Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 78: Vụ Án Đặng Chí Bình Sắp “Được”…xử! Một Vụ Vượt Ngục “Kỳ Lạ” Ở Trại Chung!
uổi chiều, đang giờ sinh hoạt đọc báo chờ cơm, tên Điền vào gọi tôi đi cung. Đã hơn nửa tháng ra trại chung, và gần hai năm nay, tôi không hề bị gọi đi cung kẹo gì nữa; vì thế, tôi cũng xốn xang, hồi hộp, chẳng hiểu lại có chuyện gì mới nữa đây?
Một số các cậu cũng băn khoăn nhìn tôi sửa soạn quần áo, vừa như tò mò, vừa như ngạc nhiên. Đã gần 6 năm rồi, sao bây giờ gọi đi cung? Trong khi tôi đang cầm cái lược của Phúc “Thổ” đưa, chải sơ lại cái đầu, Minh “Trố” đã bắt trên cổ áo phía sau của tôi hai chú rận kềnh. Vì đang vội vàng, nên khi ra tới hiên nhà, tôi quẳng hai chú xuống rãnh mé sân. Chứ nếu bình thường, các chú sẽ bị tan thân, nát thịt. Những loài hút máu người, cũng như đồng chí của các ngươi, làm sao mà chết toàn thây, yên lành được!
Khi ra tới phòng trực, tên Điền dẫn tôi vào một căn buồng con, sát ngay phòng giám thị. Một tên cán bộ thật lạ, chừng 40 tuổi, mặc áo “vét ca rô” đã sờn cổ, mang kính trắng thật dầy. Y đang cúi gầm đọc tập hồ sơ dầy cộm trên bàn, khi tôi vào, y ngẩng lên, miệng nở một nụ cười lịch sự, tay chỉ chiếc ghế đẩu trước bàn:
- Mời anh ngồi!
Lại thêm một điều ngạc nhiên nữa! Gần 6 năm rồi, tôi chưa thấy một chấp pháp nào lại mời bị can ngồi cả, nên tôi dè dặt ngồi vào ghế, mở to mắt nhìn y, đợi chờ.
Sau khi hỏi tên, tuổi, ngày bị bắt, sơ qua lý lịch, y hắng dặng một cái như gại giọng, ra vẻ quan trọng tuyên bố:
- Tôi là cán bộ bên Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội, báo cho anh biết: Viện Kiểm Sát Nhân Dân và Công Tố Viện quyết định sẽ đưa vụ án của anh ra xử vào ngày 30 tháng 12 năm 1967. Thể theo đường lối dân chủ nhân dân, tòa cho phép anh nhờ luật sư biện hộ. Vậy, anh có yêu cầu luật sư giúp đỡ anh không?
Hơi đột ngột, nên tôi rất bàng hoàng. Dù vậy, kết hợp những hiểu biết cũ của tôi với gần 6 năm trời vật lộn nghiêng ngửa trong bàn tay của chúng, đã cho tôi rõ: cơ quan Lập pháp, Hành pháp hay Tư pháp, hoặc bất cứ một cái tên gì khác, cũng chỉ là một tên hung thần duy nhất mồm đỏ, mắt lồi xanh lè là đảng Cộng Sản, chỉ huy sinh sát mà tôi. Bởi vậy, tôi ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt y, trả lời:
- Tôi cần luật sư để làm gì? Tội của tôi đến đâu, tùy đảng định đoạt.
Tôi định nói thêm là nhờ luật sư, để cho họ dùng lý luận sỉ vả mình thêm nữa ư? Dưới chế độ chuyên chính vô sản, luật sư nào dám mở miệng bênh vực kẻ thù giai cấp công nhân, mà không bị quy kết về tội tư tưởng? Nhưng rồi, tôi cứ giằng co ngập ngừng, và cuối cùng thôi không nói nữa, khi tôi hiểu đây đâu phải là chỗ để mình nói những điều như vậy.
Y cắm cúi ghi một lúc, rồi lại ngửng lên hỏi:
- Anh có họ hàng thân nhân, cần báo cho họ đến dự buổi phiên tòa không?
