Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Z.28 Đêm Cuối Cùng Của Tử Tội - Chương 7: Xác Chết Trong Bồn Tắm
Ánh dao lập lòe trong căn phòng tối om. Nhờ nhỡn tuyến tinh tế, Văn Bình đã nhận ra người lạ. Đó là Sáu Ngọt, phụ trách an ninh của Trạm. Hồi trưa, y đã lẻn vào phòng chàng lục lọi một lần. Song lần ấy, Sáu Ngọt không mang khí giới.
Hơi thở dồn dập và mùi rượu mạnh của y quạt vào giác quan chàng. Chàng đinh ninh Sáu Ngọt tiến lại giường, chém xuống một nhát, nhưng không, y chỉ đứng nhìn chàng trong bóng tối. Nằm trong chăn, Văn Bình chuẩn bị sẵn. Nếu y cử động cánh tay cầm dao, chàng sẽ tung người lên, ném cái mền vào mặt y.
Dáng điệu khoan thai, Sáu Ngọt vặn đèn lên. Y lấy cán dao đập nhẹ vào chăn, miệng gọi:
- Tăng Minh.
Văn Bình giả vờ ú ớ, rồi cựa mình, mặt ngoảnh vào tường. Sáu Ngọt thốt ra một câu tục tĩu:
- Mẹ kiếp, ngủ đếch gì say thế.
Y kéo tấm mền, vứt sang bên, miệng hô lớn:
- Tăng Minh. Dậy đi.
Văn Bình mở choàng hai mắt, ngó quanh quất một phút rồi ngồi lên. Khi thấy Sáu Ngọt, chàng giả vờ sửng sốt. Sáu Ngọt gằn giọng:
- Dậy mau. Tôi có chuyện cần nói với anh.
Văn Bình vuôn vai:
- Mệt quá. Không đợi đến sáng mai được sao?
- Cần lắm, không đợi được.
- Ừ thì dậy. Mấy giờ rồi đồng chí?
- Hơn một giờ sáng.
- Hừ, một giờ sáng mà xô cửa vào phòng, dí dao vào người, đòi nói chuyện cần, thú thật tôi không hiểu anh tí nào hết. Nếu tôi không lầm, anh là Sáu Ngọt, phụ trách an ninh của Trạm.
- Phải, tôi là Sáu. Sở dĩ thiên hạ thêm tiếng Ngọt ở sau, vì tôi dùng dao ngọt sớt, không thấy tôi vung dao mà đối thủ đã bị thương, và tôi đã ra tay thì giỏi đến mấy cũng mất mạng.
- Tôi có làm gì đâu mà anh phải dùng dao đe dọa.
Sáu Ngọt lắc đầu lia lịa:
- Không, tôi không dọa anh. Tôi chỉ muốn nói chuyện thân mật với anh thôi.
Rồi hạ giọng:
- Bộ com-lê cũ màu xanh của anh đâu?
Chàng vụt hiểu. Song chàng giả vờ ngây ngô:
- Bộ com-lê nào?
Sáu Ngọt liếc lưỡi dao vào gan bàn tay:
- Bộ com-lê mà Saratiên dặn anh mặc lên phi cơ ấy.
Chàng buông thõng:
- Tôi bỏ quên ở Vọng-các rồi.
Sáu Ngọt trợn mắt:
- Nói láo. Anh đưa cho ai rồi, nói mau.
- Tôi là một đại trí thức. Tôi không thích ai nghi tôi nói láo. Đêm khuya rồi, mời anh ra khỏi phòng tôi.
Sáu Ngọt quắc mắt:
- Nói dễ nghe nhỉ. Tôi chỉ ra khỏi phòng sau khi anh nộp bức thư cho tôi.
- Bức thư nào?
- Đừng đóng kịch ngu si nữa. Bức thư viết bằng mực bí mật trong áo com-lê, chứ còn gì nữa.
- Thú thật với anh, tôi không biết.
- Mày phải khai thật, nếu không tao chém chết.
Thấy Sáu Ngọt dở giọng đểu cáng, chàng biết tấn trò không kéo dài lâu nữa. Chàng nhún vai, giọng lạnh lùng:
- Cấm anh không được ăn nói láo xược. Sáng mai, tôi sẽ báo cáo với đồng chí Vũ Kính.
Sáu Ngọt cười ngạo mạn:
- Hừ, Vũ Kính! Mày định báo cáo với Công An hả? Khi cần đến, tao có thể nghiến nát như tương. Vả lại, mày đã nhận tiền ở Vọng-các để mang mật thư của Saratiên ra Hà Nội cho sứ quán Trung Hoa. Lộ ra, mày sẽ chết trước tiên.
Văn Bình ngây người. Chàng bắt đầu hiểu rõ sự thật. Sáu Ngọt và Vũ Kính là hai người khác nhau. Sáu Ngọt là nhân viên bí mật của Trung cộng, còn Vũ Kính là thiếu tá công an.
Sáu Ngọt khoa dao trước mặt chàng, mắt lườm lườm:
- Tao không có thời giờ chờ đợi mày nữa. Đếm từ một đến mười, nếu mày không chịu thú tội, tao sẽ xin mày tí huyết.
Văn Bình ngửa mặt cười:
- Mày đếm tới ba có mau hơn không?
Tức giận, Sáu Ngọt cất tiếng chửi thề rồi vung dao quét vào tóc chàng. Bản tâm của y là hớt một mảng tóc cho chàng sợ. Nhưng chàng thản nhiên, chờ lưỡi dao gần tới mới né sang bên. Chàng phóng chân trái vào bụng đối thủ.
Khinh địch, chàng tưởng y là tay mơ nên không nặng đòn. Sáu Ngọt bắt được bàn chân chàng, bẻ ngược theo một thế nhu đạo. Chàng phải uốn mình, nhảy vọt lên để khỏi gãy xương. Thấy chàng biết võ, Sáu Ngọt cũng không dám coi thường. Y thủ dao trong tay phải, bước lên, chém mạnh vào bả vai chàng.
Chàng phải ngã người ra sau. Sáu Ngọt thu võ khí lại, lần này bổ từ trên xuống, định chặt chàng ra làm đôi. Văn Bình tránh thật nhanh, đồng thời xử dụng một thế võ tuyệt kỹ, đoạt lấy dao và quật ngã đối phương xuống sàn gác.
Sáu Ngọt lộn nhào xuống giường. Văn Bình tiến theo, bồi một trái đấm ghê hồn vào giữa mặt. Một tia máu đỏ ri rỉ trên miệng, Sáu Ngọt nằm lịm đi.
Chàng lôi y dậy, giựt tóc mai cho tỉnh, rồi hỏi:
- Ai sai mày tới?
Sáu Ngọt thở dài, thiểu não:
- Tao đã nói rồi, mày không nhớ sao? Tòa đại sứ Trung Hoa sai tao đến. Mày lường gạt tòa đại sứ, mày sẽ mất mạng.
- Yên tâm. Mày sẽ chết ngay bây giờ.
Tưởng dọa chết, y sẽ run sợ, trái lại, y nhìn chàng bằng cặp mắt kiêu ngạo:
- Có giỏi cứ giết tao đi.
Văn Bình còn trù trừ, chưa định hạ sát hay chỉ đánh ngất thì y đã bất thần vùng dậy, thu tàn lực chồm vào người chàng, mười ngón tay chĩa ra tua tủa, chọc vào mắt. Miễn cưỡng, chàng phải gạt y ngã. Sáu Ngọt gầm lên, ôm lấy vai áo chàng, khuỷu tay hoành ra, định hạ chàng bằng atêmi.
Đánh atêmi là sở trường của chàng, nên chàng nhẹ nhàng đưa một tay đỡ, còn tay kia phạt ngang cuống họng Sáu Ngọt. Nạn nhân lăn kềnh, chết không kịp trối.
Cuộc xung đột diễn ra trong vòng hai phút đồng hồ. Chàng phải giải quyết thật nhanh, sợ có người tới.
Vừa khi ấy, chàng nghe có tiếng chân người ngoài hành lang. Vội vàng, chàng ôm xác Sáu Ngọt vào buồng tắm, đặt năm dài trong bồn nước.
Cửa phòng 25 mở toang.
Người buớc vào là thiếu tá Vũ Kính, hai tay thọc túi quần, dáng điệu nghiêm trọng.
Biết không lùi được nữa, Văn Bình vén riềm buồng tắm đi ra. Chàng đã thủ thế sẵn, nếu cần sẽ giết luôn Vũ Kính.
Giọng khô khan, y hỏi chàng:
- 2 giờ sáng rồi, anh chưa ngủ ư?
Chàng nhận thấy y không gọi chàng là "đồng chí" nữa. Chàng đáp:
- Còn anh? Đã hai giờ rồi, sao anh còn thức?
Văn Bình hạ thấp giọng:
- Anh chưa biết tôi là ai phải không? Nhưng tôi biết anh. Anh đừng ngại.
- Tôi không hiểu anh nói gì hết.
Y nhìn giữa mắt chàng, nói từ từ:
- Hôm nay, trời nóng tới 32 độ.
Văn Bình giựt mình. Nhìn lại, chàng nhận ra Vũ Kính mặc sơ-mi trắng, quần trắng, bàn tay trong túi rút ra cầm một đôi guốc Huế sơn đỏ nhỏ xíu, chưa đóng quai, ở tay trái lủng lẳng cái bị màu xanh, đan sợi mắt cáo, bên trong có đôi dép xe hơi sơn đen.
Y phục trắng, guốc Huế sơn đỏ, bị màu xanh, giép lốp sơn đen là những vật giúp chàng nhận diện nhân viên của Z.62 ở Hà Nội, và câu "hôm nay trời nóng tới 32 độ" là mật hiệu liên lạc.
Văn Bình đáp luôn:
- Đồng chí lầm rồi, hàn thử biểu của tôi chỉ có 27 độ.
Vũ Kính nói tiếp:
- Mời đồng chí lên Cầu Gỗ ăn cốc kem cho vui.
Đó là ám ngữ thứ hai, Văn Bình cười rộ:
- Hừ, 2 giờ sáng mới ăn kem. Nhưng "ăn kem thì còn gì bằng".
Đời rõ oái oăm. Người tưởng là thù thật ra là bạn. Vũ Kính không phải là kẻ muốn giết chàng mà là chiến hữu với chàng, Văn Bình à một tiếng rồi nói:
- Không ngờ nhân viên của Z.62 lại là thiếu tá Vũ Kính của Sở Công An Hà Nội.
Vũ Kính cười:
- Thật ra, tôi không có nhiệm vụ tiếp xúc với anh. Vào giờ chót, Z.62 cử tôi, sau khi nhận được khẩn lệnh của ông Hoàng từ Sàigòn. Vì một éo le bất ngờ, anh đã bị lộ. Ông Hoàng cho biết Tăng Minh được phe cựu thủ tướng Thái Pờradi nhờ mang một mật thư ra Hà Nội, yêu cầu viện trợ để tổ chức đảo chánh. Thế nào họ cũng tiếp xúc với anh. Biết anh là Tăng Minh giả hiệu, họ sẽ gây chuyện.
- Họ đã tiếp xúc rồi.
- Tôi biết. Lúc Sáu Ngọt vào phòng anh, tôi núp ở ngoài.
- Tại sao Sáu Ngọt chống anh?
- Giản dị lắm. Các sở gián điệp cộng sản bằng mặt mà không bằng lòng nhau. Sáu Ngọt bí mật làm gián điệp cho Trung cộng, tất đố kỵ công an.
- Còn Lệ Mai của cục Tình Báo?
- Lệ Mai ấy à? Anh tài quá, mới đến mà đã chinh phục trái tim người đẹp. Cục Tình Báo được đặt dưới quyền của Smerch Sô Viết.
- Anh biết tôi làm quen làm sao với Lệ Mai chưa?
- Tôi biết. Tôi đã đặt lén máy ghi âm trong phòng anh.
- Lại máy ghi âm?
- Phải. Máy khác, không phải máy của Lệ Mai đâu. Anh lầm to khi tin Lệ Mai đã phục tòng anh. Nàng là con cưng của Smerch. Sớm muộn, nàng sẽ báo cho họ.
- Nguy quá. Anh đã đối phó với nàng chưa?
- Rồi. Lệ Mai đang ngủ vùi trong phòng. Nếu tôi không lầm, anh đã hạ Sáu Ngọt. Lát nữa, tôi sẽ khiêng y lên phòng nàng. Cho cả hai nốc nhiều rượu vốt-ka, cởi hết quần áo, rồi đặt nằm chung giường. Say rượu và ăn nằm với người đẹp thường bị "thượng mã phong" phải không anh?
- Liệu họ có nghi ngờ không?
- Đừng lo. Anh để mặc tôi xử trí.
- Nếu Lệ Mai trung thành với Cục Tình Báo, tại sao nàng cho tôi lên phòng, xóa băng nhựa thâu thanh?
- Nàng tưởng cuộn băng này không có gì hết.
- Con người phồng nhựa sống như nàng chết thật tội nghiệp.
- Anh lầm rồi. nàng không còn xuân sắc như anh tưởng. Nàng là chiêu đãi viên chuyên nghiệp của Trạm. Chiêu đãi ở đây có nghĩa là thỏa mãn quan khách về cả vấn đề sinh lý.
- Nàng là đại úy mật vụ.
- Không, đại úy chiêu đãi. Nàng tốt nghiệp lớp tình dục của Cục Tình Báo. Việc thăng cấp tùy theo thành tích thu lượm được trong nam giới. Ra trường, thì được đeo lon thiếu úy. Cứ mười người đàn ông si tình bị cho vào xiếc, nữ cán bộ tình dục được thăng lên một cấp. Từ ngày ra trường đến giờ, ít nhứt Lệ Mai đã đánh ngã hơn hai chục cậu con trai si tình rồi.
Văn Bình lặng thinh. Chàng nhớ lại câu nói sống sượng của nàng khi chàng ôm ngang lưng đòi nàng thỏa mãn, "nếu anh muốn, em xin vâng. Anh mới xuống phi cơ còn mệt, hẹn sau bữa cơm trưa".
Người phương Tây, nhứt là con cháu của hoàng đế đa tình Nã-phá-luân thường có thói quen ân ái sau bữa cơm trưa, khác với các dân tộc Á đông. Chắc Lệ Mai đã vướng phải thói quen này trong thời gian theo học ở Mạc-tư-khoa.
Vũ Kính nói:
- Anh cần gì, tôi xin cố gắng giúp. Tôi không được biết anh ra ngoài này làm gì, song tôi được lệnh xếp bỏ mọi việc để hỗ trợ anh.
Văn Bình đáp:
- Cám ơn anh. Tại sao anh không tiếp xúc sớm hơn với tôi. Suýt nữa tôi giết lầm một chiến hữu.
- Khó tiếp xúc lắm. Lệ Mai và Sáu Ngọt có mặt suốt ngày ở Trạm. Vả lại, trong thâm tâm tôi cũng muốn trì hoãn, đợi đối phương xuất đầu lộ diện. Hồi tối, Sáu Ngọt mặc cho anh ra phố để đi theo. Hắn chỉ có nhiệm vụ giữ an ninh trong Trạm, không được phép hoạt động bên ngoài. Việc này do tôi đảm trách. Cho người đi theo anh, điều này chứng tỏ hắn là đồng chí của bọn Saratiên.
À, bắt đầu từ sáng mai, chương trình tham quan được tổ chức rất nặng. Tôi đề nghị anh nên có mặt. Còn ban đêm, anh muốn đi đâu tùy ý. Tôi sẽ ở lại Trạm, chờ anh về.
- Ngoài tôi ra, anh còn được lệnh giúp đỡ ai nữa?
- Cô Thái Phượng, phó trưởng đoàn.
Văn Bình không hỏi nữa. Vũ Kính chỉ biết Thái Phượng, chứ không biết Quỳnh Ngọc với Thái Phượng chỉ là một. Có lẽ Kính cũng không biết chàng là Z.28.
Thấy chàng tần ngần, Vũ Kính mỉm cười:
- Thôi, chào anh Z.28.
Chàng giựt mình:
- Anh cũng biết tôi ư?
- Ai lại không biết anh? Tôi có cả hồ sơ đầy đủ về anh ở nha Công An Hà Nội. Anh nên nhớ là thủ cấp của anh đáng giá một triệu đô-la. Các sở gián điệp cộng sản đều trả tiền nhân viên ở hải ngoại bằng đô-la Mỹ, chắc anh không lạ gì. Họ đã treo thưởng để bắt sống hoặc giết anh. Nhưng anh yên tâm. Trừ phi tôi chết, tôi còn sống phút nào sẽ không cho họ động tới anh.
- Anh ra đây lâu chưa?
- Không. Tôi ở lại Hà Nội, sau hiệp định Gơ-neo, theo lệnh của Sở.
Văn Bình nhìn Vũ Kính bằng cặp mắt cảm mến. Trong đời, có lẽ chưa có công tác nào nguy hiểm bằng công tác ở lại trong vùng địch, từng giờ, từng phút cọ sát với Thần Chết.
Chợt Vũ Kính nhìn đồng hồ tay:
- Đến giờ rồi, tôi phải liên lạc với Z.62. Phiền anh lo giùm vụ Sáu Ngọt - Lệ Mai.
- Nếu vì lẽ nào đó, anh phải xa tôi, tôi phải tiếp xúc với Z.62 theo thể thức nào?
- Tôi báo cáo với Z.62. Nội ngày mai sẽ tin anh biết.
- Vào giờ này có ai ngoài hành lang không?
- Bọn nữ chiêu đãi ngủ hết rồi. Dưới nhà có người gác, song y không được phép lên lầu.
Vũ Kính nheo mắt chào chàng rồi ra ngoài. Văn Bình vén tấm màn hổ thúy trong buồng tắm. Sáu Ngọt nằm co quắp trong bồn nước, mắt trợn ngược, da mặt bầm tím.
Chàng xốc y lên vai, trèo lên lầu ba.
Đèn điện tắt gần hết vì tiết kiệm. Chàng mò mẫm mấy phút mới tới phòng Lệ Mai.
Nàng nằm ngửa trên giường kê sát vách tường, cây đèn đêm màu xanh để trên bàn ngủ hắt vào mặt nàng một luồng sáng nhợt nhạt. Chàng biết Vũ Kính cố tình đùn cho chàng làm cái việc tàn nhẫn này. Không phải lần đầu tiên chàng giết người, đặc biệt là giết đàn bà, song trong nghề gián điệp ít khi chàng giết kẻ thù không khí giới.
Phương chi nạn nhân là một thiếu phụ ngủ say dưới áp lực thuốc mê.
Chàng đặt Sáu Ngọt xuống đất, lẳng lặng cởi bỏ quần áo xác chết. Chàng ngắm Lệ Mai một giây rồi đặt bàn tay lên cúc áo nàng. Đột nhiên, nàng cựa mình, ú ớ. Nàng quay mặt ra phía ngoài, hơi thở đều đều, chứng tỏ nàng còn ngủ say.
Cái áo màu xanh được cởi ra từ từ, bên dưới nàng không mặc gì hết. Bộ ngực được tập luyện và xoa thuốc nhiều nên vẫn tròn trịa và cứng chắc. Văn Bình thở dài, kéo quần tuột xuống. Lệ Mai nằm trần truồng, đầy vẻ khêu gợi.
Chàng vắt y phục của hai người lên ghế rồi bắt đầu cuộc dàn cảnh. Biết công an và mật vụ sẽ điều tra tỉ mỉ, chàng không bỏ sót chi tiết nào để tỏ ra Sáu Ngọt chết vì "thượng mã phong" và trước khi tắt thở, vô tình hoặc hữu ý, y đã bóp mạnh vào yết hầu Lệ Mai khiến nàng thiệt mạng luôn. (1)
Lệ Mai tiếp tục ngáy đều, Văn Bình nghiến răng ấn vào tim nàng: ngón atêmi lạ lùng này giết người không lưu lại dấu vết. Nạn nhân bị đứng tim trong khoảnh khắc. Sau đó, chàng lấy bàn tay của Sáu Ngọt đặt quanh cổ Lệ Mai, bóp chặt lại. Chàng nghe tiếng xương gẫy.
Chàng tắt đèn đêm, rón rén về phòng.
Kinh ngạc xiết bao lúc chàng trèo lên giường, chàng chạm phải một làn da mát.
Quỳnh Ngọc đợi chàng không biết từ bao giờ. Thấy nàng, chàng khoát tay:
- Họ biết thì khốn.
Nàng cười nhỏ nhẹ:
- Anh sợ ư? Phạm Bài ngủ đến sáng mới tỉnh. Anh còn thương Lệ Mai nên không muốn nằm với em phải không?
Chàng giựt mình:
- Em biết chuyện Lệ Mai ư?
- Sao lại không. Em còn biết anh vừa giết người xong.
Chàng không đáp, hỏi lại:
- Hừ, em gặp Vũ Kính khi nào?
- Nửa đêm. Sau khi ở rạp hát về.
- Em không quen, cũng không được lệnh tiếp xúc với Kính. Tại sao em biết hắn là người của mình?
- Em vừa về phòng thì Kính bước vào, chìa ra một nửa tờ bạc 5 đồng. Lúc em rời Vọng-các, Môrít đưa cho em một nửa tờ 5 đồng. Dấu cắt ăn khít với nhau. Biết Kính không phải là kẻ thù, em mừng quá. Anh ấy dặn em đi sát với Phạm Bài vì y là nhân viên bí mật của Cục Tình Báo. Rồi sang chuyện Lệ Mai.
- Em lập mưu để anh tự tay hạ sát Lệ Mai phải không?
- Đúng. Em muốn anh tự tay giết nàng. Tuy nhiên, anh chưa phải là sát nhân thực thụ. Nếu anh không giết, nội đêm nay nàng cũng chết. Vì em cho nàng uống gấp đôi thuốc độc.
- Không ngờ em ghen như thế.
- Rồi anh sẽ thấy. Lệ Mai chết là phải, vì nàng sẽ báo cáo Cục Tình Báo. Trong tương lai, người đàn bà nào dính đến anh, dầu không phải là gián điệp địch, cũng bị em giết. Em muốn anh thuộc về em hoàn toàn. Chết, em sẽ mang hình ảnh anh xuống suối vàng.
- Đừng nói bậy.
- Thế thì anh nằm lại gần em. Anh ôm em đi.
Nàng hôn vào cặp môi mở hé. Ông Hoàng từng dặn không nên đùa bỡn với phụ nữ, nhứt là phụ nữ làm gián điệp. Chàng rùng mình. Quỳnh Ngọc tắt ngọn đèn đêm.
o O o
Ông Hoàng áp điện thoại vào tai. Ở đầu giây là tiếng nói của ông tổng trưởng:
- Chào ông. Khuya rồi, ông còn thức à? Người ta đồn ông làm việc mỗi ngày 20 tiếng, bây giờ tôi mới thấy đúng. Hội Đồng Nội Các sẽ họp bất thường sáng mai. Vấn đề chính được cứu xét là đường lối và chiến thuật áp dụng đối với Hà Nội. Theo sự nhận xét của ông, các đại sứ của ta ở nước ngoài đã có thể tấn công hòa bình được chưa?
Ông Hoàng đáp:
- Bây giờ, còn sớm. Tôi xin ông tổng trưởng một tuần hoặc 10 ngày là chậm nhứt. Nhân viên của tôi đã có mặt ở Hà Nội, và bắt đầu kế hoạch ly gián đối phương..
- Liệu có thành công không?
- Hiện nay, tôi chỉ bảo đảm được 60 phần trăm. Hai ngày nữa, tôi sẽ trình rõ hơn.
- Cám ơn ông. Gần sáng rồi, ông đi nghỉ đi. Làm việc quá sức, nhỡ rụp xuống thì nguy cho quốc gia.
- Thưa ông tổng trưởng, tôi già lắm rồi, tôi tự biết không còn sống bao lâu nữa. Đêm khuya là giờ hoạt động của nhân viên tôi trong vùng địch. Lẽ nào họ thức, tôi lại ngủ, huống hồ họ bị sự chết chóc luôn đe dọa. Vả lại, tôi phải thức để liên lạc vô tuyến với họ. Chắc ông tổng trưởng đã biết điện đài chỉ hoạt động ban đêm.
Không để ý tới tiếng thở dài ái ngại của ông bạn già tổng trưởng, ông Hoàng gác điện thoại. Nguyên Hương đã đứng bên, với ấm cà-phê đặc sịt như hắc ín, và tờ giấy màu vàng. Nàng nói:
- Thưa, Z.62 vừa điện về.
Vẻ mặt hân hoan, ông Hoàng cầm lấy bức điện. Nội dung như sau:
… Z.62 kính gửi HH.
1) Tuân lệnh ông, tôi bãi bỏ cuộc tiếp xúc dự định với Z.28 trước Bưu Điện Bờ Hồ và đã cử Z.91 gặp Z.28 hồi quá nửa đêm nay. stop. Việc dùng Z.91 có cái lợi là đầy mạnh công tác, song có thể làm Z.91 bị bại lộ. stop. Vậy xin HH cho biết: trong trường hợp bị bại lộ, Z.91 phải xử trí ra sao?
2) Đã trừ khử được nhân viên của Saratiên. stop. Tuy nhiên, đối phương vẫn có thể phăng ra Z.28 bất cứ lúc nào. stop.
3) Bôrin đã về nhà với vợ là Vương Lệ, sau khi được mổ óc và khai thác. stop. Ngôi nhà của Phan Mỹ đã bắt đầu bị canh chừng. stop. Xin chỉ thị để chuyển cho Z.28 thi hành.
Ông Hoàng ném tờ giấy vàng xuống bàn, suy nghĩ. Một phút sau, ông choàng dậy, đọc cho Nguyên Hương ghi tốc ký:
… HH gởi Z.62.
Phúc đáp điện số…
1) HH trao toàn quyền quyết định cho các nhân viên của Z.62 trong trường hợp bị bại lộ. stop. Nhứt yếu: bảo vệ tổ chức và bí mật triệt để. stop. Áp dụng mọi biện pháp để ru ngủ địch, vì nếu địch biết là ta dính vào, toàn bộ kế hoạch sẽ sụp đổ. stop. Thứ yếu: bảo vệ nhân mạng. stop.
2) Thành thật khen ngợi. stop. Phải tìm cách nào cho Z.28 không bại lộ, ít ra là trong giai đoạn đầu. stop.
3) Báo cho Z.28 biết thời gian hoạt động chỉ được thu hẹp trong 72 giờ đồng hồ. stop. Không được kéo dài thêm nữa. stop. Yêu cầu báo cáo thường xuyên. stop.
HH.
Ông Hoàng ngẩng đầu lên, dặn Nguyên Hương:
- Liên lạc ngay với bộ Tổng Tham Mưu, cho tôi biết rõ kế hoạch oanh tạc miền Bắc trong 72 giờ sắp tới. Gọi điện thoại cho đại tá tư lệnh Hải Quân, mượn cho tôi một tiềm thủy đỉnh nhẹ, có thể lên đường bất cứ lúc nào kể từ 0 giờ đêm mai. Nếu bị bại lộ, Z.28 chỉ có thể thoát thân bằng tàu ngầm.
- Thưa, từ sáng đến giờ, ông chưa ăn gì cả.
- Thế à? Quái, sao tôi không đói.
- Anh vệ sĩ sắp bưng cơm vào.
- Thôi. Tôi còn bận. Sáng mai, ăn một thể. Lê Diệp đâu rồi? Bảo Lê Diệp vào đây.
Đột nhiên, ông Hoàng nhìn Nguyên Hương. Mặt cô thư ký chuyển sang màu xanh tái. Ông Hoàng hỏi, giọng thương hại:
- Cô muốn đi theo phải không?
Nàng gật đầu, mắt rơm rớm:
- Thưa vâng.
Ông tổng giám đốc lắc đầu:
- Đại sự trên hết. Cô phải ở nhà với Triệu Dung.
Ông Hoàng lại cúi đầu xuống đống hồ sơ. Ngoài đường Nguyễn Huệ, nhân viên vệ sinh đã bắt đầu lê cái chổi dài trên mặt lộ đầy rác.
o O o
9 giờ sáng.
Trời Hà Nội âm u như sắp nổi cơn bão. Trước kia, trong tháng mưa giá rét, người Hà Nội mong nắng bao nhiêu, bây giờ ghét nắng bấy nhiêu. Vì nắng to, máy bay Mỹ sẽ bay nhiều, còi báo động kéo liên tiếp, mọi người phải chạy xuống hầm tối om, chật chội và ướt át.
Đèn điện trong trụ sở bộ Ngoại Giao vẫn bật sáng. Nhân viên cao cấp đi làm từ rạng đông. Xế chiều, họ sẽ làm đến khuya. Buổi trưa, văn phòng vắng tanh, vi phòng thủ thụ động.
Trong một căn phòng rộng gắn máy điều hòa khí hậu, Phan Mỹ, trưởng ban Tình Báo ngồi bâng khuân trước tấm hình một thiếu phụ mảnh mai, có đôi lông mày thanh tú, cái miệng nhỏ, môi đỏ như thoa son. Nàng là Vương Lệ, thư ký của bộ.
Y thở dài ngó bức chân dung nửa người của vợ, trong cái khung vàng, dựng trên bàn giấy, cạnh cuốn tự vị Nga-Việt. Y thở dài vì vợ y sánh với Lệ khác nhau một vực một trời. Lệ người gầy thì vợ y béo mập, da dẻ dày cộm, tay chân thô tháp, khuôn mặt bầu bĩnh thiếu mỹ thuật lại kèm thêm cái miệng rộng hoác, đôi mắt tầm thường, cái cổ tròn nung núc mỡ, chân đi chữ bát.
Vợ y rất xấu, song lại có cái tên rất đẹp. Thùy Dương. Y cưới nàng từ thưở là giáo sư trung học, trước ngày vào đảng, lăn lưng trong khói lửa kháng chiến, và trèo lên nấc thang cao nhứt của bộ Ngoại Giao: trưởng ban tình báo, chức vụ quan trọng hơn cả bộ trưởng. Phan Mỹ được nể vì, vì y là con cưng của tòa đại sứ Trung Hoa nhân dân. Ngược lại, Phan Mỹ không được lòng các cơ quan gián điệp Sô Viết ở Hà Nội, GRU, Smerch và KGB. (2)
Cũng như nhiều thủ lãnh do thám khác, y mắc một tật xấu nghiêm trọng: chơi bời. Rượu, y uống không bao giờ say, á phiện, hút mấy chục điếu cũng chưa hết thèm, song về gái đẹp thì lúc nào cũng được, bao nhiêu cũng được, chưa khi nào chán mệt, chưa khi nào y chịu mỏi chân trong cuộc tìm kiếm đàn bà.
Cuốn an-bom dán toàn hình mỹ nhân, y cất sẵn trong ô kéo. Bên trong, y đã dán được hơn một trăm bức ảnh, hầu hết là khỏa thân. Thường lệ, sau cơn ân ái, y lấy luôn máy ảnh đem theo mình - một cái Canông của Nhựt thật tốt, kiếng 0,9, chụp trong nhà không cần đèn - bấm lia lịa một hồi.
Ban đêm, y chụp bằng hồng ngoại tuyến, người đẹp nằm tô hô trên giường, không biết. Y lại mê phim màu, nên hình nào cũng đẹp. Song cái đẹp của tấm ảnh có lẽ do y khéo chụp mà ra, người đàn bà nằm nghiêng, tay gối dưới tóc, ưỡn ngực, thót bụng, toàn phía trước từ đầu xuống chân được thu vào phim nhựa.
Phan Mỹ chụp hình để làm kỷ niệm, nhưng cũng để làm hồ sơ nghề nghiệp nữa. Y mất hàng giờ ngồi nghiên cứu một bức hình bằng kiếng hiển vi, xem có bao nhiêu vết thẹo, bao nhiêu nét nhăn, hầu sau này làm mồi cho công tác gián điệp.
Vương Lệ có bộ mặt dễ coi, không đáng liệt vào giai nhân, song về thân thể, nàng có thể chiếm ưu hạng. Thật ra, Phan Mỹ chưa có cơ hội làm chủ xác thịt nàng. Mỗi lần nàng ôm hồ sơ vào phòng, y chỉ cầm tay, vuốt ve mười ngón xinh xinh, hôn bừa lên má hồng hồng, chứ chưa dám động tới cúc áo của nàng. Sở dĩ y biết Vương Lệ có thân hình cân đối toàn mỹ, là do một nữ mật báo viên, bạn thân của nàng, trình lên.
Vả lại, hoa đã có chủ.
Chủ là Anáttát Bôrin, thiếu tá lai Việt của sở ám sát Smerch.
Đột nhiên mặt y đỏ bừng. Y bấm chuông gọi thư ký. Một thiếu phụ dứng tuổi mở cửa vào (vợ y không cho phép y dùng thư ký còn trẻ), Phan Mỹ hất hàm:
- Kêu đồng chí Vương Lệ.
Thiếu phụ vâng một cách kính cẩn rồi bước ra, khép cửa nhè nhẹ. Vương Lệ mặc đồ đầm, may khít người, tôn hẳn giá trị của đôi chân dài thon thon. Phan Mỹ chợt nhớ câu thơ xưa "trường túc bất chi lao". Nàng khép nép đứng trước bàn giấy.
Y khoác tay:
- Lệ ngồi xuống.
Nàng vén xiêm ngồi vào chiếc ghế bành bọc nhung trắng. Phan Mỹ cau mặt:
- Tôi đã mua vé sẵn, sao Lệ không đi xem? Tôi ngồi chờ mãi trong rạp Hồng Hà.
Nàng thở dài:
- Thưa đồng chí, Bôrin ghen lắm.
- Tôi không thích Lệ gọi là đồng chí. Dùng tiếng anh thân mật hơn.
- Em không dám.
- Tôi mời Lệ đi ăn tối nay, Lệ bằng lòng không?
- Khi nào em cũng bằng lòng. Được anh chiếu cố là một vinh dự, tuy nhiên, Bôrin dọa giết em, nếu em….
- Bôrin có biết việc Lệ hay gặp tôi không?
- Thưa không. Vả lại, anh cũng chưa làm gì hết.
- Bây giờ, tôi muốn… làm gì, thì sao?
- Em sợ lắm. Bôrin có khẩu súng lớn lắm.
- Lớn bằng chừng nào?
- Bằng rưỡi khẩu súng của anh vẫn để trong ô kéo.
Phan Mỹ cười vang. Lát sau, y nói:
- Về súng, không cứ gì lớn mới tốt. Để tôi cho Lệ xem một thứ súng mới, do xưởng công binh ở Thượng Hải chế tạo, dành cho nhân viên hải ngoại.
Y rút ở túi trên ra một cái bật lửa, bề ngoài trông như bật lửa Ronson của Anh quốc, cũng xinh xắn, vừa tay, cũng mạ một nước sơn vàng bóng loáng.
Y nhìn quanh quất trong phòng tìm mục tiêu. Chợt nhớ ra, y ngoắc tay:
- Ra ngoài này mà xem.
Vương Lệ theo y ra ngoài hành lang. Y mở một cánh cửa: giữa căn phòng rộng rãi, thoáng khí, có một cái cũi gỗ lớn, trong có ba con chó. Giống chó săn lông ngắn này được mua riêng từ Đông Đức gửi về bộ Ngoại Giao để tập dượt. Huấn luyện xong, chúng được chuyển tới các tòa đại sứ và lãnh sự ở ngoại quốc để gác ngày đêm tủ sắt đựng tài liệu mật.
Ba con bẹt-giê, thân hình tròn lẳn, lông vàng chấm đen, tai dài lê thê, đuôi ngắn cũn cỡn, mở mắt thao láo nhìn Phan Mỹ. Y kéo Vương Lệ lại gần, chĩa bật lửa vào chuồng.
Một tiếng bụp nho nhỏ.
Con thứ nhứt - một con đực thật đẹp - nằm lăn trên sàn gỗ. Rồi con thứ hai.
Vương Lệ níu áo Phan Mỹ:
- Thôi anh, em biết rồi. Em sợ lắm.
Y cười ha hả:
- Em sợ là đúng. Ai thấy súng này cũng sợ như em. Đó là súng lục thuốc độc xi-a-nuya. Kẻ nào chống lại tôi cũng sẽ chết một cách nhanh chóng và êm thắm như hai con bẹt-giê.
- Em có dám chống lại anh đâu.
- Vậy tối nay em đi ăn với tôi.
- Thưa, tối nay Bôrin ở nhà.
- Khi nào đi?
- Thưa, anh ấy được nghỉ mấy ngày.
Phan Mỹ ôm cằm suy nghỉ. Chuông điện thoại reo vang. Cầm lên nghe, y tái mặt. Ở đầu giây, giọng nói của ông bộ trưởng không còn vẻ thân mật và chiều chuộng như thường lệ:
- Phan Mỹ đấy à? Đã tìm ra manh mối vụ mất tài liệu chưa?
Y đáp:
- Thưa chưa. Tuy nhiên, tôi xin hứa chỉ một thời gian ngắn nữa là tìm ra được.
- Thời gian ngắn là bao nhiêu?
Phan Mỹ trù trừ:
- Ba hoặc bốn tuần.
- Lâu quá. Tôi không thể chờ được nữa. Tôi vừa nhận được khiển trách chính thức của phủ Thủ Tướng. Một mới tài liệu quan trọng khác vừa được lọt vào tay địch.
Phan Mỹ sửng sốt:
- Lạ nhỉ? Tôi không biết gì hết.
- Bận chơi như anh còn thời giờ nào rỗi nữa mà biết.
- Thưa ông bộ trưởng, đàn ông ai lại không tiêu khiển. Riêng tôi, tôi làm việc rất mẫn cán và đắc lực. Không tin, ông hỏi lại phủ Thủ Tướng.
- Tôi hỏi rồi. nếu không có sự bảo lãnh của tòa đại sứ Trung quốc, người ta đã cất chức anh rồi. Anh hiểu giùm cho, tôi không muốn làm mất lòng anh.
- Người ta cất chức tôi? Thưa ông, người ta là ai?
- Thủ Tướng chứ còn ai nữa.
- Giả sử tôi bị cất chức, các bạn của tôi sẽ không để yên. Người ta không thể cất chức tôi vì lý do chính trị.
- Hừ, tôi với anh đều theo một phe, anh chẳng lạ gì. Song tôi cảm thấy không thể bảo vệ anh được nữa. Vì người ta cất chức luôn tôi.
- Tôi sẽ phản kháng đến cùng.
- Anh can đảm đấy. Nhưng lần này, tôi e anh không phản kháng đến cùng được đâu. Vì người ta đã nắm được tài liệu cụ thể. Cách đây ba tháng, đồng chí ngoại trưởng Liên Sô sang Hà Nội có đến thảo luận riêng với tôi tại văn phòng của bộ. Cuộc thảo luận liên quan đến một số bí mật ngoại giao. Không hiểu sao C.I.A. lại tóm được.
- Tóm được tài liệu ư?
- Không phải. Họ tóm được một vào chi tiết quan trọng đã được đề cập trong cuộc thảo luận. Hồ sơ này được cất trong két sắt, chỉ có tôi, đồng chí đổng lý và anh có chìa khóa.
- Như vậy có nghĩa là một trong ba chúng ta là gián điệp cho địch.
- Phủ Thủ Tướng chưa kết luận giản dị như thế, nhưng anh thừa rõ tôi ít bị nghi hơn anh.
- Hừ, hay là người ta bịa ra để hạ tôi cho dễ.
- Tôi không biết nữa. Tôi nói trước để anh chuẩn bị.
- Ông có biết ai đưa tin cho phủ Thủ Tướng không?
- Không rõ. Có lẽ là Smerch.
Phan Mỹ rít lên:
- Smerch. Thảo nào đại tá Kamốp có mặt ở Hà Nội.
Giọng ông bộ trưởng hạ thấp, dường như sợ một vành tai bí mật nghe trộm:
- Kamốp thế lực lắm, anh không hạ nổi đâu.
- Tôi cũng không đến nỗi cô độc. Tôi sẽ báo cho Kamốp biết y không thể lợi dụng cuộc tranh chấp ý thức hệ giữa các đồng chí Trung quốc và phe xét lại Cút-sép mà bôi nhọ tôi được.
- Hai ta là chỗ thân tình, tôi thành thật khuyên anh.
- Cám ơn lòng tốt của đồng chí bộ trưởng.
Phan Mỹ ném điện thoại đánh rầm xuống bàn. Ngoảnh sang bên, y giựt mình thấy Vương Lệ đứng yên, hai tay khoanh trước ngực nở nang, da mặt tái xanh. Trong cơn lo lắng, nàng bỗng đẹp khêu gợi hẳn lên.
Nàng hỏi, giọng từ tốn:
- Anh bị người ta kiếm chuyện phải không?
Phan Mỹ cười kiêu ngạo:
- Hừ, tôi không phải là cán bộ trung cấp để thiên hạ muốn làm gì cũng được. Tôi chỉ sợ Vương Lệ kiếm chuyện với tôi thôi.
Nàng bật cười:
- Thôi được, để tối nay em đi với anh. Em gặp anh ở đâu?
- Đúng 8 giờ. Đường Nguyễn Thái Học, trước cửa hợp-tác-xã thủy tinh cao cấp Dân Chủ, số nhà 154. Anh lái xe qua, đón em.
Nàng chìa bàn tay trắng muốt ra. Phan Mỹ cầm lấy, đưa lên môi hôn. Nàng lặng yên, trong lòng rạo rực. Từ ngày Bôrin ở Mỹ về, nàng không còn những cảm giác rạo rực như cái thưở yêu nhau ở Mạc-tư-khoa nữa. Đời sống nguy hiểm, nhứt là thời gian giam cầm trong khám tử hình Sing Sing đã biến chàng nàng là con người khác.
Bôrin là đàn ông, song là đàn ông bất lực.
Nàng thở dài, một giọt nước mắt long lanh. Nàng cảm thấy Bôrin xa xôi, lạ lùng quá. Nàng thèm sống những đêm dài tràn ngập ân ái, nhưng Bôrin đã mất hẳn khả năng mang lại hạnh phúc. Nàng không yêu Phan Mỹ,, tuy nhiên, nàng khó thể dững dưng nếu y cho nàng sống lại chuỗi này tân hôn thần tiên với Bôrin.
Vương Lệ rút khăn lau mắt. Phan Mỹ nhìn theo nàng, cánh mũi phập phồng trong sự sung sướng vô biên.
o O o
Bôrin gấp cuốn sách lại, ném xuống đất, dáng điệu tức tối. Trong một giờ đồng hồ, y không đọc hết một trang chữ lớn. Không hiểu sao mắt y hoa lên, cơn nhức đầu quái lạ nổi phừng phựt làm y choáng váng.
Y mắc bệnh nhức đầu từ ngày sang Mỹ. Các y sĩ của Smerch cho biết y đau óc kinh niên, cần giải phẩu mới bình phục. Trước kia, y không hề đau óc, nhưng Smerch đã ra lệnh, y phải tuân theo. Mổ óc xong, y đâm ra thờ thẫn, mất một phần trí nhớ, và đặc biệt là mất một phần sức lực đối với đàn bà.
Đó là một sự thiệt hại lớn lao và đau khổ vì Bôrin vốn là đệ tử trung thành của khoái cảm xác thịt.
Từ nhà lao Sing Sing, y được đưa tới sứ quán Sô Viết, rồi đáp phi cơ riêng về Mạc-tư-khoa. Y không được gặp tướng G. Một nhân viên cao cấp cho y biết y được đi Hà Nội để xum họp với vợ. Y vừa vui, vừa buồn, vui vì được gặp lại người bạn đầu gối, tay ấp, từng làm y thỏa mãn, buồn vì không hiểu có còn đủ sức làm nàng thỏa mãn nữa không.
Chân ướt, chân ráo tới Hà Nội, Bôrin được dẫn vào trình diện đại tá Kamốp. Bằng giọng nhát gừng, y thuật lại những việc đã làm trong thời gian ở Hoa Kỳ, và không quên nhấn mạnh tới sự thay đổi trong thân thể cường tráng của y.
Kamốp gật gù:
- Chắc bệnh óc của đồng chí chưa khỏi hẳn nên bộ phận sinh dục bị thương tổn.
Bôrin phản đối:
- Thưa đại tá, tôi chưa bao giờ bị đau óc. Có lẽ các y sĩ đã lầm.
Kamốp nhăn mặt:
- Y sĩ của Smerch không thể lầm. Và Smerch cũng không thể lầm. Thiếu tá vừa phạm nội qui của Sở. Một sự phạm thượng không thể tha thứ được.
Mặt Bôrin tái mét:
- Thưa đại tá…
Kamốp gạt phắt:
- Tôi vừa hỏi các y sĩ xong. Họ nói là trong thời gian bị giam giữ, thiếu tá kém can đảm, lại sợ chết, nên thần kinh bị yếu kém như cũ. Nếu thiếu tá biết coi thường ghế điện như các nhân viên xứng đáng của Smerch thì đâu đến nỗi.
Vì nghĩ đến công lao của thiếu tá, tướng G. đã can thiệp ráo riết cho thiếu tá được tự do. Một triệu đô-la, 5 tù binh Mỹ được phóng thích, đó là cái giá mua sự tự do cho thiếu tá. Thiếu tá cần cảm tạ Smerch, cảm tạ tướng G.
- Thưa, tôi không khi nào dám quên.
- Tướng G. lại cho thiếu tá về Hà Nội với vợ. Lệ thường, nhân viên Smerch yếu tinh thần là bị bỏ tù, tống đi Tây-bá-lợi-á, hoặc giản tiện hơn, tặng một phát đạn vào gáy dưới hầm lao thất Lubiănka, chứ chưa bao giờ được biệt đãi như thiếu tá.
- Thưa, tôi biết.
- Xét thấy thiếu tá là nhân viên trung thành, tướng G. đã ra lệnh cho tôi tìm cách chữa khỏi bệnh thần kinh, giúp thiếu tá lấy lại phong độ cũ.
Kamốp mỉm cười ý nhị:
- Phong độ ấy, thiếu tá cần lắm phải không?
Bôrin nín thinh.
Kamốp nói từ từ:
- Thiếu tá sẽ được giải phẫu lần nữa.
- Thưa, mổ óc lần nữa?
Bôrin định thét lên "không, không, tôi không muốn giải phẫu nữa, tôi không đau óc, thà vợ tôi ngoại tình, thà đàn bà lánh xa tôi", nhưng luồng mắt nghiêm nghị của Kamốp làm y cứng họng. Kamốp nói tiếp:
- Tôi báo cho thiếu tá biết, đây là lệnh của tướng G. Hoặc thiếu tá được bình phục hoàn toàn, hoặc bất lực hẵn. Thiếu tá phải tuân lệnh thượng cấp.
Bôrin choáng váng, ngất luôn trên ghế.
Trong ba ngày, ba đêm liên tiếp, y phải tường trình mọi chi tiết nghe, thấy, trong ban thẩm cung của công an Mỹ. Ngày thứ tư, y bị đưa tới phòng mổ.
Một tuần sau, Bôrin được dẫn về nhà riêng, một ngôi nhà khang trang ở đường Chợ Hôm. Gặp vợ, y mừng rú như được của. Nàng lặng người trong một phút, rồi ôm chầm lấy chồng, hôn lấy, hôn để.
Nhưng chỉ nửa giờ sau, tiếng cười của nàng tắt ngúm. Căn phòng im lặng một cách thê thảm.
Y vùng dậy, vứt cái gối thêu xuống đấtn dẫm lên trên, bông tung ra tản mát. Vương Lệ nằm trên giường, nước mắt tràn trề. Nàng không ngờ sự thật lại phũ phàng đến thế. Bôrin cũng khóc rống lên. Trong một giây loạn trí, y căm thù tướng G., căm thù các y sĩ giải phẫu, căm thù Smerch.
Rồi y bó gối nhìn vào khoảng không.
Bôrin lượm cuốn sách lên, cố đọc hết trang.
Những giòng chữ màu đen múa nhảy trước mắt, Bôrin lại nhức đầu. Tê tái, Bôrin nằm phịch xuống giường.
Đồ lót mình bằng ni-lông mỏng dính của vợ treo lủng lẳng trên mắc. Bôrin không quên được cái áo ni-lông đắt tiền này,y đã đích thân mua cho Vương Lệ tại Mạc-tư-khoa, trong tuần trăng mật nên thơ. Y mường tượng tấm thân trắng trẻo, đều đặn của nàng, thấp thoáng sau làn vải ấm áp.
Mặt y nóng bừng.
Y giựt cái áo, hít một hơi dài. Rồi như người điên, y nghiến răng xé toạc, vùi mảnh áo xuống đệm.
Bôrin giựt mình vì có tiếng xe hơi ngoài đường.
Từ nhiều năm nay, thành phố Hà Nội vắng tiếng xe hơi, xa xí phảm dành riêng cho chính quyền và chuyên viên ngoại quốc. Bôrin là công dân Sô Viết, có nhà riêng và xe hơi riêng.
Tiếng động cơ xe hơi quen thuộc như nhát búa giáng vào đầu Bôrin. chiếc Tatra xinh xắn này, y mua ở Mạc-tư-khoa và Vương Lệ đã mang về Hà Nội.
Nàng đi làm về.
Nhìn đồng hồ, Bôrin tái mặt. Từ bộ Ngoại Giao đến Chợ Hôm, nhiều nhứt là 5 phút trên con đường rộng thênh thang và vắng ngắt, thế mà Vương Lệ lái mất nửa giờ. Nửa giờ! 25 phút kia nàng đi đâu? Bôrin nhớ rõ nét mặt ngơ ngác và đau khổ của vợ buổi trưa đầu tiên hai người ái ân trong phòng. Nàng lẳng lặng mặc quần áo, ra nhà ngoài, ngồi bên chai rượu vốt-ka. Trong một phút, nàng uống luôn ba ly đầy ắp, hai má đỏ bừng.
Bôrin giằng lấy ly rượu thứ tư, nàng cưỡng lại, chiếc ly pha lê tụt xuống, vỡ tan tành. Vương Lệ bưng mặt khóc nức nở.
Đêm đến, Bôrin thí nghiệm lần nữa, và cũng như hồi trưa, y thất bại ê chề. Cáu tiết, y ném chiếc giầy vào tấm gương vỡ toang. Rồi đập cổ chai mai quế lộ, uống ừng ực. Vương Lệ lại lủi thủi ra nhà ngoài, chong đèn suốt sáng, hai mắt đỏ ngầu phần vì rượu, phần vì hờn tủi.
Chiếc Tatra nhỏ bé 4 mã lực chạy từ từ vào trong sân. Trên xe bước xuống, cái xắc tòn ten trên vai tròn, Vương Lệ vui như chim sơn ca. Nghĩ tới vẻ mặt đưa đám của vợ buổi sáng, Bôrin nổi cơn ghen. Y lẩm bẩm:
- Vừa ngửi hơi đàn ông có khác.
Đang vui, Vương Lệ khựng người. Nàng nhớ tới thái độ giận dữ của chồng mỗi khi thất vọng trong phòng the. Như cái máy, nàng xô cửa bước vào.
Định nhoẻn miệng chào "Anáttát, em về đây", nàng ngừng bặt. Tia lửa trong mắt Bôrin tóe ra như sắp gây ra hỏa hoạn.
Y đứng dậy, cục xương yết hầu lòi hẳn ra ngoài, giữa những đường gân xanh lè, sần sùi:
- Lệ, sao em về chậm thế?
Nàng về chậm vì Phan Mỹ giữ lại trong phòng để tâm tình vụn. Nàng chống chế:
- Sáng nay, ở sở có nhiều việc quá.
Bôrin tiến lại, vung tay ra:
- Cô đi đâu, phải nói thật với tôi.
Vương Lệ mở to mắt nhìn chồng:
- Tính tình anh thay đổi lạ lùng, em không hiểu nổi. Về chậm là thường, anh không biết sao?
- Phải, tính tôi thay đổi lạ lùng! Song sự thay đổi của cô còn lạ lùng hơn nữa. Cô lạnh nhạt với tôi vì tôi vì tôi không còn là người đàn ông sung mãn như trước. Cô là một đứa khát tình. Giả vờ đi làm, cô hẹn hò với người khác. Với những thằng đàn ông khỏe mạnh hơn chồng cô.
- Anh đừng ghen ngược.
- Ghen, ghen? Tôi không ghen bóng, ghen gió như ai đâu. Nay tôi báo cho cô biết. Tôi sẽ bắn nát thây nếu cô ngoại tình.
Vương Lệ cười khẩy:
- Anh hay gây sự quá. Nếu có chứng cớ rành rành, anh mới có quyền ghen, bằng không….
Bôrin nắm lấy cổ áo sơ-mi trắng của vợ:
- Rồi tôi sẽ đưa bằng chứng.
Nàng gỡ ra, giọng lạnh lùng:
- Khi nào có bằng chứng hẵn ghen. Giờ anh cho em được tự do, để em ăn cơm và nghĩ trưa. Làm việc sáng nay mệt quá.
Nghe vợ kêu mệt, Bôrin lồng lộn:
- Phải, bê tha suốt buổi sáng làm gì không mệt.
- Em đã yêu cầu anh đừng ghen ngược mà.
- Còn tôi, tôi yêu cầu cô không được đi làm nữa.
- Anh loạn óc rồi. Đảng có thể bắt tôi nghỉ việc, anh chỉ là chồng, anh không có quyền gì hết, dưới chế độ này.
- Câm miệng, không tôi đánh bây giờ.
- Hễ anh mó vào mình tôi, tôi sẽ xin ly dị anh liền.
- À, à, cô kiếm cớ bỏ tôi để sống với người khác. Coi chừng, cô không lừa được tôi đâu. Nếu cô xin ly dị, tôi sẽ giết cô. Giết cô như giết con ruồi.
Bôrin cầm gói thuốc lá Tam Đảo để trên bàn, bóp bẹp ra rồi vứt xuống đất.
Vương Lệ lạnh người. Nàng biết Bôrin nói là làm. Y sẽ băm vằm nàng ra trăm mảnh nếu bắt được tang chứng giữa nàng với Phan Mỹ. Đành rằng giữa nàng và trưởng ban tình báo chưa có sự ăn nằm mờ ám, Bôrin vẫn không tha. Y đã mất hết lý trí và trở thành kẻ thù nguy hiểm của nàng sau khi không được thỏa mãn tình dục.
Nàng bèn dấu dịu:
- Giận em làm gì, Ánátát. Mai em sẽ về đúng giờ cho anh vui lòng.
Bôrin sướng rơn, kéo vợ vào lòng. Nhưng đến khi hôn vợ, y lại thấy ruột đau như thắt. Trong cánh tay lực lưỡng của chồng, nàng không run rẩy vì khoái lạc như thường lệ. Nàng thản nhiên như bức tượng đá ngoài công viên.
Cơn giận trong lòng Bôrin bùng lên. Điên cuồng, y xô nàng ra, đập đầu vào tường.
Vương Lệ giữ tay chồng lại. Bôrin vùng vằng, rồi đứng thẳng người, quát to:
- Đồ ngoại tình.
Nàng chưa kịp đáp thì Bôrin xấn tới kéo cái áo nàng rách toạt.
Vương Lệ lùi vào tường, Bôrin rượt theo giựt một cái nữa. Cái xú chiêng ni-lông tuột xuống, để lộ đôi nhũ hoa tròn trịa, phập phồng. Run run, y níu lấy lưng quần nàng, định xé nữa. Song nàng vùng ra kịp, chạy thật nhanh ra xe hơi.
Tới sân, sắp mở cửa xe, nàng sực nhớ ra nửa người trên trần truồng, và chạy lộn vào. Mắt đỏ như tóe máu, Bôrin túm lấy tóc vợ, quật ngã xuống.
Vương Lệ đau ê ẩm cả người. Bôrin xòe bàn tay xương xẩu ra, định bóp cổ nàng, nhưng mắt y lại hoa lên, đầu nhức như búa bổ. Y nằm vật trên sàn gạch hoa, bọt trắng xùi ra mép.
Một niềm thương hại vô biên dân lên trong lòng, Vương Lệ quỳ xuống bên chồng, nước mắt tràn trề. Bôrin ngất đi. Vương Lệ hốt hoảng nắm tóc mai chồng giựt mạnh. Bôrin mở choàng mắt. nhận ra vợ, y ré lên khóc như đứa trẻ. Vương Lệ cũng khóc.
Tiếng khóc của cặp vợ chồng trẻ bất hạnh bi thảm trong tiếng máy phóng thanh vừa cất lên oang oang ở nhà bên.
o O o
Văn Bình rẽ thật nhanh vào đường Lãn Ông. Hà Nội đã bắt đầu lên đèn.
Chàng mừng thầm vì dưới ánh đèn phòng thủ thụ động, thành phố Hà Nội trở nên tối om, sương mù hoàng hôn lại đổ nhiều, đi xa nhau mười thước không nhận rõ mặt.
Sau một ngày tham quan mệt mỏi, hết khu Việt kiều cư trú đến nhà máy dệt kim Đông Xuân, công trình xây cất Ba Đình, phái đoàn trở về Trạm Hàng Mành nghỉ ngơi một lát rồi sửa soạn đi dự tiếp tân, ca nhạc. Nhờ sự thu xếp của Vũ Kính, chàng có thể cáo ốm ở lại, và mọi người vừa lên xe, chàng đã lẻn ra cửa sau - một lối riêng do Vũ Kính chỉ dẫn - trà trộn vào đám người đông đúc đi làm về.
Chàng phục sức giống như người dân Hà Nội nên không bị để ý. Tuy nhiên, chàng vẫn thận trọng, chốc chốc dừng lại, giả vờ ngắm hànghóa bày trong tủ kính, hoặc đọc một tờ bích chương to tướng, in chữ lòe loẹt dán trên tường, để liếc lại phía sau.
Đến khi biết chắc không bị ai theo, chàng mới lên tàu điện xuống phố Huế.
Qua rạp xi-nê, chàng nhảy xuống, tản bộ sang bên phải rồi đứng đợi dưới một gốc cây lớn.
Một toán công an viên võ trang đạp xe lướt qua. Văn Bình điềm nhiên châm thuốc Salem.
Một cái xe hơi nhỏ sơn đen, cũ kỹ đậu sẵn bên lề đối diện, vặn pha lên, rồi vòng qua đường về phía chàng. Tài xế tắt đèn, phì phèo thuốc lá, trước khi mở cửa xe, cúi xuống nhìn lốp trước dường như để kiểm điểm xem bánh có bị xẹp lốp không.
Đứng cách ba thước, Văn Bình huýt sáo bài "Diệt phát-xít", bài ca thịnh hành năm 1945, hiện được đài bá âm Hà Nội dùng đoạn đầu làm tín hiệu.
Nghe tiếng huýt sáo, tài xế trèo lên xe. Văn Bình tiến lại gần, và lên tiếng trước:
- Chào anh. Có phải xe hơi của đồng chí Liêm không?
Tài xế - một thanh niên gầy gò, nét mặt lì lợm - ném mẫu thuốc lá xuống đường, đáp:
- Không phải, đây là xe riêng của bác sĩ Minh.
Chẳng nói, chẳng rằng, Văn Bình mở cửa trước, chui vào. Tài xế chìa tay ra bắt:
- Z.62 dặn tôi chờ anh ở đây. Chiếc Moskwich này tuy nhỏ, máy lại rất mạnh. Tôi đã gắn một bình xăng riêng, có thể chạy 150 cây số một giờ. Anh cần tôi đi theo không?
- Không. Cám ơn anh. Anh nói lại giùm với Z.62 rằng, nội đêm nay, tôi sẽ để xe ở vườn hoa Cửa Nam.
- Vâng. Tôi sẽ làm theo ý anh.
- Trong thùng còn bao nhiêu xăng?
- Mới đổ hồi chiều đầy ắp. Ở đây không có cây xăng tư nhân. Phải có phiếu mới mua được. Anh có thể chạy ba trăm cây số mới hết. Ở băng sau, còn hai cái bi-đông, mỗi cái hai chục lít, anh tha hồ dùng. Hà Nội có ít xe, anh lái chiếc Moskwich này, công an tưởng anh là cán bộ cao cấp, không dám chặn lại xét giấy tờ đâu.
- Số xe thật hay giả?
- Dĩ nhiên là giả. Trong thùng sau, còn có 5 bảng số giả nữa. Anh chỉ bấm một cái nút là tấm bảng tuột ra, thay số chỉ mất ba giây đồng hồ thôi.
- Còn võ khí?
- Dưới chân, gần cái thắng, có một khẩu Nagan. Anh cần gì nữa không?
- Đủ rồi. Chào anh.
Người lạ xuống xe. Văn Bình rồ máy, biến vào bóng tối. Vừa lái, chàng vừa khen thầm tài tổ chức chu đáo của ông Hoàng. Với chiếc Moskwich này, chàng có thể nổ tung Hà Nội mà địch không tài nào phăng ra thủ phạm.
Mỡi lần công tác ở Hà Nội, chàng thường bực mình về vấn đề xe cộ. Kiếm được một cái xe hơi riêng là điều rất khó, có lẽ còn khó hơn tư nhân mua máy bay ở Sàigòn. Đến khi xoay được xe rồi, chàng vẫn chưa hết bực mình. Loại xe chế tạo ở Nga Sô rất kém về tốc độ, chàng lại có thói quen phóng nhanh. Ngồi trước vô-lăng, chàng lười gài số một, cho máy nổ từ từ rồi sang số hai, mà là nhảy thót lên số hai, xả hết ga xăng, làm hộp số kêu ken két, như muốn vỡ tung. Hộp số xe hơi Nga cứng đét, lại hay bị hóc, khiến Văn Bình không thể làm trò quỷ quái.
Qua khỏi Chợ Hôm, chàng lái xe qua đường Thái Phiên. Gần đến nơi rồi. Dọc đường, chàng ôn nhẩm lại những việc xảy ra và phải làm.
Cái chết của Sáu Ngọt và Lệ Mai đã được giữ kín hoàn toàn. Vũ Kính thông báo với công an, rạng sáng, trong lúc mọi người đang ngủ say trong phòng, một chiếc xe đen ập tới, một toán người mặc thường phục trèo lên lầu, dưới sự hướng dẫn của Vũ Kính, không gây ra tiếng động khác nào kẻ trộm.
Lên đến nơi, người đi đầu giựt mình, tay che lấy miệng để khỏi bật ra tiếng kêu. Hai cán bộ trung cấp Sáu Ngọt và Lệ Mai nằm trần truồng trong một tư thế dâm dật. Rờ tim, cả hai chết cứng không biết tự bao giờ. Người ta phải gỡ Lệ Mai ra khỏi vòng tay tham lam của gã đàn ông.
Thi thể hai người được gói vào tấm mền mỏng rồi khiêng lén xuống nhà, tống lên xe hơi. Công an không chụp hình, không thẩm cung, cũng không lưu lại trong ngôi nhà quá năm phút đồng hồ. Trước khi ra về, người chỉ huy dặn dò Vũ Kính:
- Phiền quá, tôi không ngờ họ lại đốn mạt đến thế. Lệ Mai đã có vị hôn phu, còn Sáu Ngọt vợ con đề huề. Yêu cầu thiếu tá giấu kín vụ này, không cho phái đoàn kiều bào biết. Tôi sẽ thu xếp riêng với thượng cấp.
Vũ Kính cười thầm. Sáng dậy, chàng nói lại với Văn Bình. Một nhân viên công an đến thay Sáu Ngọt. Văn Bình đi theo phái đoàn thăm viếng trong thành phố.
Chập tối, Vũ Kính đẩy cửa phòng, bước vào, đưa tận tay chàng một cái phong thư nhỏ. Mở ra, chàng thấy một tờ giấy đánh máy. Đó là nguyên văn bức điện ông Hoàng đánh ra Hà Nội, nhờ Z.62 chuyển cho chàng. Bức điện được viết theo một kiểu mật mã hiểm hóc, chỉ một mình Văn Bình dịch được.
Nội dung bức điện như sau:
"HH gởi Z.62, nhờ chuyển hỏa tốc cho Z.28.
Do một đảng viên nhị trùng, ta đã tiết lộ cho phủ Thủ Tướng Hà Nội biết là một tài liệu về Ngoại Giao của Phan Mỹ vừa lọt vào tay ta. stop. Việc này sẽ làm Phan Mỹ bị nghi ngờ thêm. stop. Trên thực tế, ta chưa lấy được gì trong văn phòng Phan Mỹ. stop. Z.28 phải đánh cắp nội đêm nay bất cứ tài liệu nào của Phan Mỹ rồi chuyển cho Z.62 hầu Z.62 trao cho đảng viên nhị trùng làm bằng chứng. stop. Cẩn thận. Z.28 có thể bị lộ bất cứ lúc nào. stop. Gặp trường hợp nguy biến, Z.28 hãy tuân theo chỉ thị. stop. Hết."
Bức điện này, Văn Bình đã đốt ra than, ném vào ống nước. Trước giờ lên đường ở Sàigòn, chàng đã được ông Hoàng dặn dò những việc phải làm, tuy nhiên, không hề có việc đánh cắp tài liệu của Phan Mỹ. Có lẽ ông Hoàng đổi một phần kế hoạch để rút ngắn thời gian hoạt động của chàng ở Hà Nội.
Chàng đã bị lộ, điều đó chàng không lạ gì. Song le, chàng đã loại được Sáu Ngọt và Lệ Mai, hai chướng ngại vật quan trọng. Vậy còn trở lực nào nữa? Còn ai có thể khám phá ra chàng?
Văn Bình tống thêm ga xăng.
Chàng lái vòng quanh một hồi rồi tắt máy. Tứ bề vắng tanh. Chàng đút khẩu súng vào túi, rồi lững thững đi vào bóng đêm dày đặc.
Một tòa nhà lớn sừng sững bên trái, hàng rào thấp, phủ đầy dâm bụt. Nhảy qua tường vốn là biệt tài của chàng, phương chi đây chỉ là một bức tường thấp bằng cây lá, nên chàng không phải vận sức.
Đèn trong vườn tắt hết.
Đây là một ngôi nhà lầu, nằm gọn giữa một khu vườn rộng, gần nơi đóng binh cũ của người Pháp. Văn Bình nhìn kỹ: chiếc xe hơi Tatra xinh xắn trơ vơ trước cửa ga-ra.
Điều này có nghĩa là Nàng ở nhà.
Nàng ở nhà, song còn hắn, hắn đi đâu?
Chắc lưỡi, chàng mở cửa phòng khách, ngang nhiên như chủ nhà.
Cửa sổ đều kéo riềm nên ánh sáng không lọt ra ngoài. Một thiếu phụ, thân hình mảnh mai, ngồi quay lưng lại phía cửa, nên không thấy chàng vào, vả lại, bản lề mở ra rất nhẹ, nhẹ đến niỗi thính tai như chàng cũng không nghe tiếng động nào hết.
Văn Bình rón rén lại gần.
Nàng ngồi bâng khuâng trước tập âm nhạc mở rộng. Ngón tay búp măng của thiếu phụ bắt đầu lượn thoăn thơát trên phím ngà. Tiếng nhạc dìu dặt vang lên.
Văn Bình đặt chân lên cầu thang. Thiếu phụ vẫn say sưa với đàn dương cầm.
Lên tới trên, Văn Bình thấy ba cánh cửa. Vặn cánh cửa thứ nhứt: khóa chặt. Cánh cửa thứ nhì: mở. Bên trong không có người, vì là phòng sách. Cánh thứ ba: buồng ngủ. Trên giường có một người đàn ông quen mặt.
Ông Hoàng đã cho chàng nghiên cứu kỹ lưỡng khôn mặt người lạ trên hàng chục tấm hình khác nhau, và chàng đã khắc sâu vào trí nhớ đôi lông mày thưa, mắt sâu thũng như người mất ngủ kinh niên, xương gò má nhô lên, và yết hầu lộ ra ngoài, báo hiệu chết yểu.
Người lạ đang ngủ say.
Mỉm nụ cười bí mật, Văn Bình tiến tới gần, dơ cao bàn tay, sửa soạn chém xuống.
Phía sau, một giọng nói vang lên:
- Ai đó? Ông định làm gì thế?
Chú thích
1. Các cơ quan gián điệp đã có thể dàn cảnh "thượng mã phong" với những tang chứng tài tình, bác sĩ luật y không tài nào khám phá ra. Tác giả không thể thuật lại vì không muốn trình bày những chi tiết kém tao nhã, xin bạn đọc hiểu ngầm và lượng thứ.
2. GRU là phòng Nhì của Hồng Quân. KGB là công an mật vụ. Smerch là cơ quan ám sát bí mật. Nga Sô còn một tổ chức khác, RUMID, chuyên về do thám ngoại giao.