Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 81: Cổ Phần Hóa Doanh Nghiệp Nhà Nước
L
ợi dụng kẽ hở của pháp luật: chỉ cấm các quốc gia chứ không cấm các cá nhân sở hữu đất đai trên các hành tinh, một công dân Mỹ đã tìm cách chiếm hữu và bán đất trên sao Hỏa. Ông này đã trở nên giàu có nhờ hành vi kinh doanh có một không hai này. Tuy nhiên, về bản chất, ông ta đã thành công không phải nhờ vào việc khai thác các lợi ích thực tế từ sao Hỏa, mà là nhờ vào việc khai thác những tiềm năng to lớn từ chế định sở hữu của con người. Chính quyền sở hữu đã làm cho những miếng đất bất khả tiếp cận ở trên sao Hỏa trở thành những thứ có giá trị về mặt kinh tế.
Những gì đúng cho ngôi sao Hỏa xa xôi thì cũng đúng cho Trái đất của chúng ta. Với nhận thức này, chúng ta sẽ thấy một trong những vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhà nước là sự không rõ ràng về mặt sở hữu, hay chính xác hơn là tình trạng thiếu vắng hoàn toàn về động lực của chủ sở hữu. Điều này xảy ra do việc nhân cách hóa quyền chủ sở hữu cho Nhà nước là rất khó khăn. Nhà nước bao gồm rất nhiều cơ quan, rất nhiều người, nhưng lại không là một cơ quan hay một cá nhân nào cụ thể: không hoàn toàn là Quốc hội, cũng không hoàn toàn là Chính phủ, lại càng không phải là Tòa án hay Kiểm sát. Tình trạng này nhiều khi đã góp phần biến các doanh nghiệp nhà nước thành đàn bò sữa trong vườn địa đàng. Ai ai cũng lăm le vắt sữa, nhưng ít ai hôm sớm chăm nom, bảo vệ. Vậy thì, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chính là nhằm khắc phục tình trạng vô chủ nói trên.
Công bằng mà nói, chế định sở hữu là một trong những vấn đề đau đầu, nhức óc của xã hội loài người (và loài người cũng đã phải trả giá vô tận cho nó trong quá trình phát triển của mình). Một mặt, quyền sở hữu là động lực của các hoạt động kinh tế, là phép màu đứng ở đằng sau quá trình sáng tạo ra của cải vật chất và tích lũy sự giàu có. Mặt khác, nó lại bị coi là nguồn gốc của sự phân biệt giàu nghèo và sự bất công. Và lựa chọn giữa công bằng trong nghèo đói và giàu có trong bất bình đẳng bao giờ cũng là một sự lựa chọn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn một sự lựa chọn hợp lý hơn là sử dụng động lực của sở hữu để làm ra của cải vật chất và tìm cách tái phân phối sự giàu có để hướng tới sự công bằng. (Thuế thu nhập lũy tiến là một trong những cách như vậy). Có lẽ, đây là sự lựa chọn anh minh nhất.
Như vậy, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là theo đuổi sự lựa chọn thứ ba này chứ không phải là việc bán tống bán tháo tài sản của Nhà nước hoặc việc chia phần theo kiểu nghiệp đoàn. Các cổ phần cần bán được cho những người có tiền, có tri thức và có mong muốn làm giàu. Theo cách này, Nhà nước sẽ thu được một khoản tiền lớn, doanh nghiệp sẽ có động lực mới để phát triển. Đây cũng là bài học mà các nước thực hiện chuyển đổi ở Đông Âu đã trả giá dùm cho chúng ta. Thực tế của những nước này cho thấy, việc chia đều cổ phần cho những người lao động đã khôngdẫn tới một động lực phát triển mới, cũng như không dẫn tới sự công bằng. Do cuộc sống khó khăn, những người lao động đã nhanh chóng bán lại các cổ phần của mình (thường là với giá bèo) cho một số tư nhân và những khối tài sản khổng lồ của toàn dân đã bị chuyển đổi một cách hợp pháp vào tay những người này. Cả nhà nước và người dân đều mất trắng. Bán các cổ phần của doanh nghiệp nhà nước đúng giá cho những người có khả năng mua và dùng tiền thu được để giúp đỡ người lao động trong việc học nghề, tìm kiếm việc làm mới nếu cần sẽ công bằng hơn nhiều.
Ngoài ra, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn cần được hiểu là quá trình thu hút thêm nguồn vốn, nguồn tri thức về công nghệ và thị trường, cũng như là quá trình mở rộng mối quan hệ làm ăn.
Cuối cùng, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một công việc khó khăn. Ngoài những vướng mắc về mặt kỹ thuật như việc định giá, như tính kém hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp đối với thị trường, trở lực lớn nhất sẽ là sự chống đối của những người quen “vắt sữa bò miễn phí”. Tuy nhiên, với quyết tâm cao và với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, chúng hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn này. Cứ nghĩ mà xem, nếu sao Hỏa vẫn có thể bán được thì tại sao các doanh nghiệp nhà nước lại không?