Thất bại rất cần cho sự trải nghiệm và trưởng thành của mỗi chúng ta. Tất cả những gì tôi đạt được ngày hôm nay đều do trước đây tôi dám cho phép mình phạm sai lầm.

Rick Pitino

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 77: Lại Thêm Sự Thật…đau Lòng… Của “Thiên Đường Cộng Sản!”…
iờ trưa đã sắp đóng cửa buồng, đột nhiên có tiếng láo nháo ngoài sân. Một số cậu chạy đến, đứng phía trong cửa buồng nhìn ra. Bác Khánh, Thọ “Lột” và tôi vì có trách nhiệm nên được ra hẳn ngoài. Thì ra từ phía cổng trại chung, tên Bằng đang dẫn hơn một chục đứa lỡ nhỡ, lau nhau đi về phía buồng này. Chỉ một vài đứa đi chân không, còn hầu hết đều đi dép, quần áo có vẻ còn sạch sẽ. Khi đến trước cửa buồng, tên Bằng quát, bắt chúng ngồi tập trung vào một chỗ, chờ cán bộ Kế về nhận tù mới.
Trong khi đó, bên trong buồng nhiều đứa đã ý ới, những lời thăm hỏi ríu rít với bên ngoài. Nào là: mày lại vào “hao” à? Thằng A, thằng C đâu? v.v… Ngược lại bên ngoài cũng hỏi vọng vào…
- Mày vào “Ấp” bao lâu rồi? Thằng X đi Kỳ Sơn lâu chưa? Thằng K còn đấy hay đi Mai Lĩnh rồi? v.v… cứ tíu tít như đàn sẻ tranh nhau ăn. Một số thằng đàn anh, nghĩa là những thằng lớn, đã chỉ trỏ… đôi dép của thằng X, tao nhận rồi; thằng thì nhận cái áo bông của thằng Y, cái dây lưng của thằng Z, cái mũ của thằng B, v.v… Có nghĩa, chốc nữa vào buồng, những thứ đó, ai phải nộp cho ai rồi. Đấy là một hình thức cá lớn nuốt cá bé, “trấn, lột” lại của nhau. Nhưng có một điều, ngay những đứa bị lột, cũng vui lòng hả hê cung tặng đàn anh.
Điều tôi đặc biệt băn khoăn là, hầu hết, vẻ mặt chúng nó vào tù chả buồn tí nào cả, vẫn nhâng nhâng chuyện trò cứ như đi…cắm trại vậy. Không hiểu được, nên tôi đành phải hỏi chung cả một đám:
- Này các cháu, các cháu vừa bị bắt vào, các cháu chả có vẻ gì buồn cả là làm sao?
Đa số những cái miệng con tí đều nhao nhao:
- Chú ơi, “hao” (có lẽ âm của tiếng house) đối với chúng cháu là nhà. Lang thang một thời gian, không may bị “vồ” là giai đoạn về nhà nghỉ. Rồi họ lại phải thả ra! Vì cứ giam mãi, Hà Nội sẽ hết cả trẻ con, chú ạ. Trẻ con Hà Nội đa số vừa đi học, lại vừa là lưu manh. Rất nhiều đứa đều có “phích” (sổ đen) bị giữ ở đồn công an một vài tuần, hoặc dăm ba ngày rồi. Chẳng bố mẹ nào có tiền cho con cái. Vậy, muốn tiêu, phải ăn cắp.
Tôi lại càng ngạc nhiên, hỏi mấy cậu 17, 20 tuổi:
- Như vậy chỉ có con trai thôi, còn con gái thì sao?
Chúng nó cười ngất:
- Anh ơi! Anh chưa đi sâu vào xã hội này, anh không biết. Cũng như chúng em, tuy hàng ngày vẫn cắp sách đến trường, nhưng một nửa ngày là lưu manh. Bởi vậy, con gái rất rẻ! Chúng em đi ăn cắp, có tiền, chỉ cho một bữa xi nê, một bát phở là đem các em đi “quất” được rồi. Chúng em có thể nói thực với anh là, hầu hết con gái Hà Nội bây giờ, khó có cô nào còn trinh cả. Chúng em bảo đảm với anh là, anh đi trên đường phố Hà Nội, cứ thấy cậu nào có vẻ “ăn diện” một chút, đều là lưu manh, ăn cắp hết. Con gái cũng vậy. Không lấy đâu ra mà tiêu xài, mà diện.
Tôi vừa nghe chúng nó nói đến đấy, tên Kế đã từ ngoài trại về. Lại ồm ồm lên khi hơn một chục đứa theo nhau vào buồng. Tên Hưng phải xóa chiếc bảng con treo ở cửa, ghi số mới của buồng thành 192.
