Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 208
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Z.28 Đêm Cuối Cùng Của Tử Tội - Chương 11: Đêm Cuối Cùng Của Tử Tội
ôrin gài số hai cho xe vượt như tên bắn khỏi cánh cổng đồ sộ của trụ sở Smerch. Nhìn cái tháp canh hình tròn của nhà pha Hỏa Lò đứng ngạo nghễ ở góc đường Hàng Bông Thợ Ruộm, Bôrin cảm thấy trái tim đau nhói. Bệnh nhức đầu đột nhiên trở lại làm mắt hoa lên.
Chòi gác của khám đường trung ương vừa đánh thức trong lòng Bôrin những kỷ niệm đau đớn. Hắn sang Mỹ, lao đầu vào công tác nguy hiểm, để lại Vương Lệ một món tiền thưởng lớn lao, tưởng vợ hắn thủy chung, ngờ đâu đã bỏ hắn theo nhiều người đàn ông khỏe mạnh và xinh xắn khác.
Ruột gan Bôrin sôi lên. Hắn vừa nói chuyện với đại ta Kamốp. Ngồi sau bàn giấy, Kamốp nhoẻn miệng cười thân mật khi Bôrin tới:
- Chào thiếu tá. Anáttát vẫn mạnh giỏi chứ?
Bôrin trịnh trọng nâng ly Vốt-ka do Kamốp rót lên môi. Chắc có việc quan trọng Kamốp mới cho mời hắn đến gấp. Thoạt tiên, hắn tưởng bị khiển trách, nhưng khi thấy Kamốp đối xử nồng hậu hắn cảm thấy yên dạ. Kamốp chìa thuốc lá mời, giọng nhẹ nhàng:
- Tôi kêu thiếu tá đến đây để cho thiếu tá biết là thiếu tướng Hôlếp đã đề nghị với trung ương ban tặng huân chương Lênin cho thiếu tá để tưởng thưởng những nỗ lực phục vụ ở Hoa Kỳ.
Bôrin choáng váng cả người. Huân chương Lênin là phần thưởng quý báu nhất đối với con người cán bộ Sô Viết. Miệng hắn khô lại, hắn muốn thốt lời cảm tạ nhưng tiếng nói bị vướng trong cổ họng. Kamốp đứng lên:
- Chỉ có thế thôi. Thiếu tá có thể trở về nhà nghỉ. Trong vài ba tuần nữa sẽ có hồi âm của trung ương. Về đời sống vật chất, thiếu tá còn cần thêm gì nữa không? Đồng chí Hôlếp ra lệnh cung cấp đủ mọi tiện nghi cho thiếu tá.
Bôrin sướng run lên, giọng lắp bắp:
- Thưa đại tá, tôi đã đủ rồi.
Lúc ra đến cửa, chợt Kamốp hỏi:
- Dạo này, Vương Lệ đã khá hơn trước chưa?
Bôrin giật mình:
- Thưa….
- Té ra thiếu tá chưa biết. Thôi, thiếu tá còn mệt, đừng quan tâm tới lời tôi vừa nói nữa.
Bôrin trợn tròn mắt kinh ngạc:
- Thưa đại tá, tôi biết, tôi biết lắm. Lợi dụng tôi đi công cán xa, vợ tôi đã ngoại tình với người khác. Tôi đội ơn đại tá nếu cho tôi biết đứa dâm phu là ai.
Kamốp thở dài:
- Bôrin, tôi thương đồng chí rất nhiều. Tôi đau đớn khi được tin gia đình đồng chí cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Không nói thi ấm ức, nói ra thì đồng chí cũng chẳng làm gì được.
- Tôi sẽ giết chết kẻ nào ngoại tình với Vương Lệ.
- Thôi, đồng chí không giết được hắn đâu. Hắn là nhân vật có thế lực ở đây. tình địch của đồng chí là Phan Mỹ, trưởng ban RUMID của bộ Ngoại Giao.
Bôrin xây xẩm mày mặt, phải dựa vào tường để khỏi ngã. Kamốp rót thêm một ly vốt-ka:
- Đồng chí uống cho lại sức.
Mắt đỏ ngầu, Bôrin uống một hơi hết sạch. Uống xong hắn xin ly nữa, rồi ly nữa, đến khi chai vốt-ka cạn hai phần ba, hắn dằn mạnh cái ly pha-lê xuống bàn, giọng đầy căm hờn:
- Nếu đại tá cho phép, tôi sẽ giết hắn ngay bây giờ.
Kamốp vỗ vai Bôrin:
- Theo tập quán, người Nga có danh dự không khi nào để kẻ khác cướp vợ mình. Kẻ nào lăng nhăng với vợ tôi, tôi sẽ băm vằm ra hàng trăm mảnh, vì thế tôi thông cảm nổi khổ tâm của đồng chí. Tôi sẵn sàng giúp một tay cho đồng chí, miễn hồ đồng chí hành động nhậm lẹ và hữu hiệu.
Nói đoạn Kamốp rút ngăn kéo, đưa cho Bôrin một tấm hình. Cầm xem, Bôrin tái mặt: trong hình, Vương Lệ đang ngồi trên ghế, mặt ngước lên cho Phan Mỹ hôn, một tay Phan Mỹ luồn dưới áo mân mê bộ ngực tròn trịa. Khốn nạn, nếu Bôrin biết là hình ghép thì sẽ không nghiến răng, quắc mắt, đấm tay thình thịch vào ngực. Một lát sau, Bôrin trở nên bình tĩnh. Hắn nhìn thẳngvào mắt Kamốp:
- Xin đại tá cho tôi mượn khẩu súng xi-a-nuya.
Giọng Kamốp nghiêm nghị:
- Nếu xảy ra chuyện gì, đồng chí đừng nói là súng của tôi, nghe chưa. Đồng chí lấy cái xe nhỏ trong ga-ra mà đi, chiều nay trả lại cho Sở.
Quên cả chào thượng cấp, Bôrin chạy tuốt ra sân, trèo lên chiếc Warburg nhỏ xíu, phóng như bay.
Xe hơi đến bộ Ngoại Giao. Lính gác cản lại, Bôrin thò đầu qua cửa xe, giọng hách dịch:
- Có việc gấp. Còn đợi gì mà chưa mở cửa.
Thấy bộ quân phục thiếu tá Hồng Quân, tên lính hoảng sợ, vội dạt sangbên. Bôrin chạy thẳng vào sân sau. Tắt máy vội vàng, Bôrin trèo lên gác. Người lính ở cầu thang đứng nghiêm chào, Bôrin hất hàm đặt chân lên hành lang trải nệm êm ru.
Một người lính nữa cầm tiểu liên trước văn phòng của Phan Mỹ. Chẳng nói chẳng rằng, Bôrin tiến lên quạt một quả đìa-rét vào giữa mặt. Tên lính ngã chúi vào tường. Bôrin xô cửa bước vào.
Bản năng gián điệp chuyên nghiệp thức dậy trong lòng. Bôrin trở nên điềm tĩnh một cách lạ thường. Một phép lạ mầu nhiệm đã làm hắn khỏi bệnh nhức đầu. Hắn đút một tay vào túi, làn da chạm vào cái bật lửa xinh xẻo bằng vàng tây, bên trong chứa ba viên đạn xi-a-nuya nhỏ xíu, mỗi viên trong vòng ba thước có thể giết chết một con tê giác khổng lồ.
Bôrin đã gặp Phan Mỹ một lần tại Mạc-tư-khoa. Giáp mặt lần đầu, hắn đã tỏ ra khó chịu trước cái nhìn đĩ điếm và trịch thượng của viên trưởng ban tình báo bộ Ngoại Giao. Hắn còn nhớ rõ cái bắt tay lạnh lùng của Phan Mỹ tại trụ sở trung ương Smerch. Hắn không ngờ còn gặp Phan Mỹ lần thứ hai, và có thể là lần cuối cùng trong đời. Vì Phan Mỹ phải chết. Chết vì dám ngoại tình với người vợ đầu gối tay ấp của hắn.
Hắn sửa soạn một nụ cười khinh miệt để chào Phan Mỹ. Chào xong, hắn dự định kéo ghế ngồi xuống rồi rút khẩu súng xi-a-nuya dơ lên ngang ngực tình địch, kèm theo những lời kết tội đanh thép và rùng rợn:
- Phan Mỹ, anh ngoại tình với Vương Lệ, tôi phải giết anh. Anh muốn trối trăng điều gì không? Tôi dành cho anh một phút trước khi từ giã cõi đời.
Nụ cười khinh miệt vừa nở trên môi Bôrin bỗng tắt ngúm như ngọn đèn dầu tù mù trước cơn gió cuồng bạo, Bôrin đứng sững trên ngưỡng cửa.
Phan Mỹ đã chờ hắn không biết từ bao giờ. Chờ hắn với một khẩu súng 9 ly, đầu gắn ống hãm thanh dài ngoằng và đen sì. Phan Mỹ dựa lưng vào bàn giấy đầy ắp hồ sơ, khẩu súng quái ác thủ sẵn trong tay đeo găng trắng, dưới chân là hai con chó mát-típ lông ngắn màu đen, mõm lọ nồi, mặt vuông, đuôi vểnh, tai cụp, loại chó săn được huấn luyện đặc biệt cho các công tác gián điệp.
Phan Mỹ lắc mũi súng, giọng đều đều:
- Chào bạn Anáttát Bôrin, tôi đợi bạn từ lâu.
Bôrin nói:
- À ra anh biết tôi đến.
- Cố nhiên. Xe hơi anh vào đến cổng tôi đã biết rồi. Vì tôi ra lệnh cho lính gác nên anh được tự do lên đây. Nếu không anh đã tan xác ngay từ khi đặt chân lên thang lầu. Hừ, anh đáo để thật, dám đánh ngã tên vệ sĩ của tôi ngoài hành lang. Bôrin, anh đến thăm tôi về việc gì?
- Anh là kẻ lòng lang dạ thú đã cướp đoạt vợ tôi. Tôi đến đây để tặng anh một viên đạn.
- Hà, hà, anh lạc quan quá. Anh rút giùm bàn tay ra khỏi túi. Chắc anh đã biết hai con mát-típ này. Chính trung ương Smerch đã huấn luyện giùm tôi tại Mạc-tư-khoa. Tôi chỉ suỵt nhẹ một tiếng là chúng cắn anh nát ngứu. Bây giờ, mời anh ngồi xuống ghế, chúng ta sẽ đàng hoàng trò chuyện với nhau. Dầu sao, chúng ta cũng là người trí thức, đúng hơn là những nghệ sĩ trong nghệ thuật giết người.
- Anh đừng tưởng tôi sợ. Tạm thời, tôi thua anh vì anh có súng trong tay, nhưng lát nữa hoặc mai đây, cán cân lực lượng sẽ nghiêng về tôi, và tôi sẽ giết anh. Giết anh về tội ngoại tình.
- Bôrin, anh ngu lắm. Ngoại tình là danh từ trong từ điển của những thằng đàn ông hèn nhát. Sở dĩ người đàn bà chán chồng đi tìm thú vui với kẻ khác là vì anh chồng bất tài. Vương Lệ không yêu anh nữa, lẽ ra anh nên lấy làm hổ thẹn, anh nên nghiên cứu xem nàng bỏ anh vì sao, còn như ghen tuông xuẩn động, mang súng đến đây đòi giết người không phải là giải quyết vấn đề.
Tôi không dấu anh là có cảm tình với Vương Lệ. Song tôi coi nàng cũng như hàng trăm người đàn bà khả ái khác đã gặp trong đời. Bông hồng mới nở còn đẹp và thơm, tôi là khách yêu hoa, hái về cắm vào bình. Trong một tuần lễ, hoa hồng tàn tạ, tôi sẽ vứt vào sọt rác.
Phan Mỹ cười rít lên một cách khoái chí:
- Anh tin hay không tùy ý. Tuy nhiên tôi sẵn lòng mời anh coi cuốn an-bom người đẹp của tôi. Mời anh dở ra xem có hình vợ anh chưa? Chưa, trăm phần trăm chưa. Làm đến chức vụ cao cấp như tôi thiếu gì đàn bà, lai đeo đẳng một người đàn bà có chồng.
Bôrin ngồi ngây ra như tượng. Phan Mỹ vẫn giữ nụ cười đắc ý trên làn môi xám xịt:
- Anh lầm rồi. Lầm to rồi. Người ta đã lợi dụng anh để nhổ một cái gai đâm vào mắt.
Bôrin chống chế:
- Không ai lợi dụng tôi cả. Vương Lệ ngoại tình, tôi muốn giết kẻ tình địch, thế thôi.
Phan Mỹ đổi giọng nghiêm nghị:
- Bôrin, anh đừng chối cải nữa. Tôi đã biết. Cái gì, tôi cũng biết. Kamốp đã lợi dụng anh. Kamốp thù tôi song không giết nổi tôi nên mới bày ra tấn trò ghen tuông để hạ thủ tôi. Ha, ha…. Phan Mỹ không đến nỗi khờ khạo như đại tá Kamốp lầm tưởng.
Bôrin đứng phắt dậy:
- Chào anh, tôi về.
Phan Mỹ khoát tay:
- Đâu dễ như thế được. Mời anh ngồi yên trên ghế. Tôi đã sai người dọn phòng cho anh rồi.
Chuông điện thoại reo vang. Cầm lên nghe, Phan Mỹ đột nhiên biến sắc. Hắn nói:
- Phải rượt bắt cho kỳ được. Bắt sống, không được bắn chết, nghe chưa? Xong xuôi, mang hắn về đây ngay.
Đoạn Phan Mỹ quay về phía Bôrin ngơ ngác:
- Tôi báo cho anh biết một tin quan trọng, vô cùng quan trọng. Thiếu tướng Hôlếp vừa bị ám sát trên đường Hàng Lọng, và tôi đã biết được kẻ chủ mưu.
Mặt Bôrin tái xanh như tràm đổ. Hắn lắp bắp:
- Thiếu tướng Hôlếp bị giết….
- Phải, tướng Hôlếp. Người chủ mưu là ai, anh biết không? Là đại tá Kamốp.
Bôrin há miệng toan phản đối, song Phan Mỹ khoát tay:
- Tôi biết anh sẽ gân cổ cãi giùm cho Kamốp. Anh ngu lắm. Anh chỉ là con cờ trong tay Kamốp. Hắn bố trí ám sát Hôlếp để đổ tội cho tôi. Song tôi đã nắm được bằng cớ cụ thể. Tôi là nhân vật có thế lực. Mặc dầu anh là thiếu tá Hồng Quân, nhân viên của Smerch, tôi vẫn có thể giết anh như giết một con ruồi. Nhưng anh là người vô tội. Vì thương hại anh, vì không muốn vợ anh phải góa bụa, tôi sẵn sàng tha chết cho anh. Với một điều kiện…
Bôrin lặng thinh. Phan Mỹ bấm chuông, hai vệ sĩ to như hộ pháp hiện ra ở cửa hông bí mật. Hắn chậm rãi ra lệnh:
- Dẫn thiếu tá xuống phòng A-8.
Rồi quay về phía Bôrin:
- Tối nay, tôi sẽ cho anh biết điều kiện.
Bôrin vùngvằng:
- Anh không có quyền bắt giữ một sĩ quan Sô Viết cao cấp.
Phan Mỹ cười ha hả:
- Tôi cứ bắt, anh làm gì tôi.
Bôrin lùi lũi bước ra cửa. Một tên vệ sĩ níu lấy áo hắn, giật mạnh. Bôrin hoành tay, đánh một đòn nhu đạo cực hiểm. Nhưng một quả phật thủ đã giáng vào đầu. Bôrin loạng choạng một giây rồi ngã gục xuống. Tên vệ sĩ xốc hắn lên vai, nhẹ như nhái bén, rồi chạy thoăn thoắt ra ngoài hành lang.
Một nữ thư ký từ cửa hông bước vào trao cho Phan Mỹ một tờ giấy màu xanh lá cây. Hắn hất hàm:
- Dấu tay của hung thủ phải không?
Người thư ký cung kính dạ một tiếng. Vừa đọc qua giòng chữ thứ nhất. Phan Mỹ giật mình:
- Trời ơi, lại hắn nữa.
Hắn ngoảnh lại tên vệ sĩ:
- Xuống phòng giam giải hung thủ lên đây. Phải xiềng hai chân lại và còng tay ra sau lưng, nghe chưa. Hắn là đứa nguy hiểm lắm đấy. Nguy hiểm số một ở Đông-Nam-Á.
Một mình trong phòng, Phan Mỹ chắp tay sau đít, miệng lẩm bẩm:
- Hừ, Z.28. Phen này liệu mày còn trốn thoát được không?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Văn Bình không ngạc nhiên khi thấy tài xế lái vào bộ Ngoại Giao và chạy thẳng vào sân sau. Chàng được dẫn vào một căn phòng nhỏ, cửa đóng kín mít, có lối đi xuống hầm. Chàng được biết phần lớn cơ sở của Phan Mỹ đều ở dưới hầm, một cái hầm rộng, đào sâu năm thước, trang bị đủ tiện nghi.
Nhà hầm thắp đèn nê-ông sáng như ban ngày. Chàng ngồi xuống ghế sắt nét mặt bình thản. Chàng thừa biết số phận địch dành cho chàng. Tra tấn. Khai thác. Hành quyết. Sau nhiều lần hoạt động nghênh ngang ở Hà Nội, chàng là tử thù của các cơ quan an ninh, chàng bị bắt và đã trốn thoát trong đường tơ kẻ tóc, lần này chắc họ không để chàng trốn thoát nữa. Vì vậy chàng vẫn điềm tĩnh. Điểm tĩnh chờ cái chết. Điềm tĩnh chờ cơ hội cao bay xa chạy.
Một thiếu phụ đứng tuổi mặt lạnh như tiền bưng một cái hộp sắt hình vuông đến bên chàng. Nắp hộp mở ra, Văn Bình hơi giựt mình. Bên trong là dụng cụ lấy dấu tay.
Thiếu phụ cầm bàn tay của Văn Bình đè lên một tấm kính phết mực màu đen. Năm ngón tay của chàng được in rõ ràng lên giấy trắng. Trong vòng mười phút, những dấu tay này sẽ được đưa xuống phòng căn cước, và nhân viên của Phan Mỹ chỉ cần nửa giờ là phăng ra chàng.
Tống Văn Bình, tức Z.28 bị bắt! Phan Mỹ sẽ mở yến tiệc ăn mừng. Z.28 sa lưới, cơ quan an ninh Hà Nội từ nay được ăn no ngủ kỹ.
Lăn tay xong, thiếu phụ còng tay chàng lại như cũ. Mùi bồ hôi nồng nặc từ người thiếu phụ tỏa ra làm chàng lộn mửa. Bộ ngực vĩ đại của thiếu phụ - một thành tích vẻ vang về kích thước cũng như về mũi nhọn không kém thua các cô đào nguyên tử - phập phồng sau làn vải mỏng, không gây được xúc động nào trong lòng chàng, không phải vì chàng rầu rĩ - vì Z.28 là con người độc nhất vô nhị có thể vui như Tết giữa pháp trường - mà vì mùi hôi khó tả. Ngạt thở, chàng quay mặt ra nơi khác. Dường như đọc được tư tưởng của chàng, thiếu phụ nguýt chàng một cái thật dài.
Chợt có tiếng giày lộp cộp. Một người đàn ông cao lớn, mỗi bên hông tòn ten một khẩu súng sáu to tướng, hùng hổ bước tới, kèm theo tiếng quát hách dịch:
- Tư đâu?
Người được gọi là Tư là tên lính giải chàng xuống hầm. Hắn đang chúi vào góc rít trộm một điếu thuốc lào. Nghe kêu, hắn giật nảy người, đứng nghiêm:
- Dạ, em đây.
Người đeo hai súng dõng dạc:
- Sao mày chưa xiềng chân phạm nhân lại?
Tên lính còn trù trừ thì tiếng quát thứ hai tiếp theo:
- Lấy cái xích sắt đeo quả tạ 25 cân, nghe chưa?
25 cân mỗi bên, vị chi cái xiềng nặng 50 cân. Chẳng nói chẳng rằng, Văn Bình đưa chân cho tên lính xiềng lại. Thấy chàng phớt tỉnh, tên lính văng tục rồi nói:
- Hừ, đóng trò khéo lắm. Liệu lát nữa mày còn giữ được vẻ mặt xấc láo như bây giờ nữa không?
Văn Bình nhún vai không thèm đáp. Tên lính trợn mắt, tát chàng một cái cháy má. Không chịu được nữa, chàng đứng vụt dậy, giáng cái còng vào mặt hắn. Miệng hắn bị đánh nát bét, máu tuôn ra ồng ộc. Hắn rú lên một tiếng đau đớn rồi rút súng, lên đạn đánh soạch:
- Tao sẽ bắn mày què chân.
Người đeo hai súng khoát tay:
- Tư, đừng lộn xộn. Có cất súng đi không nào.
Tư mếu máo:
- Thưa trung úy, nó đánh em gẫy mất ba cái răng.
- Kệ xác mày. Nhanh lên, đồng chí Phan Mỹ đang chờ. Nếu đồng chí Phan Mỹ cho phép, mày tha hồ trả thù. Tao sẽ bằng lòng cho mày nhổ sáu cái răng của nó.
Người đeo hai súng ra lệnh cho Văn Bình:
- Đi.
Văn Bình lắc đầu:
- Nặng lắm, đi không được.
- Nặng cũng phải đi.
Văn Bình cười nhạt:
- Tôi không đi, các anh làm gì tôi. Đây này, tôi bảo cho biết, mặc dầu bị còng tay và xiềng chân, tôi còn thừa sức ăn gỏi các anh. Dầu sao tôi cũng chết về tội ám sát thiếu tướng Hôlếp. Tôi giết hai anh rồi cũng bị bắn mà thôi. Các anh hãy lên báo cáo với Phan Mỹ rằng tôi không thích bị xiềng chân. Hoặc muốn tôi lên khỏi hầm, hai anh phải bưng quả tạ cho tôi khỏi nặng.
Người đeo súng sáu nghiến răng:
- Được. Chúng tôi sẽ bưng quả tạ cho anh.
Văn Bình thản nhiên đi trước, hai nhân viên của Phan Mỹ khệ nệ bưng hai quả tạ nặng 50 kilô theo sau.
Phan Mỹ đón chàng ngoài cửa phòng giấy, vẻ hớn hở hiện rõ trên mặt.
Văn Bình ngồi phịch xuống ghế bành bọc nỉ trắng toát. Người đeo súng quắc mắt:
- Ai cho phép anh ngồi xuống đây?
Văn Bình cười nửa miệng:
- Tôi là thượng khách của Phan Mỹ, anh không biết sao?
Phan Mỹ nghiêm sắc mặt:
- Thôi, cho hai anh ra ngoài.
Sau khi đóng cửa kỹ lưỡng, Phan Mỹ đứng yên ngắm chàng như ngắm con hổ vừa bị bắt trong rừng già, đưa đến vườn bách thú. Hắn cười, nhe răng vàng:
- Chào anh Z.28.
Văn Bình ngước mắt nhìn hắn:
- À, anh đã biết tên tôi. Phải, tôi là Z.28, tức Văn Bình, cộng sự viên số một của ông Hoàng.
Phan Mỹ cười nửa miệng:
- Anh còn quên chưa giới thiệu thêm Z.28 là Tăng Minh, đảng viên cộng sản, giáo sư trường đại học Chulalongkorn ở vô cùng, nhân viên phái đoàn Việt kiều Thái-Lan qua Hà Nội tham quan.
Vừa nói hắn vừa quan sát Văn Bình để dò la phản ứng. Văn Bình không ngạc nhiên. Khi bị lấy dấu tay, chàng biết là vai trò của chàng sẽ bị lộ vì các cơ quan an ninh ở Hà Nội đều có hồ sơ về chàng. Vả lại, nếu ngạc nhiên chàng cũng không tỏ ra ngoài cho địch biết.
Tuy vậy, chàng phập phồng lo ngại. Trước khi đi, chàng được ông Hoàng dặn kỹ là tìm đủ cách che dấu cho khỏi bị lộ. Một khi địch phăng ra căn cước của chàng, kế hoạch ly gián do ông Hoàng lao tâm khổ trí vạch ra sẽ tan thành mây khói.
Phan Mỹ gật gù:
- Nghe tiếng anh đã lâu, giờ mới được gặp mặt. Tiếng đồn về anh quả không ngoa chút nào. Tôi thành thật khen ngợi thái độ bình tĩnh của anh.
Văn Bình không đáp. Phan Mỹ tiến lại bên chàng, rút chìa khóa trong túi ra mở còng và mở xiềng. Trong lúc đối phương cúi xuống, chàng có thể đánh hắn bất tỉnh, song chàng không dám. Chàng biết hắn đã đề phòng chu đáo. Dường như đọc được tư tưởng của chàng. Phan Mỹ đứng dậy giọng thân mật - một sự thân mật giả tạo:
- Anh định hạ tôi rồi thoát thân phải không? Tôi mong anh đừng nghĩ tới việc đó. Nếu anh tấn công tôi trong lúc cúi xuống mở xiềng, anh sẽ bị ăn đạn ngay. Không tin anh nhìn lên tường xem… Anh thấy tấm ảnh Hồ chủ tịch chứ? Đó là ảnhgiả, phía sau tôi đã gắn một ống kính riêng, vệ sĩ của tôi túc trực ở phòng bên sẵn sàng nhả đạn nếu thấy qua ống kính tôi bị anh uy hiếp.
Văn Bình vẫn ngồi im không nói. Chàng duỗi chân cho khỏi tê. Phan Mỹ rót huýt-ky mời chàng:
- Biết anh là bợm huýt-ky, tôi đã dành sẵn một chai hảo hạng mời anh. Trên bàn, tôi đã để cho anh một gói Salem, mời anh tự nhiên.
Không đợi địch mời lần thứ hai, chàng cầm ly rượu đầy ắp, uống cạn một hơi, và bóc gói Salem mới toanh, lấy một điếu. Phan Mỹ bật lửa châm thuốc cho chàng.
Thở khói lên trần, Văn Bình hỏi hắn:
- Chắc anh có chuyện muốn điều đình với tôi phải không?
Phan Mỹ giật bắn người. Hắn lừ mắt nhìn chàng thanh niên lực lưỡng, xinh trai, mớ tóc quăn lòa xòa, da mặt xạm nắng, miệng cười ngạo nghễ, ngồi điềm nhiên trong ghế bành bọc nỉ trắng. Văn Bình đã đi guốc trong bụng hắn. Quả hắn muốn điều đình. Văn Bình rót thêm một ly huýt-ky nữa, miệng nói:
- Tôi sẵn sàng bàn chuyện với anh nếu anh muốn.
Đột nhiên, Phan Mỹ đổi sắc mặt. Hắn nhìn chàng, cười gằn:
- Anh lầm rồi. Anh tưởng mở còng và mở xiềng cho anh là tôi có chuyện muốn điều đình. Chẳng qua là tôi đối xử nhân đạo với anh đấy thôi.
- Cám ơn lòng tối của anh.
- Anh đừng rễu cợt. Tôi đối xử với anh một cách tuyệt đối thành thật. Là kẻ ở trong nghề đã lâu, anh thừa hiểu tội anh là tội chết. Anh đã ám sát tướng Hôlếp, nhân vật tình báo quan trọng nhất của Liên Sô ở Bắc Việt. Riêng tội này đã đưa anh ra pháp trường hàng chục lần rồi, phương chi từ ngày đội lốt Tăng Minh đến đây, anh đã nhúng tay vào nhiều vụ phá hoại và án mạng.
Tuy tôi là kẻ thù không đội trời chung của anh, tôi luôn tôn trọng truyền thống cao thượng của nghề điệp báo, ấy là sẵn sàng khoan hồng, sẵn sàng đối xử nhân đạo đối với kẻ thù dưới ngựa.
Văn Bình ném điếu Salem vào cái đựng tàn:
- Anh cho phép tôi nói sự thật này với anh. Bước chân vào nghề điệp báo, tôi cũng như anh, đều coi cái chết là thường. Các anh thèm giết tôi từ lâu. Nhiều lần tôi bị các anh bắt, và nhiều lần tôi đã thoát thân trong đường tơ, kẻ tóc. Riêng anh, tôi biết anh chưa muốn giết tôi trong lúc này. Chúng ta đều là tay lão luyện cả, anh cần thương nghị gì, xin cứ nói ra, bằng không, xin anh cho tôi một viên đạn, tôi lên đường xuống âm phủ cho sạch nợ.
- Nhân viên của tôi còn tra khảo anh, bắt anh cung khai rồi đưa ra tòa án trước khi anh bị bắn.
- Dọa nhau làm gì, anh Phan Mỹ? Anh thừa rõ tra tấn đối với tôi là thường. Anh cắt tai, xẻo mũi, khoét mắt tôi vị tất tôi hé răng chứ đừng nói là nhổ móng tay, tra điện, dí lửa vào da thịt, như các anh thường làm nữa. Tôi cũng như mọi người khác, tài chịu đau không phi thường đâu, tuy nhiên, tôi hiểu rõ rằng nếu tôi khai, tôi cũng chết, không khai tôi cũng chết, bởi vậy ngậm miệng là hơn. Vả lại, thiếu gì phương pháp quyên sinh hả anh? Dầu anh còng tay, xiềng chân, tôi vẫn có thể tự tử dễ dàng. Anh đừng quên tôi là Văn Bình, Z.28.
- Hừ, anh giỏi chịu đòn, song không kháng cự nổi huyết thanh sự thật (1) đâu.
- Mời anh chích mét-xa-lin cho tôi. Rồi anh xem tôi có khai không.
Tợp một ly huýt-ky, Văn Bình nói tiếp:
- Anh Phan Mỹ. Đừng ỡm ờ nữa. Anh muốn gì, nói ra, nếu có thể được, tôi xin nghe.
Phan Mỹ đi đi, lại lại trong phòng, dáng điệu suy tư. Đột nhiên, hắn ngồi xuống ghế, ấn một cái nút trên bàn. Văn Bình mỉm cười:
- Anh tắt máy ghi âm phải không?
Phan Mỹ khựng người, trố mắt nhìn Văn Bình. Lát sau, hắn nói:
- Anh có cặp mắt tinh đời thật. Đáng tiếc anh không phải là đồng chí của tôi. Anh nói đúng, tôi tắt máy vi âm vì tôi muốn câu chuyện giữa chúng mình được hoàn toàn giữ kín, và nhân viên của tôi ở phòng bên không nghe được.
Như anh đã biết, làm nghề gián điệm bị địch bắt chỉ còn cách thoát thân, hoặc chết. Anh thoát thân nhiều lần rồi, lần này tôi đã bố trí cẩn thận, trừ phi anh hóa thành con muỗi như Tề Thiên Đại Thánh mới có hy vọng trốn khỏi bộ Ngoại Giao. Nghĩa là sớm muộn anh phải chết.
Nói cho đúng, người tài như anh hàng trăm năm mới có, nếu giết thì uổng vô cùng. Song không giết cũng không được, vì anh sẽ gây ra nhiều khó khăn cho chúng tôi trong tương lai. Dỗ dành anh qui thuận càng không được nữa, và tôi biết anh thà chết chứ không bao giờ phản bội ông Hoàng. Tuy nhiên, giữa những người gián điệp chuyên nghiệp với nhau, vẫn có thể tìm ra một sự thỏa thuận. Tôi bằng lòng xét lại số phận anh, nếu anh cho tôi biết chuyến này anh đội lốt Tăng Minh ra Hà Nội với công tác gì.
Văn Bình lắc đầu:
- Anh đừng hỏi, mất thời giờ vô ích, tôi không nói đâu.
Phan Mỹ cười hềnh hệch:
- Ồ, tôi hỏi chơi anh đấy thôi. Anh không nói, tôi cũng biết. Ông Hoàng phái anh ra đây để gây chia rẽ trong hàng ngũ điệp báo Trung quốc và Liên Sô. Thú thật với anh, mới đầu tôi không biết, song từ khi thấy anh ám sát Hôlếp tôi phăng ra liền. Tôi không chối cãi là Kamốp muốn thịt tôi, song họ giết tôi không phải dễ. Họ muốn nắm hết các cơ sở do thám và Phản Gián ở Hà Nội, nhưng tôi cương quyết chống lại. Họ bèn bịa ra chuyện tài liệu mật bị đánh cắp. Nếu tôi không lầm, RU và Smerch đã mượn tay C.I.A. và ông Hoàng để hạ bệ tôi. Văn Bình, anh là người quân tử, anh có xác nhận điều ấy không?
Văn Bình nín thinh. Phan Mỹ hỏi tiếp:
- Chính anh đã giết chết 8 nhân viên Smerch của Kamốp để đổ tội cho tôi, rồi cũng chính anh giết Hôlếp để thúc đẩy tòa đại sứ Liên Sô đánh lá bài quyết liệt. Song anh không ngờ tôi cho người theo sát anh từng bước.
Văn Bình nhìn giữa mắt Phan Mỹ:
- Bây giờ anh muốn gì?
Phan Mỹ nhún vai, cười dòn tan:
- Muốn anh hợp tác với tôi.
- Tôi đã nói rõ rồi. Anh đừng hy vọng tôi đầu hàng.
- Không, tôi không buộc anh đầu hàng. Tôi chỉ muốn anh hợp tác với tôi để triệt hạ Kamốp.
- Nếu tôi từ chối?
- Tôi không tin anh từ chối. Anh nổi tiếng khôn ngoan, chắc chắn anh nhận lời. Vì anh chẳng thiệt gì cả.
- Nếu tôi nhận lời?
- Giản dị lắm. Tôi chỉ cần anh ra làm chứng cho tôi. Nội ngày nay, sẽ có một phiên tòa đặc biệt của Trung Ương đảng Lao Động để xét xử vụ tranh chấp giữa tôi và Kamốp.
- Số phận tôi sẽ ra sao?
- Tôi sẽ trả tự do cho anh.
- Như thế nào?
- Ồ, tòa án sẽ kết tội anh chung thân hoặc tử hình về vụ hạ sát Hôlếp. Nhưng tôi đã lãnh anh về đây. Và đêm nay, tôi sẽ bố trí cho anh trốn thoát. Anh thừa hiểu rằng tôi không nuốt lời.
- Tôi không nghi anh đâu, song muốn nói với anh điều này: nếu tòa xử anh thắng Kamốp, anh sẽ vọt lên ngôi vị lãnh tụ số một về tình báo ở đây, mặt khác, ảnh hưởng Sô Viết sẽ bị suy sụp. Thành ra anh lợi nhiều quá.
- Vậy, anh đòi gì nữa? Anh cần tiền ư? Bao nhiêu tiền tôi cũng đưa.
- Anh cho phép tôi nghĩ ngợi một lát. Trên nguyên tắc, có thể coi như tôi đã chấp thuận đề nghị của anh.
Phan Mỹ tươi hẳn lên, bắt tay Văn Bình. Chàng nắm lấy bàn tay mềm mềm của địch. Chàng lộ vẻ mừng rỡ như bắt tay một người bạn thiết.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Bà Huyền Hoa ngồi im như pho tượng. Nguyệt Thanh thẫn thờ nhìn mẹ, mắt nàng rưng rưng như muốn khóc. Thật ra nếu bà Hoa không nghiêm khắc, nàng đã gục vào lòng bà khóc nức nở. Nàng cảm thấy xúc động trước cử chỉ hy sinh đẹp đẻ của Văn Bình. Thấy mẹ nhìn qua cửa sổ ra sân - một cái sân rộng thênh thang đầy cây trái - nàng đánh bạo hỏi:
- Thưa mẹ, vì con mà anh ấy bị bắt.
Bà Hoa quay lại phía con gái, giọng dịu dàng:
- Con lầm rồi. Con đừng tưởng Văn Bình yêu con. Anh ấy vẫn sẵn sàng chịu chết thay cho mọi người. Từ nãy đến giờ mẹ buồn không phải vì sợ Văn Bình chết. Sa vào tay địch, chết là chuyện thường, phương chi Văn Bình là người đã cọ sát với tử thần nhiều lần trong đời.
- Trời ơi, con không ngờ trái tim mẹ lại sắt đá như vậy.
- Không phải đâu. Tim mẹ cũng biết xúc động như con. Mẹ đã ứa lệ khi trốn khỏi trụ sở Cửa Đông, để bác Tư ở lại. Nghe tin Văn Bình bị bắt, ruột mẹ nát như tương. Mẹ thương Văn Bình như con, con biết không? Song mẹ còn phải nghĩ đến Sở, đến tính mạng của anh em trong Tổ Chức, đến sứ mạng phải hoàn thành, đến tiền đồ của tổ quốc. Thương Văn Bình chỉ là tình riêng, ở vào địa vị chỉ huy như mẹ không được phép đặt tình riêng lên trên nhiệm vụ.
- Mẹ ơi, nếu mẹ không ra tay tất Văn Bình phải chết.
- Mẹ đang nghĩ đây. Tuy nhiên, mẹ phải chờ lệnh ông Hoàng.
- Lúc nào mẹ cũng nói chờ lệnh ông Hoàng. Đến khi ông Hoàng biết tin thì Văn Bình đã chết.
- Ông Hoàng hiện đang ở trong một tiềm thủy đỉnh ngoài khơi, trực tiếp ra chỉ thị cho mẹ.
Nguyệt Thanh vùng vằng đứng dậy:
- Muộn rồi, mẹ ạ, con không đợi được nữa, con nóng ruột như lửa đốt. Con đi cứu Văn Bình đây.
- Con cứu bằng cách nào?
Nguyệt Thanh nín lặng. Quá yêu Văn Bình, nàng muốn cứu chàng, song chưa biết sẽ cứu bằng cách nào. Bà Hoa đặt bàn tay răn reo lên vai con gái, giọng hiền từ:
- Con đi nghỉ một lát cho khỏe. Tối nay, sẽ có nhiều việc quan trọng phải làm. Mẹ sẽ cần tới tài bắn súng và nhu đạo của con.
Nguyệt Thanh chưa kịp trả lời thì tiếng chuông reo nhè nhẹ trên bàn. Chuông này ăn thông ra cổng, có một nhân viên bí mật ngồi gác. Y bấm chuông vào báo hiệu công an tới nhà.
Bà Hoa tiến lại cửa sổ đóng kín. Qua một lỗ hổng khoét trong gỗ, bà nhìn ra đường. Một chiếc xe díp sơn xanh vừa đậu lại, bốn người đàn ông mặc thường phục nhảy xuống, một tay thọc túi quần. Bà Hoa trao khẩu tiểu liên K-50 cho con gái:
- Con gắn ống hãm thanh vào. Nếu họ lên đây con sẽ lãy cò. Mẹ muốn con giết luôn bốn người một lúc.
Bà Hoa xách cái cặp da đầy ắp giấy tờ quan trọng, mở cửa tủ áo, chui vào trong. Biệt thự này là của một viên chức cao cấp, vợ đau phổi nằm trong bệnh viện, chồng xuất ngoại vì công vụ, ở nhà chỉ có một người gác, và người này là nhân viên của bà Hoa. Việc công an ập vào khám xét không làm bà Hoa ngạc nhiên: biệt thự này đã bị lộ khi một nhân viên liên lạc đã bị bắt. Nhưng bà đành ở lại vì trời chưa tối, không thuận tiện cho việc di chuyển, hơn nữa, bà phải chờ Nguyệt Thanh. Theo thông lệ, mổi lần thoát hiểm nàng đều về biệt thự này trước.
Nguyệt Thanh hỏi mẹ:
- Cả bốn người đều vào à mẹ?
Bà Hoa đáp:
- Cả bốn người. Họ đang bắt chú Ba mở cổng cho xe chạy vào. Như vậy càng hay.
Tiếng xe díp rồ máy rồi đậu lại dưới sân. Chú Ba - nhân viên của bà Hoa - nói lớn cốt cho trên lầu nghe tiếng:
- Ông tổng giám đốc đi Trung quốc rồi, tuần sau mới về. Mời các ông tuần sau lại.
Một người công an quắc mắt:
- Anh còn bướng nữa tôi sẽ bắn cho vỡ óc.
Chú Ba gắt lại:
- Mời anh bắn thử.
Một người khác xen vào:
- Anh là người gác nhà, không được phép can thiệp vào việc của chúng tôi. Ngoài ra, tôi cũng cần nói anh biết là anh phải theo chúng tôi về Sở.
Chú Ba lặng thinh. Một công an viên nói:
- Yêu cầu anh đi trước, dẫn chúng tôi lên lầu.
Nguyệt Thanh nghe rõ tiếng chân người trèo thang gác. Nàng hé mở cửa, núp sau, ngón tay đặt lên cò súng, dáng điệu bình tĩnh lạ thường. Bọn công an đều rút súng cầm tay, mặt đầy sát khí. Thấy cửa mở, một tên nói:
- Ta vào phòng này trước.
Nguyệt Thanh nép sát vào tướng. Cánh cửa bị đạp tung ra. Bốn tên công an sồng sộc bước vào. Nguyệt Thanh lia một loạt đạn. Cả bọn ngã rạp xuống như lá rụng. Tiếng tiểu liên nổ rất nhẹ, tựa như tiếng nút chai sâm-banh.
Chú Ba đứng ở ngưỡng cửa, lau bồ hôi trán. Bà Hoa xô cửa tủ bước ra, miệng nói:
- Lộ hết rồi, chúng ta đi thôi.
Chú Ba là một thanh niên trạc ba mươi, thân thể gày gò, lông mày chổi xể, cái miệng nhỏ xíu, mỗi khi cười lộ ra hai cái răng cời. Y hỏi bà Hoa:
- Thưa bà, tôi có đi không?
Bà Hoa đáp:
- Chú cũng đi. Ở đây, người ta sẽ đến bắt chú.
Nguyệt Thanh gói khẩu tiểu liên vào một tấm vải lớn, đoạn cắp ngang nách lững thững xuống cầu thang, bà Hoa xách cặp tài liệu theo sau.
Xuống nhà dưới, chú Ba hỏi:
- Thưa bà, bây giờ đi đâu?
- Về trụ sở bí mật.
Nguyệt Thanh lái chiếc Tatra từ nhà xe ra. Bà Hoa mở cửa trèo lên. Bỗng chú Ba nói:
- Chết. Tôi còn để quên cái ví đựng tiền. Xin bà hai phút.
Bà Hoa đáp, giọng điềm tĩnh:
- Được, chú cứ vào lấy.
Năm phút sau, chú Ba trở ra. Nguyệt Thanh lái bon bon ra ngoài đường, phóng một mạch dọc Bờ Sông. Tuy ngồi vào một góc, bà Hoa vẫn chăm chú nhìn vào kính chiếu hậu. Lát sau, qua viện Bảo Tàng, bà ra lệnh cho con gái:
- Con lái xuống đường Láng.
Nguyệt Thanh ngạc nhiên, trụ sở bí mật ở khu Yên Phụ, không phải ở Láng. Vả lại, ở Láng không có nhân viên nào ở. Song le, nàng ngoan ngoản tuân theo lệnh của mẹ.
Chạy được một quãng, đến một khúc đường vắng, bà Hoa đập vào vai Nguyệt Thanh:
- Đậu lại con.
Đã ngạc nhiên, Nguyệt Thanh càng ngạc nhiên thêm. Tứ phía là cánh đồng vắng ngắt. Bà Hoa nói:
- Dường như có xe rượt theo.
Chú Ba đáp:
- Bà lầm rồi. Tôi không thấy xe nào cả.
Bà Hoa cười, giọng gay gắt:
- Tôi không lầm. Anh lầm thì đúng hơn.
- Thưa bà….
- Anh lầm vì tưởng tôi già rồi, tôi không biết. Nhưng anh quên rằng tôi già tuổi mà trí còn sáng suốt. Tôi đã thấy rõ những việc anh làm. Tôi còn thấy rõ những điều anh nghĩ.
Mặt gã đàn ông đột nhiên tái mét. Nguyệt Thanh quay phắt lại trố mắt nhìn mẹ.
Bà Hoa vẫn nói, giọng đều đều:
- Hồi nãy, anh vào trong nhà làm gì?
- Thưa bà…
- Anh định nói vào trong nhà lấy ví tiền phải không? Hừ, tôi biết anh đã gọi giây nói cho họ.
Gã đàn ông khựng người, toan cho tay vào trong bọc. Bà Hoa lắc đầu:
- Anh rút súng làm gì, vô ích. Bì đạn tôi đưa anh hồi trưa toàn là đạn giấy, bắn ruồi không chết.
Hắn buông tay ra, đặt lên đùi, toàn thân run run, bồ hôi vã ra như tắm, giọng lẩy bẩy:
- Thưa bà… xin bà tha cho tôi.
Bà Hoa ngó thẳng vào mắt hắn:
- Anh điện thoại cho họ rằng tôi đi về trụ sở bí mật phải không?
- Thưa, vâng.
- Họ ra lệnh cho anh ra sao?
- Thưa, bảo đi theo.
Nguyệt Thanh hỏi, giọng sửng sốt:
- Thưa mẹ, chú Ba phản mình à?
Bà Hoa cười:
- Phải. Chú Ba làm việc cho Phản Gián Hà Nội.
Nguyệt Thanh mở gói lấy khẩu súng:
- Mẹ cho phép con bắn hắn một phát.
Bà Hoa xua tay:
- Con nóng nảy quá! Để yên cho mẹ hỏi.
Gã đàn ông chấp tay lạy:
- Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy bà. Người ta bắt tôi phải làm, nếu không, giết vợ giết con tôi. Trong một phút mềm yếu, tôi đã nhận lời, nhận lời một cách hèn hạ và nhục nhã.
- Sao anh không trình với tôi?
- Tôi sợ lắm.
- Người ta dặn anh những gì?
- Thưa, họ giả vờ cho công an tới khám nhà, buộc bà phải giết họ, và mang tôi theo đến trụ sở bí mật. Tôi đã van vỉ họ, cho họ biết bà là người có cặp mắt thần thông, nhìn thấu tâm can thiên hạ, song họ nhất định bắt tôi phải tuân lệnh. Thưa bà, tôi có ba đứa con, hai trai một gái, đứa lớn nhất mới lên 5. Tôi chết đi, chúng sẽ thành mồ côi, và lâm vào cảnh đói rét.
- Song nếu anh sống, tiếp tục làm nghề mật thám cho địch, hàng ngàn hàng vạn trẻ em khác sẽ mồ côi, sẽ đói rét, cha mẹ chúng sẽ bị bỏ tù, bị giết chết.
- Thưa bà, tôi biết tội rồi. Bà vẫn được tiếng là sáng suốt và nhân từ, xin bà tha chết cho tôi. Rồi bà sai gì tôi cũng làm.
- Nếu anh tuyệt đối tuân theo lệnh tôi, kể từ phút này, tôi sẽ tha tội chết cho anh.
Nguyệt Thanh phản đối:
- Mẹ.
Bà Hoa gạt đi:
- Con biết gì mà nói.
Rồi quay sang phía gã đàn ông:
- Anh thừa hiểu tôi không bao giờ thất hứa. Song tôi chỉ tha anh nếu anh hoàn toàn nghe lời tôi. Hoàn toàn, anh nhớ chưa?
- Thưa, nhớ.
Bà Hoa phóng tay nhanh như chớp vào màng tang gã đàn ông. Hắn gục đầu xuống nệm bất tỉnh. Bà Hoa ra lệnh cho con:
- Con lái về chợ Hôm.
Cho xe chạy, nàng hỏi mẹ:
- Sao không về trụ sở đường Yên Phụ?
- Về sao được. Đó là trụ sở quan trọng nhất của ta, địch khám phá ra thì hết chỗ nương thân.
- Mẹ biết chú Ba phản bội từ lâu chưa?
- Lâu rồi, song mẹ vẫn để yên. Nói cho đúng, trước kia mẹ chỉ nghi ngờ hắn, nhưng chưa tìm ra bằng chứng cụ thể. Đến khi biết chắc hắn là tay sai của địch, mẹ mới bố trí cho hắn ở gần mẹ, tạo cho hắn cơ hội phản bội. Vì thế, sau khi trốn khỏi trụ sở cửa Đông, mẹ về đó chờ con.
- Giả sử địch tới bắt ngay thì sao?
- Ồ, bắt như vậy trái ngược với nguyên tắc nghề nghiệp, con ạ. Bao giờ người ta cũng đợi tóm trọn ổ. Họ thừa rõ nếu mẹ bị bắt, mẹ sẽ tự vận liền. Bắt một xác chết là việc hoàn toàn vô ích. Mẹ chết đi, người khác lại lên thay mẹ. Tốt hơn là chờ cho mẹ về tổng hành doanh để ập bắt, nắm lấy hồ sơ mật. Con thấy họ khôn ngoan không? Họ hy sinh bốn nhân viên để mẹ bắt buộc phải mang chú Ba về trụ sở trung ương. Hừ, họ tưởng mẹ là một bà già gần kề miệng lỗ… Phen này, họ sẽ thấy.
Chiếc Tatra trở lại trung tâm thành phố. Chợt Nguyệt Thanh hỏi lại bà Huyền Hoa:
- Mẹ định dùng chú Ba làm cái chìa khóa để mở cửa nhà giam cứu Văn Bình phải không?
Bà Hoa cười:
- Con đoán đúng. Tuy nhiên, con gái của mẹ ăn nói bóng bẩy quá, mẹ chịu không hiểu nổi.
Nghe mẹ nói, Nguyệt Thanh thẹn đỏ mặt. Nàng tống ga xăng, chiếc Tatra phóng nhanh như tên bắn.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Buổi chiều đổ xuống một cách vội vàng. Quỳnh Ngọc ngồi bên cửa sổ, ruột nóng như lửa đốt.
Nàng ngồi đợi thiếu tá Vũ Kính. Kính mới gặp nàng cách đây nửa giờ mà nàng tưởng như nửa năm. Vì Kính cho nàng biết Văn Bình đã bị bắt.
Tin chàng bị bắt như sét đánh ngang tai nàng. Nàng lặng người trong một phút. Nổi tiếng gan dạ và bình tĩnh, nàng bỗng trở nên mềm yếu, xao xuyến. Nàng hỏi dồn
- Bị bắt ở đâu? Bắt về chuyện gì? Hiện giam ở đâu?
Vũ Kính lắc đầu:
- Tôi chưa biết. Phiền cô đợi tôi đến tối. Vả lại, đêm nay phái đoàn phải về Vọng-các, tôi phải có mặt ở đây để thúc giục mọi người sửa soạn.
Vũ Kính đi rồi, Quỳnh Ngọc cảm thấy trống trải lạ thường. Trong những ngày ở Hà Nội, nàng ít có dịp gần Văn Bình, tuy nhiên thỉnh thoảng gặp nhau ở ngoài hành lang, nàng nhìn chàng đắm đuối và chàng cũng nhìn lại, như muốn dùng tia mắt bảo nàng:
- Quỳnh Ngọc ơi, anh yêu em lắm.
Có lần, nàng lén vào phòng chàng. Hai người đoàn tụ với nhau không được lâu, song một phút ôm ấp chàng là một tháng hạnh phúc của nàng. Gần đàn bà, chàng có một sức lôi cuốn kỳ lạ, người nào ngã vào vòng tay chàng là không thể gỡ ra được nữa.
Bây giờ Văn Bình bị bắt!
Bị bắt trong lúc sắp sửa lên phi cơ trở về đất Thái.
Nàng thở dài nhìn qua cửa sổ. Bỗng nàng nhận ra bóng dáng quen thuộc của thiếu tá Vũ Kính. Chàng vừa xuống xe, vội vã vào trong lữ quán.
Nàng mở hé cửa chờ chàng. Nàng chột dạ khi thấy vẻ mặt long trọng của Vũ Kính. Chàng lẳng lặng đóng cửa, tắt máy ghi âm bí mật giấu trong ngọn đèn đêm, đoạn nói giọng đủ nghe:
- Tôi vừa nhận được chỉ thị của Z.62. Cô sẽ phụ trách việc loại trừ Phạm Bài và nhân viên khác của địch trong lữ quán. Đúng ba rưỡi sáng, phi cơ sẽ cất cánh.
- Còn anh ấy?
- Z.28 ấy à? Tôi chưa nhận được tin tức gì thêm. Z.62 cho biết ông Hoàng vừa đánh điện ra lệnh công tác cứ tiếp tục như thường.
- Nghĩa là phái đoàn lên máy bay không đợi Z.28 nữa.
Vũ Kính nhún vai, vẻ mặt buồn buồn:
- Tôi không biết. Nhiệm vụ của tôi là mang lệnh của ông Hoàng và Z.62 cho cô, thế thôi. Còn Z.28 về hay không, việc này ở ngoài phạm vi của tôi.
- Phiền anh đưa tôi đến gặp Z.62.
- Không thể được.
- Lạ nhỉ, tại sao anh lại giấu cả tôi.
- Tôi không dám giấu cô. Sở dĩ tôi không mang cô đi gặp Z.62 được vì lẽ giản dị tôi không biết Z.62 ở đâu, và Z.62 là ai nữa.
- Trời ơi!
- Sự thật là thế. Cô còn lạ gì, tôi là sĩ quan công an có thể bị địch lột mặt nạ bất cứ lúc nào, Z.62 không muốn tôi biết nhiều sợ có hại cho tôi, nếu chẳng may tôi bị lộ.
- Anh tiếp xúc với Z.62 bằng cách nào?
- Qua trung gian.
- Anh có điện đài liên lạc thẳng với Sàigòn không?
- Không. Z.62 phụ trách việc này.
- Anh có cách nào liên lạc với Z.62 ngay bây giờ không?
- Không.
- Liên lạc khẩn cấp?
- Trong trường hợp liên lạc khẩn cấp, phải 24 giờ sau tôi mới gặp được nhân viên trung gian.
Quỳnh Ngọc đứng dậy, vẻ mặt sầu muộn:
- Z.62 còn dặn anh điều gì nữa không?
- Dặn nói lại với cô rằng Tổ Chức đang tìm cách cứu Văn Bình.
- Mấy giờ người của mình tới?
- Lát nữa tôi mới biết.
Quỳnh Ngọc mở ngăn kéo, lôi ra một con dao sáng quắc. Nàng liếc cái lưỡi vào gan bàn tay. Trong cơn lo âu giận dữ, nàng đẹp lên một cách dị thường. Vũ Kính đứng yên nhìn nàng. Một lát sau, nàng nói:
- Dầu biết là vi phạm kỷ luật, tôi cũng đi cứu Z.28. Tôi không thể nào để anh ấy chết một mình. Cứu được Z.28, tôi mới chịu về Vọng-các, nếu không tôi sẽ ở lại.
- Chị phải nghĩ đến nhiệm vụ, đến Tổ Chức. Chị quên mất lời thề long trọng khi gia nhập rồi ư?
Nghe Vũ Kính nhắc lại lời thề "trung thành với Tổ Chức, để phục vụ quyền lợi tối cao của tổ quốc, sẵn sàng hy sinh hết quyền lợi riêng", Quỳnh Ngọc xao xuyến cõi lòng. Một giọt lệ long lanh trong khoé mắt nàng. Nàng khóc.
Quỳnh Ngọc, nữ nhân viên ban Biệt Vụ của sở gián điệp Việt Nam, nữ xạ thủ hữu danh, nữ võ sĩ nhu đạo đai đen, đã khóc. Nàng khóc vì tình. Nàng khóc vì trót nặng lòng với Văn Bình, người con trai lạ lùng có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với phụ nữ.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trong khi Quỳnh Ngọc ngồi tư lự ở Hàng Mành, Văn Bình được đưa ra xe bít bùng, giải đến một tòa nhà rộng lớn gần Hồ Tây.
