A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 79
ũng là mùa đông này, tuyết rơi đầy một người bạn đến - kể chuyện lúc anh lao động cải tạo. Anh nheo nheo mắt ngắm cảnh tuyết qua cửa sổ tựa như ánh phản quang quá mạnh, tựa như anh chìm vào hồi ức.
Anh kể, trong trang trại nông nghiệp lao động cải tạo, có một cột tín hiệu trắc địa có lẽ phải - anh ngửa cổ đánh giá qua cửa sổ chiều cao của tòa nhà gần ngay đấy - cao ít nhất năm hay sáu mươi mét, dẫu sao nó cũng không thấp hơn cái nhà này. Một bầy quạ bay quanh, xa rồi lại gần, không ngừng lượn và kêu quạ quạ. Trưởng trại phụ trách kiểm soát những tội nhân phải lao động cải tạo là một người lính lâu năm từng tham gia chiến tranh Triều Tiên và có thành tích chiến đấu rực rỡ. Là thương binh, anh có một chân ngắn hơn chân kia, bước đi tập tễnh. Không biết anh ta đã gặp những phiền toái nào mà không thể lên cao hơn chức đại úy và luôn chửi thề là đã bị điều đến đây trông coi đám tù tội này.
Cái thẹo con mẹ nó, mày là con c... gì mà không cho ông ngủ thế này? Anh chửi với giọng bắc Giang Tô. Áo choàng lính to tướng vắt lên vai, anh quay đi quay lại quanh cột tín hiệu trắc địa.
Leo lên xem! Anh ra lệnh cho ta. Tôi phải cởi áo bông ra và leo lên. Đến lưng chừng, gió thổi mạnh, bắp chân tôi run lên. Liếc nhìn xuống, tôi cảm thấy chân mình mềm oặt sắp buông ra. Đó là năm đói. Trong các làng lân cận, người ta chết đói. Ở trại còn dễ chịu hơn tí chút. Khoai lang, lạc chúng tôi trồng chất đống trong kho. Đại úy lấy đi một phần không giao nộp cho cấp trên. Khẩu phần mỗi người đã được bảo đảm và nếu có ai bị phù thũng thì muốn gì chúng tôi vẫn cứ lao động được. Nhưng tôi yếu quá không leo nổi.
Tôi gọi: Đại úy!
Bảo tao xem trên ấy có cái gì? Anh ta hét.
Tôi ngẩng đầu.
Hình như có cái túi treo ở đấy, tôi bảo anh.
Đom đóm bay ở trước mắt tôi.
Tôi không leo lên được nữa, tôi kêu.
Thế thì thay thằng khác! Anh ta cho ra một xâu những lời tục tĩu tuy bụng dạ anh ta không xấu.
Tôi xuống.
Tìm cho tao Thằng Ăn cắp, anh nói.
Thằng Ăn cắp cũng là một tội đồ lao động cải tạo, một tiểu quỷ mười bảy mười tám tuổi ăn cắp túi tiền của khách đi xe buýt. Người ta gọi nó là Thằng Ăn cắp.
Tôi tìm ra nó. Nó nhìn lên cao, ngập ngừng. Đại úy nổi cáu.
Tao xui mày đi chết hả?
Thằng Ăn cắp nói nó sợ ngã.
Đại úy ra lệnh lấy cho nó một sợi dây thừng, và nói thêm nếu nó không leo thì cắt ba ngày khẩu phần lương thực.
Thằng Ăn cắp buộc thừng vào người rồi leo. Dưới này chúng tôi đổ mồ hôi vì nó. Đến được hai phần ba, nó buộc thừng vào các thanh sắt ngang. Nó đến được đỉnh. Bầy quạ tiếp tục bay lượn quanh. Nó giơ tay đuổi quạ rồi cái túi đay bay xuống dưới chân cột. Tất cả đến xem. Thủng lỗ chỗ vì quạ mổ, cái túi vẫn còn đầy đến một nửa lạc.
Cái thẹo mẹ nó! Đại úy lại bắt đầu chửi.
Tập hợp!
Còi thổi. Được, tập hợp toàn trại. Đại úy bắt đầu mắng chửi. Rồi hỏi: Đứa nào làm cái này? Không ai ho he một lời.
Tự nó không thể bay lên được trên ấy đúng không? Tao lại tưởng thịt người chết chứ lại!
Mọi người cố không cười.
Nếu không ai tự thú thì ngừng tiếp tế lương thực toàn trại.
Ai cũng sợ chuyện này. Người ta nhìn nhau. Cuối cùng, ai cũng thấy chỉ Thằng Ăn cắp mới có khả năng leo lên đó. Mọi con mắt quay về nó. Nó cúi đầu rồi không gan được nữa, nó quỳ xuống thú thật đã ăn cắp rồi giấu cái túi lên đó. Nó nói nó sợ bị chết đói.
Mày phải dùng thừng leo lên? Đại úy hỏi.
Không.
Thế thì vừa nãy mày õng ẹo như thế là cái gì? Thằng đểu này nhịn ăn một ngày! Đại úy tuyên bố.
Mọi người hoan hô đại úy.
Thằng Ăn cắp bật khóc.
Đại úy bỏ đi, chân thấp chân cao.
Một bạn khác đến bảo nó có một việc tối quan trọng cần bàn với ta.
Đồng ý, nói đi.
Anh bảo dài lắm.
Ta bảo thì tóm tắt lại.
Anh bảo tóm tắt thì vẫn cứ phải kể từ đầu.
Thì được, kể đi.
Anh hỏi ta có biết một vị túc vệ ngự tiền nào đó của hoàng đế Mãn Thanh mà anh cho ta tên triều đại cũng như tên và hiệu của cấp trên người này không. Anh là hậu duệ trực hệ đời thứ bảy của vị quý tộc này. Ta tin anh, chẳng hề ngạc nhiên tý nào. Tổ tiên anh là tội đồ hay đại công thần tại triều đi nữa thì cũng chả có mấy ảnh hưởng tới anh ở thời chúng ta.
Có đấy, tuy vậy anh vẫn nói, có tầm quan trọng lớn đấy. Các sở khảo cổ, các viện bảo tàng, các sở lưu trữ hồ sơ, Ủy ban hiệp thương chính trị nhân dân, các cửa hàng đồ cổ, tất cả đều đến gặp anh và làm phiền anh hoài hoài.
Ta hỏi anh có giữ trong tay một vài di vật quý không.
Anh nói ta nói vẫn ở dưới mức sự thật.
Một cái gì giá trị không lường được cơ à?
Không lường được hay không không biết vì dù sao cũng khó đánh giá, cho là có nói tới hàng triệu, hàng chục triệu hay hằng nhiều trăm triệu bạc đi nữa. Anh nói đây không phải chỉ một hay hai vật mà là những thứ từ đồ đồng nghi lễ thờ cúng đời Ân Thương, bích ngọc cho tới những kiếm thời Chiến quốc, chưa nói tới các đồ trang trí nho nhỏ hiếm quý của các thời qua, những bức thư họa, tranh vẽ và câu đối, đủ để chất đầy cả một Viện bảo tàng. Quyển mục lục các đồ vật này phát hành đã từ lâu, không dưới bốn tập, đóng theo cách thức truyền thống. Người ta có thể tham khảo nó ở một thư viện sách cổ. Những báu vật này tích lũy trong suốt bảy đời, đã hai trăm năm, được bảo tồn từ triều Đồng Trị đến tận bây giờ!
Anh nói về phía ấy không có gì phải sợ nhưng anh không còn được sống yên ổn nữa: gia tộc anh, một gia tộc lớn, con cháu của các ông bà anh, của cha anh, chú bác anh và tất cả những thân quyến của anh đến gặp anh liền lu liền lù rồi cãi cọ không biết dứt nữa, quả là anh chán nản.
Họ muốn chia phần chứ gì?
Anh nói có cái gì mà chia. Hàng chục nghìn báu vật bằng vàng, bằng bạc, bằng gốm ấy, tất cả tài sản của họ nhà anh đã bị quân Thái Bình Thiên quốc hoặc quân Nhật hay các quân phiệt khác nhau này nọ đốt cháy, cướp bóc không biết bao phen bao bận rồi. Sau đó tổ tiên anh đã thu thập lại rồi bố mẹ anh đem tặng cho Nhà nước hoặc bán lấy lời. Ngày xưa người ta tịch thu các thứ đó của các cụ, bây giờ tay anh chẳng có một thứ gì.
Thế thì bây giờ tại sao còn cãi cọ nhau? Ta có phần không hiểu.
Vì thế mà phải nói từ đầu, anh nói, vẻ đau khổ. Anh biết đến Ngọc Bình Kim Quỹ Lâu, Lầu bình phong ngọc và quỹ vàng chứ? Dĩ nhiên anh đang nói đến tên của cái lầu cất giữ báu vật quý hiếm kia, thư tịch, địa phương chí và gia phả họ anh đều có ghi đến tên cái lầu này, ngày nay, người ở bộ môn văn vật ở quê hương anh tại miền nam đều biết, lúc quân Thái bình thiên quốc vào thành Bắc Kinh đã đốt nó, cơ bản chỉ còn là cái lầu rỗng mà thôi, nghe phong thanh phần lớn thư tịch cổ đều đã được chở đến các điền trang của họ rồi, về phần các báu vật trong mục lục thì người đời sau nói đã bí mật cất giấu đi. Năm ngoái, trước khi chết, chú anh đã nói riêng cho anh hay rằng quả thật chúng đã được chôn ở trong một cơ ngơi cũ của gia tộc, nhưng ông không biết đích xác địa điểm. Ông chỉ lộ cho anh hay tổ tiên ông bà đã truyền cho ông một tập thơ viết tay, trong quyển này mọi người đã dùng mực đen vẽ một sơ đồ toàn cục dinh cơ cũ của họ với rải rác các sân trời, lầu các, vườn hoa và núi nhân tạo. Trong góc trên bên phải có viết một bài thơ tứ tuyệt bí mật chỉ ra chỗ chôn giấu các kho báu kia. Nhưng Hồng vệ binh đã lấy mất tập thơ khi họ vào nhà anh và anh không tìm ra dấu vết nó nữa khi anh được phục hồi minh oan. Ông chú còn có thể đọc lại bốn câu thơ và đã vẽ theo trí nhớ cho anh cái sơ đồ của dinh cơ cũ này. Anh đã thuộc lòng bài thơ và đầu năm nay, anh lao đi tìm địa điểm. Nhưng đến nay, trên nền đổ nát của dinh cơ kia, người ta đã xây cất lên các tòa cao tầng, làm công sở hay nhà ở hết mất rồi.
Nói gì nữa? Ta hỏi. Tất cả đã được chôn ở dưới các nhà cao tầng ấy rồi còn gì?
Không, anh nói, nếu có các báu vật ở dưới các tòa cao tầng ấy thì người ta đã phát hiện ra khi đào móng rồi chứ, nhất là với các kiến trúc hiện đại này: phải đặt quá nhiều các ống dẫn này nọ đến mức nền phải đào rất sâu. Anh đã đi hỏi các cơ quan phụ trách công trình, họ không phát hiện ra bất cứ di vật khảo cổ nào trong khi xây dựng. Anh ta bảo ta rằng anh đã nghiên cứu kỹ bốn câu thơ, đã phân tích địa hình thì đến tám hay chín trong mười phần may, anh có thể xác định nơi có cái kia, đại khái ở địa điểm một không gian xanh nằm giữa hai tòa cao ốc.
Anh tính thế nào đây? Đào nó lên ư?
Anh nói chính là anh muốn bàn với ta chuyện đó.
Ta hỏi có phải anh cần tiền không.
Anh không trả lời mà ngắm nhìn các cây con con trụi lá trên tuyết ngoài kia.
Nói với anh thế nào nhỉ? Chỉ với đồng lương của tôi, của vợ tôi thì nuôi được đứa con đủ ăn, không dám màng tới các chi dùng khác, nhưng tôi không thể bán tổ tiên mình đi như thế được. Người ta có thể cho tôi một khoản phần thưởng nhưng chắc sẽ là ba lần con số không.
Ta nói việc đó sẽ là đối tượng của một tin trên báo: con cháu nào đó của đời thứ bảy một quan lại nào đó đã biếu tặng Nhà nước những cổ vật và lĩnh thưởng.
Anh cười chua chát nói để chia nhau cái phần thưởng này, tất cả họ hàng xa gần của anh sẽ đến đập vỡ đầu anh mất thôi. Chẳng bõ bèn gì cái phần thưởng đó. Anh nghĩ rằng Nhà nước sẽ có dịp giàu ra.
Với tất cả các di vật kia khai quật lên, Nhà nước chẳng là đã giàu rồi hay sao? Ta vặn lại.
Anh gật gật đầu nói anh cũng lại nghĩ nếu như một ngày nào đó anh có bị ốm nặng hay xe cộ đâm chết thì chắc cũng sẽ chẳng có quỷ nào biết đến cho anh đâu.
Thế thì truyền bốn câu thơ lại cho con trai anh đi.
Anh đã nghĩ tới việc đó nhưng nếu con anh sau này đổ đốn đem bán các báu vật đi thì sao?
Anh không quản được nó ư?
Con trai tôi còn bé, phải để yên cho nó học hành. Đừng nên để sau này vì cái chuyện cứt đái kia nó lại đến bước mất trí như mình. Anh cự tuyệt dứt khoát cái ý này.
Thế này thì hãy để một ít công việc cho những nhà khảo cổ mai sau họ làm.
Ta còn nói được gì hơn thế nữa?
Anh suy nghĩ, vỗ một cái vào đùi: Tốt, tôi sẽ làm như anh nói. Cứ để chúng vùi dưới đất như thế đi! Anh đứng lên và đi
Một người bạn khác đến gặp ta. Áo măng tô len mới chất lượng tốt, giầy da đen bóng đục lỗ tinh xảo, trông giống cán bộ đi tham quan nước ngoài.
Vừa cởi áo măng tô anh vừa lớn giọng giải thích với ta rằng lao vào buôn bán anh đã phát phúc lập nghiệp! Người hôm nay không như người hôm qua. Bên trong chiếc măng tô, anh mặc một bộ đồ tây không chéo vạt, may đẹp, quanh cổ sơ mi cứng là chiếc cà vạt hoa đỏ. Trông giống đại diện của một công ty đặt ở nước ngoài.
Ta hỏi mặc thế này anh không sợ cái lạnh bên ngoài ư. Anh nói anh không đi xe buýt chật phè nữa mà đến bằng tắc xi, lần này anh ở Khách sạn Bắc Kinh! Cậu không tin à? Ở các khách sạn lớn này chỉ có người nước ngoài mới có quyền đến đó thôi! Anh lắc lắc một chùm chìa khóa có một quả bóng đồng khắc dòng chữ tiếng Anh.
Ta cho anh biết rằng khi ra khỏi khách sạn người ta phải đưa lại chìa khóa cho phòng tiếp tân đấy.
Xưa quen với cảnh nghèo, người ta luôn giữ chìa khóa trên người, anh nói, tự châm biến. Rồi anh ngắm căn buồng của ta.
Làm sao cậu còn có thể sống trong cái hộ một phòng thế này được nhỉ? Đoán xem tớ ở bao nhiêu phòng?
Ta nói không thể đoán được.
Ba phòng và một phòng sinh hoạt, tại Bắc Kinh, như vậy tương đương với nhà của vụ trưởng đấy.
Ta nhìn má anh hồng hào cạo nhẵn nhụi. Anh không giống cái người ta quen ở tỉnh, gầy và xộc xệch nữa.
Làm sao đến nỗi cậu không có máy thu hình mầu thế này? Anh hỏi.
Ta nói ta không xem truyền hình.
Dù không xem thì cũng là để trang trí chứ. Ở nhà tớ, tớ có hai máy, một ở phòng khách, một ở buồng con gái tớ. Vợ tớ và con gái tớ mỗi người xem một chương trình khác nhau. Câu có muốn mua một cái không? Tớ đi với cậu ngay tức khắc ra Bách hóa đại lầu để tớ mua cho cậu một cái! Thật mà. Anh nhìn ta, mắt mở to thô lố.
Cậu sợ tiền nó làm cho tay cậu bỏng à.
Muốn làm thương nghiệp phải hối lộ nhà quan. Họ chỉ có xơi cái cơm ấy thôi. Cậu không muốn họ duyệt cho cậu kế hoạch hay chỉ tiêu, phải không? Không lễ thì không có cửa. Nhưng cậu, cậu là bạn tớ! Cậu có thiếu tiền không? Cho tới một vạn nguyên, cậu có thể trông vào tớ. Không thành vấn đề.
Ta dặn anh cẩn thận: Đừng vi phạm pháp luật.
Vi phạm pháp luật? Tớ vui lòng biếu chút quà. Không phải tớ vi phạm pháp luật mà nếu bắt thì phải bắt các ông sếp to đầu.
Các ông to đầu, người ta lại không bắt nổi.
Về cái này cậu tỏ hơn tớ, cậu sống ở thủ đô, cậu biết hết! Nhưng tớ báo trước cho cậu, bắt tớ không dễ thế đâu, thuế mà tớ trả, tớ ăn cùng bàn với huyện trưởng và giám đốc thương nghiệp địa khu. Không còn cái thời kỳ tớ làm giáo viên ở thị trấn ngoại thành nữa rồi. Để cho tớ được điều đi khỏi nông thôn, nơi tớ mốc meo hôi thối ra ở đó, tớ đã chi ra chí ít bốn tháng lương của tớ, mời các tay phụ trách phòng giáo dục ăn uống.
Anh nheo nheo mắt, lùi lại một bước rồi cúi người xuống chăm chú xem một bức tranh thủy mặc vẽ cảnh tuyết. Anh ngừng thở một lúc rồi nói: Câu không có lời khen thư pháp của tớ ư? Cậu thích nó nhưng triển lãm tớ định tổ chức ở trung tâm văn hóa huyện lại không được chấp nhận trong khi một chữ ranh nào do một ai ngồi trên hay có tên tuổi vạch ra thì thành ngay đối tượng một cuộc triển lãm, thế rồi các cha ấy lên ngay phó chủ tịch hay chủ tịch danh dự của Viện thư pháp tức thì.
Ta hỏi anh còn tiếp tục thư pháp không.
Cái đó không nuôi sống được bạn cậu. Cũng như sách với cậu ấy. Trừ phi một ngày nào đó cậu trở nên nổi tiếng, ai cũng dính vào đít cậu để xin cậu một chữ đẹp. Xã hội là thế, tớ bây giờ nhìn thấu rồi.
Đã nhìn thấu thì chẳng phải bàn.
Nhưng cái đầu tớ nó khó chịu.
Thế thì cậu vẫn chưa nhìn thấy đâu. Ta ngắt lời anh, hỏi anh ăn chưa.
Đừng lo chuyện ấy. Lát nữa, tớ gọi tắc xi đưa cậu đến nhà hàng. Đâu mà cậu thích. Tớ biết thời gian của cậu là quý. Trước tiên tớ sẽ nói với cậu điều tớ cần nói với cậu: tớ muốn cậu giúp tớ.
Giúp gì? Nói đi!
Giúp cho con gái tớ vào được một đại học tên tuổi.
Ta nói ta không phải hiệu trưởng đại học.
Dĩ nhiên, nhưng cậu chắc phải có những mối quan hệ, đúng không? Bây giờ tớ đã giàu nhưng trong mắt mọi người, tớ chỉ là một đầu cơ thương nghiệp. Tớ không muốn con gái tớ lại trải qua cái cuộc sống như tớ, tớ muốn cho nó vào một đại học nổi tiếng để sau này nó sống trong các tầng lớp trên của xã hội.
Rồi nó tìm cho nó con trai một cán bộ cao cấp.
Cái ấy tớ không quản, tự nó nó biết làm như thế nào.
Thế nếu nó không tìm ra?
Đừng chặn tớ, việc ấy cậu có giúp được tớ không?
Cần xem kết quả học của nó, tớ không thể làm gì được cả.
Ừ, kết quả học nó tốt.
Thế thì nó cứ việc thi thôi.
Sao lại lạc hậu thế! Cậu tưởng tất cả con cái cán bộ cao cấp đều thi ư?
Tớ không điều tra cái đó.
Cậu là nhà văn.
Thì?
Thì cậu là lương tâm của xã hội, cậu phải nói cho nhân dân.
Đừng đùa đi. Cậu là nhân dân? Hay tớ? Hay là cái gọi là chúng ta? Tớ chỉ nói lời của tớ.
Cái tớ thích là cậu bao giờ cũng nói sự thật.
Đúng thế. Thôi, người anh em thân mến, mặc măng tô vào, chúng mình đi ăn, tớ đói rồi.
Một ai đó gõ cửa. Người mở cửa xa lạ với ta. Anh cầm một xắc nhựa đen. Ta bảo ta không mua trứng, ta đi ăn bây giờ.
Anh không bán trứng. Anh mở cái xắc ra cho ta xem nó đựng gì. Không có vũ khí ở trong. Tốt, không phải một thổ phỉ chạy trốn. Ngượng nghịu, anh lấy ra một tập bản thảo to tướng, nói rằng anh đến gặp ta xin một lời khuyên. Anh viết tiểu thuyết và anh muốn ta đọc qua cho. Ta để anh vào và mời ngồi.
Anh thoái thác. Anh muốn để bản thảo lại rồi một hôm nào đó sẽ quay lại sau.
Ta nói không cần, tốt nhất là nói ngay ra điều cần nói với nhau.
Anh sục cả hai tay vào trong xắc rút ra bao thuốc lá. Ta đưa diêm cho anh, hy vọng anh châm nhanh thuốc rồi nói xem cần gì.
Anh ấp úng nói anh viết một chuyện chân thực.
Ta ngắt lời nói rõ ta không phải nhà báo, ta không thú gì cái chân thực.
Càng lúng búng hơn, anh nói anh biết văn học không giống phóng sự báo chí. Cái anh viết đúng là một tiểu thuyết dựa trên sự việc và nhân vật có thật, với hư cấu cần thiết. Anh mong ta nói xem liệu tiểu thuyết này có xuất bản được không.
Ta nói ta không phải nhà xuất bản.
Anh bảo anh biết rõ thế, anh chỉ muốn ta khuyên bảo anh và sửa bản thảo cho anh. Nếu ta bằng lòng, ta có thể thêm cả tên ta vào, cái đó như thể một sự cộng tác vậy. Dĩ nhiên tên anh sẽ được đặt dưới tên ta ở bìa sách.
Ta nói ta sợ nếu thêm tên ta vào lại càng khó xuất bản.
Tại sao?
Vì để xuất bản tác phẩm của tôi, tôi gặp phải nhiều khó khăn lắm.
Anh ừ một tiếng chứng tỏ rằng anh hiểu.
Tuy thế ta vẫn sợ anh chưa hiểu hoàn toàn, ta nói tốt hơn cả là anh tự tìm lấy người biên tập.
Anh im lặng, phân vân.
Lo xa, ta hỏi anh: anh có thể mang bản thảo đi được không?
Anh có thể chuyển hộ nó tới một nhà xuất bản được không? Anh mở to mắt hỏi lại.
Tốt hơn là anh trực tiếp gửi nó, như thế chắc chắn tránh được cho anh các sự phiền hà. Ta nhoẻn một nụ cười rộng.
Anh cũng cười, cất bản thảo vào trong xắc, ấp úng vài câu cảm ơn.
Không, chính tôi phải cảm ơn anh.
Lại có tiếng gõ cữa nhưng ta không có ý mở cửa nữa.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn