Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 76: Pháp Quyền Và Tính Có Thể Đoán Trước
T
ổ chức quyền lực nhà nước như thế nào là một vấn đề muôn thuở. Lý lẽ có nhiều, nhưng phổ biến nhất là hai triết lý sau đây:
• Một là, tổ chức chính quyền là để phục vụ nhân dân.
• Hai là, tổ chức chính quyền là để tạo điều kiện cho nhân dân.
Theo triết lý thứ nhất, chúng ta có mô hình bao cấp. Theo triết lý thứ hai chúng ta có mô hình pháp quyền.
Một chính quyền được thiết kế để phục vụ dân thì rất tốt đẹp, nhưng chưa hẳn đã giải quyết được mọi vấn đề của người dân.
Một chính quyền được thiết kế để bảo đảm các điều kiện pháp lý, kinh tế, xã hội thuận lợi để người dân vươn lên làm giàu và tự giải quyết những vấn đề của mình có vẻ không “công bộc” bằng, nhưng lại có thể hữu ích hơn. Lịch sử của nhiều nước trên thế giới cho thấy, loại hình chính quyền thứ hai có thể đưa lại sự phát triển và sự thịnh vượng chung cho cả xã hội.
Suy cho cùng, mọi sự giàu có đều do người dân có điều kiện lao động, sáng tạo trong tự do và an toàn làm ra. Và chính quyền không thể làm thay những người dân trong công việc này. Loại chính quyền thứ hai này còn được gọi là nhà nước pháp quyền. Ở ta, bổ ngữ “của dân, do dân, vì dân” còn được thêm vào là làm thành: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”.
Đặc tính quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền chính là tính có thể đoán trước được của công quyền. Bài viết này muốn bàn đôi điều về đặc tính nói trên.
Trong nền kinh tế thị trường, đây là điều kiện tiên quyết để người dân hoạch định chuyện làm ăn và “mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, đây là một công việc hết sức khó khăn. Thiết thực hơn là từng bước khắc phục cách hành xử “tùy hứng qua cầu” vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức. Dưới đây xin được kể ra một vài hình thức cụ thể:
Một là, thay đổi quyết định một cách đột ngột. Ví dụ: Quy hoạch năm trước, năm sau có thể bị điều chỉnh; đường hai chiều có thể bị chuyển thành một chiều vào ngày hôm sau và ngược lại... Ví dụ cụ thể nhất là về việc hôm trước rơmooc không phải đăng ký, hôm sau không đăng ký sẽ bị phạt.
Hai là, ban hành quyết định không tính đến thời hiệu. Ví dụ, ban hành lệnh đăng ký rơmooc hôm trước, một thời gian ngắn sau có thể xử phạt vi phạm ngay. Với cách làm này, nhiều chủ phương tiện đã không kịp trở tay. Một ví dụ khác, lệnh đình chỉ việc đăng ký xe gắn máy được gọi là tạm thời, nhưng thời hạn kết thúc hiệu lực thì không được nhắc tới. Những người dân chỉ còn biết đoán mò là nó có thể được bãi bỏ sau một, hai năm hoặc lâu hơn nữa.
Ba là, các quyết định không được thực hiện một cách nhất quán. Việc áp đặt đội mũ xe máy có thể được thực hiện gắt gao một thời gian rồi bỏ ngỏ. Nhưng mọi người không đội có thể sẽ không sao, một hôm bạn theo gương họ lập tức sẽ bị phạt.
Bốn là, các quyết định không tạo ra tiền lệ. Ví dụ, nhà lỡ xây có thể được hợp thức hóa. Nhưng chớ vì thế, mà bạn xây nhà của mình theo cách đó, vì nó có thể bị phá bỏ.
Năm là, các quyết định của người tiền nhiệm chưa chắc đã được người kế nhiệm chấp nhận. Chủ trương bán nhà xưởng được phó chủ tịch tiền nhiệm phê chuẩn, nhưng hoàn toàn có thể bị phó chủ tịch kế nhiệm xem xét lại. Những hợp đồng mua bán kiểu như vậy hầu như không bao giờ có thể thanh lý. Cứ nghĩ mà xem, mua nhà thì bạn còn may mắn. Giả sử bạn mua một cái gì khác và xài hết sau khi hợp đồng mua bán kết thúc thì sao?
Để bảo đảm tính đoán trước được của công quyền, điều quan trọng là phải có được một hệ thống các giải pháp hữu hiệu. Dưới đây là một vài giải pháp được áp dụng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nhiều nước trên thế giới:
Một là, pháp luật xác lập một hành lang chặt chẽ và tương đối hẹp cho việc hành xử của công quyền. “Các công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng các quan chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Pháp luật càng cho phép công quyền ít bao nhiêu, tính đoán trước được của công quyền càng cao bấy nhiêu và ngược lại.
Hai là, ban hành quyết định phải dựa trên những nguyên tắc và thủ tục được xác định trước. Đồng thời, những nguyên tắc và thủ tục đó là không thể bị sửa đổi “giữa cuộc chơi”. Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc ban hành quyết định là bảo đảm tính hợp pháp và tính hợp lý.
Ba là, xác lập chế độ trách nhiệm của chính quyền đối với quyết định của mình. Ở đây, ngoài trách nhiệm về chính trị, về kỷ luật, về hành chính và tài chính, công luận thường coi trọng trách nhiệm giải trình.
Bốn là, bảo đảm tính minh bạch trong việc ban hành quyết định. Người dân phải có quyền tiếp cận các thông tin, cũng như các tư liệu, số liệu là cơ sở cho việc quyết định.
Năm là, bảo đảm sự tham gia của người dân. Cuối cùng mọi quyết định của công quyền chỉ có nghĩa khi người dân có điều kiện và năng lực để chấp hành và tốt hơn nữa là khi được người dân ủng hộ.
Xây dựng nhà nước pháp quyền là một công việc hết sức to lớn. Tuy nhiên, mọi công việc dù to lớn đến đâu cũng đều bắt đầu từ những việc làm cụ thể và thiết thực. Bảo đảm tính có thể đoán trước của công quyền là một trong những việc làm như vậy.