Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 84: Cố Nhân Bất Đắc Dĩ
àng về chiều trời càng âm u, ảm đạm. Nhìn hình ảnh đoàn tù đói khổ lao động bên đường, giữa rừng núi hoang vắng, tôi liên tưởng đến những ngày tới của đời tôi. Những nỗi niềm ưu tư dâng đầy, bủa kín lòng tôi theo từng bước chân lặn lội, gập ghềnh, rã rời trong mưa gió cho mãi tới khi rẽ ra một lối đi khang trang, sạch sẽ. Một căn nhà lá, được dựng ngay bên bụi nứa nằm phía trái đường đi. Tuy chỉ là một gian nhỏ, nhưng thật gọn đẹp, nền và vách còn au lên mầu đất mới. Một chiếc băng con mầu trắng hình chữ nhật, kẻ hai chữ “phòng đợi” mầu đỏ tươi, nét chữ thật mềm.
Tên Nhượng nói gì với tên công an vũ trang áp giải tôi, rồi quay lại nhìn tôi, tay y chỉ vào vĩa hè đất nghiêm giọng:
- Cho anh ngồi đây nghỉ, chờ. Đi đái phải báo cáo ông cán bộ này.
Phần vì mệt nhọc, phần vì tâm tư đang rối bời với bao nhiêu những bỡ ngỡ, lắng lo cho cảnh đời sắp tới, nên tôi chỉ dạ khẽ, đầu gật nhẹ như đã thấy lời của y dặn, rồi tôi ngồi bệt xuống vỉa hè của căn nhà. Vẫy tay ra hiệu cho tên hình sự đi trước, rồi y quầy quả cắp cặp hồ sơ đi theo sau, trên con đường đất rất phẳng phiu không một nhánh cỏ, dẫn vào khu nhà có lá cờ. Dọc theo hai bên của con đường nhỏ, thỉnh thoảng lại thấy một bụi hoa vạn thọ hay thược dược. Có thể đây là khu nhà của ban chỉ huy trại cũng không chừng.
Tôi liếc nhìn vào căn nhà nhỏ. Ngay giữa nhà là một chiếc bàn và hai cái ghế dài còn mới. Trên đường, dưới tấm hình lão Hồ râu dài là chiếc băng khẩu hiệu đỏ loét: tất cả cho miền Nam ruột thịt.
Lúc này tôi mới để ý đến tên công an vũ trang áp tải tôi từ Hà Nội. Y chỉ chừng 20 hay 21 tuổi. Nhìn y đang vặt từng chiếc lá nứa non, ném xuống đường mương bên cạnh. Mắt y đang bâng khuâng đờ đẫn hướng về mấy dẫy núi cao, mây mù phủ kín ngọn ở phía xa xa. Tôi nhớ lại buổi sáng, lúc thằng Hoàng Sún trốn chạy, chỉ còn một mình y là công an ở lại xe. Y đã lên đạn, hung hăng quát lũ lau nhau, trong đó có cả tôi đang ngồi:
- Chúng mày ngồi im, đứa nào lộn xộn tao xử lý!
Mặt y lúc ấy thật là lạnh lùng cô hồn. Tôi ghét y từ đấy, nên suốt trên quãng đường đi, tôi chả thèm gợi chuyện nói với y một lời. Nhưng bây giờ, nhìn mặt y còn non choẹt; hơn nữa, thỉnh thoảng y liếc nhìn tôi với ánh mắt dìu dịu, xen lẫn nét băn khoăn, tò mò. Để giải quyết cái sầu hoang vắng trên đất lạ, tôi mỉm cười nhìn y:
- Ông đã lên đây lần nào chưa?
Y quay lại hơi ngỡ ngàng, rồi dè dặt chậm rãi:
- Chưa bao giờ!
- Có lẽ ông Nhượng đã lên đây nhiều lần? Ông ta chả phải hỏi thăm ai và rất quen thuộc đường lối.
Mở to mắt nhìn tôi, rồi như một con rùa rụt cổ vào mai, mặt y đanh lại, im lặng không trả lời. Ngay khi tôi vừa cất mồm lên hỏi, lưng chừng đã thấy, tôi thật quá lố, vô duyên. Cũng may vừa lúc đó, một bóng người đang bước những bước dõng dạc tiến ra từ phía khu nhà có lá cờ. Khẩu súng ngắn đeo trễ cạnh sườn y, đang lắc lư với những bước thật dài của một thân hình cao lớn. Tay cầm mấy tờ giấy, khi y tới gần, tôi chỉ thoáng thấy mấy dấu triện đỏ ối. Ve áo chỉ có chiếc lon hạ sĩ, thế mà phong độ của y nghiêm nghị, lạnh lùng có vẻ như là một sĩ quan. Ngay từ còn ở xa, y đã nhìn tôi chằm chằm; lúc tới nơi, y và tên công an vũ trang hơi gật đầu chào nhau. Hất hàm về phía tôi rồi nhìn tên vũ trang, y buông một câu gọn lỏn như ra lệnh:
- Đồng chí hãy mở khóa cho nó!
Chẳng phải vì chiếc lon hạ sĩ, mà chính vì tác phong của y đã làm cho tên vũ trang vội vàng, lấy chìa khóa để mở còng tay cho tôi. Khi tên vũ trang vừa tháo xong còng, tên hạ sĩ nhìn tôi, tay chỉ vào phía trong, khu nhà có lá cờ, gằn giọng:
- Ôm quần áo vào đó!
Tên công an vũ trang sau khi đút chiếc còng vào túi áo mưa, quay lại, tươi nét mặt, chắc định nói hay chào tên hạ sĩ. Nhưng mắt y đã chùng xuống nét sượng sùng, vì tên hạ sĩ đã xoay gót đi theo tôi như quên mất y rồi. Mặc chúng nó đối xử với nhau, tôi nghĩ vậy. Hai cánh tay và hai vai ê mỏi rã rời, tôi đứng dậy vươn vai mấy cái; đôi tay đã mất tự do suốt từ sáng sớm ở dưới Hỏa Lò. Tôi ôm bọc quần áo chậm chạp đi trước, tên hạ sĩ lẽo đẽo đi phía sau. Khi đi qua mấy căn nhà có vẻ khang trang ngăn nắp; thấp thoáng mấy tên bận đồ vàng, nam cũng như nữ đang ngồi làm việc bên trong, với những tiếng máy chữ tí tách liên hồi.
Chéo phía bên kia cột cờ, chỗ có mấy luống hoa lớn là một căn nhà mái ngói đỏ au, mà sau này tôi hiểu là một loại nhà “kiến thiết cơ bản” của miền Bắc. Tôi đang bâng khuâng tự hỏi, từ nãy đến giờ, không hề thấy tên Nhượng đâu nữa, thì tên hạ sĩ phía sau giật giọng:
- Rẽ phía phải!
Y dẫn vào một con đường mòn, vòng ra phía sau một bụi nứa lớn, rậm um tùm. Ngay trước mặt là một căn nhà bếp rộng, ngọn lửa trong lò hừng hực đun hai chiếc chảo lớn đang sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút. Ba, bốn chị phụ nữ quần đen, áo vải; người thì lặt rau, người lúi húi quét dọn. Tên hạ sĩ dẫn tôi vào. Y chỉ cái phản gỗ, cạnh một bể nước con:
- Anh ngồi đây, cấm không được đi đâu!
Rồi y bước lên đường hiên của một căn nhà cạnh đó. Mấy chị phụ nữ đều quay lại nhìn tôi với những đối mắt tò mò, lấm lét. Tôi đưa mắt nhìn ra núi rừng bên ngoài; trời đã hết mưa phùn, nhưng lúc nào cũng âm u, đầy sương mù. Tôi không thể đoán lúc này là mấy giờ chiều. Một tên cán bộ áo xanh (công an vũ trang mặc đồng phục xanh, tới sau hội nghị Paris, chúng mới mặc đông phục mầu vàng như công an) chừng 40 tuổi, đeo lon trung úy, từ trong phía sau bếp đi ra, đến bên tôi. Chậm chạp, y hỏi, giọng quê một cục:
- Ở “Hà lội nên” à?
Thấy nét mặt y không có vẻ gì ác ôn lắm, nên tôi khẽ “dạ” như thừa nhận. Y quay lại mấy người phụ nữ, ra vẻ băn khoăn như ngạc nhiên, sao không có vũ trang dẫn giải? Thì một chị đã nhanh trí, chỉ tay về phía ngôi nhà trên:
- Báo cáo ban, cán bộ Ý vừa lên đó!
Chị đang nói thì cũng là lúc, tên Ý ở trên đó đi ra. Đến trước mặt tên trung úy, y chụm chân, giật đứng người, giơ tay nghiêm chào, đúng tác phong quân sự. Tên trung úy gật đầu nhè nhẹ:
- Đồng chí dẫn giải “ló” vào trại E?
Rồi y kéo tay áo xem đồng hồ, giọng lại thúc hối:
- Ba rưỡi rồi đấy, đi ngay đi!
Trên đường đi, tuy đôi tay không còn bị khóa, nhưng nhìn con đường mòn hun hút, chui mãi vào rừng sâu. Hết đồi tre, lại nứa rồi lại đồi vầu; mới 3 rưỡi chiều mà sương lạnh đã phủ kín chân đồi. Tâm tư nặng trĩu đầy vơi, tôi chớt nhớ đến một vần thơ hoa mộng:“Chiều nay sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết lòng ai…..”
Tôi đang đắm chìm, buông hồn nhấp nhô theo từng bước chân, thì đột nhiên tên Ý đi sau nhẹ nhàng cất tiếng hỏi làm gián đoạn nguồn tư tưởng của tôi:
- Ngoài cái tên Đặng Chí Bình, anh còn cái tên gì khác nữa?
Tôi hiểu, có lẽ y thấy suốt từ lúc gặp, tôi tuy lạnh lùng không nói, nhưng vẫn ngoan ngoãn làm theo ý của y; hơn nữa, đường vắng chỉ có 2 người, buồn tình nên y hỏi tôi chăng? Vì vậy, tôi cũng nhã nhặn:
- Tôi còn một tên nữa là Lê Viết Hùng.
- Thế, tên nào là tên thật, lúc còn nhỏ của anh?
- Dạ, Đặng Chí Bình!
Lâu ngày, nên đi đã thấy mỏi chân, tôi đang định hỏi y trại E còn phải đi xa không thì tôi đã thấy thấp thoáng, từ một lủng rộng xa xa, mờ mờ trong sương đục; một lá cờ máu đang ngúng nguẩy, nhăn nhó trong gió chiều. Như vậy chỉ cách khu trại chính khoảng 2 cây số, đường chim bay. Lúc này thì khu nhà đó đã hiện ra, gồm 3 – 4 cái to, nhỏ. Tuy rằng chỉ bằng gỗ, lá nhưng chắc hẳn là nơi ở và làm việc của ban chỉ huy trại E. Vì tôi cũng đã nhìn thấy về phía trái không xa là một chiếc cổng gỗ to, cao lênh khênh. Trên chòi, một tên công an vũ trang đang đeo súng ngồi bên một chiếc kẻng sơn đen xì, làm bằng một cái vỏ của quả bom 50 kg.
Đến nơi, tên Ý dẫn tuột tôi qua cổng, vào hẳn trong trại. Y chỉ khoảng sân trống, cạnh một bụi chuối già phía trong cổng. Giọng y đã bớt lạnh lùng:
- Anh đứng đấy chờ!
Chân tiến đến khóm chuối, nhưng mắt tôi đang chăm chú nhìn vào những dẫy nhà trong trại. Loáng thoáng một vài người chống gậy, đang đứng ở hiên nhà nhìn ra, nên tôi cũng chả trả lời tên Ý. Trước khi ra cổng, y còn ngửa cổ lên chòi, nói với tên công an vũ trang gác cổng, cũng đang nghiêng đầu ngó xuống:
- Đồng chí cho gửi tên phạm!
Rồi y cắp chiếc cặp đen, bước những bước thật dài về phía khu nhà có lá cờ, ngay chéo cổng vài chục thước. Tôi mệt mỏi, ném bọc quần áo xuống sân rồi ngồi lên trên trốc, mắt vẫn vươn qua cái sân trại, hướng vào 3 ngôi nhà dựng theo một hàng dài.
Lúc này cảnh vật chợt hồng lên, vì phía Tây mặt trời hơi ló ra khỏi đám mây dầy, để nhìn lại cảnh chiều của núi ngàn. Một vài ánh nắng quái vàng ửng, nhún nhẩy trên mấy nóc nhà và những ngọn nứa khô của cái hàng rào thật dầy, chung quanh trại. Tôi còn đang mải mê nhìn một ông già tóc bạc phơ, lụ khụ chống gậy ở một góc sân, thì một tên cán bộ đeo lon trung úy từ ngoài cổng đi vào. Một tay y cầm quyển sổ, một tay cầm cái bút, tất tả đi vào giữa sân. Y chỉ tay vào chỗ 2 – 3 người đang đứng sớ rớ trên hè, quát to:
- Vào gọi trật tự ra đây.
Một tiếng dạ thật sốt sắng, rồi một người nhanh nhẩu đi về phía cuối trại, trong khi tên cán bộ quay lại phía tôi. Cái nhìn của y thật sỗ sàng, hách dịch để tỏ quyền uy. Có lẽ vì tôi vẫn còn ngồi yên trên bọc quần áo, mà lẽ ra phải đứng dậy, khi thấy y đến. Vì vậy, với vẻ hằn học y quát:
- Mở bọc quần áo ra, để kiểm tra!
Thấy thái độ của y như vậy, mặt tôi cũng lạnh lùng, không nói một lời. Ngồi xịch ra, tôi cúi xuống loay hoay cởi chiếc bọc. Cũng chẳng có cái quái gì, vài bộ quần áo, một chiếc màn cá nhân Phúc “Thổ” và Thọ “Lột” các cậu ấy chuẩn bị cho từ dưới Hỏa Lò. Khi tôi đã mở tung bọc quần áo để rải ra sân, y hất tay lên người tôi:
- Cởi cả quần áo ngoài!
Tôi hơi cau mày, vì trời rét lại ở ngoài sân, thì cũng là lúc mắt tôi chợt nhìn thấy tên trật tự. Tay y xách một cái hộp gỗ con đang từ phía trong tiến ra, dáng dấp thật quen thuộc. A, tên Tân, Phạm Huy Tân. Tên chó chết đã ăn cả vỏ chuối; đã gạ đổi thuốc lá lấy cơm của tôi ở buồng số 4 xà lim II, Hỏa Lò. Đã gần 5 năm rồi, lúc này trông y mập ra. Hai con mắt của y, hình như lồi ra hơn, có rất nhiều những tia máu đỏ, nổi gân ngoằn ngoèo trên tròng trắng. Mãi đến lúc y đến sát chỗ tôi, và khi tên cán bộ bảo y khám thật kỹ; đóng dấu vào hết quần, áo tư trang của tôi, thì mắt y chợt sáng ra một chút, rồi trở lại lạnh lùng ngay. Tôi đã hiểu, y đã nhận ra tôi. Ngay từ nãy, y cứ nhìn chằm chặp vào miệng tôi, chỗ 3 chiếc răng gẫy hàm dưới với đôi mắt vừa như băn khoăn, vừa như lạ lùng. Y ngờ ngợ là phải, vì khi tôi và y ở buồng số 4 xà lim II thì răng tôi đâu đã gẫy.
Tôi trù trừ đắn đo một lúc rồi, cũng đành phải cởi áo và cởi quần ra. Sau khi nắn nót, lục xét từng ve quần, xống áo, y lấy con dấu bằng gỗ có hai chữ “cải tạo” to tướng, dầm vào một cái khay đựng hắc ín đen xì. Tôi đã thấy cái ác ý của y là dầm thật đẫm hắc ín, rồi mỗi ống quần một dấu; áo thì một dấu phía sau lưng và hai dấu, hai bên vạt phía trước. Hắc ín đẫm đến nỗi, thấm cả sang những lần vải không đóng. Chỉ cái mùng cá nhân con mà nó đóng đến 8 cái dấu. Hắc ín đen nhẻm, nhớp nhúa hết đống quần áo. Mặt nóng lên bừng bừng, tôi định cho nó gục ngay xuống đó. Nhưng tôi nhìn tên cán bộ và khung cảnh của trại giam, một niềm nhẫn nhục đã đè xẹp nỗi uất hờn vào tim. Ngay khi còn từ Hỏa Lò, tôi đã hiểu tên Tân là một loại tiểu nhân, đồng thời còn là loại Zoóc (antenne trong Nam) nỗ lực nhất nữa. Vậy từ nay tôi sẽ chờ, khi có điều kiện hợp lý để giải quyết với nó.
Tuy trong lòng tôi đã có chủ trương như thế, nhưng khi tên Tân đứng lên, xách hộp đóng dấu mang đi, vẫn còn phải tránh ánh mắt, có lẽ hãy còn nhiều lửa của tôi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen