Số lần đọc/download: 3336 / 158
Cập nhật: 2015-08-14 04:32:05 +0700
Chương 73
H
oàng Hữu Nhân đổ bệnh. Tôi vào bệnh viện thăm, anh phấn khởi nói mai kia đỡ bệnh anh về sẽ uống mật gấu. Mật gấu trị ung thư tốt lắm. - Thật ư anh, tôi hỏi, rất mừng.
- Thật! - anh rất tin tưởng nói.
Nhưng rồi anh chết. Đưa ma, tôi được chính chị Nhân cho biết trước khi chết, anh cứ lầm rầm một mình: "Họ nói dối, họ lừa… Phải làm lại hết… Phải thay đổi…"
Lúc còn sống anh hay bảo tôi là bình tĩnh, thể nào họ cũng thay đổi. Mỗi lần tôi đến anh luôn thấy một người chạc 35, xuềnh xoàng, lắng lặng đến ngồi xuống ghế. Một lần tôi hỏi anh: "Anh là thế nào mà vào đây?" Anh ta ấp úng, lí nhí gì đó. Tôi quay sang hỏi anh Nhân lúc ấy cũng đang nhìn người lạ: "Anh có biết anh này không?" - "Không,… tưởng là đi với anh". Tôi nghĩ thầm Lê Khả Phiêu mót trổ bản lĩnh chống địch tích cực hơn các tướng trước, nêu gương đây. Tôi rất khó chịu nhưng chủ nhà chưa đuổi mà mình chả lẽ lại thay mặt chủ. Có điều lạ là bị tên tò như thể, tay an ninh vẫn cứ thế ngồi chiếu tướng chúng tôi cho đến khi tôi đi. Lần sau tôi bảo anh Nhân: Anh phải đuổi những người trắng trợn như thế đi chứ.
Chờ tang lễ Nhân bắt đầu, tôi đứng ở sân với Hồng Ngọc. Chợt Hoàng Tùng lẫm chẫm từ cổng đi vào. Đi thẳng tới tôi bắt tay. Đã bao lâu anh và tôi khồng giáp mặt? Hoàng Tùng nói luôn: Cậu là tớ yêu lắm… thế mà cậu như thế với tớ - không nói rõ "như thế" là thế nào. Sau mấy chục năm "tuyệt giao", câu đầu tiên là trách! Đúng hơn, bày tỏ tinh xưa.
- Thôi, thôi được, - tôi cười, không biết ai đây sao? (tôi chỉ Hồng Ngọc)… Hoa khôi càn cứ địa, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính!
Đoạn tôi kéo Hoàng Tùng sang đám Chính, Lê Hồng Hà đứng cạnh đó. Thấy Hoàng Tùng, Chính cười to:
- Ô kìa, đối đầu gặp nhau này!
Tôi nói:
- Hôm nọ tôi đến Trần Độ thấy anh ấy nói Hoàng Tùng vừa có quyển sách khá đấy. Nói Cụ Hồ chủ yếu là tinh thần dân tộc, đã bị mấy ông Trần Phú riềng…
- Ô! Chính ngạc nhiên.
- Viết rồi, in rồi nhưng tịch thu rồi, - Hoàng Tùng nói.
- Tịch thu, tôi hơi ngạc nhiên?
- Ừ, thu hồi rồi nhưng Hữu Thọ (Trưởng ban tư tưởng) nó vẫn đến nhà xin một quyển.
- À, chắc để nói " dạ, tịch thu là lệnh của đứa khác" - tôi nói.
- Tớ sợ chó gì chứ?
Trong xã hội ta, cái đức tính được ao ước nhất là không sợ. Mà Hoàng Tùng ở mặt nào cũng sợ "chó gì" thật! Những người lãnh đạo hiện thời đều tép riu với ông. Nhưng họ tịch thu sách của ông… Thế rồi, như bị ám, Hoàng Tùng lại chỉ vào tôi nói với Chính:
- Cậu này là tớ yêu nó lắm thế mà nó cứ chửi tớ. Tớ cho nó đi Trung Quốc học…
- Không, tôi nói. (Lúc ấy ở Trường Đảng Bắc Kinh về, Hoàng Tùng làm Chánh Văn phòng trung ương, chưa về báo).
- Ừ, yêu nó lắm… Nó đưa mấy đứa về báo làm tớ suýt chết với Lê Đức Thọ (mấy đứa là chỉ Trần Châu, Chính Yên). Không, thật mà, tớ suýt chết với Lê Đức Thọ vì mấy tướng ấy thật đấy. Mặt trận thống nhất các nạn nhân của Sáu Thọ đang lan rộng. Lúc này thú thật tôi thấy gặp nhau lũ lĩ ăn nói với nhau những lời mon men đến bên sự thật như thế này nó vui. Có vui được với nhau thì mới có thể nói sang các cái khác mà vẫn nghe nhau đưọc.
Tôi kéo Hoàng Tùng đến chỗ Lê Trọng Nghĩa, Lê Giản ở trên hiên nhà tang lễ.
- Có nhận ra ai không, tôi chỉ vào Lê Trọng Nghĩa?
- Ai nhi? - Lê Trọng Nghĩa Tổng khởi nghĩa Hà Nội… - Ơ, cậu này ngày xưa đẹp trai lắm cơ mà. Lúc tra tấn, Tây nó toàn bắt cởi truồng ra cho nó vừa đánh vừa ngắm… Thế rồi dứt lời lại chỉ vào tôi: "Cậu này ngày xưa tớ yêu lắm…" Câu này như một điệp khúc để bù lại mấy chục năm qua cơ quan đấu đá, xào tái xào lăn tôi. Chợt hơi ngửa đầu nhìn ngước lên, giọng thấp hơn nữa: Mấy con rồi? - Một… 1967, ông đi Liên Xô với ông Duẩn về cho nó con búp bê Matrioshka rồi sau đó thì tôi nhật ký chìm tàu đấy. Nắm tay tôi khẽ giật giật, đầu gật gật: Thôi, chuyện cũ cho qua, chỗ anh em với nhau…
Hôm ấy câu nói với giọng khấn nài của Hoàng Tùng đã làm tôi cảm động. "Thôi, anh em với nhau". Nghĩa là anh em như cái thời Hoàng Tùng và tôi gần như cùng một sóng điện - chế Mao. (Dĩ nhiên anh không thể quên là tôi đã vũ trang cho anh nhiều chuyện khốn nạn của Trung Cộng). Cái thời tàu xe khó khăn, Hoàng Tùng nghĩ ra cớ thâm nhập dân tình trên Thái Nguyên để đưa tôi lên thăm mẹ vợ ốm nằm bệnh viện ở trên đó. Thời đảng còn chưa ngả hẳn theo Mao, Trọng Anh, phê bình sân khấu chê Hoàng Tùng với tôi - cốt nhằm tác động tới tôi: "ông Tùng mà đi nói ta sợ Trung Quốc hơn sợ Liên Xô. Trung Quốc ngăn ta hoà bình với Mỹ…" Thế rồi Hoàng Tùng theo Mao. Trước Nghị quyết 9, từng cho đăng không sót một diễn văn, một hoạt động nào của Khrushchev, Hoàng Tùng tất phải thấy lạnh gáy và cố "chuyển" cho lẹ. Dạo Nghị quyết 9 mọi người hay nói đến "chuyển": "Tớ chuyển rồi". Tức là theo Trung Quốc phát động chiến tranh gây đại loạn cho Trung Quốc được nhờ rồi. Lê Duẩn quyết liệt theo Mao hay "lão phù thuỷ sính gọi âm binh" như Hoàng Tùng vẫn nói với tôi, thì Hoàng Tùng có lỗi gì khi theo Duẩn? Hồi ấy tôi không chịu được sự "chuyển" này. Cho rằng đằng sau tất cả biến động hay ý thức kỷ luật người ta viện ra chỉ thuần tuý là cám dỗ của quyền lực, lợi lộc… Bị bẻ ghi đột ngột, con tàu cách mạng rẽ ngoặt, đứa lăn chiêng thì rơi ra khỏi đoàn tàu và bị gọi là sa ngã, đứa ngả ngiêng rồi bám ghế yên vị lại được thì tự hào đã "chuyển". Cơn bão kinh khủng đã qua lâu, nay về hưu Hoàng Tùng lại muốn rỉ rả với tôi như hồi nào.
Sau đó ít lâu, Trần Độ cho tôi cuốn Kỷ niệm với Bác Hồ của Hoàng Tùng. Vụt nghĩ chắc sở dĩ Hoàng Tùng "làm lành" với tôi là do âm vang niềm xúc động trong cơn viết ra mười nỗi buồn của Hồ Chủ tịch mà ông vừa mới hé lời thì đã bị bóp nghẹt. Cũng vụt thấy chắc Hoàng Tùng không quên ông và tôi trước kia giống nhau thế nào về nhiều quan điểm nhung rồi vì không chịu theo ông "chuyển", tôi biến thành phản động chống đảng, lật đổ và bị ông đánh… hôi. Có lẽ bữa ấy gặp tôi, ông khó lòng mà không thấy tôi đã vội che chở ông tránh đòn Hoàng Minh chính - khen quyển sách tôi chỉ mới nghe qua Trần Độ để cho Hoàng Minh Chính không "đối đầu". Ít nhất ông cũng thấy ở tôi có cái chất gì đó nó khác ông. Còn quan điểm của Hoàng Tùng cơ bản tất nhiên khác tôi - tôi trọng dân chủ hơn quyền lực của đảng còn ông lại không thể lơ là củng cố cơ đồ lãnh đạo độc quyền của đảng, không thể không gắng thu hẹp quyền lực của dân lại càng nhiều càng tốt. Ông đã cáu kỉnh nói với các chủ báo khi tình hình gay go do lạm phát quá bổn con số: "Đang giông bão thì ngồi im trên thuyền cho người ta lái". Đã có lúc tôi ghét ông. Đọc xã luận ông trên Nhân Dân năm 1979: "Biến Đông không phải là cái ao tù của Trung Quốc", tôi bình luận: "Đợi nó bạt tai cho tóe đom đóm ra rồi mới dám mở miệng". Nhưng hôm gặp nhau ở nhà tang lễ và sau đó ít lâu, thật sự tôi đã toan đến nhà Hoàng Tùng. Vừa để nối lại một quan hệ cũ vừa hy vọng có thể quân sư thêm chút ít! Chẳng hạn về cải cách ruộng đất, nói Bác Hồ phải theo vì Mao "gọi sang" - viết "gọi sang" phải chăng ông đã muốn qua đó bênh Lê Duẩn? Bênh như thế nào ư? Ngày ngày đọc các bài báo xin duyệt của một Trưởng ban, D. Th., luôn có hai dòng nắn nót Kính đệ trình… Tổng biên tập duyệt, ông thừa biết chữ gọi khác chữ mời, như chữ gửi khác chữ đệ trình. Vậy dùng chữ gọi, có thể là ông muốn ngụ ý đảng theo Mao thời Bác Hồ để bênh Lê Duẩn, người từng bẻ lái cho đảng đổi sang hẳn chỉ độc một monorail Trung Quốc để rồi sau đó Bác Hồ ngồi chơi xơi nước cho tới lúc "đi xa". Từ 1950, Mao đã cài La Quý Ba, thư ký trung thành của Mao thời Diên An vào nách chóp bu của Việt Nam. Võ Nguyên Giáp không dễ nghe Mao nên đã bị đại sứ kiêm cố vấn (hay gian tế) họ La báo cáo tường tận hành vi, ngôn luận, nên Mao từ đấy cho nên, khi vừa sai Hồng vệ binh nã pháo vào tư lệnh của bọn tư sản, xét lại Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và sau khi cho Duẩn "làm Câu Tiễn" (Lê Duẩn dixit) nằm chờ một tháng rồi Mao mới tiếp, Mao đã chỉ cho Duẩn đích danh Giáp là đại điện cho phái hữu Việt Nam cần hạ xuống, Nguyễn Chí Thanh là đại diện của phái tả cần đưa lên… Chuyện này Hoàng Tùng có thể không biết vì không được dự như Lê Trọng Nghĩa đi theo Duẩn chuyến ấy. Nghĩa đã kể lại với tôi.
Cuối cùng tôi không đến Hoàng Tùng.
° ° °
Xong tang lễ Hoàng Hữu Nhân, Lê Trọng Nghĩa và tôi ra lấy xe đạp. Đang lúi húi mở khoá thì nghe:
- Chào Trần Đĩnh, anh nhớ tôi không? - A, (tôi quay lại). Phan Diễn! Quên sao được.
Diễn đến bên hè, bắt tay. Tôi nói:
- Mình muốn chuyện với Phan Diễn nhiều nhung khó đấy… Nói câu này, tôi nghĩ chắc Diễn sẽ nhớ đến câu tôi nói khi gặp lại anh lần đầu sau hàng chục năm ở hội nghị kỷ niệm 45 năm báo Nhân Dân ra hàng ngày tại Cung Văn hoá Công nhân. Đến muộn, tôi đang vừa lách ghế vào vừa đáp lại các chào hỏi thì ở hàng trên một người quay xuống chào rất vui: - Chào anh Trần Đĩnh, anh nhớ tôi không? - Ô, Phan Diễn, nhớ chứ. Này, nói luôn, Phan Diễn là uỷ viên trung ương tân cử duy nhất mà mình tán thành. Đảng nhiều cái sai đấy, nhớ nhá, cần phải sửa! Phan Diễn gật gật cười. Xong lễ, Phan Diễn ra tới sân thấy tôi chuyện trò với anh chị em ở đại sánh thì lại quay trở vào: Chào anh Trần Đĩnh, tôi về. Hôm nay tôi chắc chào tôi xong, Diễn, uỷ viên Bộ chính trị, sẽ đi. Nhưng Diễn dừng lại: Tôi ghi cho anh số nhà và số điện thoại để cần thì anh liên hệ, anh có sổ tay đấy không? Phải nhìn Phan Diễn lục ví trong áo vét tông, tìm một lá thư xanh da trời, xé ra một mẩu bằng ba đầu ngón tay rồi để lên ví viết: (cq) 08042456, (nhà) 08043835-66 Phan Đình Phùng. Tôi không gọi Phan Diễn bao giờ. Tôi đã thấy rõ cái vòng cương toả nấp ở bên dưới các thứ mỹ tự tinh thần kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo vệ uy tín của đảng v.v… Tôi nhận ra nó đầu tiên quanh bạn thân Thép Mới. Rồi Trường Chinh!
Ít lâu sau, Quang Đạm chết. Tôi đến đưa anh hơi muộn. Trực trước áo quan bố, thấy tôi đứng ở một góc kín đáo, Tạ Quang Ngọc kéo Điền, em gái ra chào:
- Chú đến chúng cháu mừng quá… cháu cứ sợ chú không đến. Chú ơi, cháu nghĩ luôn đến chú. Chú gắng giữ sức khoẻ…
Mặc niệm. Một người ở đằng sau vỗ vai tôi:
- Xin chào thủ trưởng… Hải, nữ biên tập viên quốc tế báo Nhân Dân đã về hưu.
- Thủ trưởng gì tôi, tôi đùa!
- Thủ trưởng mà dân chọn thế mới quý chứ! - Hải nói tiếp - Ông cha đổ bao xương máu giành được độc lập nhưng nô lệ vẫn hoàn nô lệ. Được cái bao bì oách!
Tôi ngớ ra thì chị nói:
- Được cái bao bì độc lập đấy thôi. Chỉ phải tội là nhân ở trong, cái tự do hạnh phúc ấy đã bị người ta móc ra cà làm một mình mất rồi. Đảng thế này là mệt đây, mệt đây…
Tôi chợt thấy tôi lầm rầm mãi câu này. Không ư? Dân đã nhìn ra thấy ngọn nguồn bất hạnh. Ở người dám nói sự thật, tôi cũng thấy vòng cương toả hiện ra lồ lộ ở trên mặt. Nó ngăn chặn cái sợ vì nó chỉ biết có tự do, nhân quyền.