Tôi chợt nhớ đến bà dì ở 44 Lương Ngọc Quyến, nhưng đó chỉ là hình ảnh lướt qua trong óc. Bà chỉ là một bà dì họ. Huống chi, dù có bố mẹ tôi, các anh em tôi, tôi cũng không muốn báo làm gì. “Có gan ăn cướp, thì phải có gan chịu đòn”. Mình đã làm ăn không nên, thất bại, rơi vào tay địch, chết hay sống hãy gồng lên mà chịu. Cái gì tốt đẹp hãy cho gia đình hưởng, cái gì đau thương khổ cực, ráng một mình mình chịu, đừng bắt người thân buồn khổ với mình, vô ích. Vì vậy, tôi lắc đầu quầy quậy:
- Tôi không có ai là thân nhân, họ hàng cả!
Khi ký vào một số bản y đưa cho tôi, tôi cũng chẳng cần đọc để biết là giấy gì. Cứ thấy bảo ký, là ký. Dưới chế độ độc tài phát xít, mình đã ở trong tay chúng, chúng muốn làm gì chả được.
Trên đường trở vào trại, lần này, khác hẳn với những lần trước khi còn ở xà lim, phải dẫn về giao hẳn cho cán bộ xà lim. Khi dẫn tôi qua cổng trực trại chung, tên Điền hất hàm, ngoắc tay ra hiệu, nói:
- Đi về buồng, báo cáo với quản giáo là đi cung về.
Từ cổng đi qua một cái sân rộng để về buồng số 4 phải đến 200m. Sân trại đã có một số buồng vào rồi, thế mà trông vẫn lố nhố đầy sân. Một mình tôi thong dong chậm chạp, thả lỏng từng bước một. Khi đi qua cổng xà lim I, nhìn chiếc cổng đóng im lìm của đường xưa, lối cũ; cây bàng với dáng quen thuộc của những tháng năm qua, vẫn khẳng khiu với gió Bấc Đông hàn…gợi lại trong lòng tôi bao nhiêu nỗi niềm u uất. Nếu tôi được quyền, tôi sẽ vào thăm Dư.
Đầu óc cứ mênh mang trôi nổi bồng bềnh, chân vẫn tiến bước nhưng như không có hồn để chỉ huy. Chợt, trong đám đông tù đang ăn cơm phía ngoài cửa buồng số 8, một thanh niên chừng 20 tuổi, tay đang ôm bát cơm còn chừng một nửa, cứ lắc lư, giật giật cái đầu, cái miệng cứ chóp chép, há ra ngậm vào và
nhay nháy cả cặp mắt nữa. Tôi tưởng y đang nổi hứng vừa ăn, vừa hát. Nhưng, tôi bỗng thấy miệng y đầy bọt chảy ra lòng thòng; mắt y trợn ngược lên trời chỉ còn lòng trắng; rồi y đổ kềnh ra sân, chân dẫy đành đạch; đầu đập xuống sân gạch kêu cồng cộc, đến chảy máu đỏ cả ra nền xi măng. Nhiều người chung quanh đều chạy lại nhìn, trong đó có hai tên Đản và Hồng, cán bộ buồng số 7 và số 8. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao không một ai ở ngay chung quanh đấy giúp đỡ người bị động kinh; trái lại đều đứng nhìn như xem một người đang làm trò và thỉnh thoảng lại còn có tiếng cười nữa. May quá, 2, 3 người đang chạy xô lại chỗ anh động kinh lúc này đang nằm đứ đừ, máu chảy chan hòa. Họ vội vàng quờ quạng…nhặt những hạt cơm mà người động kinh lúc ngã xuống, làm rớt cả bát cơm ăn dở bắn vãi tứ tung, chung quanh, đút vội vào mồm. Một người còn thò tay vào vũng máu, chỗ gần đầu anh bị động kinh, lấy ra một cục cơm, quệt quệt vào quần, rồi…bỏ tõm vào mồm nhai ngấu nghiến. Không cùng buồng, tôi không có quyền xông vào. Thấy một anh đúng gần, tôi hỏi ngay:
- Sao không có ai vào giúp đỡ người ta vậy?
Anh ta quay lại mở to mắt nhìn tôi như ngạc nhiên, rồi cười:
- Kinh phong, chứ có gì mà phải giúp đỡ! Bây giờ anh mới thấy à? Từ chiều đến giờ, sân trại đã 3 vụ như thế rồi, có sao đâu!
Tôi cúi đầu đi về buồng, vẩn vơ đầy vơi mãi về tình người…..
Đêm hôm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Làm sao để trả lời được rõ ràng cho chính mình, chúng sẽ xử tôi như thế nào khi đưa ra tòa. Tôi chủ quan nhìn lại toàn bộ vụ án:
- Có nhận nhiệm vụ của chính quyền miền Nam, xâm nhập vào thủ đô Hà Nội.
- Ngay từ đầu, không hề làm một việc gì để thực hiện nhiệm vụ ấy (điều này, có người của chúng bí mật theo dõi, đã thấy).
- Bị bắt, khai báo ngay sự thật từ đầu. Tuy có loanh quanh che dấu một vài điểm, nhưng chỉ là những cái râu ria như đường đi biển, lại khai đi đường bộ vì sợ gia đình bị trả thù…..
- Một lần định đào tẩu. Tự tử, không chết, chỉ vì muốn theo đảng, theo cách mạng, mà cách mạng và đảng không tin, vẫn giam cầm, không cho theo.
Chúng đã dùng bao nhiêu hình thức khai thác, mà hình thức ghê gớm nhất là thời gian. Đã 6 năm nằm trong xà lim buồng kín một mình, như vậy, xử thế nào
đây? – Nếu là chế độ của ta ở miền Nam, hay thế giới tự do nói chung, bắt được một điệp viên Cộng Sản như vậy thì đối xử ra sao? Về phía thế giới tự do của chúng ta, tôi đã hình dung thấy rồi; nhưng đây là chế độ Cộng Sản. Nếu cứ nhìn trên thực tế, trên hồ sơ, giấy bút, về một khía cạnh nào đó, tôi còn tốt hơn là đầu hàng nữa ấy chứ.
Tâm lý con người, mỗi khi xét về mình bao giờ cũng chủ quan; nghĩa là chỉ nghĩ đến những khía cạnh tốt cho mình. Vì vậy, tôi cho là chúng sẽ xử tôi nhiều lắm là 10 năm. Đã ở xà lim được 6 năm, vậy tôi còn 4 năm nữa, đi trại trung ương lao động. Rồi khi đất nước vẫn còn chia đôi, khi kết án chúng sẽ cho tôi về một công, nông trường nào đó, như một hình thức anh Trí cho tới chết.
Phải nói là tôi đã phòng hờ, bỏ rẻ rất xấu cho tôi đấy. Có như vậy mới thấy được mức độ hiểu biết ấu trĩ, ngây ngô của tôi về Cộng Sản.
Cứ miên man suy nghĩ, tôi chìm dần vào giấc ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau, tôi vẫn còn ngủ, những tiếng ầm ầm, ồn ào đã làm tôi giật mình tỉnh dậy. Tiếng loa phát thanh đang nói mục “thanh niên”, như vậy là mới 7 giờ sáng. Còn những một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ làm việc, thế mà tôi đã nghe thấy tiếng chìa khóa lách cách, tiếng ồn ào bàn tán của đám đông cán bộ phía bên ngoài cửa buồng.
Tôi chồm dậy, thấy cửa lớn đã mở toang. Nhìn ra sân, tôi thấy cả tên Trì, Đại úy Chánh Giám Thị, cùng với một lũ áo vàng, tôi chưa nhìn rõ ai với ai. Tôi chưa hiểu chuyện gì, đã nghe tiếng mấy cậu từ ngoài đó chạy vào gọi:
- Ban Giám Thị gọi buồng trưởng và tất cả trật tự ra ngoài gặp Ban Giám Thị!
Khẩn trương, chúng tôi nhớn nhác 4 người gồm Hưng, bác Khánh, tôi và Thọ “Lột” ra sân. Chúng tôi vừa bước ra khỏi cửa, tên Bằng đã khóa ngay cửa buồng lại, vì chưa tới giờ làm việc và cán bộ trực chính chưa tới. Cả 4 chúng tôi đều ngỡ ngàng, ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, ngoại trừ thấy một đoàn cán bộ hơn một chục tên. Trong đó có cả người Hưng Yên, từ nãy vẫn đăm đăm nhìn về phía tôi nhiều lần, nhưng tôi vờ như không nhìn thấy.
Khi thấy tên Lê đang cầm tay thằng Huy “Tồ”, một phản xạ tự nhiên đến trong óc tôi. Nếu tôi không nhớ lầm, tối hôm qua, vào khoảng 7, 8 giờ, thằng Huy “Tồ” này còn ở trong buồng, vậy tại sao mới sáng sớm tên Lê đã cầm tay nó dẫn vào? Tôi nhớ được chỉ vì thằng Huy “Tồ” này thường bị lũ trẻ con trêu chọc, bắt nạt. Giữa lúc đó tên Lê nghiêm nét mặt, hướng về phía tên Hưng, nhưng hỏi chung:
- Tối hôm qua, hay đêm hôm qua, các anh có thấy thằng này còn ở trong buồng không?
Một câu hỏi làm cho chúng tôi cảm thấy như vừa từ ở trên trời nhẩy dù xuống, anh nọ nhìn anh kia ngơ ngơ, ngác ngác, ú ớ như đang ngậm đầy miệng kẹo, chả biết trả lời ra làm sao. Phần vì trong buồng này hàng 150 đứa lau nhau, lắt nhắt, ai để ý làm chi. Phần khác, cửa buồng thường khóa từ 5 giờ chiều, đêm, ai có quyền mở. Cán bộ, bí mật mở lúc nào, chúng tôi ngủ làm sao biết. Vì vậy, chúng tôi không trả lời được.
Tôi nhìn thằng Huy “Tồ”, nó chừng 14 tuổi, tuy lùn nhưng lại có da thịt, nên người nó to ngang bằng đứa 16, 17; nhất là cái đầu nó cũng tương xứng với thân hình. Trời rét, nó lại chỉ mặc chiếc quần đùi, gấu đã rách tua, chân đi đất, trông dáng điệu thật là chậm chạp, ngây ngô. Có lẽ vì vậy, tuy trông to xác nhưng những đứa khác bé hơn vẫn bắt nạt được, cho nên gọi là “Tồ” vì thế. Nó còn được gọi một tên khác nữa là Huy “Vét đĩa”. Từ “Vét đĩa” của Hà Nội là để chỉ loại lưu manh không có tài cán gì. Bố mẹ không nuôi nổi, phải “vạt dòm”, it khi kiếm ăn được nên thường phải vào các quán ăn chờ khách đứng dậy xin… vét chén dĩa, xương xẩu thừa chút ít, hoặc châu đầu ở chỗ rửa chén bát, vét lại chút cơm thừa, canh cặn. Loại này, chỉ trên cấp “cái bang” (ăn mày) một bậc.
Nhìn nó, tôi moi lại trí nhớ. Không thể chệch vào đâu được nữa rồi. Rõ ràng, khoảng 8 giờ tối hôm qua, khi vào nhà xí đi giải, tôi còn nhớ thấy thằng nhóc con Hồng “Chột”, đã lừa cốc vào đầu thằng Huy “Tồ” một cái rồi lẩn vội vào chỗ đông. Trong khi hàng chục đứa cười rộ lên, thằng Huy chỉ biết ngồi khóc.
Như vậy, vấn đề được đặt ra là: có thể Ban Giám Thị bí mật, ban đêm vào mở cửa buồng lấy nó ra, vừa để thử cán bộ trực buồng là tên Chuẩn Úy Kế, vừa để thử buồng trưởng và các trật tự, để dạy cho họ một bài học về cảnh giác, phải chú ý vào nhiệm vụ của mình chăng?
Từ ý nghĩ đó, tôi giơ tay xin có ý kiến, vừa để minh oan cho Kế (tên Trì và một số cán bộ cho là Kế đã tắc trách, điểm sót lúc 5 giờ chiều hôm qua, khi khóa cửa) và cho cả chúng tôi. Tôi nói một cách khẳng định:
- Tôi đoan quyết là thằng Huy “Tồ” này, hồi 8 giờ tối hôm qua còn ở trong buồng.
Tôi dẫn chứng hình ảnh thằng Huy “Tồ” bị cốc đầu, như đã nói trên; trong khi đó, cô Vân lách lại gần chỗ tôi đứng, mặt tươi rói, hếch mãi lên nhìn tôi nói. Có lẽ thấy sự việc càng đi vào chỗ rối mù lên, tên Trì với cái giọng cối đá, gằn mạnh:
- Lúc hai giờ đêm qua, một đồng chí đang ngủ, nghe tiếng lịch kịch ở chạn bát, cho là chuột bọ, nên xùy đuổi. Nhưng, nằm một lúc lại thấy động đậy tiếp, vì vậy, đồng chí bật dậy, mò lấy đèn “pin” chiếu sáng lên để đuổi chuột đi. Không ngờ, đồng chí thoáng thấy một bóng người chui vào gầm sàn, đồng chí vội đến xem; cuối cùng là thằng này.
“Khi đưa về phòng Giám thị, ngay từ đêm, chúng tôi đã cật vấn nó nhiều lần. Nó vẫn khăng khăng là 5 giờ chiều hôm qua, lúc điểm số xong, khi cán bộ đóng cửa, nó đã lẻn ra ngay. Cán bộ vô tình không thấy. Mùa Đông, lạnh và đói, nó phải mò xuống bếp cán bộ kiếm thức ăn.”…
Tuy là lưu manh, ăn cắp, nhưng nó lại ngây ngô, tồ tồ, như vậy lời nói của nó phải được tin hơn. Trong khi đó, tôi lại khẳng định 8 giờ tối còn thấy nó ở trong buồng. Thành ra sự việc lại đầy mâu thuẫn, bí ẩn.
Tóm lại, Giám thị đã cho nó ăn no, dẫn xuống để chất vấn cũng như để chỉnh khuyết điểm của cán bộ trực buồng. Nhưng bây giờ lại rắc rối thêm. Chỉ còn một cách duy nhất, là đưa nó vào buồng để lấy nhân chứng đa số là lũ trẻ con, v.v…
Khi vào buồng, trước mặt bao nhiêu cán bộ (bây giờ có thêm tên Kế vừa đến, vì đã tới giờ làm việc), nhiều đứa trong buồng ngơ ngác không khẳng quyết được như thế nào. Nhưng, cũng có nhiều đứa khẳng định là tối hôm qua, thằng Huy “Tồ” vẫn còn ở trong buồng. Ngay thằng Hồng “Chột” cũng thừa nhận, đã cốc vào đầu nó khoảng 8 giờ. Thậm chí, Hùng “Lác” còn kể rõ ràng chừng 10 giờ đêm qua, thằng Huy “Tồ” còn nằm ngủ cạnh nó, còn kéo chăn của nó, và nó đã đạp cho một cái, thằng Huy còn ngồi khóc mãi.
Như thế, dứt khoát chỉ còn có hai vấn đề:
1) Đêm, phải có một cán bộ nào đó mở cửa buồng cho nó ra ngoài.
2) Chỉ có mộng du, hay…tàng hình!
Ý thứ hai không thực tế, vì dù là mộng du, nhưng cửa khóa, ra cách nào? Chỉ có ý thứ nhất! Vậy, cán bộ nào đã mở cho nó ra? Trong khi hỏi nó, nó lại lắc đầu, vẫn cứ nhất định là lúc điểm số xong, đã lẻn ra.
Sự việc đành bỏ dở, vì đã 10 giờ rồi. Phần Ban Giám Thị, về còn phải triệu tập buổi họp để cán bộ nào trực đêm, đã mở cửa cho nó ra thì thành khẩn nhận.
Tôi cũng thấy sự việc mâu thuẫn quá. Thằng Huy “Tồ” vẫn lủi thủi một mình, lúc ra sân, cũng như lúc vào trong buồng. Hầu hết những người tương đối hiểu biết ở trong buồng chỉ còn dự đoán là, có thể đêm khuya, mùa Đông lạnh giá.
Thằng Huy “Tồ” lại không có chỗ nào, cho nó chui vào đắp chăn, vì vậy nó đã ra chỗ gần cửa ngồi khóc; rồi cán bộ nào đó đi trực đêm, thấy nó trẻ con lại ngây ngô, cho nên đã động lòng, mở cửa đưa nó ra ngoài, dẫn nó đến những căn buồng có hơi ấm chăng?…
Vì đây là một chuyện hơi lạ, nhất là cả Ban Giám Thị Hỏa Lò quan tâm đến, cho nên cậu lớn nhỏ trong buồng cũng tò mò muốn tìm sự thật. Các cậu đã tìm nhiều cách để hỏi thằng Huy “Tồ”. Thường nó không trả lời và cứ lủi thủi một mình (vì cái thân nó từ trước vẫn lẻ loi như vậy, chẳng ai chơi với nó); còn, nếu nó trả lời, lại cứ nói đã lẻn ra cửa, lúc điểm số 5 giờ chiều qua.
