Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 86: Doanh Nghiệp Nhà Nước: Vấn Đề Khái Niệm
C
ải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ khó khăn. Các cuộc thảo luận vừa qua tại Quốc hội (3-4/6/2003) về Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi) một lần nữa cho thấy đây là vấn đề càng bàn cãi càng thấy rối. Và có vẻ như chính Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi) lại góp phần không nhỏ vào việc tạo nên cái mớ bòng bong này.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc định nghĩa doanh nghiệp nhà nước là gì. Định nghĩa sau đây đã được Dự thảo đưa ra: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc giữ cổ phần, vốn chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước độc lập, tổng công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên”. Đây là một định nghĩa dài lê thê. Khổ nỗi, dài chưa chắc đã chính xác. Xin được phân tích một ví dụ cụ thể để làm rõ điều này. Giả sử, bạn chế tạo ra một cái máy đánh bạc (rất giống với việc thành lập ra một doanh nghiệp). Bạn bỏ tiền xu vào trong máy và đưa ra cho mọi người đánh bạc để kiếm lời. Trong trường hợp này, bạn là chủ sở hữu của những cái gì? Cái máy đánh bạc hay số tiền xu đã bỏ vào trong máy? Tin hay không thì tùy, nhưng theo lôgíc của định nghĩa trứ danh nói trên, thì bạn chỉ là chủ sở hữu của số tiền xu bỏ vào trong máy mà thôi. Trong lúc đó, đối với bạn, làm chủ sở hữu chiếc máy và quyền kinh doanh bằng máy đánh bạc chắc sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc làm chủ sở hữu những đồng xu kia. Đối với một doanh nghiệp cũng vậy, điều quan trọng là làm chủ sở hữu doanh nghiệp đó và các quyền năng của nó (đặc biệt là quyền kinh doanh độc quyền), chứ không chỉ là vốn điều lệ và vốn chi phối.
Giá trị của một doanh nghiệp không phải bao giờ cũng tương đương với vốn của nó (cũng giống như giá trị của cái máy đánh bạc thông thường sẽ lớn hơn số tiền xu có ở trong máy). Giá trị này được xác định thông qua thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Và nó lên xuống thường xuyên như nước thủy triều. Những doanh nghiệp danh tiếng, những doanh nghiệp kinh doanh độc quyền (rất nhiều doanh nghiệp nhà nước có quyền này) có giá trị lớn hơn gấp rất nhiều lần so với vốn điều lệ của chúng. (Rất tiếc, thị trường chứng khoán chưa thật sự phát triển ở đất nước ta. Ngoài ra, thị trường này cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với những doanh nghiệp nhà nước không được cổ phần hóa. Giá trị thực của các doanh nghiệp như vậy mãi mãi vẫn sẽ là bài toán gần như không có lời giải. Nhưng đây lại là một vấn đề khác).
Những lý lẽ nêu trên cho thấy Nhà nước cần làm chủ sở hữu các doanh nghiệp của mình chứ không chỉ là vốn điều lệ của chúng. Ngoài ra, về mặt pháp lý, thể chế hóa quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với một doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn là làm điều đó đối với vốn điều lệ của nó.
Nếu chúng ta chấp nhận doanh nghiệp nhà nước là những doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, thì những doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ sở hữu một phần được gọi là gì? Theo định nghĩa nói trên, chúng cũng được gọi là doanh nghiệp nhà nước, nếu Nhà nước giữ cổ phần chi phối.
Một vấn đề lập tức được đặt ra: thế nào là “cổ phần chi phối”? Đây là một khái niệm động và hoàn toàn tương đối. Đối với một doanh nghiệp, mà trong đó mỗi cổ đông chỉ có từ 2-5% cổ phần, thì cổ đông có 20-25% cổ phần, sẽ là cổ đông có cổ phần chi phối. Phải chăng trong trường hợp của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần chi phối cũng được hiểu như vậy? Hay là các nhà soạn thảo dự luật quan niệm rằng nắm giữ trên 50% cổ phần mới được coi là cổ phần chi phối? Việc nắm giữ trên 50% cổ phần có nhất thiết không? Nếu do những biến động khách quan mà Nhà nước chỉ còn giữ dưới
50% cổ phần thì sao? Luật nào sẽ được áp dụng? Doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần chi phối nhưng dưới 50% có được gọi là doanh nghiệp nhà nước không? Trả lời cho được các câu hỏi này thật không dễ. Và điều dễ nhận thấy là: trong bất cứ trường hợp nào, gọi một doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần trong đó (cho dù trên 50% cổ phần) là doanh nghiệp nhà nước thì cũng giống như việc gọi thứ táo lai lê là táo vậy. Vấn đề là ở chỗ gọi là táo hay là lê cũng đều không ổn, vì nó là một thứ táo lai lê.
Cũng liên quan đến việc định nghĩa doanh nghiệp nhà nước, vấn đề “vốn chi phối” không biết có nên được đặt ra không? Tốt hơn hết, khi đã bỏ tiền vào một doanh nghiệp thì Nhà nước nên xác định được cổ phần của mình ở trong đó là bao nhiêu. Nếu điều này không được làm rõ thì việc thể chế hóa quyền chủ sở hữu sẽ rất khó khăn.
Tóm lại, với cách tiếp cận hiện nay, chúng ta đang làm cho vấn đề rối tinh, rối mù lên. Có lẽ, điều quan trọng là cần nhanh chóng tìm ra một cách tiếp cận giản dị, mạch lạc hơn trước khi chúng ta tự trói chặt chân tay mình lại bằng một loạt các quy định của lôgíc tư biện. Theo thiển ý của tác giả, chúng ta có thể quan niệm mọi vấn đề như sau:
Một là, ở Việt Nam ta có rất nhiều các doanh nghiệp. Đã là doanh nghiệp thì chúng đều giống nhau về bản chất là kinh doanh vì lợi nhuận. Trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm thì mọi doanh nghiệp đều bình đẳng như nhau và đều bị điều chỉnh bởi một khung pháp lý chung (gọi là Luật Kinh doanh hoặc Luật Doanh nghiệp). Các doanh nghiệp này phải sống một cuộc sống tự nhiên: nghĩa là có sinh và có tử; có thành lập và có phá sản. Sự phân biệt đối xử chỉ được đặt ra đối với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công bất kể chúng thuộc quyền sở hữu của tư nhân hay của Nhà nước. Trong trường hợp này, các nguyên tắc của dịch vụ công sẽ được áp đặt. Đó là nguyên tắc về tính liên tục của dịch vụ; nguyên tắc về quyền tiếp cận bình đẳng đối với dịch vụ…
Hai là, các doanh nghiệp là của rất nhiều những ông chủ khác nhau. Trong đó, một số doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của Nhà nước 100%; một số khác thuộc quyền sở hữu của Nhà nước một phần; số còn lại không thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Những doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của nhà nước, có thể gọi tắt là doanh nghiệp nhà nước; những doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của tư nhân, gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân; những doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của tập thể, gọi tắt là doanh nghiệp tập thể; có những doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của hai hoặc nhiều chủ thể khác nhau (kể cả của Nhà nước), gọi là doanh nghiệp cổ phần... Quyền chủ sở hữu được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Không nhất thiết phải đặt ra những luật lệ mới.
Ba là, điều duy nhất cần được thể chế hóa là: Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp của mình hoặc cổ phần của mình trong doanh nghiệp như thế nào. Điều này được đặt ra không phải vì quyền chủ sở hữu của Nhà nước có nội dung gì khác biệt hơn, mà vì Nhà nước là một khái niệm trừu tượng do nhiều thiết chế hợp thành. Các quyền năng cơ bản tạo nên quyền chủ sở hữu: quyền hưởng lợi tức do tài sản sinh ra (hoặc giá trị thặng dư), quyền chuyển nhượng (bán, tặng, cho…) và quyền quản lý phải được giao cho những cơ quan cụ thể của Nhà nước thực hiện và phải áp đặt được chế độ trách nhiệm đối với các cơ quan này.