Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 69
N
hững tiếng chuông tiếng trống đánh liên hồi kéo ta ra khỏi giấc ngủ. Ta không nhớ mình đang ở đâu nữa. Trong tối đen hoàn toàn, cuối cùng ta nhận ra một cửa sổ với những lưới mắt có, hình như thế, rất mảnh. Để thử xem ta có còn mơ hay không, ta cố nhấc hai mi mắt nặng trĩu. Cuối cùng ta nhìn thấy ánh sáng xanh lân tinh của mặt đồng hồ. Ba giờ sáng. Ta nhận ra buổi đọc kinh sáng đã bắt đầu và ta đang ở trong một ngôi chùa.
Khi ta ra đến sân, tiếng trống im. Chỉ còn chuông buông từng tiếng rõ. Sau các cây, vòm trời tối, tiếng chuông đến từ phòng Đại Hùng Bảo Điện có những bức tường cao che bọc. Ta dò dẫm ra đến cửa của hành lang dẫn đến nhà ăn tập thể nhưng cửa đóng. Ta đi đến đầu kia của hành lang nhưng tay ta chỉ thấy một bức tường gạch. Ta là tù nhân, giam trong cái sân bị các bức tường đóng kín lại. Ta gọi nhiều lần nhưng uổng công.
Tối qua, ta nài nỉ được trú tại trong chùa Quốc Thanh. Các hòa thượng đang nhận bố thí của khách đến thắp hương đã đưa mắt nhìn ta, thảy đều như ngờ vực lòng mộ đạo của ta. Ta ngoan ngoãn ở lại cho tới lúc đóng cửa. Cuối cùng các hòa thượng đã thỉnh vị lão hòa thượng chủ trì rồi bố trí cho ta vào trong cái sân ngang ở sau chùa.
Ta không muốn bị giam hãm, ta không muốn không vi phạm các nghi lễ Phật giáo trong ngôi chùa lớn đã hơn một nghìn năm này không hề ngừng hương lửa, có còn duy trì phép tắc của tông phái Thiên Đài 1 không. Trở lại sân, ta nhìn thấy một tia sáng lọt qua một cái khe ở trong góc nhà. Lần mò, ta phát hiện ra một cửa nhỏ và ta mở nó ra chẳng hề được phép. Thấy rõ đâ là cửa Phật, không có cấm địa.
Sau bức bình phong là phòng đọc kinh nho nhỏ, mấy cây nến chiếu sáng và khói hương cuồn cuộn xâm chiếm gian phòng; trước ban thờ treo một miếng gấm mầu tím thêu dòng chữ lớn: "Đột ngột bát hương nóng" khiến ta động tâm, tựa như một khải thị. Người ta có thể nói là một mặc khải. Để chứng tỏ ý mình trong sáng, không đến do thám bí mật của các thầy tu, ta bèn đàng hoàng tự chiếu sáng cho ta bằng cây nến. Những bức tự họa cổ treo trên bốn bức tường; không bao giờ ta ngờ tới một ngôi chùa lại có một nội thất tinh tế thanh nhã đến thế này, có thể đó là nơi vị Đại pháp sư khởi cư. Ta hơi xấu hổ vì đã dám lọt vào đây nhưng ta quá mong muốn kiểm tra xem người ta có còn giữ ở đây các bản viết tay của hai hòa thượng nổi tiếng đời Đường Bàn Sơn và Tháp Đắc hay không. Ta đặt cây nến xuống rồi rời căn phòng đi về phía tiếng chuông.
Thế là đây, ta đang ở trong một sân khác, những ô buồng con con quây lấy nó, chắc là phòng của các thầy tu, bên trong cũng đều sáng lấp lóa ánh nến. Bất chợt một thầy tu mặc áo dài đen đi ngang sau lưng ta. Thoạt đầu giật mình rồi ta hiểu ông chỉ đường cho ta. Theo ông, ta đi qua nhiều hành lang. Thình lình ông biến mất. Bối rối, ta tìm một nơi nào đó được chiếu sáng hơn. Ta sắp bước qua một ngưỡng cửa thì ngẩng đầu, ta phát hiện ra một vị Hộ Pháp kim cương, cao bốn năm mét, vung về ta cái trùy, hai mắt trợn lên giận dữ. Ta sợ lạnh toát người.
Ta vội bỏ ra xa rồi tiếp tục đi lần mò trong một hành lang. Qua một cửa tròn có ánh sáng lọt tới le lói, ta tình cờ đến khu sân bát ngát ở trước gian Đại Hùng Bảo Điện. Một con rồng lam canh gác ở mỗi góc mái có hai đầu đao cong vểnh lên trời; chính giữa một tấm gương tròn lấp lóa. Trong bao la của đêm tối sắp bình minh, ở giữa những tùng bách, sự xuất hiện này có một cái gì đó kỳ ảo.
Trên sân trời cao, đằng sau bát hương đồng đồ sộ, cả nghìn cây nến long lanh, tiếng chuông âm trầm làm không gian lay động. Một vị sư trong chiếc áo dài đen đẩy một cây gỗ to tướng treo trên giá, chuông không xê dịch một ly, cái dùi đánh vào quả chuông, âm thanh xuất ra như do cảm ứng từ nền đất lên ngược tới các rui kèo để rồi xoáy cuốn ra ngoài ngôi chùa. Ta hoàn toàn mê hoặc trong sóng âm thanh.
Các thầy tu lần lượt thắp hai hàng nến để ở trước mười tám vị La Hán, rồi cắm hương vào bát hương. Hình bóng họ nhòa lại thành một khối nhờ nhờ đen đồng loạt xê dịch một cái bóng đến trước những tấm chiếu có trang trí những hoa văn khác nhau rồi mỗi người an vị vào một chỗ.
Sau đó trống đánh hai hồi, hàng tràng trống rền làm ruột gan đảo lộn hết. Chiếc trống dựng ở bên trái chùa, trên một bệ cao hơn đầu người, nhô lên khỏi đầu người thầy tu đang lom khom cúi xuống đánh trống ngoài bậc sân trời. Ông là người duy nhất không mặc áo dài đen mà mặc áo ngắn, quần và đi dép gai. Ông giơ tay cao lên trên đầu.
Cắc cắc.
Tùng! Tùng!
Ông lại bắt đầu lại.
Cắc cắc.
Lúc tiếng chuông cuối cùng tan đi thì trống dội vang lên dữ dội, làm rung cả đất dưới chân. Lúc đầu người ta còn nhận ra từng tiếng một nhưng tiết tấu tăng nhanh dần và tiếng trống chỉ còn là một trậm sấm rền khiến tim trong ngực và màu trong huyết quản đều rung chuyển hết. Tiếng trống lại càng mạnh thêm lên, bạn bị ngạt thở vì nó, rồi một tiết tấu êm ả, rõ ràng, sắc nhọn hơn bắt đầu lướt chồng lên những tiếng trống khua rền trước đó!
Người đánh trống là một vị sư có tuổi gầy gò. Ông không dùng dùi. Chỉ thấy riêng gáy ông bóng nhẫy giữa đôi vai trần là động đậy. Ông dùng cả đến cườm tay, ngón tay, quả đấm, cùi chỏ, cổ tay, đầu gối và thậm chí bàn chân để đánh, vuốt, mơn man, vỗ vê,phải gõ nắn lên chiếc trống. Người ta có thể nói đó là một con tắc kè dán hết thân hình nó vào mặt da trống.
Trong tiếng ầm đinh tai nhức óc bỗng ngân lên tiếng chuông mảnh dẻ đến nỗi thoạt tiên người ta ngỡ nghe lầm, nó như sợi dây vô hình trong gió lạnh buốt, nó như tiếng dế rúc giữa đêm thu. Nó thoảng qua quá nhanh, gần như đáng được thương tiếc nhưng trong giữa cái mớ âm thanh ồn ào, nó vẫn tự phân biệt được ra nó trong trẻo đến mức không thể ngờ rằng nó đã tồn tại. Rồi đến tiếng nhạc ghẹo cợt của mõ cá với những âm lượng vô cùng tận, buồn, cô đơn, trong veo, chói lói, sau đó âm thanh khỏe của các nhạc cụ đá hòa lẫn vào. Rồi tất cả quyện lại thành một bản giao hưởng duy nhất, mênh mang.
Ta muốn biết những tiếng chuông ấy từ đâu đến. Cuối cùng ta phát hiện ra bậc cao tăng Cực lão. Người tuổi rất cao, mặc áo dài đã sờn và vá chằng đụp, tay trái cầm quả chuông nhỏ và tay phải cầm chiếc đũa sắt thanh mảnh. Người vừa cho thanh đũa lướt khẽ vào làn khói hương. Âm thanh như tấm lưới ngư phủ tung ra, bao bọc tất cả vào trong chất nhạc của nó, chẳng người nào thoát khỏi. Sự kích động và hãi hùng bóp nghẹt ta lập tức liền được xóa.
Có thể đọc thấy trên các hoành phi câu đối treo trong gian sảnh lớn của ngôi chùa. "Trang nghiêm quốc thổ" và "lợi lạc hữu tình". Những bức rèm rủ từ trần xuống. Ngồi ở giữa chốn đó, người ta chợt mất đi mọi thứ hư vinh hợm hĩnh, chỉ cảm thấy trong mình một thứ từ bi nhuốm với dửng dưng, những dặt vặt của cõi trần này biến đi trong chớp mắt, thời gian thình lình như đông cứng lại.
Ta không biết chuông im lúc nào. Bậc Cực lão cao tăng vẫn lắc quả chuông trong khi hai môi mím chặt của người buông ra vài câu kinh không rõ rệt, làm cho đôi má hóp và cặp lông mày ngả bạc rung rung. Các sư đủ mọi lớp lớn nhỏ đoc kinh theo nhịp chiếc chuông con. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười.... chín mươi chín vị sư rồng rắn đi theo bậc Cực lão cao tăng, vừa tụng kinh vừa quay quanh tượng Phật dựng ở trung tâm chùa. Ta hòa vào với họ, hai tay chắp lại, niệm A di đà Phật. Ta còn nghe thấy một âm thanh khác rất rõ nữa, đó là tiếng nói cất lên từ cái khối vang động này mỗi lúc câu kinh sắp chấm dứt. Hãy còn nhiệt tình chưa bị dập tắt, hãy còn có linh hồn vẫn bị dày vò.
--------------------------------
1 Tông phái Thiên Đài xây dựng vào thế kỷ 6 trên núi Thiên Đài ở Triết Giang là một trong những tông phái Phật Giáo quan trọng nhất của Trung Quốc.