There is a wonder in reading Braille that the sighted will never know: to touch words and have them touch you back.

Jim Fiebig

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 74: Trại Chung: “Xã Hội Chủ Nghĩa Thu Hẹp”…
ề tới xà lim, người tôi chưa hết bàng hoàng về một chuyển hướng, một lối rẽ của cuộc đời tù. Hôm nay là mồng 2 tháng 12 năm 1967. Như thế, tôi đã ở 5 năm và gần 6 tháng trong buồng tối xà lim. Đất nước, cũng như cuộc đời đã bao nhiêu đổi thay.
Đã ở trong xà lim hơn 5 năm, có biết bao nhiêu kỷ niệm, dù phần lớn chỉ là đắng cay, tủi nhục; nhưng bây giờ phải rời đi, tôi cũng không khỏi cảm thấy…bâng khuâng. Vơ vội chăn chiếu, tôi nhìn chiếc áo trấn thủ và cái chăn, rồi ngập ngừng hỏi Dư xem thế nào? Dư bảo, trại chung thì cũng là Hỏa Lò, vậy cứ ôm cả chăn lẫn các thứ đi. Nhớ đến Lương và Nguyễn Lân, tôi liền ho hai tiếng, khạc hai tiếng như lời chào từ giã bạn bè. Tên Dư đứng ngay đấy, nhưng làm sao hiểu được ý nghĩa của tiếng ho và tiếng khạc.
Tên Dư dẫn tôi qua cái sân rộng của trại chung. Trên đường đi, gọi là tình nghĩa với nhau (tôi không thể phủ nhận được là tên Dư có chút cảm tình cá nhân với tôi. Hơn 3 năm nay, hàng ngày trông thấy nhau đều đều. Hơn nữa, biết đâu chả lại phải có thêm ý kiến của y tôi mới được ra trại chung này. Về thủ tục, hẳn rằng, trước khi giám thị Hỏa Lò quyết định, phải xin ý kiến của sở công an, của cấp trên, rồi phải gọi cán bộ trực chính của xà lim I để hỏi về…tôi nữa chứ!), nghĩ thế, tôi liền nói với Dư là tôi rất biết ơn y, và còn thêm một câu:
- Chúc ông và gia đình mạnh khỏe.
Y cũng tình cảm dặn dò:
- Anh hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe.
Y dẫn tôi mãi qua chiếc sân rộng, tới chỗ có hành lang dẫn vào “cát xô”, nơi mà gần ba năm trước, tôi đã từ đó bò về xà lim I. Y mở khóa một cánh cửa sắt to, cao. Cánh cửa này gồm hai phần: phần trên, cao hơn đầu người, là những chấn song sắt to gần bằng cổ tay; phần dưới, bịt kín bằng sắt, thành ra trong ngoài không nhìn thấy nhau.
Tuy đã ở tù 5 năm rưỡi trong Hỏa Lò, nhưng tôi chưa hề biết trại chung như thế nào. Nhìn vào trong buồng, tôi thấy lố nhố đầy người; hàng trăm con mắt to nhỏ đang tò mò nhìn ra phía tôi. Tôi ngạc nhiên quá chừng chừng. Tù gì mà có cả…trẻ con bé tí, chỉ độ 6, 7 tuổi. Toàn buồng ước độ 150 đến 170 người: thanh niên, choai choai, nhơ nhỡ, nho nhỏ…quần áo lôi thôi, lếch thếch, vá chằng, vá đụp; ghẻ lở kềng càng; đen đũi gầy guộc. Có hai người lớn đã đứng tuổi; khoảng hơn chục thanh niên; số còn lại, toàn loại lau nhau.
Một ông chừng 40 tuổi tiến đến phía tôi, tự giới thiệu là Phan Tấn Hưng, buồng trưởng. Anh chỉ cho tôi một chỗ trống gần anh. Anh lại chỉ một người nữa, tóc đã điểm sương, giới thiệu là bác Nguyễn Văn Khánh, tài xế lái xe đò đường Hà Nội – Hải Phòng.
Anh Hưng là người miền Nam, cán bộ tập kết, tội hủ hóa và tham ô (tình ái lăng nhăng và ăn cắp của công). Trông y trắng trẻo, vẻ có học. Đặc biệt là đôi mắt của y, nửa phần trên đen mờ mờ, rất hay nhìn trộm. Lúc đầu, y và một số thanh niên mặt căng căng, khinh khỉnh, nhìn tôi một cách thăm dò. Sau khi biết tôi là một điệp viên xâm nhập Hà Nội, rồi dư âm về chuyện đánh một cán bộ phọt phân ra để đào thoát vẫn có một vài người nhắc lại (dù câu chuyện đã hơn 3 năm rồi). Những bộ mặt câng câng, khinh khỉnh, những thái độ lành lạnh, ngang ngang… biến sạch, nhường cho những nét mặt hân hoan, niềm nở.
Thôi thì, thuốc lào, thuốc lá hút tơi bời. Nhất là dăm thanh niên và trẻ con, vây vòng ngoài để hỏi chuyện. Một thanh niên chừng 22, 23 tuổi, cao ráo, trông như một học sinh, sau khi nghe biết sơ sơ về tôi, hai tay y vồ lấy tay tôi lắc lắc như gặp một người thân quen đã lâu ngày:
- Hơn ba năm trước, em ở buồng 6, có một anh nhà bếp lên thuật lại chuyện anh đánh cán bộ để trốn. Rồi anh bị đánh gần chết, đưa vào “cát xô”. Họ nói, anh là một điệp viên cừ khôi của chính quyền miền Nam, được đào tạo nhiều năm ở Tokyo. Anh còn có đệ nhị đẳng huyền đai nhu đạo nữa.
Tôi rất ngạc nhiên, y nói về tôi như một huyền thoại, chẳng có một cơ sở nào cả. Thế mới thấy cái “huyền diệu” của những tin đồn.
Y tự giới thiệu là Hoàng Hữu Phúc, biệt hiệu, Phúc “Thổ”, cầm đầu giới “chềnh vòm” (dân đi ăn trộm) khu Năm Đồng. Y đã học hết lớp 9 Phổ Thông (chương trình 10 năm, sau này Cộng Sản mới đổi thành hệ 12 năm). Mới 24 tuổi đã có 6 “tiền sự” (có bị bắt dăm ba ngày, có khi đôi ba tháng, nhưng không ra tòa) và một tiền án. Năm 1964, đã bị xử hai năm rưỡi tù, đi trại trung ương. Mới được tha chưa được 6 tháng, bây giờ lại bị bắt, vẫn là tội cũ. Phúc “Thổ” chỉ một tên có nước da ngăm ngăm, đôi mắt thật sắc, với một chiếc sẹo dài nằm vắt chéo từ mí mắt trái xuống mé tai, làm cho đôi mắt trái của y kéo xếch lên, trẻ con hẳn không dám nhìn. Y tên Thọ “Lột”, trùm dân “xô bè” (giật đồ trên xe lửa rồi nhẩy xuống sông, hoặc xuống đường, khi xe đang chạy), cũng trạc tuổi với Phúc “Thổ”. Y cũng đã học hết lớp 10.
Sơ qua như vậy, tôi thấy ở trại chung, riêng trong căn buồng này chỉ có hai ông Hưng và Khánh là tội buôn lậu và tham ô, còn hầu hết là anh chị, lưu manh, trộm cắp.
Kẻng cấm, 9 giờ tối, theo nội quy trại chung, tù đều phải đi nằm và không được nói chuyện. Đám anh chị thật ưu đãi khách mới. Chúng đã dành cho tôi một chỗ tương đối khô ráo, một mình một chiếc chiếu con, bên cạnh Phúc “Thổ” và Thọ “Lột”; nghĩa là được nằm ở chỗ “Giai cấp lãnh đạo” trong cái buồng ấy. Chúng có rất nhiều tay chân, kẻ hầu người hạ.
Mới nhìn phiến diện, tôi đã thấy từ trên xuống dưới có rất nhiều thành phần thứ bậc. Ngay như một điếu thuốc lào, chúng hút xong; loại nào được hút sái nhì; loại nào được hút sái ba; để rồi đứa cuối cùng cầm cái điếu, “kéo” đến gân cổ lên, nhưng lúc há mồm nhả khói, chỉ còn vài sợi lờ mờ, trong khi điếu thuốc đã thành tro từ bao giờ và đã chui tọt vào nõ điếu lâu rồi. Trước khi nằm xuống ngủ, Phúc “Thổ” còn ghé vào tai tôi thì thầm:
- Trước đây mà được gặp anh ở ngoài Hà Nội, thật là hết ý! Em bảo đảm với anh là, anh ở Hà Nội hàng năm, chẳng bao giờ tụi công an, phản gián “ngửi” thấy hơi của anh. Chuyến này, nếu anh được ra, chúng em là thổ công, là những con rận, con chấy trong quần áo của chúng. Nếu không vì đói phải trộm cắp bừa bãi, muôn đời chúng đừng hòng mó được sợi tóc của chúng em.
Cuối cùng, y nói nhỏ:
- Tên Hưng già là loại “Zoóc” (ăng ten, điểm chỉ trong Nam). Nhưng, nó phải biết điều với chúng em, nếu không, chúng em đã xin nó tí huyết rồi.
Tôi nhắm mắt, óc vẫn còn vẩn vơ nghĩ đến những điều Phúc “Thổ”. Y tỏ ra rất quái. Y lại là loại lưu manh có học nữa, cho nên những cái nhìn của y tương đối có giá. Tôi cũng hơi băn khoăn suy nghĩ, vì sao tụi Cộng Sản lại đưa tôi vào buồng này, gồm hầu hết là lưu manh, cắp trộm của Hà Nội. Mỗi tuần, có một chuyến đưa đi trại Mai Lĩnh và Kỳ Sơn.
Trại Mai Lĩnh ở gần chùa Trầm, Hà Đông, là một trại lớn “dành cho” nhi đồng… hư. Trại Kỳ Sơn ở Hòa Bình, cũng là một trại lớn, giam tù thiếu niên… hư. Trong Hỏa Lò, khu trại chung có hơn một chục buồng, nhốt đủ mọi loại tù. Có hai buồng chuyên giam loại chính trị nặng. Vậy tại sao chúng lại đưa tôi vào một căn buồng toàn loại trộm cắp này?
Có thể, chúng có những chủ trương như sau: tuy tôi bị bắt đã gần 6 năm, nhưng cũng chỉ là nằm một mình ở trong buồng kín, chưa biết gì nhiều ở bên ngoài cả. Ngược lại, trong Hỏa Lò cũng chả ai biết về tôi. Sau vụ tôi vượt ngục không thành, qua đó, chúng cũng đã thấy tư tưởng của tôi cũng chả tốt đẹp gì. Vậy, nếu cho giam chung với những buồng chính trị, tôi càng làm “xấu” những người còn đang thời gian khai thác, chưa thành án. Mặt khác, chúng hãy cho tôi vào buồng toàn tụi lưu manh, trộm cắp lau nhau, để tên Phan Tấn Hưng theo dõi tư tưởng, thái độ của tôi một thời gian, từ đấy chúng nhìn rõ về tôi hơn.
Trên đây, cũng chỉ là sự suy đoán, tôi phải đợi thời gian và thêm sự việc, mới có thể kết luận được. Tôi cứ miên man suy nghĩ, rồi chìm dần vào giấc ngủ chập chờn. Đêm đầu tiên ở trại chung, giấc ngủ không yên. Cứ chốc chốc lại giật mình tỉnh thức, vì tiếng thét giật đùng đùng như bị dao chém ở chỗ này, hay tiếng gào khóc lạy van ở góc kia…của những cháu nhỏ nằm…mớ.
Gần sáng, tôi ngồi dậy, muốn tìm chỗ đi giải. Mãi gần góc nhà xí, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn “60” nến, còn 4 cậu choai choai, độ 15, 16 tuổi, bị cùm mỗi cậu một chân. Đây là loại cùm “suốt” (giống như ở xà lim Hà Tĩnh mà tôi đã bị cùm). Loại cùm này tương đối thoải mái. Tù có thể di chuyển chân, hoặc đứng dậy được, vì cùm chỉ có hai cái khoen lồng vào trong một cái “suốt” sắt. Tùy theo “suốt” dài, ngắn và tùy theo chỗ cùm rộng hay hẹp, loại cùm này có thể cùm được rất nhiều người. Đây là một hình thức để kỷ luật những phạm nhân nào ngang bướng, hoặc vi phạm nội quy của trại. Đôi khi cũng dùng để trấn áp, hay khai thác… tùy theo những sự việc mà Cộng Sản muốn.
Cách thiết kế để xây dựng những căn buồng này, hẳn cũng do từ thời Pháp thuộc. Buồng làm theo hình chữ nhật, kích thước dài khoảng 15m, rộng 10m. Ở giữa là một cái bệ xi măng lớn chiếm gần hết buồng, kích thước dài 12m, rộng 7m; bệ xây cao hơn nền chừng 50 phân; lối đi là phần còn lại ở chung quanh bệ, rộng chừng 1m rưỡi.
Có thể thời Pháp thuộc, tù chỉ nằm trên bệ xi măng, còn lối đi bên dưới, chung quanh, để dép, guốc chăng? Nhưng bây giờ dưới chế độ cách mạng nhân dân, vì quá đông, cho nên tù nằm la liệt, cả trên bệ lẫn lối đi.
Tôi phải bước qua nhiều cậu đang nằm tụm 5, tụm 3 để vào… cầu tiêu. Mở cánh cửa nhà cầu, tôi thấy, dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu bé xíu, căn nhà cầu này rất nhỏ. Trên nền nhớp nháp, nồng nặc mùi phân và nước giải. Thảo nào, suốt đêm, khi ngủ thì thôi, lúc thức giấc, mũi tôi luôn luôn ngửi thấy một mùi khai, thối tràn ngập căn buồng. Từ xà lim ra trại chung, tôi vẫn đi đôi “guốc, dép” của tôi. Nhưng, vì không muốn làm mất giấc ngủ của những người tôi sẽ bước qua, nên tôi đã đi chân đất vào cầu tiêu. Cũng vì vậy, trên đường đi và về chỗ nằm, thỉnh thoảng tôi thấy như chân mình dẫm vào cái gì mềm, kêu bóp bép. Ánh sáng quá mờ, tôi đã không thể đoán được là cái gì?
Về tới chỗ nằm, tôi chả làm sao ngủ được nữa. Mùi phân, mùi nước giải, mùi hơi người lâu ngày không tắm rửa, mùi quần áo nhiều ngày không giặt, trộn lẫn với không khí trong buồng thành một mùi chua chua, khăm khẳm cay sè làm đầu tôi váng rất nặng nề. Trước đây, ở xà lim, tuy cũng phân, cũng nước giải, cũng quần áo thời gian lâu ngày không giặt, cũng thân thể lâu ngày không tắm rửa, nhưng những hơi hướm đó, chỉ là của một người, mà người đó là chính… mình, cho nên thật dễ… ngửi, chả thấy cay mũi, nặng đầu như bây giờ.
Trời đã sáng hẳn. Tiếng loa nghe rõ mồn một, đang ra rả điệu nhạc dạo đầu của đài tiếng nói “Quân Đội Nhân Dân”, rồi tiếp theo là cái giọng the thé của cô xướng ngôn viên: “…Quân đội nhân dân, trung với đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành; khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thẳng!…”
Một khẩu hiệu thúc giục, nêu lên như một bức hình tâm lý, ngày nào cũng đập vào óc mọi người, dần dà đã in vào nếp nghĩ, nếp nhìn. Để đến một lúc nào đó thành hiển nhiên như một công lý tất yếu. Rồi những sự việc sau đó, nếu xẩy ra hợp với nội dung khẩu hiệu, là thuận; nếu xảy ra ngược lại là nghịch, là làm cho người ta băn khoăn ngạc nhiên, như một tín đồ thuận thành làm trái với lẽ đạo.
Vì là buổi sáng sớm ở trại chung, nên tôi phải bị động theo cái chung của mọi người. Đã gần tới giờ làm việc rồi, mà hầu hết cả buồng còn nằm, từng cụm, từng cụm với nhau mê mệt ngủ. Tôi không hiểu tại sao họ lại có thể ngủ nhiều như vậy được? Có lẽ, trong đêm họ có nhiều khắc khoải thao thức, hay do tuổi trẻ bất cần đời, cứ buông trôi, để mặc cho đời trôi theo giòng nước… đục? Tôi lại phải tiếp tục nằm chịu trận, rán mà nghe cái “con mẹ lắm mồm” nheo nhéo, một cách bất khả kháng… Rồi, đến cái mục “Các em thiếu nhi”. Nghĩ cũng lạ, nghe gần 6 năm rồi, tôi chẳng thấy một bài ca nào, bảo các em nghe lời của cha mẹ cả. Trái lại, ngay từ khi các em mới bập bẹ biết nói, đã dạy phải nghe lời … bác, lời đảng mà đại diện trước mắt là các cô, các thầy giữ nhà trẻ và giảng đạo của đảng. Nào là:
“…Ra vườn hoa em chơi, hoa sắc trắng nhìn em hoa cười. Nghe lời cô, em ngoan em không hái một bông hoa nào, vì hoa này là…của chung…”
Cộng Sản đã theo đúng phương châm “Dạy trẻ từ thuở còn thơ”. Chúng lại còn phát huy cao độ hơn nữa là chú ý ngay từ “khâu” chọn hạt giống, như:
“…Hạt giống đỏ…được chăm nom vun sới, thành lớp cây xanh vươn dưới…mái trường…”.
Tôi đang nằm bực bội nghe miệng lưỡi của Cộng Sản xui trẻ con ăn … cứt gà, thì cậu Phúc “Thổ”, vừa bò dậy vừa nói, trong ngái ngủ, khi cậu nhìn thấy ánh mắt tôi:
- Anh dậy sớm thế! Đêm qua anh có ngủ được không?
Tôi vừa lồm cồm bò dậy, vừa trả lời:
- Đã ngủ thì phải được. Nhưng cậu có ngửi thấy ngột ngạt phân và nước giải không?
- Không anh ạ! Người ta bảo: “Ở gần nhà xí mãi không còn ngửi thấy thối nữa”, anh!
Vừa nói, y vừa đi vào cầu tiêu. Tôi dõi mắt nhìn chéo xuống phía tay phải chỗ lối đi. Đêm qua tôi thấy một tồ chăn cuốn, chẳng có chiếu, một cái chân dài nghệu, đầy ghẻ thò ra ngoài chăn, tôi cứ tưởng một người; bây giờ cái tồ chăn đó mở ra, đến 3 đứa ngồi dậy. Một đứa, lớn nhất, da trắng, mặt rất kháu khỉnh, chừng 13, 14 tuổi. Nó đã cao, giờ lại gầy, thành ra những cái tay, cái chân lêu nghêu, kềnh càng như những cái chân con nhện. Hai đứa kia bé tí; một đứa đứng chỉ cao tới ngực, còn một đứa chỉ ngang tới rốn của thằng lớn. Chính vì vậy, đêm qua tôi mới tưởng chỉ có một người.
Cả ba đứa, tuy ngồi dựa lưng vào tường và vẫn khoác chung một cái chăn rách, nhưng 6 con mắt dã cứ thập thò liếc nhìn chiếc điếu cầy tôi đang chuẩn bị “bắn” một điếu buổi sáng. Chúng nhìn tôi bằng những con mắt vừa thèm thuồng muốn xin được hút sái nhì, hay sái ba; nhưng lại vừa sợ sệt, vì như vậy là… phạm thượng. Hôm qua, chúng đã thấy tôi được cả buồng quý nể (trong đó có cả bậc “trùm” của chúng). Tôi liếc nhìn chung quanh và thấy cũng còn nhiều con mắt trắng lấm lét, rụt rè nữa muốn được cái vinh hạnh hút sái nhì, hoặc sái ba. Tôi vẫy tay, gọi cái cuộn chăn 3 đứa đến. Mắt chúng đều sáng lên ngập ngừng tiến đến, ngồi cả xuống trước mặt tôi lấm lét nhìn tôi như chờ lệnh. Cả ba đứa, chân tay đều ghẻ kềnh càng. Tôi rút gói thuốc lào, hôm qua Thọ “Lột” đã đưa biếu, ở trong túi ra, vê cho mỗi đứa một điếu. Tôi hỏi đứa lớn:
- Cháu tên gì?
- Thưa chú, cháu là Thắng, mọi người gọi cháu là Thắng “Trắng”.
- Thế bố mẹ cháu ở đâu?
- Ở Hàng Bạc ạ!
Tôi ngạc nhiên và vội vàng hỏi tiếp:
- Cháu ở 127.
Tôi vồ vập:
- Phải hiệu Bảo Hưng Long không?
Nó mở to mắt ngạc nhiên:
- Sao chú biết? Đấy là cậu mợ cháu!
Đến lượt mắt tôi lại căng ra vì ngạc nhiên, tôi dồn dập hỏi nó về cô Thuận, về thằng Hòa, thằng Hiếu, cô Tám v.v… Cả một khung cảnh ngày xưa của phố Hàng Bạc những năm 1952, 53, 54!…Lúc đó, tôi làm thợ vàng cho hiệu Tân Hưng, Bảo Hưng Long và Đức Hưng. Ba mẹ con, Bảo Hưng Long là chị của Tân Hưng, tức cô Thuận, hoa khôi Hàng Bạc 1952. Như thế, Thắng “Trắng” phải gọi Hòa, Hiếu là cậu. Tuy thời gian ở Hà Nội, tôi làm thợ kim hoàn, nhưng tôi vẫn đi học Pháp văn, cho nên vừa là thợ, vừa là học sinh, 15, 16 tuổi.
Điều tôi băn khoăn suy nghĩ mãi là, những gia đình này ngày xưa, là loại thế phiệt trâm anh, đài các, trong giai cấp trưởng giả, vậy mà bây giờ con cái là loại lưu manh, đầu đường, xó chợ? Tại sao họ chóng sa sút thế? Không kìm được tò mò, tôi hỏi thằng Thắng:
- Tại sao cháu không đi học, lại đi cắp trộm, cậu mợ cháu không nuôi cháu à?
- Cháu đã “dạt vòm” lâu lắm rồi. Bây giờ, cậu mợ cháu đã … từ cháu.
Tôi chưa hiểu trọn vẹn ý chữ “dạt vòm” nên hỏi lại. Thằng bé nhất, từ nãy cứ nhấp nhổm muốn góp chuyện, vội vàng trả lời:
- Chú không biết à, “dạt vòm” là bỏ nhà đi bụi đời ấy mà!
Tôi quay lại nhìn thằng nhóc con, mặt nó đương vênh vênh lên như vẻ ra đây cũng là dân bụi đời. Tôi cũng thấy vui vui nên hỏi ngay:
- Cháu tên gì?
Thằng Thắng nhanh nhẩu trả lời thay:
- Nó là Phúc “Lủi” đấy chú ạ!
- Sao lại là Phúc “Lủi”?
Cả hai đứa đều cười ầm lên, thằng Thắng nói tiếp:
- Nó lủi nhanh lắm chú ơi! Nó đã vào chỗ đám đông thì có giời tìm. Nó toàn chui dưới khe háng người ta để lủi. “Cá” (công an) bắt được nó rồi thấy nó bé tí, cứ nắm lỏng tay, bất ngờ, nó giật tay ra, chạy ngay vào đám đông.
Tò mò, tôi lại hỏi:
- Năm nay, cháu bao nhiêu tuổi rồi!
Nó đứng hẳn dậy, một tay đè vạt áo xuống che cái bụng ỏng, lồi cả rốn ra:
- Cháu 11 tuổi rồi!
Tôi ngạc nhiên nhìn thằng Phúc “Lủi” đứng, người nó bé con chỉ bằng đứa trẻ lên 5, lên 6 bình thường ở trong Nam; cái mặt hơi choắt lại vì gầy; nhưng đặc biệt, đôi mắt của nó thật sáng và nhanh. Tôi đang định hỏi tiếp thì cán bộ đã đến mở cửa điểm số.
Cứ hai người một, cầm tay nhau đi ra để cán bộ điểm. Trong lúc đi ra, tôi nhìn xuống nền nhà, thỉnh thoảng có những điểm trăng trắng ngó ngoáy, bò chỗ nọ, chỗ kia. Đêm qua, lúc đi tiểu, tôi đã dẫm phải mà không đoán được đó là cái gì. Đó chỉ là những con bọ to nhỏ từ những đống phân trong nhà xí bò ra. Tôi thấy hầu hết chẳng ai để ý tới những con bọ này cả.
Khi ra tới sân, tên Hưng buồng trưởng dẫn tất cả đến một góc sân, có cái bể nổi, cao hơn mặt sân chừng sáu, bẩy mươi phân, gồm hai ngăn, mỗi ngăn rộng chừng 1 mét vuông. Nước bể đã đầy, nhưng một vòi chảy vào thì trong, nhưng nước ở trong bể lại lờ lờ. Trên mặt nước lều bều những váng ghét, của những buồng trước đã rửa. Hàng trăm người, mà chỉ có độ chục cái gáo. Vì vậy, nhiều đứa thò luôn tay vào bể, vốc một ít nước xoa lên mặt mấy cái, như mèo, thế là rửa mặt xong.
Chỉ có 15 phút rửa mặt, rồi tất cả lại xếp hàng đôi trở về chỗ quy định của buồng trong vạch vôi, ngồi xuống. Trong buồng đang quét dọn, mỗi ngày cắt ra 4 người quét dọn, làm vệ sinh buồng và nhà xí. Trong buồng chỉ một đêm mà hôi bẩn như vậy. Ngồi ở sân, tôi hỏi một cậu, tên Tiến “Ga” ngồi bên cạnh:
- Các cậu ngủ như thế, bọ bò lổm ngổm vào chăn chiếu, làm sao ngủ?
- Anh ơi, rồi quen đi hết! Nhiều đêm đang ngủ thấy ngứa tai, móc ra là một chú bọ. Bọ chui vào quần áo là thường, anh ạ.
Nghe y nói, tôi cũng thấy người ngưa ngứa. Tôi phải luồn tay vào trong áo, vừa gãi, vừa đưa mắt hỏi Tiến “Ga”. Y cười thành tiếng:
- Anh nằm trên bệ xi măng là giai cấp trên rồi, không có bọ đâu, nhưng là rận đấy. Rận, ở trong buồng thì không ai là không có.
Thảo nào! Tuy là mùa Đông, nhưng buổi sáng cũng có một lúc ánh nắng nhàn nhạt. Tôi đưa mắt nhìn toàn bộ cái sân rộng của trại chung. Lổm ngổm đầy tù, mỗi buồng chiếm một khoảng sân. Buồng nào cũng đang có người cởi áo ra để…bắt rận. Tôi đang mải nhìn hai buồng phía gần xà lim I vừa rửa ráy xong và đã vào buồng, ngồi xếp hàng 10 để…”sinh hoạt chính trị”, bỗng một cậu chộp lẹ một cái vào cổ áo tôi. Tôi quay quắt lại, thì ra thằng Phong “Trố”, hai ngón tay trái và trỏ của nó đang kẹp chặt giơ ra, miệng nói:
- Rận của anh nè!
Tôi ngửa bàn tay cho y bỏ vào. Con rận “xề” đen xì, nằm ngửa hơ hơ, đang giơ những cái chân con tí giẫy dọn tìm cách lật úp lại. Mới có một đêm, rận đã bò cả ở bên ngoài áo. Tôi chợt thấy cả người ngứa ran. Chỗ nào trong áo, tôi cũng cảm thấy như có rận chui rúc vào. Tôi vừa quyết định phải cởi áo ra xem sao, thì bác Khánh đến, chỉ tay về phía một cái bàn và bảo tôi là cán bộ gọi.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen