Books can be dangerous. The best ones should be labeled "This could change your life."

Helen Exley

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 76: Tình Người … Hưng Yên
a sân, sau khi rửa mặt xong, tôi và bác Khánh lại lúi húi dọn dẹp chỗ “bàn” dài, để lát nữa chia cơm.
Sáng nào, từ ngày chuyển ra trại chung ngoài này, tôi cũng thấy cô Vân đặt một cái bàn con ở một góc sân, trên để khay thuốc, rồi hí hoáy phát và bôi thuốc ghẻ cho mấy đứa nhỏ. Tôi hiểu là thỉnh thoảng cô vẫn đưa mắt nhìn tôi. Cô muốn tôi ra xin thuốc từ mấy ngày nay, nhưng tôi cứ lờ đi coi như không biết. Tôi nghĩ sự việc rồi sẽ chẳng giải quyết được gì, mà chỉ làm cho trái tim rỉ máu nhiều hơn. Vả lại, trong điều kiện như thế này, tôi không có quyền làm buồn lòng một người con gái, dù là người đó thuộc phía đối phương. Danh dự của cá nhân tôi, và danh dự của chế độ nữa không phép tôi làm như vậy (nếu câu chuyện này vỡ lở ra, chúng sẽ có dịp bồi thêm là người của miền Nam chỉ trai gái, không có đạo đức, v.v…). Từ những suy nghĩ như trên, tôi cứ phải lẩn tránh. Bất đắc dĩ phải ra ngoài, tôi thường nhìn đi nơi khác.
Hôm nay cũng vậy, tôi dõi mắt xa xa, chỗ khe hở của tấm có vây ở sân, nhìn những cái chân trắng, đầy lông lá, đi đi lại lại. Óc đang miên man đầy vơi những nỗi niềm nghiêng ngửa của cuộc đời, chợt, một cậu bé đến cạnh tôi, thì thầm, mắt nhìn ra chỗ bàn cô Vân:
- Chú ơi! Cô y tá bảo mời chú ra cho cô hỏi gì ấy!
Tôi thấy rõ trái tim mình nhảy nhịp một cách bất thường. Cô Vân ơi! Thôi mà, xin cảm ơn tình cô. Xin hãy để cho tôi yên lành, lần mò trong quãng đường tăm tối của tôi! Dù đầu óc nghĩ như vậy; dù lòng chẳng có ý định và dù vẫn cố gắng cắm cúi lau bàn; tôi vẫn thấy trái tim mình nhảy lộn xộn loạn cả lên. Trong khi tai vẫn thoang thoảng nghe như có tiếng nói của ai đó luồn trong gió ở ngay phía sau mình, mà do những tiếng gọi nhỏ bé hun hút, từ trong hang sâu thẳm của cõi lòng tôi thúc giục đẩy đưa. Hai bàn chân tôi, từ từ tiến ra chiếc bàn cô Vân đang ngồi ghi ghi, chép chép. Rồi cô nhấc chai thuốc này, mở chai kia, như không hề chú ý đến tôi.
Tôi biết là cô đã thấy tôi ra, nhưng nét mặt cô lại rất lạnh lùng. Tôi cũng hiểu, lúc này cũng có hàng trăm con mắt đang để ý theo dõi, bởi vì dù muốn hay không, sự việc nằm ngay trước mắt người ta. Mãi một lúc, cô nhìn tôi, mắt cô run run, đang từ màu nâu chuyển dần qua máu lá mạ “nửa dòng”, rồi nhạt dần thành màu hoa thiên lý “con so”. Mặt cô thoáng hồng lên dưới ánh nắng nhạt của buổi sáng mùa Đông. Một bàn tay cô lơ đãng, đưa lên hẩy nhẹ mái tóc lả lơi buông xõa bờ vai. Môi cô mấp máy, thốt ra những lời run run trong gió Bắc hanh khô:
- Sao mấy ngày hôm nay, anh không ra?
- Ra làm gì cho buồn thêm!…
Tôi trả lời trong hiu hắt nghẹn lòng. Giữa lúc ấy, tên Lê, phó giám thị từ phía cổng trại chung đi vào. Cô Vân vội nhặt 3 viên thuốc trong khay, gói vào một miếng giấy nhỏ, rồi đưa cho tôi, nói nho nhỏ:
- Mai, gần cuối giờ, anh báo cáo ra đây xin thuốc!
Tôi cầm gói thuốc đi về chỗ bàn chia cơm, người còn bần thần như vào một buổi chiều lộng gió, ngồi một mình nhìn ra cửa biển mênh mông. Vân nhẹ trách tôi sao mấy ngày không ra, thế là rõ lòng cô đã chờ đợi mong mỏi đấy. Vân ơi! Tôi cũng mong, cũng nhớ lắm. Nỗi mong nhớ khao khát của tôi hẳn còn sâu đầy hơn Vân nhiều. Tôi biết rung động trước tình người, bén nhậy với ân nghĩa, thế mà tôi đã bị rào kín, bị bóc lột đến độ tàn bạo. Sáu năm dài buồn bã trong căn buồng hẹp, cùm kẹp lê thê, khổ nhục đã làm tôi thiếu khát mọi thứ. Tôi thèm khát mùi lá khô, mùi hoa bàng. Tôi ngẩn ngơ nhìn ánh nắng. Tôi thả hồn với mây chiều, với mưa phùn gió Bấc. Tôi đắm say nghe tiếng chim ríu rít trên cành bàng, những sinh vật duy nhất nơi đây không hận thù…..Tôi muốn được san sẻ cõi lòng, khát khao bầu bạn.
Thế rồi, Vân đã đến với tôi, với một tình người dạt dào trong sáng. Để rồi tôi đã được những phút ngập ngừng, hồi hộp, say sưa. Và Vân đã mong nhớ. Và chúng ta đã bao lần trằn trọc trong đêm khuya.
Nếu như thế đã là đôi chút của tình yêu, thì sao nhì? Phải chăng đó là phần tinh khiết cao quý nhất của con người mà sắt máu, khủng bố của chế độ này đã không đàn áp nổi? Và phải chăng, nó cũng chính là chứng nhân và thẩm phán của chân lý, của tình người, để tuyên án chế độ này?…
Đang nghĩ ngợi miên man, chợt Thọ “Lột” đến ghé vào tai tôi, thì thầm:
- Anh ơi! Mấy hôm trước, đài nói Nguyễn Chí Thanh bị mệt nặng, các bác sĩ đã tận tình cứu chữa ở Liên Xô, nhưng cuối cùng bị chết. Nhưng, thực ra, bên ngoài Hà Nội, người ta đồn là Nguyễn Chí Thanh bị bom B-52 chết ở Dầu Tiếng, trong Nam, anh a.
Để xác định rõ, tôi hỏi thêm:
- Em nghe thấy từ bao giờ, khi còn ở ngoài Hà Nội, hay mới đây? Theo em, nguồn tin này do từ cán bộ nói ra, hay từ những người nghe đài BBC, hay từ đài miền Nam?
- Thằng bạn em nghe đài Sài Gòn. Nó mới bị bắt vào, nói lại.
Tôi động viên ca ngợi nó:
- Cảm ơn em, em có những nguồn tin thật là tuyệt. Nhưng, nhớ đừng cho ai biết là em đã kể cho anh nghe!
Chiều hôm ấy, khi tôi vừa ra cửa (trật tự được quyền ra vào, nhưng cũng chỉ ở góc cửa buồng mình), thấy buồng bên cạnh có 4, 5 anh đang thập thò ở cửa. Lại nghe tiếng nói của một người nào đó, rất quen đang nói chuyện vời một anh đứng gần đấy. Cái tiếng khàn khàn, đờn đợt, trọ trẹ miền Nam, tôi ghé gần một cậu, hỏi nhỏ về người có tiếng nói rất quen đó. Với hai con mắt him híp như mắt con heo nái, liếc đi liếc lại, long sòng sọc; miệng cười hềnh hệch, nhe những chiếc răng bàn cuốc, trong góc có một chiếc răng vàng đã bẹp dúm một bên. Chính anh ta đã nghe thấy tôi hỏi cậu kia, nên đã ưỡn thẳng người lên, rồi trả lời với vẻ ta đây:
- “Long Châu Sa” Lê Văn Lương, mới ở trại trung ương về đây!
- Trại nào?
- Trại I Phố Lu, Lào Kay.
- Tại sao lại về?
- Vụ án phải xử lại.
- Thế Nguyễn Văn Căn, sao?
Y mở to mắt nhìn tôi, như hỏi sao tôi biết, nhưng miệng y vẫn trả lời dù chưa hiểu vì sao tôi lại biết chuyện của Căn:
- Đã bắn 3 năm nay rồi còn đâu!
Dù đã biết vậy, nhưng tôi vẫn thấy tim mình như thắt lại khi nghe tin cụ thể về anh Căn. Anh đã chết rồi! Như vậy, ngày từ ngày đó, ngày tôi đào thoát, rồi bị đưa vào cát xô gần hai tháng, là thời gian anh Căn bị đưa đi bắn. Tôi nhắm mắt, gục nghiêng đầu một phút để mặc niệm hương hồn của anh. Anh đã hy sinh cho quyền làm người của nhiều người.
Tên Lê Văn Lượng cũng đi trại trung ương 3 năm nay rồi. Y lại mới được đưa về đây. Mồm y ông ổng huênh hoang kể những chuyện trên trời dưới đất ở trên trại trung ương, miền núi rừng hẻo lánh xa xôi. Năm, sáu người, ngay trong phòng tôi, cũng ngồi hếch mắt, há mồm nghe, trong đó có cả bác Khánh. Riêng
tôi, tôi cứ bần thần suy nghĩ về tên người Việt gốc Căm pu chia này, một tên đểu giả vô lại (tôi cho là chưa từng thấy một người nào khả ố, lật lọng đến như vậy), lại liên quan đến tổ chức tình báo Trần Minh Châu tức Cập. Một tổ chức gián điệp được cài lại tứ 1954, dây dưa rất nhiều ẩn khúc. Anh Cập, đầu mối đã bị xử tử năm 1957. Rồi cuối cùng năm 1958, Căn và Lượng mới bị bắt, vì Lượng giết một đứa bé ở Hàng Bạc để bịt miệng, tứ đấy mà bị lộ. Căn đã bị xử tử năm 1964. Lương bị xử án chung thân, bây giờ lại được gọi về xử lại.
Đang miên man nghĩ ngợi về y, chợt nghe y nói tới một chuyện làm tôi chú ý. Y kể lại, năm 1964, miền Bắc có bắt được một vụ biệt kích. Toán biệt kích này có tên là toán “Boone”, gồm 5 người: Đinh Sơn, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Huy Lân, Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Văn Mạnh. Chẳng hiểu vì lý do gì, toán này khi nhẩy xuống đất, biết đã bị bao vây, nên tất cả đều hàng hết, hàng ngay.
Cộng Sản miền Bắc đã lợi dụng vụ này để làm chính trị. Đài phát thanh, báo chí, chúng làm rùm beng hàng mấy tháng trời, trong nước cũng như ngoài nước, để chuẩn bị cho một phiên tòa với nhiều đại biểu của cả nước và có cả sự tham dự, của nhiều phóng viên quốc tế, v.v… Chúng xử ròng rã 3 ngày, với bao nhiêu trỏ hề, làm đau lòng những người có giòng máu quốc gia và làm mát mặt những tên đít đỏ như rệp. Cuối cùng, để khuyến khích, cổ vũ các toán biệt kích sau này, khi ra Bắc sẽ đầu hàng ngay. Mặt khác, để chứng tỏ cho thế giới thấy chế độ xã hội chủ nghĩa “Lương tâm của loài người, đỉnh cao của trí tuệ, đầy lòng nhân đạo, thương yêu người dân như con cái trong nhà, như anh em ruột thịt, máu chảy ruột mềm v.v…”, chúng trang trọng tuyên bố tha bổng. Đài phát thanh, báo chí trong và ngoài nước bốc thơm như mít. Nhưng, bây giờ tên Lê Văn Lượng chết tiệt lại nói là, nếu các bạn muốn gặp các anh biệt kích đó, xin mời lên trại trung ương số I, Phố Lu, Lào Kay.
Câu chuyện y kể làm mọi người bâng khuâng, thấy đầy rẫy vô lý. Dù rằng y là một tên lỗ mãng, đểu cáng, nhưng có những sự việc y không thể dựng đứng lên được. Thí dụ như sự việc này, bởi vì người và việc còn đấy. Nội vụ đã đưa ra tòa, cả nước chứng kiến, bao nhiêu phóng viên quốc tế quay phim, chụp ảnh; mặt khác nữa, ngay những bị can, sau khi được tuyên bố tha bổng, lại bị đưa cả vào tù, đời nào họ chịu (!), Chính phủ ăn nói với họ ra làm sao? Cho nên, rằng muốn tin, nhưng lại không thể tin, chỉ vì sự việc còn cách một không gian từ Hỏa Lò lên trại Phố Lu. Vì vậy, câu chuyện này cũng để nó đấy, thời gian sẽ làm sáng tỏ sau.
Nhưng, có một điều chưa thể quên ngay được về câu chuyện này là, sáng hôm sau, chả biết tên chó má nào đã thọc với quản giáo. Thế là cả một buổi sáng, buồng số 5 phải ngồi tập trung lại, có tên Kế dự. Lượng phải ngồi riêng một chỗ để toàn buồng…”giúp đỡ” bằng cách sỉ vả, mạt sát y là thằng nói láo, phản tuyên truyền, xuyên tạc đường lối giáo dục, cải tạo nhân đạo của đảng,
chính sách khoan hồng độ lượng của cách mạng, v.v…Cả một nhà nước to lớn, cả một đảng Mác xít, Lê-nin-nít vĩ đại bao giờ lại thèm làm những chuyện trẻ con, lừa bịp như vậy, còn đâu là uy tín, còn đâu là nét mặt phúc hậu của “cha già dân tộc” là Hồ Chí Minh?…
Gần hai tiếng đồng hồ, mỗi người mỗi phát biểu sỉ vả. Ngồi ở buồng bên cạnh, tôi còn sốt cả ruột gan, nóng ran cả mình mẩy, huống chi Lượng. Phải nói là y tối tai, tối mắt, quay cuồng như con thú ngồi trên nồi rang. Dù y có cương cường, ngông hách đến chừng nào, cũng phải quỵ mọp đầu xuống trước hơn một trăm cái miệng châu vào bủa lưới ụp xuống đầu y.
Người ta nói “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết”, huống chi ở đây hàng hơn một trăm người, lại có “chính quyền” đứng làm ngáo ộp nữa! Ở đây, phải hiểu “chính quyền” là vũ khí bạo lực. Cho nên, cuối cùng anh đã cúi đầu nhận tội nói láo, phản tuyên truyền, chuyện không, nói có. Để chuộc tội, anh xin nhận “15 ngày kỷ luật cát xô, ăn cơm muối ngày một nắm”.
Câu chuyện này vẫn chưa chấm dứt ở đây, còn dài mãi đến năm 1982, và đến… bây giờ. Tôi, do hoàn cảnh tù đầy đẩy đưa, sẽ minh oan cho Lượng bằng người thực, việc thực. Không những chỉ câu chuyện này, mà còn biết bao nhiêu những cái bí ẩn, trong một góc của cả một bối cảnh thê lương dài 30 năm của đất nước, sẽ được phanh phui ở những trang tới.
Buổi tối, tôi đang ngồi chuyện trò với bác Khánh, Phúc “Thổ” lại ghé vào tai tôi nói thầm, tay chỉ vào một góc buồng có 6, 7 cậu đang ngồi:
- Mời anh lại chỗ chúng em một tí!
Tôi ngạc nhiên, nhưng cũng đứng dậy theo Phúc. Trong đám có cả Thọ “Lột” và mấy cậu nữa cũng là những tay có hạng trong làng dao búa của Hà Nội. Chẳng biết các cậu “xoay sở” từ lúc nào, những tên đàn em, kẻ canh gác cán bộ, đứa vào nhà xí dùng giấy đun được một ca nước trà. Thấy thế, tôi nhìn tất cả ngụ ý hỏi là các cậu làm vậy, không sợ tên Hưng và những loại chó “thọc” với cán bộ hay sao? Phúc “Thổ” cười một cách tỉnh bơ, không cần giữ ý:
- Anh ơi! “Sơn ăn từng mặt” thôi, anh ạ. Thằng Hưng hay thằng nào, cũng chỉ dám hống hách, cáo cầy với những cánh nào non thôi. Chứ chúng nó mà không biết điều với bọn em, chúng em sẽ cho nó “ăn bã trầu” ngay. Vì vậy, anh đừng để ý làm gì.
Rồi nó nhìn tôi giọng tình cảm:
- Chúng em được gặp anh, chúng em quý anh lắm. Cho nên, đứa nào trêu chọc đến anh, đúng là tên đó tới số.
Thọ “Lột” ngồi im lặng từ nãy, bây giờ rót ít nước trà vào chiếc bát con duy nhất, vừa đưa cho tôi, vừa nói:
- Xin mời anh cả! Như vậy, suốt gần 6 năm ở xà lim, anh không hề có mùng mền gì ư? Mấy đêm hôm đầu, chúng em dậy đi giải, thấy anh bó người trong như cái thây ma chết rồi.
Mấy cậu choai choai đang lắng nghe câu chuyện, vội chêm vào:
- Chúng cháu thấy chú bó người nằm thẳng cẳng, kín đầu đuôi, nhiều đêm phải rủ mấy đứa mới dám vào đi tiểu.
Phúc “Thổ” quay lại chỗ mấy cái ba lô, ôm ra một cái mùng cá nhân, một quần “tê tơ rông” vàng, với một chiếc áo “bơ lu dông” màu cứt ngựa để trước mặt tôi:
- Đây là tất cả những thứ chúng em đã chuẩn bị cho anh, anh hãy dùng tạm. Anh yên tâm, chúng em sẽ lo cho anh có đủ quần áo.
Lòng tôi thật xúc động và ngạc nhiên trước tình cảm của các cậu này. Tôi nói trong cảm động:
- Anh rất biết tấm lòng của các em. Nhưng, ở trong xà lim hàng 6 năm, anh đã chịu quen rồi. Các em cũng chả có, vậy các em cứ để lại dùng. Chỉ cần tấm lòng các em quý mến anh, là anh đã được an ủi nhiều rồi. Con người của anh phong sương, chẳng thích lệ thuộc vào hình thức. Các em hãy nghe anh, cất đi!
Phúc “Thổ” nói, giọng đầy vơi tình cảm:
- Anh Bình ơi! Bọn chúng em như những người lính không nhà, tuy có nhiều lúc thật xác xơ, đói khát, nhưng cũng nhiều lúc thật đế vương. Những cái này, chỉ là những cái vặt, không là gì đối với bọn chúng em cả. Nhiều khi, một cái quần may hàng năm, sáu mươi đồng; nếu cần chỉ đổi lấy một cái bánh mì 5 hào, cũng xong. Chúng em quý trọng anh, vì anh có những cái “giơ” của lính, nghĩa là không nói nhiều.
Vừa nói, nó vừa giũ chiếc quần, chiếc áo giục:
- Anh mặc thử luôn. Anh đừng phụ lòng của chúng em!
Không làm sao được, tôi đành đứng lên mặc thử. Thằng Minh “Trố” cười hô hố:
- Vừa quá! Anh hãy còn đẹp giai lắm, chỉ phải hàm dưới anh thiếu 3 cái răng, mỗi khi anh cười, trông như lỗ châu mai của lô cốt thời Tây vậy.
Cả tôi cũng cười vang vì cách ví von của nó. Thằng Tiến “Ga” xách đến một đôi dép râu thật “nền”, đặt trước chân tôi:
- Em tặng anh đôi dép này. Ra đây, anh vẫn còn cứ đi một chiếc guốc méo, với một chiếc dép mòn mãi!
Tôi ngạc nhiên, nhìn chân nó vẫn đang đi một đôi, tôi hỏi ngay:
- Dép ở đâu em có mà tặng anh?
Nó kéo nghệch cái miệng lên, giọng ra vẻ anh chị:
- Anh ơi, người lính, có là dùng, không hỏi là ở đâu cả!
Sáng hôm sau, trong giờ sinh hoạt, tôi đang đọc báo mục “nông nghiệp”, ca ngợi “quê hương 5 tấn” Thái Bình, tôi nghe mấy tiếng cười đùa xìn xịt ở một góc của mấy cậu choai choai. Tiếng bác Khánh đã bảo chúng yên lặng mấy lần, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Xem ý, mặt ông Khánh đã đỏ lên vì tức bực. Những đám thiếu niên này, quen sống trong giới bụi đời, chỉ biết nể sợ đám đàn anh của chúng mà thôi. Chúng thường tuyên bố thẳng là, ngay cán bộ chúng nó cũng không sợ bằng đàn anh; bởi vì, cán bộ chỉ bắt giam chúng vài tháng, dăm ba tuấn; chứ suốt đời, chúng phải sống với đàn anh. Nếu trái lời, không lúc này thì lúc khác sẽ bị hành tội. Chỉ trừ khi chính chúng có lực, có thế khỏe hơn hẳn đàn anh, không kể, Mà xem ý ra những chuyện làm “Zoóc” (làm “chó”, trong Nam gọi là “ăng ten”, điểm chỉ) chúng nó kỵ ghét nhất. Kế tới là những chuyện o bế chính quyền, trật tự, vệ sinh, v.v… Những tên đàn anh không bao giờ quát nạt đàn em cả, nhiều khi còn ủng hộ nữa.
Cũng vì vậy, ông Khánh bực bội lắm. Nhưng, trong mấy đứa cười đùa có một thằng tên là Trung Lý Thu, chừng 15, 16 tuổi, trông cao ráo, khỏe mạnh, lại được một số lau nhau rất nể sợ. Mắt nó cũng gừ gừ nổi gai nhìn lại ông Khánh, như trêu tức. Ông Khánh không chịu được nữa rồi. Ông đứng bật dậy, xắn tay áo, chỉ tay vào mặt thằng Trung Lý Thu, gầm lên:
- Mày không đáng tuổi con tao, biết không? Mày là con tao, tao sẽ đánh bỏ bố mày!
Thằng Trung Lý Thu cũng đứng dậy. Mắt nó quắc lên, cũng chỉ tay về phía ông Khánh, trước cả buồng:
- Thật là may cho ông đấy! Ông mà là bố tôi, thì tôi cũng đánh bỏ cha ông rồi!
Cả buồng cười rộ. Tôi cũng buồn cười, nhưng chỉ rung rung dưới bụng với tí ở ánh mắt, chứ mặt vẫn phải ra vẻ không có ý kiến. Mặt bác Khánh tím lại, hai thái dương bác giật liên hồi, hai bàn tay cứ nắm lại, rồi lại mở ra nhiều lần. Hai bên quai hàm của bác bạnh ra, làm những bắp thịt con chạy lên, chạy xuống. Tôi hiểu bác giận lắm! Bác muốn xông đến đánh thằng Thu gục xuống, bác mới hả. Nhưng, chắc bác cũng kịp hiểu. Bao nhiêu đàn anh, đàn em của nó, có để bác làm theo ý bác không. Hơn nữa, đêm hôm nó sẽ đánh “đòn ngủ” làm sao mà phòng bị mãi được. Tôi đã hiểu bác cũng chẳng ưa gì Cộng Sản, nhưng vì trót làm trật tự, đã trót lên tiếng với chúng nó, phải nói đến cùng mà thôi. Điều quan trọng là bác không hiểu tâm lý thanh niên, nhất là lưu manh.
Tên Hưng ngồi đấy cũng không dám có ý kiến. Về phía tôi, cũng là trật tự, nhưng tôi lại là người đọc báo, vậy tôi cứ lờ đi cũng chả ai trách tôi được. Trong dạ, tôi muốn bỏ cái việc sinh hoạt đọc báo của kẻ thù này, trong buồng càng lộn xộn, càng tốt. Nhưng, phải nhìn rõ vấn đề, tất cả buồng vẫn nằm trong tay Cộng Sản, anh không nên làm gì quá, làm quá sẽ mất tất cả, sẽ khó khăn thêm, trừ phi anh ở cái thế nói chuyện tương đương với Cộng Sản. Còn ở đây, trong buồng hổ lốn, mất trật tự, vì tên buồng trưởng nhát, Cộng Sản sẽ đưa một tên “đuya” vào. Vì tên cán bộ không có tài, chúng sẽ đưa tên có khả năng đến. Chúng có trăm ngàn cách để trị, để làm cho khó khăn thêm, khi anh vẫn còn nằm trong tay chúng.
Tóm lại, tôi thấy sự việc đã vừa đủ rồi, nên tôi lên tiếng. Tôi cũng hiểu, cái thế của mình chỉ đủ đến lúc này mới lên tiếng, và cũng chỉ được phép một lần thôi. Không biết, tiến quá, sẽ hỏng. Nghĩ như vậy, tôi quay lại phía bác Khánh, dõng dạc:
- Thôi, bác Khánh ngồi xuống, bác đừng chấp với các cháu!
Ngoái lại thằng Trung Lý Thu, mắt tôi nhìn nó như có tia lửa, nhưng miệng tôi thì nhỏ nhẹ, tình cảm:
- Cháu Thu hãy ngồi xuống. Chú tin là cháu đã hiểu vấn đề.
Nó hơi lưỡng lự một chút, rồi ngồi xuống. Với thái độ lưỡng lự của nó, dù chỉ là mấy giây, tuy trong thâm tâm, tôi cũng không vừa ý lắm. Nhưng, tôi cũng biết là với cái thế có được của tôi, từ khi vào buồng này, chỉ dùng được đến đấy. Nếu không tự biết, tự kiềm chế, tiến thêm ít nữa là có vấn đề. Nếu muốn tiến
thêm nữa, sau này lựa dịp, một buổi nào đó phải thử sức với các đàn anh của chúng nó ở trong buồng đã. Chuyện đó, những ngày tới hãy hay! Bây giờ, đã đến giờ chia cơm, và sau đó, còn phải ra gặp cô Vân xem cô muốn nói gì.
Tôi cũng biết, từ đầu câu chuyện lộn xộn trong giờ sinh hoạt, những con mắt của Thọ “Lột”, Phúc “Thổ” và một số tên lớn tuổi khác ở trong buồng đều không bỏ sót một cử chỉ, một thái độ nào của tôi.
Ngày hôm nay, mưa Đông nhì nhẹt từ sáng, sân trại vắng hẳn. Các buồng, sau khi chia cơm xong ở mé sát dưới hàng hiên, đều được phép lấy cơm vào trong nhà ăn.
Những hạt mưa nho nhỏ, theo từng cơn gió giăng, đan thành những tấm mành mành thưa ngoài sân trại. Trên trời cao, từng cụm mây đen to tướng lổm ngổm, có lẽ đầy nước, đang chậm chạp từ phương Nam lững lờ mò về phía Đông Bắc. Trong khi những làn gió lạnh buốt thổi từng hồi, làm giạt những hạt mưa xiêu chéo về hướng Tây Nam. Lác đác đó đây vài túm lá bàng úa đỏ còn sót lại trên cành, như cố đeo đẳng níu kéo với mưa Đông. Cuối cùng, cũng lần lượt theo từng cơn gió trong mưa, dăm ba chiếc chao đảo rời cành về cội muộn. Vài con chim sẻ run rẩy núp sát dưới mái hiên, đang xù lông, rụt cổ, nhìn những tấm thân gầy thiếu áo dưới sân. Ở sát tường, dưới hiên phía cuối buồng 4, chỗ chiếc bàn con của y tế, là một chiếc lưng ong, thon thon làn áo bông màu bộ đội. Hai lọn tóc gióc đuôi sam, được thắt hững hờ bằng hai sợi len đỏ, đang cong cong dẫy dọn theo gió. Thỉnh thoảng ngút ngắc như nhắc nhở tôi, đừng quên lời dặn hôm trước của chủ nhân.
Trước bàn, hơn chục người tù xếp hàng một. Những tấm chăn rách tả tơi họ khoác trên người đã không đủ kín, để lộ ra những đôi chân khẳng khiu da bọc xương, nhưng lại sần sùi như chân gà do những mụn ghẻ lở, mủ máu. Giữa hàng dài những đôi chân gầy, thỉnh thoảng lại có hai cái chân mập ú, to quá khổ bình thường, mọng núc những nước. Tất cả đều run rẩy dưới cái lạnh cắt da của mưa phùn, gió Bấc.
Một tiếng thở dài nhè nhẹ, như nỗi niềm ê chề của đất nước và con người, khẽ thoát ra ngay bên cạnh tôi. Tôi quay lại, đôi mắt đầy vết nhăn của bác Khánh đang lơ đãng nhìn xa xa, phía bên ngoài Hà Nội. Bác đang nghĩ gì? Phải chăng tiếng thở dài vừa rồi là cho vợ con bác? Ngồi bên nhau, cùng nhìn một cảnh đời, nhưng ai hiểu được nỗi lòng của ai?
Thấy đã gần cuối giờ, chỗ bàn cô Vân chỉ còn một, hai người, tôi vờ như chợt nhớ ra:
- Tí nữa quên! Cô y tá hẹn hôm qua ra lấy thuốc.
Nói một câu trống không như vậy, rồi tôi đứng dậy, đi ra, tiến lại chỗ bàn y tế. Làm trật tự có cái lợi như vậy, vừa được ngồi ở ngoài thoải mái, vừa được ra gặp y tá không phải hỏi ai. Bình thường, tù muốn gặp y tá xin thuốc, phải báo cáo cán bộ, nếu không có cán bộ thì báo trật tự.
Tôi đã đến sau lưng cô Vân rồi, đã nhìn rõ những hạt mưa lóng lánh thủy tinh, gắn đầy trên hai cái đuôi sam đen mượt của cô. Làn hương thơm quen thuộc của những ngày cuối ở xà lim, lại bủa kín người tôi. Chân tôi như ngập ngừng không muốn bước, thế mà cô Vân hình như có mắt ở phía sau, cô cất tiếng nói êm nhẹ, trải dài vào trong gió:
- Anh Bình có lạnh không?
Tôi vừa tiến ra trước bàn, vừa như nói cho mình mình nghe:
- Đã có người làm ấm cả không gian, còn lạnh gì nữa!
Hai má cô au lên màu hoa đào, mắt cô ngỡ ngàng nhìn từ vai xuống đến chân tôi. Môi cô rung rung nhếch lên để hở ra màu trắng muốt, của những chiếc răng hình hạt na đều đặn; một bàn tay cô khẽ đưa ra mân mê hộp dầu cao “Sao Vàng” ở mé chiếc khay:
- Quần áo ở đâu, mặc oai thế?
Đến lượt tôi cũng hơi lúng túng ngượng ngùng, tôi trả lời ngắt quãng:
- Mấy cậu ở trong buồng cho, bắt phải mặc…
Cô cúi xuống mở chiếc ngăn kéo, lôi ra một cái ví nhỏ. Cô vừa mở ví, lấy ra một cái khăn mùi xoa lụa trắng con con, vừa nói vẻ thẹn thùng:
- Anh Bình thêu cho Vân cái khăn nhé?
Tôi ngạc nhiên ngơ ngác:
- Tôi có biết thêu thùa gì!
- Vân đã thấy anh thêu cái túi rồi. Anh muốn thêu gì cho Vân cũng được!
Tôi chẳng hiểu cô nghĩ thế nào, lại bảo tôi thêu khăn cho cô. Điều này cũng đã nói lên một phần bản chất đồng quê còn trắng trong, chất phác của cô. Tôi nhìn cô, cô nhìn tôi. Góc chiếc khăn lụa trắng cong lên, lất phất như ve vuốt bàn tay của người con gái Xuân thì. Dù tôi biết thêu chăng nữa, cô không thấy rằng trong trại chung, với hàng trăm thanh thiếu niên như vậy, lúc nào, và tôi ngồi
đâu để thêu dệt mộng đời lên chiếc khăn tay? Cô đã mơ, tôi phải tỉnh! Tôi đã thấy rằng đã đến lúc chẳng thể còn chơi vơi, đu đưa với võng đời mãi được nữa. Chuyện này, đâu có phải chuyện đùa chơi. Tôi muốn tỏ một thái độ dứt khoát rồi đi vào buồng, nhưng nhìn đôi mắt của cô như than van mời gọi, như oán trách giận hờn, tôi phải nhìn đi nơi khác; rồi nói một câu ngược hẳn với ý định trong đầu:
- Tôi biết thêu làm sao, và thêu cái gì:…
- Một cành hoa đào với hai con chim. Nếu không, anh vẽ để Vân thêu cũng được.
Tôi buồn cười về ý tưởng ngộ nghĩnh của cô. Tôi chẳng hiểu tại sao cô lại thích những chuyện vơ vẩn như vậy, khi giữa cô và tôi có một bức tường cách ngăn cao vời vợi.
Một cơn gió lạnh thoảng qua làm đong đưa mấy chùm lá bàng vàng úa trên cành. Một chiếc lá chơi vơi, chao đảo trong gió, sà xuống cạnh khay thuốc trên mặt bàn giữa cô và tôi. Một tấm thân gầy đầy ghẻ lở trượt chân ngã, nằm sóng xoài ở mé sân phía bên kia. Đây đó vang lên những tiếng cười khô man rợ, thờ ơ. Một làn hơi nóng dâng lên trong người tôi, đẩy thành một quyết định. Tôi lạnh lùng, nhìn thẳng vào mắt cô Vân:
- Xin cảm ơn nhiều, và xin giã biệt.
Nói rồi, tôi quay ngoắt đi về buồng, tai còn nghe tiếng gọi yếu ớt “Anh Bình!” tuôn dài vào trong mưa Đông phía sau lưng.
Vào trong buồng, lòng tôi buồn vời vợi như thi trượt. Tôi bần thần ân hận về câu nói cuối cùng của mình.Tàn nhẫn quá! Tôi tưởng như âm vang của câu nói còn đâu đây. Nhưng biết sao được, tôi đâu muốn thế. Hơn nữa, hậu ý của tôi thì trái hẳn lại. Tôi không muốn Vân đau khổ hơn vì tôi. Vân ạ, chúng ta đều đang chết héo hắt trong cõi lòng. Chúng ta không được hưởng chung một bầu trời, một vầng trăng. Tôi thương Vân đã không thể tự do sống ngay thẳng với lòng mình. Vân chỉ là một con thiêu thân cho những ngông cuống, ích kỷ của bọn họ mà thôi. Chúng bắt tôi phải mang tội, phải có tội với chúng, với tình của con người, Vân với tôi có gì để lên án, để thù ghét nhau đâu?
Nhưng, tôi đã phải nói những lời cứng cõi, lạnh lùng, tàn nhẫn với Vân. Vân ơi! Tôi không can can đảm để nhìn cặp mắt trong xanh chứa một trời mơ, hẹn ước của Vân nữa. Tôi hiểu, dưới đáy mắt Vân là một khung trời thênh thang lộng gió, mà chúng ta cùng ao ước là những cánh chim hải hồ, đan nhau bay lượn, hay nhỏ bé hiền lành như đôi chim khuyên nhảy nhót trên cành hoa đào một sớm Xuân. Nhưng Vân ơi, tất cả chỉ là ảo vọng! Tan vỡ rồi, còn tàn nhẫn gấp bội. Bởi thế, tôi không còn can đảm để tiếp tục. Tôi đã ngây ngất, nhưng tôi lại sợ hơi thở thơm nồng. Tôi lẩn tránh sống mũi xinh xinh, làn má có lông tơ, óng mượt của Vân.
Vân ạ, đừng hiểu lầm lòng tôi. Tôi không muốn Vân bị sa thải, bị coi là hủ hóa, và nhất là sẽ bị kiểm thảo, rồi có khi sẽ bị ngồi trong xà lim, cùm kẹp tàn tạ như chị Bắc, như tôi. Dù có chua xót, nhưng chúng ta đừng nơi đây. Những gì đã qua, hãy coi là những kỷ niệm khác thường trong cuộc đời, một sự khác thường ý nghĩa và lý tưởng, Vân nhé!…
Khi bước chân vào nhà tiêu, tôi gặp thằng Hỷ “Con” một mình đang đi giải, tôi thân mật hỏi:
- Này cháu, mọi khi ngày nào cô y tá cũng vào đặt bàn ở đấy cho thuốc à?
Nó ngơ ngác nhìn tôi, băn khoăn một lúc, rồi vừa lúc lắc cái đầu, vừa trả lời:
- Trước kia, cô ấy ít vào cho thuốc lắm chú ạ. Có khi hàng tuần mới có một lần thôi. Chắc kỳ này có nhiều thuốc, nên ngày nào cô cũng vào cho.
Tôi vừa trở về chỗ, vừa suy nghĩ. Có thể việc phát thuốc lại trở về tình trạng cũ thôi, nghĩa là cả hàng tuần cô mới lại vào. Đành vậy!…
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen