiếc rổ chiếc đĩa nhôm của anh bạn Lê Sơn đi vào buồng. Thì cũng là lúc một hồi kẻng nữa, từng tiếng một lại rền vang trong sương sớm. Đã bước gần vào tới cửa buồng, tôi còn ngoái lại liếc lên chòi gác phía cổng trại. Trong căn chòi nhỏ, thấp thoáng một tên bộ đội vũ trang đang cầm chiếc búa con, giang thẳng cánh, thong thả đập vào cái vỏ quả bom 50 kg treo lủng lẳng trong chòi. Cũng là lúc từ các buồng, tù nhân túa ra ngoài sân như vỡ tổ kiến càng.
Trong khi mọi người đổ xô ra thì tôi lại chen vào. Nhét vội cái rổ và chiếc đĩa nhôm lên cái kệ phía đầu giường rồi chạy ra.