Cho mãi đến chiều hôm ấy, sự việc vẫn còn nằm im trong bí ẩn. Trong khi tất cả cán bộ Hỏa Lò và gần 200 người chúng tôi trong buồng, lòng vẫn thắc mắc không yên. Lúc gần trưa, cán bộ lại vào mang nó ra khu ngoài, điều nghiên, hỏi han gần 2 tiếng đồng hồ, rồi lại dắt về. Đành chịu không tìm ra manh mối. Điều khó, nó là trẻ con, lại ngây ngây, tồ tồ, điên điên, khùng khùng. Nếu không có những lời khẳng định của tôi và của một số đứa trong buồng, ai cũng tin như lời nó nói. Nó đã lợi dụng khi cán bộ điểm số xong, kéo cánh cửa lớn khép vào và khóa lại, nó đã lách, lẻn ra, cán bộ vô tình không biết.
Càng về chiều, câu chuyện càng được thêu dệt thành những huyền thoại ly kỳ. Nào là nó mộng du, chui qua nóc nhà ra ngoài; nào là trong Hỏa Lò có một thầy phù thủy đã ếm bùa, gọi âm binh mang nó ra ngoài, nhiều cán bộ có óc phân tích, suy lý, hầu như ai cũng cho là chính Ban Giám Thị đã bí mật, ban đêm lấy nó ra ngoài. Mục đích để răn đe, đánh động vào tinh thần đề cao cảnh giác của cán bộ; nghĩa là mỗi người phải quan tâm chú ý đến trách nhiệm, trông tù của mình.
Riêng tôi, nhìn, nghe, suy xét, tổng hợp các hiện tượng, từ ánh mắt cho đến thái độ của tên Trì, tên Lê… Tất cả đều đã cho tôi thấy rằng đây không phải là một thủ đoạn. Như vậy đầu mối tất cả mọi vấn đề làm sao hãy tìm hiểu kỹ ở ngay thằng Huy “Tồ”. Với điều kiện của tôi, dĩ nhiên là không thể tìm hiểu được ở bên ngoài. Vừa nghĩ, tôi vừa nhìn thằng Huy đang ngồi khều những mụn ghẻ ở tay, lủi thủi một mình ở góc nhà. Bấy giờ đã 8 giờ tối! Từ sáng đến giờ, nhiều cán bộ đã vào hỏi nó; trong buồng nhiều cậu cũng đã đến hỏi nó, để rồi đành chán, bỏ cuộc, chẳng tìm ra được điều gì mới lạ hơn.
Tôi cầm cái điếu đến bên cạnh nó, vê một điếu thuốc lào bỏ vào nõ, rồi quay lại nhìn nó, tôi cười, tay đưa cho nó bao diêm:
- Cháu quẹt diêm giữ cho chú hút điếu thuốc!
Nó xoay hẳn người lại, cầm que diêm đánh lửa, giữ cho tôi hút với vẻ thích thú lắm. Nó muốn đỡ lấy cái điếu như để xin được hút sái nhì. Tôi vừa thở khói, vừa đưa tay làm hiệu, rồi tôi xì sái ra, và vê cho nó một điếu khác để hút. Sau đó, tôi tỉ mẩn hỏi nó về những mụn ghẻ, rồi từ từ đến gia đình, bố mẹ quê quán, một vài thú chơi của nó khi còn ở quê, v.v… Một lúc, cu cậu có vẻ thật say mê, hào hứng kể chuyện đi bắt tổ chim, câu cá v.v… Tôi tỏ ra thật trầm trồ theo dõi câu chuyện nó kể, thỉnh thoảng hỏi một vài câu để làm đòn bẩy. Tôi ca ngợi nó tài, rồi như thì thầm, tôi đẩy nhẹ sang vấn đề:
- Chỉ có mình chú biết là cháu tài lắm. Thế làm sao đêm qua cháu lại ra ngoài được? Cháu làm cách nào mà tài thế?
Nó cũng nói nhỏ hẳn lại, mắt nhìn lên cái khung cửa sổ phía sát mái nhà:
- Chú đừng nói cho ai biết nhé, cháu chui qua cái lỗ chấn song cửa sổ trên kia kìa!
Như một làn chớp xẹt qua đầu, tôi chợt hiểu. Tôi nhìn những khung cửa sổ lớn nằm dài theo tường của buồng. Nhưng chiếc song sắt, đường kính khoảng 2 phân 2, to tướng, dựng đứng từng hàng, từng hàng. Đứng dưới này nhìn lên, khoảng cách giữa các chấn song chừng độ 14, 15 phân. Từ nền nhà lên đến mép dưới cửa sổ cao chừng 2m50. Từ mép dưới cửa sổ lên đến mép trên cửa sổ chừng 1m20. Do những cái mấu sắt xây cắm vào trong tường (chắc trước đây dùng để chăng dây trong buồng và bây giờ không còn dùng nữa), nếu muốn trèo lên cửa sổ cũng không khó. Nhưng có một điều, như một ấn tượng tâm lý, là những cửa sổ đó, những chấn song đó đã được xây dựng, thiết kế từ thời Pháp thuộc như vậy, hẳn đã được những kỹ sư chuyên môn nghiên cứu kỹ). Cho nên, dù bao đêm, ngày từ năm này qua năm khác, bao nhiêu người nằm trong nhà tù này, vẫn nhìn lên cái cửa số ấy. Nhưng từ xa xưa, chả có ai điên rồ trèo lên đấy, đút đầu vào thử có ra được không. Thằng Huy “Tồ” lại là một thằng khùng khùng, dại dại, điếc không sợ súng nên mới làm những việc điên rồ như thế. Tuy vậy, nhìn thân hình thằng Huy “Tồ”, nhìn cái đầu của nó đã to như đầu người lớn rồi, ước lượng khoảng cách giữa các chấn song ở tít trên cao kia, tôi cũng chưa tin được dù nó đã kể rõ ràng:
- Đêm rét quá, chả có đứa nào cho cháu ngủ chung cả, cháu mới theo các mẩu sắt trèo lên cửa sổ, rồi cháu thử đút đầu vào. Chỗ này không lọt, cháu lại đút chỗ khác, mãi tới một chỗ vừa khít, cháu lách đầu, rồi cả người ra ngoài. Cháu mò mẫm ra khu Ban Giám Thị, kiếm được mấy mẩu sắn luộc, cháu ăn, Cháu ngủ một giấc ở trong một cái buồng có giường, có chăn mà không có ai nằm. Ngủ một lúc, lại thấy đói, cháu lại mò đi kiếm ăn nữa. Lần này, cháu bị bắt!
Muốn biết cụ thể và thật rõ ràng tận mắt, tôi chỉ còn một cách duy nhất là bảo nó leo lên lại thử. Nghĩ vậy, tôi vê một điếu thuốc nữa cho nó hút, rồi bảo nó trèo lên chui lại cho tôi xem, tôi cũng không quên khích lệ và tỏ vẻ tin nó.
Thế là cả buồng xôn xao cả lên. Trước hàng trăm con mắt, nó thoăn thoắt bám vào những mẩu sắt ở tường, trèo lên cửa sổ. Nó ghé đầu đút thử vào 3 khoảng trống giữa các chấn song, không lọt. Đến khoảng trống thứ tư, nó chui lọt cái đầu, rồi lách cả người ra ngoài. Tên Hưng vội vàng quát:
- Thôi, chui vào ngay!
Khi đó đã gần 10 giờ đêm. Cả buồng sôi lên như cái chợ! Hàng trăm đứa đều ngơ ngác tiếc rẻ là nếu biết thế từ trước đã ra khỏi “hao” từ lâu rồi.
Tên Hưng không kìm được nữa, ra chỗ cửa báo cáo ầm cả lên. Khi một tên cán bộ trực đêm đến hỏi, y đã trình bày như trên. Một lúc sau, cả tên Trì, tên Lê cùng lúc nhúc một lũ hơn một chục tên công an nữa theo sau, vào mở cửa buồng, hỏi tên Hưng. Một lát, chúng kéo ra đứng đầy ở sân, bắt thằng Huy “Tồ” trong này trèo ra cho chúng xem.
Riêng tôi, từ nãy cứ bần thần suy nghĩ. Khi phát hiện được là thằng Huy đã chui cửa ra ngoài, tôi chỉ nghĩ nó là trẻ con, cửa sổ lại làm thưa nên nó mới chui ra được. Nhưng, qua hai lần nhìn thằng Huy biểu diễn, tôi thấy đẻ ra một vấn đề khác, một vấn đề lớn hơn. Nếu tôi biết trước như thế này, tôi phải tìm mọi cách làm cho thằng Huy không bao giờ nói điều đó với ai cả: bằng cách trộ, dọa nó, cũng như tình cảm với nó.
Lúc này, tôi chợt hiểu, đây là một cơ mưu, một dụng ý của người thợ làm song sắt. Hàng 30, 40 khoảng cách giữa các chấn song, nhưng chỉ có một chỗ là có thể lách mãi sẽ chui qua được. Mắt thường của mọi người, nhìn khung cửa sổ ở trên cao với mỗi khoảng cách giữa các chấn song là 15 phân, thấy tất cả khoảng cách như đều nhau. Nhưng, trong một hàng ba, bốn mươi khoảng cách này, có một cái rộng hơn một phân, là 16 phân, dám chắc chả ai nhìn ra, trừ phi lấy thước đo từng khoảng cách một. Nếu không, mắt thường nhìn khoảng cách nào cũng thấy như nhau.
Vấn đế đã rõ ràng: thằng Huy “Tồ”, do cái ngu của nó, đã thành công. Nó nhìn cái cửa sổ lại “tưởng” có thể chui ra được, rồi tìm cách trèo lên, chui đầu vào. Mấy khoảng cách đầu không vừa, nếu người thường, ai còn chui nữa; nhưng với thằng Huy nó cứ thử từng cái, để rồi đúng phải cái khoảng cách duy nhất, do dụng ý của người thợ trước đây đã làm, nên mới gây ra câu chuyện thần kỳ, nếu không tìm ra nguyên nhân. Tôi nghĩ, có thể ngay các buồng khác của trại chung Hỏa Lò, cũng có những điều kiện chấn song như buồng số 4 trại
chung này. Nhưng, ai đọc đến đây cũng thừa hiểu, lần này tôi đã để những ý nghĩ đó nằm yên ở một ngách trong lòng tôi.
Chúng gọi buồng trưởng và tất cả trật tự ra ngoài sân. Tên Trì hỏi tên Hưng là ai đã hỏi được thằng Huy “Tồ” thú thật đã trèo lên cửa sổ. Tên Hưng chỉ tôi! Tên Lê quay lại nhìn tôi bằng ánh mắt hơi nhay nháy:
- Anh hỏi nó thế nào, mà nó lại thú thật với anh?
Để khỏi lôi thôi lúc đó và để chúng không đánh giá thực được về mình sau này, tôi trả lời:
- Thưa, có gì đâu ông! Tình cờ tôi cho nó điếu thuốc lào, rồi tôi hỏi nó, không ngờ nó lại nói ngay ra như vậy.
Khi cô Vân vào sau, và biết tôi đã tìm ra manh mối, cô cố tìm cách đi sát lại gần tôi, nói khẽ:
- Anh Bình giỏi nhỉ!
Mặt tôi không tỏ một thái độ gì, làm như không nghe thấy lời cô, vì liếc thấy tên Lê và mấy tên nữa đang chăm chú nhìn mặt tôi, khi chúng thấy môi cô Vân mấp máy nhưng không biết nói gì.
Trong khi lòng tôi đang tím thẫm màu ân hận, tên Lê quay lại hỏi một tên cán bộ:
- Mấy giờ rồi?
Tên Hải mũi khoằm giơ cổ tay ra chỗ sáng xem, rồi nhanh nhẩu trả lời:
- Báo cáo thủ trưởng, 12 giờ đêm rồi!
Tên Lê nghiêm giọng:
- Đồng chí xuống ngay trại thợ, gọi đồng chí Đại dậy, chọn hai hay bốn thằng mang gỗ lên đóng bịt kín toàn bộ cửa sổ này. Dù có phải làm suốt đêm, cũng phải làm cho xong.
Chắc y sợ trong buồng còn bao nhiêu trẻ con lưu manh, đêm có thể chui ra làm loạn. Tóm lại, chúng vẫn chỉ đinh ninh là chấn song cửa hơi rộng, chứ chưa biết duy nhất chỉ có một khoảng cách rộng thôi. Chứng cớ, chúng đã cho đóng bít cửa sổ lại.
Vào buồng, đầu tiên là thằng Hưng buồng trưởng nhìn tôi, đánh một câu:
- “Xịa”, có khác!
Thế rồi từ đấy, tụi trẻ trong buồng có vẻ đề cao CIA, với nhiều chuyện hoang đường buồn cười.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen