In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Đĩnh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 103
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3336 / 158
Cập nhật: 2015-08-14 04:32:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 82
ôi đã từ chối viết hồi ký Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh. Sau khi xin phép "sát hạch trí nhớ" Lê Thanh Nghị, tôi đã xin lỗi là không viết giúp ông được, (ông ngồi đó, Nguyễn Hưng Định thư ký của ông thay ông nói và nếu ông gật tán thành thì tôi sẽ ghi lại - ông không nhớ và nói không hấp dẫn). Nhưng cũng trong dịp này Nguyễn Hưng Định cho tôi biết ra ngoài việc xin viện trợ, phó thủ tướng Nghị có một bảo bối rất lợi hại là rượu rễ cau, thứ làm cho đàn ông rắn rỏi. Mấy vị thủ tướng ngoài, nhất là vị Hungaria, vô cùng chuộng nó. Có rễ cau là các vị ký viện trợ nhanh lắm? Tôi đã đùa bảo Định: Thảo nào Mỹ cứ nhè vùng cau quăng bom dữ. Và khéo mỗi viên đạn ta cũng có sức mạnh của rễ cau ngâm rượu. Định than rằng nhiều thành viên trong đoàn chính phủ sang các nước thường thuổng đồ dùng trong nhà khách chính phủ sang trọng của họ. Thuốc đánh răng, khăn mặt, bàn chải răng, xà phòng… Ở các chỗ này hễ thiếu thứ gì người ta lại lấy bổ sung. Có những cha mà va-li ních toàn những thứ như thế. Tôi chắc, Định nói, nhân viên nhà khách họ thừa biết chúng ta lấy chứ chả lẽ ăn à, nhưng ai lại đè đoàn chính phủ chống Mỹ ra khám va-li? Có một người lúc ấy tôi ưng viết. Xét từ phía nguyên vật liệu. Người ấy từ 1966 đã đặt cọc với tôi. Ôm vai tôi đi vòng quanh sân nhà người ấy, mỗi vòng cứ đến gần cổng sắt tôi lại ngường ngượng thấy anh lính gác quần áo mới toanh liếc vào. Ông nói: Cậu viết giỏi lắm, không ở tù mà viết như thằng tù mà lại còn phải là thằng lõi đời tù cơ. Cậu viết hay hơn mấy thằng chúng nó (xin miễn kể tên). Tớ sẽ nhờ cậu viết thời kỳ tớ chuẩn bị tổng khởi nghĩa, hay lắm.
Tôi đinh ninh chuyện người ấy phải hay. Con người ấy đầy cá tính, nhất là quyền biến, sắc sảo cái nhìn khá độc đáo. Tôi đã chờ ngày ông gọi. Chờ hơn cả việc ông cũng đã đặt cọc với tôi: "Sang Paris đàm phán, tớ sẽ đưa cậu theo làm báo cho đoàn". Người ấy là Lê Đức Thọ. Cần nói ngay: Lúc ấy, Lê Giản chưa cho tôi biết Sáu Thọ lệnh giết mười mấy đảng viên người Hoa, trong có bố vợ tôi. Tới Đổi mới, anh mới vén dăn lên màn bí mật. Lúc ngỏ ý kén tôi viết cho ông, Thọ cũng chưa dựng vụ án xét lại. Sau này, tôi "rễ thối", chân đi Paris của tôi được Hồng Hà thay còn cái tay viết hồi ký thì Sáu Thọ nhờ đại tá nhà báo quân đội Phạm Phú Bằng. Sớm nữa Bằng đã được đại tướng Văn Tiến Dũng nhờ viết lại Đại thắng mùa xuân, cái hồi ký Hồng Hà viết từ 1976 và gây xôn xao trong cán bộ vì đá phăng tên Võ Nguyên Giáp đi. Một đại tá đến với hơn một chục quả hồng xiêm "cây nhà lá vườn" của đại tướng mời Bằng tới nhà đại tướng. Bằng nhận lời nhưng xin được hỏi lại từ đầu và ghi âm ra làm mười băng những gì đại tướng kể cùng hỏi đáp của hai bên rồi gửi tới nhiều nơi để nghe và góp ý, coi như một cuộc xây dựng tập thể cho quyển sách. Xúp! Hỏi tôi đặt kế hoạch chiến dịch thì cũng cần lấy ý kiến tập thể đấy hả? Còn vì sao muốn viết lại? Không ai biết. Định truy hồi cho Giáp chút công mọn nào chăng. Bằng cũng làm phật ý một đại tướng khác, đại tướng bộ trưởng công an Mai Chí Thọ. Bằng đề nghị một cách viết: Hết một phần đại tướng công an kể, lại xen một phần ý kiến của Bằng, kiểu lời bình và hồi ký sẽ đề cả tên Mai Chí Thọ lẫn Phạm Phú Bằng như đồng tác giả. Xúp là cái chắc. Để tên hai tác giả mà lại có bình Thánh Thán nữa, có mà điên. Các vị không biết anh bạn tôi rất trọng đường lối quần chúng. Trọng thật lòng. Cái hay là từ quần chúng mà ra. Cuối cùng Lê Đức Thọ gọi Bằng đến.
Đưa một quyển sổ tay nói cậu xem rồi căn cứ đó viết cho tó cái hồi ký.
- Thưa anh, Bằng nói, trước khi làm việc, tôi có một đề nghị, xin anh cho tôi được nói một số điều cán bộ, nhân dân bây giờ thường nói mà chắc anh và anh Lê Duẩn chưa nghe.
- Thôi, về đi, Thọ đỏ mặt xẵng giọng.
Phạm Phú Bằng là con trai cả cụ Phạm Phú Tiết, nguyên tổng đốc Quảng Nam - Quảng Ngãi và Bình Định - Phú Yên, người cùng với Khương Hữu Tài Việt Minh, anh của Khương Hữu Dụng, làm cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn. Cụ đã lệnh anh em bảo an binh mở cửa đồn đón cách mạng. Trong đồn này, từ 1944, cụ tích được hơn 150 khẩu súng, gồm cả "súng cối xay" (tức súng máy, đạn nổ rào rào như xay thóc), với ý định dùng vào cuộc nổi dậy giành độc lập, một việc cụ đã bàn với mấy đại biểu Việt Minh và Cao Đài, một hai năm trước Cách mạng tháng Tám trong một hội nghị cụ triệu tập và chủ trì. Sau tổng khởi nghĩa, cụ làm chánh án Bình Định, rồi chánh án miền Nam, chánh án toà án quần sự miền Nam. Có lẽ vì thế mà Cụ Hồ phong cụ là đại tá đầu tiên, về sau, theo đà củng cố được chính quyền, hơi nhân sĩ hả dần, cụ ra Hà Nội, làm công việc soạn lại các sách Hán Nôm và dạy Hán Nôm, sống nghèo túng ở một gian phòng tập thể tại Mai Dịch, ốm thì đi bộ bên đường lầm bụi đến Bệnh viện E, Cổ Nhuế lĩnh hộp cao Sao Vàng, cơm toàn tép với rau muống. "Cụ cứ ngửa cổ lên nhai ngắc ngắc thế này, tội lắm, Nguyễn Khải kể với tôi. "Mình thấy cụ ăn mà thương quá. Cũng có đoàn kết đấy nhưng xem ra không bền". Bằng nói sau khởi nghĩa mấy ngày, Khương Hữu Tài bị nội bộ thịt. Có lẽ vì đã cướp chính quyền cùng với tổng đốc. Lúc ấy "thịt" rất dữ. Ở Quảng Ngãi cả ngàn chánh phó lý bị giết nên Bằng rất chợn khi người ta cử bố anh "về thăm" huyện Nghĩa Hành, nơi cụ từng làm quan. Nhưng cụ trở về yên lành. Dân sở tại đem cả hương án ra đón từ đèo Mật trên đường vào huyện. Cảng Hải Phòng là cụ nội Phạm Phú Bằng lập ra: Phạm Phú Thứ, tổng trấn Hải Yên, tức bốn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Yên, Hải Phòng. Lập cảng Hải Phòng mấy năm Việt Nam lập tức xuất siêu! Đi sứ sang Pháp, cụ từng nói - trước cả Minh Trị Duy Tân Nhật - nếu theo đường công nghiệp thì những phồn hoa như Paris, Luân Đôn đâu có là chuyện khó với Việt Nam! Ngài tổng trấn đã mở ở Hải Dương một trung tâm phát hành sách khoa học kỹ thuật gọi là Hải Dương học xã.
Trong thời kỳ chiến tranh với Pháp, khi cụ Phạm Phú Tiết và Phạm Phú Bằng ra chiến khu tham gia kháng chiến thì bà Phạm Phú Tiết và các người con gái đều ở lại Huế. Bằng có một người chị là Xuân Thọ (thường gọi thân mật là Souris Thọ) rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh vào giữa thập niên 1950 làm việc trong ngành Ngoại giao của chính quyền Quốc gia, nhiệm sở sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Cuối thập niên 1950 chị Xuân Thọ thôi làm việc, về nước lập gia đình với kỹ sư Ngô Trọng Anh. Hiện nay cư ngụ tại thành phố San Francisco, California, Hoa Kỳ.
Xét về mặt chính trị, gia đình Bằng có đi thụt lùi: Cụ Phạm Phú Thứ có khuynh hướng canh tân đất nước theo nền văn minh Tây phương, trong khi người cháu nội là Phạm Phú Tiết lại tin theo cộng sản.
Tôi dịch Máu lạnh của Truman Capote nhà văn Mỹ nổi tiếng vì muốn đưa ra loại "tiểu thuyết không hư cấu" (non-fiction novel, Pháp gọi là tiểu thuyết - sự thật, roman-vérité) do ông rồi Norman Mailer sáng tạo để ở ta có ai tính ý đem so sánh nó với thể loại "người thật việc thật" đảng đề xướng mà theo đó thì "người kể" hay "người thật" - như mấy tử tù kể lại với Truman Capote - mới là gốc của sự viết; còn nhà văn như Capote chẳng qua chỉ là cây bút rỗng ruột ghi hộ. (Cần bổ sung: đến 2011-12, bên Pháp gọi cả hồi ký 100% - như truyện yêu đương của cháu gái nhà văn lớn kiêm viện sĩ hàn lâm Francois Mauriac với nhà điện ảnh Jean Luc Godard - là "tiểu thuyết". Rồi Biệt tích ở Shangri-La (Lost in Shangri-La, của Mitchell Zuckoff) cũng tiểu thuyết. Cái quy tắc kinh điển về điển hình hoá dành cho thể loại tiểu thuyết xem ra trụ không nổi nữa rồi. Văn học "người thật việc thật" đã ra đời ở xã Điềm Mặc, huyện Quảng Nạp trong căn cứ địa như thế nào? Giữa tiếng ve rừng ran ran, tháng 5-1950, Thôi Hữu viết Những ngày cuối cùng của Hoàng Văn Thụ. Đăng nó lên Sự Thật, thấm nhuần tư tưởng văn nghệ phục vụ chính trị, linh hồn của Nói chuyện ở Diên An (Mao Trạch Đông), Thép Mới đã thêm cho nó lạc khoản "Trần Đăng Ninh kể, Thôi Hữu ghi" định hình từ đấy một thể loại văn học thể hiện trung thành tinh thần văn nghệ hầu hạ chính trị, văn nghệ sĩ bưng bê nhà chính trị. Trong khi Stendhal, tác giả của Đỏ và Đen (Le rouge et le noir) nói: Chính trị là gông cùm của văn học. Tồ Hoài đã rất đúng khi cho rằng tôi viết hồi ký hay là do tôi đã kéo tai các cốp lên cho ngang với tôi, "chứ viết của này mà dạ bẩm, em kính ghi anh đây… là ngỏm." Thật ra sáng tạo đều là lên tầng, nâng cấp cho khách quan hay "kéo tai". Khách quan luôn là cái mà nhà văn mượn để gửi gắm tâm sự và tài năng mình vào. Tóm lại kẻ sáng tạo có thao túng, uốn nặn hiện thực thì mới hòng sáng tạo. Gabo, một trong những tổ sư hội hoạ hiện đại nói: sáng tạo là áp đặt độc tài của trí tuệ. Picasso còn ghê đến thế này: Tôi vẽ cái tôi nghĩ. Đối lại, Matisse nói: Tôi vẽ bằng buồi. Chơi chữ - vẽ, peins hay cái của nợ kia, - penis ở tiếng Pháp đều gồm năm chữ cái giống nhau, khác ở xếp đặt. Vả chăng, trong sáng tạo, hai mặt thanh tục này cùng tác động qua lại không nhỏ. Điều này mỹ học cộng sản tối kỵ! Cách mạng một dạ sắt son ấy mới… con nhà! Những năm còn phải bỏ tên, tôi dịch các chuyện hình sự Pháp, cao bồi Mỹ trong đó có chuyện của Louis l’Amour, vị tác giả đòi ta phải đấu tranh giành lấy nhân quyền, dân chủ. Tôi thích chuyện hình sự, chuyện miền Viễn tây cao bồi từ niên thiếu. Tôi dịch Những con chim hồng hộc của Trương Nhung và không ngờ được xuất bản. Tôi đã lên án được Mao ở quy mô cả nước, không chỉ có ở báo đảng rồi phạm tội khi quân mà bị xô đổ như hồi nào. Trương Nhung - Jung Chang và chồng - John Halliđay, sau đã viết quyển sách dày hơn 800 trang "Mao: Câu chuyện không được biết". Giới thiệu quyển sách ngay bìa, báo Time viết: "An atom bomb of a book". - Một quả bom nguyên tử của một quyển sách. Trong đó âm mưu của Mao đã được vạch vòi khá tì mỉ. Chẳng hạn với Việt Nam. Mao chả coi cái xứ sở này ra cái gì. Ngoài tham vọng bành trướng còn tính cách khát máu của Mao: Mao coi chiến tranh khi kéo dài thì giống như thiên đường. Đọc sử, đến lúc hoà bình thịnh vượng thì Mao ớn. Có một việc có lẽ nên nói. Phê bình giới