Càng gần về cuối tuần, buồng càng chật. Thứ Sáu, thường có hai xe đưa loại tù con đi trại. Một xe đưa đi Kỳ Sơn loại từ 13 đến 17. Một xe đưa đi trại nhi đồng Mai Lĩnh, gần chùa Trầm, Hà Đông, loại từ 12 trở xuống.
Chỉ mới hơn nửa tháng ở buồng này, tôi đã tiếp xúc hàng mấy trăm đứa. Hết đợt kia đi, lại đợt này vào. Tùy loại, hoặc tùy điều kiện xe cộ, Việt Cộng bắt đám tù con nít này vào đồn công an ở khu phố đã, rồi tùy theo từng loại mới hay cũ, sau đó mới chuyển đển Hỏa Lò. Nhưng, cũng có loại, chúng đưa ngay vào Hỏa Lò. Cho nên, có lúc đưa vào vài chục đứa, có khi lại chỉ hai, ba đứa.
Khi cửa buồng đã khóa, và sau một lúc ồn ào của những màn thăm hỏi và… lột quần áo, v.v… Tôi lại muốn nghe tiếp câu chuyện còn bỏ dở của các cậu thanh niên. Vì vậy, tôi lại mò đến một đám gồm gần một chục đứa, trong đó có cả Phúc “Thổ”. Thấy tôi đến, các cậu tránh dịch ra một chỗ, mời tôi ngồi. Ngồi xuống, vẻ vồn vả, tôi hỏi ngay:
- Khi nãy đang nghe các cậu nói chuyện Hà Nội thật hấp dẫn. Chính tôi không thể ngờ được! Này, thế con gái cũng là lưu manh cắp trộm, họ có bị bắt không?
Mấy cái đầu đều ngẩng lên định nói; nhưng chỉ một mình Phúc “Thổ” lên tiếng:
- Có mà đầy, anh ạ! Ngay Mai Lĩnh cũng có ba nhà con gái. Còn Kỳ Sơn, riêng một trại bên cạnh trại giam. Cứ đủ 18 tuổi là chuyển lên trại trung ương như chúng em bây giờ. Gái Hà Nội lúc này, gần một nửa là gái điếm. Một phần là gái điếm “nghiệp dư”, một phần, tốt hơn, có bồ bịch là lưu manh như chúng em. Vì chỉ có chúng em mới có tiền, để cho các cô diện và tiêu thôi.
“Bây giờ, họ thấy Kỳ Sơn và Mai Lĩnh đầy ứ nhiều quá, em nghe nói, họ mới mở 3 trường lớn ở Lào Kay và Phú Thọ. Thực tế, đó là 3 trại giam thiếu niên lớn, nhưng họ lại gọi là: “Trường Phổ Thông Công Nghiệp I, II và III”. Cũng như trại Kỳ Sơn, đi làm lao động có công an đưa đi. Chỉ có khác, quản giáo được gọi là thầy cô.
“Khi con gái đủ 18 tuổi thì bị đưa vào trại Mỏ Chén ở Sơn Tây. Trại này có hơn 3000 người. Trong khi, ở mỗi trại trung ương vẫn có một trại nữ ở gần kế bên. Sau này, anh đi trại, anh sẽ thấy nhiều vấn đề”.
Rồi như để minh giải những lời nói của mình, Phúc “Thổ” chỉ mấy cậu đang nhấp nhổm muốn chêm ý kiến mà chưa có dịp:
- Đây, thằng Minh “Trố”, dân “nhảy nghẽo” (ăn cắp xe đạp), thằng Tín “Đen”, vua cởi “hiệng” (ăn cắp đồng hồ), thằng Đồng “Ma cô”, dân “đột vòm” (đêm vào nhà ăn trộm), thằng Thái “Gà”, “lính mồ”… Chúng nó tung hoành thường có một hay hai con rất “nốp” đi theo, nên thành công nhiều hơn. Trên tầu, xe hay đám đông, các em thơm như múi mít, cứ đứng áp vào người, hay đá lông nheo, các cậu nhà ta mặt cứ đực ra như đang bĩnh ấy, nên tha hồ chúng nó đến lột. Hàng trăm ngàn trò, có con gái là xong lẹ.
Ngay cái vụ Tòa Đại Sứ Pháp mất bao nhiêu đồ cổ quý giá, đã ầm cả Hà Nội lên, cũng do các cô em đến “chài” mấy anh lính gác, các cậu mới bò trèo vào được.
Tôi liếc nhìn thấy tên Hưng đang lúi húi ngồi hút thuốc, với bác Khánh ở mãi góc phía xa, liền đẩy nhẹ sang một tí vấn đề đất nước:
- Này, thế các cậu có thích nhà nước này không? Có thích bác Hồ không?
Cả 8, 9 thằng ngồi quanh đều cười ầm lên. Có mấy thằng hai bàn tay nắm chặt vào nhau, đưa cao lên đầu như lạy lạy ở trên không. Ba, bốn đứa đều định nói, nhưng thằng Minh “Trố” nói trước một cách dõng dạc:
- Em không nghĩ là anh lại hỏi chúng em như vậy. Chúng em nghĩ là anh đã thừa hiểu chúng em rồi. Em năm nay đã 23 tuổi, cũng đã học hết lớp 10, em nói một cách có giá trị là: không một người dân Hà Nội nào nói riêng, và cả miền Bắc nói chung lại ưa cái chế độ Cộng Sản chó chết này cả, chỉ trừ một số ít người có những ân huệ đặc biệt không kể. Chúng em chỉ mong miền Nam Bắc tiến. Lúc đó, dân và ngay nhiều cán bộ cũng quay súng bắn trở lại những lũ chỉ huy, lãnh đạo ngay. Anh nhìn thấy bộ đội hoặc tự vệ các nhà máy, quyết tâm tử chiến với máy bay Mỹ, thì tưởng là toàn dân miền Bắc chống Mỹ ghê lắm. Hiểu như vậy là hoàn toàn lầm. Chúng em cũng từng là bộ đội, là tự vệ rồi. Tất cả
chẳng qua vì cái thế, vì nồi cơm, vì chỗ đứng. Nếu không bắn sẽ bị quy về tư tưởng, người này theo kèm người kia. Chứ bộ binh của miền Nam, hay Mỹ nếu ra đây, sẽ cuốn lôi từng mảng. Rồi như giòng thác vỡ bờ, toàn dân được dịp đứng dậy trả thù lũ khát máu.
Ngừng một chút, thằng Minh “Trố” lại phấn khởi nói tiếp:
- Anh có biết, niềm mơ ước, hoài bão của người dân Hà Nội sau này sẽ thực hiện bằng được, là cái gì không anh?
Tôi nhìn khắp lượt, gần 20 con mắt đang mở to long lanh chờ câu trả lời của tôi. Tôi cho là quá dễ dàng, nên trả lời ngay:
- Mơ ước là được đổi lại chế độ tự do, tư bản chứ gì!?
Mấy cái miệng đều toét ra cười, đầu lắc lắc. Thằng Phúc “Thổ” nheo nheo đôi mắt nói:
- Điều đó là dĩ nhiên rồi, ai cũng biết. Chúng em muốn nói một niềm mơ ước, sau khi đã diệt hết lũ Cộng này rồi cơ?
Chúng nó đều nhìn tôi với những con mắt đầy màu xanh mộng ước, trên những nét mặt rạng rỡ nhìn về ngày mai. Tôi đăm chiêu nghĩ suy một lúc, thấy câu hỏi mở rộng quá nhiều vấn đề để trả lời, cuối cùng, tôi cũng lúng túng, đành chịu thua. Minh “Trố” điềm đạm nói ngay:
- Có gì đâu anh phải suy nghĩ nhiều, hở anh! Sau này, anh được ra, anh cứ đi từ nội cũng như ngoại thành; anh hỏi bất cứ người dân nào nếu họ tin anh, ai họ cũng sẽ trả lời là: một điều khắc cốt, ghi xương, nếu họ không làm được, thì họ trối lại cho đời con, đời cháu của họ, phải thực hiện cho kỳ được, nếu không, con cháu của dân Hà Nội đều bất hiếu với tổ tiên; (nó như một lời nguyền của dân tộc); là hãy phá tan khu Ba Đình, và kiến thiết xây một nhà xí công cộng, đầy tiện nghi cho người Hà Nội xử dụng!
Óc của người Hà Nội thật là phong phú, làm tôi cũng phải phì cười. Một sự việc bao quát rất nhiều vấn đề của lòng dân, đối với một chế độ mệnh danh là… “đỉnh cao trí tuệ của loài người và lương tâm của nhân loại!…”
Thấy chúng tôi cười vui ròn rã chuyện trò, tên Hưng liền mò lại. Y mới đi được vài bước, thằng Phúc “Thổ” vẫn vờ coi như không biết, đường hoàng nói tiếp:
- Anh có biết thú vui của một số các ông 40, 50 tuổi ở Hà Nội bây giờ là thế nào không?
Tôi cho là một câu hỏi để che lấp câu chuyện trên, nên cười lắc đầu; không ngờ nó lại nói tiếp để giải thích:
- Cứ bốn, năm ông kiếm một căn buồng, đưa rượu và đồ nhắm đến, rồi đưa một con nhãi chỉ 13 đến 15 tuổi, bắt lột hết quần áo, ngồi hết lòng ông này, đến lòng ông khác. Các ông vừa bế, vừa uống rượu.
Tôi cho là nó nói đùa, nên cười nói:
- Các cậu bầy đặt lắm chuyện, làm gì có chuyện thế!
Nhưng, Phúc “Thổ” và mấy cậu đều nghiêm mặt. Minh “Trố” nói tiếp:
- Chuyện này có thực đấy, anh ạ! Phổ cập là đàng khác. Các ông quá chán chường, lại không có lối nào thoát. Này nhé, tiền thì không kiếm đâu ra, tuy chơi gái thì rẻ thôi, nhưng không có tiền để tẩm bổ, nhất là khi có bệnh nữa; cho nên, các ông thích “giải trí” theo kiểu ấy lắm, anh ơi!
Tên Hưng vừa đến, định ngồi xuống, nhưng thấy thái độ của chúng nó không muốn tiếp; hơn nữa, chúng lại đang nói chuyện gái, nên y lại đi vòng qua luôn. Tôi quay lại, nhìn khắp các bộ mặt một lượt, rồi nói:
- Các cậu có những thủ đoạn, mánh lới như tình báo ấy. Tôi nể các cậu đấy!
Phúc “Thổ” cười, mặt hơi đỏ lên:
- Anh quá khen làm chúng em ngượng, chẳng qua vì cuộc sống thực tiễn đầy mưu mô, lừa lọc, rình mò, theo dõi của cái xã hội này đã dạy chúng em phải như vậy để sống còn. Như thế gọi là đổi “gam” anh ạ! Nếu tên chó chết đến, mình đang nói chuyện mà im bặt, nó càng nghi. Phải vờ coi như không trông thấy nó, nhưng đổi thành đề tài khác, rồi vẫn nói chuyện bình thường.
Buổi chiều hôm đó, trời lại hanh nắng. Tôi đang đúng ngoài cửa buồng đưa mắt về mấy khu quây cót, nơi ngăn riêng của phi công Mỹ, chợt nghe những tiếng ầm ầm quát tháo, và thấy nhiều những cẳng chân lông lá chạy xô chỗ này, quẩn chỗ kia như có cuộc ẩu đả, đánh nhau; thì có tiếng tên Kế, đang ngồi ở chiếc bàn con kê sát mé hiên nhà, gọi tôi. Khi tôi tiến đến bàn y, y đưa cho tôi một chiếc chìa khóa và nói giọng rỏn rẻn miền Nam:
- Anh vô buồng, gọi hai thằng vệ sinh trực bữa nay, đem bô và chổi vô chỗ phòng cát xô phía trên, bắt tụi nó dội rửa, quét sạch phân với nước tiểu đi nghe!
Tôi vào buồng gọi hai thằng vệ sinh. Mỗi ngày có bốn đứa, vì vậy, thấy nói vào cát xô làm vệ sinh, cả 4 đứa đều tranh nhau muốn được phân công. Tôi thấy hơi lạ thì Phúc “Thổ”, đang đứng bên Thọ “Lột”, đã nói:
- Có gì đâu anh. Ba hôm trước có bốn con “mòng” bị đưa vào phòng cát xô kỷ luật vì tội trùm chăn đánh “zoóc” ở khu nữ. Trong đó, chúng em biết có con Điệp “Nổ” và con Yến “Lai”, nhiều đứa thích, nên chúng nó muốn theo anh vào cát xô đấy. Chúng em cũng muốn vào, nhưng không được.
Thọ “Lột” móc hai điếu thuốc Điện Biên đưa cho tôi, cười:
- Mời anh một điếu, còn một anh cho con Yến “Lai” giùm em.
Rồi nó quay lại, chỉ hai thằng 15, 16 tuổi, bé loắt choắt:
- Hai thằng này theo anh Bình vào làm vệ sinh, còn hai thằng kia về chỗ.
Tôi dẫn hai thằng vào mở khóa một căn buồng. Mùi khai thối nồng nặc. Giữa buồng là cái cũi hay cái chuồng bằng sắt với những chấn song to bằng cổ tay, dựng đứng từ nền tới trần nhà, cao khoảng hai mét, các chấn song cách nhau khoảng 10 phân. Cũi hình chữ nhật, rộng chừng 1m50 và dài khoảng 2m. Bên trong cũi, có 4 cô gái chừng 15 đến 17, cô cặp tóc, cô “phi dê”. Một cô da bánh mật, còn 3 cô thật sáng sủa. Chẳng có chăn chiếu gì; trời mùa Đông lạnh buốt, các cô phải nằm ôm nhau thành một đống ở giữa cũi.
Thấy tôi vào, các cô đều bò dậy. Quần áo, phần thì chật ngắn, phần thì rách hở hang, các cô đều đỏ mặt ngượng ngùng, ngồi co dúm lại, lấy đôi tay định che kín cả người. Tôi cũng hơi ngượng, quay bảo hai tên mang bô ra chỗ máy nước ngoài sân, lấy hai bô nước vào.
Từ nãy, tôi muốn hỏi cô nào là Yến “Lai” để đưa điếu thuốc của Thọ “Lột”, nhưng vì ngượng nên lúng túng, đứng yên, chờ hai đứa mang nước vào. Có lẽ nhìn thấy tôi như vậy, nên các cô bạo ra. Một cô ngập ngừng lên tiếng hỏi:
- Chú là trật tự ở đây đấy ư?
Thấy hỏi, tôi cung bạo thêm lên, dù không dám nhìn thẳng phía các cô. Tôi đã từng ở xà lim, đã từng ở cát xô dưới hầm, tôi hiểu cái lạnh chết người của sắt và xi măng. Một tình thương cảm dạt dào dấy lên trong lòng tôi. Những mái đầu xanh này vì đâu đã sớm phải trong cảnh lầm than tù ngục như thế này!? Tôi không còn thấy ngượng nữa, hỏi thăm ngay:
- Lạnh thế này, đêm các cô ngủ làm sao?
Hình như câu tôi hỏi đã chạnh nỗi niềm vẫn khép kín trong tâm tư, mắt cô nào cũng đỏ lên. Một cô, ngấn lệ long lanh, nói trong thổn thức:
- Rét lắm chú ơi! Cả đêm, chúng cháu cứ ôm nhau khóc, không ngủ được.
Trong khi tôi và các cô nói chuyện, hai cậu nhỏ vừa dội, vừa quét chung quanh. Sau khi đã biết được tên cả 4 cô, tôi đưa cả hai điếu thuốc lá, nói rõ một điếu của Thọ “Lột” gửi cho Yến “Lai”, còn tôi chỉ có một điếu, các cô hút chung mấy hơi cho đỡ lạnh. Tôi đánh diêm cho các cô hút. Một cô, vừa ngửa cổ thở cho khói bay lên trần nhà, mắt lim dim, vừa nói:
- Chú tử tế, thương người quá nhỉ!
Tôi nhẹ nhàng nói:
- Tôi chả tử tế đâu, chẳng qua tôi cũng từng ở cảnh như các cô, cho nên tôi thông cảm.
Lúc hai cậu đã quét dọn xong, hỏi tôi cho ra giặt chổi, rửa chân tay, một cô nhìn tôi ngập ngừng một chút, rồi hỏi:
- Chú ơi, chúng cháu muốn nhờ chú một việc. Chúng cháu, 3 người bị…
Nói đến đây, tự nhiên cô đỏ mặt lên không nói được nữa. Một cô khác rụt rè hỏi:
- Thế, chú đã có vợ chưa?
Tôi cũng hơi ngượng, chỉ lắc đầu, chẳng hiểu các cô có điều gì mà khó nói thế. Mấy cô có vẻ băn khoăn, đắn đo. Một lát, một cô kêu lên vẻ ngại ngần:
- Khó quá nhỉ! Thôi, chú cứ ra gặp bà Hoa, hay bà Thơ, bà y tá nói là 3 chúng cháu bị “ăn chay”, xin bà cho đi làm vệ sinh.
Thấy tôi nhìn bằng ánh mắt chưa hiểu ý, một cô nói tiếp:
- Chú cứ nói giúp với các bà ấy cho chúng cháu như vậy, các bà ấy hiểu ngay à!
Tôi nhận lời. Khi khóa cửa, ra tới sân vừa thoáng thấy bóng bà Hoa ở phía buồng số 9 đi ra, tôi đón đường báo cáo như trên. Bà đã gật đầu, mà tôi vẫn chưa rõ là vấn đề gì. Mãi khi về buồng, kể chuyện lại, mấy cậu đều cười, giải thích là các cô có “kinh nguyệt”. Thế mà bày đặt là “ăn chay”! Phụ nữ lắm chuyện thật! Dùng lắm cái từ có trời mới hiểu.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen