Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1801 / 55
Cập nhật: 2016-06-19 02:31:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lời Chú Cuối Sách
Sách này sử dụng khá nhiều từ ngữ và khái niệm mà nay không dùng hoặc rất ít dùng. Đó chẳng qua cũng chỉ là điều không thể tránh được mà thôi. Để giúp bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ, có thể nắm được một cách giản lược về ý nghĩa của các từ ngữ và các khái niệm ấy chúng tôi viết thêm Lời chú cuối sách này.
Cũng với mục đích tránh rườm rà, những từ ngữ và những khái niệm nào đã giải thích ở tập trước mà vẫn còn đúng với tập này, thì chúng tôi không giải thích lại. Cuối cùng, xin được lưu ý bạn đọc rằng, hầu hết những lời chú thích dưới đây chỉ đúng với triều Trần mà thôi.
AN PHỦ SỨ: Chức quan đứng đầu một lộ. Thời Trần, cả nước có mười hai lộ. Đó là: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Hoàng Giang, Diễn Châu. Ngoài ra, còn có một số phủ và châu trực thuộc nữa.
AN PHỦ THIÊN TRƯỜNG: Chức quan đứng đầu phủ Thiên Trường. Phủ này là vùng trung tâm chính trị của lộ Thiên Trường, nay là đất Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
ẤP THANG MỘC: Thang mộc nguyên nghĩa là tắm rửa. Ấp thang mộc bấy giờ có nghĩa là nơi nghỉ ngơi, an hưởng. Quý tộc nào cũng được cấp đất làm ấp thang mộc như thế.
ÂN CHÚA: Vị chúa mà mình mang ân. Đây là tiếng tôn xưng đối với Trần Nhật Duật.
BÀ LIỆT: Vốn là tên thôn. Thôn này nay thuộc huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Nhà Trần thường phân phong ruộng đất (và cả dân cư sinh sống trên đất đó) cho quý tộc để họ lập thái ấp và phủ đệ. Tên đất ấy thường được lấy làm hiệu cho quý tộc. Người con trai này của Trần Thừa tuy được Trần Thừa nhìn nhận, song không được phong tước hiệu gì. Tuy nhiên, người đương thời vẫn theo tục của nhà Trần, lấy bản quán anh ta làm hiệu, rồi sau quen dần, biến hiệu thành tên. Tên thật của người con trai này hiện chưa rõ.
BẠ THƯ CHI HẬU: Chức quan lo giữ sổ sách giấy tờ trong cung cấm.
BẢO UY VƯƠNG: Người có tước Vương, hiệu là Bảo Uy. Ông tên là Trần Hiến, cũng có sách phiên âm là Trần Hoàn, có lẽ do Hiến và Hoàn có mặt chữ Hán gần giống nhau nên nhầm mà ra. Lí lịch Trần Hiến chưa rõ, chỉ biết ông là người trong tôn tộc, rất gần gũi với nhà vua đương thời.
CUNG TĨNH VUƠNG: Người có tước Vương, hiệu là Cung Tĩnh. Đây chỉ Trần Nguyên Trác, con thứ của vua Trần Minh Tông, nay chưa rõ ông sinh và mất năm nào.
CƯƠNG MỤC: Tên viết tắt của bộ Khâm định Việt sử thong giám cương mục, là bộ chính sử do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn. Sách gồm năm mươi ba quyển.
CHIM HỒNG HỘC: Theo cố học giả Đào Duy Anh thì Hồng là con ngỗng trời, Hộc là con ngan trời. (Con ngan, người Nam gọi là con vịt Xiêm.) Hai loài chim này bay vừa cao vừa xa. Tuy nhiên, văn học cổ vẫn có lúc gọi chung là chim Hồng Hộc, với ý nghĩa là biểu tượng của người có chí lớn.
CHÂU KHÂM, CHÂU LIÊM, CHÂU TRƯỜNG SA: Tên đất, nay thuộc Trung Quốc.
CHỨC PHÁN THỦ: Chức đứng đầu các quan giúp việc cho thái tử hoặc là chức đứng đầu của một trong sáu tự của triều đình. Tự là cơ quan vừa giúp việc, vừa giám sát hoạt động của các bộ.
ĐẠI HÀNH KHIỂN: Chức hành khiển cũng gần như chức tể tướng là chức quan đầu triều. Nhưng, do chỗ thời Trần cũng có khi gọi các quan đứng đầu các lộ quan trọng là hành khiển, nên để phân biệt, người ta gọi quan hành khiển làm việc ở triều đình là đại hành khiển, còn quan đứng đầu những lộ quan trọng thì chi gọi là hành khiển thôi.
ĐẠI TÔN THẤT: Người trong hoàng tộc, có vai vế họ hàng lớn so với nhà vua. Đây chỉ Trần Ích Tắc, em của thượng hoàng Trần Thánh Tông, chú của vua Trần Nhân Tông.
ĐOẢN BINH: Thuật ngữ thông dụng của binh pháp cổ, rất khó dịch, đại để là dùng binh có vũ khí đánh tầm gần như giáo, mác. Hiểu theo nghĩa rộng, thuật ngữ này cũng có nghĩa là dùng lực lượng gọn, nhẹ, ứng phó một cách linh hoạt.
ĐÔNG CUNG PHÁN THỦ: Chức đứng đầu các quan lo giúp việc cho thái tử.
ĐÔNG GIÁM TU QUỐC SỬ BÍ THƯ GIÁM: Một trong những chức quan tham gia biên soạn lịch sử của nước nhà, kiêm việc trông coi lưu giữ sách vở ở Quốc sử viện.
ĐIỆN SÚY THƯỢNG TƯỚNG QUÂN: Chức võ quan, hàm thượng tướng trông coi cấm quân của triều đình.
HẢI ĐÔNG: Tên đất, nay là vùng An Bang, Hải Phòng.
HÀN LÂM HỌC SĨ PHỤNG CHỈ: Quan có hàm học sĩ, làm việc ở Viện hàn lâm, trực tiếp nhận mọi sắc chỉ của vua. Chức này thường kiêm quản Nội mật viện.
HÀN TÍN BÌNH NƯỚC YÊN: Hàn Tín là một danh tướng của nhà Hán (Trung Quốc). Thời Hán - Sở tranh hùng, nước Triệu và nước Yên cũng là hai nước mạnh. Nhưng Hàn Tín phá được nước Triệu, nhờ đó mà danh tiếng trở nên lừng lẫy. Nhân đà này, Hàn Tín đem quân đến đóng ở nơi sát với địa đầu của nước Yên và sai người đưa thư dụ hàng nước Yên. Nước Yên sợ mà phải hàng phục. Đây ý của Trần Khắc Chung là tại sao Ô Mã Nhi không cho quân đem thư sang báo cho biết trước lẽ thiệt hơn mà lại vội đánh như thế.
HÌNH BỘ LANG TRUNG: Người đứng đầu bộ Hình thời Trần. Chức này, về sau đổi là chức thượng thư.
HỌ MAI: Chúng tôi chỉ thấy sử chép việc nhà Trần bắt phạt một số quý tộc hèn nhát phải đổi thành họ Mai, còn vì sao lại đổi thành họ Mai chứ không phải họ khác thì chưa rõ.
HOÀNG PHI: Hàng thứ hai của vợ vua và vợ chính của thái tử.
HỘI NGHỊ BÌNH THAN: Hội nghị tổ chức tại bến Bình Than. Bến Bình Than nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là hội nghị của quý tộc và tướng lĩnh cao cấp, do triều Trần tổ chức vào năm 1282. Hội nghị nhằm giải quyết hai vấn đề. Một là tư tưởng chiến lược chỉ dạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên. Hai là thành lập bộ chỉ huy chống xâm lăng. Chính ở hội nghị lịch sử này, Trần Quốc Tuấn được cử làm quốc công tiết chế.
HỘI QUÁN ĐỈNH: tức là hội thọ giới. Nhà Phật quy định, tất cả những người khi mới xuất gia để vào chùa tu, đều được nhà sư lấy nước sạch dội lên đầu để làm phép thọ giới, cũng gọi là quán đỉnh.
KHAI QUỐC CÔNG: Người có tước quốc công, hiệu là Khai. Theo lệ phong tước xưa, triều đình bao giờ cũng phong cả tước lẫn hiệu. Trong cùng một hàng tước, thì hiệu nào càng ít chữ, địa vị của người được phong càng lớn hơn. Trong trường hợp này, người ta gọi là tước quốc công hiệu một chữ.
Khai quốc công là tước hiệu của Hưng Nghiễn Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai của Trần Hưng Đạo. Trong hoàng tộc, ông có tước Vương, còn khi vào triều, ông được phong tước quốc công. Trước đó, Trần Hưng Đạo cũng được phong tước quốc công như vậy.
KHÂU ÔN: Tên đất, nay thuộc Lạng Sơn, vùng sát biên giới với Trung Quốc.
KIỂM PHÁP: Chức quan chuyên trông coi về án kiện, xét xử và ngục tụng của triều đình.
KIỆT, TRỤ: Tên hai vua khét tiếng tàn bạo của Trung Quốc. Kiệt tức Lý Quý, vua thứ mười bảy cũng là vua cuối cùng của nhà Hạ. Vua Kiệt tham tàn lại say đắm nhan sắc của Muội Hỹ, làm cho nhà Hạ đổ nát, sau bị vua Thành Thang giết. Thành Thang là vua khai sáng ra nhà Thương (cũng gọi là nhà Ân).
Trụ tức Tân Trụ, vua thứ ba mươi cũng là vua cuối cùng của nhà Thương. Vua Trụ tàn bạo và hoang dâm, lại bị mê muội bởi sắc đẹp của Đát Kỷ, sau bị quân các nước chư hầu nổi lên đánh, sợ mà tự thiêu rồi chết.
Trong văn học cổ, hai chữ Kiệt, Trụ thường dùng để chỉ chung những tên hôn quân bạo chúa.
LIÊU THUỘC: cũng như nói thuộc quan hay thuộc viên, chỉ những người có chức nhưng ở dưới mình và thông thuộc về mình.
LƯU THỦ THIÊN TRƯỜNG: Lưu thủ là chức quan được nhà vua ủy thác việc trông coi kinh sư khi vua có việc phải xuất hành. Thiên Trường không phải là kinh sư nhưng lại là bản quán của vua Trần, vì vậy, nhà Trần cũng cho đặt ở đây một người làm chức Lưu thủ.
MAI LĨNH: Tên đất. Đất này nằm tiếp giáp giữa hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông và Giang Tây. Thực ra, đó là khu núi non trùng điệp, có tên là núi Đại Dũ, nhưng vì núi ấy có rất nhiều cây mai nên người Trung Quốc mới nhân đó mà gọi là Mai Lĩnh.
MÁN BÀ- LA: Nay chưa rõ ở đâu.
NỘI NHÂN VĂN CỤC: Tên một cơ quan trong cung đình nhà Trần.
NỘI THƯ CHÁNH CHƯỞNG: Chức của hoạn quan, chuyên lo việc giấy tờ thường ngày cho vua hoặc thượng hoàng.
NỘI THƯ GIA: Chức của hoạn quan, dưới quyền sai khiến của nội thư chánh chưởng.
NGỰ SỬ ĐẠI PHU: chức quan xếp hàng thứ năm trong số sáu quan làm việc ở Ngự sử đài của triều đình.
NGỰ SỬ ĐẠI PHU, ĐÌNH ÚY TỰ KHANH, TRUNG ĐÔ PHỦ TỔNG QUẢN: Trong triều đình nhà Trần có cơ quan Ngự sử đài, chuyên coi việc giữ gìn phong hóa, pháp độ và can gián. Ngự sử đài gồm sáu vị quan: thị ngự sử, giám sát ngự sử, ngự sử trung tán, ngự sử trung thừa, ngự sử đại phu và chủ thư thị ngự sử. Như vậy:
Ngự sử đại phu là quan đứng hàng thứ năm trong số sáu vị quan của Ngự sử đài.
Đình úy tự khanh là chức quan lớn, coi việc xét xử những án kiện còn tình nghi.
Trung Đô phủ tổng quản là chức quan coi việc phòng giữ ở phủ Trung Đô.
Ở đây, Trương Đỗ cũng như các quan đương thời, thường kiêm giữ nhiều chức việc khác nhau.
NGỮ SỬ TRUNG TÁN: Chức quan xếp hàng thứ ba trong số sáu vị quan ở Ngự sử đài của triều Trần.
NGỰA KÌ, NGỰA KÍ: Tên hai loài ngựa quý, có sức chạy nhanh và chạy xa. Đấy ngụ ý chỉ người có tài kiệt xuất.
NGƯỜI PHIÊN LẠC: Người sinh ở chốn Phiên thuộc phiêu dạt đến. Người Trung Quốc gọi các nước ở ngoài cõi của họ là Phiên.
Thời Trần, triều đình nhà Trần nhiều khi cũng tự nhận mình là Trung Quốc và coi các nước chung quanh mình là Phiên. Đây Trần Nhân Tông muốn nói, kiếp trước, ắt Trần Nhật Duật phải là sinh dân của một nước Phiên thuộc nào đấy, nên bây giờ mới giỏi tiếng các nước Phiên thuộc như vậy.
NGHIÊU: Tức Đường Nghiêu, tên một vị vua, cũng là tên một triều đại trong huyền sử của Trung Quốc, rất được Nho gia đề cao.
NHẬP NỘI HÀNH KHIỂN HỮU TI, LANG TRUNG, ĐỒNG TRỊ TẢ TI SỰ: Trong triều Trần, bên cạnh nơi làm việc của vua (gọi là Quan Triều Cung), còn có nơi làm việc của thượng hoàng (gọi là Thánh Từ Cung). Cả hai nơi đều có chức hành khiển. Riêng ở nơi thượng hoàng làm việc, có đến hai chức hành khiển là tả và hữu. Nhập nội hành khiển hữu ti là chức quan hành khiển ở hữu ti, thuộc Thánh Từ Cung.
Lang trung cũng là một chức lớn, sau đổi gọi là thượng thư, nhưng chức này thường do quan hành khiển kiêm giữ.
Đồng tri tả ti sự là chức kiêm coi công việc của tả ti trong triều đình.
Đây chỉ là chức truy tặng, trong thực tế, khi sống, Lê Cư Nhân không hề được giữ nhiều chức tước như thế.
NHẬP NỘI HÀNH KHIỂN, THƯỢNG THƯ TẢ BỘC XẠ: Quan hành khiển, làm việc ở triều đình thì gọi là nhập nội hành khiển. Thượng thư là chức đứng đầu một bộ, còn bộc xạ (tả và hữu) là chức vụ á tướng, đứng sau chức tướng quốc.
PHI LIÊM, ÁC LAI: Tên hai kẻ gian thần, xu nịnh và dâm loạn của Trung Quốc thời Hạ và thời Thương.
PHIÊU KỊ ĐẠI TƯỚNG QUÂN: Chức chỉ dành để phong cho các vị hoàng tử. Trong hoàng tộc, chỉ những ai được đặc biệt ưu ái mới được phong chức tước này.
Phiêu kị đại tướng quân cũng là chức coi việc quân, nhưng là quân riêng của hoàng gia.
QUÁCH TỬ NGHI: Danh tướng của Trung Quốc đời Đường, làm quan trải thờ hai vua là Đường Túc Tông và Đường Đại Tông, từng lập nhiều công lớn, được phong làm Phần Dương Vương. Quách Tử Nghi sống phóng khoáng, thích âm nhạc, trong nhà luôn có tiếng đàn hát. Ông thọ tám mươi tám tuổi.
QUAN NỘI HẦU: Chức hoạn quan nhỏ, lo việc hầu hạ trong cung cấm.
QUAN TÔNG CHÍNH ĐẠI KHANH: Chức quan lớn trông coi việc ghi chép gia phả của hoàng tộc. Chức này, bắt đầu đặt ra từ đời Trần Thái Tông và buổi đầu chỉ giao cho trong hoàng tộc nắm giữ, nhưng vào khoảng từ giữa đời Trần trở đi, chức này chỉ còn là hư hàm dùng để phong cả cho người ngoài hoàng tộc.
QUAN TRUNG ÚY: Hàm võ quan cao cấp, dưới thiếu úy. Xin lưu ý rằng thời này, đại tướng thấp hơn thượng tướng, còn trung úy lại thấp hơn thiếu úy.
QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ: Người có tước quốc công, chức tiết chế. Thời Trần có hai loại tước cùng song hành, một là tước để phân biệt thế thứ thân sơ trong hoàng tộc, và hai là tước để phân biệt cao thấp trong triều đình. Trong hoàng tộc, Trần Hưng Đạo có tước vương, còn khi vào triều, Trần Hưng Đạo lại có tước quốc công. Tiết chế là chức chỉ bắt đầu có từ đời vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293), theo đó thì chức này chịu trách nhiệm cao nhất về mọi hoạt động của lực lượng vũ trang trong cả nước.
RƯỢU XƯƠNG BỒ: Xương bồ là một loại cây làm thuốc, Đông y rất hay dùng. Người ta thường lấy cây xương bồ ngâm rượu. Rượu ấy gọi là rượu xương bồ.
SINH TỪ: Đền thờ người đang sống. Người đang sống mà có công đức lớn với dân, với nước, thì được nhân dân hoặc triều đình lập đền thờ, đền ấy gọi là sinh từ.
Trần Hưng Đạo là một trong những người lãnh đạo và tổ chức nên mọi thắng lợi của quân dân ta trong sự nghiệp chống quân xâm lược ở thế kỉ XIII. Bởi công đức lớn lao đó, ông được triều Trần cho lập sinh từ.
TẮC, KHIẾT, QUỲ, LONG: Tắc là Hậu Tắc, tên thật là Khí, người đã có công dạy dân trồng các thứ lúa cho hợp thời vụ. Khiết hay Tiết là người chuyên dạy dân về luân thường, đạo lí. Quỳ là người chuyên lo dạy dân việc tế lễ và âm nhạc. Long là người chuyên lo tiếp nhận và truyền đạt mệnh lệnh của vua. Cả bốn ông đều được coi là người có công giúp dập vua Nghiêu và rất được Nho gia tán tụng.
TẤN PHONG: Được cất nhắc, phong cho chức cao hơn.
TIẾT NGUYÊN TIÊU: Tiết rằm tháng giêng.
TIỂU TƯ XÃ: Người đứng đầu một xã nhỏ.
TĨNH QUỐC ĐẠI VƯƠNG: Người có tước đại vương, hiệu là Tĩnh Quốc. Đây chỉ Trần Quốc Khang.
TOÀN THƯ: Tên viết tắt của bộ Đại Việt sử kí toàn thư là bộ chính sử của nước ta. Đây là công trình đại tập thành của nhiều thế hệ sử gia, từ Lê Văn Hưu (thế kỉ XIII) đến Lê Hy (thế kỉ XVII). Sách gồm hai phần. Phần đầu là Ngoại kỉ chép từ họ Hồng Bàng đến loạn mười hai sứ quân. Phần thứ hai là Bản kỉ, chép từ Đinh Tiên Hoàng đến năm 1675.
TỬ PHỤC THƯỢNG VỊ HẦU: Người có tước hầu, ở vào bậc thượng vị và được quyền mặc áo có sắc đỏ tía.
TƯỚNG QUỐC THÁI ÚY: Chức thái úy, quyền tướng quốc. Tướng quốc cũng gần như tể tướng, nhưng chức tể tướng thì chỉ có một người giữ, còn chức tướng quốc thì có đến hai người cùng đồng thời nắm giữ, một người gọi là tả tướng quốc, một người gọi là hữu tướng quốc.
THÁI BÁ: Bác của vua. Lẽ ra, Dương Nhật Lễ phải gọi Cung Túc Vương Dục là thân phụ (cha đẻ) hoặc tệ hơn, cũng phải gọi là nghĩa phụ (cha nuôi), nhưng vì Dương Nhật Lễ quyết chí gạt họ Trần để cướp ngôi, nên bỏ họ Trần mà lấy lại họ Dương, đồng thời, gọi Cung Túc Vương Dục là thái bá.
THÁI HOÀNG THÁI HẬU: Bà nội của vua.
THÁI HỌC SINH: Học vị thi cử Nho học, được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1232 và được sử dụng liên tục cho đến đầu đời Lê. Năm 1442, học vị này được đổi gọi là tiến sĩ.
THÁI TỂ: Tiếng tôn xưng đối với quan đầu triều (như hành khiển, tướng quốc, tể tướng).
THÁM HOA: Học vị thi cử Nho học, được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1247. Người đã đỗ thi Hội, được học vị thái học sinh (hay tiến sĩ), vào dự thêm một khoa thi phụ, gọi là Đình thí hay Điện thí. Ba người đỗ cao nhất trong kì thi phụ này được mang ba học vị khác nhau, đỗ đầu là trạng nguyên, đỗ thứ hai là bảng nhãn và đỗ thứ ba là thám hoa.
THẨM HÌNH VIỆN SỨ: Chức đứng đầu Thẩm hình viện là cơ quan trông coi việc án kiện, xét xử và ngục tụng.
THỆ TỪ: Bản văn ghi lời thề ước.
THỀM CẤM: Thềm ở gần nơi vua làm việc. Đến đó, ai cũng phải giữ phép rất nghiêm, ai không có phận sự, quyết không được vào.
THIÊN TRƯỜNG: Tên lộ. Nhà Trần chia cả nước làm mười hai lộ và Thiên Trường là một trong số mười hai lộ đó. Đây nói lính Thiên Trường là lính quê ở lộ Thiên Trường (quê hương của họ Trần) được nhà Trần tin cẩn trao việc bảo vệ hoàng cung.
THIỀN TÔNG TRÚC LÂM YÊN TỬ: Tên một phái Thiền Tông do thượng hoàng Trần Nhân Tông đi tu mà sáng lập ra tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh).
THIẾU BẢO: Trong triều đình xưa, tam thái và tam thiếu là hai hàng quan cao nhất. Tam thái gồm: thái sư, thái phó và thái bảo. Tam thiếu gồm: thiếu sư, thiếu phó và thiếu bảo. Như vậy, thiếu bảo là quan thuộc hàm thứ hai, chức vị thứ sáu trong triều đình.
THỔ TÙ ĐÀ GIANG: Người đứng đầu các sắc dân ít người ở Đà Giang. Thời Trần, Đà Giang là tên của một đạo, đất đai đạo này nay là vùng Hưng Hóa (Vĩnh Phúc, Tuyên Quang).
THƠ NGỤ CHẾ: Thơ do vua hoặc thượng hoàng làm ra.
THƯỢNG VỊ CHƯƠNG HIẾN HẦU: Người có tước hầu, hiệu Chương Hiến, bậc thượng vị. Đây chỉ Trần Kiện, con của Tĩnh Vương Trần Quốc Khang. Xét về thế thứ trong hoàng tộc, Trần Kiện ở vai cháu của vua Trần Thái Tông (gọi Trần Thái Tông là chú ruột), anh con bác của vua Trần Thánh Tông và hàng bác họ của Trần Nhân Tông.
THƯỢNG PHẨM: Hư hàm nhà nước dùng để ban thưởng cho các chức tạp lưu, nằm ngoài và thấp hơn chín bậc chính thức. Đây Trần Lai được hư hàm là thượng phẩm, còn thực quyền là xã trưởng một xã nhỏ.
TRẦN BANG CẨN: Đại thần nhà Trần, dưới thời Trần Minh Tông (1314 - 1329), giữ chức Đại hành khiển, thượng thư, tả bộc xạ ông là người nổi tiếng giản dị, mực thước, điềm tĩnh và sống rất thanh đạm.
TRI KHU MẬT VIỆN CHÁNH CHƯỞNG: Đại để cũng như là chánh văn phòng của cơ quan Khu mật viện (là cơ quan thường trực của triều đình).
TRIỆU VÕ: Miếu hiệu của Triệu Đà. Triệu Đà nguyên là tướng của nhà Tần. Năm 208 trước công nguyên, nhân Tần Thủy Hoàng mất và nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà chiếm cứ vùng Lĩnh Nam, lập ra nước Nam Việt, và làm vua nước này từ đó cho đến năm 136 trước công nguyên. Trong thời gian trị vì, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân sang đánh nước Âu Lạc. Nhưng nhân dân Âu Lạc, dưới sự chỉ huy của An Dương Vương, đã đẩy lùi tất cả những cuộc tấn công xâm lược đó. Sau, Triệu Đà liền cho con là Trọng Thủy, kết hôn với con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu, dùng quan hệ hôn nhân để làm cho An Dương Vương mơ hồ, mất cảnh giác. Năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà bất ngờ cho quân sang xâm lược, và lần này, An Dương bị đại bại. Đất nước bị Triệu Đà chiếm kể từ đó.
Tuy nhiên, do lập trường chính trị ngày xưa có khác, cho nên, trong nhiều tác phẩm sử học cũ, Triệu Đà được coi như là vua chính thức của nước ta. Trần Hưng Đạo là người theo quan điểm xưa này.
TRUNG THƯ THỊ LANG, KIÊM TRI THẨM HÌNH VIỆN SỰ: Trung thư thị lang sau đổi là thượng thư. Kiêm Tri thẩm hình viện sự là kiêm coi công việc của Thẩm hình viện (cơ quan chuyên lo xét xử, án kiện và ngục tụng của triều đình).
TRƯỜNG TRẬN: Thuật ngữ của binh pháp cổ, rất khó dịch. Đại để trường trận là dùng quân có vũ khí và phương tiện đánh tầm xa như cung tên, ngựa... v.v. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa rộng, trường trận cũng có nghĩa là dùng lực lượng lớn, đánh theo lối chính quy, trận địa chiến.
XUÂN THU: Chặng đầu của thời Đông Chu (Trung Quốc), gồm từ cuối thế kỉ thứ VIII đến đầu thế kỉ V trước công nguyên.
Khổng Tử có soạn một bộ sử của nước Lỗ (một trong những nước chư hầu của nhà Chu), từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công, tức là khoảng thời gian tương ứng với chặng đầu của nhà Đông Chu. Bộ sử ấy được đặt tên là Xuân Thu (sau được coi là một trong Ngũ kinh của Nho gia), nên người đời cũng nhân đó để gọi toàn bộ chặng đầu của nhà Đông Chu là thời Xuân Thu.
VŨ HẦU: Tức Chư Cát Lượng mà ta quen đọc là Gia Cát Lượng, quân sư lỗi lạc của Lưu Bị (vua nước Thục của Trung Quốc thời Tam Quốc). Ông là biểu tượng điển hình của những người dốc lòng phò vua giúp nước, được nho sĩ xưa hết sức ca ngợi.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 3