Nguyên tác: The Lost Symbol
Số lần đọc/download: 15055 / 1007
Cập nhật: 2018-08-03 13:40:31 +0700
Chương 82
Đ
ại Giáo đường Washington là nhà thờ lớn thứ sáu trên thế giới, cao hơn cả một cao ốc ba mươi tầng và chứa được hơn ba nghìn tín đồ cùng lúc. Kiệt tác theo phong cách Gothic này được tô điểm bằng hơn hai trăm ô cửa sổ lắp kính màu nghệ thuật, một chùm năm mươi ba quả chuông và một bộ đàn gồm 10.647 ống.
Tuy nhiên tối nay, Đại Giáo đường hoàn toàn vắng lặng.
Đức cha Colin Galloway - chánh xứ nhà thờ - trông như người đã sống tới mấy mươi đời. Còng gập và nhăn nheo trong bộ áo thầy tu màu đen giản dị, ông lầm lũi lê bước đi trước. Langdon và Katherine im lặng theo sau, xuyên qua bóng tối trải khắp 120 mét dọc sảnh chính, trên lối đi giữa hai hàng ghế giáo đường. Lối đi này lượn rất nhẹ sang trái, tạo cảm giác êm ái. Tới Giao lộ chính, cha chánh xứ dẫn họ bước qua vách ngăn toà giảng - vách ngăn tượng trưng giữa khu vực giáo dân với thánh điện bên kia.
Thánh đường ngào ngạt mùi hương trầm. Không gian linh thiêng này ngập tràn bóng tối, chỉ tản mát chút ánh sáng phản xạ gián tiếp từ vòm trần trang trí hình lá bên trên. Cờ hiệu năm mươi bang treo cao trên vị trí của ban hợp xướng nhà thờ, xung quanh bày vài tấm bình phong chạm khắc các sự kiện trong kinh thánh. Cha Galloway vẫn đi tiếp, rõ ràng là đã thuộc lòng lộ trình. Có lúc, Langdon những tưởng họ đang tiến thẳng tới chỗ bàn thờ, nơi gắn mười phiến đá lấy từ núi Sinai, nhưng vị chánh xứ già lại rẽ sang trái và dò dẫm qua một cánh cửa ẩn kín dẫn vào gian trái dành cho công việc hành chính.
Họ đi dọc một hành lang ngắn tới một văn phòng, ngoài cửa có tấm biển tên bằng đồng:
ĐỨC CHA TIẾN SĨ COLLN GALLOWAY
CHÁNH XỨ ĐẠI GIÁO ĐƯỜNG
Galloway mở cửa và bật đèn, rõ ràng rất quen với việc ghi nhớ nghi thức xã giao dành cho khách khứa. Ông giục họ bước vào và đóng cửa lại.
Văn phòng chánh xứ nhỏ nhưng trang nhã, có nhiều giá sách cao, một bàn làm việc, một tủ chạm và một buồng tắm riêng. Trên tường treo mấy tấm thảm từ thế kỷ XVI và vài bức tranh tôn giáo. Vị chánh xứ già trỏ hai chiếc ghế da đặt đối diện bàn mình. Langdon ngồi xuống bên Katherine, lòng đầy cảm kích, vì cuối cùng cũng được buông chiếc túi nặng trịch ra. Anh thả nó xuống sàn nhà, ngay dưới chân.
Nơi trú ẩn và câu trả lời, Langdon nghĩ thầm, yên vị trên chiếc ghế thoải mái.
Ông già dò dẫm vòng ra sau bàn và ngồi xuống chiếc ghế có phần lưng tựa khá cao. Sau đó, thở ra mệt mỏi, ông ngẩng lên, đăm đăm nhìn họ qua đôi mắt mờ đục. Nhưng khi lên tiếng, giọng ông rõ và khỏe đến không ngờ.
- Tôi biết là chúng ta chưa hề gặp nhau, - Galloway mở lời - nhưng tôi cảm thấy quen thuộc với cả hai vị.
Ông rút khăn tay ra và chấm chấm lên miệng.
- Giáo sư Langdon, những tác phẩm của anh không xa lạ gì với tôi, kể cả bài báo rất xuất sắc về những biểu tượng của nhà thờ này. Còn cô Solomon, anh trai Peter của cô và tôi là huynh đệ Tam điểm với nhau đã nhiều năm nay rồi.
- Anh Peter đang gặp chuyện không hay, - Katherine bứt rứt báo.
- Tôi có nghe nói - ông già thở dài - Và tôi sẽ dốc hết sức để giúp các vị.
Langdon nhận thấy cha chánh xứ không đeo nhẫn Tam điểm trên tay, anh biết rằng nhiều hội viên, nhất là những người trong giới tu sĩ, thường chọn cách giấu kín thân phận của mình.
Họ bắt đầu trò chuyện. Rõ ràng cha Galloway đã nắm được một vài diễn biến hồi tối nhờ tin nhắn của Warren Bellamy. Nay nghe Langdon và Katherine bổ sung phần còn lại, trông cha càng có vẻ lo lắng.
- Tức là - đức cha nói - cái gã đã bắt cóc Peter yêu quý của chúng ta khăng khăng đòi Giáo sư giải mã kim tự tháp để đối lấy mạng sống của anh ấy?
- Vâng, - Langdon đáp - Gã nghĩ đó là tấm bản đồ dẫn tới nơi cất giấu những Bí mật cổ xưa.
Cha chánh xứ hướng đôi mắt mờ đục kỳ lạ của mình về phía Langdon.
- Tai tôi mách cho tôi biết rằng Giáo sư hoài nghi Bí mật cổ xưa, bản đồ và mọi điều tương tự.
Langdon không muốn lãng phí thời gian vào chủ đề này.
- Con hoài nghi hay tin tưởng đều không quan trọng. Quan trọng là phải giúp Peter. Tiếc rằng khi chúng con giải mã xong kim tự tháp, nó cũng chẳng chỉ tới đâu cả.
Ông già ngồi thẳng dậy.
- Các vị đã giải mã kim tự tháp?
Katherine bèn đỡ lời, nhanh nhẹn giải thích rằng mặc dù Bellamy đã cảnh báo và Peter cũng yêu cầu Langdon không được mở cái gói, nhưng cô vẫn mở ra vì ưu tiên trước nhất là giúp anh trai mình. Cô kể với cha chánh xứ về chóp vàng, về ma trận Albrecht Dürer, và về việc ứng dụng nó để giải bức mật mã Tam điểm gồm mười sáu chữ cái thành câu Jeova Sanctus Unus.
- Một Đức Chúa đích thực? Nó chỉ nói có vậy thôi à? - Galloway hỏi.
- Vâng, thưa cha, - Langdon đáp - Rõ ràng kim tự tháp là một bản đồ ẩn dụ, chứ không phải bản đồ địa lý.
Cha chánh xứ chìa tay.
- Cho tôi sờ thử xem.
Langdon mở khoá túi xách, lôi kim tự tháp ra và cẩn thận đặt nó lên bàn, ngay trước mặt đức cha.
Langdon và Katherine lẳng lặng quan sát. Galloway dùng đôi tay gầy yếu kiểm tra từng phân đá, từ bề mặt khắc chữ đến phần đe trơn nhẵn và cuối cùng là chóp cụt. Kiểm tra xong, ông lại chìa tay ra.
- Thế còn cái chóp?
Langdon nhấc lấy hộp đá nhỏ, bê nó lên bàn và mở nắp, đoạn anh moi cái chóp, đặt nó vào hai tay ông già. Cha chánh xứ lại kiểm tra như lần trước, sờ kỹ từng phân, dừng lại lâu hơn ở mấy chữ chìm trên cái chóp, rõ ràng là hơi khó khăn để nhận biết dòng văn tự nhỏ xíu được khắc rất đẹp này.
- Bí mật giấu trong Tổ Chức, - Langdon trợ giúp - Hai chữ Tổ và Chức viết hoa.
Galloway đặt cái chóp lên kim tự tháp cụt và sờ soạng để khớp chúng vào nhau, khuôn mặt không biểu lộ điều gì. Ông ngừng lại chốc lát, như thể đang cầu nguyện, rồi kính cẩn đưa hai tay rờ rẫm khắp lượt ngọn tháp hoàn chỉnh vài lần. Sau đó, ông tìm cái hộp hình khối, cầm lên và cũng thám thính rất cẩn thận, các ngón tay dò kỹ cả bên trong và bên ngoài.
Xong xuôi, Galloway thả hộp xuống và ngả người ra sau ghế.
- Giờ hãy cho tôi biết, - ông lên tiếng, giọng đột nhiên trở nên nghiêm nghị - Tại sao các vị lại đến chỗ tôi?
Câu hỏi khiến Langdon ngỡ ngàng.
- Thưa cha, chúng con đến bởi vì cha bảo như vậy. Ông Bellamy cũng dặn chúng con hãy tin tưởng cha.
- Thế nhưng hai vị không hề tin ông ấy cơ mà?
- Con không hiểu?
Đôi mắt trắng đục của cha chánh xứ nhìn xuyên qua Langdon.
- Hộp đựng chóp có niêm phong. Bellamy dặn không được mở nó ra, nhưng các vị cứ mở. Thêm nữa, chính Peter Solomon cũng yêu cầu anh không được mở nó. Nhưng anh đã mở.
- Thưa cha. - Katherine can thiệp - chúng con chỉ cố gắng giúp Peter. Cái tên bắt giữ anh ấy đòi phải giải mã…
- Tôi có thể thông cảm, - cha chánh xứ tuyên bố - nhưng các vị thu được gì bằng cách mở gói ra? Chẳng có gì cả. Kẻ bắt giữ Peter đang tìm kiếm một địa điểm, và gã sẽ không thoả mãn với câu trả lời Jeova Sanctus Unus.
- Con đồng ý, - Langdon thừa nhận - tiếc rằng kim tự tháp chỉ vỏn vẹn có vậy. Ở trên con đã nói, tấm bản đồ dường như mang tính ẩn dụ hơn là…
- Anh lầm rồi, thưa Giáo sư, - cha chánh xứ ngắt lời - Kim tự tháp Tam điểm là một tấm bản đồ thực sự. Nó chỉ tới một địa điểm có thật Anh không hiểu điều đó, bởi vì anh chưa giải mã được đầy đủ kim tự tháp. Thậm chí còn chưa đến gần.
Langdon và Katherine nhìn nhau kinh ngạc.
Cha chánh xứ đặt hai tay lên ngọn tháp, gần như vuốt ve nó.
- Tấm bản đồ này, cũng như bản thân Bí mật cổ xưa, có nhiều tầng ý nghĩa. Các vị vẫn chưa chạm đến bí mật đích thực của nó.
- Thưa cha Galloway. - Langdon nói - Chúng con đã dò kỹ từng phân kim tự tháp và cái chóp, chẳng thấy gì khác cả.
- Với hiện trạng này của nó thì không có đâu. Nhưng mọi vật thay đổi được mà.
- Thưa cha?
- Giáo sư, anh biết đấy, kim tự tháp này hứa hẹn một trong những sức mạnh biến cải phi thường. Theo truyền thuyết, nó có thể thay hình đổi dạng… biến đổi diện mạo vật chất của mình để tiết lộ các bí mật.
Tương tự trường hợp hòn đá lừng danh đưa thanh kiếm Excalibur[1] vào tay Vua Arthur. Kim tự tháp Tam điểm có thể tự thay đổi theo lựa chọn… và tiết lộ bí mật của nó cho những người xứng đáng.
Langdon cảm thấy tuổi tác đã làm ông già lẩn thẩn.
- Con xin lỗi, thưa cha. Cha đang nói rằng kim tự tháp này có thể biến đổi về mặt vật lý theo đúng nghĩa đen phải không ạ?
- Giáo sư, nếu tôi ra tay biến hoá kim tự tháp ngay tại đây, anh sẽ tin những gì mình chứng kiến chứ?
Langdon không biết trả lời sao.
- Con cho rằng chẳng còn lựa chọn nào khác.
- Tốt lắm. Lát nữa thôi, tôi sẽ làm đúng như thế - ông lại thấm miệng - Cho phép tôi nhắc quý vị rằng đã có thời ngay cả những bộ óc sáng láng nhất cũng tin là trái đất dẹt, vì nếu trái đất tròn thì chắc chắn các đại dương sẽ chảy trôi hết. Thử tưởng tượng xem họ sẽ chỉ trích thế nào nếu các vị tuyên bố "Trái đất không chỉ hình cầu mà còn tồn tại một sức mạnh bí ẩn vô hình giữ mọi thứ lại trên bề mặt của nó"!
- Nhưng lực hấp dẫn thì khác xa khả năng biến cải đồ vật bằng cách chạm tay của cha chứ, - Langdon phản đối.
- Thế ư? Không lẽ chúng ta vẫn đang sống trong đêm trường Trung cổ, vẫn ham chỉ trích lời gợi ý về các lực lượng "bí ẩn" mà chúng ta không thể nhìn thấy hoặc hiểu được? Lịch sử dạy chúng ta nhiều điều, một trong số đó là đừng cười nhạo những ý tưởng kỳ lạ, vì một ngày kia chúng sẽ trở thành chân lý đáng phụng thờ. Tôi tuyên bố có thể biến đổi kim tự tháp này chỉ với một cái chạm tay, và anh nghi ngờ sự tỉnh táo của tôi. Sẽ khả quan hơn nếu anh là một nhà sử học. Lịch sử đầy rẫy những bộ óc vĩ đại từng công bố bao điều tương tự, họ nhất quyết cho rằng con người sở hữu nhiều khả năng bí ẩn mà tự mình lại không hay biết.
Langdon hiểu rằng đức cha nói đúng. Câu cách ngôn nổi tiếng của phái Hermes: "Các ngươi không biết mình là thần thánh ư?" là một trong những nền tảng của các Bí mật cổ xưa. Thương hạ tương liên…Con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa… Phong thần. Bức thông điệp về khả năng thần thánh (hoặc tiềm năng ẩn kín) của chính con người là chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong văn tự cổ của rất nhiều tín ngưỡng: Thậm chí Kinh thánh cũng nói: Các con là Chúa (Thánh ca 82:6)!
- Giáo sư. - Galloway lên tiếng - tôi nhận ra rằng anh, cũng như nhiều người có học thức khác, thường kẹt giữa các thế giới, một chân trong tâm linh, một chân trong vật chất. Lòng anh khát khao muốn tin nhưng tri thức của anh lại từ chối chấp nhận. Là một học giả, anh nên học hỏi những bộ óc vĩ đại của lịch sử - ông ngừng lời và hằng giọng - Nếu tôi nhớ không lầm thì một trong những bộ óc vĩ đại nhất từng phát biểu: "Thực tế vẫn tồn tại nhiều điều chúng ta không lý giải nổi. Đằng sau bí ẩn của tự nhiên còn lắm thứ tinh tế, vô hình và khó diễn tả. Tôn giáo của tôi chính là lòng tôn kính dành cho những sức mạnh nằm ngoài khả năng lĩnh hội của con người".
- Ai nói câu đó nhỉ? - Langdon thắc mắc - Gandhi à?
- Không, - Katherine nhắc - Albert Einstein.
Katherine Solomon đã đọc toàn bộ trước tác của Einstein và rất ấn tượng trước sự sùng kính sâu sắc ông dành cho những điều bí ẩn. Einstein còn tiên đoán rằng một ngày nào đó công chúng sẽ cảm nhận được như mình. Tôn giáo của tương lai, ông dự báo, là một tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ vượt cả Chúa trời, sẽ chẳng có giáo lý hay học thuyết.
Dường như Robert Langdon đang phải đánh vật với ý tướng này.
Katherine có thể cảm nhận được sự thất vọng ngày càng tăng của anh đối với vị giám mục già, và cô hiểu vì sao. Họ lặn lội đến đây để tìm câu trả lời nhưng chỉ gặp được một ông già mù huyên thiên về việc biến đổi đồ vật bằng một cái chạm tay. Niềm say mê thái quá của Galloway đối với các sức mạnh bí ẩn còn khiến Katherine nhớ tới anh trai cô.
- Thưa cha - Katherine nói - anh Peter đang gặp nguy hiểm. Chúng con thì bị CIA truy đuổi. Warren Bellamy đặn chúng con tới đây để nhờ cha giúp đỡ. Con không biết kim tự tháp ngụ ý gì hay chỉ dẫn tới đâu nhưng nếu việc giải mã có thể giúp Peter thì chúng con sẽ làm. Ông Bellamy dặn hãy giấu kín ngọn tháp, dù phải hy sinh mạng sống của Peter, nhưng gia đình con chẳng gặt hái được gì từ nó, trừ đau khổ. Bất kể kim tự tháp đang gìn giữ bí mật nào thì nó cũng sẽ kết thúc tối nay.
- Cô nói đúng, - ông già đáp, giọng chua chát - Nó sẽ kết thúc tối nay. Cô đã thu xếp để điều đó chắc chắc xảy ra rồi - ông thở dài - Cô Solomon, gỡ niêm phong cái hộp tức là khởi động một loạt sự kiện vô phương cứu chữa. Có những sức mạnh đã vận hành mà các vị vẫn chưa hay biết. Không thể vãn hồi được nữa đâu.
Katherine sửng sốt nhìn đức cha. Có sắc thái tiên tri trong giọng nói của ông già, cứ như thể ông đang đề cập đến bảy niêm ấn ở sách Khải Huyền hoặc cái hộp Pandora[2] vậy.
- Thưa cha, - Langdon xen vào - Một kim tự tháp đá mà khởi động được sự kiện gì đó ư? Con không tài nào hiểu nổi.
- Dĩ nhiên là anh không hiểu, Giáo sư ạ - ông già trân trân nhìn lại - Mắt anh chưa có khả năng nhận ra điều đó.
Chú thích
[1] Excalibur là thanh kiếm huyền thoại của Vua Arthur, có ẩn chứa sức mạnh huyền bí bên trong và tượng trưng cho chủ quyền hợp pháp đối với Vương quốc Anh. Theo Từ điển về Thành ngữ và Truyện ngụ ngôn của tác giả Ebenezer Cobham Brewer, Excalibur được vay mượn từ thành ngữ Latin Ex calce liberatus hay "liberated from the stone" (giải phóng từ phiến đá). Trong Cái chết của vua Arthur, Thomas Malory cho rằng Excalibur mang nghĩa "cắt thép". Theo những tư liệu còn lại về vua Arthur, có hai huyền thoại tách bạch nhau về xuất xứ của thanh kiếm. Đầu tiên là "Thanh kiếm trong đá", xuất hiện đầu tiên trong bài thơ Merlin của Robert de Boron, trong đó Excalibur chỉ có thể được rút ra khỏi đá bởi Arthur, vị vua hợp pháp. Truyền thuyết thứ hai xuất hiện trong sách Post-Vulgate Suite du Merlin (về sau được Thomas Malory sử dụng trong tác phẩm của mình). Ở đây, Arthur nhận được Excalibur từ Tiên nữ của Hồ nước sau khi làm gãy thanh gươm đầu tiên của mình trong một cuộc đánh nhau với vua Pellinore. Vị tiên đã miêu tả thanh kiếm "Excalibur, thanh kiếm cắt thép", và Arthur nhận nó từ một cánh tay đưa lên khỏi mặt hồ. Khi Arthur sắp chết. Ông bảo Sir Bedivere trả lại thanh kiếm bằng cách ném nó xuống hồ. Trước khi thanh kiếm chạm mặt nước, một cánh tay trồi lên tóm lấy thanh gươm và kéo nó xuống hồ. Cả hai mặt của lưỡi kiếm Excalibur đều có khắc chữ. Một mặt là "take me up" (Vung tôi lên), trên một mặt kia là "cast me away" (Ném tôi đi), tiên đoán trước việc Excalibur sẽ trở về với nước. Thêm vào đó, khi Excalibur được rút ra khỏi vỏ lần đầu tiên, lưỡi kiếm phát ra ánh sáng như của ba mươi ngọn đuốc, làm loá mắt kẻ thù. Ngay cả vỏ của Excalibur cũng có năng lực riêng: người cầm nó sẽ không bị nguy hiểm đến tính mạng vì bị thương hay mất máu. Về sau. Morgan le Fay lấy trộm vỏ kiếm và ném xuống hồ, và vỏ kiếm mất tích từ ấy - ND.
[2] Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora là người phụ nữ đầu tiên. Thần Zeus ra lệnh cho thần thợ rèn Hephaestus tạo ra nàng từ đất như một hình phạt đối với loài người do việc Prometheus lấy trộm lửa. Mỗi vị thần giúp tạo ra nàng bằng cách tặng cho nàng một tài năng riêng. Theo truyền thuyết, do tính tò mò, Pandora đã mở một cái vò, làm tất cả những thói xấu của loài người thoát ra, chỉ còn xót lại đúng Hy vọng do nàng kịp đóng nắp vò lại - ND.