Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 71: Thủ Tục
M
ột nghị sĩ của nước ngoài đã từng nói: “Nếu cho bạn viết luật về nội dung và cho tôi viết luật về thủ tục thì tôi có thể đánh bại bạn vào bất cứ lúc nào”. Nắm trong tay thủ tục, một người có thể vô hiệu hóa mọi cố gắng của người khác một cách dễ dàng. Đó là lý do tại sao người nước ngoài nhiều khi coi luật thủ tục (còn gọi là luật hình thức) quan trọng hơn cả luật nội dung. Tuy nhiên, đó chưa hẳn đã là cách tư duy của người Việt. Đối với chúng ta, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, thủ tục nhiều khi bị coi là thứ hình thức bề ngoài, hơn thế nữa, còn là thứ chỉ gây thêm phiền hà và khó chịu.
Cách cư xử như vậy không phải là điều quá khó hiểu: chúng ta ai mà đã chẳng phải trải nghiệm “con đường đau khổ” của các thủ tục hành chính trong cuộc sống của mình. Bạn cũng muốn đăng ký ngôi nhà của mình cho đúng pháp luật, nhưng các thủ tục “hành chính” và các thứ “hành phụ” khác có thể làm cho bạn mệt đứt hơi. Mà nhà thì vẫn chưa chắc đã đăng ký được.
Tuy nhiên, sự phản cảm đối với thủ tục chỉ làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn chứ không phải là ngược lại. Cuối cùng thì các công việc vẫn phải được xử lý theo một trình tự, thủ tục nào đó. Nếu các thủ tục cứ bỏ hết đi thì điều đó chỉ có nghĩa là các quan chức muốn làm thế nào cũng được.
Vấn đề là cần phải nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của thủ tục. Thủ tục nếu hiểu đúng phải là “con đường dẫn đến tự do”. Nếu vậy thủ tục phải được sinh ra để bảo vệ các quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cư trú... của người dân, cũng như để công việc được xử lý một cách khách quan, công bằng, chứ không phải để nhẹ nhàng hơn cho hoạt động “quản lý” của các quan chức. Với cách hiểu thủ tục như hiện nay, thủ tục chỉ gây khó cho người dân mà thôi. Thực tế, ở nước ta ai có quyền ban hành thủ tục? Câu trả lời là: các cơ quan công quyền. Các cơ quan này thường có xu hướng dành phần dễ cho mình và đẩy phần khó cho dân. Điều này có thể bắt nguồn từ quan điểm đã lỗi thời rằng pháp luật là công cụ để quản lý chứ không phải là công cụ để bảo vệ quyền và tạo môi trường sống an toàn, thuận lợi.
Vấn đề đặt ra không phải xóa bỏ các thủ tục, mà là phải thay đổi thủ tục theo hướng có lợi cho người dân. Ví dụ, để kiểm tra tính xác thực của tài sản, của bằng cấp, giấy tờ... hiện nay các cơ quan nhà nước không làm gì nhiều, mà đẩy hết trách nhiệm cho người dân. Và người dân cứ phải chạy vòng quanh để xin giấy chứng nhận của hết cơ quan này, đến cơ quan khác. Tuy nhiên, nếu các cơ quan nhà nước tích cực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để kiểm tra tính xác thực của các thông tin, thì người dân sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Một ví dụ khác, thủ tục phải đòi hỏi không chỉ người dân về trách nhiệm cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ, các loại bản sao có công chứng, mà còn phải đòi hỏi các quan chức - về thời hạn xử lý hồ sơ và giải quyết vụ việc; chế độ trách nhiệm cũng cần được đặt ra đối với sự chậm trễ trong quá trình xem xét giải quyết các công vụ.
Trở lại với câu nói của vị nghị sĩ nêu ở phần trên, vận dụng thủ tục để đánh bại đối phương là một nghệ thuật. Không chỉ các quan chức mà cả những người dân cũng cần học được cách làm chủ nghệ thuật này.