Số lần đọc/download: 8664 / 108
Cập nhật: 2015-08-12 23:00:35 +0700
Chương 69
N
hững cơn mưa tầm tã của tháng Mười đánh dấu cao điểm của việc xây cất công trường "Thiên Đường Mới", một danh từ tù Hàm Tân mới đặt ra để gọi khu ngục thất đang được kiến tạo. Song song với công tác chính đó, một công tác thu hút quãng một phần ba nhân lực của phân trại A với tổng số 2.000 tù, một công tác khổ sai mà với ngôn ngữ ba que xỏ lá của thằng tổng giám thị đã nói trước mọi người trong dịp 2 tháng 9 vừa qua là: "Hơn bao giờ hết, các anh phải hạ quyết tâm thi đua hoàn tất chỉ tiêu trong công tác xây cất công trình được trên tin tưởng giao phó. Các anh phải làm sao sang năm tới ta sẽ có nhà mới để ở. Đời sống của các anh sẽ thoải mái hơn. Nơi ăn chốn ở sẽ vững vàng an ninh và có văn minh văn hóa hơn. Trong lúc thi công thực hiện công trình, trại nhắc nhở các anh phải luôn luôn tâm niệm một điều là, chủ yếu các anh làm các anh hưởng!".
Vâng, song song với việc thi công xây nhà tù mà ở, một công tác mới nữa cũng ra đời để hoàn chỉnh cho công tác xây nhà tù đang tiến triển mạnh, đó là công tác đào hào chung quanh khu vực "Thiên Đường Mới".
Mười đội được đưa vào công tác nặng nhọc này, và đội 17 là một.
Cũng như ở An Dưỡng, đường hào sẽ có chiều sâu ba thước, bề rộng bên trên mặt đất bốn thước rưỡi, đáy rộng ba thước, đất lấy từ hào lên sẽ đắp một con đê chạy theo đường hào có chiều cao tới hai thước rưỡi, mặt đê đủ rộng cho hai người lái xe đạp đi sánh đôi nhau.
Vì là mùa mưa, công tác đào hào mang đầy đủ cái cực khổ của đói lạnh. Mấy trăm tù trải dài trên những phần đất quy định và khởi sự với những nhát cuốc, nhát cuốc chim trên nền đất lổn ngổn đá tảng, di tích của những phún thạch chẳng rõ từ kỷ nguyên nào.
Đội 17 nhận phần trách nhiệm từ những dãy nhà của các tổ đan tre đến chỗ giáp với hàng rào tre cuối khu trại đang ở. Phía mặt là suối. Phía trái là dãy hàng rào tre gai bên hông trại cũ. Đội 17 vừa đào vừa rình rập bẻ trộm những cái măng mới nhú nơi hàng rào. Đây là điều cấm kỵ của nội quy. Có măng thì mới có tre. Có tre thì hàng rào mới dần dần bền vững. Bẻ măng là phá hoại hệ thống phòng thủ của trại. Ban Giám Thị đã nhiều lần nhắc nhở và phạt kỷ luật nặng nề những người bẻ măng ngoài hàng rào trại, tuy nhiên cái đói lạnh khiến bọn tù có dịp là bẻ, bất kể nội quy hay hình phạt. Những cái măng bẻ xong được nhúng ngay xuống bùn. Nó sẽ được chủ nhân hẹn hò với một người bạn làm việc nơi khu canh tác, khi đi qua sẽ nhặt lên bỏ thùng phân khuân về trại. Ngày tháng qua, đường hào mỗi ngày mỗi sâu mỗi rộng và mỗi dài. Những tảng đá nhiều khi lớn bằng nửa cái xe Jeep chìm sâu dưới đất không thể ngờ lại có ngày được đưa lên nằm trên mặt đất không chỉ bằng sức lực và hai bàn tay không của lũ tù binh khốn khổ và bị quên lãng nhất trần gian.
Việc nặng chết người có khả năng lôi con người tới sự đoàn kết chặt chẽ hơn! Vì công việc đào hào ở đây đòi hỏi tới cả việc đào xới, trục lên và di chuyển đi những tảng đá nghìn cân, một việc làm mà nếu xẩy tay không chỉ chết một người mà có thể chết cả vài chục người; do đó, bọn tù thốt nhiên chăm chỉ và ngoan ngoãn như những bầy ong kiến trên đường kiến tạo tổ. Bọn quản giáo vệ binh thấy nhàn nhã ra mặt. Quản giáo Phú nhiều khi cả buổi không thấy mặt. Buổi sáng dẫn tù ra địa điểm lao động xong là quay đi quay lại hắn đã biến mất. Còn hai thằng vệ binh cũng thế. Cả buổi lao động chỉ thấy chúng xuất hiện một hai lần trên đầu con đê mới đắp, đứng nhìn trời nhìn đất một một lúc rồi chuồn đâu mất, để mặc bọn tù, vì sức nặng của những tảng đá, vì chỉ tiêu của những thước khối đất đã được ấn định, vì sự thúc hối của các đội trưởng đội phó, đã ra công làm những công việc mà kết quả của nó đưa lại đúng như lời lẽ vàng ngọc của tên tổng giám thị từng đưa ra: Các anh làm các anh hưởng!
Vào những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 79, đội 17 đã tiến tới gần những dãy cachot của khu Thiên Đường Mới. Hai tháng cật lực với công việc khổ sai đào hào, bọn tù hốc hác trông thấy. Những cơn mưa rừng lạnh cóng, gió rừng buông thổi về nhiều khi tưởng như có thể thổi bay một tên tù gầy còm đang đứng nện đất trên mặt đê cao.
Có thể cuối năm là thời gian của thanh tra và tổng kết những báo cáo thành quả, do đó bọn giám thị xuất hiện kiểm soát rất thường xuyên. Vì sự kiểm soát ấy, quản giáo và vệ binh không còn dám lơi là và đương nhiên bọn tù lại bị thúc hối thi công dữ dội hơn, bơ phờ hơn. Những kiện tướng lao động của đội 17 là đội trưởng Lễ, lực sỹ Lê Văn Tầm, ông lang băm Võ Văn Bảy... những người mà anh em đã phải mỉa mai gọi là "Paven" 1, cũng khởi sự vàng vọt xanh xao.
Hiện nay cứ sau một giờ lao động cật lực, đội 17 được quản giáo Phú cho nghỉ mười phút giải lao. Dù đã bị cấm tuyệt đối không được bén mảng đến gần, nhưng sau cùng anh em đội 17 cũng đã nhiều người được nhìn tận mắt quả tim của khu Thiên Đường Mới: Khu Biệt Giam!
Khu biệt giam này gồm một dãy phòng đúc bê tông cốt sắt. Mỗi phòng có chiều cao hai thước, chiều sâu hai thước và chiều ngang một thước rưỡi. Trong phòng có một bục nằm cũng đúc bằng xi măng, bề ngang chừng sáu tấc, bề cao chừng nửa thước và dài chừng thước tám. Vách bên trong, chỗ tiếp giáp với bục nằm có dính nhiều khoen sắt lớn. Cửa phòng làm bằng sắt ống to hơn nửa cổ tay. Một vài phòng để trống phía trước trong khi một vài phòng khác có cửa sắt lá sách che kín bịt bùng.
Lâu nay Vĩnh và các bạn biết rằng bọn giám thị đã đem một số biệt giam từ trại cũ sang giam ở đây. Dũng và đám anh em Hòa Hảo trốn trại trước đây hiện đều bị giam nơi khu biệt giam này. Đứng vẩn vơ phía trước hàng rào khu biệt giam ngó vào, người ta chỉ có thể nhìn thấy bên trong của những gian phòng trống, còn những phòng có nhốt người được kéo cửa lá sách không trông thấy gì. Từ khi con đường hào được đào tới ngang khu vực này; ngày hai buổi Vĩnh và các bạn còn được thấy cảnh trật tự đem thức ăn nuôi tù biệt giam. Ngày hai buổi, cứ khoảng mười một giờ trưa và bốn giờ chiều, một anh trật tự dẫn theo một anh nuôi xuất hiện trước khu biệt giam. Đứng từ xa, nhìn mớ lon cóng được đựng chung trong một cái giỏ do anh tù nhà bếp xách và lẽo đẽo đi theo anh trật tự, Vĩnh đoán biết khẩu phần của mỗi người không nhiều hơn một bát ngô già và nửa cóng sữa bò nước lạnh. Đã nhiều lần mạo hiểm đi sâu vào khu biệt giam mới xem những người bị giam ra sao, nhưng lần nào Vĩnh cũng dội ngược vì tiếng hét ngăn cản của tên vệ binh ngồi trên lô cốt phía đầu dãy biệt giam.
Vào ngày lễ Giáng Sinh thì đội 17 đã vượt qua khu biệt giam mới khá xa. Đường hào đã gặp gỡ với đoạn đường hào do đội 45 trách nhiệm. Thêm người thêm chuyện. Đội 17 đã chẳng vừa gì, gặp đội 45 thật xứng đôi vừa lứa. Những câu chuyện vung vít chẳng coi ai ra gì. Gặp rau xanh họ nhổ rau xanh. Gặp đậu bắp họ hái đậu bắp. Gặp khoai lang phơi trên sân của cán bộ họ ăn cắp khoai khô. Xuống xe gạo họ tìm chỗ dấu luôn cả bao gạo... Trên phương diện này đội 17 gặp đội 45 thì thua mọi bề. Nhưng đấu láo thì cũng không thua bao nhiêu!
Mặc cho bọn vệ binh đứng gác trên đê chửi bới, thỉnh thoảng lại có người rú lên.
- Đói!
- Lạnh!
Có kẻ lại văn nghệ hơn, đem một câu trong một bài hát cách mạng ra hát diễu.
-... Gió trên núi rừng lạnh quá không có gì mà che é e è...
Hết những câu nói, câu hát nhằm trêu ngươi bọn vệ binh, anh em đội 45 lại đưa ấn đề đào hào ra mổ xẻ. Thậm chí có người táo bạo lên tiếng bàn công khai.
- Tao e mình đào cái này là đào mồ đào mả cho chính mình mất. Mẹ kiếp! Có biến xảy ra, tụi mày cứ tính xem, cái đường hào này đủ chỗ chôn tập thể 2.000 thằng tù không?
Vĩnh co ro đứng dưới hào sâu ngập nước quẳng từng xẻng đất lên bờ đê, tai lắng nghe anh em bên đội 45 nói chuyện, lòng trĩu nặng một nỗi buồn. Chỉ còn mấy ngày nữa giỗ Mẹ. Mẹ Vĩnh mất vào ngày mùng 3 tháng Chạp. Năm nay, mùng 3 tháng Chạp sẽ trùng vào đúng ngày mùng 1 Tết Dương Lịch. Mấy ngày nay Vĩnh có ý nóng lòng đợi gia đình lên thăm. Anh muốn có một cái gì đặc biệt để làm Giỗ cho Mẹ. Hơi buồn là các linh mục đã bị đưa đi hết, bằng không chắc chắn Vĩnh đã có thể xin một cha làm một "lễ đi" để cầu nguyện cho linh hồn Mẹ anh. Vĩnh cũng có nói qua chuyện này với anh Huy. Anh Huy đã hứa sẽ mời một số đông anh em đọc kinh góp lời cầu nguyện cho cụ.
°
Anh Huy tiếp tay Vĩnh bày hết những món ăn ra sạp gồm khẩu phần đặc biệt của ngày Tết Dương Lịch của bạn bè gom lại, cộng với một nồi nui lớn khá đặc biệt; nồi nui này đã được Vĩnh nấu toàn bằng những thứ bạn bè mỗi người cho một tí (vì anh và những người bạn cùng nhóm ăn chưa ai được thăm vào dịp Tết Dương Lịch), nó có tí tôm khô, tí mỡ, tí hành, tí bột ngọt... Khi tất cả đã đâu vào đấy, Vĩnh bắt đầu chạy sang nhà 5 gọi thêm mấy người bạn thân thiết sang ăn giỗ. Chỉ một nồi nui với khẩu phần đặc biệt được phát vào ngày đầu năm của mỗi người góp vào, bữa giỗ trông cũng rềnh ràng ra phết. Những miếng thịt kho lều bều nước, tí bắp cải cà rốt xào, tí cơm trắng... cũng gây được một không khí thật trang trọng và đầy đủ cho một bữa giỗ. Bất kể những người ngồi quây quần với nhau thuộc tôn giáo nào, với tư cách một người lớn tuổi nhất, anh Huy nói khẽ nhưng rất nghiêm trang.
- Hôm nay là ngày mùng 3 tháng Chạp, giỗ thân mẫu của anh Vĩnh. Tụi này mời các anh qua ăn chung với nhau một bữa cơm và xin các anh góp lời cầu nguyện cho linh hồn Anna sớm được về hưởng phúc thiên đàng đời đời... Bây giờ xin mạn phép làm dấu xướng kinh.
Anh Huy vừa xướng kinh xong thì mọi người đã rất vui vẻ bát đũa lên tay. Vĩnh cảm động và thấy bồi hồi tấc dạ. Anh biết chắc ở một nơi nào đó, cũng trong hoàn cảnh thê thảm này, có một người thân yêu của anh cũng đang xoay sở để làm giỗ cho Mẹ như anh. Vĩnh vừa và được một miếng cơm thì giật mình buông đũa xuống. Đội trưởng Lễ xuất hiện ngó mâm cơm với một nét dò xét khó chịu. Kế anh nhìn Vĩnh, nói.
- Cán bộ gọi anh phía ngoài.
Vĩnh hơi sửng sốt. Sao tụi ăng ten chúng làm việc nhanh thế? Vừa tụ tập ăn uống một chút mà bọn giám thị đã biết ngay rồi. Dù nghĩ thế, Vĩnh vẫn nói nhanh để các bạn yên tâm.
- Các ông cứ tự nhiên ăn. Tôi sẽ có cách nói...
Thế rồi Vĩnh đứng lên đi theo đội trưởng Lễ ra ngoài sân. Một tên cán bộ trực còn rất trẻ tuổi đứng đợi Vĩnh với một mảnh giấy trên tay phía ngoài hàng rào. Thấy Vĩnh, hắn hỏi.
- Anh Vĩnh?
- Vâng, tôi đây.
- Đi theo tôi lên bệnh xá!
Dù không hiểu tại sao lại lên bệnh xá nhưng Vĩnh cũng bướcqua cổng và đi theo tên cán bộ. Một lát sau Vĩnh đã có mặt giữa một lô những người mặc áo trắng, loại áo choàng trắng may bằng kaki Nam Định thường thấy ở bọn y sinh và y tá Việt cộng mặc. Trong đám ấy có cả bác sỹ Anh (gần đây, tên y tá Việt cộng có gốc chiêu hồi từng được bọn giám thị cho làm trưởng bệnh xá, đã chích chết một lúc hai ba người, do đó hắn mất chức và bọn giám thị lại phải đưa bác sỹ Anh, một cựu thiếu tá y sỹ của quân đội VNCH vào chức vụ này). Thấy Vĩnh đến, bác sỹ Anh chỉ vào một cái giường đã có nhiều người đui, mù, què, chột, gầy như que tăm, xanh như tàu lá ngồi sẵn tự bao giờ.
Rồi thì một tên mặc áo trắng khởi sự nói với mọi người.
- Báo cáo các anh cải tạo thế này nhá. Nhận chỉ thị của trên, chúng tôi là các y sỹ của Bộ Nội Vụ xuống nghiên cứu và kiểm tra tại chỗ bệnh tật của các anh. Các anh cứ yên tâm nhá. Lương y như từ mẫu. Chúng tôi sẽ báo cáo lên trên những gì qua kiểm tra chúng tôi ghi nhận được. Rồi thì tốt cả thôi. Nhá!
Sau khi giới thiệu vài câu đầu không ra đầu, đuôi không ra đuôi; hắn quay sang giới thiệu mấy tên đồng nghiệp của hắn về phương diện chuyên môn. Mươi phút sau đó, Vĩnh được bước ra trình diện một bác sỹ Việt cộng có chuyên khoa về lao phổi.
Dù rằng Vĩnh vẫn nhớ đến lời dặn dò thân ái của bác sỹ Châu, cựu cục phó Cục Quân Y, là trước khi "người ta" khám, anh nhớ kím chỗ nào kín đáo nhảy dây cho tôi năm mươi cái; nhưng hiện tại vô phương, Vĩnh biết không cách nào làm đúng như lời chỉ dẫn của ông thầy Châu được. Hiện Vĩnh không có chỗ và cũng không có cả thì giờ!
Dù sao Vĩnh cũng yên tâm nhận ra cái nháy mắt trấn an và có vẻ như chia vui của bác sỹ Anh đang ngồi gần đấy. Chìa bộ ngực Omega ra cho tay bác sỹ Việt cộng nghe ngóng, Vĩnh vẫn chú ý theo dõi một diễn tiến chung quanh.
Tay y sỹ đang khám cho Vĩnh chợt ngoái cổ hỏi bác sỹ Anh.
- Sao, anh này học tập lao động có tốt không?
Bác sỹ Anh nói không cần suy nghĩ.
- Báo cáo cán bộ lao động rất tốt! Nhưng đủ thứ bệnh trong người!
Vĩnh cười thầm. Ông nội này nói dóc cũng có bằng cấp! Từ ngày Vĩnh về Hàm Tân, chưa bao giờ ở chung đội với ông Anh và cũng chưa bao giờ có dịp lao động gần nhau. Chỉ có một thời gian ngắn ở chung một nhà.
Tên y sỹ Việt cộng lại hỏi.
- Anh có kiểm tra thường xuyên phổi anh này đấy chứ? Có cho cách ly không?
- Báo cáo cán bộ phổi anh này thì bết lắm. Thủng một lỗ bên đỉnh trái và đã ho ra máu nhiều lần. Rất tiếc là ở đây không có phương tiện chữa trị và cũng không có khu cách ly.
Tên y sỹ Việt cộng bỗng nhăn mặt.
- Biết thế mà vẫn bắt người ta đi lao động à?
Bác sỹ Anh hơi ngẩn người trước cái nhân đạo bất thình lình của tên y sỹ Việt cộng, và càng ngẩn người hơn lúc thấy rằng hình như tên này quả không hề biết tí gì về những chuyện đã và đang xảy ra trong hệ thống trại tù của cái chế độ mà chính y đã được đào tạo và đang phục vụ một cách tích cực.
Nhưng rồi bác sỹ Anh cũng trả lời được một câu.
- Báo cáo cán bộ tôi chỉ là một phạm nhân được Ban Giám Thị cho hành nghề khám bệnh giúp đỡ anh em thôi. Còn việc lao động hay không là quyền của các cán bộ giám thị.
Tên y sỹ Việt cộng hơi nhăn mặt rồi quay lại với một chồng hồ sơ nằm trên mặt bàn cạnh đấy. Vĩnh và bác sỹ Anh đều không biết hắn đang viết cái gì.
Sau màn kiểm tra sức khỏe đột xuất và cũng là lần đầu tiên trong suốt bốn năm rưỡi trời tù tội, Vĩnh được cho phép trở về phòng. Sự vắng mặt của Vĩnh làm anh em ai cũng lo, nhưng như vậy không có nghĩa là bữa giỗ bị ế ẩm. Hầu như trên mâm mọi cái đều sạch sẽ, ngoại trừ phần ăn bếp phát cùng với một tô nui bạn bè múc riêng ra để dành cho Vĩnh. Anh ngồi xuống ăn tiếp tục với đủ thứ ý nghĩ trong đầu. Những câu hỏi tới tấp của bạn bè đều được trả lời một cách rất thiếu chính xác. Câu chuyện được nghe kể từ hồi Suối Máu, khi một số anh em tù được đưa từ trại Bùi Gia Mập về Vĩnh còn nhớ như in. Họ cho biết hồi mới tập trung, bọn Việt cộng đã lập một khu cách ly giữa rừng sâu đành cho những người bị tứ chứng nan y tự do sinh sống với nhau để chờ ngày... chết. Thực phẩm nước uống chúng cấp đủ cho hai tháng, sau đó sống chết mặc bay...
Rồi bữa giỗ cũng qua đi. Ngày nghỉ của mọi người là ngày ngủ. Nhưng riêng Vĩnh không cách gì ngủ được. Anh ra ngoài sân nắng ngồi cho ấm, nhìn những người không ngủ trưa khuân những gói mì khô, nhất là những gói nui ống do gia đình cung cấp ra phơi. Nui xã hội chủ nghĩa ở đâu cũng thế. Một nui có tới hai mọt và ba mốc. Những con mọt hôi hám đen trắng lẫn lộn bị phơi nắng bò ra ngoài lổn ngổn. Nơi phía bếp đầu hồi gần chỗ cầu tiêu, trưa nào cũng thế, người duy nhất còn sót lại đi gom góp những mớ than hồng còn sót để gom vào một bếp, loay hoay với cái nồi to tướng nấu một món ăn hổ lốn vẫn chỉ là Lê Văn Tầm. Nhu cầu của một thân xác lực sỹ hình như hành hạ hắn suốt ngày, và bất cứ lúc nào rảnh rỗi Tầm cũng ôm lấy cái nồi và cái bếp. Hắn nấu bất cứ gì hắn kiếm được, kể cả cơm và thịt anh chàng Trương Hồng điên loạn đã ném vào cầu tiêu và đã dính cả những chất cặn bã dơ dáy của con người! Đời tù tội, Vĩnh đã gặp nhiều tay bị cái đói hành hạ đâm ra ăn uống thô tục, nhưng Tầm, người có thân hình lực sỹ tuyệt đẹp và cũng từng chiếm giải bơi lội của Hải quân, có lẽ là người số một!
Ngồi lơ mơ ngoài sân nắng với những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu, có lúc hình như Vĩnh đã đọc kinh, đã cầu nguyện một cái gì đó với người Mẹ quá vãng của anh; cũng có lúc Vĩnh thấy mình lạc vào một vùng mịt mù rừng rậm với những người bạn lao phung cùi hủi. Nhưng Vĩnh đã nhất định không chết, đã tìm đường ra với rất nhiều hình ảnh lạ thường.
- Này anh Vĩnh, làm gì đấy?
Tên phó giám thị, một lần nữa như một thứ bóng ma, đã xuất hiện ngay bên ngoài hàng rào. Vĩnh muốn đứng lên đi thẳng vào phòng nhưng nghĩ sao anh tảng lờ và tiếp tục ngồi nhìn ra ngoài sân nắng. Tên giám thị chẳng buồn hỏi tiếp, hắn bỏ đi về phía dãy bếp sau nhà.
--------------------------------
1 Paven: Nhân vật chính trong một tác phẩm "gối đầu giường" cho thanh niên Nga, một thứ anh hùng lao động trong thời kỳ cách mạng 1917.