thiệu sách là cần và đáng trân trọng. Song hình như nhiều nhà phê bình hơi vội. Nguyên văn tiếng Anh của Chim hồng hộc là The Wild Swans nhưng có báo khen tắc phẩm xong đã ngạc nhiên sao người dịch lại dịch thành chim hồng hộc. Bỏ qua mất chi tiết sau: trong truyện, tác giả nói rõ mấy mẹ con bà đều được đặt tên Hồng, tức chim hồng hộc tức thiên nga. Viết bằng tiếng Anh, Trương Nhung thêm chữ "hoang dã" - wild vào "thiên nga" để lột hết ý chữ hồng hộc cổ, cái chữ vốn đã vào thơ Việt từ lâu - "Cánh hồng bay bổng tuyệt vời, Đã mòn con mắt chân trời đâm đăm", nó có lẽ còn chuyển sang làm tượng thanh tuyệt vời cho phó từ hồng hộc, hùng hục không chừng nữa. Và bản thân tôi lại muốn nhân dịp này tái bản câu Đức Thánh Trần có lẽ đã bị con cháu quên: Các tuỳ tướng Yết Kiêu, Dã Tượng của ta giống như chim hồng hộc bay được cao được xa là nhờ cánh nó có chín giẻ xương. Nếu tôi dịch là hoang dã thì hoá ra thừa nhận có nhánh thiên nga nhà lành nuôi trong ao hồ, khiến nhớ đến Hồ thiên nga "la la ìa la sol la si la soỉ" của Tchaikovski? Một nhà phê bình nêu ra ở trong bài: Nhà văn Phạm Toàn dịch là "thiên nga hoang dã" cơ mà! Tôi thư cảm ơn và nói: Phạm Toàn là bạn tôi, giỏi hơn tôi thập toàn, trừ một chỗ chưa toàn anh ấy phạm phải là tiếng Tàu kém tôi gần như hoàn toàn. Linh Sơn cũng thế. Một vài báo khen nó nhưng cho tôi dịch Núi Hồn là sai. Phải dịch là Núi Thiêng. Sách mới mờ mấy trang, hai nhân vật đối thoại đã nói rõ: "Chữ linh ở Linh Sơn là linh trong linh hồn", nhưng nhà phê bình đã bỏ qua. Và cả Pháp lẫn Anh đều dịch Núi Hồn (La montagne de l'âme, Soul Mountain), không đâu ra Núi thiêng hết. Mà họ thì không duy vật quá đến nỗi thiếu khái niệm thiêng. May chứ nếu là thiêng thì tôi không viết được lời tựa cho bản dịch: Linh Sơn, Núi Hồn ở đâu? Có lẽ ở trong ta. Nhưng ta ở về phía nào của Núi Hồn? Phía cộng hay phía trừ? Dịch thì khó tránh phạm toàn, tôi xin nói, nhưng người phê bình cũng nên nắm toàn nội dung tác phẩm. Dịch Linh Sơn, tôi đã fax cho tác giả: Tôi với ông là ba cùng, tam đồng. Cùng học Bắc Kinh đại học, cùng hội cầm bút và cùng thuyền gian truân chính trị. Cao Hành Kiện fax lại cám ơn.
Năm 2004, Trung Quốc mở một Hội sách ở Pháp. Cao Hành Kiện không được mời, báo chí Pháp bèn rủa thậm tệ chính phủ họ - ti tiện, nịnh thị trường Trung Quốc nên bày sách theo ý Bắc Kinh. Xã luận tạp chí Lire của Pháp đổi tên hội sách, Le Salon du livre ra thành Le Salaud du livre, Sách xà lù (khốn nạn, bẩn thỉu). Sang Pháp chuyến "sách bẩn thỉu" ấy có mấy nhà văn Trung Quốc nổi tiếng như Mặc Ngôn, tác giả của Cao lương đỏ, Vú mẩy mông dầy. Mặc Ngôn là "Không Nói" nhưng l'Express cho hay cuối cùng trong bản tự kiểm thảo làm theo yêu cầu đảng rồi cho đăng báo, ông nói và nói lớn: một, tôi đã vi phạm chủ nghĩa duy vật lịch sử; hai, tôi đã bị tiêm nhiễm nọc độc văn hoá Tây phương. Và bằng lòng cho thu hôi Vú mẩy mông dầy. Làm nhà văn ngoan vẫn sướng! Tôi cũng dịch Ngẫm của Huraki Murakami viết về vụ giáo phái Aum đánh hơi độc ở Tokyo chấn động thế giới. Thoạt đầu chưa nhận dịch. Mở xem thì đúng chỗ Murakami đặt câu hỏi "chẳng lẽ chúng ta lại chưa từng trao phó con người chứng ta cho một Hệ thống hoặc Trật tự to lớn hơn nào sao? Và… ) chẳng lẽ cái Hệ thống ấy lại chưa từng đòi hỏi chúng ta làm một vài kiểu "điên rồ" nào ư?… Các giấc mơ của bạn có thật sự là giấc mơ của chính bạn không? Phái chăng đó chi là cái nhìn của một ai mà rồi sớm muộn sẽ hoá thành ác mộng?" Nhận ra đúng bản mặt mình từng bị một cái ý xằng nó sai khiến đi theo nó thả khí độc, tôi dịch. 2008, với tên Bản Quyền, tôi dịch Đạo Đức Kinh thông qua quyển Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống của Tiến sĩ người Mỹ Wayne Dyer. Phần nào muốn chuộc tội với bậc vĩ nhân mà tôi đã từng bở qua. Sao tôi lại cam "sống mềm dẻo", "sống yên bình", "sống khuất phục"? Phải cải tạo tất cả đi mà sống chứ! Và Thiên niên kỷ (Millennium) của nhà văn Thuỵ Điền Stieg Larsson có lẽ là quyển cuối cùng mà tôi dịch chăng? Đọc tiểu thuyết trinh thám Pháp, Anh, Mỹ từ 14, 15 tuổi, tôi kính trọng tác giả đã nâng cao ghê gớm thể loại này lên, phân tích, suy luận và chiếc kính lúp quen thuộc đã bị thay thế bằng trí nhớ siêu đẳng như máy ảnh và tài xông pha trong cõi Internet như trong chỗ không người. Kể cả tội ác cũng dữ dội hơn trước. Cầm bút, tồi càng hiểu Aragon: "Cô đơn là một tiến bộ so với im lặng". Nhà văn! Hoặc mi im bặt! Hoặc hãy cô đơn như Camus nói: "Viết là phản loạn nên nhà văn phải bằng lòng với cô đơn". Cô đơn thì không theo đuôi. Thảo nào Nguyễn Trãi đã thơ: Nguồn im ấy cố nhân và Hoa thơm thường héo cỏ thường xanh. Thường héo vì hay bị vặt bỏ. Thường xanh vì cứ vờn múa với tập thể, với hội nghị. Nguyễn Du nói: "Chân kinh, kinh chân chính, là kinh không lời". Joseph Brodski thà chịu tiếng lưu manh để chân kinh chứ không cố ngoan để vào Hội nhà văn viết nguỵ kinh cho chính quyền Xô-Viết. Bulgakov, nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ 20 của Nga bị trừng phạt thế nào cũng không quỵ. Và Henri Michaux, nhà thơ lớn của Pháp khi nhà xuất bản xin in tác phẩm thì nói ông bằng lòng nếu họ chỉ in 50 bản. Cioran, nhà văn Pháp gốc Rumania như Ionesco (và từng hâm mộ Hitler) đã viết những bảng đề như sau lên cửa: "Mọi viếng thăm đều là gây sự", "Tôi ghét những ai đến thăm", "Xin hãy nhân từ, đừng vào", "Người điên nguy hiếm ở đây!" " Chúa nguyền rủa kẻ bấm chuông…"
Từ những năm 1962 tôi không đọc văn học Xô-viết nữa. Ngay cả Một ngày của Dyonisevitch của Soljenitsin làm xôn xao dư luận thế giới dạo ấy. Cũng không ghé qua một giây vào Triển lâm Liên Xô mở to lớn ở Vân Hồ hồi đó. Không đụng đến Aimatov, sách của ông được người Việt thích thú truyền tay nhau. "Tấy chay" văn hoá Liên Xô, tôi muốn cho người ta thấy tôi chống Mao là theo chính kiến của riêng tôi. Hình ảnh Mao đã sứt mẻ nhiều ở tôi từ ngày đang ở Bắc Kinh. Phải nói là do được thể chế hoá chặt chẽ và che đậy tinh vi mà thói háo danh ngày một nặng. Đi kèm thói bốc thơm nhau quá thôi.
Trong một tiệc cưới, sắp tàn, Hoàng Cầm đến ngồi cạnh tôi hỏi: Có nghe tớ trả lời Thuỵ Khuê đài RFI phỏng vấn không? Thấy thế nào?
- Được… Nhưng hồi Nhân Văn, Z. đã làm thơ đâu mà cậu nhận nó là nhà thơ Nhân Văn?
- À, nó bảo khi trả lời (phỏng vấn), anh nói là tôi đã làm thơ với các anh từ dạo Nhân Văn nhá, nhá.
- Họ khai man lấy lão thành cách mạng, các cậu cũng khai man lão thành phản động cho nhau. Cậu lấy tên tớ ký vào điện gọi D. T. ra thăm cậu ốm vờ còn được chứ việc này thì dở. Albert Einstein nói đại khái: Ta có được giá trị thật khi ta thoát khỏi cái tôi cỏn con của ta. Các vị lão thành cách mạng có thấy vơ lấy hết về mình cho cái cá nhân mình to lớn ra là tự tước bỏ đi giá trị thật của mình không?
° ° °
Trong một bữa sinh nhật Kiến Giang, một giáo sư tên tuổi đến cạnh tôi, nói, tôi chào anh, anh không trả lời. - We have not the same fame Che same fate, số phận và tiếng tăm chúng ta không giống nhau, tôi nói tiếng Anh cho được nhẹ nhàng.
Niels Bohr nói: Tôi không cường điệu tôi, tức là bịa đó, thì tôi diễn đạt tôi sao được? Einstein nói tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Nên cụ đã bịa mô hình về thuyết tương đối hay Stephen Hawking bịa ra hố đen! Nào là có 30% vật chất đen và 70% năng lượng đen hay lực phản hấp dẫn. Nguyễn Du thì bịa ai xẻ vầng trăng.
- Ờ thế sao đã chống đảng anh lại còn viết Bất khuất?
- Tôi viết vì không muốn lỡ dịp thử sức mình. Cũng là vì đang bị chìm tàu mà thấy vẫn được tín nhiệm, một thứ hám nhăng. Rồi vì thương tù Côn Đảo… Còn chống đảng thì sự này nó lớn dần lên chứ không đùng một cái to ngay. Anh liền bảo tôi viết bịa. Đứng đèn 500 oát, nhịn khát mười tám ngày. (Ý là bịa mà dốt). Tôi nói hai chỗ này là theo lệnh ông Sáu Thọ, nhưng ngoài việc đó ra, tôi cũng đã bịa. (Giáo sư nhíu mày). Tôi nói: Bịa cảm xúc, bịa hình ảnh, bịa chữ, bịa lời chứ tuyệt đối không bịa chuyện, bịa tình tiết Người kể bảo bị tra tấn đau lắm thì bịa ra đau thế nào. Và mười lần đau thì mười lần bịa đau ra sao. Văn học và khoa học cần bịa. Phan Đình Diệu ngồi cạnh tôi nói: Anh Đĩnh nói đúng đấy. (Bụng muốn nói có một điều tôi rất thật thì các anh không khen: Đó là tôi đã bất khuất ở trong đời). Một người khen bút ký tôi mà tôi không ngờ là Dương Bích Liên, người hoạ sĩ mê đọc và sành đọc. Một chiều chúng tôi làm một lèo hai vòng Hồ Gươm nói không thôi về cuốn sách cuối cùng của André Malraux: Lazare. Bỗng Liên khen các cái ký tôi viết nhưng không thích tôi viết cứ buồn buồn. "Này, (hơi gắt giọng) giết kỷ niệm thơ ấu đi, tuer les souvenirs d' enfance. Anh muốn động viên tôi: Việc gì mà buồn? Nhưng tôi đâu có buồn cho tôi? Tôi muốn cho vào văn học đang bay tít một chút se lòng, một chút andante, lento, thậm chí requiem.
Trên rừng, Liên kể với tôi: Một lần tớ đang vẽ thì ông Cụ đến đứng xem ở đằng sau. Rồi hỏi: "Chú yêu chưa?… Yêu thì không vẽ mắt như thế này". Buổi chiều, cơ quan tổng vệ sinh, lá gom lại thành nhiều đống, ông Cụ đến một đống nói chỗ này của Bác rồi ngồi xổm xuống châm thuốc hút và đốt từng chiếc lá. Tự nhiên tớ muốn đến hỏi thế Bác đã yêu chưa. Cụ hỏi sao hỏi thế, tớ sẽ bảo yêu thì mắt mới nhìn xa đi như mắt Bác lúc này. Ông Cụ buồn mà. Vẽ ông Cụ buồn nhìn khói mới thích. Biết Cụ buồn cái gì vẽ lại càng hay. Thật ra tranh của Liên luôn như cố một màng sương khói hiu hắt phủ ở trên. Bức Hoa Lau chẳng hạn. Hành quân lên biên giới mở đường số 4, Dương Bích Liên, Vũ Cao và tôi đi tới giữa Đèo Gió thì bỗng đừng sững. Một dải lụa ngũ sắc chăng bên dưới vực chợt vút dâng lên rực rỡ sát mặt chúng tôi. Chim các màu. Đỏ, vàng, xanh, tím… hàng chục nghìn con… Chúng đổ nhào xuống lòng vực rồi lại tung mình lên ở sườn núi đối diện thả xoà ra bức trướng lụa hoa như bầy cung nữ ướm xiêm áo cho một nữ chúa ẩn mặt. Hay một triển lãm di động luôn biến đổi màu và bố cục. Tôi hỏi, chim gì, đẹp quá? Liên nói, chim lửa. Tôi ngợ nhưng im. Hội hoạ ấn tượng có tên đâu? Chợt thấy Liên đứng như bức tượng im lìm đối lại bức rèm hoa phấp phới một góc trời. Bức tượng này đang bị quấn vào tấm mạng màu hết thu vào lại toả rộng. Ở Liên vẫn có nét lầm lì bí ẩn. Đồn là anh tự thiêu với tất cả tranh ở trong buồng. Tay nắm ở cửa buồng Liên hình thoi bằng đồng, mỗi lần nhìn nó, tôi cứ nghĩ đó là con dấu đồng của một vị thần nào gửi giấu ở đây có mang ý nghĩa kỳ lạ mà tôi không sao đọc ra nổi. Có khi tôi run run tay nắm lấy nó. Cầu thang gác lên buồng Liên luôn tối. Tôi nghĩ nó muốn làm một tiền sảnh âm u để cho vài bước nữa thế giới màu bùng nổ.
Đến nay khi viết các trang trước mắt đây tôi mới thấy thêm một lý do viết Bất Khuất. Nên nói ra cho được thật trung thực. Đó là tôi vẫn muốn chứng tỏ với đám Mao-nhều rằng tôi đâu kém họ về tình thần cách mạng. Thật quái gở. Bị đánh tơi tả cả đời vì chống chiến tranh mà trong vô thức vẫn thâm muốn đọ tài với Mao-nhều ở chuẩn bạo lực cách mạng! Song cũng cần nói, trong quyển Bất Khuất tôi không chửi Mỹ một lời, điều cực hiếm trong văn chương cộng sản thời chiến. Tôi đã thấy ở Mỹ cái nẻo đi vào sáng sủa hơn cả!
Sau này nhận ra những hồi ký tôi viết cho thiên hạ chỉ là bưng bê hầu hạ chính trị, chính cái chính trị nó tàn hại đời tôi, anh tôi, vợ tôi…, tôi vẫn thỉnh thoảng mượn Diderot ra để tự bào chữa, ồng tổ sư Bách khoa toàn thư, tức là trùm về định nghĩa, tức là sáng láng mọi mặt, đúng không? Thế mà đã bị ngôi làng Potemkin của nữ hoàng Nga Catherine II bịp, đã yến tiệc linh đình với nữ hoàng và rồi viết tán dương nữ hoàng lên chính ngay trong khi quân lính của nữ hoàng đang tàn sát dã man cuộc nổi dậy của nông dân Pougatchev. Phải chăng cái viết tự thân nó dễ dụ người? Như đàn bà con gái với đàn ông hay như ma tuý vậy. Phải chăng trí thức đễ mù loà chính trị? Giữa lúc nạn đói đang làm chết hàng triệu triệu người Trung Quốc, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand bị Mao lừa ngay nhãn tiền đã ca ngợi đời sống dân nước này được nâng cao. Picasso, Sartre cũng từng say cộng sản. Thêm Diderot vào đây để hiểu chỗ bất toàn của danh nhân văn hoá. Huống gì tôi, kẻ xoàng!
Một hôm Hoàng Ngọc Hiến đưa tôi quyển Người hiền không có ý của Francois Jullien, mời dịch. Hiến dịch Xác lập cơ sở cho đạo đức. Tôi từ chối. Vì không đồng ý Hiến gọi "người hiền không có ý" thành "minh triết là vô ý". Người hiền ở tiếng Trung Quốc là trí nhân, hiền nhân - kẻ hiểu lẽ trời và lẽ đời - cái hiểu này tự nó đã không dám "minh triết" do đó người hiền khôn, không chảnh chọe để rồi biết phận mình mà ngoan, mà lành, không ra khỏi vị trí mình, tức là không vi phạm quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Nên biết Trung Quốc có thành ngữ "tam ngu thành hiền": Ba anh ngu cộng lại thành anh trí thức. Chúng ta quen hiểu hiền là lành hiền, thậm chí ú ớ nhưng cơ mà cái bụng tốt. Nên nhớ bụng dạ tốt ở đây đúng ra là anh đừng phá quấy vũ trụ và xã hội. Theo tôi, chia minh triết của phương Đông ra với triết lý của phương Tây là giả tạo. Tôi cho rằng đã mò vào triết học đích thực thì phải ngại chữ minh triết, cái khái niệm mang đầy tính thần quả đoán, ngạo nghễ chủ quan dễ sa vào sai lầm đặc thù của người cộng sản - vỗ ngực nhận mình nắm hết mọi tri thức để mà đứng ở đỉnh cao chân lý. Hoàng Ngọc Hiến dịch Fonder la morale là "Xác lập cơ sở cho đạo đức" chính là đã nhuộm cho chữ dựng (fonder - chỉ đơn thuần là dựng lên) một màu sắc quá minh triết! Sao lại xác? Chính xác, chân xác, xác thực rồi ư? Trong khi chúng ta mới tạm "xác lập" được có nửa móng chân vũ trụ, vũ trụ sụp vào hay nở mãi, trọng lực lại có cả sức li tán nữa? Một tối Dương Thu Hương mời ăn nhà hàng, Hiến nói anh đã dịch sách Jullien và sắp đi Pháp, tác giả mời. Tôi mừng Hiến và nói tiếng Pháp: Tôi từ chối dịch vì muốn dành cho ông sự độc nhất - je veux te résetver l' unicité. Độc nhất đã dùng chữ minh triết, rành rọt, chân lý giải quyết đâu ra đấy hết cả rồi nhưng dĩ nhiên tôi không nói.
° ° °
Một chuyện lý thú khác cũng dính đến viết. Đầu những năm 70, Như Phong nhờ tôi sửa giúp (thực tế là gần như viết lại) hồi ký của Trần Cung, phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ông là người đang nằm bệnh viện mà nhảy xích lô đến gặp Nguyễn Trung Thành nói đừng thiết kế cho Đỗ Mười vào Trung ương, Đại hội 4. Hồi ký Đệ tứ chiến khu khá dầy viết về căn cứ du kích ở vùng Đông Triều, Quảng Yên. Tôi giúp nhưng rồi Như Phong bảo tôi là "trên" đếch công nhận chiến khu này. Chúng tôi rất ngạc nhiên. Mãi mới chú ý đến cái tên Đệ tứ - Ôi, Đệ tứ thì phạm huý to quá! Hoặc dính đến Tờ-rốt-kít (Leon Trotsky, người Nga, lãnh đạo phe Đệ tử Quốc tế - BT) hoặc Đệ tứ chiến khu của Trương Phát Khuê ở Quảng Tây. Chính Khuê cho Cụ Hồ ra tù rồi được ngày ngày đến sở thông tin Mỹ đọc báo. Thêm một tình tiết: Đầu năm 1945, Cụ Hồ đã nhờ OSS (Tình báo Mỹ hồi Thế chiến 2 -BT) điện cho Santeny, đại diện của de Gaulle năm điều (một nghị viện của Đông Dương qua phổ thông đầu phiếu, một toàn quyền Pháp cho tới ngày công nhận độc lập của Đông Dương trong vòng năm đến mười năm, chương trình cùng phát triển kinh tế, tự do theo Hiến chương Liên hợp quốc và cấm buôn bán thuốc phiện) và đề nghị đàm phán. Rồi Messmer nhẩy xuống Đông Triều để bị Nguyễn Bình giam mãi. Theo Duiker, Sainteny không đi gặp Cụ Hồ vì lụt lớn lúc đó. Nhưng lạ một, ai cho Messmer nhảy và lạ hai, lại nhảy sai địa điểm để không gặp được Hồ Chí Minh? Và phải chăng Messmer bay từ Đệ tứ Chiến khu của Trương Phát Khuê? Theo David Marr, Đệ tứ và Việt Minh không tiếp xúc và từng đụng độ. Nhưng Lê Trọng Nghĩa cho biết Tổng khởi nghĩa vừa xong, Nguyễn Bình tìm ngay Trung ương. Và tư lệnh Đệ tứ đã được cài cho lá cờ soái Nam tiến đánh Pháp sớm nhất, lúc quân Tưởng đầy ngoài Bắc.
Các nhân chứng đã chết, cái chiến khu có tên lập lờ Tờ- rốt-kít và hơi hướng Trương Phát Khuê cuối cùng được đảng thu nhận và đổi thành Chiến khu Đông Triều. Rồi có ngày sẽ mất hẳn Đệ tứ chiến khu. Tất cả lịch sử đều qua viện giải phẫu thấm mỹ, dù tay nghề dao kéo chỉ là ở cấp thị trấn nhỏ. Một tối đọc báo Pháp, một làng ở Algeria bị lụt, chết mấy nghìn người. Tổng thống Bouteflika, người lãnh đạo dân giải phóng đất nước ngày xưa đến uỷ lạo nhưng dân ném đá, la ó, chửi, ông phải vội lên máy bay đi. Nửa tháng sau, thủ tướng Pháp, kẻ đô hộ cũ đến. Dân hoan nghênh, reo mừng, tới tấp đề nghị chính phủ Pháp nới luật định cư để cho họ được sang làm công dân Pháp. Nhà báo nổi tiếng Delfeil de Ton viết: Tôi thuật lại chuyện này mà buồn vô hạn. Đứng lên đuổi Pháp để giải phóng tổ quốc thì nay lại đứng lên xin cho đổi lấy tổ quốc Pháp. Rồi lại xem một bài về nhà văn Đức Gunther Grass (giải Nobel văn học 1999). Ông không muốn tổ quốc Đức thống nhất, tức là muốn xén bé tổ quốc đi. Có lẽ ông nghĩ thà bé tổ quốc còn hơn to mà phải đeo cái u cộng sản. Gấp báo lại, thở dài. Người ta muốn co lại, thậm chí cả với cái giá đất nước bị bé đi thì tôi đã từng muốn nó lớn tràn ra khắp thế giới. Để cho bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.
Đèn Cù Đèn Cù - Trần Đĩnh Đèn Cù