The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Thúc Sinh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 73
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Kết
ọn giám thị trại Hàm Tân dù không thẳng thắn tuyên bố ra, nhưng hơn ai hết, đội 17 biết thật rõ và thật chắc chắn quản giáo Phú đã đào ngũ, đào ngũ trước Tết Nguyên Đán 1980 đúng mười ngày. Một quản giáo mới được thay thế vừa đúng ba ngày, tức trước Tết còn đúng một tuần lễ, thì trại Hàm Tân, 2.000 tù, vào một buổi trưa trước giờ xuất quân đi lao động, có 14 thằng tù loại sắp chết được cách mạng xướng tên cho phép "lê bước chân tìm về tổ ấm".
Lúc ấy, Vĩnh vừa ký tên vào sổ xin ở nhà khai bệnh và dĩ nhiên, nhận được một cái nhìn đầy ác cảm của đội trưởng Mai Văn Lễ. Một thằng khai bệnh là một cái điểm đen trong bảng chấm công hàng ngày, hàng tháng và hàng năm của cả đội. Vì lẽ đó, ngay đội trưởng, cũng thân phận tù như nhau, đã vì "chức năng", luôn luôn làm khó dễ anh em trong những lúc đau ốm buộc lòng phải khai bệnh. Dù gì gần đây đội trưởng Lễ nhăn nhó với Vĩnh cũng phải. Nội tuần vừa qua Vĩnh đã khai bệnh đến ba lần. Mà không khai bệnh cũng không được! Hiện tại Vĩnh đã biết mình lao nặng trở lại. Lao thực chứ không còn kịch cỡm gì nữa. Ở đây không như Suối Máu. Ở đây lao động rất trâu bò. Lại gió núi mưa bưng. Bệnh phổi của Vĩnh đã tái phát và lúc này coi mòi đang trên đà phát triển dữ dội. Cứ tưởng tượng phải lặn lội đào bùn dưới đường hào với cái bụng đói meo, trong khi những cơn gió lạnh thổi từ rừng buông ra, Vĩnh đã thấy ớn sợ. Thế nên đội trưởng Lễ có nhăn nhó một, chứ nhăn nhó mười Vĩnh nhất quyết cũng khai bệnh nằm nhà vào cái chiều thứ Bảy cuối tuần này. Hơn thế, mấy ngày nay Vĩnh viết được một bài nhạc mới thật ưng ý, bài Nếu Tôi Còn Sống Mà Trở Về; Vĩnh muốn có thì giờ nằm nhà suy nghĩ và gọt dũa thêm...
Ngoài sân của khu và cả ngoài sân trại, các đội hình đã ngồi đầy dẫy để chờ giám thị trực đọc các thông cáo trước giờ cho xuất quân đi lao động. Vĩnh ngồi trong phòng, choàng cái chăn rách lên người cho thêm vẻ đau ốm và nhìn ra ngoài cửa sổ. Hôm nay có gì mà trang trọng thế? Vĩnh tự hỏi. Thông thường chỉ ngày đầu tuần, khi có những thông cáo quan trọng thì bọn trật tự mới khênh cái bục thuyết trình ra sân cho giám thị trực dùng. Những ngày cuối tuần thế này, có đọc thông cáo hay lệnh phạt đi nữa, thường chỉ được thực hiện giản dị mà thôi. Nhưng trưa nay lại có cả bục thuyết trình đàng hoàng.
Tên giám thị trực đã xuất hiện. Một lúc sau tiếng loa ồm ồm đọc lên một cái gì đó Vĩnh không nghe rõ. Anh em ngồi tập họp ngoài sân chợt thầm thì bàn tán.
- Có list thả!
- Đúng rồi! Thả nữa! Vậy là từ tháng 9 năm rồi đến nay đã hai đợt thả!
Một giọng buồn buồn.
- Mỗi kỳ thả năm bảy thằng chắc kiếp sau mới tới lượt những thằng phản động chuyên nghiệp như mình!
Vĩnh cảm thấy thật ơ hờ với cái không khí đọc thông cáo thả tù ngoài sân. Anh nằm xuống kéo chăn chùm kín đầu khi thấy bác sỹ Anh dẫn theo mấy anh y tá vào tận nhà 4 khám bệnh cho những người khai bệnh. Vĩnh đang nghĩ cách làm sao nói khéo để ông Anh cho nghỉ chiều nay.
Trong lúc bác sỹ Anh đang khám mấy người nằm ở đầu dãy phòng thì có một người bỏ hàng ngoài sân chạy tốc vào nhà 4. Vĩnh ngó ra thấy ông Thuận tức Châu Sơn. Ông Thuận chạy phóng đến chỗ Vĩnh nằm, giật mạnh chân Vĩnh, nói như người nghẹn thở.
- Họ thả ông rồi!
Nằm chùm chăn kín đầu, Vĩnh không nghe rõ ông Thuận nói gì. Thấy Vĩnh vẫn nằm yên, ông kéo thốc cái chăn của Vĩnh lên, la lớn một lần nữa. Vĩnh! Họ thả ông rồi kìa! Ngồi lên!
Bây giờ thì Vĩnh đã nghe thấy và nhìn nét mặt hớt hải vì mừng của ông Thuận, Vĩnh đã tin lời ông nói. Vĩnh ngồi dậy và cố lấy vẻ thật thản nhiên, anh hỏi lại.
- Còn anh sao?
Ông Thuận giơ cả hai tay tỏ vẻ chán nản. Ông đứng nhìn Vĩnh một thoáng, hơi hạ giọng và nói nhanh một cách thật cảm động.
- Chút nữa thế nào họ cũng đưa ông đi khỏi đây. Thế là hết, khi tụi này đi lao động về thì chỗ này đã khuyết đi một người nằm... Chả biết bao giờ gặp lại ông...
Ông Thuận có vẻ thật buồn. Rồi ông quay lưng đi ra phía cửa. Trông cái dáng cao nghệu và khòm khòm của ông, Vĩnh thấy nơi ông tất cả sự chịu đựng mệt mỏi. Ra gần tới cửa, có bác sỹ Anh đang khám bệnh, ông Thuận nói nhỏ gì đó với ông Anh. Ông Anh bỗng ngẩng đầu lên, ngó dáo dác về phía Vĩnh, hỏi vu vơ.
- Đâu? Anh nào? Anh nào may mắn vậy?
Trước khi rời khỏi cửa phòng, ông Thuận ngoái lại một lần nữa. Ông nói lớn với nụ cười héo hắt.
- Thôi, mừng ông và tạm biệt ông nhé. Có những điều tôi từng nói với ông, nhớ lấy! Nếu có dịp gặp anh em văn nghệ, đặc biệt bà Nguyễn Thị Hoàng, cho tôi gửi lời thăm hỏi...
Tiếp theo đó là anh Huy, Ý, Dương, Điểu, Cường và cả anh chàng phó quận Vũ Duy Báu, người từng giúp đỡ Vĩnh thật nhiều về thuốc men, đều chạy vào phòng chia mừng với Vĩnh.
Khi đạo quân lao động khổ sai đã lần lượt rời hết cổng trại, trật tự xuống từng nhà và ra lệnh ngắn gọn cho những người có tên thả.
- Mấy ông thu vén đồ đạc thật nhanh để lên hội trường làm việc với cán bộ. Nhớ là mang theo hết đồ đạc vì sẽ không trở về đây nữa.
Vĩnh ngồi thu vén lon cóng, mùng mền, quần áo, chai lọ vào bao bị. Cái kinh nghiệm về một Bùi Duy Hạ ở trại An Dưỡng năm nào khiến Vĩnh muốn đem theo hết những vật dụng tùy thân này. Nhưng rồi nghĩ ngợi sao, Vĩnh lại bỏ tất cả những cái mình có ra. Anh để lại đầu giường của những người bạn thân thiết những thứ đồ dùng của anh, người cái quần, kẻ cái áo, người cái ca nhôm, kẻ cái kem đánh răng đã dùng dở dang...
Khi tụ tập trên hội trường vào lúc ba giờ chiều có lẽ Vĩnh là một trong những người nhẹ gánh nhất. Anh chỉ đem theo mình vỏn vẹn một bộ quần áo rách nhất đề phòng ban đêm lạnh sẽ mặc thêm lên người.
Trên hội trường, tên cán bộ trực đọc lệnh thả của Bộ Nội Vụ, rồi đọc nội quy quy định cho những người được thả. Đọc xong, hắn nói.
- Thay mặt Ban Giám Thị trại, tôi chúc mừng các anh được nhà nước tạm tha để về chữa bệnh. Ban Giám Thị mong rằng trong thời gian tạm tha, các anh sẽ phấn đấu tốt để trở thành người công dân lương thiện tại địa phương, để được nhân dân và chính quyền địa phương công nhận cho thường trú...
Các anh được về đoàn tụ gia đình đúng dịp Tết Dân Tộc, vậy trước khi rời trại này sang khu tập trung mới đợi làm thủ tục, thay mặt Ban Giám Thị trại, tôi chúc các anh một cái Tết tự do, ấm no và hạnh phúc với gia đình. Đồng thời...
Tên giám thị trực còn nói nhiều nữa nhưng Vĩnh không chú ý nghe. Sau đó, 14 thằng tù bệnh hoạn được trật tự hướng dẫn đi lối tắt phía sau bếp len qua hàng rào tre, băng qua khu đan tre của mấy ông tù già và bước vào lãnh thổ của khu Thiên Đường Mới.
Một gian phòng xây đúc đã hoàn tất được chọn cho bọn Vĩnh làm nơi tạm nghỉ qua đêm chờ ngày mai làm thủ tục hành chánh.
Tay trật tự với vẻ mặt vui vẻ khác hẳn ngày thường, cho bọn tù được thả biết vài điều trước khi hắn rút lui.
- Trên nguyên tắc, như cán bộ đã nói, các anh tự do từ giây phút này. Các anh có thể ra suối tắm bất cứ lúc nào muốn. Cơm nước đội anh nuôi sẽ đem từ trại cũ ra cho các anh đầy đủ. Tuy nhiên, vì chưa có giấy tờ, với lại để tránh bị các cán bộ an ninh vòng đai ngộ nhận bọn xấu trốn trại nổ súng lầm, yêu cầu các anh đừng đi đâu ra khỏi phạm vi khu xây cất này với bờ suối kia.
Rồi khi tên trật tự đã quay đi, bỏ lại 14 thằng tù may mắn muốn làm gì thì làm.
Một số anh siêng năng vội vàng ra sân kiếm mấy hòn gạch bắc bếp nấu nước sôi. Vĩnh nằm quan sát chung quanh căn phòng của khu Thiên Đường Mới. Tất cả đều được đúc bằng xi măng cốt sắt trộn đá xanh. Những chấn song sắt to bằng cườm tay. Những nền đá lạnh ngắt dùng làm chỗ nằm... Quang cảnh nơi đây không khỏi gây cho người tù, dù đã bầm dập vì tù, một cảm giác mới thật ớn lạnh. Một ngày không xa, những người còn lại sẽ được chuyển sang ở nơi khu Thiên Đường Mới này. Đời họ sẽ ra sao? Rồi Vĩnh quan sát tới những người chung quanh. Trong 14 người được thả đợt này có hai người bị cùi, tám người lao phổi nặng, một người cụt chân vì bị mìn trước đây, một cụ già sáu mươi lăm tuổi, một bị bại xụi và người sau cùng bị cụp cột sống do cây đè.
Dù cái cân hậu cần dưới bếp không đúng lắm, nhưng có nhiều dịp lao động gần đấy, Vĩnh đã leo lên cân và ghi nhận được sức nặng của anh những ngày gần đây chỉ còn độ 35 tới 36 kgs. Thế nhưng, Vĩnh cảm thấy anh là người tương đối khỏe mạnh hơn hết trong đám người đang nằm ngồi với đầy nét bồi hồi trên mặt chung quanh anh. Một anh bạn trẻ tuổi bị cùi, ghé đến cạnh Vĩnh làm quen. Anh ta nói anh có nếp và lạc xưởng đem theo. Hai người đứng lên và bước ra khỏi phòng. Một lúc sau, như những người khác, Vĩnh và anh bạn mới đã ngồi bên cạnh một cái lò bên trên có một cái lon guigoz cơm nếp.
Anh bạn nhìn quanh, nói.
- Tụi nó cô lập khu này. Anh em ta lao động gần đây có lẽ không được phép liên hệ với tụi mình.
Vĩnh khều khều cho cái bếp cháy to hơn, trả lời.
- Dĩ nhiên là phải vậy.
Người bạn trẻ lại tiếp.
- Nơi đây gọi là nhà đá thì thật đúng. Bước vào trong lạnh như có ướp đá vậy! Mà chả hiểu tại sao họ lại cho mình sang ở khu này trước khi làm thủ tục về nhỉ?
Vĩnh cười cười trả lời cho người bạn mới vui lòng.
- Thì cách mạng đã nói rồi. Chủ yếu các anh làm các anh hưởng. Những dãy nhà đá này thành hình một phần cũng có công sức của tụi mình góp vào. Trước khi ra đi, chả lẽ cách mạng lại không tạo điều kiện cho tụi mình được ngủ trong đó một đêm gọi là cho biết mùi hay sao?
Một người khác ngồi nấu cách Vĩnh không xa, cất cái giọng khàn khàn như người hết hơi, len vào câu chuyện của Vĩnh và người bạn trẻ.
- Một hình thức dằn mặt mình đó mấy ông ơi! Ý nói đừng trở lại đây nữa. Trở lại là rục xương...
Vĩnh không nói thêm một lời nào. Giờ này đã chấm dứt giờ lao động chiều. Ngoài bờ suối ầm ầm những tiếng động, tiếng nói cười của lũ tù thay phiên nhau từng đợt xuống tắm. Và rồi khi mấy anh nuôi đem cơm ra - chứ không phải ngô như mọi bữa - cho bọn tù được thả, thì những tiếng động ngoài bờ suối đã lắng xuống và từ từ dứt hẳn. Có lẽ đợt sau cùng đã lên bờ và trở về địa điểm tập trung chờ điểm danh nhập trại. Bọn Vĩnh chả mấy người ăn được. Chẳng ai mà không nôn nao nghĩ đến ngày mai được ra khỏi cái "Đại Học Tổng Hợp" này. Để cho tâm hồn được yên tĩnh, Vĩnh rủ anh bạn trẻ ra suối tắm trước khi ngồi vào bữa ăn cho nó... sang, cho nó trở lại với phong thái văn minh văn hóa của loài người.
Từ ngày về đây, lần đầu tiên được ra suối trong tình trạng vắng lặng như thế này, Vĩnh mới thấy rõ được sự nhỏ bé của con người trước cảnh âm u bao phủ của rừng già. Người bạn đã nhanh chóng trườn xuống nước. Vĩnh bị phổi nên bỗng nhiên sợ nước lạ lùng. Anh đổi ý không tắm và ngồi yên trên bờ nhìn cảnh vật chung quanh. Một ý nghĩ chợt nổi lên trong đầu Vĩnh. Căn phòng Vĩnh ngủ không xa khu cachot là bao, chỉ cách một hàng rào đơn và một dãy nhà. Vĩnh tự hỏi tại sao đêm nay mình không qua đó quan sát một lần cho biết cái "trái tim" của khu Thiên Đường Mới này nó ra sao? Và rồi Vĩnh nghĩ ngay đến miếng cơm nếp lạc xưởng. Ta nên để dành nó. Biết đâu lại gặp được thằng Dũng? Lúc này mà nó được ăn một miếng cơm nếp lạc xưởng hẳn phải sướng hơn mình được thả mười lần!
Bên kia bờ suối bỗng xuất hiện hai tên công an có súng trên vai. Một tên chợt thấy bọn Vĩnh dưới suối, hắn dừng chân sừng cồ hét lớn.
- Này! Mấy thằng tù kia. Đội nào nhà nào mà giờ này còn tắm ở đây?
Nghe tên an ninh vòng đai hét, người bạn dưới suối nhanh nhẩu.
- Báo cáo cán bộ tụi tôi được thả rồi! Được tự do rồi!
Tên công an thứ hai nghe vậy vôi chen vào.
- Này! Ăn nói với cán bộ mà vô phép thế đấy phỏng? Mày tưởng thế là mày tự do đấy phỏng?
11-80 Bidong, Malaysia
12-84 San Diego, USA.
Đại Học Máu Đại Học Máu - Hà Thúc Sinh Đại Học Máu