Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 138
Phí download: 11 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 17690 / 182
Cập nhật: 2015-05-24 22:28:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P 5- Chương 7 -
uân ngụ tại ngôi nhà hai tầng quét vôi vàng, kiểu kiến trúc đồng loạt các công sở xây dựng vào những năm đầu thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ. Ngôi nhà ngó ra sông Bến Tre, một chi lưu của sông Cửu Long, trong khuôn viên rợp tàn cổ thụ, tường bao bốn phía. Đằng sau là tòa hành chính, nơi làm việc của tỉnh trưởng.
Dung không theo Luân xuống đây - cô cần tiếp tục ở cương vị cũ: Văn phòng Tổng nha cảnh sát Quốc gia. Người thân tín còn lại của Luân là Thạch. Cho tới bây giờ, Thạch vẫn chưa hề hay biết thân phận thật của Luân. Lòng trung thành của Thạch đối với Luân tất nhiên sâu hơn nhiều so lúc anh mới về ở cạnh Luân, đó là lòng trung thành của một người giúp việc lâu ngày cảm phục và yêu mến chủ. Vợ Thạch thường nhắc anh chăm sóc Luân “như chăm sóc cha, anh ruột của mình”. Thạch hiểu liền ý vợ: đạo lý ở đời phải vậy. Không phải Luân mà vợ Thạch căn dặn Thạch dòm trước ngó sau chung quanh Luân. “Ổng là người ngay, làm việc theo lẽ phải, thiếu gì người ghét, muốn hại ổng”. Vợ Thạch gợi ý chung chung, còn Thạch sát Luân: nên tiếp nhận lời khuyên của vợ theo ý nghĩa cụ thể: Sở nghiên cứu chính trị, An ninh quân đội, có thể cơ quan tình báo Mỹ nữa không ưa trung tá. Việt Cộng thì khỏi nói.
Còn ông Ngô Đình Nhu - ông tỏ ra bồ bịch với trung tá mà tại sao gã Hoa kiều Ly Kai cứ thậm thò thậm thụt săn tin trung tá hoài? Mỗi lần Thạch báo với Luân về thái độ khả nghi của Ly Kai thì Luân chỉ cười nhẹ: “Kệ gã!”. Ông trung tá có thể bỏ qua gã Hoa kiều, chớ Thạch thì đời nào!
Đến Bến Tre, Luân lấy lái xe tại chỗ - chuẩn úy Võ Văn Tập, đã phục vụ trung tá Lê Như Hùng. Tập quê ngay tại thị xã, chưa vợ con, trước là học sinh. Cha Tập, đốc học một trường quận nay hưu trí, mẹ chuyên nghề bánh mứt. Hai mươi sáu tuổi, Tập thuộc dạng đẹp trai, ít nói, hiền. Tuy nhiên, Thạch vẫn áy náy: gã lái xe có đôi mắt khá sắc, nhất là khi gã liếc Luân. Cái vố trung sĩ Toàn chưa hết ám ảnh Thạch - mỗi lần Luân cởi trần, vết thẹo trên vai khiến Thạch điếng người.
Dinh tỉnh trưởng được phân đôi: Luân và Thạch ở tầng trên, tầng dưới thuộc các sĩ quan tiếp cận tỉnh trưởng. Tất cả có bốn đại úy và một trung úy: đại úy chỉ huy đội bảo vệ tỉnh trưởng; trung úy phụ trách truyền tin; đại úy chỉ huy trưởng Bảo an tỉnh; đại úy tham mưu trưởng tỉnh; đại úy thư ký riêng của tỉnh trưởng. Chung Văn Hoa và Nguyễn Thành Động, chỉ huy trưởng và tham mưu trưởng tỉnh, ban ngày làm việc ở Sở chỉ huy đặt ở làng Sơn Động trên đường đi Hàm Luông, ngay khu vực sân bay, chiều tối về nghỉ tại đây. Trong năm sĩ quan đó, Hồ Nhựt Thanh phụ trách truyền tin là người Bến Tre.
… Luân đang nghỉ trưa. Thật sự, anh chỉ chợp mắt một thoáng thôi. Từ khi nhận nhiệm vụ, Luân phải làm việc ngày đêm. Anh hoàn toàn nhận thức khá rõ khó khăn của mình trong tình hình cực kỳ phức tạp của tỉnh và chính tình hình phức tạp ấy càng đẩy anh vào vị trí phức tạp hơn. Đúng, Kiến Hòa không phải Bình Dương. Ở Bình Dương, mọi việc chưa rõ ràng, chiến dịch “Cơn hồng thủy” mở giữa một vùng mà cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân vừa chớm, anh dễ dàng che giấu hành động tiếp trợ phong trào. Còn ở Kiến Hoà, hình thức vũ trang không còn dừng ngang mức tự vệ mà đồng bào đã sử dụng nó như một phương tiện tấn công. Nói cách khác, chiến tranh thực sự đã triển khai trên một diện rộng và với một cường độ dồn dập. Anh em Diệm - Nhu - và chắc chắn cả Mỹ nữa - muốn mượn bàn tay anh triệt hạ phong trào đấu tranh lên đến cao độ của nhân dân Bến Tre. Anh bắt buộc phải vắt óc tìm cách sao cho vừa lòe được Sài Gòn, vừa hỗ trợ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Một băn khoăn khác không nhỏ, là cái gã mặt mũi phẳng phiu, đôi mắt giảo hoạt ở Cồn Ốc. Tự nhiên, liên kết với điều trung tá Lê Như Hùng thổ lộ, Luân bắt đầu nghiêng về khả năng “nghị quyết 15” lọt vào tay CIA qua con đường này. Một tên nội gián - và nếu thiếu tá Hùng không huênh hoang, thì hắn là một huyện ủy viên. Có phải hắn không? Hay hắn chỉ là đầu mối? Liên lạc từ hôm điện đài bị bom chưa nối lại được. Anh và Dung không có cách nào báo về cấp trên trừ phi chính cấp trên cho người móc. Đọc báo hôm nào Luân cũng lục lạo phần nhắn tin ở trang chót. Chẳng thấy.
Chuông điện thoại reo. Nhu nói chuyện với anh. Hẳn phải có cái gì thật bức thiết, Nhu mới gọi cho anh giờ này.
- Alô! Chào anh. Tôi nghe đây… - Luân nói.
- Anh biết tin Nam Hàn chưa? - Giọng Nhu mất bình tĩnh.
- Việc ông Lý Thừa Vãn đó, phải không?
- Đúng! Ông ta bị đưa đi an trí ở Hạ Uy Di (1) … - Giọng Nhu càng mất bình tĩnh hơn. - Salaud! (2) Tụi nó dựa vào đám sinh viên, lấy cớ chống bầu cử gian lận…
Luân theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình Nam Triều Tiên từ khi anh chưa rời Sài Gòn. Nhưng anh không ngờ sự kiện đó xúc động Nhu đến như vậy.
- Không chỉ ở Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ cũng găng. Menderes (3) bị lật đổ… Các chính phủ hợp hiến đều bị lật đổ, mỉa mai thật, không do Cộng sản… Ở Thổ, chính là quân đội.
Nhu cáu quá, lần nữa văng tục: Merde!(4)
Luân không biết phải đối đáp sao cho ổn. Quả thần kinh dinh Độc Lập bị chấn động. Bây giờ bất cứ hành vi nào của Mỹ nhằm gò cương bầy ngựa kéo xe cho đúng hướng đều được anh em Diệm - Nhu tiếp nhận như mũi dao đâm vào họ.
- Anh thấy thế nào? - Nhu sốt ruột, giục Luân… - Ta cần làm gì?
- Tôi đồng ý với anh đó là sự tráo trở. Song không phải người ta có thể tuỳ ý thọc tay vào bất cứ đâu và bao giờ cũng được yên lành cả… Ông Lý Thừa Vãn, ông Menderès có cái nhược của các ông ấy… - Luân chọn lựa từng lời.
- Anh có thể về Sài Gòn chiều nay không? - Nhu hỏi đột ngột.
- Anh cần tôi gấp sao?
- Thôi… - Nhu ngần ngừ - Hôm khánh thành khu trù mật Thành Thới, tôi sẽ gặp anh… Công việc thế nào?
Cuộc điện đàm chấm dứt. Luân tư lự rất lâu. “Một ngày đột biến bằng mười năm” Luân nhớ tới lời của một nhà cách mạng. Câu hỏi “Ta cần làm gì?” của Nhu cũng chính là câu Luân tự hỏi…
Ngay chiều hôm đó, Luân ra sân bay đón tướng Mỹ Mac Garr. Anh chưa từng quen viên tướng 3 sao sắp thay tướng Samuel T. Williams này. Điều mà anh để ý là Mac Garr mới đặt chân lên Sài Gòn ngày hôm kia. Có vẻ Kiến Hòa bận tâm phái đoàn quân sự Mỹ hơn đâu hết. “Công thức thay đổi”, ít ra cũng một phần - Luân suy nghĩ. Số nhân viên quân sự, khí tài chiến tranh, ngân sạch quân sự cùng với Mac Garr nhất định sẽ tăng lên kéo theo hiệu quả là tiếng nói của người Mỹ nặng cân hơn trước, không riêng lĩnh vực quân sự, quyền lực chính trị của ông Diệm hiển nhiên cũng bị thu hẹp nếu người Mỹ vẫn còn dùng ông.
Hóa ra không phải một mình Mac Garr và tuỳ tùng đến Bến Tre: Đại tá người Anh, Thompson, nổi tiếng như chuyên gia cừ khôi chống du kích ở Mã Lai cùng đi với Mac Garr.
Chủ và khách bắt tay nhau. Thompson nồng nhiệt - thật ra ông ta tự hiểu vai vế của mình tại Việt Nam bên cạnh người Mỹ. Mac Garr hờ hững. “Thị trường chứng khoán đồng dollar lên” - Luân nghĩ thầm. Thay vì ngó thẳng viên quan đầu tỉnh Việt Nam, tướng Mac Garr, ngay khi còn trên cầu thang chiếc Dakota, chăm chú - bày tỏ cho mọi người biết là ông chăm chú - bày tỏ cho mọi người biết là ông chăm chú - quan sát khu vực sân bay và Sở chỉ huy Bảo an tỉnh.
- Bây giờ thì tôi hiểu vì sao các ông thua tại đây, tại tỉnh Kiến Hòa… - Đó là câu mở miệng đầu tiêng của Mac Garr, khi mọi người vào Sở chỉ huy Bảo an, ngồi giữa phòng khách. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ, người làm nhiệm vụ lễ tân đưa khách xuống Kiến Hòa che nỗi ngượng ngùng bằng cách lấy khăn tay lau cặp kiếng đen. Đại tá Thompson tế nhị liếc nhìn trần thiết trong phòng. Các sĩ quan tùy tùng Mỹ im lặng chờ đợi chủ tướng phán nốt nhận xét, biết đâu không trở thành bài luận văn quân sự đăng trên tờ Stars and Stripes (5). Đại tá Chung Văn Hoa, chưa nghe trôi chảy tiếng Anh, nhờ đại úy Nguyễn Thành Động dịch và nghe xong, anh xẻn lẻn. Nguyễn Thành Động trái lại, nhún vai:
- Tướng quân nói không đúng!
Anh nói tiếng Anh. Mac Garr sửng sốt. Bởi trước mặt ông ta, một đại úy nhỏ thó, cách biệt với ông ta về mọi phương diện: cấp chức, tuổi tác, thân thể…
- Đại úy tham mưu trưởng bảo sao? - Mac Garr cố tự chủ, nhưng câu hỏi vặn vẫn đầy âm sắc chỉ huy.
- Chúng tôi chưa thua, thưa tướng quân… - Đại úy Động không lẩn tránh cái nhìn trịch thượng của Mac Garr cũng như cái nhìn sợ hãi của Nguyễn Ngọc Lễ, giọng đĩnh đạc.
- Chưa thua? - Mac Garr giả bộ ngạc nhiên - Chưa thua mà sân bay, sở chỉ huy được bảo vệ kỹ đến mức tôi không tài nào đếm xuể bao nhiêu chiến hào và rào kẽm gai…
Mac Garr, sau đó, cười. Đại úy Động cắn môi, lờ cái liếc cảnh cáo “Im!” của Nguyễn Ngọc Lễ.
- Thưa tướng quân, thói quen của các vị chỉ huy cao cấp là phải tìm một lời khiển trách nào đó mỗi khi gặp cấp dưới. Rủi cho tướng quân, lời khiển trách của tướng quân thiếu chính xác. Hơn nữa, từ biểu hiện phòng thủ của căn cứ mà không quân đội nước nào được coi thường, tướng quân lại mở rộng thành nhận xét bao quát về thắng bại của một chiến trường, tôi hoàn toàn không thể hiểu!
- Anh phải hiểu! Bắt buộc anh phải hiểu! - Mac Garr quát to, mặt đỏ nhừ - Các anh không được quyền chui tọt vào chăn, lẩn tránh Vixi như con đà điểu… Các anh phải lùng sục. Hiểu chưa, anh nhóc? Trường võ bị nào dạy anh như vậy? Saint Cyr hả?
- Thưa tướng quân. - Động lạc giọng - Nếu có thì giờ, mời tướng quân đi lùng sục với tôi. Xin nhớ cho: đi bộ, chớ không phải lùng sục bằng máy bay. Có cần trình báo với tướng quân những vết thương trong người tôi không? Ngay vị chỉ huy của tôi - Động trỏ Luân, tự nãy giờ bình thản theo dõi cuộc đối đáp, nhiều lần cười mỉm trước những cái ra hiệu của Nguyễn Ngọc Lễ bảo anh “tốp” thuộc hạ lại, - trung tá tỉnh trưởng cũng mang vết thương chí mạng. Thưa tướng quân, tôi là đại úy Nguyễn Thành Động, có tên có tuổi, chớ không phải anh nhóc nào đó. Còn tướng quân muốn biết những kiến thức quân sự của tôi thu lượm từ đâu thì xin thưa: tôi tốt nghiệp khóa đào tạo tham mưu cáo cấp Fort Bragg tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ!
Trong khi tranh luận, Động luôn luôn giữ thế của một sĩ quan cấp úy trước một vị tướng. Thái độ nghiêm túc đó đã góp phần thắng lợi cho anh.
Mac Garr quả lúng túng. Sự diễu võ dương oai của ông đập lại ông. Đại tá Thompson châm thuốc mà ai cũng thấy ông cố che nụ cười chế giễu rất “ăng lê”
- Đại úy ngồi xuống! - Luân thấy đến lúc cần can thiệp - Thưa tướng quân, tôi xin phép được tường tình tình hình trong tỉnh…
Luân cầm gậy, đứng trước bản đồ.
- Xin lỗi trung tá tỉnh trưởng! - Mac Garr đưa tay ngăn Luân, giọng bỗng dịu dàng - Một câu hỏi ngắn: đại úy Nguyễn Thành Động là em của trung tá?
Rõ ràng là viên tướng Mỹ chưa rứt khỏi đại úy Động.
- Thưa tướng quân, không! Chúng tôi cùng họ nhưng khác quê. Tôi sinh ở Vĩnh Long, còn đại úy Động ở Kiến An, Bắc Việt. Trường hợp trùng họ khá phổ biến tại Việt Nam…
- Dẫu sao tôi cũng phải ngỏ lời khen đại úy Động! - Mac Garr rời chổ ngồi đến bắt tay Động - Dũng cảm!
Chính nhờ lối xử sự khôn ngoan đó mà Mac Garr lấy lại được tư thế trong suốt thời gian nghe Luân.
- Tôi muốn nêu một vấn đề… - Thompson đọc những ghi chú trong quyển sổ tay, khi Luân nói xong - Thưa trung tá, như trung tá phân tích, tính chất của tình hình tỉnh Kiến Hòa khá đặc biệt. Đặc biệt hơn Mã Lai, nơi tôi đối đầu với Cộng sản. Ở Mã Lai, Cộng sản lập căn cứ trong rừng… Cô lập Cộng sản với dân ở Mã Lai không khó lắm. Tôi muốn nghe trung ta nói suy nghĩ của mình về chính sách của chính phủ tại Kiến Hòa trong đặc điểm tình hình như vậy…
Luân ra chiều suy nghĩ. Anh không suy nghĩ về nội dung vấn đề do Thompson nêu mà tính xem nên trả lời như thế nào có lợi hơn hết - không phải với Thompson, chính là với Mac Garr.
- Thưa đại tá, tôi phải nói lời đầu tiên là cám ơn đại tá. Tôi đã nghiên cứu - nghiên cứu chứ không chỉ đọc - các bài viết của đại tá liên quan đến cuộc chiến tranh chống du kích Cộng sản Mã Lai. Rất bổ ích. Trong thế giới tự do, đại tá là nhà quân sự đi trước một bước trên lĩnh vực này… - Luân tiếp tục rào đón.
- Trung tá vì cảm tình mà nhận xét thiên lệch đấy! - Thompson thích quá, đưa đẩy.
- Phải chăng dựa vào kinh nghiệm của đại tá huân tước Thompson mà Việt Nam thực hiện được chính sách khu trù mật? - Mac Garr hỏi.
- Có lẻ tôi không cần giấu giếm quan điểm cá nhân về chính sách khu trù mật. Khu trù mật không là biện pháp hay nhất, ít ra cũng tại Kiến Hòa… - Luân đã xác định chiến thuật. Câu hỏi của Mac Garr gợi cho anh cái ý là người Mỹ vốn nghèo nàn kinh nghiệm chống du kích, so với người Anh ở Mã Lai thì người Mỹ chậm hơn nhiều ở Philippin, nên rất tự ái về mô hình “ăng lê” trên bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt lĩnh vực quân sự - Tất nhiên là một quân nhân, tôi chấp hành chính sách đó vô điều kiện, đồng thời, với ý thức trách nhiệm tôi từng trình bày với Tổng thống nước tôi một vài mặt hạn chế của nó…
- Trung tá có thể nói rõ hơn không? - Mac Garr sốt ruột.
- Thưa tướng quân, tôi sắp nói… Mã Lai và Nam Việt khác nhau. Cộng sản Mã Lai sống trong rừng - hoặc chủ yếu dựa vào rừng. Địa bàn của Cộng sản ở Nam Việt, trái lại, trong dân. Cộng sản Mã Lai sao chép phương thức hoạt động ngoại nhập chỉ thích hợp với những đất nước đất rộng, dân đông. Cộng sản Nam Việt linh hoạt trong việc chọn lựa phương thức. Phong trào Cộng sản Mã Lai cách bức với thế giới Cộng sản còn Nam Việt là một phần của nước Việt Nam mà phần kia theo chính thể nào, các ngài đã rõ. Sau cùng, phong trào Cộng sản Nam Việt thoát thai từ một phong trào dân tộc mạnh mẽ, điều mà Mã Lai không có. Ở Mã Lai, chủ tịch Đảng Cộng sản là một người Mã Lai, phó chủ tịch là một người Ấn Độ và Tổng bí thư - Trần Bình - một người Trung Quốc. Có thể còn vài điểm dị biệt nữa, nhưng ta hãy dừng ở những luận cứ cần thiết. Mã Lai thành công khi tách được dân chúng với Cộng sản trên địa lý. Ở chúng tôi, Cộng sản tồn tại thậm chí ngay giữa thủ đô thì khu trù mật khó mà đạt hiệu quả cách ly đó. Thú thật, ở Kiến Hòa, rất phức tạp đối với chúng tôi trong phân biệt một người dân với một Việt Cộng nếu chỉ theo các tiêu chuẩn ở Mã Lai: có vũ khí hay không - không nhất thiết người Cộng sản nào cũng vũ trang; có chống chính phủ bằng lời nói hay không - nếu thế thì khu trù mật đúng là để nhốt Cộng sản bởi không chỉ riêng Cộng sản bất bình chính phủ…
Mac Garr nghe rất nghiêm túc, hình như ông bảo một đại tá ghi chép lời của Luân.
- Thế thì theo trung tá, thực chất của tình hình Nam Việt là gì? - Mac Garr hỏi - Tôi đọc kỹ, rất kỹ, phát biểu của ông Ngô Đình Diệm trong dịp ngày đầu năm cổ truyền nước các ông. Ông Nhu nói đến một tình thế chiến tranh mặc dù ông ấy tránh dùng từ chiến tranh. Hay, như nhà báo Helen Fanfani: “bù lu bù loa” một cách cường điệu?
- Là những quân nhân, chúng ta dể đánh giá các hiện tượng theo định kiến. Từ lâu rồi chiến tranh không còn mang nghĩa thuần túy quân sự, như chúng ta từng đọc trong các tác phẩm của các nhà chiến lược kinh điển. Chẳng hạn, đã có thuật ngữ “chiến tranh lạnh”. Chẳng hạn, “chiến tranh cân não”
- Thưa trung tá - Thompson nói, giọng trào phúng - để làm cho ngôn ngữ phong phú, tôi đề nghị trung tá gọi cuộc chiến tranh ở Nam Việt là Chiến tranh đặc biệt.
Mac Garr gật gù:
- Chúng ta không loại trừ sự tìm tòi những thuật ngữ bao quát được một hiện thực nào đó… Mời trung tá nói tiếp…
- Vấn đề cốt lõi ở nước Cộng hòa chúng tôi là chính trị. Chính trị, vũ khí thông dụng nhưng cơ bản. Chính trị tức là dân. Chúng tôi không sợ một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài mà sợ các bùng nổ từ bên trong. thẳng thắng mà nói, tình hình tạm thời xấu. Hiện nay không thể không liên quan một phần đến một số chính sách đã qua của chúng tôi. Tỷ như nạn hà lạm. Tỷ như sự hạn chế dân chủ…
- Và chế độ gia đình trị! - Mac Garr bất thần buông một câu dọa dẫm.
- Vâng! Gia đình trị, Thiên Chúa giáo trị. Trung bộ trị… - Luân phải ứng lập tức - Nếu những cái đó là thật…
- Tôi cám ơn trung tá. Thông tin và bình luận của trung tá đặc biệt có lợi cho chúng tôi. Bây giờ chúng ta đi sâu vào một số vấn đề quân sự và dẫu sao chúng ta cũng không thể khước từ. Chiến tranh gì - quy ước hay đặc biệt - đều đòi hỏi có quân đội, đồn lũy và trang bị. Trung tá cho biết dự định xây dựng lực lượng ở Kiến Hòa trong năm 1960 và vài năm tiếp theo…
Đáp lại đòi hỏi của Mac Garr, đại úy Nguyễn Thành Động cho căng lên một loạt biểu đồ và anh thuyết trình, đầy tự tin.
- Đại úy Động nắm vững kiến thức tham mưu lắm!
Mac Garr nghe một lúc, bảo khẽ thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ, qua một sĩ quan phiên dịch. Mac Garr muốn xỏ Lễ: Fort Bragg ưu việt hơn Saint Cyr. Mac Garr đâu biết là Lễ chẳng học trường võ bị nào ráo!
Sau buổi làm việc ở Sở chỉ huy, dùng cơm xong, Mac Garr cùng đoàn tùy tùng đi thăm một đơn vị Bảo an, nghiên cứu vũ khí và khí tài, chứng kiến một đoạn diễn tập ngắn.
Trước khi lên máy bay, ông ta vỗ vai Nguyễn Thành Động, nói vài lời phủ dụ, bắt tay Luân thật chặt:
- Tổng thống Ngô Đình Diệm đã không lầm khi giao cho ông trọng trách tại đây. Tôi hy vọng giữa cá nhân chúng ta có mối quan hệ. Tôi sẵn sàng tiếp trung tá nếu trung tá thấy cần, vào lúc nào, tùy trung tá… Trung tá thành công ở Kiến Hòa thì Nam Việt lưu giữ tôi được lâu ở cương vị Trưởng phái bộ quân sự Mỹ. Nước Mỹ biết ơn trung tá. - Mac Garr nheo mắt. Luân hiểu câu nói hàm xúc ấy: Mỹ lo lắng phải dính líu qua sâu về quân sự ở Việt Nam…
Các sĩ quan cùng đi với Mac Garr cũng tỏ ra trọng thị Luân. Nguyễn Ngọc Lễ thì rõ ràng không thích cấp dưới lại trội lên như vậy.
- Anh bớt nói chính trị đi! Lo mà dẹp Việt Cộng. - Thiếu tướng Lễ ra vẻ kẻ bề trên, dặn Luân.
- Đại úy cừ thật! - Luân khen Động, khi khách vãn.
- Chính bây giờ em mới thấy bản lĩnh của trung tá… Qua trung tá, em tự nhận xét mình còn trẻ con. Với mấy thằng Mỹ, đánh phải ra đánh. Đánh rất quân tử chứ không tiểu khí như em… Còn cái thằng đại tá Anh nữa… Kinh nghiệm chó nhá mà cũng bày đặt dạy thiên hạ!
Luân rất vui. Động nhất định có ích… Người không vui là đại úy chỉ huy trưởng Bảo an tỉnh, Chung Văn Hoa…
Chú thích
(1) tức Hawaii
(2) Đồ bẩn thỉu!
(3) Adnan Menderes (1899–1961), thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (1950-1960).
(4) Đồ chó!
(5) Báo Sao và Sọc của quân Mỹ ở Thái Bình Dương - sao và sọc lá quốc kỳ Mỹ.
Ván Bài Lật Ngửa Ván Bài Lật Ngửa - Nguyễn Trương Thiên Lý Ván Bài Lật Ngửa