Chiếc xe sơn đen vượt qua hàng rào binh sĩ cầm súng lưỡi lê tuốt trần đứng gác.
Trời đã tối hẳn. Giữa hai công an viên mặc đồng phục, Văn Bình được điệu vào một căn phòng lớn trên lầu.
Căn phòng quét vôi trắng, trống trơn, ngoại trừ tấm chân dung đồ sộ của Hồ Chí Minh trên tường. Dưới bức ảnh lồng khung sơn son thếp vàng là một cái bục dài trên đặt cái bàn chữ nhật. Bên dưới, đối diện cái bục là nhiều dãy ghế gỗ.
Đèn điện sáng trưng.
Trong khoảnh khắc, Văn Bình thấy xe hơi đậu lố nhố ngoài sân, binh sĩ hô nghiêm dõng dạc và lách cách bồng súng chào, rồi nhiều người lặng lẽ vào phòng ngồi trên ghế, vào chỗ đã định sẵn. Mọi cánh cửa đều đóng chặt, ngoại trừ hai cửa ra vào có lính gác.
Một lát sau, thiếu tá Bôrin bị giải tới, tay bị còng. Hắn được đẩy xuống ghế cạnh Văn Bình. Phan Mỹ và đại tá Kamốp tới sau, nét mặt đăm chiêu, mỗi người ngồi yên một góc.
Bỗng một tiếng hô "nghiêm". Mọi người trong phòng đứng thẳng dậy.
Phiên tòa bắt đầu.
Bốn người đàn ông đứng tuổi xuất hiện từ một cánh cửa hông, khoan thai trèo lên bục, ngồi nghiêm chỉnh sau bàn chữ nhật. Người ngồi giữa trạc năm mươi, mặt răn reo đầy vết thẹo, đeo kính cận thị gọng vàng, mặc áo cổ đứng bằng hàng kaki ngoại hóa, đứng dậy, giọng long trọng:
- Nhân danh Trung Ương đảng bộ đảng Lao Động, tôi long trọng khai mạc phiên tòa đặc biệt này. Phiên tòa đặc biệt này được triệu tập do quyết nghị của ban Thường Vụ trung ương, nhóm họp khẩn cấp vào hồi ba giờ chiều nay.
Đúng ra, đây không phải là một phiên tòa, cũng không phải là một vụ xử đúng nghĩa của nó mà chỉ là một phiên nhóm đặc biệt để cứu xét một lời khiếu nại nghiêm trọng của đảng viên Phan Mỹ phụ trách tình báo tại bộ Ngoại Giao.
Như các đồng chí đã biết, thiếu tướng Hôlếp, tùy viên quân sự trong tòa đại sứ liên bang Sô Viết ở Hà Nội, đã bị kẻ gian ám sát bằng súng tiểu liên trưa nay tại đường Hàng Lọng. Ngay sau khi án mạng xảy ra, tòa đại sứ Liên Sô, qua sự đại diện của đại tá Kamốp, trưởng phái bộ tình báo Smerch tại nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã gởi một kháng thư khẩn cấp lên chính phủ và Trung Ương Đảng. Vì tính cách tối mật và tối khẩn của nội vụ. Trung Ương Đảng và Hội Đồng chính phủ đã nhóm họp lập tức và cũng lý do kể trên này không thể đem ra thảo luận công khai. Kháng thư của sứ quán Liên Sô cho biết đồng chí Phan Mỹ đã chủ mưu trong việc ám sát thiếu tướng Hôlếp.
Đồng chí Phan Mỹ đã gởi một bức thư trần tình lên ban Thường Vụ Trung Ương, bác bỏ lời buộc tội của đại tá Kamốp. Phiên nhóm hôm nay được triệu tập để xét xem ai phải, ai trái, và sau đó sẽ đúc thành một bản kết luận đệ lên Trung Ương, hầu quyết định biện pháp trừng phạt. Bây giờ, tôi nhường lời cho đại tá Kamốp.
Viên chánh thẩm cất tiếng:
- Đồng chí Kamốp.
Kamốp mặc quân phục đại tá Hồng Quân bước ra. Chánh thẩm nói:
- Yêu cầu đồng chí trình bày tự sự cho Tòa biết.
Kamốp nói bằng tiếng Nga. Giọng hắn dõng dạc và lanh lãnh như tiếng chuông
- Thưa các đồng chí đại diện cho Trung Ương, thưa toàn thể các đồng chí có mặt ở đây hôm nay. Sở dĩ tòa đại sứ Liên Sô gởi kháng thư là vì đã nắm được chứng cớ cụ thể Phan Mỹ toa rập với địch, làm ly gián hàng ngũ, làm gián điệp cho đế quốc và âm mưu hạ sát thiếu tướng Hôlếp.
Tôi xin lưu ý phiên tòa về tính tình xảo quyệt của Phan Mỹ. Hắn dám ngang nhiên bắt cóc thiếu tá Anáttát Bôrin, sĩ quan Smerch, và giải ra tòa, tay bị còng, như một tên phạm nhân. Lát nữa, tôi biết rõ hắn sẽ tìm cách ngậm huyết phun người, song tôi tin là quý tòa có đủ sáng suốt để vạch trần thủ đoạn đê tiện của Phan Mỹ.
Thứ nhất, Phan Mỹ đã tư thông với tình báo đế quốc. Vừa làm trưởng ban tình báo tại bộ Ngoại Giao, vừa làm cho C.I.A.. Phan Mỹ quả là một tên đại gian ác, đáng bị tử hình.
Nói đoạn, Kamốp mở cặp, lấy ra hai tập tài liệu. Đó là bản in hai hồ sơ Văn Bình lấy trộm được trong văn phòng của Phan Mỹ, về vị trí các giàn tên lửa SAM II và những khuyết điểm trong nền tình báo Sô Viết tại Bắc Việt.
Cử tọa rì rào. Viên chánh thẩm đập búa gỗ xuống bàn:
- Yêu cầu tuyệt đối im lặng.
Nhìn Kamốp trình Tòa hai tập tài liệu. Phan Mỹ hơi tái mặt song chỉ một giây đồng hồ sau, hắn đã lấy lại bình tĩnh.
Kamốp nói thật chậm, cốt gây xúc động trong cử tọa:
- Tôi xin nói rõ là các tài liệu này do phủ Thủ Tướng chuyển tới cho tôi, nhờ điều tra. Trên tài liệu được ghi rõ xuất xứ: Phòng Nghiên Cứu, bộ Ngoại Giao. Theo tin của phủ Thủ Tướng, tài liệu này đã được Phan Mỹ bán cho C.I.A., và nhân viên nhị trùng của phe xã hội chủ nghĩa đã tìm cách chụp lại, gởi về Hà Nội. Nếu cần tôi sẽ trình thêm một số bằng chứng khác về việc Phan Mỹ làm gián điệp cho đế quốc.
Đó là tội thứ nhất. Thứ hai là tội phá hoại cơ quan Smerch, bằng cách giết 8 nhân viên dưới quyền tôi và bố trí vụ ám sát thiếu tướng Hôlếp của tòa đại sứ Liên Sô.
Viên chánh thẩm quay sang phía Phan Mỹ:
- Đồng chí được Tòa cho phép bào chữa.
Phan Mỹ đảo mắt nhìn Tòa, rồi nói, giọng từ tốn:
- Thưa các đồng chí, tôi rất buồn khi phải ra đây hôm nay, tôi càng buồn hơn nữa khi được nghe một kẻ phá hoại, phản bội phe xã hội chủ nghĩa lên mặt thầy đời. Kẻ đốn mạt ấy là Kamốp. Những tài liệu hắn vừa trình trước Tòa hoàn toàn là tài liệu giả tạo. Hắn bịa ra để hạ tôi cho dễ.
Hắn sợ tôi còn sống sẽ phanh phui tội ác của hắn với nhân dân Liên Sô, nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Nếu hắn nắm được hồ sơ là tôi liên lạc với địch, sao hắn không mang tôi ra Tòa lại bí mật sai người ám sát tôi. Tôi xin đưa ra một nhân chứng. Người này là nhân viên thân cận của đại tá Kamốp. Thiếu tá Bôrin.
Viên chánh thẩm đằng hắng rồi gọi:
- Thiếu tá Anáttát Bôrin.
Bôrin khựng người đứng dậy, lên ghế nhân chứng. Viên chánh thẩm nói:
- Nhân danh đại diện Trung Ương đảng Lao Động, tôi yêu cầu thiếu tá khai sự thật, không được giấu diếm một chi tiết nào, dẫu là cỏn con.
- Tôi xin khai sự thật.
- Thiếu tá là cộng sự viên của Kamốp phải không?
- Phải. Tuy nhiên, tôi bị đau sau chuyến công tác ở Mỹ nên được nghỉ phép.
- Phan Mỹ nói rằng thiếu tá vâng lệnh Kamốp lẻn vào bộ Ngoại Giao tìm cách ám sát phải không?
Kamốp phản đối:
- Phan Mỹ nói láo.
Viên chánh thẩm gắt:
- Tòa không hỏi đồng chí. Yêu cầu toàn thể giữ trật tự.
Rồi quay sang hỏi Bôrin:
- Thiếu tá thuật lại cho Tòa nghe.
- Thưa, tôi nhìn nhận lọt vào bộ Ngoại Giao hôm nay, vào tận phòng Phan Mỹ.
- Để bắn hạ Phan Mỹ.
- Vâng.
- Tại sao lại bắn một nhân vật cao cấp?
Bôrin lặng thinh. Không khí trong phòng bỗng khó thở. Mọi người đều nhìn miệng Bôrin.
- Kamốp ra lệnh cho thiếu tá thủ tiêu Phan Mỹ phải không?
Đột nhiên Bôrin phá lên cười như điên. Viên chánh thẩm quắc mắt:
- Mưu giết một nhân vật cao cấp có thể bị tử hình. Thiếu tá thích chết hay sao mà cười?
Bôrin đáp:
- Vâng, tôi thèm chết lắm.
- Thèm chết. Thiếu tá điên ư?
- Tôi không điên chút nào. Tôi vẫn tỉnh táo như đồng chí. Mọi người đều lầm, cả Tòa cũng lầm.
- Thiếu tá không được hàm hồ.
- Vậy đồng chí cũng không được dọa tôi. Tôi là công dân Sô Viết, chỉ có tòa án Sô Viết được quyền kết tội tôi.
- Đây không phải tòa án tư pháp, mà là Tòa án của Đảng. Tòa đại sứ Liên Sô đã chấp thuận cho phiên Tòa này được triệu tập. Tôi yêu cầu lần nữa thiếu tá phải trả lời nghiêm chỉnh.
- Tòa muốn tôi khai những gì?
- Khai tại sao thiếu tá mưu giết Phan Mỹ?
Bôrin lại cười ha hả. Toàn thể cử tọa đều ngạc nhiên. Cười chán, Bôrin òa lên khóc. Trong phòng hoàn toàn im lặng. Lát sau, Bôrin thở dài:
- Tôi thành thật xin lỗi các đồng chí. Tôi muốn cười lớn để vơi bớt đau khổ, song chỉ có thể cười ra nước mắt mà thôi. Phải, tôi nhìn nhận mưu giết Phan Mỹ, nhưng vụ này không liên quan đến đại tá Kamốp, đến đảng, hoặc đến ai hết. Vụ này chỉ liên quan đến vợ tôi.
- Vợ đồng chí?
- Phải, liên quan đến Vương Lệ, vợ tôi. Tôi mưu giết Phan Mỹ vì hắn ngoại tình với vợ tôi.
Lời nói của Bôrin như gáo nước lạnh dội xuống cử tọa. Viên chánh thẩm trợn tròn mắt trong sự kinh ngạc. Phan Mỹ phản đối:
- Thưa, Bôrin nói láo.
Bôrin lồng lên:
- Mày là kẻ lòng lang, dạ thú. Mày đã đoạt vợ tao mà không dám thú nhận. Tao sẽ băm vằm mày ra hàng trăm mảnh.
Viên chánh thẩm đập xuống bàn ra lệnh im. Bôrin ngồi ghế, mặt buồn rười rượi. Viên chánh thẩm gọi to:
- Nhân chứng Vương Lệ.
Nghe gọi tên vợ, Bôrin giật mình. Văn Bình cũng giật mình, Vương Lệ có mặt trong phòng khi nào mà chàng không biết. Nàng mặc bộ áo đầm may chật, lộ cái mông no tròn và bộ ngực nẩy nở khiến cử tọa xì xào.
Viên chánh thẩm hỏi:
- Đồng chí có xác nhận lời nói của Bôrin là đúng không?
Vương Lệ nghẹn ngào:
- Thưa, Bôrin đã mất trí sau cuộc công tác ở Hoa Kỳ. Bôrin ghen với tất cả mọi người, và trong nhiều vụ cãi lộn, tôi đã yêu cầu được ly hôn.
- Tôi chỉ cần biết Bôrin nói sai hay đúng.
- Thưa sai. Tôi không phạm tội ngoại tình.
Bôrin lại lồng lên. Nếu không bị hai người lính giữ lại, hắn đã hành hung vợ. Vương Lệ quay lại, nhìn hắn bằng cặp mắt khinh bỉ. Viên chánh thẩm xua tay:
- Cám ơn đồng chí.
Trên ghế bị cáo, Phan Mỹ nở nụ cười đắc thắng. Kamốp ngồi im, mặt đỏ vì tức giận. Tòa lại gọi:
- Hung thủ đâu?
Hung thủ là Văn Bình. Tay bị còng, chàng được dẫn tới đối diện quan tòa.
- Tên anh là gì?
- Nguyễn văn Lập.
- Bao nhiêu tuổi?
- 34.
- Ngày sinh, tháng đẻ?
- Ngày 3 tháng 9 năm….
- Cha mẹ?
- Mất.
Viên chánh thẩm gắt:
- Trước Tòa, anh phải giữ lễ độ.
- Vâng.
- Anh làm việc ở đâu?
- Với Smerch.
Kamốp chồm dậy:
- Hắn không phải là nhân viên của tôi.
Viên chánh thẩm lại đập bàn:
- Nếu đại tá còn ngắt lời, bắt buộc tôi sẽ mời ra ngoài.
Kamốp ngồi phịch xuống, mặt cau có:
- Anh có giấy tờ gì chứng tỏ là nhân viên Smerch?
- Phan Mỹ đã tịch thu chứng minh thư của tôi.
Viên chánh thẩm lục hồ sơ, lấy ra một tấm thẻ lát-tích. Kamốp lại phản đối:
- Thưa, đó là chứng minh thư giả.
Không thèm để ý đến Kamốp, viên chánh thẩm hỏi Văn Bình:
- Tại sao anh ám sát thiếu tướng Hôlếp?
- Kamốp ra lệnh cho tôi.
Kamốp xô cái ghế ngã lăn ra đất, giọng dữ dằn:
- Đây là một vụ dàn xếp bẩn thỉu. Tôi sẽ phản đối với đại sứ quán Liên Sô.
Viên chánh thẩm gằn giọng:
- Mời đại tá ra ngoài mà phản đối.
Hai quân cảnh đưa Kamốp ra ngoài. Trong phòng ai nấy đều nín thở.
- Kamốp ra lệnh ra sao?
- Dặn tôi mai phục ở Hàng Lọng bắn xả vào xe của Hôlếp, rồi tẩu thoát. Không may tôi lại bị bắt.
- Kamốp còn dặn gì nữa?
- Dặn nếu bị bắt thì đừng khai cho Smerch, mà đổ tội cho Phan Mỹ.
- Anh có biết ám sát một nhân vật cao cấp như tướng Hôlếp thì sẽ bị tội gì không?
- Kamốp cam kết sẽ bảo vệ cho tôi bằng cách đưa tôi về giam trong nhà lao của Smerch rồi bố trí vượt ngục, đưa tôi qua Liên Sô.
Viên chánh thẩm "hừ" một tiếng. Phan Mỹ cười tươi như hoa nở. Văn Bình giả vờ giọng nói run run, da mặt tái xanh. Viên chánh thẩm ra lệnh:
- Đồng chí Phan Mỹ. Tòa giao hung thủ Nguyễn văn Lập cho đồng chí giam giữ, và lập hồ sơ đưa ra tòa án. Phiên nhóm đến đây là hết, tòa sẽ tường trình tức khắc lên ban thường vụ trung ương. Kết luận của phiên tòa là đồng chí Phan Mỹ vô tội, người gây ra mọi việc là đại tá Kamốp. Số phận Kamốp sẽ do chính phủ Liên Sô định đoạt chiếu theo đề nghị của Trung Ương đảng Lao Động và Hội Đồng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Mọi người răm rắp đứng dậy chào. Phan Mỹ đã đứng kề bên Văn Bình. Hai nhân viên áp giải Văn Bình ra xe bít bùng. Trước khi lên xe về khám, Văn Bình nhận thấy luồng mắt thiết tha của Vương Lệ.
Bóng đêm bao phủ thành phố Hà Nội.
o O o
Khóa cửa sắt rỏn rẻn, Văn Bình bị đẩy vào sà lim và cửa sắt nặng nề đóng lại.
Đàn muỗi đói bay lên vù vù trong bầu không khí nghẹt thở toàn mùi mốc meo và xú uế. Phan Mỹ ngồi xuống bục xi-măng dùng làm giường, trên có miếng chiếu rách, rút thuốc lá mời chàng. Văn Bình xua tay:
- Cám ơn anh. Bao giờ tôi được tự do?
Phan Mỹ cười vui vẻ:
- Tôi cám ơn anh mới đúng. Anh đóng trò khéo quá. Nội đêm nay, tôi sẽ bố trí cho anh trốn khỏi khám. Lát nữa, tôi đích thân mang họa đồ khám đường cho anh đúng giờ đã định, anh được tháo cũi sổ lồng.
- Yêu cầu anh cho tôi một khẩu súng.
- Đồng ý. Anh bị giam dưới hầm, chỉ có một lối lên duy nhất. Từ sà lim ra cầu thang lên trên, có ba vọng gác cá nhân. Anh sẽ triệt hạ ba nhân viên của tôi, trèo lên ga-ra, lái xe ra đường. Tôi sẽ cho anh biết khẩu hiệu.
- Tôi được phép giết người không?
- Dĩ nhiên. Nếu không có án mạng, người ta sẽ nghi ngờ tôi. Vả lại, đêm nay tôi sẽ kiếm cớ di vắng. Thôi, tôi lên đây, anh ráng đợi một lát.
Văn Bình nghe tiếng giầy của kẻ thù nhẹ dần, nhẹ dần, ngoài hành lang xi-măng. Sà lim của chàng là một căn phòng đúc bê-tông, ngang dài bằng nhau hai thước, trần ba thước, phía trước là chấn song sắt. Có lẽ chàng là tù nhân duy nhứt bị giam dưới hầm kiên cố này, vì chàng không nghe tiếng người. Tứ phía vắng lặng, thậm chí nghe được tiếng muỗi bay vo vo, thậm chí nghe cả tiếng động do con thiêu thân đâm vào ngọn đèn nê-ông ngoài hành lang gây ra.
Phan Mỹ hứa sẽ thả chàng. Thật ra, chàng đã giúp Phan Mỹ đắc lực bằng cách nhận là nhân viên Smerch, đổ mọi tội lên đầu đại tá Kamốp. Song chàng không bao giờ tin Phan Mỹ giữ đúng lời cam kết. Sở dĩ chàng đứng về phe hắn, vì chàng muốn kéo dài thời giờ. Kamốp bị loại, ông Hoàng bớt được một đối thủ nguy hiểm. Phan Mỹ không thể giết chàng trong lúc này vì Trung Ương Đảng, nhất là sứ quán Sô Viết sẽ ngờ vực hắn. Hắn cũng không thể cho chàng sống lâu, vì nếu lời khai của chàng được duyệt lại, người ta sẽ khám phá ra chàng nói láo.
Lối thoát độc nhất cho Phan Mỹ là bố trí cho chàng bỏ trốn rồi tìm cách hạ sát.
Tuy vậy, chàng cũng bỏ trốn. Đêm nay, phái đoàn kiều bào sẽ lên đường về Vọng-các, Quỳnh Ngọc không thể hành động một mình. Chàng vững tin ở số mạng. Nếu vận chàng đã hết, chàng không tránh khỏi. Còn nếu chàng chưa đến số chết, Phan Mỹ chưa có thể hại chàng.
Là người trong giang hồ, không tin gì hết, ngoài khối óc và võ thuật của mình, Văn Bình lại tin tướng số. Trong những ngày lênh đênh ở Trung Hoa, chàng đã học tử vi. Ông Hoàng, tổng giám đốc sở Mật Vụ, cũng là tay diệu toán về tử vi. Nếu ông Hoàng bỏ nghề tình báo, về mở cửa hàng đẩu số, chắc chắn sẽ kiếm được hàng triệu. Hồi đầu năm, ông Hoàng đã chấm lại số cho chàng và tiên đoán chàng còn gặp may.
Chàng thở dài lẩm bẩm:
- Biết đâu!
Biết đâu đêm nay chẳng là đêm cuối cùng trong đời chàng, đêm cuối cùng của tử tội. Đêm cuối cùng của thiếu tá Bôrin trong khu tử tội Sing Sing, hắn còn nuôi hy vọng thoát thân. Còn chàng, chàng không hy vọng ông Hoàng điều đình với chính quyền Hà Nội. Trên giấy tờ, Sở Mật Vụ của ông Hoàng không hề có. Vả lại, nhà đương cuộc Bắc Việt sẽ từ chối nếu ông Hoàng thương thuyết, vì họ chẳng dại gì thả hổ về rừng lần nữa . Bắt được chàng, họ phải giết chàng…
Chàng chợt nhớ ra cái răng vàng trong miệng….
Trước giờ chàng lên đường, ông Hoàng đã sai gắn vào răng hàm của chàng một cái A-16.
A-16 là loại máy phát tín hiệu tối tân nhất của Sở Mật Vụ. Chàng cắn mạnh vào răng là máy chạy. Một dụng cụ thu thanh riêng đặt trong đường kính ba cây số sẽ bắt được bịp bịp do nó phát ra, và nhờ phép trắc giác, người ta sẽ phăng ra chỗ chàng bị giam.
Song, người ta là ai?
Là Nguyệt Thanh? Bà Huyền Hoa? Quỳnh Ngọc? Thiếu tá Vũ Kính? Hay một nhân viên bí mật nào khác? Ông Hoàng không cho chàng biết.
Văn Bình cho tay vào miệng: cái răng phát tuyến vẫn nằm ở chỗ cũ. Chàng bấm vào cái nút nhỏ, đẩy cái vỏ bằng vàng nhô lên, rồi cắn thật mạnh. Chàng nghe một tiếng động nhỏ, rồi miệng chàng tê đi, như bị truyền điện nhẹ. Một phút sau, cảm giác tê tê bị biến mất. Máy A-16 bắt đầu hoạt động.
o O o
Quỳnh Ngọc lắng tai nghe động tĩnh.
Nhân viên phái đoàn được phép tự do ra phố để mua sắm trước khi ra trường bay. Ngôi nhà rộng rãi chìm trong bầu không khí im lặng. Thiếu tá Vũ Kính cũng đi đâu từ nãy. Phạm Bài, trưởng phái đoàn, rủ nàng đi dạo, song nàng từ chối. Nàng muốn được ngồi một mình trong phòng để tưởng tới Văn Bình.
Chợt nàng nghe tiếng chân người nhè nhẹ dừng trước cửa phòng.
Rồi tiếng gõ cửa, cũng nhè nhẹ.
Lấy tờ báo Nhân Dân phủ kín con dao sắc như nước, để trên bàn trong tầm tay, Quỳnh Ngọc ra mở cửa phòng.
Nàng vô cùng ngạc nhiên khi thấy khách lạ là một thiếu nữ đẹp tới mức độ khác thường.
Từ nhiều năm nay, Quỳnh Ngọc vẫn tự hào chỉ có nàng là có nhan sắc khuynh quốc, khuynh thành. Nàng tự hào chỉ có nàng là đủ ma lực quyến rũ những người đàn ông có trái tim bằng thép. Thật ra, nàng rất đẹp.
Sắc đẹp của nàng đã làm nam giới ở Vọng-các xiểng liểng. Nàng nhoẻn miệng cười, đại tá Arun của Sở Phản Gián Thái đã vội vàng quỳ xuống chân, dâng hiến nàng tất cả những bí mật tày trời. Môrít đã ví nàng với hậu thân của Tây Thi và Dương quý phi tổng hợp với bộ ngực nguyên tử của diễn viên màn ảnh thượng thặng Hoa-lệ-ước.
Đứng trước Nguyệt Thanh, Quỳnh Ngọc lạnh người.
Vì thiếu nữ là Nguyệt Thanh, con gái của bà Huyền Hoa, chỉ huy phân sở ở miền Bắc.
Mặt Nguyệt Thanh tỏa ra một sức hấp dẫn dị kỳ: hấp dẫn vì đôi mắt đen láy luôn luôn mở rộng, hấp dẫn vì cặp lông mày thạnh tú, hấp dẫn nhiều nhất vì cái miệng vừa vặn, với hàm răng đều đặn trắng muốt, và làn môi trái tim, hơi cong, và hơi dầy, lại hơi ướt và đỏ chót, hình như vừa hôn đàn ông xong và đòi hôn nữa.
Bộ ngực tròn trịa của Nguyệt Thanh tố cáo nàng còn con gái. Nàng hơn Quỳnh Ngọc ở chỗ có nhan sắc già dặn, song vẫn còn lại hương vị thanh tân của người xử nữ, chưa hề chăn gối với đàn ông.
Quỳnh Ngọc ngây người ngắm nàng, quên cả trao đổi khẩu hiệu. Nguyệt Thanh cũng đứng sững một giây đồng hồ. Niềm hãnh diện đệ nhất hoa khôi của nàng tan dần, tan dần... Lần đầu nàng đã gặp một người đàn bà không đến nỗi thua kém nàng...
Nguyệt Thanh nói trước:
- Chào chị. Có phải chị là Phong Liên không?
Quỳnh Ngọc đáp:
- Không, tôi là Thái Chân.
Đó là mật hiệu liên lạc. Lúc rời Vọng các nàng được Mồrít dặn học thuộc mật hiệu này, báo hiệu người đến gặp là nhân viên quan trọng của ông Hoàng ở Hà nội.
Quỳnh Ngọc nói:
- Em chờ chị đã lâu.
Nguyệt Thanh đưa một ngón tay lên môi:
- Gấp lắm. Mời chị theo em.
Hai người đàn bà đẹp sánh vai nhau xuống nhà dưới. Hai người công an trố mắt nhìn bộ ngực của mỹ nhân, quên không hỏi Quỳnh Ngọc đi đâu.
Ra đên đường, Quỳnh Ngọc hỏi hạn:
- Chị vào tận đây, đưa em ra không sợ lộ à?
Nguyệt Thanh cười:
- Mục đích của em là cốt cho địch biết.
- Cốt cho địch biết?
- Vâng. Để địch phái người đi theo.
- Trời ơi.
- Nếu không, chúng ta sẽ không thể cứu Văn Bình được. Đêm nay, chắc chắn anh ấy bị giết.
- Văn Bình bị giam ở đâu?
- Em chưa biết. Vì thế, em phải dùng chị làm cái mồi.
- Bây giờ chung ta đi đâu?
- Đen trụ sở gặp mẹ em.
- Xin lổi, bà cụ là ai?
- Em quên khuấy đi mất. Mẹ em là Z.62.
- Z. 62 là một bà già.
Nguyệt Thanh cười:
- Không riêng gì chị, Văn Bình cũng sửng sốt khi gặp mẹ em. Anh ấy đinb ninh Z. 62 phải là một người đàn ông lưng heo, hàm én, cân nặng một tạ, nhu đạo đệ thất đẳng, có thể giết người trong trăm thước như lấy đồ trong túi.
Nguyệt Thanh mời nàng lên một chiếc Citroen cũ kỹ. Quỳnh Ngọc hỏi:
- Sao chị không cho Vũ Kính biết?
- Mẹ em dặn không nên cho anh ấy biết sợ lộ. Em bị lộ rồi, em nên ra mặt là hơn.
- Chị đã nhìn thấy địch núp ở đâu chưa?
- Chúng gác nhan nhản ở bên ngoài. Sở dĩ Văn Bình bị bắt vì địch đặt người ngoài đường và đi theo.
Nguyệt Thanh lái băng băng trên đường đầy xe đạp và xe bò chở nặng hàng hóa. Tuy lái xe giỏi, Quỳnh Ngọc phải thầm phục tài lái xe của cô bạn gái mới quen.
Thốt nhiên, Nguyệt Thanh la lên:
- Có xe chạy sau.
Quỳnh Ngọc ngồi nghiêng sang bên, nhìn lại đằng sau. Tuy xe sau tắt hết đèn, nàng cũng nhận ra. Nguyệt Thanh lái vào một con đường vắng vẻ và tối om. Quả nhiên, chiếc xe lúc nãy cũng quẹo theo. Nguyệt Thanh mỉm cười, bảo bạn:
- Nhiệm vụ của em đã thành công phần đầu.
- Còn phần sau?
- Em chưa biết. Còn tùy theo thái độ của địch.
- Chúng ta về đâu?
- Về chợ Hôm chờ địch tới.
Nguyệt Thanh đáp lại bằng giọng bình thản như nói đùa. Quen với Thần Chết, Quỳnh Ngọc cũng rợn người.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Canh bạc ở Hà Nội đã đến hồi "tháu cáy", nên bà Huyền Hoa quyết định thi hành kế hoạch táo bạo của ông Hoàng.
Ông tổng giám đốc đang lập tổng hành doanh trên tàu ngầm bí mật ngoài khơi.
Bức điện đánh cho ông Hoàng báo tin Văn Bình bị bắt, và đưa ra "tòa án", vừa được chuyển đi, 5 phút sau đã có hồi âm. Ông Hoàng ra lệnh dốc toàn lực đánh ván bài "tháu cáy".
Bà Hoa đã gặp Vương Lệ và trò chuyện khá lâu với nàng. Nàng yên lặng ngồi nghe, đoạn lại đàn dương cầm dạo một bản nhạc cổ điển. Bà Hoa nghe nàng tấu nhạc, không thốt một tiếng. Một lát sau, Vương Lệ ngừng tay, ôm mặt khóc rưng rức.
Bà Hoa vuốt tóc nàng:
- Tôi biết là việc này rất khó khăn. Tính mạng của người đàn ông quen cô, và tính mạng của nhiều người khác hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của cô.
Vương Lệ ngẩng đầu nhìn bà Hoa, giọng đẫm nước mắt:
- Thưa bà, tôi xin nhận lời.
Bà Hoa lái xe ra khỏi biệt thự của Vương Lệ, vòng đường chợ Hôm lên nhà pha Hỏa Lò, rồi rẽ sang đường Hàng Bông Thợ Ruộm. Đến trước tòa nhà đồ sộ dùng làm trụ sở của Phản Gián Smerch, bà đậu lại.
Một tên lính Nga đeo tiểu liên chạy ra, giọng hách dịch:
- Bà hỏi ai?
Bà Hoa đáp:
- Tôi có hẹn với đại tá Kamốp.
Bà Hoa được mời vào liền. Lần đầu tiên vào Smerch, nghĩa là vào giữa hang hùm với hai bàn tay không, bà Hoa không để lộ trên mặt một nét lo âu hoặc sửng sốt nào.
Kamốp ngồi sau bàn, thấy bà Hoa vào không thèm đứng dậy, cũng như không thèm mời khách ngồi. Hắn nhìn tận mắt bà, giọng gay gắt:
- Có phải bà vừa gọi điện thoại cho tôi phải không? Bà có biết tới đây là ký tên vào bản án tử hình không?
Thiếu phụ cười khinh miệt:
- Tôi không ngờ một yếu nhân tình báo Sô Viết lại tuyên bố một cách khờ khạo như thế. Khi gọi điện thoại cho ông, tôi đã nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra.
- Bà muốn nói chuyện gì với tôi?
- Ở nước tôi, đàn bà thường được trọng vọng. Ít ai để đàn bà đứng giữa phòng mà không mời ngồi. Tôi du lịch đã nhiều, được nghe đàn ông Nga rất lịch thiệp đối với phái yếu. Tôi đã lầm.
Kamốp tái mặt. Hắn định bấm chuông, gọi vệ sĩ vào, tống thiếu phụ xuống xà-lim, nhưng chợt nghĩ đến nội dung những lời úp mở hồi nãy trong điện thoại, hắn vội dằn cơn giận.
Hắn đứng dậy, đổi vẻ tươi cười:
- Xin lỗi bà, tôi bận quá nhiều việc nên tính tình thay đổi luôn. Mời bà ngồi xuống ghế rồi ta nói chuyện.
Bà Hoa nói:
- Tôi hiểu rõ nên không giận ông. Mục đích tôi đến đây là thương thuyết với ông.
- Bà là ai?
- Ông chóng quên quá. Tôi là bà Huyền Hoa, tức Z.62, chỉ huy phân sở của ông Hoàng ở Hà Nội.
- Bà nói láo. Tôi chưa hề nghe nói đến bà. Theo tin tức của tôi, Z.62 là đàn ông. Vả lại, dầu bà là Z.62 đi nữa, một nhân vật điều khiển không dại gì mang thân vào miệng địch.
- Ông tin hay không tùy ý. Chả lẽ tôi phải trình chứng minh thư cho ông. Thật ra, tôi chỉ huy một Tổ Chức bí mật nên trong người không có chứng minh thư như ông, chỉ huy Smerch. Ông nói đúng, yếu nhân tình báo như tôi không bao giờ mang thân vào miệng địch, song ông quên rằng tôi đến đây với tư cách đồng minh với ông.
- Đồng minh với tôi? Bà điên rồi. Thôi, tôi nể bà già nua, nên rộng lòng nhân đạo tha chết cho bà. Mời bà ra ngay, kẻo lát nữa tôi đổi ý kiến, ra lệnh cho thuộc viên giết bà.
Bà Hoa cười lớn:
- Cám ơn ông đã có lòng nhân đạo với tôi. Nhưng thưa ông, tôi không cần cái lòng nhân đạo ấy. Còn ông muốn giết tôi, ông cứ ra lệnh giết. Tôi già rồi, lại mang đầy bệnh trong người, được chết bằng súng đạn, nhất là súng đạn của địch, còn sướng hơn chết trên giường bệnh. Đại tá Kamốp ơi, tôi không điên, chính ông mới điên. Vì nếu ông không hợp tác với tôi, ông sẽ bị Phan Mỹ triệt hạ. Triệt hạ một cách nhục nhã.
Kamốp ngồi yên trong sự kinh ngạc. Giọng nói sang sảng của thiếu phụ làm hắn chột dạ.
Thiếu phụ đã có cặp mắt thông thiên nhìn thấu ruột gan hắn. Quả thật Kamốp đang ở vào tình thế gần như tuyệt vọng. Bản phúc trình của "phiên tòa" đặc biệt đã được nộp cho Trung Ương đảng Lao Động và sứ quán Liên Sô. Nếu hắn không tìm ra chứng cớ để lột mặt nạ Phan Mỹ, hắn sẽ bị chính phủ Sô Viết thanh trừng, mặc dầu trong thâm tâm không ưa gì Phan Mỹ, tay sai của Trung quốc, mặc dầu các cơ quan tình báo Sô Viết vẫn theo đuổi kế hoạch bóp nghẹt Phan Mỹ.
Nhìn sự thay đổi trên mặt Kamốp, bà Hoa nói tiếp:
- Tôi xin hỏi ông lần nữa. Ông muốn hợp tác với chúng tôi không? Chúng tôi sẽ giúp ông triệt hạ Phan Mỹ.
- Nếu bà giúp tôi giết hắn, bà đòi gì tôi cũng bằng lòng.
- Ồ, tưởng phải dùng mưu, chứ nếu dùng sức thì dễ. Nội đêm nay, tôi sẽ giúp ông tự tay giết Phan Mỹ.
- Bà đòi bao nhiêu tiền?
- Tiền ấy à? Tuy nghèo, chúng tôi không cần tiền. Chúng tôi chỉ yêu cầu ông phóng thích ngay ba người.
- Ba người nào?
- Ba nhân viên của tôi bị Smerch bắt tuần trước.
- Chúng tôi lấy khẩu cung chưa xong.
- Ông đừng hòng bắt họ khai. Nhân viên của tôi sẽ ngậm miệng cho đến chết.
- Tôi không thể tha được vì họ là người quan trọng.
- Trời ơi, ai lại dám đánh lừa giám đốc Smerch? Vả lại, sự hiện diện của tôi cạnh ông kể từ phút này đủ bảo đảm rồi.
- Bà sẽ đi với tôi?
- Vâng, tôi sẽ dẫn ông tới nơi phục kích giết Phan Mỹ.
- Bà coi chừng! Bà không phỉnh gạt được tôi đâu. Nếu bà vâng lệnh Phan Mỹ đến đánh lừa tôi thì mất mạng.
Bà Huyền Hoa cười:
- Ông đa nghi quá. Xin ông mang vệ sĩ theo.
Kamốp thọc tay vào túi quần:
- Được, tôi chấp thuận.
Kamốp ra trước. Đến phòng khách, bỗng hắn quay lại hỏi bà Hoa, giọng thân mật:
- Thú thật, trong đời tình báo của tôi từ đông sang tây, mấy chục năm nay, tôi chưa gặp người nào can đảm bằng bà. Tôi xin hỏi bà: nếu bị tôi bắt, bà sẽ tính sao?
- Ồ, ông tưởng tôi sẽ trả lời là nuốt độc dược tự vẫn chứ gì? Không đâu. Nuốt xy-a-nuya trong nửa phút là yên, song một yếu nhân tình báo như ông sẽ không khi nào chậm chạp để tôi có đủ thời giờ lấy độc dược xử dụng. Ông đã có đủ phương tiện khoa học để khám phá những nơi giấu độc dược trên người.
Tôi xin nói thẳng để ông biết rằng nếu bị bắt, tôi sẽ chịu tra tấn, chứ không uống xy-a-nuya.
Kamốp trợn mắt kinh ngạc:
- Tôi rất kính phục sự gan dạ của bà, song chúng tôi đã có hàng trăm mánh khoé tra tấn bắt người can đảm nhất phải hé miệng.
- Ông nói đúng. Tôi không dám khinh thường nghệ thuật thẩm vấn của ông. Tôi biết rõ không ai vào đây mà ngậm miệng được mãi. Nhưng, thưa ông, nhiều nhân viên của tôi đã bị bắt, bị tra tấn chết đi, sống lại hàng chục lần, tôi là cấp chỉ huy, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, tôi có bổn phận nếm trải sự đau đớn để có thể đánh giá được mực độ hy sinh của nhân viên dưới quyền. Vì thế, tôi sẵn sàng chịu tra tấn. Chịu tra tấn đến chết.
Đại tá Kamốp ơi, đại tá đùa mãi. Tôi chết thì đại tá cũng chết. Phan Mỹ sẽ không tha đại tá.
Kamốp lại nín thinh. Đến bậc tam cấp, hắn hỏi bà Hoa:
- Bà dẫn tôi đi đâu?
Bà Hoa đáp:
- Về trụ sở bí mật của tôi.
Nhận thấy Kamốp trù trừ, bà Hoa tiếp:
- Tại đó, tôi sẽ gọi điện thoại vô tuyến cho Phan Mỹ. Khi hắn tới, tôi sẽ giao hắn cho sự quyết định của đại tá.
Kamốp ngoắt một vệ sĩ. 4 nhân viên cao lớn, mặc đồng phục, đeo súng tiểu liên chạy ra xe. Bà Hoa lắc đầu:
- Ông làm thế này, Phan Mỹ biết mất. Vệ sĩ của ông nên mặc thường phục, và ông cũng không nên dùng công xa. Nếu tôi không lầm, nhân viên của Phan Mỹ đứng gác ở đầu đường Hàng Bông Thợ Ruộm.
Kamốp lầm lì trèo lên chiếc Citroen đen, mang bảng số giả. Hắn không tin thiếu phụ. Nhưng hắn phải đến tận nơi cho biết.
Kamốp ra lệnh cho tài xế:
- Lái sau xe của người đàn bà. Phải hết sức cẩn thận, nghe chưa?
Bóng đêm phủ đầy thành phố Hà Nội. Gió đông thổi vù vù.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Phan Mỹ giật mình như bị điện giật. Trong đời, ít khi hắn được chiêm ngưỡng những người đàn bà đẹp như thế này. Thật vậy, hai người đàn bà chụp trong ảnh có một nhan sắc phi thường, khiến hắn nhìn ngắm nửa giờ rồi không chán.
Đó là tấm ảnh chụp bằng phim hồng ngoại tuyến (2) , chụp qua màn tối, không cần đèn riêng. Trong ảnh, hai người đàn bà - đúng hơn, hai thiếu nữ, trạc 23, 24 - đang sánh vai đi với nhau trên đường.
Con yêu râu xanh họ Phạm đã thưởng thức hàng ngàn sắc đẹp khác nhau, thuộc mọi niên kỷ, và thuộc mọi màu da, song lần đầu tiên hắn được thấy hai mỹ nhân hơ hớ.
Cả hai đều có những nét đều đặn và gợi tình như nhau, kẻ nửa cân, người tám lạng. Mặt người nào cũng nặn hình trái xoan, miệng nhỏ, môi chúm chím như sắp ngửa ra nhận một cái hôn đắm đuối. Cái eo nhỏ một cách lạ lùng, và lạ lùng hơn là những đường tròn trên ngực, một bộ ngực căng cứng, như muốn đâm rách mắt đàn ông đa tình.
Phan Mỹ quay lại hỏi viên thư ký:
- Bây giờ họ ở đâu?
Viên thư ký đáp:
- Thưa, họ vào một ngôi nhà lớn, gần Chợ Hôm. Nhân viên của ta đang canh gác bí mật ở ngoài.
Phan Mỹ tiến lại máy ghi âm Akai đặt ở góc phòng. Một cuộn băng nhựa vừa được mắc vào. Viên thư ký nói:
- Thưa, đây là những lời báo cáo của mật viên AX.
Sự nhớ ra, Phan Mỹ nhoẻn miệng cười:
- À, thế thì công viêẹc sắp xong rồi. Chúng mình sửa soạn mở tiệc ăn mừng.
Viên thư ký trố mắt:
- Thưa, ta sắp triệt hạ được Kamốp?
Phan Mỹ múa tay:
- Còn quan trọng hơn nữa. Ta sắp phá tan được hệ thống do thám của lão Hoàng ở phía bắc vĩ tuyến 17.
Băng ghi âm bắt đầu chạy dè dè. Những tiếng khàn khàn nổi lên:
- Thưa AX xin báo cáo… Nhân viên công an đi xe díp đến đều bị hạ sát… Tôi đang theo Z.62 tới tổng hành doanh bí mật. Tới nơi, tôi sẽ gọi vô tuyến về ngay… Alô, AX…
Tiếng nói im bặt.
Viên thư ký nói:
- Thưa còn bản báo cáo thứ hai nữa. Vừa tới cách đây 90 phút. Trong khi ông đi vắng, tôi đã cho thi hành đúng chỉ thị.
Máy ghi âm lại vẳng ra giọng nói khàn khàn quen thuộc:
- Alô, AX xin kính cẩn báo cáo…. Hiện thời, tôi đang ở trong tổng hành doanh của Z.62 đặt trong biệt thự số 75 đường Thái Phiên… xin trân trọng nhắc lại, biệt thự số 75 đường Thái Phiên… Cửa ra vào bao giờ cũng khóa, chúng tôi vào bằng cửa hông, còn xe hơi đậu ở ngoài, cách một quãng xa, trên đường chợ Hôm….
Alô, trong nhà hiện có Z.62 tức bà Huyền Hoa và cô con gái duy nhất tên là Nguyệt Thanh…. Alô… Họ đang còn bàn chuyện với nhau trên lầu, tôi không nghe được vì cửa lim quá dầy, họ lại nói rất nhỏ…. Tuân theo mệnh lệnh, tôi không dáp áp tai vào lỗ khóa, sợ họ biết….
Alô… họ đang xuống dưới nhà. Xin phép được ngưng một lát, xin báo cáo tiếp.
Băng nhựa vẫn quay từ từ. Giọng nói im một phút rồi tiếp tục:
- Alô, AX xin báo cáo tiếp… Hai mẹ con bà Huyền Hoa dặn tôi coi nhà rồi mỗi người trèo lên xe hơi riêng, giấu trong ga-ra, phóng ra đường. Tôi không biết họ đi đâu. Trong biệt thự chỉ còn tôi với một tên vệ sĩ thân tín của bà Huyền Hoa. Thừa cơ hắn ngồi hút thuốc lá trong phòng khách, tôi lẻn xuống ga-ra báo cáo bắng walkie-talkie về trung ương.
Trân trọng xin trung ương cho chỉ thị mới.
Phan Mỹ hỏi viên thư ký:
- Anh đã ra chỉ thị mới cho hắn chưa?
Viên thư ký đáp:
- Thưa rồi. Tôi đã dặn hắn giữ thái độ tuyệt đối bình tĩnh, sau này sẽ trọng thưởng. Đồng thời, tôi còn ra lệnh cho hắn báo cáo đầy đủ chi tiết. Biệt thự ở đường Thái Phiên rất rộng. AX chỉ cần lánh vào một xó xỉnh nào đó, nói nhỏ vào máy vô tuyến là ta nghe được. Mụ Huyền Hoa không thể phăng ra.
- Nhân viên của ta đã đến đường Thái Phiên chưa?
- Thưa, họ đã bố trí xong từ lâu. Bản phúc trình mới nhất của toán theo dõi cho biết Nguyệt Thanh lái xe tới trạm chiêu đãi số 4 ở Hàng Mành. Nàng vào trong và lát sau trở ra cùng với một người đàn bà khác.
Theo chỗ chúng tôi biết, người đàn bà này là Thái Phượng, phó truởng đoàn Việt kiều vừa từ Vọng-các tới Hà Nội tham quan tuần trước, hiện ngụ tại trạm chiêu đãi số 4.
Chúng tôi đã chụp hình hai người và cho gởi phim hỏa tốc về. Xe của chúng tôi chạy sau rất xa, bọn họ không hề hay biết….
Phan Mỹ ra lệnh cho viên thư ký tắt máy ghi âm và cầm lấy tấm hình đặt trên bàn, mắt sáng lên một sự thèm muốn vô tả.
Viên thư ký chỉ tay vào ảnh, giải thích:
- Người thấp, gầy ở phía trái là Thái Phượng, còn người kia là Nguyệt Thanh, con gái bà Huyền Hoa…
- Ta có hồ sơ về họ không?
- Thưa, tôi đã cho lục rồi. Thư khố của ta không có hồ sơ nào về Thái Phượng. Còn về Nguyệt Thanh…
- Anh đưa cho tôi coi.
- Thưa, chẳng có gì quan trọng cả. Trong hồ sơ,tên nàng không phải là Nguyệt Thanh. Mà là tên Tàu. Ta chỉ biết lờ mờ nàng hát rất hay, đánh đàn cũng rất hay, thế thôi.
Phan Mỹ đứng yên giờ lâu.
Bỗng cửa phòng mở toang. Một cộng sự viên tất tả chạy vào, giọng run run:
- Thưa, có báo cáo gấp của toán B.
Phan Mỹ chạy sang phòng bên. Ba nhân viên đội mũ nghe, đang ngồi chăm chú trước máy liên lạc vô tuyến. Một người đứng dậy chuyển mũ nghe cho Phan Mỹ.
- Alô, alô, toán B phải không? Hoành Sơn đây, có gì báo cáo đi.
"Hoành Sơn" là bí danh của Phan Mỹ trong việc điều khiển công tác theo dõi ở ngoài.
- Alô, toán B xin báo cáo với Hoành Sơn. Chúng tôi theo bà Huyền Hoa đến đường Hàng Bông Thợ Ruộm. Bà Hoa lái xe vào trụ sở Smerch.
- Trụ sở Smerch? Anh có thể xác định một trăm phần trăm không?
- Thưa, trăm phần trăm. Tôi lái xe sau bà Hoa chừng 15 thước. Vì tôi không mở đèn nên bà Hoa không nhìn thấy. Trong khi bà Hoa lái qua trụ sở Smerch, tôi đậu lại, gần nhà pha Hỏa Lò, và dùng ống nhòm theo dõi. Bà Hoa vào trụ sở Smerch một cách tự nhiên, dường như có hẹn từ trước.
- Anh cứ túc trực ở đấy, tôi sẽ cho người tới phụ lực. Cẩn thận, khi nào có chi tiết mới, anh phải báo cáo ngay cho tôi.
Phan Mỹ xoa tay vào nhau lẩm bẩm:
- Z.62 lại gặp Kamốp. Hừ, lạ thật! Lạ thật! Phen này rồi bọn bay chết hết!
Từ máy vô tuyến, vẳng ra lời báo cáo của toán C:
- Alô, toán C xin báo cáo với Hoành Sơn. Từ nãy đến giờ, Nguyệt Thanh và Thái Phượng ở luôn trong biệt thự đường Thái Phiên không ra nữa.
Phan Mỹ nói:
- Các anh gác ở đâu?
- Thưa, ở hai đầu đường và một ở căn nhà kế cận, nhìn sang biệt thự.
- Biệt thự có đèn sáng không?
- Thưa không.
- Có chó bẹt-giê không?
- Thưa không.
- Ngoài hai người đàn bà và AX của ta, trong biệt thự còn ai nữa không?
- Hình như còn một người đàn ông lực lưỡng, luôn luôn đeo kính râm to tướng, vệ sĩ của bà Huyền Hoa.
- Thôi được. Các anh cứ đóng ở vị trí cũ, đợi tôi ra lệnh.
Tiếng nói của toán C vừa tắt thì toán B tiếp theo:
- Alô… toán B xin báo cáo với Hoành Sơn. Chiếc Citroen của bà Hoa vừa rời trụ sở Smerch. Lúc nãy bà Hoa đi một mình, giờ đây thêm một người khác nữa, một người đàn ông…
- Anh nhìn rõ mặt hắn không?
- Thưa, xe Citroen vừa phóng vút qua. Tôi nhận ra rồi, trời ơi… người đàn ông này là đại tá Kamốp.
Tuy giọng nói rõ ràng khúc triết, Phan Mỹ vẫn tưởng nghe lầm. Hắn hỏi lại:
- Anh nói sao? Kamốp ngồi cùng xe với Z.62 ư?
- Vâng. Ngồi cùng xe.
- Ai lái?
- Bà Huyền Hoa.
- Có thể bà Hoa bị Kamốp giải đi không?
- Thưa không. Kamốp dựa cửa xe, ung dung hút thuốc lá.
- Có ai đi sau không?
- Thưa, một cái xe riêng của Kamốp, trên có 4 vệ sĩ mặc thường phục.
- Đi sau có xa không?
- Thưa, gần trăm thước.
- Anh đã cho nhân viên lái theo chưa?
- Thưa rồi. Xin ông cho lệnh tiếp.
- Anh cũng đi theo xem Kamốp và bà Huyền Hoa về đâu.
Im lặng trong 5 phút. Rồi tiếng nói quen thuộc lại nổi lên:
- Alô… toán B xin báo cáo với Hoành Sơn. Bà Hoa đang lái xe vào trong sân biệt thự đường Thái Phiên. Cửa sắt vừa được đóng lại…
Phan Mỹ buông máy nghe, hối hả lại bàn giấy. Hắn chụp cái mũ dạ vành mềm lên đầu, khoác áo măng-tô vào người, rồi ra lệnh cho đám thuộc hạ:
- Nào, chúng ta lên đường.
Sương đêm lành lạnh phủ kín thành phố Hà Nội.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đại tá Kamốp, trưởng ty phản gián Smerch ở Hà Nội, bước vào nhà khách, cùng 4 vệ sĩ.
Đội vệ sĩ của Kamốp là một rặng núi đồ sộ, tên nào cũng cao xấp xỉ hai thước và nặng trên một trăm ký. Cả 4 người đều mặc áo bành tô, bên trong đeo súng lục Tôkarếp, bút máy bắn đạn hơi ngạt chế tạo tại Hung-gia-lợi, và một khẩu tiểu liên Sô Viết, báng gập, dài 30 phân, dành riêng cho nhân viên do thám.
Vào nhà, bọn vệ sĩ vẫn lầm lì đút tay trong túi quần. Họ có thể bắn qua quần áo, không cần rút tay ra. Tên bắn kém nhất có thể bắn đứt một cái nút chai trong vòng 10 thước. Tên giỏi võ nhất có thể bẻ cong song sắt 16, bàn gỗ lim chỉ đấm xuống là bể nát.
Bà Huyền Hoa chỉ ghế:
- Mời các ông ngồi.
Riêng Kamốp chịu ngồi, còn vệ sĩ chia nhau gác bốn góc phòng. Kamốp giục bà Hoa:
- Bao giờ Phan Mỹ đến đây?
Bà Hoa cười:
- Nếu tôi không lầm, Phan Mỹ sắp đến rồi. Tuy nhiên, muốn chắc ăn hơn, xin đại tá đợi tôi một phút, nhân viên của tôi sẽ gọi vô tuyến, đánh lừa Phan Mỹ tới đây.
- Tôi bận nhiều việc, không thể ở lại lâu.
- Không riêng gì ông bận việc. Tôi cũng thế. Bây giờ xin nhắc lại điều kiện: ông ra lệnh phóng thích ba người của tôi, rồi tôi sẽ gọi cho Phan Mỹ.
- Tôi sẽ trả tự do cho họ tức khắc. Nếu Phan Mỹ không đến, miễn cưỡng tôi phải bắt bà.
Bà Hoa đáp:
- Vâng, tôi xin thỏa thuận.
Kamốp quay ra nói nhỏ với một tên vệ sĩ. Hắn vội vã đi ra ngoài. Kamốp nói với bà Hoa:
- Trong vòng 5 phút nữa, 3 nhân viên của bà sẽ được chỡ tới đây.
- Vậy trong vòng 6 phút nữa, tôi sẽ gọi vô tuyến cho Phan Mỹ.
Kamốp ngước nhìn bà Hoa, vẻ mặt ngạc nhiên:
- Thú thật tôi không hiểu bà là ai mà đánh lừa được con cáo già Phan Mỹ .
Bà Hoa cười:
- Phan Mỹ là con cáo già đối với đàn ông, song lại là con cừu đối với đàn bà. Đàn bà, nhất là đàn bà đẹp, bảo gì, Phan Mỹ cũng làm. Không giấu gì ông, tôi đã dùng mỹ nhân kế dụ hắn đến đây.
Bà Huyền Hoa vỗ tay một cái.
Cánh cửa bên hông được mở ra. Nguyệt Thanh và Quỳnh Ngọc uyển chuyển bước vào. Kamốp sững sờ:
- Trời ơi!
Bà Hoa bảo con gái:
- Con rót rượu mời đại tá sơi cho ấm bụng. Kamốp xua tay:
- Cám ơn, tôi không uống.
Nguyệt Thanh nhí nhảnh:
- Đại tá sợ em bỏ xy-a-nuya vào rượu chứ gì? Em không thèm giết người một cách khiếp nhược như vậy đâu. Dầu sao, trong phút này đại tá là đồng minh của em. Mai kia, trở lại kẻ thù bất cộng đái thiên, nếu cần em sẽ thách đại tá đấu súng, hoặc đấu võ.
Kamốp nhún vai:
- Tôi hy vọng được cô chỉ bảo trong tương lai.
Bà Hoa quát con:
- Không được hỗn với khách quý của mẹ.
Nguyệt Thanh kéo Quỳnh Ngọc ngồi xuống ghế, không nói nửa lời. Cửa ra sân mở: ba người đàn ông mặc đồ xám bước vào. Trông thấy bà Hoa, họ đứng sững, vẻ mặt sửng sốt. Bà Hoa đứng dậy:
- Chào các anh. Tôi vừa điều đình với đại tá Kamốp để trả tự do cho các anh. Giờ đây, Nguyệt Thanh dẫn các anh lên lầu ngồi đợi.
Kamốp nói:
- Con đường Thái Phiên đã được tôi cho người bao vây chặt chẽ. Các anh chỉ có thể ra khỏi sau khi công việc của tôi hoàn thành. Vậy, tôi yêu cầu các anh ở trên lầu, đừng đi đâu hết. Nhân viên Smerch đã nằm trên các nóc nhà, nếu các anh lởn vởn ra ngoài, bị bắn chết, đừng trách tôi không nói trước.
Ba người đàn ông lầm lì ra ngoài, không thèm quan tâm tới lời nói của Kamốp. Viên đại tá Smerch phải gọi giật lại:
- Các anh có nghe tôi nói không?
Một người dừng lại, quắc mắt nhìn Kamốp:
- Giọng nói của anh oang oang như lệnh vỡ, người điếc cũng nghe, huống hồ chúng tôi, đã có vành tai rất thính sau những năm hoạt động bí mật, ngày đêm chờ bọn anh đến bắt. Vâng, tôi đã nghe lời anh nói, song anh hiểu cho rằng, chúng tôi không nhận lệnh của anh. Dầu sao, anh là kẻ thù của chúng tôi.
Kamốp tức tràn lên họng:
- Dĩ nhiên, chúng ta vẫn là thù địch. Nhưng trong phút này, tôi là đồng minh tạm thời của các anh.
Bà Huyền Hoa khoát tay:
- Thôi các bạn. Đại tá Kamốp nói đúng. Phiền các bạn lên lầu, đừng đi đâu cả.
Kamốp nói với bà Hoa:
- Họ cứng đầu thật.
Bà Hoa cười:
- Nhân viên nào của tôi cũng cứng đầu cả. Cứng đầu là đức tính của kẻ hy sinh thân mình để tranh đấu cho tổ quốc. Ông coi, họ cứng đầu như vậy, song tôi bảo gì họ cũng nghe liền. Sở dĩ Tổ Chức chúng tôi được tồn tại và phát triển mạnh mẽ ở đây là vì có những nhân viên cứng đầu với kẻ thù và tuyệt đối tôn trọng kỷ luật nội bộ.
- Hừ, cũng có ngày tôi bắt được bà. Để xem khi ấy bà còn cứng đầu nữa không.
- Ông cứ về nhà cầu nguyện đi. Khi ấy, ta mang lại câu chuyện hôm nay ra bàn cãi cũng chưa muộn. Nhưng đại tá Kamốp ơi, yêu cầu đại tá bình tĩnh lại. Tôi sắp cho gọi Phan Mỹ đây.
Một người đàn ông ngồi thu hình ở góc phòng đứng lên. Hắn là "chú Ba" cộng tác viên của Phan Mỹ. Bà Hoa chỉ hắn, giới thiệu với đại tá Kamốp:
- Phan Mỹ đã gài một người bên cạnh tôi. Người này liên lạc thẳng với Phan Mỹ bằng vô tuyến. Nếu tôi không lầm, Phan Mỹ đã cho bố trí sẵn sàng, đợi đại tá và tôi ra thì bắt.
Kamốp bĩu môi:
- Mời bà cứ gọi cho hắn.
"Chú Ba" rút walkie-talkie trong túi ra, gọi:
- Alô…. AX gọi Hoành Sơn.. AX gọi Hoành Sơn…
Có tiếng đáp ngay:
- Hoành Sơn đây… AX báo cáo đi…
"Chú Ba" ngước mắt nhìn bà Huyền Hoa rồi nói một hơi - bài nói hắn đã học thuộc từng dấu chấm phết -:
- Alô, alô, AX xin báo cáo với Hoành Sơn… Đại tá Kamốp của Smerch đang họp bàn bí mật với bà Huyền Hoa ở đây… Xin Hoành Sơn cho chỉ thị…
- Alô… AX đang ở đâu trong biệt thự?
- Thưa, trong ga-ra.
- Nói trong ga-ra, địch nghe được không?
- Thưa, họ đều ở trên lầu, tôi có phận sự canh gác bên dưới.
- Kamốp đến một mình, hay với những ai?
- Thưa, với một vệ sĩ.
- Tên vệ sĩ này đứng đâu?
- Thưa, ở dưới nhà, ngay cầu thang lên lầu.
- Liệu AX hạ thủ được hắn không?
- Tuy hắn to lớn, tôi vẫn có thể hạ thủ được, song tôi sợ bại lộ. Vả lại, hắn có súng tiểu liên…
- Đừng ngại. Hoành Sơn sẽ lo liệu cho. Nguyệt Thanh và Thái Phượng ở đâu?
- Thưa, Thái Phượng là ai?
- Là cô gái cùng đi với Nguyệt Thanh về biệt thự ấy.
- Thưa, cả hai cũng ở trên lầu.
- Phòng nào?
- Thưa, phòng lớn nhất, nhìn ra đường. Cửa sổ đều đóng kín.
- AX có chắc là Kamốp chỉ mang theo một vệ sĩ không? Nhân viên lưu động vừa cho biết Kamốp mang theo 4 đứa. Những tên này ngồi xe sau và đều vào nhà cùng với Kamốp một lượt.
"Chú Ba" liếc nhìn bà Hoa. Kamốp thản nhiên hút thuốc lá. "Chú Ba" nói tiếp:
- Thưa, trong nhà chỉ có một tên. Tôi không thấy tên nào nữa. Có thể họ gác ở ngoài chăng?
- Được, cứ bình tĩnh, để Hoành Sơn xem lại. Đây này, AX phải nghe cho kỹ, trong vòng từ 10 đến 15 phút nữa, lực lượng của ta sẽ ập vào. Cẩn thận, khi nghe tiếng chim hít-cô kêu, nhớ chưa, chim hít-cô kêu ba tiếng thì lẻn ngay lên nhà trên, hạ sát tên vệ sĩ ở cầu thang, AX phải làm cách nào để hắn không kịp kháng cự lại, và không kêu được tiếng nào. Nếu hắn kêu lên, công việc sẽ hỏng bét. AX phải nhớ là xong vụ này được thưởng công hậu hĩ, tuy nhiên, nếu thất bại sẽ bị lôi thôi, vô cùng lôi thôi, và gia đình AX cũng bị lôi thôi không kém.
Giọng "Chú Ba" run run:
- Thưa Hoành Sơn, tôi xin nhớ.
"Chú Ba" cất cái walkie-talkie vào trong người. Bà Hoa nói:
- Chú dùng một chút rượu cho khỏe.
Đại tá Kamốp đứng dậy:
- Bà định theo kế hoạch nào?
Bà Huyền Hoa lắc đầu:
- Tôi chẳng có kế hoạch nào cả. Mục đích của tôi là đánh lừa Phan Mỹ lên đây cho đại tá tùy nghi xử dụng.
Kamốp vứt điếu thuốc cháy dở xuống đất, đi đi lại lại quanh phòng, ra dáng suy tư, 4 tên vệ sĩ khổng lồ vẫn đứng như pho tượng ở góc phòng, tay thọc túi quần, nét mặt lì lợm.
Từ lúc rời trụ sở Smerch đến giờ, Kamốp bắt đầu lo sợ. Vì hắn là tay gián điệp lành nghề nên nỗi lo sợ này được giữ kín trong lòng, không để lộ ra ngoài mặt. Hắn bắt đầu sợ bà Huyền Hoa.
Ngay từ khi nhận lời bà Hoa, Kamốp đã nẩy ra một kế hoạch tàn bạo. Hắn sẽ cho Phan Mỹ một bài học, sau đó bắt bà Hoa và trọn ổ gián điệp của ông Hoàng. Nhưng thái độ bình tĩnh đến lạnh lùng của bà Hoa cho hắn thấy thực hiện kế hoạch không phải dễ.
Có thể bà Hoa lập mưu giết luôn hắn lẫn Phan Mỹ. Song nếu muốn giết hắn thì mang Nguyệt Thanh và Thái Phượng đến làm gì. Hắn không biết rằng bà Hoa dùng hai thiếu nữ đẹp để làm mồi câu con cá háu ăn Phan Mỹ. Thấy gái đẹp, Phan Mỹ sẽ quên hết nguy hiểm và mò đến.
Kamốp soát lại trong óc hệ thống an ninh của Smerch: ngoài toán vệ sĩ theo hắn từng bước, còn hai toán khác túc trực ở hai đầu đường, chưa kể một đại đội võ trang súng nặng đợi sẵn ở gần Chợ Hôm đợi lệnh ứng phó.
Tất cả những lời nói trong phòng đều được bí mật thu thanh bằng 5 cái máy nhỏ xíu giấu trong túi Kamốp và túi 4 vệ sĩ. 5 cái máy này chuyển âm ra ngoài, được thu vào băng nhựa đặt trong một cái xe vô tuyến điện, đậu cách tòa biệt thự hai trăm thước. Nếu có chuyện gì bất trắc, nhân viên Smerch sẽ ập vào biệt thự sau đó hai phút.
Trong khi đó, Phan Mỹ cũng thừ người suy nghĩ trên xe đang phóng nhanh về đường Thái Phiên.
Cũng như Kamốp, Phan Mỹ bắt đầu lo ngại. Song hắn không cho là bị lừa.
Hắn đinh ninh là đối phương bị lừa. Hy sinh 4 nhân viên để gài AX vào trụ sở bí mật của bà Huyền Hoa, hắn đã đánh một nước cao, thí chốt để bắt xe.
Duy hắn lo ngại tại sao Kamốp lại liên kết với Huyền Hoa. Tại sao? Hắn chịu không trả lời nổi. Có thể Kamốp khám phá ra hung thủ giết tướng Hôlếp là nhân viên của ông Hoàng, và Phan Mỹ đã tạm thời liên minh với ông Hoàng để diệt Smerch nên lập mưu quật lại. Nghĩa là Kamốp liên kết với bà Hoa, đại diện của ông Hoàng ở Hà Nội để giết hắn. Đúng ra để bàn cách giết hắn. Song họ không ngờ hắn đã biết hết.
Bỗng hình dáng khêu gợi của hai cô gái mũm mĩm, đầy hương thơm thanh tân, hiện ra trước mắt. Hai cô gái của lão Hoàng đẹp hơn Vương Lệ một trời một vực. Đã lâu, hắn chưa được tận hưởng lạc thú tuyệt trần với mỹ nhân. Người đẹp ở Hà Nội, mỗi ngày một khan hiếm. Toàn là đàn bà khô khan, da dẻ răn reo, bộ ngực lép kẹp, ăn mặc lam lũ. Toàn là đàn bà quê mùa, quên cả phương pháp trang điểm tối thiểu, và chưa bao giờ được cầm trong tay những đồ lót mình bằng ni-lông mỏng như giấy bóng, và lọ nước hoa Ba-lê, rắc một giọt lên tóc ba ngày cũng còn thơm một cách quyến rũ.
Thái dương Phan Mỹ nóng ran. Từ xưa đến nay, hắn vẫn thích đàn bà đẹp. Câu châm ngôn éăn để mà sống, không phải sống để mà ăn" đối với hắn phải được sửa lại là "ăn để mà sống, sống để yêu đàn bà". Thật vậy, nếu không có đàn bà, Phan Mỹ sẽ không tài nào sống được. Hắn cần đàn bà như người nghiện nặng, sáng, trưa, chiều, phải kéo vài ba điếu á phiện mới khỏi bải hoải chân tay. Hơn một lần, hắn đã xuất bạc vạn để mua gái đẹp còn nguyên ở Hồng-Kông.
Xe hơi đã qua Chợ Hôm.
Phan Mỹ không ra lệnh cho tài xế rẽ vào đường Thái Phiên mà là chạy thẳng. Đến một cái hẻm, hắn xuống xe, đi bộ. Cùng đi với hắn là 2 vệ sĩ đệ tam đẳng đai huyền đen. Hắn không cần mang theo nhiều người: 2 vệ sĩ này đủ sức đối phó với 2 đại đội của địch, hoặc bằng tay không, hoặc bằng khí giới. Phần lớn lực lượng của Phan Mỹ đều đi sau, và phân tán ra làm nhiều đơn vị, sẵn sàng ứng chiến, nếu được gọi tới.
Phan Mỹ không ập vào cửa trước của biệt thự đường Thái Phiên, bên trong có bà Huyền Hoa, đại tá Kamốp, Nguyệt Thanh và Quỳnh Ngọc. Hắn đi vòng lối sau, qua nhà của vợ chồng Vương Lệ.
Vào giờ này, một chiếc xe hơi sơn đen, rèm che kín mít phía sau - công xa của Phan Mỹ - chạy vào đường Thái Phiên, rồi dừng lại cách biệt thự 100 thước. Trên xe, một người hao hao như Phan Mỹ. Người này ngồi ở băng sau với ba vệ sĩ. Đó là kế mọn của Phan Mỹ: trong khi Phan Mỹ giả ngồi trong xe trrên đường Thái Phiên, Phan Mỹ thật trèo tường, vượt mái, lẳng lặng đột nhập vào biệt thự bí mật.
Hắn vừa ngảy êm ru như lá rụng vào vườn căn nhà của Bôrin và Vương Lệ. Bôrin bị giam dưới hầm bộ Ngoại Giao, chỉ còn Vương Lệ ở nhà một mình. Do một sự tình cờ hi hữu, nhà của Vương Lệ chỉ cách tòa biệt thự bí mật một ngôi nhà nhỏ.
Vương Lệ đã ngủ say.
Phan Mỹ ung dung mở cửa nhà dưới bằng chìa khóa riêng. Hắn ra lệnh cho vệ sĩ chờ hắn bên dưới rồi tất tả lên lầu.
Cửa phòng Vương Lệ không khóa.
Bên trong tỏa ra một ánh điện màu xanh lờ mờ. Vương Lệ nằm trên giường, một chiếc chăn mỏng che bụng, toàn thân trần truồng. Nàng đã tập thói quen ngủ trần truồng của đàn bà phương tây. Phan Mỹ ngây người, miệng khô lại.
Hắn cúi xuống hôn nàng. Nàng giật mình tỉnh dậy. Thấy hắn, nàng kêu nho nhỏ:
- Anh. Anh lên đây bằng cách nào?
Phan Mỹ hôn vào ngực nàng:
- Bằng chìa khóa của em. Em đưa cho anh hồi tối, em quên rồi sao?
Nàng ôm lấy hắn:
- Em lạnh lắm. Anh ở lại với em.
Hắn gỡ tay nàng ra:
- Anh bận đi giết Kamốp.
Nàng giật mình:
- Giết Kamốp? Phiên tòa của Đảng đã xử hắn thua anh rồi, anh còn muốn gì nữa?
- Bị xử thua, hắn sẽ phải về nước. Hắn không là công dân Việt nên anh không thể đưa ra tòa án thường xử tử hình.
- Vậy anh giết hắn sao được?
- Anh sẽ bắt hắn quả tang tư thông với địch.
- Trời ơi!
- Em thức dậy đợi anh. Trong vòng 15 phút nữa, anh sẽ quay lại. Em tắt hết đèn đi, ngồi chờ anh trong ga-ra và chuẩn bị lái xe cho anh. 5 phút nữa, em xuống xe, rồ máy cho nóng sẵn. Hễ anh tới là em phóng liền về bộ Ngoại Giao vì anh sợ địch đuổi theo ráo riết.
Vương Lệ hôn vào môi Phan Mỹ, dáng điệu say sưa:
- Vâng, em xin tuân lệnh anh.
Nàng vứt cái chăn đơn, uyển chuyển xuống giường. Trông người đẹp kiều diễm uốn éo trước mắt, hoàn toàn khỏa thân, Phan Mỹ run lên. Nếu không bận công tác quan trọng, hắn đã vật nàng xuống giường và ở lại với nàng đến sáng mới về.
Hạ thủ Kamốp là công tác quan trọng, không những cho riêng hắn, mà còn cho cả tòa đại sứ Trung quốc nữa. Phải hạ thủ Kamốp mới làm lu mờ được áp lực của Liên Sô…
Phan Mỹ hối hả xuống vườn.
Hai vệ sĩ cầm tiểu liên K-50 kèm bên. Phan Mỹ trèo lên nóc ga-ra, nhìn sang biệt thự của bà Huyền Hoa. Ánh đèn leo lét chiếu ra ngoài cho hắn thấy những thân cây lớn và những cánh cửa đóng kín.
Hắn nhảy xuống.
Còn một bức tường thấp nữa là đến tòa biệt thự bí mật.
Phan Mỹ rút trong túi ra một cái xíp-lê đặc biệt. Hắn cho lên miệng thổi. Tiếng kêu não nuột của chim hít-cô nổi lên. Hắn thổi lại lần nữa.
Hắn lờ mờ nhìn thấy AX từ dưới nhà chạy lên, chân vận xăng-đan không gây tiếng động. Phan Mỹ tuột xuống vườn, rồi nép mình vào bụi rậm.
Tứ phía im lặng như tờ.
Phan Mỹ chạy vào cửa sau, dẫn vào cầu thang. Hắn bắt gặp AX đang chùi lưỡi dao dính máu vào riềm cửa. Miệng hắn nở một nụ cười thỏa mãn. Kamốp chết đến nơi rồi. Không một quyền lực nào cứu sống được nữa.
Hành lang tối om.
Đến căn phòng giữa, nhìn ra sạn trước, hắn đứng lại, ra hiệu cho hai vệ sĩ. Một tên ghé vai vào cánh cửa xô một cái thật mạnh. Tấm cửa lim bật vào trong. Hai khẩu tiểu liên hiện ra cùng một lúc.
Một tiếng nói quen thuộc cất lên:
- Buông súng xuống, không mất mạng.
Hai khẩu tiểu liên nổ ròn. Vệ sĩ của Phan Mỹ bắn trước, hòng đoạt ưu thế, song đạn không trúng người vì căn phòng trống không. Tiếng nói vừa cất lên là do máy khuếch âm phát ra.
Biết bị lừa, Phan Mỹ hối hả quay lại, song không kịp nữa. Hai tên vệ sĩ gục ngã dưới một băng đạn trung liên từ cuối hành lang bắn tréo lại. Phan Mỹ đứng chôn chân như tượng đá.
Lại giọng nói quen thuộc, giọng nói của đại tá Kamốp:
- Phan Mỹ, lẽ ra tôi đã tặng anh một băng đạn như hai vệ sĩ của anh rồi, nhưng dầu sao chúng ta cũng là địch thủ thượng lưu. Tôi cho phép anh chọn cái chết trong vinh dự. Chết bằng cách đấu võ hoặc đấu súng với tôi. Anh được một phút đồng hồ để quyết định.
Phan Mỹ nhìn tứ phía. Không thấy Kamốp đâu cả. Chắc hắn đang núp trong phòng bên. Phan Mỹ tự biết là số mình đã tận. Hắn đinh ninh hạ được kẻ thù không đội trời chung Kamốp, và ngang nhiên làm chủ hai mỹ nhân, ngờ đâu lại đem thân vào miệng kẻ thù. Võ thuật và tác xạ không phải là sở trường của Phan Mỹ. Hắn không lạ gì Kamốp một đai huyền đen khét tiếng về nhu đạo, một tay súng cừ khôi, hễ rút súng ra là đối phương mất mạng.
Song Phan Mỹ không còn lối thoát nào nữa, nhận lời thách thức của Kamốp là chết, nhưng thà nhận lời để kéo dài thời giờ, chờ cơ hội lật ngược thế cờ.
Vì vậy, hắn cố giữ vẻ mặt bình tĩnh:
- Được, tôi sẵn sàng đấu súng với anh.
Cửa phòng đối diện Phan Mỹ mở toang, đại tá Kamốp đi ra. Gặp hắn, Kamốp mỉm cười sâu độc:
- Trong đời, biết ai hơn ai, phải không đồng chí? Bây giờ, mời đồng chí vào đây.
Như kẻ mất hồn, Phan Mỹ theo Kamốp vào phòng. Đồ đạc trong phòng đã được dọn sạch, chỉ còn trơ lại mấy cái ghế kê sát trong góc. Nhìn thấy 2 vệ sĩ khổng lồ của Kamốp dựa lưng vào tường, Phan Mỹ nói:
- Tôi chỉ đấu súng với anh nếu tinh thần thượng võ được tuyệt đối tôn trọng. Anh giết được tôi thì chẳng nói làm gì, nhược bằng tôi bắn hạ anh, các vệ sĩ của anh sẽ báo thù.
Kamốp cười nửa miệng:
- Anh muốn người của tôi tránh ra xa chớ gì? Tôi sẵn lòng. Nếu tôi không lầm, nhân viên của anh đã gác đầy đường Thái Phiên, và một số đang đứng ngoài biệt thự, đợi anh ra lệnh để xổ vào. Tôi sẽ cho vệ sĩ của tôi xuống nhà ngay bây giờ. Họ chỉ nổ súng nếu đàn em của anh nhảy vào biệt thự. Còn ở trên này chỉ có mình tôi với anh. Anh Phan Mỹ ơi, tôi cần nói trước là anh sẽ chết. Anh sẽ chết như con muỗi bẹp dí dưới gót giày tôi vậy. Giết anh xong, tôi sẽ lên phi cơ về Liên Sô. Vụ sắp xếp đê hèn của anh trước Tòa để hãm hại tôi không đi đến đâu. Vì tôi đã nắm được bằng chứng cụ thể anh bắt tay với lực lượng của lão Hoàng.
- Cỏn anh cũng bắt tay với mụ Huyền Hoa, tay sai của lão Hoàng, để thủ tiêu tôi và tòa đại sứ Trung quốc.
Kamốp hừ một tiếng:
- Anh nói đúng. Nhưng anh sẽ không còn sống trên cõi đời này nữa để khiếu nại. Trong 3 phút, anh sẽ xuống âm phủ.
Ngoảnh lại phía vệ sĩ, hắn ra lệnh:
- Xuống dưới nhà, 10 phút nữa lên đây, nhặt xác Phan Mỹ.
Hai tên vệ sĩ lùi lũi đi ra ngoài.
Trong khi ấy, một biến chuyển quan trọng xảy ra trong phòng khách rộng mênh mông dưới nhà. Kamốp chỉ bằng lòng lên lầu chờ Phan Mỹ, với điều kiện bà Hoa và toàn thể nhân viên tập họp trong sa-lông dưới sự canh chừng của 2 vệ sĩ Kamốp. Còn 2 vệ sĩ theo hắn lên gác.
Vào những lúc Thần Chết gần kề, người ta mới thấy quyền lực của sắc đẹp. Bà Hoa đã dùng mỹ nhân kế kéo Phan Mỹ tới biệt thự gặp Kamốp, một lần nữa, bà Hoa lại dùng mỹ nhân kế lung lạc 2 tên vệ sĩ khổng lồ của Smerch.
Thoạt tiên, chúng ngồi trên ghế ở cửa ra vào, nét mặt lầm lì, khẩu súng đặt trên đùi, sẵn sàng nhả đạn. Song chỉ một phút sau, trước nụ cười tươi như hoa nở của Nguyệt Thanh và Quỳnh Ngọc, chúng đã bớt khó chịu. Cặp mắt xanh biếc của hai gã đàn ông Nga đột nhiên đỏ ngầu.
Nguyệt Thanh thản nhiên rót vốt-ka uống. Hơi men làm má nàng hây hây như trái đào mới chín.
Bỗng nàng đứng dậy, nghiêng người, nhìn ra vườn. Ánh đèn chênh chếch làm tăng những đường cong uyển chuyển trên ngực và vai nàng. Tên vệ sĩ cao gần 2 thước ngó theo nàng, miệng mím lại. Rồi hắn buông một tiếng Nga tục tĩu. Bạn hắn quắc mắt:
- Đừng làm bậy.
Nhưng hắn không nghe lời khuyên của bạn. Hắn khệnh khạng đứng dậy, tiến về phía Nguyệt Thanh. Nàng giả vờ thét lên, rồi đi lùi, đi lùi ra cửa. Phía sau là một hành lang dài tối om.
Tên vệ sĩ khổng lồ cứ bước theo trong khi Nguyệt Thanh cứ lùi. Ra đến hành lang, nàng vùng bỏ chạy. Hắn quát lớn:
- Đứng lại, không bắn.
Nàng chạy vòng vào phòng ăn. Tên vệ sĩ chạy theo. Hắn không ngờ rằng Nguyệt Thanh đã thủ sẳn một con dao nhọn hoắt trong tay. Tên vệ sĩ vừa ló đầu vào, nàng đã phóng lưỡi dao ra. Trúng cuống họng, hắn loạng choạng một giây rồi ngã gục.
Thấy bạn chưa vào, tên thứ hai sốt ruột, tiến ra cửa, song không quên chĩa khẩu tiểu liên vào mọi người trong phòng. Hắn nghe tiếng kêu của Nguyệt Thanh. Trong một giây đồng hồ thiếu bình tĩnh hắn chạy tới. Quỳnh Ngọc mở ngăn kéo lấy một lưỡi dao khác. Không thấy bạn, tên vệ sĩ vội chạy vào.
Soẹt một tiếng. Lưỡi dao cắm giữa tim, cây thịt trăm cân húc vào tường, rồi trở thành cái xác không hồn.
Toàn thể mọi người đều vụt dậy như máy. Phan Mỹ đã lên lầu từ nãy. Bà Huyền Hoa mở tủ buýp-phê, lôi ra hai sợi dây điện, nối đầu vào nhau. Trong vòng 5 phút, biệt thự sẽ nổ tung, dưới sức mạnh của một khối lát-tích chôn ngầm ở cầu thang.
Quỳnh Ngọc rút cầu chì. Toàn căn nhà chìm trong bóng tối. Bà Hoa dẫn đường, mọi người chạy vút ra sân trèo tường, vượt sang biệt thự của Vương Lệ.
Hai tên vệ sĩ của Kamốp vừa ra đến cầu thang thì đèn tắt. Biết là có biến, chúng vội vàng quay lại. Đèn tắt giữa lúc Kamốp và Phan Mỹ rút súng. Chưa ai kịp bắn thì một tiếng nổ kinh thiên động địa xảy ra. Trong chớp mắt, ngôi nhà đồ sộ đổ xụp, gạch ngói bay tan tác.
Ngoài đường, súng máy lác đác nổ. Nhân viên của Kamốp và Phan Mỹ bắt đầu xung đột. Trước khi bị một thanh sắt bay vèo trúng đầu, vỡ nát thái dương, Kamốp còn nhả được một viên đạn vào giữa tim Phan Mỹ. Tay ôm vết thương chí tử, khẩu súng văng xuốn sàn nhà, Phan Mỹ gục vào tường. Bức tường đổ sụp, hai thủ lãnh tình báo lọt xuống vườn, dưới hàng tấn gạch đá, toàn thân nát ngướu không kịp kêu lên một tiếng.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trên chiếc xe nhỏ xíu, cả thãy có 8 người, 3 người đàn ông vừa được Kamốp trả tự do, "chú Ba", người đóng vai trò quan trọng trong âm mưu đánh lừa Phan Mỹ mang thân vào hang cọp, Nguyệt Thanh, Quỳnh Ngọc, Vương Lệ và bà Huyền Hoa.
Vụ nổ kinh hồn và cuộc chạm súng trước biệt thự đã tạo cơ hội thuận tiện cho 8 người thoát khỏi vòng vây. Chạy được một quãng, xe dừng lại. Một chiếc xe hơi đeo số bộ Ngoại Giao đậu sẵn bên đường. Nguyệt Thanh và Quỳnh Ngọc ngồi chung xe với Vương Lệ, còn 5 người sang xe hơi mới.
5 phút sau, Vương Lệ lái vào bộ Ngoại Giao. Lính gác cản lại, Vương Lệ thò đầu ra cửa xe, đưa chứng minh thư. Nhận ra Vương Lệ, lính gác không hỏi gì nữa.
Xe đậu lại, Vương Lệ tiến vào cầu thang sau. Một tên lính mặc đồ trận giơ súng đuổi nàng. Bụp một tiếng, viên đạn qua đầu súng hãm thanh bằng cao-su trúng giữa trán, tên lính vứt khẩu tiểu liên, chúi vào thang gác.
Vương Lệ mở cửa xuống hầm.
Nàng không ngờ có người gác, núp sau cánh cửa. Một viên đạn vèo qua mặt nàng. Suýt nữa nàng mất mạng. Quỳnh Ngọc chĩa súng vào góc. Tên lính rú lên một tiếng đau đớn.
Trong khi đó, Nguyệt Thanh đặt một cái hộp to bằng nửa cái va-li lên sàn nhà. Nàng đeo mũ nghe vào tai. Tiếng bịp bịp vẳng ra rõ ràng. Nàng đi ra cửa, tiếng bịp bịp giảm bớt. Ghé xuống miệng hầm, tiếng bịp bịp gia tăng cường độ.
Nàng bỏ mũ nghe, ngẩng đầu lên:
- Đúng rồi. Anh ấy bị giam dưới hầm.
Nguyệt Thanh cầm tiểu liên, mai phục bên cửa. Quỳnh Ngọc theo Vương Lệ xuống hầm. Đèn dưới hầm được bậc sáng trưng. Tuy nhiên, không có người gác nào. Quỳnh Ngọc gọi lớn:
- Văn Bình.
Đang ngồi bó gối trong xà-lim, Văn Bình vùng dậy. Thấy chàng sau song sắt, Vương Lệ rú lên:
- Trời ơi, anh.
Nàng chạy bổ lại, nắm lấy tay chàng, đưa lên môi hôn. Quỳnh Ngọc lặng người như bị sét đánh. Văn Bình nhìn thấy sự thay đổi trên mặt nàng.
Quỳnh Ngọc đưa súng cho chàng. Chàng xả một loạt đạn vào cửa. Cánh cửa nặng nề mở ra. Cả ba chạy ra cầu thang.
Bỗng có tiếng gọi khẩn thiết:
- Vương Lệ, Vương Lệ.
Đó là tiếng gọi của Bôrin, Vương Lệ đứng khựng lại. Nàng lặng lẽ chĩa súng vào ổ khóa. Khi nhận lời đi cứu Văn Bình, nàng quên bẵng Bôrin, chồng nàng.
Nhưng Bôrin không quên nàng. Hắn đợi nàng từ lâu. Trong giấc mơ, hắn thấy nàng xuống hầm, khoác vai một người đàn ông lạ. Máu ghen sôi lên, hắn ôm chặt lấy nàng. Vương Lệ rú lên. Cái muỗng bằng nhom được mài nhọn như lưỡi dao đã xiên qua họng nàng. Nàng buông chồng ra, gục chết trên nền xi-măng ướt át.
Như người điên, Bôrin túm lấy áo Văn Bình. Trong lúc bất thần chàng tránh không kịp, mũi nhọn đâm ngập vào vai chàng. Chàng lảo đảo, dựa vào tường. Bôrin rượt theo, chàng phóng ngọn cước vào mặt hắn. Bị bắn vào cửa sắt, hắn toan bò dậy thì Quỳnh Ngọc đã nổ súng. Viên đạn 9 ly làm miệng hắn vỡ nát.
Lúc hai người lên đến miệng hầm thì nhiều tiếng súng nổ vang. Chiếc xe tiếp ứng của bà Huyền Hoa đậu ngoài đường bị phát lộ. Văn Bình chạy vội lên xe, Nguyệt Thanh lái phăng phăng ra cửa. Một viên đạn cắm vào kính trước, nàng cúi rạp xuống vô-lăng, phóng vào đêm tối mù mịt.
Từ xe bà Hoa, nhiều tia lửa đỏ ối vụt ra. Trong chớp mắt, vọng gác trước bộ Ngoại Giao im bặt tiếng súng.
Văn Bình hỏi Nguyệt Thanh:
- Chúng mình đi đâu?
Nàng đáp:
- Ra phi trường, về Vọng-các.
Trời gần sáng, đường sá vắng tanh. Đến đường Hàng Vôi, Nguyệt Thanh thắng lại, nàng quay về phía Văn Bình:
- Chúng mình ở đây đợi Vũ Kính.
Hai tiếng "chúng mình", nàng nói bằng giọng vô cùng âu yếm. Quỳnh Ngọc nhìn hai người trong sự sửng sốt vô biên. Nàng đinh ninh Văn Bình chỉ biết mình nàng. Nàng không ngờ còn hai người đàn bà khác nữa.
Một lùm đèn pha từ đầu đường chiếu tới. Nguyệt Thanh nói:
- Anh cứ ngồi yên trong xe. Mẹ em đã thu xếp xong xuôi rồi.
Ngang xe bà Hoa, lùm đèn pha dừng lại rồi tắt ngúm. Văn Bình thấy một đoàn người lố nhố trèo lên chiếc cam-nhông-nét. Mọi việc xảy ra quá nhanh, Văn Bình không kịp theo dõi chi tiết. Bà Hoa đã đến bên chàng không biết khi nào. Dưới ánh sáng mờ mờ, bà trông như nữ lão tướng đang chỉ huy trận địa. Bà nói với Văn Bình:
- Chúc anh thượng lộ bình an.
Chàng ngạc nhiên:
- Thưa bà, xong rồi à?
- Xong rồi. Không ai ngăn cản ở phi trường nữa đâu. Kamốp và Phan Mỹ đã chết. Tôi đã thay 5 người trong phái đoàn bằng 5 người của ta. Con Nguyệt Thanh cùng đi với anh. Tôi nhờ anh trông nom nó. Trông nom như người anh ruột đối với em gái khờ dại. Nếu có chuyện gì, anh chết với tôi.
Nguyệt Thanh phản đối:
- Mẹ làm như con là con nít lên ba ra đường sợ mẹ mìn bắt ấy.
Bà Hoa nghiêm sắc mặt:
- Sự đời còn nhiều lắt léo, con chưa hiểu được đâu, vì thế mẹ mới căn dặn anh Văn Bình. Thôi, đến giờ rồi, thiếu tá Vũ Kính sẽ đưa phái đoàn lên phi cơ.
Văn Bình nói:
- Vũ Kính có phải rút vào bí mật không?
- Lát nữa, sau khi phi cơ cất cánh, Vũ Kính sẽ đi Sầm Sơn, xuống tàu ngầm của ông Hoàng. Ông Hoàng cho biết là công việc đã hoàn tất mỹ mãn: hai tòa đại sứ Trung cộng và Nga Sô còn đánh nhau hàng năm nữa chưa hết.
Bỗng Quỳnh Ngọc xen vào:
- Thưa bà, tôi xin được ở lại.
Bà Hoa mỉm cười:
- Tôi đã biết tại sao cô đòi ở lại. Song giá cô cùng về với Văn Bình thì hơn. Sở dĩ tôi cho con Thanh tới mời cô dự cứu Văn Bình là để cô thu thập thêm một kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi không muốn nói rõ hơn sợ cô buồn, vì tôi biết con gái tôi cùng ở vào hoàn cảnh như cô.
Quỳnh Ngọc nín thinh. Bà Hoa lái xe trở về trung tâm Hà Nội. Trên mắt Nguyệt Thanh long lanh một giọt lệ. Song miệng nàng mỉm cười. Nàng khóc vì xa mẹ, nhưng lại cười vì được ở gần chàng thanh niên khôi ngô và tài tuấn. Quỳnh Ngọc bặm môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Thiếu tá Vũ Kính ra lệnh cho tài xế lái lên cầu Long Biên.
Văn Bình ngồi yên trong góc. Ba giờ nữa, chàng sẽ có mặt ở Vọng-các. Vết thương ở vai làm chàng đau buốt, nhưng trái tim chàng còn đau buốt hơn. Đương đầu với những con cáo gioà như Kamốp và Phan Mỹ chàng không hề run sợ. Nhưng thái độ của những thiếu nữ hơ hớ xuân tình lại làm chàng run sợ lạ thường.
Gió lạnh quạt vào mặt chàng. Chàng ngâm nho nhò:
- Yêu là chết trong lòng một ít.
NGƯỜI THỨ TÁM
tặng cho các bạn đã quen Z.28 từ năm 1958
Chú thích
1. Huyết thanh sự thật là sérum de vérité, hoặc messaline, được dùng để chích cho người bị thẩm vấn. Huyết thanh này sẽ làm can cứu nửa mê nửa tỉnh và cung khai nhữngđiều muốn giấu.
2. Phim này được bán trên thị trường. Phi cơ trinh sát dùng phim hồng ngoại tuyến để chụp căn cứ của địch ban đêm.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28