Số lần đọc/download: 1752 / 8
Cập nhật: 2015-12-20 16:15:24 +0700
Sự Hy Sinh Vô Lý
C
ách đây dễ có gần 30 năm, tôi là học sinh lớp 7 (tương đương với lớp 9 bây giờ) ở một trường huyện. Tôi nhớ năm đó, để chào mừng Ngày 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường có tổ chức một đợt thao giảng với sự tham dự của các thầy cô trong toàn huyện. Lớp tôi được chọn làm nơi dạy mẫu mà người dạy là thầy Quang, dạy Văn hay nổi tiếng của trường. Bài được đem ra giảng là bài viết về lúa của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ngày đó, ngoài phần chính thức được in trong sách giáo khoa của Bộ thì còn có phần mà ngày nay ta gọi là "mềm", do Ty Giáo dục biên soạn, in ronéo gửi về cho các trường. Phần này thường gồm các bài thơ, các đoạn văn, trích từ các bài báo hoặc tập sách mới xuất bản. Do điều kiện in ấn lúc bấy giờ nên mỗi trường chỉ có được một bản in ronéo. Vì thế, để chuẩn bị cho bài học, học sinh ngay từ hôm trước đã phải chuyền tay nhau chép bài thơ sắp được đem ra giảng. Do yêu thơ từ nhỏ và cũng do ngày đó số tập thơ xuất bản hàng năm ít đến mức mỗi lần phát hành là một sự kiện văn học (chứ đâu ra đời nhanh như phát triển dân số bây giờ) nên gần như tập thơ nào tôi cũng có được. Lần ấy thấy bài thơ sắp giảng có trong tập sách của tôi nên tôi không nghĩ đến chuyện chép bài nữa. Và để "ra oai", tôi cũng chẳng thèm tiết lộ chuyện này với đứa bạn nào.
Sáng hôm sau, giờ giảng văn bắt đầu. Thầy cô giáo trong huyện ngồi kín 4 dãy bàn phía sau. Thầy Quang của chúng tôi tỏ ra rất có bản lĩnh trong nghề nghiệp. Thầy giảng rất hay. Cả lớp im lặng nuốt lấy từng lời của thầy. Nhưng rồi một sự cố đã xảy ra. Có một câu thơ nguyên là thế này: "Ai trút sóng vàng xuống ruộng- Hai bàn chân lúa vướng- Vàng gieo trong mắt nhìn"- Nhưng do chữ in mờ nên chữ vướng trong bản chính đã bị thầy đọc nhầm thành chữ vương. Kể ra điều ấy cũng chẳng tác hại gì lắm nếu như thầy không khen ngợi chữ vương hay hơn chữ vướng nhiều và người làm thơ giỏi, một nhà thơ đích thực mới dám phá luật để không dùng chữ vướng vần trắc mà dùng chữ vương vần bằng. Rồi cứ thế thầy thao thao bất tuyệt về cái hay của chữ ấy. Tôi ngồi nghe mà lòng nóng như lửa đốt. Không biết có nên đứng lên đinh chính với thầy và nếu như thế thì rồi sự việc sẽ ra sao nhỉ?. Hồi hộp quá, tôi mới chuyền cuốn thơ, gạch đit cái chữ gây rắc rối ấy, cho cái Thoa (nay đã là bà ngoại) xem. Nó cũng tỏ ý băn khoăn như tôi. Thế là hai đứa cứ chí chóe bàn về việc nên hay không nên nói cho thầy rõ việc này. Giữa lúc ấy có một tiếng nói như sét đánh ngang tai làm tôi bàng hoàng:
- Em Thống đứng dậy nhắc lại câu thầy vừa giảng.
Tất nhiên tôi không thể nhắc lại được lời thầy. Và Thoa cũng thế.
- Mời hai em ra ngoài.
Thầy buông ra một câu nghe lạnh cả gáy.
Ra ngoài hè, Thoa khóc sướt mướt. Nó bảo tôi phải trở lại lớp để nói rõ điều "chúng ta hoàn toàn đúng" cho thầy nghe, còn nếu không nó sẽ nhảy vào lớp rồi muốn ra sao thì ra. Tôi nghe mà thấy sợ. Tôi lấy tay bịt miệng nó lại. Thà tôi bị phạt oan còn hơn để thầy bị mất uy tín.
Hôm ấy về nhà tôi vừa buồn vừa day dứt về việc làm vừa rồi. Không biết tôi im lặng như thế là đúng hay cứ nói toạc ra như Thoa đề nghị là đúng. Tôi cũng định bụng, thời gian sau sẽ lựa thời cơ nói lại với thầy chuyện này. Nhưng năm sau, hỏi lại được biết bài thơ ấy không còn giảng ở "phần mềm" nên tôi cho qua luôn. Bẵng đi mấy chục năm, cách đây vài tuần tôi về quê có gặp lại thầy. Thầy đã về hưu. Trong câu chuyện hôm ấy, thầy nói với tôi:
- Những ngày nghỉ ngơi này, tôi muốn làm một việc chẳng giống ai là ghi lại những lỗi lầm trong nghề nghiệp của mình, trong đó có cái chuyện dạy sai chữ vướng thành chữ vương ngày ấy, mà do sau đó ít lâu, nhờ một thầy giáo khác, tôi mới nhận ra. Tôi cứ ngỡ ngày đó anh yêu văn chương, đọc thơ nhiều, anh cũng phải phát hiện ra điều đó chứ. Vậy mà không... Anh đã...
Lại một lần nữa, tôi lúng túng và lại... im lặng!.
Chuyện trên là do một người hiện còn "đang chức đang quyền" kể lại với tôi. Kể xong, ông hỏi: "Tôi làm thế đúng hay sai?".
Tôi gật đầu cảm phục ông.
Trong nghề dạy học để làm nên thành công một tiết giảng, hoặc một đời thầy, nhiều khi cần phải có những hy sinh vô lý của học trò như thế.
Vô lý chứ không vô ích!