Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 67: Pháp Quyền Trong Cuộc Sống
N
ăm 1919, trong Bản yêu sách gửi đến hội nghị Vecxây, lãnh tụ của dân tộc ta Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó là Nguyễn Ái Quốc) đã đưa ra đòi hỏi về việc “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Hồ Chí Minh, Yêu cầu ca, Báo Nhân dân, ngày 30/1/1977). Bên cạnh độc lập dân tộc, pháp quyền là giá trị mà dân tộc ta đã theo đuổi trong gần một thế kỷ qua. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới ngày càng thu được những thắng lợi to lớn, pháp quyền đang từng bước được khẳng định trong đời sống của xã hội ta.
Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc “bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra” (17/3/2003) là một thành tựu mới của pháp quyền.
Trước hết, Nghị quyết thực chất là một văn bản quy phạm pháp luật. Với tư cách là pháp luật, Nghị quyết đã áp đặt chế tài đối với tất cả các cơ quan có quyền nhân danh Nhà nước để điều tra, truy tố, buộc tội và xét xử. Theo Điều 10 của Nghị quyết, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là các “cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự”. Có thể liệt kê vào danh sách này một số cơ quan đầy quyền lực sau đây: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Kiểm lâm, Hải quan... Đây là một ví dụ rất ấn tượng về vị trí tối cao của pháp luật. Pháp quyền có nghĩa là không một ai có thể đứng trên pháp luật.
Với sự ra đời của Nghị quyết, nguyên tắc mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật một lần nữa đã được khẳng định. Trên đất nước ta, không tồn tại một thứ pháp luật dành cho quan và một thứ pháp luật dành cho dân. Pháp quyền có nghĩa là bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật điều chỉnh hành vi không chỉ của các công dân mà của cả các cơ quan công quyền. Từ trước đến nay, chúng ta thường thấy pháp luật áp đặt chế tài đối với những cá nhân như là những công dân. Lần này, chúng ta thấy pháp luật áp đặt chế tài chỉ cho các cơ quan nhà nước (có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự). Các cơ quan để xảy ra oan, sai sẽ bị pháp luật bắt buộc phải khôi phục danh dự, bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, vật chất, sức khỏe và tính mạng cho những công dân bị oan.
Sự bình đẳng trước pháp luật còn được thể hiện trong quy định của Nghị quyết về việc “giải quyết bồi thường thiệt hại bằng thương lượng”. Công dân bình đẳng với Nhà nước trước pháp luật. Người bị oan (hoặc gia đình) là đối tác bình đẳng với các cơ quan công quyền trong quá trình thương lượng về việc đền bù. Đây là quan hệ dân sự, nền tảng của nó là sự bình đẳng và tự nguyện của cả hai bên. Trong mối quan hệ này, các cơ quan công quyền có thể trở thành bị đơn, nếu hai bên không đạt được sự thỏa thuận. Khả năng kiện một cơ quan nhà nước ra tòa là nền tảng pháp lý quan trọng nhất của pháp quyền. Toàn bộ vấn đề còn lại là sự chính trực và công tâm của tòa án. Tuy nhiên, nhân danh Nhà nước để xét xử các cơ quan nhà nước là rất khó khăn. Phải chăng tòa án nên xét xử nhân danh công lý?
Nghị quyết còn là lời cảnh báo chống lại sự lạm quyền. Quyền hành phải đi đôi với trách nhiệm. Pháp quyền nghĩa là quyền lực của các cơ quan nhà nước bị pháp luật điều chỉnh. Trách nhiệm vật chất sẽ một lần nữa bắt buộc các quan chức tiến hành hoạt động tố tụng hình sự phải cố gắng thực thi quyền lực của mình trong giới hạn và khuôn khổ mà pháp luật cho phép. (Thực chất, pháp luật nước ta đã áp đặt những chế tài hình sự rất nghiêm khắc đối với những hành vi phạm tội trong tố tụng hình sự).
Mặc dù, một số vấn đề liên quan đến thủ tục, cách thức đền bù, có thể, còn cần tiếp tục được hoàn thiện sau khi chúng ta đã có được kinh nghiệm thực tiễn nhiều hơn; Khắc phục tình trạng tìm mọi cách phủ nhận sự oan sai để trốn tránh trách nhiệm đền bù là một bài toán chưa có lời giải rõ ràng. Việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc “bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra” là một thành tựu mới của nền pháp quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, pháp quyền sẽ khó trở thành hiện thực nếu thiếu tình yêu công lý và lẽ phải của tất cả chúng ta. Việc lợi dụng các quy định của Nghị quyết để khiếu kiện một cách không có cơ sở và vô lối có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thống các cơ quan mà thiếu chúng không thể có pháp quyền. Đó là các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, còn được gọi là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chống lạm quyền là quan trọng, nhưng chống tội phạm cũng quan trọng không kém.